Tin tức

Nước Việt thời Hai Bà Trưng

NƯỚC VIỆT THỜI HAI BÀ TRƯNG

LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC*

Thời Hai Bà Trưng địa giới nước ta như thế nào thì sử ta lâu nay viết mù mờ, thậm chí viết sai. Nước ta có sử bắt đầu từ giữa triều nhà Lý, thế kỷ XI, XII, nên mọi chuyện xảy ra trước đó cả ngàn năm, người viết sử nước ta chỉ biết dựa vào sử Tàu. Mà ngày nay ta đã biết, sử Tàu chỉ tập trung viết về họ, còn đối với các lân bang mà họ cho là man di mọi rợ thì họ viết đại khái. Chủ yếu sử Tàu đứng trên quan điểm nước họ, viết những gì có lợi cho họ, bỏ qua rất nhiều những gì không có lợi cho họ. Sử Tàu viết về các nước nhỏ lân bang rất thiếu sót mà đặc biệt là uốn nắn sao cho có lợi cho họ nhất, bỏ qua nhiều sự thật lịch sử. Các khuôn mặt sử gia kinh điền nước ta như Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn... cũng không thoát được “kiểu viết sử bá quyền” trong sử Tàu. Vì thế, sử Tàu đã bỏ qua nhiều sự kiện trọng yếu liên quan đến nước ta và có quá nhiều điều không đúng sự thật về nước ta. Các sử gia của ta chép lại nguyên xi sử Tàu viết về nước ta thì phải soát xét lại, đối chiếu với tư liệu dân gian, tư liệu khảo cổ học cận hiện đại để làm bật ra sự thật lịch sử của nước ta như nước Nhật đã làm.

Chúng tôi khẳng định rằng, nước ta thời Hai Bà Trưng rất khác với những gì mà sử Tàu và sử ta đã viết. Nước ta thời ấy bao gồm bốn quận là Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, bao gồm miền đất từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đến núi Thạch Bi, ranh giới hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hiện nay.

Một ngàn năm bị Bắc thuộc là một thời kỳ rất dài trong lịch sử nước ta. Thời kỳ lâu dài ấy, nước ta chưa có sử viết, chỉ có sử Tàu viết. Tất nhiên không thể tin hết những gì mà sử Tàu viết về nước ta, nhưng bằng cách vận dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, làm cuộc so sánh đối chiếu thì trong mớ bòng bong đầy mâu thuẫn của sử Tàu viết về nước ta, chúng ta có thể phục hiện bức tranh lịch sử nước ta gần với sự thật hơn cả.

o0o

Nhà Hán đánh chiếm nước Nam Việt của nhà Triệu, rồi chia nước Nam Việt ra làm 9 quận trực trị, trong đó có 4 quận thuộc nước Âu Lạc của An Dương Vương là Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.

Khi vừa giành được độc lập, thời Ngô, Đinh, nước ta bị mất hơn hai quận, chỉ còn một quận là Giao Chỉ và khoảng  một nửa quận Cửu Chân, tức mất hơn một nửa nước thời vua An Dương Vương và Hai Bà Trưng.

Nước Đại Cồ Việt thời Nhà Đinh, chỉ còn bao gồm Đồng bằng sông Hồng và khoảng một nửa miền Bắc Trung Bộ, Khi ấy, quận Hợp Phố [1] ở phía Đông Bắc đã thuộc Trung Hoa (nhà Nam Hán), Hai Bà Trưng đã lấy lại toàn bộ nước ta thời vua An Dương vương, trong đó có quận Hợp Phố và phần đất phía Nam, để rồi sáu đó lại bị mất theo triều đại của Hai Bà. Quận Hợp Phố bị mất vĩnh viễn từ đó. Hiện vẫn còn đền thờ Hai Bà Trưng trên địa bàn quận Hợp Phố ngày xưa, nay thuộc tỉnh Quảng Tây.

Nước Đông Ngô thời Tam Quốc bố trí Giao Châu gồm bốn quận là Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Tất nhiên, khi phân chia quận, chính quyền cai trị phải căn cứ vào hai yếu tố là diện tích và dân số, phải làm sao cho không quá chênh lệch nhau về diện tích và dân số giữa các quận.

Sách ”Hán thư” đã ghi tỉ mỉ như sau:

QUẬN GIAO CHỈ

Quận Giao Chỉ, năm thứ 6 niên hiệu Nguyên Đỉnh thời Hán Vũ đế mới có tên này. Có 92.440 hộ, 76.237 khẩu. Gồm 10 huyện: Luy Lâu (có ải Tu Quan), An Định, Cẩu  Lậu, Mi lãnh (theo chế độ Đô úy trị), Khúc Dương, Thử Đới, Kê Từ, Tây Ư, Long Biên, Chu Diên].

QUẬN HỢP PHỐ

Quận Hợp Phố, năm thứ 6 niên hiệu Nguyên Đỉnh thời Hán Vũ đế mới có tên này. Thời Vương Mãng gọi là Hoàn Hợp thuộc Giao Châu. Có 15.398. hộ, 78.980 khẩu. Gồm 5 huyện: Từ Văn (Cao Lương), Hợp Phố (có ải, thời Vương Mãng gọi là Hoàn Đình), Lâm Duẫn (theo đường thủy về hướng bắc vào Cao Yếu qua khỏi quận ba dặm, đi tiếp 530 dặm, thời Vương Mãng gọi là Đại Duẫn), Chu Lô (theo chế độ Đô úy trị).

QUẬN CỬU CHÂN

Quận Cửu Chân, năm thứ 6 niên hiệu Nguyên Đỉnh thời Hán Vũ đế mới có tên này. Có 52 dòng sông nhỏ, chu vi 8.560 dặmCó 35.743 hộ, 166.113 khẩu, có ải Giới Quan, gồm 7 huyện: Tư Phố (thời Vương Mãng gọi là V thành), Cư Phong, Đô Bàng, Dư Phát, Hàm V, Vô Thiết (theo chế độ Đô úy trị), Vô Biên (thời Vương Mãng gọi là Cửu Chân đình).

QUẬN NHẬT NAM

Quận Nhật Nam, thời Tần thuộc Tượng Quận đến năm thứ 6 niên hiệu Nguyên Đỉnh thời Hán Vũ đế mới có tên Nhật Nam, có 16 dòng sông, chu vi 3.180 dặm, thuộc Giao Châu. Có 15.460 hộ. 69.485 khẩu, gồm 5 huyện: Chu Ngô, Tỷ Cảnh, Lô Dung, Tây Quyển (các con sông đều chảy ra biển, có loại cây trúc có thể dùng làm gậy, thời Vương Mãng gọi là Nhật Nam đình), Tượng Lâm.

Chú ý là trong khi quận Giao Chỉ (đồng bằng sông Hồng) có trên 72.000 khẩu, thì quận Cửu Chân có trên 166.000 khẩu và quận Nhật Nam có trên 69.000 khẩu. Quận Nhật Nam có dân số gần bằng vùng Đồng bằng sông Hồng, cón quận Cửu Chân thì dân số gấp đôi, tương đương hai quận Giao Chỉ và Nhật Nam cộng lại. Từ đó thể suy đoán là diện tích hai quận Cửu Chân và Nhật Nam cộng lại phải lớn gấp ba vùng đồng bằng sông Hồng.

Sách ”Nam sử” viết rằng Mã Viện sau khi bình định xong đội quân của Hai Bà Trưng thì thành lập huyện Tượng Lâm rồi cho trồng hai trụ đồng để định ranh giới đế quốc Hán. Mã Viện thành lập huyện Tượng Lâm tương tự như Nguyễn Hữu Cảnh thời chúa Nguyễn Phúc Chu lập phủ Gia Định năm 1698. Ở đó, dân Việt đủ đông, ruộng rẫy tề chỉnh, nơi ăn chốn ở đàng hoàng, quan lớn vi hành xem xét thấy đủ tiêu chuẩn thì cho tiến hành tổ chức thành đơn vị hành chính để quản lý.

Tổ chức đơn vị hành chính nơi miền biên giới thì đồng thời cũng tiến hành xác đinh ranh giới của quốc gia.

Sách Nam sử viết:

“Bên kia biên giới phía nam nước Lâm Ấp, theo đường bộ đường thủy hơn hai trăm dặm có vương quốc của người man di Tây Đồ. Mã Viện trồng hai trụ đồng để định ranh giới của nhà Hán”.

o0o

Trong thời bị Bắc thuộc, phía Bắc nước ta bị người Trung Hoa chiếm làm thuộc địa và ra sức đồng hóa. Dưới chế độ trực trị của đế quốc Hán, Mã Viện báo lên vua Quang Vũ nhà Đông Hán:

Mã Viện còn tâu rằng Việt luật có hơn mười việc khác hẳn với Hán luật và Mã Viện đã buộc người Việt từ bỏ chế độ xa xưa của họ. Từ đó, người Lạc Việt phải thực thi theo Hán luật”.

(Hậu Hán thư, tập thượng, tr. 561 bản chữ Hán)

Phía Nam nước ta trước cũng thuộc đế quốc Trung Hoa, nhưng về sau bị vương quốc Chàm từng bước lấn chiếm đẩy dần ranh giới giữa hai nước Việt - Chàm lên phía Bắc. Vương quốc Chàm đã chiếm hết quận Nhật Nam và gần một nửa quận Cửu Chân của nước ta. Điều dễ hiểu là với đế quốc Hán rộng lớn, trung tâm là Lạc Dương nay thuộc tỉnh Hà Nam, sát cạnh sông Hoàng Hà, thì một quận như quận Nhật Nam thuộc vùng sâu vùng xa, hệ thống cai trị ở huyện cuối về phía Nam của quận Nhật Nam là huyện Tượng Lâm tất nhiên là rất lỏng lẻo và yếu kém. Trong khi đó, vương quốc Chàm lại đang sung sức, thừa dịp nước ta bị xâm lược, bị tước quyền vũ trang, đã xua quân tiến hành lấn chiếm một cách liên tục, có hệ thống.

Vương quốc Chàm gồm tất cả có 16 vương triều. Ban đầu được hình thành ở miền Nam Trung Bộ

Ở phía Nam, vào năm 192 CN, nhà nước Champa được hình thành trong vùng các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, lệ thuộc vương quốc Phù Nam… Theo Coedès, thì người Chàm tiến hành cuộc tấn công này (miền Trung Trung Bộ) vào năm 193, có thể là người Chàm Hindou hóa. Vào năm 248, họ chiếm miền đất thuộc xứ Huế ngày nay”.

(Bernard Bourotte, Người Thượng cao nguyên Nam Đông Dương, bản tiếng Pháppage 10)

Nhưng không phải đợi đến năm 192 CN mới xuất hiện dân tộc Chàm. Ngay từ giữa thế kỷ I CN thời Mã Viện đánh chiếm nước ta lập ra huyện Tượng Lâm thì sách Nam sử đã cho biết:

“Bên kia biên giới phía nam nước Lâm Ấp, theo đường bộ đường thủy hơn hai trăm dặm có vương quốc của người man di Tây Đồ. Mã Viện trồng hai trụ đồng để định ranh giới của nhà Hán.

Như tất cả mọi dân tộc trên thế giới, trong một vùng miền, ban đầu có nhiều bộ tộc sống cạnh nhau, rồi đến một thời kỳ nào đó, trong số các bộ tộc ấy xuất hiện một viên thủ lĩnh kiệt xuất nhất trong số nhiều thủ lĩnh khác đứng lên thâu tóm tất cả lập thành một nhà nước. Từ khi cả miền ấy được tập họp thành một nhà nước chung thì sức mạnh tăng bội dẫn đến khuynh hướng gây hấn với lân bang để chứng tỏ sức mạnh mới của một vương quốc tổng lực.

Bi ký cũng chứng minh địa bàn hình thành vương quốc Chàm tại miền Nam Trung Bộ. Bi ký xưa nhất của nước Chàm được tìm thấy tại Võ Cạnh, một làng nằm phia tây thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có niên đại thế kỷ II - III CN. Bia viết rằng một vua Chàm là con hay cháu của vua thủy tổ Cri Mara lập bia. Do đó có thể xác định kinh đô thời lập quốc của nhà nước Chàm, vào cuối thế kỷ II là tại miền đất Nam Trung Bộ ngày nay.

Từ địa bàn ban đầu là Nam Trung Bộ, vương quốc Chàm đã từng bành trướng về mọi hướng. Bành trướng về phía nam và phía tây, ở Nam Bộ và Tây Nguyên họ đụng phải đế quốc Phù Nam rồi đế quốc Khmer dữ dằn quá nên không lâu sau là quân xâm lấn bị tiêu diệt hoặc bị đẩy lùi. Phía đông là biển Đông, thế là họ dồn sức mở rộng về phía bắc, nơi người Việt đang bị đế quốc Hán thống trị. Người Việt bấy giờ bị tước hết quyền tự vệ, còn quân đội thống trị trú đóng nơi vùng sâu vùng xa thì yếu kém.

“Thật sự, những người xin đi [hoặc được bổ nhiệm đi làm quan] chẳng bao giờ chú ý đến số phận của nhân dân tại chỗ, mà tự tung tự tác làm những việc thậm tệ và khi đã giàu rồi thì mong rời đi càng sớm càng tốt”.

(Georges Maspéro, Vương quốc Chàm, tr.93)

Miền cực Nam của An Nam đô hộ phủ quá xa kinh đô Lạc Dương không hề là nơi đáng quan tâm của các triều đại phong kiến Trung Hoa vốn thường xuyên bị các dân tộc du mục phía bắc cũng như nạn tranh giành quyền lực nội bộ đe dọa. Trong hơn một nghìn năm, người Việt không có quân đội của riêng của mình. Từ phía nam núi Thạch Bi, quân Chàm thừa thế người Việt tay không vũ khí, đã cướp phá, đánh đuổi người Việt suốt gần một ngàn năm. Đến đầu thế kỷ thứ III CN thì quân Chàm đã tiến chiếm hết miền Trung Trung Bộ và gần một nửa miền Bắc Trung Bộ từ núi Thạch Bi đến núi Hoành Sơn. Có thời kỳ họ đã chiếm  miền đất Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay.

Tượng thờ Hai Bà Trưng ở đền Đồng Nhân (Hà Nội)

Khi nước Đại Việt độc lập, quân Việt đã từng bước đẩy lùi họ về tận miền cực Nam Trung Bộ cho đến khi nước họ bị tiêu vong hoàn toàn.                      

Georges Maspéro cho biết:               

Người Chàm không ngừng tiến lên phía bắc. Năm 248, quân Chàm đánh các thành thị ở Cửu Chân, cướp bóc, phá tan tành mọi thứ, họ đánh tan đội thủy quân của thực dân Trung Hoa ở đó. Tôn Quyền phái Lục Dận làm Thứ sử Giao Châu. Để ngăn chặn người Chàm tiến quân, Lục Dận phải điều đình với họ. Họ rút lui nhưng vẫn đóng giữ Khu Túc (tức Huế)”.

(Georges Maspéro, Vương quốc Chàm, các tr. 90, 91

Nước Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm thuộc quận Cửu Chân thuộc Giao Châu. Theo sử gia Pháp Aurousseau thì Lâm Ấp là kinh đô Lâm. Lâm Ấp có nghĩa là xứ Tượng Lâm, miền đất Tượng Lâm, thủ đô Tượng Lâm, (xin xem từ ”Ấp” trong Từ điển Hán Việt của tác giả Thiều Chửu), tương tự với Lạc ấp là miền đất kinh đô của nhà Ân mà Võ vương nhà Chu đem làm đất phong cho Bàn Canh, con vua Trụ. Khu Liên là người Việt, con trai một viên công tào (chức lại chuyên văn thư cho chính quyền Bắc thuộc dùng người tại chỗ biết chữ Hán). Khu Liên lãnh đạo nhân dân liên kết với đồng bào dân tộc miền núi Trường Sơn nổi lên chiếm huyện Tượng Lâm lập thành nước Lâm Ấp. Cuộc khởi nghĩa này sau cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng 80 năm. Sau đó không lâu, nước Lâm Ấp bị vương quốc Chàm thôn tính. Ngày nay người miền Trung Trung Bộ còn đền thờ vua Khu Liên, tức vua Quang Chiếu. Đền thờ vua Quang Chiếu tại miền đông huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi ngày nay vẫn còn. Truyền thuyết vua Quang Chiếu còn lưu truyền suốt từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Phú Yên, địa bàn huyện Tượng Lâm, nước Lâm Ấp thời xưa.

o0o

Đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, Huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc

Sử Trung Hoa vẫn gọi người Việt là người Giao Chỉ. Ở đây không hề có ý chỉ riêng quận ”Giao Chỉ - Đồng bằng sông Hồng” mà chỉ toàn thể dân Việt.

Biên giới phía nam nước ta thời bấy giờ là núi Đồng Trụ mà Lê Thánh Tông cho đổi tên thành núi Thạch Bi là nơi Mã Viện cho trồng hai trụ đồng ghi dòng chữ:

Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”

Có thể hiểu ý nghĩa của dòng chữ trên: “Người Việt phải cố mà giữ biên giới này cho nhà Hán. Nếu mà quân bên kia núi tràn qua thì người Giao Chỉ bị diệt”. Hàm ý rằng, người Trung Hoa chỉ đến làm quan, có bề gì thì rút về nước, chỉ người Giao Chỉ bị làm nô lệ mà thôi.

Những quan lại do Triều đình Trung Quốc phái sang các quận thuộc địa thường không được chọn lọc kỹ, việc tuyển lựa rất khó khăn vì khó có ai xin đi làm việc ngoài ở biên ải xa xôi. Vì thế, khi có người vì hoàn cảnh gì đó xin đi thì vô luận quá khứ tiền án tiền sự như thế nào đều được bổ nhiệm cả. Thật sự, những người xin đi, chẳng bao giờ chú ý đến số phận của nhân dân tại chỗ, mà tự tung tự tác làm những việc thậm tệ và khi đã giàu rồi thì mong rời đi càng sớm càng tốt.

“Nhân dân tại chỗ bị quan Trung Hoa đánh thuế rất nặng, như Thái thú Hàn Tập đánh thuế từ 50% trở lên các sản phẩm xuất khẩu hoặc nhập khẩu bằng đường biển.

(Georges Maspéro, Vương quốc Chàm, tr.93)

Thực tế, thì quân bên kia núi đã tràn qua thật, chiếm mất quận Nhật Nam và gần một nửa quận Cửu Chân của nước ta, quan Tàu chạy hết về nước, chẳng mấy ai hề hấn gì. Nhưng người Việt đã không bị diệt mà còn quật khởi, đánh đuổi chính quyền phong kiến Trung Hoa và quân chiếm đóng Chàm ra khỏi đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, quận Hợp Phố coi như đã bị mất vĩnh viễn.

Chỉ riêng về mặt lãnh thổ, nhà nước ta vẫn còn nợ Hai Bà.


* Thư ký Hội đồng Giải thưởng Trần Văn Giàu

[1] Quận Hợp Phố nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, địa bàn ngày nay gồm ba thành phố  Khâm Châu, Bắc Hải, Ngọc Lâm.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6126855