Tin tức

PHÁP NHĨ NHƯ THỊ

PHÁP NHĨ NHƯ THỊ

MINH NGỌC

 

 

Với “Thôi Kệ”, “Thế à”, “Vậy sao”,  “Tùy duyên”… thì “Pháp nhĩ như thị” là câu nói quen thuộc trong chốn Thiền môn thường hay nói đến, như bày tỏ thái độ bình thản, an nhiên, sáng suốt nhận ra sự việc đã xảy ra trước mắt, đồng thời an ủi động viên bản thân. Vì sao? Vì hiểu rõ tướng thật của các pháp, quy luật vận hành tất yếu của chúng, nên tâm tư chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, sợ sệt hay xao xuyến.

Pháp Nhĩ Như Thị nghĩa là pháp vốn là như thế, như vậy, như thật, như như, như nó đang là, Như Lai… Mở quyển kinh đọc, phần đầu chúng ta thấy ngay, bốn chữ “Như thị ngã văn”, (Tôi nghe như vầy); Pàli: Evam me sutam. “Như thị” ở đây có nghĩa là “như vậy”, “như thật”, một lời tuyên bố xác tín chứng thực của A Nan-một vị thị già của Phật có trí nhớ siêu việt: Những lời tôi nói “như vậy” là đúng “như thật” lời Phật dạy. Mà đây được xem là Tín thành tựu, trong 6 thứ thành tựu một bản kinh (Tín, Văn, Thời, Chủ, Xứ và Chúng). Tương truyền trước khi đức Phật nhập diệt, Ngài đã dặn A nan rằng, Kinh tạng do Ngài tuyên thuyết trong một đời, đều phải đặt ở đầu kinh câu: Evam me sutam, Hán dịch là “Như thị ngã văn”. Đó là nói về những lời nói, hành động, ý nghĩ tức khẩu giáo thân giáo và ý giáo của đức Phật đã thực hiện, nay A nan tường thuật lại nên nói “như vậy”.

Pháp là nói chung các pháp hữu vi, có hình tướng, và ngay cả tâm thức. Chúng hiện hữu như vậy, vận hành như vậy, chúng sanh trụ dị diệt như vậy, thành trụ hoại không như vậy, sanh lão bệnh tử như vậy, đến đi như vậy, và như vậy chúng dựa vào nhân duyên mà sanh, trụ… như vậy, không cần bàn cãi, không cần phân tích, nhất là dính mắc vào chúng. Trong Kinh Phật Tự Thuyết thuộc Kinh Tiểu Bộ 1, đức Phật dạy:

“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt

Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt

Do cái này sinh nên cái kia sinh

Do cái này diệt nên cái kia diệt”.

Trong Kinh Pháp Hoa có nói:

“Thị pháp trụ pháp vị

Thế gian tướng thường trụ”, nghĩa là “Pháp ấy trú ở vị thế của pháp ấy, tướng thế gian thường trú như vậy”.

Trong kinh Bát đại nhân giác, thì lại nói “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã” hoặc trong kinh Kim Cang nói “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (phàm các pháp có tướng trạng đều là giả dối). Phải chăng mâu thuẫn với kinh Pháp Hoa: Thế gian tướng thường trụ?!

Thật ra chẳng có gì mâu thuẫn. Thế gian này là vô thường, không tồn tại mãi, những gì có hình tướng cũng đều phải tan hoại, có gì là thật, là bền vững đâu! Vì sao? Vì chúng đều do nhân duyên sanh, mà trụ. Cho nên, tính “duyên khởi” là thường, tính “vô thường” là thường, vì không thề khác được. Kinh Pháp Hoa nói “tướng thế gian thường trụ”, chữ “thường” đây phải hiểu là tính “nhân duyên sanh”, tính “duyên khởi”, chứ không phải tính thường hằng.

Vậy, pháp nhĩ như thị là pháp vốn do nhân duyên sanh, không có gì là bất biến, trường cữu, đủ duyên hòa hợp thì sanh, hết duyên thì hoại diệt. Thế thì tại sao chúng ta phải bám víu vào chúng mà vui, buồn, giận, hờn, oán trách… khổ đau?!

Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện nói đến 10 loại Như thị (như vậy): Tướng, tính, thể, lực, tác, nhân, duyên, quả, báo, bản, mạt cứu kính như vậy, mà nhờ đây chúng ta có thể nhìn thấu suốt được thực tướng của các pháp. Chẳng hạn, mùa xuân thì tướng là cây cỏ đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái, tính ôn hòa, ấm áp v.v… đến mùa hạ thì nóng nực, cây cối tăng trưởng, mùa thu thì mát mẻ, vạn vật thâu lại, mùa đông thì lạnh lẽo, cỏ cây tàn lụi… rồi tiếp lại đến mùa xuân… cứ như vậy mà tuần hoàn theo quy luật tự nhiên của các pháp. Bởi thế, cho nên dưới con mắt người tu Phật thì chẳng buồn khi nó mất, chẳng vui khi nó hiện, chẳng lo sợ khi vẫy tay chào tạm biệt. Vạn Hạnh Thiền sư đã từng nói:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô 身如電影有還無

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô  萬木春榮秋又枯

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy       任運盛衰無怖喂

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.  盛衰如露草頭鋪

“Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời

Sá chi suy thịnh việc đời

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành”.

Mật Thể (Việt Nam Phật Giáo Sử Lược)

Các pháp vốn là Nhân như vậy, Quả như vậy. Mùa xuân là quả của mùa đông như Thiền sư Hoàng Bá Hi vận đã nói:

“Nhược bất nhất phiên hàn triệt cốt  若不一番寒徹骨

Tranh đắc mai hoa phốc tị hương”.   爭得梅花馥鼻香

“Nếu chẳng một phen sương ướt lạnh

Hoa Mai đâu dễ ngửi mùi hương”.

Thích Thanh Từ (Xuân trong cửa Thiền)

… Và mùa xuân lại là nhân của mùa thu, và mùa thu là… nhân… là quả, quả là nhân, nhân là quả, như vậy trùng trùng duyên khởi. Trong quả có nhân, trong nhân có quả “trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” (Xuân Diệu) mà!

Gần đây, thế giới nóng lên bởi nhiều mâu thuẫn, con người sát hại lẫn nhau mất cả tính người, đạo đức luân lý đảo ngược: mẹ đốt con, chồng đốt vợ, giết người chặt đầu, cứa cổ còn dễ hơn cắt cổ con gà, xong rồi cưa ra từng khúc v.v… nhiều người lo sợ trái đất này đến hồi tận thế chăng? Chiến tranh toàn cầu chăng? Nhân loại diệt chủng chăng? Làm chúng ta liên tưởng một đoạn trong kinh A hàm: “…cõi Ta-bà sau này, tâm con người càng ngày càng độc ác, họ bỏ qua mười nghiệp thiện luôn tạo mười nghiệp ác. Do đó, tuổi thọ của chúng sanh giảm dần xuống  đến cuối cùng còn mười tuổi thì đức Phật Di-lặc ra đời. Khi nghiệp ác nhiều thì tuổi thọ theo đó mà giảm…  Lúc đó thế giới sẽ có những tai nạn  đao binh. Đao binh  ở  đây không phải là người ta giết chết nhau, mà chính những lá cây cỏ cũng có thể biến thành gươm bén. Chúng ta bị chặt bị cắt mà chết. Qua tai nạn đao binh đó tới tai nạn tật dịch tức là đau ốm bệnh dịch. Vì vậy, đại đa số dân chúng trên thế giới này chết mòn chỉ còn sót lại một ít người tu hành ẩn trên núi trên non. Họ còn sống thừa lại. Khi họ sống qua cái thời gian chết đó rồi, họ tìm thấy bà con dòng họ của họ chết hết, chỉ còn sót lại lưa thưa vài người, lúc đó, họ mới biết rằng từ hồi  đó tới giờ dòng họ mình làm điều ác, bây giờ mới bị quả báo chết như vậy. Cho nên họ nỗ lực tu mười  điều thiện lại. Khi bắt đầu tu mười điều lành thì tuổi thọ họ tăng, cứ một trăm năm thì tăng lên một tuổi. Đến bao giờ tuổi thọ lên đến sáu mươi bốn ngàn tuổi, lúc đó dân chúng đông đảo thuần hậu, làm lành thì Phật ra đời ở dưới cội cây Long Hoa gọi là hội Long Hoa”.

Ấy tức là nhân như vậy, duyên, quả, báo, thể, lực, tác, tướng. tính, từ đầu đến cuối rốt ráo như vậy. Chẳng có ai, có gì sắp xếp chúng được, mà chỉ là tính Duyên Khởi: “Do cái này có nên cái kia có…cái này diệt nên cái kia diệt” mà thôi! Cho dù đức Phật có sống lại, thì Ngài cũng chỉ mỉm cười, làm thinh như đã từng làm với đại dệ từ Ca diếp thôi!”.

Biết “Pháp nhĩ như thị”, thì chúng ta biết nỗ lực chuyển hóa tâm hồn từng niệm niệm sát na, từng giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm, kiếp sống này như vậy, để có thể được “còn sót lại một ít người tu hành ẩn trên núi trên non. Họ còn sống thừa lại” như vậy!

Được chứ! Vì “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai” (Mãn Giác Thiền sư). Đâu cứ gì là Xuân, bởi Pháp vốn là như vậy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 69
    • Số lượt truy cập : 6346011