Tin tức

THÁNG BẢY VU LAN

THÁNG BẢY VU LAN

 

Tin ảnh : TRÍ BÁ

 

Thượng tọa Giảng sư Thích Trí Chơn

 

Tối 22-8-2018, tại Giảng đường Chánh Trí Chùa PH Xá Lợi, Thượng tọa Giảng sư Thích Trí Chơn, Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Chánh đại diện Phật giáo Quận 12, Trụ trì Tu viện Khánh An, Q12, TP HCM đã có buổi thuyết pháp với chủ đề  “Tháng bảy Vu Lanˮ trong Chương trình Pháp hội Vu Lan PL 2562.

Theo Giảng sư, Vu Lan là lễ báo hiếu xuất phát từ việc Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ. Tôn giả Mục Kiền Liên là một đệ tử lớn của đức Phật, và được suy tôn là bậc thần thông đệ nhất. Sau khi chứng quả A la hán, Ngài dùng thiên nhãn quan sát khắp các cõi sống thì thấy mẹ mình đang bị nạn đói khát dày vò trong cõi sống quỷ đói. Tôn giả bèn cầm bát cơm xuống cõi quỷ đói đưa cho mẹ. Mẹ cầm lấy bát cơm đưa vào miệng, thì cơm hóa thành than hồng cháy đỏ không tài nào ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên rất đau khổ không biết làm sao được, bèn trở về xin Phật ra tay cứu giúp. Đức Phật bày cho Tôn giả Mục Kiền Liên nhân ngày rằm tháng bảy sau lễ an cư kiết hạ và tự tứ của chúng Tăng tổ chức cúng dường đức Phật và chúng Tăng mười phương, nhờ vào sức mạnh chú nguyện của đức Phật và chúng Tăng mười phương thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được. Vì sao chư Tăng có sức mạnh đó? Vì sau an cư kiết hạ, tâm chư Tăng đã được thanh tịnh, nhờ vào sự hòa hợp trong Tăng đoàn và pháp Tự tứ.

Hòa hợp là tụ họp với nhau trong thuận thảo, không tranh chấp, không xung đột. Hòa hợp của chư Tăng dựa vào pháp Lục hòa:

1. Thân hòa cộng trụ, là trên phương diện sinh hoạt hằng ngày trong một tổ chức, chúng ta cùng sống “chung trong một tập thể, thường nên chiếu cố giúp đỡ lẫn nhau.

2. Khẩu hòa vô tránh, đứng trên phương diện giao tiếp chỉ bảo qua ngôn ngữ lời nói lẫn nhau, luôn luôn thể hiện tinh thần khuyến khích khuyên bảo cùng nhau làm thiện, dứt trừ làm ác.

3. Ý hòa đồng sự, là đứng trên phương diện tư tưởng, lúc nào cũng tôn trọng và ái kính ý kiến người khác, nếu tư tưởng ý kiến đó là đúng, còn nếu không thì hãy cùng nhau bàn bạc cho ra lẽ và vui vẻ chấp nhận.

4. Giới hòa đồng tu, là chúng ta cùng sống chung trong một tập thể, lúc nào chúng ta cũng nên tuân thủ cùng nhau tu tập theo giới luật chung đã được đặt ra.

5. Kiến hòa đồng giải, là kiến giải có được về chân lý, hay lý đạo đã thông xin chia sẻ cùng mọi người, cùng nhau tu tập.

6. Lợi hòa đồng quân, là tất cả mọi thứ của cải vật chất có được từ sự hỷ cúng của các thí chủ được chia đều cùng nhau một cách bình đẳng một cách hợp pháp, có nghĩa là bình đẳng trong đồng đẳng.

Còn về pháp Tự tứ, hằng năm sau 3 tháng kiết hạ an cư, chư tăng làm lễ tự tứ vào dịp Vu lan. Tự tứ là sau khi kết thúc an cư, mỗi vị tỳ kheo phải tự nguyện đưa mình ra trước đại chúng, nhờ các vị đồng phạm hạnh chỉ cho biết những lỗi lầm ta đã phạm phải mà các vị ấy đã thấy, nghe hoặc nghi. Nếu tự mình kiểm điểm thấy đúng sự thật, ta sẽ thành khẩn sám hối để được thanh tịnh. Vượt lên trên những cách xử trí của thế thường, hàng xuất gia áp dụng phương thức Tự tứ một cách tinh tế và đầy lòng vị tha. Tự tứ là nhằm mục đích xây dựng Tăng đoàn có một đời sống cao khiết, thanh tịnh và an lạc thực sự. Bởi vì, Tăng đoàn là một tập thể sống hòa hợp, vô ngã, theo đuổi một mục đích tối thượng là giác ngộ và giải thoát. Mà muốn thực sự giải thoát giác ngộ thì nỗ lực đoạn trừ tận gốc ngã chấp và ba độc tham sân si. Thế nên 3 tháng an cư là khoảng thời gian lý tưởng nhất để tu tập, dẹp trừ các chướng ngại ấy. Và nếu như chưa dẹp trừ tận gốc, thì ít nhất cũng trấn áp được chúng đến một mức độ nào đó để giành lấy quyền tự chủ. Khi đã có tự chủ, ta sẽ dễ dàng hành động theo một chiều hướng vô ngã, không cố chấp, với một tấm lòng vị tha, có trí tuệ sáng suốt soi đường.

Giảng sư cũng lưu ý hàng Phật tử, không có bất cứ vị thánh thần nào có thể cứu độ vong linh người đã khuất. Chỉ có chư Tăng mười phương tập họp lại sau an cư, tâm thanh tịnh, hòa hợp mới có thể giúp cho vong linh siêu thoát.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi thuyết pháp.

 

Cung thỉnh Thượng tọa lên pháp tòa

Niệm hồng danh Đức Phật

Lắng nghe giảng pháp

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 46
    • Số lượt truy cập : 6966905