THUYẾT PHÁP CHỦ ĐỀ “PHẬT ĐẢN SINH”
THUYẾT PHÁP CHỦ ĐỀ “PHẬT ĐẢN SINH”
Tin ảnh: NHUẬN KIÊN
Hòa thượng Thích Giác Hạnh
Tối ngày 28/5 (nhằm ngày 14/4 Mậu Tuất) trong Chương trình Pháp hội Phật đản PL 2562, tại Chùa Phật học Xá Lợi, Hòa thượng Thích Giác Hạnh - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Giảng viên Ban Hoằng Pháp Trung ương, Phó Ban Trị sự tỉnh hội Phật Giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã đến thuyết pháp nhân ngày Đức Bổn sư Thích ca Mâu Ni ra đời. Đông đảo Phật tử đã đến tham dự.
Qua thời pháp gần 120 phút, Hòa thượng đã chia sẻ ngày lịch sử, ý nghĩa sự kiện Đức Phật đản sinh, khi Hoàng hậu Ma Da nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà từ hư không giáng xuống chui vào bên hông phải của Hoàng hậu, sau đó Hoàng hậu thọ thai Thái tử. Gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa, đoàn tỳ nữ theo hầu Hoàng hậu dạo cảnh Lâm Tỳ Ni, đi đến gốc cây Vô ưu thấy trên cành có một đóa hoa nở đẹp và thơm, Hoàng hậu đưa tay hái hoa thì chính lúc đó đản sanh Thái tử.
Sau khi rồng phun nước tắm Thái tử, trời Đế thích rải 7 đài hoa sen, Ngài bước từng bước trên mỗi đài hoa sen, Ngài đi 7 bước rồi đứng lại, tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất rồi cất tiếng dõng dạc: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn”, với nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có cái ta chân thật là đáng quý. Trong giờ phút này, trời quang mây tanh, có mưa hoa muôn sắc tỏa ngát hương thơm, đại địa chấn động. Trên hư không chư thiên trỗi nhạc đón chào. Ngài là một bậc đại giác thị hiện trên đời với con người bằng xương, bằng thịt cho mắt trần chúng ta thấy được. Ngài đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp nên tiên A Tư Đà xem tướng rồi cho biết, nếu Thái tử ở đời thì làm một bậc Chuyển luân thánh vương, nếu đi tu sẽ thành bậc Đại giác, có tính siêu việt giống như đoá hoa Vô ưu mấy ngàn năm mới nở một lần.
Ngài ở trên đỉnh cao quyền lực, nhưng chẳng đam mê lạc thú trần gian, quyết định ra đi tìm đạo. Trước khi xuất gia, Ngài dạo qua bốn cửa thành thấy cảnh già, bệnh, chết và một đạo sĩ. Từ đó, Ngài trầm tư về lẽ sống chết, về thân phận của kiếp người.
Đạo Phật có tư tưởng xuất thế gian, nhưng chủ trương tốt đạo đẹp đời để cứu khổ chúng sinh. Trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm lịch sử, đạo Phật chưa từng gây ra cuộc thánh chiến nào cả, vì đạo Phật là đạo của hòa bình, đạo Phật là đạo của con người, vì con người mà thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì thế, đến ngày 15/12/1999 Đạo Phật được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là Tôn giáo Văn hoá Thế giới, còn gọi là Đại lễ Tam hợp: Ngày Phật đản sanh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật nhập Niết-bàn. Ngày lễ Phật Đản của cả thế giới được Liên Hợp Quốc bảo trợ và gọi là Đại lễ Vesak. Đất nước Việt Nam chúng ta được vinh dự tổ chức Đại lễ Vesak 2 lần vào năm 2008 và năm 2014 tại Thủ đô Hà Nội.
Như vậy, Đức Phật ra đời đem lại niềm hạnh phúc lớn cho nhân loại nói chung và cho đệ tử của Ngài nói riêng, bao gồm cả Phật tử xuất gia và Phật tử tại gia. Ngài chỉ cho chúng sinh con đường quay về tìm nhận ra chân tính, Phật tính vốn có của mình. Nếu chúng ta tìm được Phật tính đó có nghĩa là chúng ta đã tìm lại được chính mình. Đó mới chính là niềm hạnh phúc vĩnh cửu của con người mà chúng ta cần phải hướng tới. Nếu ngày nào chúng ta chưa tìm ra được Phật tính của mình thì có nghĩa là chúng ta vẫn còn chìm đắm trong biển khổ luân hồi.
Tùy thuộc vào căn cơ, nhân duyên của từng người, chúng ta có thể lựa chọn cho mình một pháp môn tu học phù hợp với mình nhất, nhưng tựu chung lại là làm thế nào để chúng ta có thể thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Dưới đây là vài hình ảnh về buổi thuyết pháp.
Bình luận bài viết