Tin tức

TÌM HIỂU VỀ NGHIỆP TRONG PHẬT GIÁO

TÌM HIỂU VỀ NGHIỆP TRONG PHẬT GIÁO

 

Tin ảnh: TRÍ BÁ

 

Cư sĩ Minh Ngọc

 

Sáng 12/05/2018, tại Chùa Phật học Xá Lợi, Cư sĩ Minh Ngọc, đã có buổi nói chuyện về đề tài “Tìm hiểu về nghiệp trong Phật giáo”. Các thành viên Ban Phật học Chùa Phật học Xá Lợi đã tham dự.

Mở đầu cư sĩ Minh Ngọc cho biết bài nói chuyện của ông dựa theo hai kinh “Kinh Tiểu nghiệp phân biệt” số 135 và “Kinh Đại nghiệp phân biệt” số 136 trong “Trung Bộ kinh” . Hai bài kinh này tương đồng với kinh Hán tạng là “Kinh Anh vũ” số 170 và “Kinh Phân biệt đại nghiệp”số 171 trong “Kinh Trung A hàm”.

Trong kinh “Kinh Tiểu nghiệp phân biệt” , đức Phật giải thích sự khác biệt nhau về cuộc sống của con người chính là sự khác biệt về nghiệp. Nghiệp chính là chủ nhân phân chia sự sống của con người có sự sai khác. Nghiệp tiếng Phạn là Karma, có nghĩa là hành động, hành vi, hay sự tạo tác. Ở đây, hành vi tạo tác có hai trường hợp, tạo tác có ý thức và tạo tác vô ý thức. Theo Phật giáo, tạo tác không có ý thức không thể gọi là nghiệp, chỉ có hành vi tạo tác có ý thức mới thành nghiệp. Như vậy, cái gọi là nghiệp là hành động có ý thức, vì ý thức giữ vai trò chỉ đạo. Hành động nào mang một ý thức tốt đẹp thiện, thì hành động ấy sẽ mang lại một kết quả tốt đẹp.

Đức Phật đã giải thích sự khác biệt giữa người sống lâu và người chết yểu, sự khác biệt giữa người đẹp kẻ xấu, sự khác biệt giữa người có địa vị và không địa vị, sự khác biệt giữa người giàu và kẻ nghèo. Qua đoạn kinh này, đức Phật muốn chỉ dạy rằng, con người là chủ nhân của tất cả hành nghiệp trong cuộc sống, cuộc sống mà chúng ta đang sống, đều do chính chúng ta tạo ra, không có một thế lực của Thượng đế có đủ quyền năng quyết định cuộc sống chúng ta. Ngài chỉ cho chúng ta biết, con người vốn có khả năng hiểu biết, sự hiểu biết đó là chủ nhân quyết định cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau cho đời sống hiện tại và ngày mai của chính mình.

Trong “Kinh Đại nghiệp phân biệt”, đức Phật trình bày bốn hạng người ở đời:

1. Có hạng người sống với sự sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, tham dục, có lòng sân hận, có tà kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

2. Có hạng người sống với sự sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, tham dục, có lòng sân hận, có tà kiến. Nhưng người này sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú thiên giới, cõi đời này.

3. Có hạng người sống với sự từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, không nói láo, không tham dục, không có lòng sân hận, có chánh kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào thiện thú thiên giới, cõi đời này.

4. Có hạng người sống với sự từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, không nói láo, không tham dục, không có lòng sân hận, có chánh kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Bốn trường hợp vừa nêu trên, đức Phật liệt kê bốn hiện tượng có thực trong cuộc sống của con người. Trường hợp thứ 1 và 3 là hai trường hợp có mối quan hệ giữa nhân và quả rất hợp lý, làm ác phải thọ nhận quả báo xấu, làm lành đưởng quả lành, là điều tất nhiên. Hai trường hợp thứ 2 và thứ 4, nếu chúng ta căn cứ luật nhân quả nghiệp lực trong Phật giáo để phán xét vấn đề, chúng ta thấy mối quan hệ về nhân quả không hợp lý, không công bằng, vì tại sao người làm ác, có tà kiến mà người ấy lại được sanh vào cõi lành. Ngược lại, người làm việc thiện có chánh kiến, nhưng sau khi người ấy mạng chung lại đọa vào cõi dữ, ác thú, thế thì vấn đề nhân quả nghiệp báo trong đạo Phật có giá trị gì trong cuộc sống? Ðây là những vấn đề mà trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường gặp, chính nó đã tạo thành những hoài nghi về qui luật nhân quả nghiệp báo trong đạo Phật. Dưới đây là cách giải thích của đức Phật đối với bốn trường hợp vừa nêu trên.

1.  Lý do người làm ác sanh vào cõi dữ

Ðối với trường hợp thứ nhất, đức Phật giải thích: Vì trong lúc sống người đã làm các việc ác, có tà kiến, trong lúc lâm chung vẫn giữ tâm tà kiến, tức không tin những lời dạy của Phật, là những chân lý của cuộc đời này. Do đó, người ấy phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục.

2.  Lý do người làm ác sanh vào cõi lành

Ðối với trường hợp thứ hai, đức Phật giải thích: Trong lúc sống, tuy người ấy làm những việc ác, có tà kiến, nhưng trong khi mạng chung người ấy sinh tâm hối hận về những việc làm ác trong quá khứ, lại có chánh kiến, tin tưởng những lời dạy của Phật. Do vậy, người ấy không sinh vào cõi dữ, ngược lại sinh vào cõi lành.

3.  Lý do người làm lành sanh vào cõi lành

Ðối với trường hợp thứ ba, đức Phật giải thích: Do vì trong cuộc sống của người ấy làm các việc lành, có chánh kiến. Trong lúc mạng chung, tâm người ấy vẫn có chánh kiến. Do vậy, người ấy sau khi mạng chung sinh vào cõi lành.

4.  Lý do người làm lành sanh vào cõi dữ

Ðối với trường hợp thứ tư, đức Phật giải thích: Tuy người ấy trong khi sống làm những việc lành, có chánh kiến, nhưng trong lúc lâm chung, vì lý do nào đó, người ấy không tin tưởng nhân quả, có tà kiến. Do vậy, người ấy phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Qua cách giải thích của đức Phật, chúng ta thấy sự sai biệt nhau về cuộc sống con người trong hiện tại hay một đời sống khác chính là nghiệp. Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu. Nghiệp được đức Phật phân chia làm ba loại là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp là những hành động tạo tác của thân; khẩu nghiệp là những cái được tạo ra bởi lời nói; ý nghiệp là những cái được hình thành bởi ý thức. Thật ra, sự biểu hiện bên ngoài của thân nghiệp và khẩu nghiệp là kết quả của ý nghiệp, nói một cách khác ý nghiệp là năng tạo, thân nghiệp và khẩu nghiệp là sở tạo, là cái được tạo ra bởi ý nghiệp.

Sau khi nghe cư sĩ Minh Ngọc trình bày về “Tìm hiểu về nghiệp trong Phật giáo”, cử tọa đã cùng nhau trao đổi để làm sáng tỏ những thắc mắc chung quanh chuyện nghiệp trong Phật giáo.

Dưới đây là vài hình ảnh về buổi nói chuyện.

 

Các thành viên Ban Phật học tham dự buổi nói chuyện

Cử tọa trao đổi ý kiến

Cư sĩ Minh Ngọc giải đáp những ý kiến của cử tọa

Cư sĩ Trần Đình Sơn, Trưởng ban Phật học, Phó Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN
đúc kết nội dung trao đổi.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6968443