Tin tức

TÌM LẠI MỘT MÙA XUÂN ẤM ÁP BAO DUNG

TÌM LẠI MỘT MÙA XUÂN ẤM ÁP BAO DUNG

NGUYÊN CẨN


Bức tranh thế giới hôm nay?

Hằng ngày chúng ta đọc báo nghe đài đầy ắp những thông tin về chiến tranh, bạo loạn. Mới hôm qua là nơi đây đẫm máu, hôm nay là nơi kia; mai có thể là nơi khác v.v… như lời hăm dọa của những kẻ khủng bố… Chiến sự bùng nổ từ khắp các châu lục, đất nước… ở xa, cho đến gần kề chúng ta. Mạng người rẻ rúng như cỏ cây, giun kiến… Trong xã hội chúng ta, bạo lực diễn ra ở mức độ thấp hơn nhưng không khỏi xao lòng khi người ta giết nhau vì những lý do vu vơ như “nhìn thấy ghét”, va quẹt xe trên phố, đi nhầm phòng karaoke, từ chối tình yêu, nợ chưa kịp trả… Những cái chết mà kể cả trong thời chiến cũng không xảy ra vì những nguyên cớ ấy…

Nguyên nhân bạo lực?

Chúng ta đã từng nghe đâu đó rằng: “Bạo lực là bà đỡ cho một xã hội mới”. Thực ra, bạo lực như lịch sử chứng minh chỉ là bà đỡ cho bạo lực (!) Vì lấy oán báo oán thì oán thù sao dứt được(?) Thế nên cả thế giới vẫn không ngớt lo âu khi nạn khủng bố đang diễn ra tàn bạo và vô nhân tính khi người ta  không phân vân ném bom nhà thương, xả súng ở rạp hát hay trường học; không ngại ngần giết người dù là phụ nữ hay trẻ em... Cuộc sống trở nên bất an hơn bao giờ hết. Và để phản ứng, nhân loại lại dùng… bạo lực nhân danh chính nghĩa để giải quyết vấn đề. Thế nên, nhiều cường quốc đang sa lầy trong hận thù - thù hận mãi không thôi.

Định nghĩa bạo lực một cách rộng rãi, chúng ta có thể hiểu như Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách trong cuốn sách mới xuất bản của ông: “Chửi rủa là bạo lực trên mặt ngôn ngữ. Tham nhũng là một dạng của bạo lực tức là bạo lực trên mặt kinh tế khi có người dùng quyền lực để đòi người khác cống nạp cho mình, người đó đã sử dụng bạo lực, chỉ khác là không thượng cẳng chân, hạ cẳng tay  thôi… Đất nước chúng ta đi từ bạo lực của chiến tranh “tiến thẳng” đến một nền kinh tế thị trường sơ khai. Có lẽ vì vậy mà chúng ta thiếu một cái “phông” văn hóa của sự hòa bình nội tâm và xây dựng xã hội công dân.Thay vào đó là cái tệ sùng bái đồng tiền rất lớn..” (Đường rộng thênh thang - 2015).

Đồng quan điểm đó, nhiều học giả hay nhà xã hội học cho rằng thì một trong những lý do phát sinh bạo lực là tình hình phân hóa giàu nghèo, “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” dẫn đến tệ  suy tôn vật chất. Kẻ tham nhũng sử dụng đồng tiền bẻ cong luật pháp, công lý nên họ bất chấp quy ước, quy định, quy chế… vì tất cả đều quy ra… tiền (!).

Hiểu theo nhà Phật, nguyên nhân sâu xa chính là do vô minh, tức là si mê không thấy rõ bản chất của sự vật đều vô thường. Con người sinh tâm tham muốn, ôm giữ lấy các đối tượng lạc thú, chấp ngã và nuôi dưỡng dục vọng vị kỷ, để phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm thì cuộc đời làm sao có an lạc, hạnh phúc.

Tìm lại lòng bao dung

Chúng tôi đã từng viết trước đây là phải xem bao dung  như phẩm cách lớn nhất của con người. Xã hội Tây phương thậm chí quan niệm “To err is human; to  forgive is divine” (sai lầm là bản chất của con người; tha thứ là phẩm chất thần thánh) Nói như Tiến sĩ Bách thì: “… bao dung là tôn trọng sự khác biệt, bao dung là để cho những ai yếu thế cũng có tiếng nói của mình, là tự do của thiểu số”. Và ông trích dẫn câu nói nổi tiếng của Voltaire: “Bất đồng là căn bệnh nặng nhất của nhân loại, khoan dung là phương thức duy nhất”. Chúng tôi hồi lâu có nhắc đến diễn viên Richard Gere, vốn là một Phật tử, khi trả lời tạp chí Five-to-nine trong một lần đến Zagreb (Croatia) để tham gia phim Spring Break in Bosnia, đã nói: “Chỉ chấm dứt chiến tranh thôi là chưa đủ. Các thế lực đối lập ngày xưa phải cùng nhau tìm ra nguồn gốc của hận thù và bạo lực, đề phòng sự ham muốn phục thù từ các nạn nhân. Phải biết biến lòng căm thù thành năng lượng tích cực. Lịch sử cho thấy rằng con người sẽ càng chìm sâu vào vòng xoáy căm thù khi lòng bao dung không được nâng lên thành nguyên tắc chính trị”. Chúng ta hiểu bao dung hay khoan dung trong tiếng Anh là tolerance cũng bao gồm cả sự chịu đựng và nhẫn nhịn. Phải chăng  bao dung là một mặt của hỷ và xả vô lượng tâm vì năng lực phá tan lòng ganh tỵ hay ích kỷ, xóa bỏ tâm thức rằng chỉ có tư duy, tôn giáo chính kiến của mình, chủ nghĩa của mình là chân lý, là đúng và không chấp nhận dị biệt. Chúng ta đã từng có những vị vua trong thời đại của mình đã từng lấy bao dung làm nguyên tắc chính trị. Hãy đọc lại lịch sử khi vua Lý Nhân Tông tha chết cho Lê Văn Thịnh tạo phản triều đình dù sau này Ngô Sỹ Liên phê phán vua là quá sùng tín Phật giáo nên xử lý như vậy. Vua Lý Nhân Tông cũng đã thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân bằng nhiều biện pháp như giúp đỡ các dân tộc thiểu số, thậm chí gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục Vị Long vào năm 1082. Ngay trong thời gian chiến tranh với nhà Tống, ông cũng tổ chức khoa thi chọn hiền tài không phân biệt thành phần giai cấp (Đại Việt Sử Ký toàn thư).  Phải chăng đấy cũng là quan điểm của Quốc sư Phù Vân: “Lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát (trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam,tập 3) thì: “… Đó là lần đầu tiên tư tưởng vô ngã của Phật giáo đã được vận dụng vào chính trị để hình thành một học thuyết lãnh đạo. Học thuyết ấy là nền tảng cho một triều đại rực rỡ nữa của dân tộc: Nhà Trần  mà cụ thể là đường lối của Trần Thái Tông khi người muốn: … tất cả  mọi người dân Đại Việt phải có, đó là một tấm lòng trung hiếu, hòa tốn, ôn lương và cung kiệm, và ý muốn của thiên hạ là muốn có một cuộc sống an toàn và ấm no…”.

Văn hóa là gốc để ta thực hành bao dung. Chúng ta phải dạy con trẻ và huân tập chính lòng mình tâm hỷ xả. Theo Nhà Phật người có hỷ tâm và xả tâm luôn sẵn sàng vui cùng và khen ngợi sự thành công của tha nhân, không mang tâm đố kỵ, cởi mở với tất cả và cư xử bình đẳng với mọi người, không phân biệt đối xử theo cảm xúc chủ quan thương ghét, đối trị lại tâm chấp thủ cũng như sẵn sàng san sẻ niềm vui chung với mọi người, không phân biệt  chủng tộc, giai cấp, tôn giáo và ý thức hệ. Thế nên từ xả trong tiếng Sankrit là upekha nghĩa là bình đẳng (equanimity) vì chỉ khi xem đối tác thậm chí địch thủ như những người bạn, bình đẳng với chúng ta thì chúng ta mới thực hiện được xả vô lượng tâm. Nói như Đạt Lai Lạt Ma thì “… một khi chúng ta vun bồi thái độ từ ái, sự phi bạo lực tự động sẽ đến. Nếu trong tâm bạn đang mang sự thù ghét, khi ấy thường hành động của bạn sẽ mang tính chất bạo lực, trong khi nếu bạn có lòng từ ái trong trái tim của mình, hành động của bạn sẽ có tính chất phi bạo lực... Chừng nào con người vẫn còn tồn tại trên trái đất này, chừng đó sẽ luôn còn có những bất đồng và những cách nhìn trái ngược nhau. Chúng ta có thể coi điều này là đương nhiên. Nếu dùng bạo lực để làm giảm bất đồng và xung đột; khi ấy tất bạo lực sẽ diễn ra hàng ngày, và tôi nghĩ kết quả của tình trạng này sẽ thật là khủng khiếp… Bạo lực chỉ mang đến sự bất mãn và phẫn uất thêm nữa mà thôi”. (Dali Lama – The Dalai Lama’s Little Book of Wisdom – Barnes & Noble Books, New York).


Mùa xuân Di Lặc – Mùa xuân  bao dung

Mùa xuân luôn gắn liền với đức hạnh từ bi và trí tuệ của vị Bồ tát có hiệu là Di Lặc - theo Đại Tạng Pali như kinh Trường Bộ và Trung Bộ, là vị Phật đương lai sẽ thị hiện ở cõi Ta bà này. Nhân loại trông chờ Di Lặc xuất hiện với ý
nghĩa như tên gọi - Từ Thị, là lòng từ bi rộng lớn, đem đến nguồn hạnh phúc cho chúng sanh.

Tất cả những từ này đều là phiên âm của chữ Maitreya (Pàli: Metteyya) trong tiếng Sanskrit. chữ Maitreya bắt nguồn từ gốc Maitri có nghĩa là sự bao dung, lòng từ ái, sự êm dịu. Đây được xem là tâm đầu tiên trong Tứ Vô lượng tâm. Trong Phật giáo chữ Từ còn có nghĩa là ước vọng, mong muốn cho mọi sinh linh được sống an lành, hạnh phúc. Ở Trung Quốc, người ta đã  hình tượng hóa nhân vật theo văn hóa Trung Hoa, dựa trên hành trạng của một nhà sư thời Ngũ Đại (907 - 959) tên là Khế Thử, thường được dân gian gọi là Hòa thượng Túi Vải - Bố Đại Hòa thượng - Ngài xuất hiện như một Thiền Tăng cuồng ngạo và vui tươi như ước mơ nhân loại về một đời sống thanh bình với những tiếng cười giòn giã. Đức Phật Di Lặc trong trí tưởng tượng của mọi người là Đức Phật hoan hỉ, hình ảnh này toát lên niềm hạnh phúc và sự may mắn, rất phù hợp  cho biểu tượng mùa xuân. Thuở ấy, có người cư sĩ họ Trần hỏi Ngài rằng: Hòa thượng có pháp hiệu là gì? Ngài liền đáp rằng:

“Ngã hữu nhất bố đại, hư không vô quái ngại

Đã khai biến thập phương, nhập thời quán tự tại”.

Nghĩa là:

“Ta chỉ có túi vải, như hư không vô ngại.

Mở ra trùm khắp mười phương, nhập vào thấy tự tại”.

Đó là ý nghĩa của Đạo đế. Nhưng để đạt được Đạo đế, chúng ta phải thực hành Diệt đế: “Diệt” là chấm dứt, là dập tắt. Mỗi người tự giải thoát cho chính mình, tìm lấy mùa xuân trong lòng mình, dù là hạnh phúc tương đối hay tuyệt đối. Khi ta làm lắng dịu lòng tham ái, chấp thủ thời tâm trí không còn bị đốt cháy bởi các ngọn lửa phiền muộn, lo lắng, sợ hãi nữa. Tâm ý của ta trầm tĩnh và sáng suốt hơn. Thân tâm ta được chuyển hóa, thái độ với mọi người độ lượng, bao dung và khiêm tốn; đối với của cải, tài sản, danh vọng trở nên thanh thản hơn, không còn bị áp lực của nó đè nặng lên trái tim mình.Chúng ta có hạnh phúc tương đối... Người người xem lại ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói, sau đó là hành vi ứng xử trong tình thần tương sinh, đồng cảm. Xã hội bớt hận thù, án mạng không còn... cuộc sống sẽ là chuỗi ngày  bình yên, vui vẻ. Ấm áp thay tình người. “Từ nay người sống cho người //từ nay người biết yêu người” (Văn Cao – Mùa xuân đầu tiên).

Trong lịch sử, Phật giáo đã tích cực đóng góp, mở ra một con đường giải thoát cho nhân sinh, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng mục đích cứu độ chúng sinh vẫn không thay đổi với  nguyên lý giải quyết bất đồng dị biệt là bao dung vì tinh thần đạo Phật là vô trước, nhân bản và tự do đích thực, nhằm mục đích đem lại hạnh phúc bền vững cho con người, vì con người… Chân lý ấy vượt qua mọi tranh chấp hận thù, phá tan  mọi thiên kiến vì chúng ta đang sống trong một thế giới tương tức, tương sinh trong tinh thần đồng nhất, tương quan hòa hợp. Bạo lực sẽ không còn đất sống trong trái tim nồng nàn tình yêu và tràn trề ơn phước. Hãy nguyện cầu mùa xuân Di Lặc sớm trở thành thực tại dài lâu trên mặt đất này!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 33
    • Số lượt truy cập : 6345888