TỊNH ĐỘ TÔNG QUA NGHỆ THUẬT DIỄN GIẢNG CỦA CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN
TỊNH ĐỘ TÔNG QUA NGHỆ THUẬT DIỄN GIẢNG
CỦA CƯ SĨ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN
PGS-TS TRỊNH SÂM - THÍCH THÔNG PHÁP
Cũng giống như một số hệ phái Phậtgiáo khác, Tịnh độ tông xét trên nhiều phương diện rất phức tạp cả trên bình diện lý thuyết cũng như thực hành. Tài liệu trong và ngoài nước, giới thiệu về hệ phái này khá phong phú. Tuy nhiên, những bài viết của cư sĩ Chánh Trí- Mai Thọ Truyền về Tịnh độ tông in trên tạp chí Từ Quang (TQ) có một ý nghĩa đặc biệt. Người đọc dễ dàng nhận ra một văn phong dung dị, giàu sắc thái Nam Bộ, đặc biệt cách định danh bằng cách hy sinh tính nghiệm ngặt của thuật ngữ, lấy thuật ngữ như là cái cớ để dùng các từ ngữ thường nhật thay thế, dùng cách hiểu của mình thông qua các các biểu đạt đơn giản, cốt diễn đạt được ý là chính chứ không câu nệ vào hình thức câu chữ. Điều này, rất đáng lưu ý, bởi cụ Mai Thọ Truyền vừa là một nhà Hán học và là một nhà Tây học, sẵn sàng phóng bút theo cái gu của thời đại. Đề cập đến điều này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến đặc điểm biểu đạt, cách thức quảng diễn như một sự lựa chọn có chủ đích của cụ khi phổ biến tư tưởng Phật giáo nói chung, Tịnh độ tông nói riêng. Và tất cả những điều ấy đã làm cho những bài viết của cụ Mai Thọ Truyền dù đề cập đến những vấn đề khá trừu tượng nhưng lại dễ hiểu, dễ đọc. Chúng tôi gọi đó là nghệ thuật diễn giảng.
Nghệ thuật chọn mô hình văn bản
Với tư cách là một đơn vị giao tiếp lớn nhất, trong liên ứng với nội dung, thường mỗi văn bản đều có những mô hình nhất định. Hai mô hình quen thuộc và phổ biến được giảng dạy trong rất nhiều nền giáo dục, là mô hình 3 thành phần và 2 thành phần. Trên cơ sở này, người tạo lập, tuỳ theo nội dung và mục đích giao tiếp mà có những cách triển khai khác nhau. Và cũng trên cơ sở này, dựa vào các mô hình lặp lại, người tạo lập có thể để lại dấu ấn cá nhân. Vấn đề là ở chỗ, các mô hình được lựa chọn có tương thích với nội dung được triển khai và vì sao lại chọn mô hình này mà không chọn mô hình khác.
Nhìn một cách khái quát, cụ Mai Thọ Truyền hầu như không câu nệ vào bất cứ mô hình nào.Tuỳ theo nội dung, nhất là độ đơn giản hay phức tạp mà có những lựa chọn riêng, chẳng hạn mô hình 3 thành phần, có phần mở đầu, phần triển khai và phần kết luận như các văn bản: Nguồn gốc (TQ, 201, 202) Tịnh độ tông ở Nhựt Bổn (TQ, 215, 216), Tại sao phải nguyện sanh về Tịnh độ (TQ, 237). Hoặc mô hình 2 thành phần với một số biến thể có kết cấu như Tiêu đề chung, có khi là tiêu đề bộ phận vừa đảm nhận chức năng khái quát nội dung văn bản vừa là phần mở đầu văn bản, phần triển khai và kết luận nhập thành một. Thường thì mô hình 2 thành phần gắn với hình thức văn bản có độ dài ngắn, cách triển khai nội dung theo trật tự tuyến tính, không có tiêu điểm thông tin, có thể kể đến các văn bản: Sự tích pháp tạng (TQ, 225, 226), Nước an lạc hay cực lạc thế giới (TQ, 227, 228)… Có khi, các mô hình điển thể bên trên kết hợp với các biến thể trong môi trường ngữ cảnh rộng bao chứa nhiều ngữ cảnh hẹp, tuỳ theo quan hệ, nội dung triển khai, một mặt mang tính kế thừa thông báo, mặt khác vẫn tạo ra những tiêu điểm thông tin, nhất là tiêu điểm tương phản. Có thể kể đến cách tổ chức ngôn ngữ có tính kết hợp như vừa phân tích, vươn tới được độ mẫu mực như văn bản Nghĩa sâu kín của tông in trong TQ từ số 217 đến 220. Trong ngữ liệu đang khảo sát, ngoài tiêu đề chung thuộc cấp vĩ mô Nghĩa sâu kín của tông, liên quan mật thiết đến các cấu tố của văn bản lớn 3 thành phần, còn có các tiêu đề bộ phận gồm:
1. Nghĩa thật của tên kinh
2. Giá trị của thí dụ
3. Tuỳ bịnh dữ dược
4. Tuỳ thời ứng dụng
gắn liền với mô hình 2 thành phần. Nói rõ hơn, một văn bản lớn được tổ chức thành những văn bản con, mỗi văn bản con là một chỉnh thể có tính độc lập tương đối nằm trong hệ thống lớn. Cách phân bố nội dung như thế, một mặt làm rõ được các tiêu điểm thông tin, mặt khác, bảo đảm được tính liên kết mà khi lĩnh hội, người đọc vừa khai thác được cả trí nhớ dài hạn lẫn trí nhớ ngắn hạn.Nói theo ngôn ngữ của phân tích diễn ngôn là là tác giả đã xây dựng văn bản trên hai nguyên lý: giải thuyết cục bộ (The principble of local interpretation) và loại suy (The principble of analogy).
Nghệ thuật liên kết văn bản
Xét các ví dụ sau:
Vd1: Trong mấy bài trước chúng ta đã tìm hiểu nghĩa sâu, nghĩa ẩn của những đoạn kinh tả cảnh tả người của thế giới cực lạc. Bây giờ, chúng ta cùng theo một phương pháp, trước nhắc lại lời kinh, sau khi ghi nhận những điểm gợi ý để từ đó đi đến một vài suy luận về điều mà thật tình kinh muốn nói và chúng ta cần phải hiểu đúng như vậy.(NSKCKV, TQ, 233).
Vd2: Như đã nói ở phía trước. Tịnh độ là một cái trạm mà người tu hành của mọi tôn giáo, của mọi chi phái phật giáo phải trải qua nếu muốn tiến tới mục đích cứu cánh. (TSPNSVTĐ, TQ, 237).
Vd3: Bây giờ, chúng ta hãy trở lại những kinh điển căn bản của pháp môn niệm Phật.(NG, TQ, 209).
Vd4: Bây giờ, chúng ta hãy xét đến 48 lời nguyện của Pháp –Tạng mà các nhà học phật thường nhắc đến, nhứt là nguyện thứ 17 mà người ta cho là quan trọng hơn hết.(NACND, TQ, 225).
Dễ thấy, các ngữ liệu trên đây đảm nhiệm những chức năng khác nhau. Tóm tắt nội dung đã được trình bày ở trước, tức liên kết hồi chỉ (Vd2), nêu một cách khái quát nội dung sẽ được triển khai ở sau, tức khứ chỉ (Vd3, Vd4), hoặc cùng một lúc đảm nhiệm hai chức năng vừa hồi chỉ vừa khứ chỉ, tức liên kết hồi khứ chỉ (Vd1). Công bằng mà nói, đây là những thủ pháp mang tính phổ quát, xuất hiện trong rất nhiều loại hình văn bản, nhất là văn bản khoa học và phổ biến khoa học. Cụ Mai Thọ Truyền rất có ý thức khai thác các thủ pháp này. Theo quan sát của chúng tôi, Trong tập Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, NXB Tôn giáo, 2012, chúng xuất hiện cả thảy 21 lần, bao gồm cả 3 loại. Điều đặc biệt là các thủ pháp này đều được sử dụng đúng nơi đúng chỗ, thường hồi chỉ thực hiện chức năng tóm tắt nội dung, khứ chỉ có tính chất tiền báo nội dung khái quát sẽ trình bày, còn hồi khứ chỉ thường xuất hiện trong những văn bản có độ dài lớn, nội dung phân bố theo những trường nghĩa phức tạp. Hiển nhiên, nhờ cách triển khai như thế, người tạo lập văn bản dễ trình bày mạch lạc; trí nhớ ngắn hạn lẫn trí nhớ dài hạn được khai thác tối đa đối với người nhận hiểu. Cần thấy, việc sử dụng từ ngữ đơn giản, thậm chí là khẩu ngữ, cũng góp phần tạo nên tính chất đơn giản khi trình bày. Theo ghi nhận của chúng tôi, các từ ngữ chuyển tiếp hồi chỉ, tác giả thường ít sử dụng: Trở lên, Ngược lên trên, Trên đây, Bên trên… mà sử dụng Bài trước, Phần trước, Đoạn trước… Các từ ngữ chuyển tiếp khứ chỉ ít dùng: Sau đây, Phần kế tiếp, Tiếp theo đây, Sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến…. mà sử dụng các ngữ đoạn Bây giờ, Đến đây, Đoạn sau đây… Trong 21 trường hợp đã ghi nhận, có đến 16 mô hình diễn đạt theo cách đơn giản. Bên cạnh việc bước đầu chỉ ra nghệ thuật liên kết trong tổ chức văn bản, chúng tôi rất chú ý đến mô hình: CH-C-V-B mà CH tức thành phần chuyển tiếp mới chỉ phân tích sơ lược nhưng do khuôn khổ của cách đặt vấn đề này không cho phép chúng tôi nghiên cứu sâu hơn.
Nghệ thuật lập luận
Để miêu tả, giải thích, biện luận các tư tưởng, các ý niệm phức tạp đạt đến sự thuyết phục và tác động đến người nghe, không thể không dùng đến hình thức lập luận. Cụ Chánh Trí rất có ý thức trong việc sử dụng nó. Nhìn một cách khái quát, cụ sử dụng khá đa dạng các hình thức. Có thể kể đến một số mô hình sau đây:
1. Quy nạp
Sau khi định nghĩa các ý niệm giới, định và huệ, tác giả viết: Tóm lại, Giới là để đắc Tịnh, Tịnh là để đạt Định, Định là để sanh Huệ (KL, TQ, 239).
2. Móc xích
Nguyên nhân của sự đau khổ, bất an là Tham; nguyên nhân của Tham là Si hay vô minh dày thêm một lớp; vô minh dày thêm một lớp, cái tham lại tăng sức khao khát một bậc, cứ như thế mà con người hóa ra sa lầy trong vũng bùn của ngoại cảnh… (KL, TQ, 239).
3. Diễn dịch
Kinh nói có ba hạng vãng sanh:
1. Những người bỏ nhà cửa, ném ham muốn mà làm sa môn…
2. Dân chúng các cõi trời người nào mà chí tâm nguyện sinh về nước Phật…
3. Hạn chót hết là những dân chúng của các cõi trời….
(NALHCLTG, TQ, 227-228)
4. Song hành
Tánh vắng lặng còn mãi với thời gian…
Tánh không hình tướng nên chẳng phải dơ, chẳng phải sạch…
Tánh cũng không có bề trái bề mặt…
(NSKCKV, TQ, 220, 221)
5. So sánh
Tâm tịnh còn có thể ví như cái bình, trước kia đã chứa đựng những ô trược của thế gian, nay đã được súc sạch để hứng nước cam lộ của Giác ngộ và giải thoát.
(TSPNSVTĐ, TQ, 237)
6. Bên cạnh các mô hình cơ bản này, trong những văn bản có độ dài lớn, tác giả thường kết hợp nhiều mô hình cơ bản làm cho nghệ thuật diễn giải của mình vừa đa dạng, vừa dễ hiểu. Cần thấy các mô hình lập luận vừa liệt kê trong mục này chủ yếu là lập luận tuyến tính, đơn giản. Ngoài ra, còn có lập luận sử dụng đến các tác tử không được đề cập ở đây.
Một số phương thức khác
Các văn bản xuất hiện trong tạp chí Từ Quang trước 1975 nên việc ưu tiên sử dụng phương ngữ, kể cả các biến thể ngữ âm, là điều dễ hiểu. Nói rõ hơn, cụ Chánh Trí có nhắm đến một đối tượng cụ thể, ở đây là độc giả miền Nam. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thành ngữ nôm na thuần Việt hoặc Hán Việt nhưng được giải thích cặn kẽ cũng góp phần làm nên tính dung dị trong văn phong của cụ Mai Thọ Truyền.
Sơ kết
Bài viết chưa thể phân tích toàn diện nghệ thuật diễn giảng. Tuy nhiên, có thể thấy cụ Mai Thọ Truyền đã sử dụng cái cụ thể, hữu hình, vật chất nhiều trải nghiệm để giải thích, biện giải, phân tích, lập luận cho cái trừu tượng, vô hình, phi vật chất ít trải nghiệm. Điều này có thể ai cũng biết, thế nhưng, cả trên bình diện lý thuyết, lẫn những ứng dụng cụ thể, tác giả đã sử dụng một cách nhất quán cộng với việc sử dụng tri thức nền phong phú… Tất cả đã làm nên một phong cách độc đáo trong việc bình dân hóa mà không tầm thường hóa những tư tưởng vốn rất phức tạp của Phật giáo nói chung, tịnh độ tông nói riêng.
Bình luận bài viết