TQ10 - ĂN CHAY - NIỆM PHẬT - THƯƠNG NGƯỜI - THƯƠNG VẬT
ĂN CHAY - NIỆM PHẬT - THƯƠNG NGƯỜI - THƯƠNG VẬT
HÂN KIẾN
Hòa thượng thượng Trí Hạ Tịnh là vị cao tăng nước Việt, tinh thông tam tạng giáo điển (Kinh, Luật, Luận), là nhà phiên dịch từ Hán tạng sang Việt ngữ hầu hết các Kinh tạng Đại thừa, là nhà giáo dục tài ba, đào tạo xây dựng rất nhiều thế hệ tăng tài phục vụ giáo hội, là bậc tu hành có sở đắc sở ngộ, hướng dẫn mọi người kết duyên lành với Tịnh Độ tông. Trong đời sống thường nhật, khi giáo huấn mọi người, từ hàng xuất gia cho đến hàng cư sĩ tại gia, từ già đến trẻ nhỏ, từ hàng trí thức cho đến người bình dân, ngài thường dạy một câu: “Hãy ăn chay, niệm Phật, thương người, thương vật”. Lời dạy của Ngài rất giản đơn, ai nghe qua lần đầu cũng cảm thấy lạ, tại sao một vị cao tăng không dạy những gì thâm diệu của giáo nghĩa Đại thừa, chỉ khi bình tâm và suy xét thật sâu mới thấy lời dạy ấy thật là có ý nghĩa.
Tại sao chúng ta nên ăn chay? Là một con người ai cũng phải ăn uống để sinh tồn. Ăn uống là một nhu cầu cần thiết đối với sự sống của chúng ta. Tìm hiểu rộng hơn về vấn đề ăn uống chúng ta có thể thấy nó hết sức phong phú, đặc biệt việc ăn uống trong mỗi tôn giáo. Ở đây, chúng ta chỉ xem xét về vấn đề ăn chay của Phật tử tại các nước theo Phật giáo Đại thừa. Trong kinh Tạp A Hàm, quyển 37, đức Phật dạy: “Phàm là đệ tử Phật, nên học và nghĩ nhớ thế này! Nếu có người nào muốn giết hại ta, ta không ưa vui, tất nhiên kẻ khác cũng vậy, họ không ưa vui khi ta giết hại họ. Tại sao muốn mạng sống mình còn mà lai đi giết hại mạng sống kẻ khác? Giác ngộ thế rồi, ta quyết định thọ giới bất sát, nhất định không ưa thích sự giết hại”. Qua lời dạy trên ta thấy, Phật dạy ăn chay trước nhất không chỉ là lòng từ bi tôn trọng sự sống mà còn bố thí sự không sợ hãi, các loài động vật sẽ không bỏ chạy khi thấy chúng ta, chúng sanh sẽ không còn kinh sợ, ta dễ gần để hóa độ. Nếu ta nghĩ ta tốt, ta làm các việc từ thiện nhưng nếu vẫn còn ăn thịt chúng sanh thì vẫn chưa có ý thức rốt ráo về ý nghĩa từ thiện, vì còn ăn thịt là còn sát sanh, ắt tâm từ không có, thì tâm thiện cũng không.
Về mặt sinh lý, khi nghiên cứu về con người, các nhà khoa học thấy rằng hàm răng con người vốn phù hợp với việc nhai nghiền, ruột của con người dài gấp 12 lần cơ thể, thích hợp để tiêu hóa rau, củ và các loại thực vật. Các loài động vật ăn thịt có cấu tạo răng sắc nhọn, có móng vuốt và chiều dài của ruột chỉ dài gấp 3 lần cơ thể thích hợp cho việc đào thải nhanh các chất độc của đạm động vật. Khi chúng ta ăn thịt, thì các chất từ đạm động vật nằm lâu trong ruột có thể có nhiều độc tố ngấm vào cơ thể. Khi Hòa thượng nghiên cứu về đông y, Ngài cũng có thấy trong sách Hoàng Đế Nội Kinh nói rằng: “Ăn thịt để bổ dưỡng cơ thể là không đúng”. Nếu chúng ta nghiên cứu và hiểu biết về Phật pháp thì biết thêm khi con vật bị giết, sự sợ hãi, căm hận làm cơ thể chúng tiết ra nhiều chất độc ăn vào có hại cho thân thể.
Hòa thượng dạy: “Nếu ăn được trường chay là quý nhất nếu không tạo duyên ăn chay một ngày, nửa ngày cũng được, một bữa cũng quý, nhưng hãy tạo duyên tập từng ngày, từng ngày, sự tướng không thể bỏ, dù ai có nói thế nào đi nữa là người biết đạo lý, biết phân biệt đúng sai, đừng lo lắng, ăn chay nửa ngày, chỉ bấy nhiêu thôi các con vật cũng đã cảm kích ta lắm rồi. Sống phải vì chúng sanh, nếu ăn chay nửa ngày, đến chiều không ăn được, không sao, vì được vậy thì một tháng cũng đã có 15 ngày ăn chay. Như vậy có thể ít nhiều giảm được số lượng con vật bị giết thịt, hãy tọa duyên giữ đúng lập trường sẽ ăn chay được”. Tóm lại, ăn chay là không ăn thịt những loài động vật, nghĩa là chúng ta đã đang đoạn dần sợi dây oán thù bấy lâu nay, từ từ bước đến sự giải thoát khỏi cõi Ta bà vì ta không còn dính mắc, không còn trói buộc trong sinh tử luân hồi.
Song song việc ăn chay là phóng sanh, chúng ta không giết hại, không gây nghiệp sát vậy là đã tốt một phần – một phần nữa là phóng sanh. Phóng sanh là cứu mạng chúng sanh, khai mở lòng từ bi bằng hành động cụ thể. Ví dụ, nhiều người thích làm non bộ cho mục đích phong thủy nhưng cũng chính là đã tạo duyên sinh ra côn trùng (lăng quăng, ruồi...) là có hại cho chúng sanh, hoặc nhà có ổ mối, ta cho muối vào bao vải để lên gò mối, mối sẽ tự đi mà ta không sát hại.
Việc phóng sanh có người nói rằng cứu chúng xong, phóng sanh rồi bị bắt lại. Đó là do nghiệp của chúng sanh đó, được phóng sanh rồi bị bắt trở lại bán đôi ba lần... Những việc đó làm nhiều người phân vân vì có thể chưa thấu hiểu về nghiệp lực, ví dụ: Một người nhận án 20 năm tù, nay được bảo lãnh ra tù tự do trong một ngày, người đó rất vui, nhưng sau đó lại vô tù lãnh án cho đủ... Cho nên, những ai còn nghi hoặc thì phải phát lòng từ, đem lại sự an vui hạnh phúc, không sợ hãi, giải thoát sự cầm tù, giải phóng sanh mạng đó với tâm nguyện chí thành, còn tâm nghi ngờ chính là chướng duyên ngăn tâm từ khởi phát.
Để ngăn ngừa những hành động tàn nhẫn hại vật, hại người thiết nghĩ mỗi quốc gia trên thế giới cần kêu gọi mọi người ăn chay hầu cứu vãn tình trạng hỗn loạn, sát hại, tham tàn mà nhân loại đang phải gánh chịu. Cần làm cho mọi người nhận thấy nguyên nhân sâu xa khi sát hại lẫn nhau chính là phát sinh từ sự không tôn trọng sự sống của các loài vật, con người cho mình cái quyền được sát hại những sinh linh khác và đây cũng chính là mầm mống của sự ác độc giữa con người với nhau. Nếu chúng ta có lòng từ không hại vật, thì cũng có lòng từ để thương yêu nhau và chính vì vậy đạo Phật được gọi là đạo hòa bình, an lạc.
Bình luận bài viết