Tin tức

TQ10 - CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI

CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI 

HUỲNH VĂN ƯU

Có nhiều sự việc mới nghe qua chẳng có gì đáng nói, nhưng nghĩ lại chính những việc ấy mới là hạnh phúc, người mình xưa nay luôn giữ gìn và được xem là văn hóa truyền thống của dân tộc. Những nét đẹp đó xảy ra hàng ngày không phải tìm kiếm đâu xa. Khi còn học ở trường, lỡ tay rơi chiếc bút, chưa kịp nhặt, một người bạn bên cạnh đã lấy lên trao cho ta, lời cám ơn đã thốt ra nói lên tình bè bạn thân thiết. Lớn lên, trong thôn ấp, bất cứ gia đình nào, nếu có hữu sự, cả xóm đều đến thăm hỏi...Phong tục lễ giáo nước ta là vậy. Làm người mỗi cá nhân nên cố gắng giữ gìn truyền thống cao đẹp mà bao đời nay cha ông ta đã tiếp nối truyền dạy. Có được điều đó phần lớn đều do tâm mà ra.

Vậy chúng ta sống sao giữ được tâm trong sạch, an lạc, cho mình, cho người trước cảnh trần là điều quý nhất, đừng buông thả mãi mê để tâm chạy rong rủi (Tâm viên ý mà) đeo bám, kết chặt tham, sân, si mà nhận lấy khổ đau, buồn chán. Không giữ được tâm tịnh, chẳng khác chi người đang bị mất gà, mất chó rượt đuổi mà quên mất mình là ai, sự nghiệp học vấn tu tập cũng chẳng lĩnh hội được gì : “人 有 雞 犬 放 ,則 知 求 之,有 放 心 而 不 知 求 ,學 問 之 道 無  他 ;求 其 放 心 而 己 矣  Nhân hữu kê khuyển phóng, tắc tri cầu chi, hữu phóng tâm nhi bất tri cầu, học vấn chi đạo vô tha; cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ.(Người đời nếu có con gà, con chó xổng ra thì biết tìm, đuổi để nhốt lại, nếu cái tâm xổng ra,(phóng đãng, buông tuồng) chẳng biết tìm (mà phục hồi cái tâm).Đường lối của học vấn không có gì khác; cần tìm mà phục hồi cái tâm phóng đãng mà thôi.

Những câu chuyện tưởng chừng bình thường đơn giản, mà lại chứa đựng một triết lý sống, một con vật đáng là bao mà ta phải khổ tâm rượt đuổi cho bằng được, còn cái tâm ta mất hay lầm đường lạc nẻo sao không tìm kiếm để an định mà lại bỏ quên ngày này sang ngày nọ. Đã biết con người quý nhất là ở tâm, mà tâm mất đi không tìm mà đi tìm cái vô thường, phù phiếm, thật quá ngây ngô, u tối. Nét đẹp những lời cám ơn, là người biết tìm về nguồn gốc lẽ giáo, ở đây ta làm mất cái tâm là mất tất cả tính người. Bởi chữ tâm không phải có giáo dục mới hiển lộ, vì Tâm (thiện căn) vốn ở lòng ta, xuất phát từ bản chất thuần lương vốn có của con người “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Rất nhiều bộ tộc, rất nhiều người chẳng thụ huấn một nền giáo dục nào mà tâm cũng vẫn có. Ngay ở loài vật cũng vậy. Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Voi bị bệnh không đi được, voi mẹ ở lại quấn quít cho đến khi nào voi con chết hẳn mới chịu bỏ đi. Một con chim bị đạn, đàn chim xà xuống kêu tiếng bi thương cho đến khi biết chắc bạn mình đã chết mới chịu bay đi. Con người chẳng biết đó sao?! Cho nên trước phải tìm, cột chặt cái tâm, rồi sau đó mới hành động khai phóng ra chân trời mới. Nên người muốn mở rộng tìm cầu học hỏi luôn nhớ và phải nắm vững chân tâm, bỏ ra thì mất, không biết đường quay lại: “操 則 存 ,舍 則 亡 ,出 入 無 時 ,莫 知 其 鄉 ;惟 心 之 謂 與Thao tắc tồn, xả tắc vong, xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hương; duy tâm chi vị dư.(Nắm chắc thì còn, buông ra thì mất, ra vào không có thời hạn nhất định, chẳng ai biết quê mình ở đâu, đó chỉ là nói về cái tâm của người ta chăng)!廣 智 ,莫 如 博 學 切 問Quảng trí, mạc như bác học thiết vấn. (Mở rộng trí khôn, không gì bằng học rộng, hỏi han gấp gáp kỹ càng).Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng, nếu được giáo dục và tu dưỡng thì chữ tâm sẽ được bao bọc giữ gìn, tức không bị lu mờ, sẽ sáng tỏ giống như tấm gương được lau chùi. Song điều đó phải được sự giáo dục thì chữ tâm mới hiển lộ.

Cái tâm đã định yên giống như ta giữ chìa khóa muốn mở tâm lúc nào chẳng được, ánh sáng soi rọi sáng ngời, đường học vấn thênh thang, tâm dẫn dắt nẻo ngay đường chính tha hồ tiếp xúc hỏi han bạn bè khắp chốn, cái tâm an định ắt phải hưởng thanh tịnh, mọi điều may mắn sẽ đến với mình. Cổ nhân còn nói: “Tâm vi xu cơ, mục vi đạo tặc.Dục phục kỳ tâm tiên nhiếp kỳ mục” Tâm là then khóa , mắt là trộm cướp, muốn hàng phục cái tâm, trước phải nhắm bít con mắt Cho nên, vạn sự lành đều nương nhờ tâm sáng, then khóa cửa cài thì cảnh trần (dục giới) vô phương vào được, bằng ngược lại cửa mở thì tâm vọng động hôn mê. (Ngày xưa, có một tiệm cầm đồ giàu có, sáng mùng một Tết, ai đem vàng bạc đến cầm (thế chấp) ông chủ tiệm không lấy làm vui bằng người đem đến cầm (thế chấp) tờ giấy đỏ với hai chữ “chánh tâm” ông chủ tiệm cầm đồ hớn hở ra mặt như bắt được điều tốt lành suốt năm).

Thấy vậy đủ biết cái tâm con người ta là vốn quý hơn tất cả.”養 心 ,莫 善 於 寡 欲Dưỡng tâm, mạc thiện ư quả duc (Muốn nuôi cái tâm sửa trị để có những đức tính tốt không gì tốt hơn là ít dục vọng). Xa hơn, khi nói đến chữ tâm là nghĩ đến con người: phải ngay thẳng, thành thật; cảm thông tha thứ; bao dung, từ bi, hỷ xả; không đố kỵ và còn biết chia sớt bố thí. Cho nên, người nào giữ được chánh tâm là giữ được vật quý trong mình. Cha mẹ sinh ra ta, công ơn dưỡng dục như trời biển, trong chữ “dưỡng” bao hàm ý nghĩa “dưỡng dục” trong đó có dưỡng tâm và giáo dục mới nên con người trọn vẹn thành nhân chi mỹ. Có vậy chữ tâm mới vượt trội và đáng quý trọng hơn hẳn tài năng của con người

 Tài ở chỗ này nhưng chưa chắc đã tài ở chỗ kia. Tài còn tạo ra sự ganh đua, ghen tuông, đố kỵ “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần” (Nguyễn Du). Nhưng cái Tâm thì thời nào ai cũng trân quý, nó xuyên suốt, rốt ráo, vô ngại, ở đâu cũng dung thông được. Do đó cái Tài thường hay chết yểu, còn cái Tâm thì bất tử thù thắng. Nếu nội dung chữ Tâm là như vậy thì tận cùng sâu thẩm của chữ Tâm cũng chính là chữ Tài. Cái tài thu phục nhân tâm, tài đem lại hạnh phúc, tình thương cho mình và cho muôn loài. Như vậy khi Tâm có định, trí mới sáng, mới biết đâu là thiện, ác, tốt, xấu, tránh ước muốn dục lạc thấp hèn... Đó là những điều kiện tiên quyết để an vui tốt lành cho mình và cho người khác: “安, 莫 安 於 忍 辱 ,先 ,莫 先 於 修 德 ,樂 ,莫 樂 於 好 善,苦 ,莫 苦 於 多 願 ,吉 ,莫 ,吉  於 知 足 ;孤 莫 孤 於 自 恃An, mạc an ư nhẫn nhục, tiên, mạc tiên ư tu đức, lạc, mạc lạc ư hiếu thiện; khổ, mạc khổ ư đa nguyện, cát, mạc cát ư tri túc,cô, mạc cô ư tự thị.(Yên ổn, không gì yên ổn hơn nhẫn nhục, làm trước, không gì cần thiết làm trước hơn sửa đức; vui, không gì vui hơn ham điều thiện; khổ, không gì khổ hơn là có nhiều nguyện vọng; tốt lành, không gì tốt lành hơn sự biết đủ; mình không gì cô đơn hơn sự cậy sức mình, nếu tự phụ sẽ không có ai giúp). Đã biết tâm là gốc, chúng ta cần trao dồi tâm, bối dưỡng tâm, hướng tâm đến điều thiện, luôn thương người giúp đời, mỗi cá nhân giữ tâm sáng sẽ là viên ngọc quý khi cần đem ra sử dụng chẳng vay mượn. Để giữ được bổn tâm, chúng ta chớ vì ham lợi nhỏ nhen mà đánh mất chân tâm để theo đuổi vong bản là sai lầm lớn nguy hại cho mình và cho tương lai mai sau “莫 不 善 於 離 本 而 飾 末 “Mạc bất thiện ư ly bản nhi sức mạt.(chẳng gì bất thiện (không tốt, có hại) hơn là lìa bỏ căn bản mà trau chuốt ngành ngọn).

Xin chia sẻ đôi chút về chữ “tâm” mong quý vị tôn túc thiện căn, đức trọng, quý bạn hữu gần xa góp ý chỉ giáo. Biết biển học thì mênh mông, con người trí tuệ có hạn, chắc không sao tránh khỏi thiếu sót xin hãy hoan hỷ bổ khuyết thêm. Vì thấy chữ Tâm là cơ bản trong đạo làm người nói chung. Chi bằng chữ tài là cái tôi, cái ngã lồ lộ ra đó. Bằng chữ Tâm thì cái tôi, cái ngã tan biến mất và thể nhập vào tha nhân.”Hữu tâm tất thành tựu; Vô Đức bất thành nhân” hy vọng sau này chúng ta đi đến đâu đừng quên mang theo bên mình chữ “Tâm”. Hãy luôn giữ nó như là hành trang suốt cuộc đời. Khi chúng ta đem tất cả sự thành công của mình đến với mọi người và biết ơn họ, rồi mong họ đều thành đạt...thì chúng ta thực sự sống với chữ “Tâm”. Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã kết và khẳng định truyện kiều bằng hai câu:                

“Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Đối với người Phật tử trên bước đường tinh tấn tu hành luôn phát tâm Bồ-đề để thấy được mặt thật chư pháp, tâm tin nơi nhân quả và Phật tánh nơi chúng sanh hằng luôn dụng công tu tập hướng về quả vị Phật, trên thượng cầu Phật đạo, hạ hóa độ chúng sanh.

Ngày nay, đạo đức gia đình băng hoại, con đánh cha, anh em ly tán bất hòa, bạn bè bất nghĩa, là điều hiển nhiên xảy mọi lúc mọi nơi, xóm làng gần nhau mà cảm thấy lạnh nhạt xa lạ; xã hội mất ổn định, nhiều vụ án cướp bóc giết người thường xuyên xảy ra, nạn ma túy, cờ bạc, tham ô tràn lan không kiểm soát được, đó là phần nổi đã được các nguồn truyền thông đại chúng, thật chua chát đau lòng cho sự xuống cấp đạo đức đã đến hồi báo động..

Thảm họa thế giới ngày càng gia tăng, nước lớn, nước nhỏ, vùng nầy vùng kia đều có tranh chấp quyền lợi nổi lên, nước lớn thì ỷ thế lực mạnh đi xâm lăng, đe dọa, cũng chỉ vì tham vọng, cậy tài mà bỏ mất nhân tâm. Con người đa phần không sống bằng chân Tâm mà sống bằng chữ tài (danh lợi ích kỷ). Điều đáng nói và lấy làm hổ thẹn: Người có thế lực quyên uy thì lại cầu nguyện thần linh ban thêm sức mạnh để tiêu diệt kẻ thù. Người ta van vái mong cầu thần linh để hỗ trợ cho sự chiến thắng. Người khác thì cầu nguyện xin thần linh để ban phát cho họ nhiều của cải vật chất giàu sang hơn người...

Xin đừng cầu nguyện thần linh, đừng hối lộ bắt thần linh làm những điều không tốt, đừng cậy chữ Tài. Cầu xin như vậy sẽ làm cái tôi chúng ta bị thu hẹp lại nhỏ xíu và trở nên trơ trẽn ích kỷ. Hãy sống chính mình, sống bằng chân tâm, chúng ta sẽ thư thái, lòng lớn tựa hư không. Thế giới nầy sẽ hòa bình, chúng sinh an lạc, chúng ta không tìm cầu đâu xa chỉ cần biết đem lòng thương yêu và luôn sống bằng chân tâm là đủ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 339
    • Số lượt truy cập : 7080067