TQ10 - ĐỂ TỬ TẾ KHÔNG LÀ ĐIỀU XA XỈ
ĐỂ TỬ TẾ KHÔNG LÀ ĐIỀU XA XỈ
NGUYÊN CẨN
Cần bao nhiêu tuần tử tế?
Tuần vừa qua, ở Hà Nội, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đã phát động Tuần tử tế để khởi động cho chương trình "Sống tử tế" nhằm “truyền cảm hứng tới công chúng làm những điều có ý nghĩa, những việc tốt đẹp với những người xung quanh góp phần xây dựng một xã hội tử tế hơn. Có lần, nhóm lãnh đạo iSEE gặp đạo diễn Trần Văn Thủy và xem bộ phim “Chuyện tử tế” của ông, được sản xuất từ những năm 1980 nhưng vẫn còn nguyên giá trị về cách con người đối xử với nhau. Những câu chuyện và lời bình về cách đối xử của chính quyền với người dân, của bà sơ với bệnh nhân phong và của người mẹ có bệnh phong với đứa con nhỏ thực sự khiến người xem cảm động. Đây chính là lúc iSEE nảy ra ý tưởng vận động cho lối sống tử tế trong xã hội vì tin rằng khi người với người đối xử tử tế với nhau thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Nhóm phát động kể về sự ra đời của ý tưởng thúc đẩy “sống tử tế” khi hơn 40 năm qua, nhiều người Việt Nam càng ngày càng thấy sự tử tế vắng mặt trong đời sống. Bước chân ra đường chúng ta gặp rất nhiều điều phiền muộn, bực mình từ anh tài xế taxi đi lòng vòng để tăng tiền cước; đến cửa hàng ăn uống bán đồ kém chất lượng, mất vệ sinh... từ cọng rau đến miếng thịt; vào bệnh viện bị sách nhiễu, bắt xét nghiệm bừa bãi, kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết; đến cơ quan công quyền dù là để nộp thuế thì cũng bị sách nhiễu, vòi vĩnh... Tại sao những người phục vụ chúng ta như chị bán hàng, anh công chức lại có thể hành xử thiếu “tử tế” như thế dù chính chúng ta qua việc mua hàng hay đóng thuế đã là nguồn tiền nuôi sống họ (?) Những giá trị thật – giả, đúng - sai đang bị đảo lộn, nhập nhằng...
Đáng buồn hơn là thói hành xử bạo lực từ nhà ra phố hiện nay có xu hướng lây lan... Qua các trang mạng, trên báo chí, chúng ta thấy những sự việc đau lòng như cha mẹ “dạy con” đến chấn thương não vừa xảy ra ở Dĩ An, Bình Dương, bảo mẫu đánh trẻ em, hay phi tang xác khách hàng sau khi gây tai nạn ở thẩm mỹ viện Cát Tường... xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong các sự việc này, người ta nhận thấy sự thiếu vắng của giá trị sống nhân văn, thiếu vắng những con người tử tế. Tệ nạn thanh thiếu niên hỗn hào, bỏ thuốc độc giết ông bà vì bị rầy la, con đánh cha mẹ chấn thương vì những lý do không đâu vào đâu như không chịu bán nhà, mắng mỏ khi say rượu... Tài xế taxi giết tài xế xe ôm vì dành chỗ đậu xe; va quẹt xe trên đường thậm chí đi hát karaoke nhầm phòng không kịp xin lỗi cũng bị sát hại... Xã hội bỗng nhiên trở nên quá bất an ngay cả trong tình yêu khi yêu không được, người ta không ngâm thơ hay hát bài “Giết người trong mộng” nữa mà giết thật, tạt axít thật, hủy hoại đời người khác không chút tiếc thương (!). Chúng ta bàng hoàng trước những manh động của con người từ trẻ đến già, cả thất học và trí thức vì có nhiều vụ án mà kẻ thủ ác ở trong giới sinh viên, giáo viên, bác sĩ... Thế thì chúng ta cần bao nhiêu “tuần tử tế” để phục hồi những giá trị nhân văn trên tinh thần nhân bản?
Đi tìm nguyên nhân?
Nguyên nhân chính từ đâu: Xin thưa là từ con người thiếu giáo dục nhân cách, dù có bao nhiêu học vị học hàm cũng thế. Chúng ta xem lại chương trình có phần nào dành cho đạo đức? Những tiết học chủ nhiệm về môn công dân nặng về chính trị, nhồi nhét những tư duy triết học cao xa mà không có những bài học làm người trong thực tế. Còn gia đình, cha mẹ nếu không đầu tắt mặt tối vì cơm áo gạo tiền thì cũng lu bu công chuyện, chính đáng và phi pháp... Quan chức thì cũng không nêu gương sáng được vì còn mải củng cố địa vị chức quyền... Tóm lại, cả xã hội thiếu nền tảng đạo đức ứng xử. Xã hội ấy được tạo nên bởi những con người thiếu kỹ năng sống chung, sống cùng, sống với người khác. Theo nhà Phật, chính xuất phát từ tâm ý vọng động. Tâm ý ấy tạo ra tử tầng mạt na mà chúng ta không huân tập, trưởng dưỡng, dùng giáo dục tác động, buộc ràng nên nhảy lung tung như khỉ từ cành nọ sang cành kia “tâm viên ý mã”, xúc cảm theo ngoại cảnh mà ở xã hội chúng ta còn nhiều bất cập, nhiều tệ nạn, nhiều kẻ xấu nên lại càng khó thành người “tử tế”. Phải bắt đầu từ ý căn như đức Phật dạy:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo”.
(Kinh Pháp cú, câu 1)
Bắt đầu từ đâu?
Hiểu rõ lý nhân quả, chúng ta phải cải tạo con người từ “nhân”, nghĩa là từ giáo dục ban đầu. Một khi tâm đã an định trong thiện ý thì “khẩu” và “thân” sẽ theo sau. Chúng ta sẽ không nỡ mắng mỏ hay nặng lời với ai; nói gì đến gây hại cho người khác. Và hãy nhớ tính lạc quan, lòng tử tế luôn có sự lan tỏa, tương liên. Khi ta vui vẻ, bày tỏ lòng tốt, sự cảm thông với ai đó thì dù đó là người khó chịu cũng không thể gây gổ hay cư xử tệ bạc với ta được. Họ phải suy nghĩ lại. Chúng ta có cảm thấy hạnh phúc hay không là chính ở trong thái độ của mình với cuộc đời, với mọi người. Chúng ta nhớ cụ Tú Lãm trong tác phẩm “Nửa chừng Xuân” của Khái Hưng dặn con trước phút lâm chung “Hãy giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc”. Phải chăng cụ chỉ muốn nói vắn tắt một điều: “Con hãy làm người tử tế !”.
Tử tế là một đức tính cần thiết cho mọi hành động, dựa trên nền tảng biết, hiểu người khác để thương yêu, tôn trọng. Trong gia đình, nếu cha mẹ tử tế với con cái nghĩa là chăm sóc các con chu đáo, dù giàu dù nghèo vẫn luôn chan hòa yêu thương thì đứa con phải có nghĩa vụ đền đáp, tôn trọng... Vợ chồng hay bạn bè cũng vậy, luôn nhìn thấy hạnh phúc người khác trong mối quan hệ tương tức với mình. Sống tử tế đơn giản chỉ là sống hết lòng với công việc của mình, quan tâm đến người khác, chu đáo trong thực hiện bổn phận. Thế nên, một cô nhân viên tử tế luôn tận tụy với khách hàng, đồng sự,... một anh công chức luôn xem dân là những người chủ của mình, không nề hà, làm khó vì bất cứ lý do gì... Các công ty hay tổ chức quan hệ giao dịch luôn tôn trọng bình đẳng trên tinh thần hai bên cùng có lợi, không lừa gạt, chèn ép... Một xã hội được đánh giá là tiến bộ hay không tùy thuộc vào thái độ ứng xử của các thành viên trong đó. Nếu mọi người luôn chấp hành tự giác những quy định nếp sống văn minh, gìn giữ môi trường, trật tự nền nếp trong sinh hoạt, trong giao thông, tự kềm chế không vượt quá kỷ cương đời sống: Không gây ồn ào, xả nước, ném rác gây ô nhiễm khu phố, hay luôn có ý thức bảo vệ tài sản công thì cuộc đời này cũng đã đẹp hơn nhiều.
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình”.
(Kinh Pháp Cú – câu số 2)
Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, an lạc hay hạnh phúc như bóng với hình của ý thanh tịnh. Khi chúng ta có thể điều phục tâm mình hướng về thiện nghiệp thì lập tức khai mở tuệ giác thương yêu đối với tha nhân và cuộc đời. Chúng ta thấy mọi hành vi, ý tưởng đều có tương quan, ảnh hưởng đến người khác như đã nói ở trên.
Phật đã nêu lên bảy thiện nghiệp của thân và miệng, đồng thời nói lên ý nghĩa của tứ nhiếp pháp: “Này con nhà kia (Kulaputta), phải lấy năm điều đối xử với bạn bè là phương bắc. Thứ nhất, phải giúp đỡ bạn khi cần (bố thí); thứ hai, nói lời yêu thương (ái ngữ); thứ ba, làm lợi ích cho bạn (lợi hành); thứ tư, hòa đồng với bạn (đồng sự )”. (Lục phương lễ kinh)
Một xã hội hay một tổ chức, nếu hành động theo những lời dạy trên thì sự đoàn kết sẽ chặt chẽ và tạo nền móng cho sự phát triển vững bền “như chiếc xe dựa vào người xà ích” (Thiện Sinh kinh).
Thi sĩ Bùi Giáng, trong những ngày rong chơi trên cõi đời này đã nhận ra ý nghĩa của lối sống chan hòa với một tâm hồn “cho gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn). Ông đã ca tụng cuộc đời có:
Những người bạn xem tôi như ruột thịt
Những người em dâng hết dạ cho tôi
Những người bạn xem tôi là cà gật
Những người em không vẹn nghĩa mất rồi.
Và khi ông thắc mắc:
Trần gian hỡi! Tôi đã về đây sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than...
Ông cũng đã tìm ra lời giải:
....
Em đứng mũi anh chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương.
Khi ta mở tuệ giác yêu thương, chúng ta có thể sống bất cứ ở đâu và cùng với bất cứ ai, chúng ta cũng đều cảm thấy an vui trong trạng thái tỉnh thức và mở lòng ra với mọi người và cuộc đời.
Một loạt các hoạt động khác cũng sẽ được ISEE tổ chức sau “Tuần tử tế” là “giải báo chí” tôn vinh những con người, hành động tử tế, nhằm truyền cảm hứng cho mọi người... Một chiến dịch có tên “Chiếc vòng tử tế” cũng đang được thành hình cùng nhóm A4F. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nhà trường và gia đình nơi sự tử tế phải được ươm trồng, vun đắp.
Ở xã hội Tây phương, người ta thậm chí đã đo lường hiệu quả của sự tử tế mà chúng tôi đã có lần trình bày trong một bài viết trước đây. Chỉ xin nhắc lại một vài kết quả của việc đánh giá ấy, do tập đoàn Kaplan Thaler, một tên tuổi trong ngành quảng cáo, thực hiện. Họ kết luận rằng “Người tử tế hiền lành (kind persons) không phải là “những tấm thảm chùi chân” cho những kẻ hung hăng, vì tử tế không hề mang ý nghĩa khờ khạo, ngớ ngẩn. Họ khẳng định Tử tế là một từ cứng rắn nhất trên đời. Nó có nghĩa là bước tới phía trước với sự tự tin trong sáng đến từ người nhận thức rằng ta phải hết sức tử tế và đặt nhu cầu người khác ngang với nhu cầu của chính mình”.
Về hiệu quả, họ ghi nhận như sau:
Tử tế sẽ được hạnh phúc hơn trong tình yêu: Theo nghiên cứu của Đại học Toronto thì những người nhân hậu (hay tử tế) sẽ hạnh phúc hơn trong tình yêu và số vụ ly hôn sẽ giảm hơn 50% so với những người hơi ích kỷ và không cảm thông người khác
Tử tế sẽ làm ra nhiều tiền hơn: Dựa theo chỉ số EQ, người ta thấy rằng nó tương ứng với khả năng tăng thu nhập cho công ty. Theo giáo sư Daniel Goleman thì trạng thái hứng khởi và hỗ trợ lẫn nhau của nhân viên tăng 2% thì thu nhập tăng 1%.
Tử tế làm người khỏe hơn: Nghiên cứu của Đại học Michigan cho thấy những người già ở Mỹ nếu chịu khó giúp đỡ người khác dù là công tác thiện nguyện hay giúp hàng xóm thì tỷ lệ chết sớm giảm 60% so với những người chẳng giúp ai.
Tử tế ít phải ra tòa: Điều này gần như hiển nhiên vì ít khi những người tử tế lại phải lao mình vào những cuộc tranh chấp kiện tụng dù là nhà đất hay va quẹt giao thông trên phố. Họ thường chọn giải pháp ôn hòa hơn.
Đức Phật đã cho chúng ta tất cả những phương cách làm người tử tế. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, đó là một yêu cầu cấp thiết. Hãy ứng dụng tứ nhiếp pháp và lục hòa, điều phục tâm mình. Chúng ta sẽ gặt hái được bao điều lợi lạc nêu trên. Quan trọng hơn hết, biến nơi chúng ta đang ở, đang làm việc thành một nơi đáng sống.
Bình luận bài viết