TQ10 - GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VÀ ĐOÀN THỂ PHẬT GIÁO Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VÀ ĐOÀN THỂ
PHẬT GIÁO Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY
PHẠM THỊ CHUYỀN
Phật giáo là một trong ba tôn giáo lớn ở Tây Nguyên hiện nay. Từ những năm đầu thế kỷ XX, Phật giáo theo bước chân di cư của những đoàn người dân tộc Kinh từ miền Bắc du nhập vào Tây Nguyên, sớm nhất là vào Lâm Đồng và Kon Tum. Năm 1931, ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Cổ Sơn Môn có tên là Linh Sơn tự được xây dựng ở làng Võ Lâm (Kon Tum). Sau đó, một ngôi chùa khác được xây dựng quy mô hơn và lấy tên là Bác Ái Tự Tổ đình. Tiếp theo, các phái Phật giáo khác cũng lên Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên đặt cơ sở phát triển đạo. Ở Đăk Lăk, Phật giáo xuất hiện năm 1938. Quá trình phát triển đạo Phật ở Tây Nguyên gắn liền với quá trình di cư của người Kinh từ miền xuôi lên đây lập nghiệp. Vì vậy, Phật giáo ở Tây Nguyên tuy xuất hiện muộn nhưng số lượng tín đồ khá đông và hầu hết là người Kinh. Hiện nay, ở Tây Nguyên đang tồn tại 3 hệ phái Phật giáo là: Phái Thống Nhất (Ấn Quang), phái Cổ truyền Sơn môn và phái Tăng già Khất Sỹ.
Trên địa bàn Tây Nguyên, Phật giáo từ khi du nhập tới nay đã thực hiện được vai trò tích cực của nó với sự phát triển của xã hội, góp phần vào sự hình thành lối sống và đạo đức của những người tin theo Phật giáo ở đây. Bên cạnh sự tích cực và những nỗ lực truyền giảng giáo lý, thực hiện công tác từ thiện của tăng sĩ Phật giáo, các hội đoàn Phật giáo đã có những đóng góp và ảnh hưởng tích cực đối với đồng bào tin theo Phật giáo. Đồng bào Tây Nguyên tin theo Phật giáo đã chứng kiến những hội đoàn Phật giáo(1) hình thành, tồn tại và hoạt động trên địa bàn với những thuận lợi và khó khăn. Và những hội đoàn này đã có đóng góp nhất định cho sự phát triển bền vững của khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có hội đoàn hình thành và hoạt động gây xáo trộn và xung đột trong những người tin theo Phật giáo, có ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển bền vững ở khu vực này.
Trên cơ sở những công trình nghiên cứu về tôn giáo ở Tây Nguyên đã công bố, đặc biệt là những tư liệu điền dã, phỏng vấn sâu tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) được thực hiện trong chuyến công tác tại Tây Nguyên của đoàn công tác Viện Nghiên cứu Tôn giáo năm 2013, trong bài viết này chúng tôi lựa chọn bàn về Gia đình Phật giáo, câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật giáo và Ban hộ niệm tự phát, vì đó là những hội đoàn có đóng góp và ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển bền vững của khu vực này.
1. Vai trò tích cực của Hội đoàn Phật giáo ở Tây Nguyên
1.1 Gia đình Phật tử thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
a) Vai trò của Gia đình Phật tử
Tổ chức Gia đình Phật tử là một đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, có nguồn gốc từ phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX. Năm 1935, ở Huế con cháu của Hội viên Hội Phật học An Nam được tập hợp huấn luyện trong một tổ chức gọi là Đoàn Phật tử đồng ấu, thành viên đa phần là con của Phật tử, tuổi từ 12 đến 18. Trong lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm (Huế) năm đó, các thành viên này mặc đồng phục cổ truyền áo dài the xanh, đeo dải băng vàng có hàng chữ nâu “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, vừa đi vừa diễu hành, vừa hát những bài tán thán Thích Ca Mâu Ni. Năm 1941, các thành viên sinh hoạt ở Đoàn Phật tử Đồng Ấu trong gia đình cư sĩ Lê Đình Thám đã khởi xướng thành lập tổ chức Gia đình Phật tử, có tên là Gia đình Phật hóa phổ Tâm Minh, lấy mục đích là phổ biến Phật giáo đến đại chúng, tạo dựng những quan hệ tình cảm và lối sống hòa mục trên nền tảng Phật
giáo; lấy châm ngôn là “hòa thuận, tin yêu, vui vẻ”, lấy hình hoa sen trắng có tám cánh làm huy hiệu, khi chia tay hát bài “Dây thân ái”. Phong trào Gia đình Phật tử hóa phổ nhanh chóng lan rộng, cho đến năm 1943, các Gia đình Phật tử hóa phổ nhóm họp và ra điều lệ hoạt động, thành lập Ban điều hành. Từ miền Trung, Gia đình Phật tử hóa phổ phát triển ra các vùng miền khác. Đến năm 1951, sau khi đại hội thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, trại huấn luyện Huynh trưởng Kim Cang (Kim Cương) được tổ chức tại Huế, quyết định đổi tên thành Gia đình Phật tử Việt Nam. Gia đình Phật tử sau đó tổ chức Đại hội Huynh trưởng lần thứ hai vào tháng 1/1953, đến tháng 8/1953 tổ chức Đại hội Huynh trưởng lần thứ 3. Tám năm sau vào tháng 12/1961 tổ chức Đại hội Huynh trưởng lần thứ tư. Đại hội lần này đánh dấu một bước phát triển cả về số lượng và chất lượng của Gia đình Phật tử. Với sự phát triển như vậy, Gia đình Phật tử đã trở thành một lực lượng quan trọng trong phong trào đấu tranh của giới Phật giáo miền Nam chống chính sách kì thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963.
Gia đình Phật tử là một tổ chức có cơ cấu tổ chức bài bản, được sắp xếp thành các ngành tùy theo độ tuổi: Ngành Oanh Vũ gồm các thành viên từ 8 đến 12 tuổi (gồm 4 cấp: Mở Mắt, Cánh Mềm, Chân Cứng và Tung Bay); ngành Thiếu bao gồm những thành viên từ 13 đến 17 tuổi; ngành Thanh bao gồm thành viên từ 18 tuổi trở lên. Lãnh đạo một Gia đình Phật tử có một Ban Huynh trưởng, đứng đầu là một Gia trưởng am hiểu về Gia đình Phật tử do Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo địa phương đề cử và được sự nhất trí của Ban Huynh trưởng.
Gia đình Phật tử có phương châm là Bi (Từ bi, tôn trọng tính mạng và hạnh phúc của người khác), Trí (trí tuệ, trừ bỏ mê muội và sống đúng với chân lý); Dũng (dũng liệt, nỗ lực và quả cảm trong thực hành từ bi, trí tuệ); có khẩu hiệu là Tinh Tấn (luôn luôn tiến trên con đường tu học trong sạch). Mục đích của Gia đình Phật tử là đào tạo thanh thiếu niên Phật tử trở thành những người thấm nhuần đạo đức Phật giáo. Huynh trưởng đầu tiên của Gia đình Phật tử, ông Võ Đình Cường, đã nói rõ về mục đích, nhiệm vụ của Gia đình Phật tử không phải là tổ chức Thanh niên có mục đích chính trị, hay một tổ chức Hướng đạo trá hình, mà chỉ mượn một ít phương pháp Thanh niên hay Hướng đạo trên tinh thần của Phật
giáo, nghĩa là Từ bi, Trí tuệ, Tinh tấn, Hoan hỉ và Thanh tịnh.(2)
Lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX đã có những bước phát triển mới gắn liền với sự ra đời của tổ chức Gia đình Phật tử, sự ra đời của một loại hình hội đoàn trong Phật giáo có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có sinh hoạt phong phú, tập hợp được đông đảo quần chúng tín đồ (đặc biệt là giới trẻ) đã thể hiện sự dung hòa sâu sắc giữa tính chất tôn giáo với tính chất xã hội của Phật giáo Việt Nam, chính điều này đã giúp cho Phật giáo Việt Nam vượt qua giai đoạn thoái trào và ngày càng củng cố vị thế của một tôn giáo lớn ở Việt Nam. Gia đình Phật tử ra đời thực sự đem lại sức sống mới cho Phật giáo. Với mô hình tổ chức chặt chẽ, phương pháp tu học, sinh hoạt mới mẻ, sinh động, dễ đi vào quần chúng tín đồ, Gia đình Phật tử đã kết hợp được nhu cầu tín ngưỡng với sinh hoạt xã hội của đông đảo tăng ni, Phật tử. Gia đình Phật tử đã trở thành lực lượng quần chúng có vị trí quan trọng trong Phật giáo. Điểm nhấn quan trọng nhất trong lịch sử của tổ chức Gia đình Phật tử là đã trở thành “vũ khí sắc bén, lợi hại” của Phật giáo trong cao trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ nhất của Phật giáo (giai đoạn 1960-1963) dẫn đến sự lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đó chính là minh chứng về vai trò chính trị của Gia đình Phật tử đối với Phật giáo Việt Nam.
Về mặt tôn giáo, Gia đình Phật tử là một phương thức tu học, bên cạnh đó nó còn là một loại hình tổ chức hội đoàn tôn giáo. Yếu tố tôn giáo là yếu tố quan trọng và có tác động mạnh mẽ nhất đến tổ chức Gia đình Phật tử từ việc tổ chức đến mục tiêu và nội dung sinh hoạt. Trong nội dung hoạt động thường xuyên của Gia đình Phật tử ngoài việc tổ chức truyền dạy giáo lý, đào tạo huynh trưởng... còn chú trọng tổ chức các huynh trưởng và đoàn sinh tham gia hoạt động từ thiện, cứu tế dân sinh, phổ biến những kiến thức về xã hội, văn hóa, văn nghệ, kỹ thuật... Đây là những hoạt động phù hợp với thanh thiếu niên Phật tử. Đây cũng chính là con đường tốt nhất để tổ chức Gia đình Phật tử có chỗ đứng trong lòng Phật tử, Phật giáo Việt Nam có ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa trong các tầng lớp xã hội.
Với các đoàn sinh (chủ yếu là thanh thiếu niên), Gia đình Phật tử không phải là một gia đình đặc trưng theo huyết thống, mà là một gia đình có sự gắn bó bằng giáo lý Phật giáo, bằng tư tưởng, bằng tình yêu thương của đạo hữu, là một môi trường giáo dục quan trọng trực tiếp hình thành lối sống, nhân cách của họ. Những giá trị đạo đức Phật giáo thông qua hoạt động mang tính tôn giáo chảy vào trái tim mỗi đoàn sinh, được thể hiện ra trong những hoạt động mang tính xã hội của họ. Giả thiết Gia đình Phật tử được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, lực lượng Gia trưởng và huynh trưởng trong tổ chức Gia đình Phật tử có tư tưởng thuần nhất đồng thuận với tư tưởng của Nhà nước, của đại bộ phận quần chúng nhân dân, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện theo đúng tôn chỉ mục đích, châm ngôn của Gia đình Phật tử, thì lực lượng đoàn sinh đông đảo này sẽ có được những điều kiện thuận lợi hình thành lối sống lành mạnh, phát triển nhân cách tốt, trở thành những công dân có đạo đức và phẩm chất tốt của xã hội.
Ngày nay, sự phân hóa trong tổ chức Gia đình Phật tử khá sâu sắc giữa tổ chức Gia đình Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (hay còn gọi là Gia đình Phật tử truyền thống, Gia đình Phật tử cũ) và Gia đình Phật tử thuộc Phân ban Hướng dẫn Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự phân hóa này đã tạo ra những phản cảm của một bộ phận tăng sĩ Phật giáo với sự tồn tại và phát triển của tổ chức Gia đình Phật tử, hơn nữa đã tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng khoét sâu mâu thuẫn, phân hóa lôi kéo bộ phận huynh trưởng, đoàn sinh ly khai khỏi sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm làm suy yếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ bên trong, tiến tới loại bỏ tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra khỏi đời sống tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam.
b) Gia đình Phật tử ở Tây Nguyên hiện nay
Trong bối cảnh đất nước chưa thống nhất trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam đã có
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Tới năm 1981 thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam có phương châm Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh những Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, còn có Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, họ vẫn sinh hoạt trong Gia đình Phật tử của họ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau khi thành lập đã hình thành Phân ban Hướng dẫn Phật tử, mô phỏng theo tổ chức Gia đình Phật tử được hình thành từ năm 1966. Trong bối cảnh này, trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay vừa có Gia đình Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và Gia đình Phật tử của Phân ban (Phân ban Hướng dẫn Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam).
Theo số liệu phỏng vấn sáu vị đại diện các Ban trị sự Phật giáo trên địa bàn Tây Nguyên, các Gia đình Phật tử đang sinh hoạt theo đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (nằm trong Giáo hội): Tại Kon Tum hiện có 14 Gia đình Phật tử, cứ mỗi chùa có một Gia đình Phật tử, trung bình mỗi Gia đình Phật tử có hơn 100 đoàn sinh và huynh trưởng; ở Đắc Nông có 18 Gia đình Phật tử, trong đó có 10 Gia đình Phật tử thành lập trước năm 1975, sau đó thành lập thêm 8 Gia đình Phật tử mới, trung bình mỗi Gia đình Phật tử có khoảng 180 đoàn sinh và huynh trưởng; ở Gia Lai có 35 đơn vị Gia đình Phật tử, trung bình một Gia đình Phật tử có hơn 500 đoàn sinh và huynh trưởng; ở Đắc Lắc có 50 Gia đình Phật tử, trung bình mỗi Gia đình Phật tử có 150 đoàn sinh và huynh trưởng; ở Lâm Đồng có 82 huynh trưởng điều hành 1.335 đoàn sinh thuộc 3 ngành (Thanh, Thiếu và Oanh).
Trong nội dung sinh hoạt của Gia đình Phật tử ở Tây Nguyên ngoài những nội dung sinh hoạt chung của Gia đình Phật tử nêu trên, còn có những sinh hoạt mang tính chất phát huy văn hóa truyền thống. Điển hình tại Đắc Lắc và Đắc Nông, có một số chùa, các tăng sĩ trụ trì cho kết hợp sinh hoạt chuyên sâu về Gia đình Phật tử với sinh hoạt về truyền thống văn hóa vào ba tháng hè. Tại chùa Phổ Minh, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuộc tỉnh Đắc Lắc, các em được dạy về những nội dung như ý nghĩa của nghi lễ: tại sao phải lễ Phật, phải thắp nhang, lạy ông bà, cúng ông bà, thờ các Thánh..., Thánh trước hết là Quốc tổ... Tại Đắc Nông, Đại Đức Thích Quảng Hiền, Phó trưởng Ban trị sự Đắc Nông cho biết, hiện nay ở một số ngôi chùa trên địa bàn Đắc Nông đang thực hiện việc lồng ghép giáo dục gia đình trong nội dung sinh hoạt của Gia đình Phật tử: Con cái hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ quan tâm tới con cái, vợ chồng tôn trọng nhau... Sự lồng ghép này đạt được hai mục đích: Thứ nhất, bù đắp phần nào sự thiếu hụt của giáo dục gia đình từ phía cha mẹ, giảm sự ảnh hưởng xấu tới các em từ phía xã hội, ở mức độ nào đó thay cha mẹ dẫn dắt các em nhìn nhận vấn đề đúng mực, không bị sa ngã; thứ hai, tăng sĩ giảng giáo lý áp dụng giáo dục Phật giáo vào trong đời sống gia đình. Những thanh thiếu niên, những người Phật tử được gần gũi Tam bảo, học được giáo lý Phật giáo phải được chuyển hóa thành nội dung dạy bảo con em trong gia đình. Các tăng sĩ trụ trì ở đây ý thức rằng, bên cạnh việc là tăng sĩ Phật giáo, Phật tử, họ còn là người con dân đất Việt, cần phải có tình yêu dân tộc. Cho nên, ngay khi còn là thanh thiếu niên, tăng sĩ trụ trì và huynh trưởng của Gia đình Phật tử cần phải giúp họ nhen nhúm tình yêu che mẹ, gia đình, dân tộc thông qua việc giúp họ quan tâm hơn đến gia đình, hiểu hơn về nghi lễ, tín ngưỡng trong văn hóa truyền thống.
Gia đình Phật tử hoạt động trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam với số lượng huynh trưởng và đoàn sinh như trên cho thấy, đây vẫn là một lực lượng quần chúng đông đảo của Phật giáo ở Tây Nguyên, có vai trò đối với giáo dục đạo đức Phật giáo và vẫn có những đóng góp tích cực vào sự hình thành lối sống và nhân cách đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên tin theo Phật giáo.
1.2. Câu lạc bộ thanh niên Phật tử
Những năm gần đây, trong một số chùa ở Tây Nguyên, tăng sĩ trụ trì thành lập câu lạc bộ thanh niên Phật tử, bao gồm các Phật tử trẻ tuổi tu tập và giúp việc cho chùa. Thành viên chủ yếu là con em của các Phật tử tại gia, tuổi chủ yếu trên dưới 30 tuổi.
Câu lạc bộ thanh niên Phật tử cơ bản khác với Gia đình Phật tử ở hình thức và nội dung sinh hoạt. Nếu trong Gia đình Phật tử, các đoàn sinh nhận nhiệm vụ trực tiếp từ huynh trưởng, chịu ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng của các huynh trưởng, thì trong câu lạc bộ thanh niên Phật tử các thanh niên Phật tử tu tập và nhận nhiệm vụ trực tiếp từ tăng sĩ trụ trì. Họ tham gia sám hối tại chùa vào ngày 14 và 30 âm lịch hàng tháng cùng các Phật tử của đạo tràng lớn tuổi. Thầy trụ trì giảng dạy giáo lý Phật giáo cho họ vào hai buổi tối trong tháng. Trong những ngày lễ lớn, các thanh niên Phật tử này tham gia chính vào công tác hậu cần, phục vụ cho công tác tổ chức, từ âm thanh, ánh sáng, kê xếp bàn ghế, trông dắt xe, hướng dẫn khách cho tới sắp xếp cỗ bàn (hành đường)... Họ thực hiện nhiệm vụ do tăng sĩ trụ trì giao phó, cho nên tăng sĩ trụ trì cho rằng họ gần gũi với Tam bảo hơn, dễ thuận theo đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ở Tây Nguyên, đặc biệt là Đắc Nông, mỗi mùa hè tới, tăng sĩ trụ trì tổ chức các thành viên trong câu lạc bộ thanh niên Phật tử đến chùa học đạo, tu dưỡng đạo đức với những nội dung phong phú. Mùa thi đến, chùa tổ chức các em tham gia tiếp sức mùa thi, chăm sóc thí sinh ăn ở tại chùa, đưa đón thí sinh tới hội đồng thi. Những thanh niên Phật tử qua những hoạt động học đạo kết hợp với hoạt động xã hội, ngày càng trưởng thành hơn về trình độ am hiểu giáo lý, trau dồi thêm đạo đức tôn giáo và đạo đức công dân. Chính họ sẽ truyền cho thí sinh và cha mẹ thí sinh sự cảm mến với đạo Phật và tiếp cận gần hơn với đạo đức Phật giáo.
Tuy số lượng thành viên của câu lạc bộ Thanh niên Phật tử hiện nay ở Tây Nguyên chưa nhiều bằng thành viên Gia đình Phật tử, nhưng đây là một lực lượng có vị trí tiềm năng đối với Phật giáo Tây Nguyên. Với tăng sĩ Phật giáo, họ là những người đáng tin cậy, gần gũi và dễ truyền đạt giáo lý, dễ tuyên truyền đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khó bị thế lực xấu lợi dụng. Với bà con Phật tử và những người yêu mến đạo Phật tới chùa, họ là những người tiếp đón và phục vụ rất chu đáo và thân thiện. Họ góp phần thu hút những người tin yêu Phật giáo và khách thập phương đến với cơ sở thờ tự, đến với Tam bảo, tiếp cận đạo đức Phật giáo. Ở mức độ nhất định, với tinh thần đầy thiện chí và tích cực, họ gián tiếp đóng góp cho việc phổ biến đạo đức Phật giáo đến với quần chúng nhân dân.
(Còn tiếp)
1. “Hội đoàn” là khái niệm do các nhà nghiên cứu đặt ra cho những tổ chức, hội, đoàn của Phật giáo, trong giới Phật giáo không gọi khái niệm này.
2. Xem Nguyễn Thị Minh Ngọc (2009), Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 07/08 năm 2009, từ trang 42 – 49.
Bình luận bài viết