Tin tức

TQ10 - HÀNH HƯƠNG VỀ SRI LANKA-ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG DI SẢN PHẬT GIÁO

HÀNH HƯƠNG VỀ SRI LANKA-

ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG DI SẢN PHẬT GIÁO

NGÔ LỆ THU

Không biết tự lúc nào, tôi luôn khao khát được đặt chân đến những nơi mà đức Phật đã từng đi qua. Tôi may mắn có thiện duyên, đã thực hiện được nhiều chuyến hành hương về Đất Phật của mình và giờ đây lại trùng duyên khởi, tôi được tham gia chuyến hành hương về miền đất mới là Quốc đảo ở Ấn Độ Dương,  phía Tây của Vịnh Bengan – đất nước Tích Lan ngày xưa và nay gọi là Sri Lanka.

Với số dân hơn 21 triệu người, đạo Phật là quốc giáo, diện tích đất nước chỉ 65.600 km2, nhưng Sri  Lanka lại có quá nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc - UNESCO công nhận. Chúng tôi đến Colombo- Thủ đô của Sri Lanka vào giữa đêm và tiếp tục hành trình đến Anuradapura, thành phố của Thánh Thần, Trung tâm Phật giáo và là Thủ phủ đầu tiên của Sri Lanka. Kinh đô cổ xưa này của Sri Lanka - được phát hiện vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên - đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế  giới (VHTG) vào năm 1982. Tại đây, chúng tôi đã dược chiêm bái cây Bồ đề được chiết từ cây Bồ đề ở Bodhgaya,  Ấn Độ, nơi đức Phật thành đạo. Ni sư Sanghamitta đã mang cây Bồ đề này từ Ấn Độ sang Sri Lanka vào năm 247 trước Công nguyên. Đến nay, cây Bồ đề này đã trên 2.250 tuổi và được tôn thờ như một thánh tích của Phật giáo ở Sri Lanka.

Dưới cái nắng nóng và oi bức của những ngày cuối tháng 8, chúng tôi, những người hành hương, cũng tuân thủ quy định chung khi vào tham quan Đền, Chùa ở miền đất Phật- không được đội nón, đội khăn và không được mang giày, dép khi vào khu Phật tích. Đây cũng là một trtong những trải nghiệm khó quên trong chuyến hành hương, bởi không ai trong đoàn chúng tôi quen với đầu trần, chân đất cả. Thế mà không hiểu sao ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng buông bỏ thói quen, và như có một sức mạnh tiềm ẩn thôi thúc, không ai cảm thấy bị bất kỳ sự tác động nào bởi cái nóng như thiêu đốt mặc dù phải đi bộ hàng cây số đưới cái nóng cháy da bên trên và cát nóng đến rát cả lòng bàn chân ấy! Chúng tôi đến viếng Bảo tháp Ruwanvelisaga hay còn gọi là Bảo tháp Maha, đây cũng là một di sản văn hóa thế giới, một tuyệt tác của kiến trúc cổ xưa.

Bảo Tháp Ruwanvelisaga

Mặc dù cuộc hành trình đòi hỏi phải đi bộ liên tục, chúng tôi cũng không cảm thấy quá mệt mỏi vì còn bao nhiêu nơi cần khám phá, chiêm bái. Nhớ lại trước ngày lên đường, tôi đã không tài nào nhắm mắt ngủ được bởi suy nghĩ về miền đất mình sắp đến, một đất nước mà tôi hình dung hơi tiêu cực, nào là đất nước nghèo lại có nội chiến kéo dài, người dân chắc sống khổ lắm, nhất là ở miền quê, kinh tế không thể  phát triển... Nhưng khi đến nơi rồi, tận mắt nhìn thấy đất nước tươi đẹp, cuộc sống an bình và người dân Sri Lanka hiền hoà, tôi biết suy nghĩ  của mình không đúng chút nào. Giờ đây, trước mắt tôi là những con đường trải dài tăm tắp, hai bên đường là những khu vườn, mái nhà được chăm chút thật đẹp. Không chỉ có cơ sở hạ tầng tốt, đường làng quê thoáng đãng, sạch sẽ, người dân ở đây còn có một cuộc sống yên bình. Đâu đâu, du khách cũng có thể nhìn thấy hình ảnh đức Phật, Người thật uy nghi và cũng thật gần gũi. Du khách có thể thấy bức tượng Phật thật to và thật đẹp ngay tại sân bay; những bức tượng Phật lớn bằng người thật với vẻ mặt thanh thản,  ngồi kết già dưới những gốc cây to tại các ngã ba, ngã tư đường như muốn nhắc nhở người dân luôn có tâm từ, làm thiện, tránh dữ. Tôi chợt nhớ đến cái tên gọi của đất nước này, “Cộng hòa Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa Sri Lanka”, cái tên rất có ấn tượng đối với tôi. Một đất nước tuy không phải là giàu nhưng đủ tạo cho dân có được cuộc sống yên bình, giáo dục các cấp được nhà nước hỗ trợ nên hơn 90% người dân biết đọc, biệt viết; y tế đươc nhà nước quan tâm chăm sóc, cơ sở hạ tầng, đường sá tốt được nhà nước lo, không có trạm thu phí giao thông và người dân được hưởng các lợi ích mà tên quốc gia mang đến cho họ.

Rời Auradapura, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Sigiriya, Dambulla và thành phố Kandy. Núi Sigiriya hay còn gọi là Núi Sư Tử. Đây cũng lại là một di sản văn hóa thế giới do vua Kassapa xây dựng từ thế kỷ thứ V sau Công nguyên. Núi Sư Tử mang một kiến trúc độc đáo, cao 200 mét và nắm phía trên khu rừng rậm. Bao quanh cổ thành là một hệ thống hào lũy, khu vườn rộng lớn với các công trình liên hợp. Tại chân những bậc thang bước vào cổng thành là những móng vuốt sư tử được chạm khắc thật sắc nét. Trên vách đá, những bích họa từ cổ xưa với màu sắc hài hòa vẫn còn lưu giữ được đường nét dù đã trải qua cả ngàn năm.

Núi Sư Tử

Rời Sigiriya, chúng tôi đến Đền Vàng Dambulla (Golden Temple of Dambulla), cũng là một di sản văn hóa thế giới được UNESCO  công nhận năm 1991. Đền được xây dựng từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Đền gồm 5 hang động với khoảng 153 tác phẩm tượng Phật được điêu khắc rất độc đáo, mỗi bức mỗi khác. Các bức họa trên vách đá trong khu hang động có diện tích gần 2.000m2, miêu tả sự cám dỗ của quỷ Mara và hình ảnh mô tả cuộc sống của đức Phật. Ôi! Chúng tôi không biết phải diễn tả như thế nào về sự ngỡ ngàng, quá đỗi ngạc nhiên trước các thánh tích Phật giáo gần như còn nguyên vẹn này! Cám ơn Sri Lanka, đất nước có công rất lớn khi gìn giữ, bảo tồn những di sản quý báu của Phật giáo nói riêng và cho nền văn hóa thế giới nói chung suốt hơn 2.000 năm qua.

Đền Vàng (Golden Cave Temple of Dambulla)

 

Trong hang động Dambulla

Đoàn chúng tôi đứng nhìn dòng người đi không mệt mỏi phía trước và sau lưng mình, họ im lặng đi nối đuôi nhau, thành kính đến chiêm ngưỡng báu vật của người xưa. Các em nhỏ với đôi mắt to tròn rạng ngời, các em học sinh hớn hở theo chân thầy, cô được đi tham quan, học hỏi về nơi lưu dấu của đạo Phật, những di sản văn hoá vô giá của thế giới. Rồi đây, các em sẽ được học giáo pháp thực tế bằng hình ảnh sống động qua những di tích Phật giáo trên đất nước Sri Lanka và đó sẽ là động lực để các em gìn giữ bản sắc văn hóa theo nhu cầu tâm linh của dân tộc mình.

Chặng cuối của cuộc hành trình khám phá vùng đất mới là thành phố Kandy, thành phố lớn thứ hai và là thủ đô cuối cùng của các vị vua Sri Lanka. Đây cũng là thành phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản VHTG. Chúng tôi được nghỉ một đêm tại khách sạn của thành phố cao nguyên này. Không khí mát lạnh bên ngoài nhưng ấm áp bên trong căn phòng khi đoàn chúng tôi cùng ngồi quây quần bên nhau, nâng ly chúc mừng cho chặng đường di chuyển liên tục đã qua. Sáng sớm, trời se lạnh, cả đoàn đi bộ xuống đồi để lên xe, chúng tôi nghe rõ tiếng chim hót líu lo, mắt ngắm nhìn những bông hoa dại với đủ sắc tím, xanh, hồng... bừng nở hai bên lối đi... như đón chào đoàn. Một ngày mới đến để chuẩn bị lên đường chiêm bái và đảnh lễ Xá lợi Răng của đức Phật ở Đền Răng. Nơi đây là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất của sự thờ phượng và hành hương Phật giáo trên toàn thế giới và cũng là ngôi đền Phật giáo chính của người Sri Lanka từ thời cổ đại đến ngày nay.


Đền Răng – Xá Lợi Răng của Đức Phật (Temple of Tooth Relic)

Chào Sri Lanka, giã từ những thánh tích Phật giáo, giã từ quá nhiều Di sản Văn hóa được thế giới công nhận, chúng tôi chuẩn bị chuyến trở về với niềm vui đong đầy và lòng thật phấn chấn. Trên đường về, chúng tôi được dừng chân ăn trưa tại một ngôi nhà bình dị với thức ăn chay được để ngăn nắp trong lá sen tươi, được uống nước dừa tươi với loại dừa cỏ vỏ màu vàng đượm thật bắt mắt. Chúng tôi được ngắm những đồi trà bạt ngàn, nhìn các thiếu nữ thoăn thoắt đôi tay hái trà thật điệu nghệ. Giữa khí trời mát lạnh, chúng tôi đã thưởng thức một tách trà Dhima để thêm ấm lòng khi phải rời xa vùng đất giàu di sản Phật tích.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 347
    • Số lượt truy cập : 7079678