TQ10 - HÀNH TRÌNH ĐẾN TÂY TẠNG – QUA DÃY TROPU-LA VÀ VIẾNG CẢNH SAKYA
HÀNH TRÌNH ĐẾN TÂY TẠNG – QUA DÃY TROPU-LA VÀ VIẾNG CẢNH SAKYA
HUỲNH ĐĂNG KHOA
Rời Shigate khi trời còn chưa sáng, cái lạnh xứ Tạng bao trùm bằng một màn sương dày đặc với cái lạnh (-)1oC, nhưng người dân thì vẫn vậy, họ thức sớm, quen với cái lạnh thấu xương thịt và cũng như những nơi khác, công việc nấu bơ sữa cho một buổi ăn sáng trước khi đi kinh hành hay làm việc vẫn diễn ra. Bát bơ sữa béo ngậy cũng phần nào giúp chúng tôi quen đi cái lạnh đang vây kín, ngồi bên nhau để cảm nhận từng phút giây quý giá của xứ sở này.
Đoàn đi thẳng đến tu viện Sakya, băng qua những con đường đầy hứng khởi cho chúng tôi, hai bên đường là những dãy núi trắng xóa, cảm giác khó tả khi đoàn băng qua ngọn núi Tropu-la cao 5.000m so với mực nước biển, hai bên đường không một bóng cây, con đường ngoàn ngoèo uốn lượn như con trăn khổng lồ đang uốn quanh dãy tuyết trắng, những tia nắng đầu tiên lại xuất hiện luôn tạo cảm giác đầy năng lượng như ngày đặt chân lên vùng đất này, bầu trời xanh thẫm, từng dãy mây trắng bay vô tư lự không điểm đầu cuối luôn bồng bềnh trong không gian tĩnh lặng. Sương mù còn vươn trên đỉnh Tropu-la tạo nên bức tranh huyền ảo đặc sắc mà tôi từng thấy được. Quả không sai khi nói vùng đất linh thiên này là “ vùng đất tịnh độ” của Tây Tạng, tâm thức người hành hương không thể không xao xuyến trước “ tiên cảnh” như thế này. Màu sắc của những “núi” cờ ngũ sắc bay phất phơi trước gió, mang đi nhưng thông điệp yêu thương, từ bi hỷ xả của người con Phật bay đi khắp mười phương chư Phật. Chúng tôi nói đùa với nhau, chưa thấy ở đâu như nơi này, dù đủ loại màu sắc, nhưng chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy “chán” trước nó, không có cảm giác quá “quê và sến” của vùng đất này, mà thay vào đó là cảm giác khâm phục và mở lòng yêu thương đến mọi người, bởi người dân và khách thập phương đến đây cùng chung một tâm niệm hướng thiện và tìm về vẽ đẹp chân thiện mỹ của người con Phật.
Qua khỏi dãy Tropu-la là bắt đầu đi tới một vùng rất khô cằn, dân cư khá thưa thớt, quán ăn không như ở Shigate, quán to nhất trong vùng thì cũng chỉ bằng quán ven đường của những chỗ khác mà chúng tôi từng đi. Cho tới khi xe đỗ xuỵch trước cửa tu viện Sakya, đi vào bên trong tôi vẫn không thể hiểu được sao ở giữa mảnh đất xác xơ, điêu tàn thế này lại có 1 tu viện nguy nga và lộng lẫy, đẹp nhất trong hành trình trên vùng cao nguyên này như thế? Và khi đọc xong những quyển sách về Tây Tạng, tôi càng thấy cái tu viện này đẹp và có ý nghĩa gấp bao nhiêu lần.
Nằm ở độ cao 4.280m của xứ tuyết là tu viện Sakya. Đây là tu viện của phái Sakya, một giáo phái cổ xưa của Phật giáo Tây Tạng và phát triển rất mạnh mẽ từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV. Tu viện được xây dựng vào năm 1073. Đây là một tu viện rất lớn, với những bức tường dày màu xám được gọi như là "great walls" của Tây Tạng. Nơi đây từng tập trung khoảng trên dưới 3.000 tăng sĩ theo học, có một vị trí rất quan trọng trong cộng đồng và lịch sử phát triển Phật giáo ở vùng quanh năm tuyết phủ này. Sakya có nghĩa là "miền đất xám bạc màu", có phải vì thế mà những bức tường ở đây ngoài màu đỏ truyền thống còn được quét màu xám? Những bức tường từ thế kỷ XII như có tiếng nói, có linh hồn, làm cho khách hành hương không thể không rung động khi đi qua trước vẻ đẹp này. Tu viện Sakya bao gồm 02 tu viện: tu viện phía Bắc và tu viện phía Nam. Năm 1073, Khon Konchog Gyalpo, người sáng lập phái Sakyapa, xây dựng một cung điện màu trắng trên một ngọn đồi đất sét màu xám. Người dân địa phương đặt tên là cung điện "Sakya". Đây là tu viện phía Bắc nhưng ngày nay đã bị hủy hoại chỉ còn là một đống đổ nát.
Tu viện hiện nay chúng tôi đi qua và thấy là Tu viện Nam Sakya. Tu viện được thiết kế xây dựng theo bố cục thành lũy như một pháo đài và được bao quanh bởi một con hào. Công trình này xây dựng bắt đầu vào năm 1268 và được dẫn dắt bởi Benqen Sagya Sangbo đệ tử của Choygal Phakpa, là hậu duệ thứ năm của phái Sakyapa. Các bức tường ở đây được sơn màu đỏ, trắng và màu xám. Tu viện Sakya nổi tiếng với bộ sưu tập khổng lồ các tài liệu kinh điển về Phật giáo Tây Tạng, những tấm thangka và những bức tranh vẻ đủ các màu sắc dọc tu viện làm cho chúng tôi choáng ngợp. Nhiều Phật điện của ngôi đền này đều có những bức tường sách. Những giá sách ngồn ngộn kinh văn xếp cao chất ngất, che kín những mảng tường cao vút trong điện. Hầu hết các bức tranh tường là từ triều đại nhà Nguyên (1271-1368). Trong số đó, nổi bật nhất và quý giá là những bức tranh miêu tả chân dung của tổ tiên Sakya trước đây.
Theo thống kê, khoảng 40.000 tài liệu kinh điển được đặt ở đó. Một kệ sách bằng gỗ dài khoảng 57m, cao 11m và rộng 1m cùng hơn 10.000 tài liệu kinh điển được đặt trên kệ. Trong số đó, quý giá nhất là tài liệu Burde Gyaimalung ghi chép về lịch sử, triết học, văn học, nông nghiệp, chăn nuôi và tôn giáo Tây Tạng. Ngoài ra, tu viện còn sở hữu 21 tập kinh Phật viết trên lá Pattra bằng tiếng Phạn. Mỗi tập gồm 100-200 trang và minh họa bốn màu. Tất cả đều là những tài liệu kinh điển quý giá nhất trên thế giới.
Chính điện, còn được gọi là Lakhang Chenmo, của tu viện có diện tích khoảng 5.800 mét vuông và có sức chứa lên đến 10.000 người. Bên trong chính điện là tượng của 3 người đã sáng lập ra phái Sakyà: Thứ nhất là tượng Khon Konchog Gyalpo – người sáng lập của dòng phái Sakya cho xây dựng vào cuối thế kỷ XI bên bờ phía Bắc của sông Chun Qu, 127km về phía Tây của thị trấn Shigatse. Tiếp đến là Kunga Nyingpo – con trai của Konchog Gyalpo – người đã cai quản giáo phái Sakya suốt 48 năm, thu nhận vô số đệ tử và khiến giáo phái không ngừng lớn mạnh. Người thứ 3 là Dragpa Gyaltsen – dưới thời của ngài, tầm ảnh hưởng của Sakya đã vượt ra phạm vi vùng Hậu Tạng. Hầu hết các tòa nhà của tu viện Sakya đã bị phá hủy trong cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc và sau đó được trùng tu lại nhưng dường như nét cổ kính hùng vĩ ngày xưa đã mất đi phần nào.
Rời Sakya, băng qua những con đường gồ ghề khó đi, bụi mịt mù trong cái nắng chói chang của buổi trưa mùa thu tháng 9, lòng ngậm ngùi nhìn lại một thời huy hoàng và suy ngẫm về lời dạy của đức Phật trong Bát Nhã Tâm Kinh: “Sắc tức thị Không – Không tức thị Sắc", vạn vật do biến đổi , duyên hợp mà sanh, vốn không thật có... sanh diệt vô thường. Tạm biệt Sakya, tạm biệt những dãy mây trắng và vùng đất khô cằn nhưng luôn chứa đựng những mầm sống dũng mãnh.
Bình luận bài viết