Tin tức

TQ10 - NGHĨ VỀ NGÀY ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO

NGHĨ VỀ NGÀY ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO 

NGUYỄN HỮU VIỆT

 

Khổng Tử (551-479 TCN), lời nói và việc làm của ông được ghi chép rải rác trong Tả truyện, Quốc ngữ và trong tác phẩm chư tử. Bộ Luận ngữ 20 thiên hiện còn đã ghi lại tình hình dạy và học của Khổng Tử với học trò, là tài liệu chủ yếu để nghiên cứu tư tưởng Nho gia thời kỳ đầu. Đổng Trọng Thư (179-104 TCN) là nhân vật quan trọng kế thừa và phát huy Nho học trong lịch sử Nho học. Nói một cách khác, Đổng Trọng Thư là người xây dựng nên học thuyết chính thống của Đạo Khổng.

Như vậy, phải mất hơn 200 năm kể từ ngày Khổng Tử khai mở, đạo Khổng mới thành hình.

Lão Tử không rõ năm sinh, nhưng sử liệu Trung Quốc nói rằng ông là người cùng thời với Khổng Tử. Ông qua Hàm Cốc quan, quan Lệnh Doãn là Doãn Hỉ mời làm sách, bèn viết Đạo đức kinh 5.000 chữ rồi đi, không ai biết về sau ra sao. Đầu đời Tây Hán, cái học Hoàng Lão thịnh hành, sách chú giải Đạo đức kinh đua nhau ra đời vì thế danh vọng Lão Tử dần dần nổi lên. Thời Đông Hán Lão Tử dần dần được thần thánh hóa. Vào thời Minh Đế và Chương Đế, Thái thú Ích Châu là Vương phụ viết Lão Tử thánh mẫu bi nói rằng: “Lão Tử giả, Đạo dã” (Lão Tử, ấy là đạo). Đạo giáo tôn Lão Tử làm Giáo chủ, coi Đạo đức kinh làm kinh điển chủ yếu.   

Còn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì sao?

Với một tâm hồn thanh thoát, thái tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) ra đi giữa đêm khuya, để lại sau lưng tất cả đền đài cung điện, người cha yêu quí, vợ đẹp, con thơ, và cả một tương lai huy hoàng rực rỡ. Ngài trốn khỏi thành và giục ngựa thẳng xông trong đêm tối. Cùng với Ngài chỉ có Channa (Xa Nặc), người đánh xe trung thành. Đơn độc một mình, không tiền của, không cửa nhà, nay đây mai đó, Ngài bắt đầu lần bước trên đường tìm Chân Lý và An Tĩnh.

Đây không phải là sự từ bỏ của một cụ già đã trải qua hầu hết cuộc đời của mình, hay của người bần cùng nghèo đói không còn gì để bỏ lại phía sau, nhưng là sự khước từ của một hoàng tử vinh quang giữa thời thanh niên, trong cảnh ấm no, sung túc và thịnh vượng. Một sự thoát ly chưa từng có trong lịch sử.

Lúc ấy, Thái tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) mới 29 tuổi(1).

Ngài ra đi tìm chân lý: thụ giáo các vị đạo sĩ Balamôn lỗi lạc nhất, rồi cùng năm anh em Kondanna (Kiều Trần Như) tự khép mình vào nếp sống cực kỳ kham khổ kéo dài 6 năm trường, cho đến một ngày kia thân hình tráng kiện của Đạo sĩ Gotama (Cồ Đàm tức Thái tử Sĩ Đạt Ta) chỉ còn là bộ xương bọc da.

Thực tu khổ hạnh sáu năm, mà chỉ là khổ sở hành hạ thân tâm, thân thể mỏi mòn, tâm thần suy kiệt không kết quả, nên Ngài đã phải từ bỏ, tuy năm anh em ông Kiều Trần Như không tán thành! Xuống sông Ni Liên Thuyền tắm rửa, nhận sữa của nàng mục nữ Sujata dâng cúng rồi chia tay với nhóm ông Kiều Trần Như, đi đến thôn Gaya, ngồi dưới gốc cây Tất bát la (Bodh), chuyển từ tu khổ hạnh sang tu thiền quán. Qua 49 ngày đêm tọa thiền và tư duy quán chiếu, với một tinh thần tinh tiến dũng mãnh, với ý chí khắc phục nội ma ngoại chướng, bỗng nhiên vào ngày mùng tám tháng mười hai, vừa lúc sao Mai ló rạng, Đạo sĩ Gotama bỗng nhiên giác ngộ - Nhìn thấy chân lý và quy luật của muôn loài, Ngài đã thành Phật. Cây Tất bát la được gọi là cây Bồ đề (Bodhivrksa), thôn Gaya được gọi là Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya).

Sau cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường kéo dài sáu năm đằng đẵng, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và không được sự hướng dẫn của một năng lực siêu phàm nào, đơn độc một mình và chỉ nương nhờ nơi nỗ lực của chính mình, Đạo sĩ Gotama, lúc ấy ba mươi lăm tuổi, tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, đã trở thành vị Phật, đấng Chánh Biến Tri, bậc Toàn Giác. Kể từ ngày ấy, Ngài tự xưng là Vô thượng Phật đà (Buddha), và chúng đệ tử quy y Phật thì gọi Ngài là Thế Tôn (Bhagavat), là Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni). Mâu Ni có nghĩa là bậc thánh. Đức Thích Tôn là bậc thánh xuất thân từ dòng tộc Thích Ca, do đó xưng là Thích Ca Mâu Ni.

 Ngài trở thành Phật do sự nỗ lực của mình chứ không phải khi sinh ra Ngài đã là Phật! (2) Rõ ràng, để thành đạo đòi hỏi nỗ lực cố gắng và kiên trì của bản thân rất cao.


1. Đa phần các vị cổ đức đều cho rằng Ngài xuất gia năm Ngài mười chin tuổi, và thành đạo năm Ngài hai mươi lăm tuổi.

2. Theravada (Phạm Kim Khánh dịch), Đức Phật và Phật pháp, NXB Tôn giáo, 2011.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 354
    • Số lượt truy cập : 7079887