Tin tức

TQ10 - THÀNH KÍNH TRI ÂN ĐẢNH LỄ ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ

THÀNH KÍNH TRI ÂN ĐẢNH LỄ ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ 

VIÊN THẮNG

      

Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật

Ngài đã xua tan bao nhiêu nỗi ưu phiền khổ lụy đời con.

Tìm lên cõi phúc trong đời, quỳ dưới chân Ngài nguyện thành tâm

Con xin phát nguyện nương thân cửa Phật, trăm năm sống vui trọn kiếp con người (1)

Hạnh nguyện của chư Phật, Bồ tát là đi vào cuộc đời để cứu độ chúng sanh. Mỗi đức Phật, mỗi vị Bồ tát đều có hạnh nguyện khác nhau, nên sự phát nguyện cũng không giống nhau, như đức Phật Thích Ca phát năm trăm đại nguyện, khi Ngài còn tu nhân địa; đức Phật A Di Đà phát bốn mươi tám  nguyện; còn đức Phật Dược Sư phát mười hai đại nguyện. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin tỏ lòng thành kính tri ân về đức Phật Dược Sư.

Khi nói đến hình ảnh đức Phật Dược Sư thì không những người Việt Nam chúng ta mà còn có các nước như Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản đều rất kính ngưỡng, thờ cúng rộng rãi; lại còn xuất hiện trong thơ văn và âm nhạc. Vì sao gọi là Phật Dược Sư? Theo Từ điển Huệ Quang định nghĩa: Dược Sư theo tiếng Phạn là Bhaiajyaguruvairyaprabhâsa, Hán âm là Bệ Sát Xã Lũ Lỗ, còn gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Đại Y Vương Phật v.v. Đức giáo chủ của thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.

Ở đời quá khứ, lúc hành đạo Bồ tát, đức Phật này từng phát mười hai nguyện lớn, nguyện giải trừ các bệnh khổ cho chúng sanh, giúp cho họ đầy đủ các căn và dắt dẫn vào đường giải thoát. Nhờ nguyện này mà Ngài được thành Phật, trụ ở thế giới Tịnh Lưu Ly, trang nghiêm như nước Cực Lạc.

Chư Phật xuất hiện ở đời là vì mục đích cứu khổ chúng sanh. Bởi vì, chúng sanh luôn chịu nhiều đau khổ, là một thực trạng mà con người cảm nhận tự lúc lọt lòng mẹ, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay vô quan tài. Chính vì thế mà trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều nói:

"Thảo nào khi mới chôn nhau,

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!”.

Chúng ta sanh ra ở thế gian này có người nào dám vỗ ngực nói mình hạnh phúc, không có khổ đau? Trừ phi họ là bậc Thánh chứng ngộ. Còn hàng phàm phu chúng ta thì luôn chịu không biết bao nhiêu nỗi khổ của kiếp người. Người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, người giàu có nỗi khổ của người giàu. Khổ vì bệnh tật, tai nạn, làm ăn thất bại, kẻ khác hãm hại v.v.. Hay nói cách khác còn mang thân tứ đại thì phải chịu nhiều đau khổ, vì bị vô thường chi phối. Thế nhưng, chúng ta luôn chấp thân này là thật có, nên mãi mãi chịu đau khổ trầm luân trong vòng sanh tử. Vì thế, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo! Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được gọi là khổ. Tóm lại chấp năm thủ uẩn là khổ” (2).

Do đó mà đức Phật xuất hiện ở cõi đời này để chỉ dạy chúng sanh thoát khổ, được an vui. Vì chúng sanh đông vô lượng vô số, nên Phật có vô lượng pháp môn để hóa độ.

Đức Phật Dược Sư là bậc Thầy thông suốt tất cả y dược ở thế gian và xuất thế gian, Ngài có thể chữa trị hết tất cả những thứ bệnh khổ của chúng sanh. Các bệnh từ điên đảo, vọng tưởng do tham, sân, si phiền não gây ra. Ánh sáng của Ngài thật không nghĩ bàn trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi. Ánh sáng này chiếu đến đâu thì phá sạch tăm tối vô minh của chúng sanh, đem đến lợi lạc và diệt tất cả những bệnh khổ thân tâm của chúng sanh, khiến cho họ xa lìa mê vọng mà hướng đến giác ngộ, giải thoát:

Phật Dược Sư hào quang sáng ngời, hào quang sáng ngời.

Soi đường chúng con vượt qua tăm tối

Phật Dược Sư bàn tay nhiệm mầu xoa dịu nỗi đau

Nỗi đau tật bệnh xua tan lo buồn trầm luân thế gian (3).

Đúng thế! Mỗi khi chúng con bị bệnh tật hành hạ làm cho thân thể đau đớn, tâm lo sợ bất an, nên khi uống thuốc chúng con thầm trì danh hiệu Ngài thì tâm cảm thấy an lạc, không còn sợ hãi, hoảng loạn; thân cũng dần dần hết đau đớn bệnh tật. Lúc ấy, chúng con cảm thấy như Ngài đưa bàn tay xoa diu nỗi đau trong con. Thật đúng như nguyện thứ bảy, Ngài đã phát:

“Khi Ta lên Phật hiện tiền

Ai không thân thuộc, nghèo hèn, ốm đau

Tên Ta, tụng niệm một câu

Thân thành thánh thiện, tâm theo Bồ đề” (4).

Hình ảnh đức Phật Dược Sư, tay trái cầm thuốc chữa bệnh và tay phải giữ Ấn thí nguyện thật thân thương gần gũi với chúng con vô cùng.

Chúng ta là đệ tử Phật, không những hành trì danh hiệu Ngài chuyên nhất để đạt được thân tâm an lạc và được Ngài gia hộ mà còn thực hành theo hạnh nguyện của Ngài. Khi gặp ai đó đi lầm đường lạc lối, chúng ta đem chánh pháp để chỉ dẫn họ quay về con đường chánh, trở thành người hữu ích trong gia đình và xã hội. Đây là chúng ta thực hành theo nguyện thứ chín của Ngài.

Hay gặp người nào bị tai nạn bất ngờ, hoặc bị giặc cướp sạch tài sản. Trong lúc họ hoảng loạn đau khổ tột cùng, không biết làm cách nào thì chúng ta hết lòng an ủi, chia sẻ với họ cả vật chất lẫn tinh thần, giúp họ vượt qua cơn sóng gió cuộc đời. Đây là chúng ta học theo hạnh thứ mười của Ngài. Còn về niệm đức Phật Dược Sư được cảm ứng được ghi trong lại trong sách rất nhiều. Chúng ta chuyên niệm danh hiệu Ngài được cảm ứng thì chúng ta có trải nghiệm qua thì mới biết. Vì việc tu hành giống như người uống nước, nước lạnh nóng chỉ có mỗi người tự biết.

Chúng con xin thành kính tri ân Ngài, không biết bao lần con chứng kiến những người bị đau khổ bệnh tật hoành hành, họ đến quỳ dưới tượng Ngài khóc nức nở, tha thiết chí thành xin Ngài cứu độ. Lúc ấy, con cảm thấy Ngài là đấng Cha lành đang cứu độ chúng sanh, đang ban cho linh dược chữa trị tâm bệnh và thân bệnh cho họ. Thật đúng là:

Địa ngục ngạ quỷ thoát ra

Tam đồ vắng bóng chính là Đông phương

Dược Sư, người khổ nhờ nương

Nghèo nàn, bệnh tật, tai ương dứt liền (5).


1. Lạy Phật Dược Sư- Hàn Châu

2. Tương Ưng V

3. Lạy Phật Dược Sư- Hàn Châu

4, 5. Thơ Vi Tâm.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 337
    • Số lượt truy cập : 7080295