Tin tức

TQ10 - TRÊN ĐỈNH NÚI DINH

TRÊN ĐỈNH NÚI DINH

HÀNG CHÂU

 

 Ngọn núi chập chùng xanh lơ ấy trải dài theo quốc lộ huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Vào mùa đông, sương mù, phủ mơ màng như chốn bồng lai. Chỉ còn đôi ngày nữa là sang xuân. Thấp thoáng có bốn thanh niên, hai nam hai nữ, trên vai ba lô nhỏ dong ruổi trên con đường tráng nhựa thênh thang uốn lượn theo sườn núi, từng bước trên chiếc cầu sập vừa được đúc xi măng qua con suối mà người ta đặt cho cái tên - Suối Tiên. Vào mùa nắng nước lơ thơ róc rách, ào ào trắng xóa khi mùa mưa tràn về.

Lên tới độ cao năm trăm thước, họ đến Bửu tràng Sơn tự. Ngôi chùa này ở một góc vườn núi, phía trước mặt hướng về biển Vũng Tàu, phía sau lưng về biển Long Hải. Ngày cũng như đêm, gió lồng lộng trên những ngọn cây cao vút mát lạnh. Chiều về vạt nắng trài dài hướng hang Tổ. Trên cao đỉnh núi xanh xanh uốn lượn chập chùng, in rõ hướng nền trời nao nao cõi lòng, một nỗi thương nhớ vu vơ làm tim ta se thắt.

Bốn thanh niên lặng nhìn ngôi chùa nhỏ mà ngày xưa chốn này hoang vu, rừng cây bạt ngàn, chỉ có muôn thú, nai, gà, heo, nhím, cheo, mễn và vô số khỉ. Chúng vắt vẻo trên cành cây hú hí chí chóe, mẹ khỉ bắt chí cho khỉ con rồi tha hồ ăn chùm trái gùi vàng thơm lừng trời cho.

Bốn người vịn thân cây trèo lên tảng đá xếp hàng chồng chất qua một ngã ba, họ ngừng lại đôi phút định hướng về nơi mà ngày xưa các bậc đàn anh có một thời tuổi trẻ tạm sống ở nơi đây để chuẩn bị ngày tiến vào thành phố.

Anh Ba Vì đưa tay chỉ hướng trước mặt:

- Đúng rồi! Con đường nầy lên sân bay, đi chừng mười lăm phút nữa thôi.

Họ đi từng hàng một, nhường cho hai người phụ nữ đi trước. Còn đến một ngã ba nữa, đi qua một cái hầm như bếp hoàng cầm. Tháng nầy sang xuân nên rừng cây xanh lá, ánh mặt trời lấp lánh len lỏi xuống mặt đất như chiếc chiếu hoa. Lên đến độ cao gần sáu trăm thước, ta cảm như sắp với tới bầu trời.

Bạch Yến reo lên:

- Kìa! Đằng trước có tảng đá to dài chắn ngang. Tới rồi! Tới rồi!

Họ chuẩn bị sẵn sàng bò theo tảng đá có bề dài độ sáu thước, bề cao hai thước nằm nghiêng nghiêng thoai thoải. Mọi người nín thở, bò theo bước tay trườn về phía trước. Bốn người lên được độ cao, họ lại len theo khe một tảng đá khác hiện rõ bầu trời bao la, lộng lẫy. Trước mặt họ, lại một tảng đá nữa thật to bằng phẳng như nền nhà – Sân bay! Tất cả cùng reo lên, mừng rỡ. Giữa tảng đá, nét sơn trắng hình vòng tròn, chính giữa có mũi tên dấu hiệu, bãi đáp trực thăng của những ngày khói lửa đạn bom.

Gió lồng lộng, bốn người bạn ngồi duỗi chân, thoải mái thở lấy sức. Nhìn dưới mặt đất, con đường quốc lộ ra Vũng Tàu hiện rõ từng chiếc xe hơi nhỏ xíu chầm chậm nối đuôi như bầy kiến tha mồi. Từng ô ruộng vuông vân xanh lá mạ uốn lượn nhịp nhàng theo ngọn núi. Bầu trời xanh mơn mởn, vần mây trắng lửng lờ bay.

Anh 9 Bông gợi ý:

- Mình lên trên đỉnh nghen các bạn! Nơi đó có một cái hang, có vị tu sĩ ẩn mình tu ở đó.

Họ rời sân bay, lại từng bước cẩn thận lên ngọn núi. Một cái hang diện tích như cái giường hiện ra. Nơi miệng hang, cánh cửa đan tre khép kín. Chắc vị sư đi xuống suối lấy nước. Họ lại từng bước theo vách hai tảng đá to chồng lên nhau chông chênh hình thành từ cơn địa chấn lúc tạo thiên lập địa. Dọc theo con đường mòn nhỏ một bên là rừng cây cao, một bên là thung lũng đan chen trúc, nứa. Mươi thước nữa là đến cái hang to khác được xếp thành hai tảng đá như mái nhà có sức che nắng cho ba mươi người. Nơi đây được gọi là hang Hàm Rồng. Họ gặp vị sư trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ được dựng lên sát hang đá.

Sư Tâm Nguyện độ ba mươi tuổi, tên cha mẹ đặt lúc chào đời là Nguyễn Thanh Lư.

Bạch Yến tò mò hỏi:

- Quê sư ở đây vậy?

Hạnh tiếp theo:

- Sư ơi! Vì sao mà sư lại ở chốn cô quạnh nầy?

Vị sư trẻ trầm ngâm như hồi tưởng về dĩ vãng xa xôi... Quê Thanh Lư ở Cần Đước Long An, vùng này sông rạch chằng chịt bao la. Dân nơi đây sinh sống mua bán bằng đường sông. Ba sắm cho anh một chiếc tàu, tập kinh doanh chở cát, đá giao cho các cửa hàng vật liệu xây dựng. Năm mười sáu tuổi, người cha dạy cho con làm quen với chiếc tàu và năm mười tám tuổi đã là thuyền trưởng. Chiếc tàu đi khắp các tỉnh miền  Tây, từ Long An qua Gò Công, Cần Thơ về Sóc Trăng, Trà Vinh ghé Bạc Liêu, dựng lại ở đất mũi Cà Mau.

Hạnh khẽ nhìn vị sư trẻ, người có gương mặt thanh tú, đội mắt đầy nghị lực, sống mũi cao, nơi khoé miệng có một nốt ruồi duyên như con gái.

Chị nhẹ nhàng hỏi:

- Có thời gian nào Lư sống ở thành phố không?

- Có! Năm mười sáu tuổi, ba cho tôi lên Sài Gòn học lớp thuyền trưởng. Những ngày sống ở độ thị sôi động, ồn ào, tôi thấy người thì đầy đủ sung túc, cũng những đứa trẻ đánh giày, người già cả, tật nguyền bán vé số. Kẻ thì ăn thừa đổ vãi, người thì tiếc từng hạt cơm rơi. Đêm đêm khi mặt trời vừa tắt nắng, các nhà hàng quán sá gần như không còn chỗ trống nào. Rồi tệ nạn lường gạt, sát phạt lẫn nhau chỉ vì ham tiền, chỉ vì lời nói rồi mất đi tính người. Cuộc đời sao lắm nỗi bất công, sao cay đắng đến như thế?

Anh Chín bông khẽ hỏi:

- Làm sao mà sư lưu lạc ở đất Bà Rịa nầy vậy?

- Hình như tôi có duyên với vùng đất miền Đông đó anh!

Sư Tâm nguyện lặng thinh đôi phút, đăm chiêu:

- Trong một chuyến về Bà Rịa tìm mua đất đá khai thác, thấy dãy núi cao hùng vĩ bao phủ sương mờ bàng bạc đẹp như chốn thiên thai, tôi dừng chân, như định mệnh của đời mình, tôi ở lại nơi đây một thời gian khá lâu. Một mình lửng thửng leo lên từng mỏm đá cao, tôi phát hiện ra nhiều hang động huyền bí. Hầu hết các hang đều có người tu thiền. Các vị sống hết sức giản dị, lặng lẽ, trông thật hiền từ, toát lên vẻ thanh thoát. Những điều ấy gây sự tò mò trong tôi. Tôi lấy làm lạ, dưới thành phố là cả một sự tất bật, náo nhiệt, bon chen giành sự sống, thì ở trên đỉnh núi cao này, ngược lại – Một bầu trời mênh mông của trí tuệ. Thế rồi, tôi như “ngộ” ra. Về quê nhà, tôi xin phép ba cho tôi được phép xuất gia. Ông lặng thinh, buồn lắm! Trong thời gian đầu, tôi đấu tranh với bản thân, với gia đình ray rứt mãi. Gần một năm trời, Sư thầy thấy tôi cố gắng bằng cả một sự quyết tâm, thầy mới chấp thuận xuống tóc cho tôi. Lâu không thấy tôi về, bà tìm lên núi, xót xa khi thấy tôi tu đơn độc ở chốn nầy, về nhà, ông lại gọi điện thoại liên tục, khuyên tôi trở về với gia đình. Tôi đành cắn răng, khóa máy. Tôi cương quyết từ bỏ tất cả, rồi tôi có pháp danh Tâm Nguyện từ đó.

Sư Tâm Nguyện nhìn ra ngoài cánh cửa liếp, một vùng rừng cây lá mênh mông, đôi mắt sư như ẩn chứa nỗi niềm:

- Đấu tranh với bản thân day dứt nhói tim lắm các bạn à! Tôi là đứa con nít đầy sự thương yêu, kỳ vọng của gia đình. Trong tôi cứ văng vẳng tiếng thở dài của ba, nhớ dáng ba ngồi trước cửa nhà đôi mắt ngóng trông vào mỗi buổi chiều khi đàn chim trời bay về tổ. Ông nghĩ đến đứa con trai, năm ấy tôi hai mươi sáu tuổi. Tuổi đời còn quá trẻ mà lại sống đơn côi một mình trong cái hang heo hút trên đỉnh núi Dinh này.

Ngừng đôi giây, Sư tâm sự:

- Đi tu nó cũng có cái duyên, với niềm say mê mãnh liệt khi đã phát hiện ra lẽ sống của đời người.

Vùng núi Dinh không khí trong lành, yên tịnh, không vương sự ô nhiễm ở cõi trần, tâm con người dễ sạch trong. Đêm đêm tiếng tụng kinh thâm trầm hòa với tiếng chuông ngân âm vang lan tỏa, sao thanh thoát vô cùng.

Nhìn ra khỏi cánh cửa bếp, bốn bạn trẻ ngạc nhiên, chỉ với đôi tay của sư Tâm Nguyện cùng đôi người Phật tử mà một khoảnh đất nhỏ của ngọn núi đá này này, hoa lan hồng – tím, vạn thọ vàng đua chen nhau rung rinh trước ngọn gió mát của rừng. Kìa! Đu đủ trái đeo thân đã ươm chín vàng, rồi lồng mức, chanh cũng đua nhau ra trái.

Hai phút sau, Sư Tâm Nguyện cùng với bốn thanh niên dừng chân ở cái trảng nhỏ. Sư đưa cho mỗi người một nén nhang tưởng niệm trước một tấm bia mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dựng nên ghi lại dấu tích của dân quân Bà Rịa, của Thành đoàn Sài Gòn đã có một thời gian dừng chân ở chốn Bưng Lùng, hang Hàm Rồng này.

Ôi! Ngọn núi Dinh hùng vĩ, thắng cảnh của quê hương, có những con người giữ nước ra đi từ đây và có những người sống thanh thoát, tu thân, phản chiếu đức hạnh – hiền hòa nhân hậu, để mọi người theo gương cho cuộc sống mãi mãi yên lành.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 335
    • Số lượt truy cập : 7080152