TQ10 - TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI
TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI
TRẦN QUỐC TRIỆU
Nếu ai có duyên biết đến đạo Phật và có sự tìm hiểu, nghiên cứu đều biết rằng các tôn giáo tại Ấn Độ thời trước khi đức Phật ra đời đếu hướng tới những lý tưởng cao siêu để tu luyện hoặc dựa vào các thế lực siêu nhiên huyền bí nào đó. Khi đức Phật ra đời ngài đã gióng lên hồi chuông giác ngộ giải thoát khi dõng dạc tuyên bố:
Tự mình là tối thượng của thế gian,
Tự mình là tối tôn của thế gian,
Tự mình là tối thắng của thế gian,
Đây là lần sinh cuối cùng,
Từ nay không còn sinh nữa.
Rất nhiều người trong chúng ta hiểu không chính xác câu nói này. Xét về mặt ngôn ngữ, câu trên cho thấy rằng Ngài là bậc tôn quý nhất trong loài người và trời, Ngài đã thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi và thị hiện cõi Ta Bà để cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử như Ngài. Nếu xét về mặt ý nghĩa, cần hiểu từ “Tự mình” ở đây không phải là bản ngã của Thái Tử Tất Đạt Đa, một cái ngã sinh diệt như cái ngã của chúng sinh khác, mà là Bản Tâm (Tánh Giác hay Tánh Biết) thanh tịnh trong sáng được đức Phật nói trong Tăng Chi Bộ Kinh: “Tâm này, này các Tỳ kheo, là sáng chói. Và tâm này không bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Tâm này, này các Tỳ kheo là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào. Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy”.
Cái “Tâm” mà đức Phật nói ở đây chính là Bản Tâm, cái chẳng hề sanh diệt, hoàn toàn thanh tịnh, là cái xa lìa tất cả những gì gọi là đối đãi. Cái “Tâm” đặc biệt này có khả năng tuyệt vời vượt trên tất cả với đặc thù là biết pháp nên còn gọi là Tánh Giác hay Tánh Biết, tâm này có sẵn nơi mỗi chúng ta, thuộc Tự Tánh chân đế. Những cấu uế hay phiền não qua lục Căn từ bên ngoài kết thành cái ta, cái bản ngã đầy ảo tưởng chỉ là khách vãng lai. Chính Bản Tâm thanh tịnh sáng chói đó có thể nhận biết được những vị khách vãng lai đang tới lui nơi “nhà ta”.
Khi nói về Bản Tâm đức Phật thường dùng phương cách lìa tứ cú để dạy chúng ta, có nghĩa là lìa khỏi bốn kiến chấp hay bốn phạm trù thế gian tương đối: có, không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng không. Ngoài ra Ngài cũng dùng ví dụ hay phương thức ngụ ngôn, hàm chứa những ý nghĩa thâm thúy, ám thị lý tuyệt đối mà chân lý tuyệt đối này chẳng thể dùng ngôn ngữ mà diễn bày vì lời nói chỉ là khí cụ diễn đạt cái tư tưởng tương đối, cái có hình, có tướng trong thế giới nhị nguyên của tục đế. Như khi nói về Bản Tâm, Ngài kể trong kinh Đại Bát Niết Bàn về một cô gái nghèo, trong nhà có kho vàng ròng mà không biết, đến khi có người khách khéo biết phương tiện chỉ cho chỗ cất giữ kho báu, cô trở nên giàu có, hay kinh Pháp Hoa với câu chuyện gã cùng tử với viên ngọc châu trong chéo áo cũng đều ám chỉ Bản Tâm mà chúng ta có sẵn nơi mình.
Tâm pháp nơi chúng ta có hai phần: Phần thể tánh và phần tướng dụng, thể tánh đó có thể biết được tất cả các pháp như sắc pháp, tâm pháp, tâm sở pháp sinh diệt và cả Niết Bàn không sinh diệt, và “nó” hoàn toàn thanh tịnh. Tướng dụng của tâm thì tùy duyên khởi mà có thể có 121 loại tâm và 52 tâm sở. Tâm cũng có rất nhiều loại: Tâm thiện, bất thiện, vô nhân, hữu nhân v.v. mỗi tâm lại bao gồm một số tâm sở, nhưng tất cả tâm và tâm sở đều được khởi lên do duyên với căn trần nên có đến đi, có sinh diệt.
Nguyên lý giác ngộ được đức Phật chỉ bày rất rõ ràng, đó chính là: “Tự mình thắp đuốc lên mà đi” giữa cõi Ta Bà với những lôi cuốn của ái dục, trầm luân trên những nẻo đường vô minh của luân hồi sinh tử, như Vũ Hoàng Chương viết: “Lang thang từ độ luân hồi/U minh nẻo trước, xa xôi dặm về/Trông ra bến hoặc bờ mê/Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương”. Vì mãi không thấy ra con đường để trở về với Bản Tâm, về với Ông Phật nơi mình nên ta mãi cứ lăng xăng kiếm tìm với tham vọng và ý chí của bản ngã luôn nỗ lực tạo tác, mong cầu để trở thành. Nhiều người trong chúng ta hướng ngoại cầu huyền, nương tựa vào tha lực và tham muốn trong mê lầm, ái, thủ hữu để mặc tình trôi lăn trong sinh tử luân hồi mà quên mất đi Bản Tâm vốn sẵn khả năng giác ngộ.
Nhiều người trong chúng ta theo đạo Phật rất nhiệt tâm, ta thực hành nhiều phương pháp một cách miên mật đầy mong cầu và vô tình dính mắc ở đâu đó nên không nhận ra chân lý nằm ở ngay thực tại khi ta chánh niệm tỉnh giác trong tương giao với vạn pháp. Ta thường sống với "cái đang là ảo" trong tà kiến "cho là" và tham ái "phải là", để rồi hy vọng "sẽ là"... Chỉ khi nào biết chánh niệm tỉnh giác người ta bắt đầu trở về trải nghiệm trọn vẹn tỉnh thức với "cái đang là thực" ngay nơi thân - tâm - cảnh của từng giây phút và thấy ra tính chất vô thường, khổ, vô ngã của chúng. Cuối cùng, dù"cái đang là" là ảo hay thực thì “cái thấy” vẫn rỗng lặng trong sáng. Đây thực sự là lúc mà ta đã trở về được với cái tâm thanh tịnh chói sáng nơi ta. Vì không thấy ra được cái đang là nên ta phải “lang thang từ độ luân hồi” và mất nhiều kiếp sống để thực sự giác ngộ được những điều mà đức Phật đã chỉ bày, đó là: “Trở về mà thấy, ngay nơi thực tại, có thể thấy ngay, không trải qua thời gian và bậc trí có thể tự mình chứng nghiệm được”.
Trong kinh Phật Tự Thuyết, đức Phật cũng nói: “Này các Tỳ kheo, có cái không sinh, không hữu, không tác, không thành bởi vì nếu không có cái không sinh, không hữu, không tác, không thành thì không thể thực hiện được sự thoát ly khỏi cái sinh, hữu, tác, thành”. Ta cũng cần thấy rõ rằng ngay nơi thực tại thân – tâm – cảnh của mỗi người luôn có cả hai chính là “không sinh, không hữu, không tác, không thành” và “sinh, hữu, tác, thành”. Mỗi người đến với đạo Phật thực hành đúng những điều đức Phật chỉ dạy và luôn biết rõ mình trong đời sống thì đều có thể phát hiện ra cả hai. Thấy biết được cả hai thứ thì liền chấm dứt cái Ngã tham vọng luôn nỗ lực tạo tác.
Nếu chúng ta thấy ra được thực tánh của vạn pháp, biết tự trở về với Bản Tâm thanh tịnh hay Tánh biết trong sáng vốn “không sinh, không hữu, không tác, không thành”, thì ta sẽ không còn chấp vào tướng chế định, không còn nghi ngờ về pháp chân đế và tục đế, không còn cho rằng hoạt động của thân tâm là bản ngã nữa. Do đó, ai trong chúng ta sống được với Bản Tâm thanh tịnh của mình thì ít còn tham, sân, si và nhất là ít chấp vào quan niệm hay định kiến, không quá nặng nề về đúng sai, thiện ác mặc dù biết rõ bản chất của mỗi pháp. Nếu ta trở về được với Tánh biết trong sáng thì cũng chính là thấy ra mảnh đất bình an nơi mình, ngoài nơi này thì ta chẳng thể tìm đâu thấy sự tịch lặng, trong sáng trên cõi đời đầy phiền não, bất an này. Nhận ra và trở về được nơi này cũng chính là giác ngộ, giải thoát. Chính đức Phật khi hoàn toàn giác ngộ, Ngài thường nhắc “hãy trở về chính mình” vì ở đó tất cả chân lý đều đã đầy đủ như trong kinh Pháp Cú (Kệ số 160): Tự mình nương tựa mình/Không nương tựa ai khác/Khi tự mình sạch trong/Là chỗ nương khó được.
Qua những điều đức Phật dạy, người có trí tự mình thấy, biết, trải nghiệm những bài học của đời sống và sẽ nhận ra rằng toàn bộ chân lý đã viên mãn nơi mình. Tuy nhiên, chỉ nhận ra thôi chưa đủ, ta phải tự mình thực hành trong đời sống nơi mọi khổ đau là mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho những hạt giống của sự giác ngộ giải thoát. Con đường đã được đức Phật chỉ bày cũng chỉ là sự khai thị và là lý thuyết, ta tự mình phải bước những bước đi bằng chính đôi chân của mình để có thể thực sự nếm được vị giải thoát ngay trong đời sống này. Hãy trải nghiệm từng phút giây và để Bản Tâm nơi ta “hòa nhịp” với những “vũ điệu” của vạn pháp, những vũ điệu mà mọi lý thuyết, ngữ ngôn... trở nên bất lực, có chăng Bản Tâm thanh tịnh mới chạm tới sự tương giao trong một thể tánh đồng nhất.
Bình luận bài viết