Tin tức

TQ11 - Đốt vàng mã

ĐỐT VÀNG MÃ

                                                                 

CHÁNH TRÍ

Trích Từ Quang số 33 tháng 9/1954

 

Chúng tôi đã hai lần mạn phép vạch những chỗ phi lý của mấy cổ tục mê tín dị đoan còn lan tràn trong xã hội như xin xăm, bói quẻ, xem tướng, chọn ngày giờ, cúng sao cúng hạn.

Có nhiều người tán thành việc làm của chúng tôi, mà có người cũng chỉ trích, cho rằng chúng tôi phạm đến quyền tự do tín ngưỡng. Chúng tôi không muốn tự bào chữa cho mình nhưng xin nói rằng xin xăm, bói quẻ v.v... không thể coi là một sự tín ngưỡng được. Vả lại, như chúng tôi đã thanh minh, sở dĩ chúng tôi đề cập đến những cổ tục ấy là vì có nhiều chốn gọi là Thiền môn, là cửa Phật, chẳng những dung túng, mà lại còn khuyến khích nữa, làm lầm đường lạc lối những tâm hồn chơn chất muốn tìm đường giải thoát. Là một Hội học Phật có mục đích làm tỏ rạng giáo lý của đức Bổn sư, chúng tôi thấy có bổn phận phải đem sự thật trình bày trước dư luận, hầu để cho mọi người cùng thấy coi Phật giáo có phải là một lối tin tưởng quàng xiên không.

Bổn tâm chúng tôi là như thế, nên hôm nay chúng tôi mạnh dạn tiếp tục công cuộc thôi tà phụ chánh.

Ở Bắc, danh từ "vàng mã" hình như gồm rất nhiều việc mà đại khái là đốt tiền vàng bằng giấy và những đồ vật như nhà cửa, xe cộ, tôi trai, tớ gái, toàn cũng đều bằng giấy hết. Trong Nam, ngoài những vật ấy ra, còn nào đầu phướng, ông xá hay xá hạt, giấy quần, giấy áo v.v... Có nhiều nhà giàu dám tốn bạc vạn cho những thứ này, những thứ để đốt ra tro, thì hỏi thử có nên tiếc không.

Chúng tôi tin rằng nên tiếc, vì những lý lẽ sau:

Giấy tiền vàng bạc, giấy áo, giấy quần. Chắc quý ngài và chư giáo hữu không lạ gì với các thứ giấy này nhưng có khi nào quý ngài và chư giáo hữu, tận tay cầm, tận mắt nhìn một tờ giấy tiền hay một tờ vàng bạc không? 

Nếu chưa thì chúng tôi xin giới thiệu, một tờ giấy tiền, làm bằng một thứ giấy xốp xấu nhất, chỗ dày chỗ mỏng, chỗ rách chỗ còn, trên giấy in hình những đồng tiền kẽm liên tiếp nhau, với một thứ mực đen hết sức xấu. Việc ấn loát thì cẩu thả vì bản in bằng cây, chạm khắc sơ sài, không có gì là mỹ thuật cả.

Nếu không có những cái dấu in đồng tiền chi chít và lu mờ kia thì chưa chắc có người chịu tiêu thụ không mất tiền thứ giấy ấy, vì cái lẽ dễ hiểu là không dùng nó vào việc gì được hết. Dùng gói đồ ư? Khổ nó nhỏ quá và giấy thì bở như vải mục, làm thế nào đây?  Dùng để viết ư? Cũng không thể được vì nó gai góc, xấu xí lạ lùng. Nói tóm, thứ giấy ấy lẽ ra chỉ có một số phận là  bỏ vào giỏ rác. Thế mà có người tinh ranh, bôi mực lên trên, là có người ít tinh ranh hơn bỏ tiền ra mua với một cái giá rất đắt. Đó là giấy tiền.

Đến thứ giấy vàng bạc, thì cái giá trị chân thật của nó cũng không hơn gì bao nhiêu. Đồng một thứ giấy xấu đó, có khác là những hình đồng tiền được thay bằng hai vết hình chữ nhựt ở hai đầu, một trắng màu bạc, gọi là bạc, một màu vàng, gọi là vàng. Có phải thật vàng lá, bạc lá không? Chắc chắn là không, vì như thế thì giá sẽ đắt lắm, ai có tiền mua nổi.

Tiền thế, bạc thế, vàng thế, mà lại chịu bỏ tiền ra mua đem về đốt cho vong linh dùng, thì thật không làm sao hiểu được.

Dựa vào câu "dương gian, âm phủ đồng nhứt lý", phần đông những người còn theo cái cổ tục đốt giấy tiền vàng bạc tin rằng vong linh của những quyến thuộc, ở  chốn âm ty, cần dùng tiền bạc như người ở thế gian. Vì vậy cần phải gởi tiền gởi bạc xuống cho họ bằng lối hỏa thiêu, để họ có của đút lót cho các quỷ sứ, hay mua sắm vật này thức nọ. Chúng ta thử xét coi lời giải ấy có thể đứng vững không. Đây cũng lấy chuyện thế gian mà suy chuyện âm phủ chứ chúng ta có ai đã xuống chơi với Diêm chúa lần nào mà dám nói là đúng được.

Nếu thật, dương gian và âm phủ đồng nhứt lý thì dưới ấy phải có chợ búa, kẻ bán người mua, và như thế thì cũng phải có luôn một thứ tiền riêng, hoặc bằng giấy 100, 50 của chúng ta  hiện đương dùng, hoặc bằng bạc, bằng vàng, như thông dụng ở các nước khác. Đã nói là riêng thì lẽ cố nhiên những thứ tiền ấy phải có hình dáng đặc biệt do chánh phủ ở đấy nhất định, ai làm giả hiệu, chắc luật pháp ở đấy cũng có dự định cách trừng phạt. Nếu không thế thì còn gì giá trị của tiền tệ! Vậy chúng ta hãy cố khuyên những ông bà còn quen tánh đốt vàng bạc nên bỏ hẳn việc ấy là hơn, để tránh những rắc rối không hay có thể xảy ra cho các vong linh thân mến. Chúng tôi nói có thể, vì chuyện đốt vàng bạc có hai trường hợp:

- Trường hợp thứ nhứt, là một khi bị ngọn lửa thiêu, các giấy tiền vàng bạc ấy thành tro, tản mát từ phương dưới sức gió, và như thế thì không hại gì cho ai hết, trừ những ông bà đã bỏ tiền ra mua và thất công ngồi đốt.

- Trường hợp thứ nhì, là tuy thiêu ra tro như mắt chúng ta thấy rõ ràng, những giấy ấy biến thành tiền bạc có một giá trị đổi chác ở chốn âm ty. Đây là cái nguy cơ mà chúng tôi đã nhắc lúc nãy, nguy cơ ở chỗ vô tình chúng ta làm cho người thân mắc tội dùng bạc giả, vì không phải của chánh phủ âm ty phát hành. Vả lại, đã là đồ giả mạo thì còn dùng mua bán, đổi chác sao được, mà đốt cả kho. 

Vì muốn cho rõ trắng đen, nên phải luận sơ vài điều, chớ làm gì có cái cảnh âm ty như óc chúng ta tưởng tượng, dựa theo chuyện đời trước mắt chúng ta. Quả như lời Phật dạy, chỉ do vọng tưởng sai lầm nên chúng ta mới có những quan niệm sai lạc như thế. Làm hạnh bố thí, giúp người cô quả, để lần hồi trừ diệt lòng tham, chúng ta lại không làm. Bỏ tiền chục tiền trăm ra đốt, chúng ta vui làm, vui lòng vì hợp với lòng tham, không tham cho mình thì tham cho vong linh người quyến thuộc, mong cho họ được ăn ngon mặc đẹp như lúc còn sanh tiền. Biết rõ tâm lý tham của người đời những kẻ tinh ranh kia mới bày ra lối in giấy tiền vàng bạc để bán trôi thứ giấy xốp xấu, cho không ai thèm, của họ.

Đốt giấy tiền vàng bạc vô lý như chúng ta đã thấy thì việc đốt giấy áo giấy quần cũng không ra lẽ. Đây là một mánh lới con buôn khác để bán đắt giấy màu thôi! Chết là bỏ xác thịt thì những vong linh kia còn cần gì sự ăn mặc. Chúng ta cứ mãi suy luận theo việc đời, thành ra bị người phỉnh gạt mà không hay. Mà dù việc âm ty có giống việc đời đi nữa, thì khi gởi hàng vải đến cho thân nhơn, ít ra chúng ta cũng phải nghĩ đến việc gởi luôn các phụ tùng như kéo thước, kim chỉ mới có thể cắt may được chứ! Nhưng trên thực tế nào có thấy ai đốt những thức ấy đâu, và như thế thì làm sao những xấp giấy đốt kia thành quần thành áo được?

Bàn đến việc đốt các thứ khác, như nhà cửa, xe cộ, tôi trai, tớ gái bằng giấy, cái vô lý càng rõ ràng bao nhiêu thì tánh tham lam, ích kỷ của người đời càng rõ rệt bấy nhiêu. Nhứt là tánh tham danh, muốn cho làng xã thấy cái giàu của mình, muốn cho mọi người trông vào phải cho mình là người đại hiếu. Vì đó mà có người dám xuất ra bạc vạn mướn thợ bong cho được trọn một cái nhà lầu, y như cái nhà của người chết, trong ấy bàn ghế, giường tủ đều y như sự thật, thậm chí trong cái nhà xe, phải có chiếc xe Hoa Kỳ với bác tài xế đội casquette trắng. Vẽ vời hơn nữa thì thêm thằng hề đồng châm thuốc với con sen trên tay có bát nước trà.

Oan uổng thay đồng tiền bỏ sông bỏ biển như thế ấy? Một phần nhỏ nhoi trong đống bạc kếch xù kia có thể nuôi sống hằng tháng toàn một gia đình hay cứu tử một người bịnh ngặt. Không làm được việc ích lợi này mà lại thích làm việc vô lối kia, chỉ vì lòng tham danh, ích kỷ như đã nói. Phật tử chúng ta có nên suy nghĩ kỹ về điều này để dứt hẳn những cổ tục nguy hại kia không? Và cổ động cho bao nhiêu người xung quanh ta cùng bỏ, và nhứt là đừng nghe lời chỉ bảo vụ lợi của những ai mượn màu đạo đức mê hoặc lòng người.

Bây giờ xin nói đến đầu phướng, ông xá.

Thú thật, chúng tôi không rõ do đâu mà xuất hiện những đầu phướng thường thấy ở những đám làm tuần trong chốn thôn quê. Kể ra thì vì tình hình hiện tại, nên ít người nghĩ đến việc mướn làm đầu phướng như mấy năm trước chiến tranh, nhưng cổ tục ấy chưa phải là được bỏ hẳn.

Chúng tôi xin phép tả sơ hình dáng một đầu phướng để cho những ai chưa hân hạnh trông thấy, có một quan niệm đơn giản về vật ấy. Có nhiều hạng đầu phướng, tùy giá rẻ đắt, nhưng tất cả đều như một cái cỗ lầu bát giác, sườn bằng tre, ngoài bao giấy màu, cắt lông nhiều kiểu rất là công phu. Trên nóc thường chưng một cái hình ba  mặt, bằng đất vổ khuôn, sơn trắng. Quanh hông thì thường dán hình Bát Tiên, phía dưới có những tua dài bỏ lòng thòng, xem như những lá phướng hay tràng phan. Trên mặt những tràng phan ấy, có khi viết câu: Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Tương truyền, đốt những đầu phướng ấy thì vong linh sẽ nắm những tràng phan mà về cõi Tây Phương Cực Lạc. Thế là một lối khinh khí cầu tạo ra để cho vong linh bay về cõi Tịnh Độ. Có điều khác là khinh khí cầu, của thế gian có một cái giỏ để làm chỗ ngồi cho người đi theo, còn cái khinh khí cầu của thợ mã thì bắt vong linh phải đeo theo những cái tua giấy mỏng manh. Đây cũng là lấy chuyện thế gian mà ức đoán chuyện cõi vô hình và chuyện ấy có lý hay không, có đúng với chánh pháp hay không, chúng tôi thiết nghĩ quý ngài và chư giáo hữu đã phán đoán rồi, không cần bàn thêm nữa. Có điều này mà ai cũng quả quyết được, là tang chủ phải mất rất nhiều tiền mới có được một cái đầu phướng, có để rồi châm lửa đốt thành tro thành bụi.

Việc đốt ông xá càng lạ lùng hơn nữa, thường là hai ông, đầu bằng đất, mình lép xẹp, đội mão như học trò lễ, mặc áo rộng, mang hia hai tay chấp lại và cong ra mé trước, trong dáng điệu của người sắp xá, và cưỡi bạch hạc. Sau khi đọc sớ  trình lên Phật, xin cho vong linh siêu thoát, ông Thầy xếp lá sớ lại, bỏ vào phong bì có ghi địa chỉ rõ ràng, rồi để nằm gác ngang tay cung vòng nguyệt của ông xá. Đoạn ông Thầy mới lấy ba cây hương, miệng đọc những câu gì chả ai hiểu, với một giọng giống hệt những anh kép hát Quảng Đông trên sân khấu, tay quơ mấy cây hương trước đôi mắt và trước miệng ông xá, gọi là khai nhãn, khai khẩu, chắc là sợ không làm như thế thì ông không thấy đường mà lái con hạc của ông, và nhứt là khi về đến cõi Phật, có miệng mà nói không ra lời. Xong lại rót rượu tống hành ông rồi cũng đưa vào đèn mà đốt, luôn cả hạc, ông và tờ sớ.

Bảo dâng sớ lên Phật, thì Phật ở đâu không có, và vì Phật biến nhất thiết xứ thì chuyện gì xảy ra ở đâu mà Phật không hay biết, cần gì phải làm sớ mà tâu mà dâng chẳng khác chuyện thế gian? Rõ là bày điều, để lấy tiền của tang chủ.

Ông xá, con hạc, bằng đất bằng giấy, để nguyên như thế còn không bay được, huống chi đem ra đốt thành tro bụi. Lại nữa, ông ấy bay đi đâu mới được chứ?  Bay về Tây Phương ư? Bay về cảnh Niết Bàn ư? Tây Phương ở đâu, Niết Bàn ở đâu? Nếu cứ dựa theo kinh sách, thấy chữ đâu cắt nghĩa đó, rồi cho những cảnh ấy là những cảnh hữu hình, có thật như cảnh này, thì không còn điều gì làm buồn Phật hơn.

Nói như thế, xin quý ngài đừng tưởng rắng chúng tôi không tin kinh sách. thưa không, chúng tôi tin lắm nhưng tin theo một cách khác. Thí dụ như Tịnh Độ đối với chúng tôi là có mà cũng là không. Có là có với những tâm hồn trong sạch, không còn tham, sân, si, và chính tâm hồn như thế gọi là Tịnh Độ. Chúng tôi tin có Cực Lạc, với cái nghĩa là Vui tột bực. Ai được cái vui ấy? Chỉ những người có tấm lòng trong sạch, tức là hoàn toàn giải thoát những hệ lụy của thế tình. Người mà được như thế, lẽ cố nhiên trong lòng hân hoan luôn luôn, cái vui thích của họ như nước, cứ xoi xói phún lên không bao giờ bị những sạn đất thất tình lục dục ngăn cản. Có là như thế. Còn không, là đối với những ai lầm tưởng rằng đó là một cảnh, một cõi ở chốn xa xăm nào đó. Dù có trải qua đôi ba mươi kiếp đi tìm, chắc chắn rằng những người ấy không bao giờ thỏa chí, nên phải nói là không.

 

Việc đốt giấy tiền, vàng bạc, đầu phướng, ông xá, là một cổ tục đáng bỏ

Để kết luận buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin phép nói ngay rằng, việc đốt giấy tiền, vàng bạc, đầu phướng, ông xá, là một cổ tục đáng bỏ vì không tượng trưng được điều gì của giáo lý nhà Phật. Đeo đuổi những việc làm sai chánh pháp, có rất nhiều điều hại:

1/ Tự mình diệt mất lòng tin ở giáo pháp nhà Phật, và như thế là sống mãi trong vô minh đen tối, nguồn gốc của đau khổ và luân hồi, ngược với mục đích giác ngộ, giải thoát của Đạo Phật.

2/ Hủy hoại tiền của mà lẽ ra mỗi chúng ta nên đem dùng vào những công việc từ thiện xã hội, có ích lợi thiết thực cho những người thiếu cơm, thiếu áo, thiếu thuốc, thiếu nhà.

3/ Tăng trưởng lòng tham lam ích kỷ, gây nghiệp chẳng lành, chịu nhiều khổ báo.

Muốn tỏ lòng hiếu đạo ư? thì thiếu chi phương pháp. Lúc cha mẹ còn tại tiền, phải hết lòng thờ kính và cung phụng. Khi cha mẹ lâm chung, việc làm đám nên tùy duyên gia thế mà lo vừa đủ và đúng với chánh pháp, nghĩa là vụ ở chỗ hộ niệm cho vong linh hồi tâm sám hối, hơn là chỗ làm ma chay rầm rộ, vứt tiền qua cửa sổ một cách vô lối. Nếu có dư ra, thì nên nhân cơ hội ấy mà xuất tiền bố thí và hồi hướng cho vong linh. Kết quả kể ra chưa chắc là đúng với sở nguyện của mình, nghĩa là vong linh được thọ quả của những thiện nghiệp ấy, nhưng ít ra kẻ sống cũng làm được một việc có ích lợi thiết thực, như đã nói, và gieo hột giống lành cho đời.

Chúng tôi rất mong rằng những lời thành thực của chúng tôi sẽ có nhiều tiếng dội trong các từng lớp trong xã hội, nhất là trong giới Phật tử chúng ta.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 334
    • Số lượt truy cập : 7080151