Tin tức

TQ11 - Hồn xuân

HỒN XUÂN

(ĐƯỜNG VÀO THỰC TẠI)

THÍCH LIÊN PHƯƠNG

 

Trên tất cả đỉnh cao của mùa xuân là rừng xanh và mây trắng.

Qua khỏi đỉnh Bao Quan, là thượng tầng của đỉnh núi xanh. Đêm lạnh tàn đông đã qua, sương mù dày đặc, khí xuân như chập chờn óng ánh trên ngàn cây, sắc lá...

Vọng Sơn Thất là nơi tọa thiền của tôi ở tại đây. Tầng dưới của thất dùng để đọc sách, uống trà, tầng trên để “ngắm cảnh, quên thân”.

Thường trong đêm tối ít ngủ, những lúc trăng sáng êm gió, cửa sổ được chống lên, ngoài trời không gian mênh mang, núi non huyền hoặc...

Anh sáng như trong mơ, bức tranh bất tận trùng trùng không phân giữa núi ngàn vật thể và không gian cùng... tâm thức. Nước của trăng vàng óng mênh mông, một biển sáng như trôi như đọng, tiếng ca không lời bất động lung linh nâng bật như cái vô cùng chưa từng thôi dứt... Những thời khoảng như thế, tiếng thở của gió làm dâng động, một cái gì thầm kín từ chiều sâu cho đến hiện tượng, khí núi... sương phủ kín tầm nhìn của phân hạn, thì từng giọt từ hư vô rơi rụng. Tiếng hứng chịu của lá từ giọt sương rơi xuống “cái va chạm và tan mau” như thuở ban đầu của “CÁI NGHE” làm cho tôi MẤT CHỖ... tôi bàng hoàng giật mình như vừa thoáng qua từ hai ngàn năm trước thời gian vo tròn rơi rụng thành lời kinh thiêng: “SƠ Ư VĂN: TRUNG NHẬP LƯU VỌNG SỞ” (lặng hiểu được ban đầu của cái nghe... vào dòng mất chỗ (suram gama).

Không tên trong vô cùng của thanh sắc không phải từ tôi mà có. Cái không tên phiên bản của cái không lời xuất phát từ không âm. (Trong khoảnh khắc này tôi đã viết ra mấy câu thơ sau:

Lặng dừng trong cái lặng im

Hư vô sau cái nỗi niềm tan mau

Chìm sâu trong cái muôn màu

Nghe ra ảo mộng bên cầu tư duy

Lặng nghe những cái thầm thì

Cái đang là đã có gì nữa đâu

Không ta không cái tâm đầu

Không hình khái niệm không màu thời gian

Không đi không đến không tàn

Không còn không mất không hoang mang gì ...)

Không âm là cái không động, không tịnh từ trong giọt sương rơi mà tôi nghe được.

Cái “NGHE ĐƯỢC” thì ở khắp cả hình dáng, sắc tướng... nhưng đừng lầm có thể dùng tai mà nghe. Khi “DÙNG” một món nào thì “NGƯỜI” dùng luôn đứng một bên, dù có lặng tĩnh đến đâu thì sự phân hai vẫn còn ở đó. Nếu ta chưa có một cái “THẤY” không đối tượng thì cái đó là “VẬT THẤY” và cái nghe cũng là “VẬT NGHE”. Ta luôn chụp trên vật nghe, vật thấy như một sở hữu và luôn có người bảo vệ sở hữu đứng kèm.

Trên vọng Sơn Thất, lúc tôi thức giấc trước 5 giờ thì màn sương vẫn còn nhưng thưa thớt, nhìn xuống tôi thấy mờ trong bức tranh sáng tối những thung lũng rộng dài những đỉnh núi nhấp nhô, phía đằng từ vùng xa xăm của phương Đông một tấm gương đồng tròn trịa đỏ thắm càng lúc càng rực sáng dị thường, dưới chân tấm gương tròn là những dãy mây tắm đậm màu sắc kéo ngang dài thành một đường biên rõ ràng khởi sắc, đó là lúc bình minh của vùng thất “Vọng Sơn”.

Xoay ngược chiều với phương hồng rực sáng, từng luồng mây cuộn cuộn bay về phương Đông. Có khác là tôi từ trên nhìn xuống mây bay phía dưới từng bựng to nhỏ mỏng dài không đều kéo lên bất tận như một đoàn quân mờ tối mà chạy sát vách núi đối diện thấp hơn phía trước tầm nhìn của “vọng sơn cốc”.

Mặt trời càng lên mau trong thời gian ngắn ngủi, bình minh thoáng qua như một cái chớp mà ánh sáng ban đầu của nó không ngừng thâm nhập và làm mất tăm cái định vị mơ hồ khi ngày chưa đến.

Một buổi sáng trong lành, sức mạnh và an nhiên như thế làm cho tôi có một thị lực lạ thường trong suốt. Những đỉnh núi rõ ràng đối diện kia là ngàn năm tập hợp từng từng cụm đầu cây sắc lá, cùng một vùng xanh mà sắc đậm lợt đa dạng không cùng. Vì từ một khoảng cách của thung lũng mà thấy được cái đồng đều nhịp nhàng sự lắc lay, động tĩnh phi thường đó dường như là bất động.

Bất động là cái “không động lay” là THỰC TẠI. Một THỰC TẠI có thể thấy bằng hai mặt “ĐỘNG” và “TĨNH”.

Có người sẽ nói thấy được động và tĩnh từ cái “không phân biệt” điều đó đúng là cái nhìn ám thị. Điểm chính xác không phải từ cái “Bất phân”, khi cái biết vượt qua và rơi rụng trong tự thể tự chính mình.

Không có một từ nơi không có cấu tự của nó. Không có cái vô ngôn, vì không gian tan biến, không gian là đối tính để hình thành ra nhận diện từ đó mà máy động ngôn từ.

Tôi không thấy mình hữu lực hay bất lực để trở thành cái lặng im hay âm động để rõ ràng. Tiếng vỗ cánh cùng tiếng hót dịu dàng của loài chim đã rơi rụng lại đằng sau những gì không dấu vết. Đó là hư vô, hư vô ngoài hư vô là sinh mệnh thực tại.

Người và vật đã hưởng thụ trọn vẹn những phù du cuộc sống mà ý thức là đôi cánh khép mở hai chiều, vì nó và cái của nó đồng xích đu quay trò xiếc. Trò xiếc hay đu bay không hoàn toàn là ảo, vì hai cực nhị nguyên đều không định vị, hai cực vẫn không nằm ngoài cái trung tâm của nó: Cái cọc.

Cuộc đời thật thú vị vì cái hương vị vẫn luôn tiếp giáp với tàn phai, tàn phai là khơi, là “chốt - mộng” cho tái sinh, tái sinh: Lực tương tục bất hoàn...

Nó đi mãi chính là cái... không – là... chứ không phải cái... đang là, thế nên nó là “Bất diệt”. Bất diệt luôn hiện hữu như cái vô thường từ làn mây tiếng gió - Bất diệt là cánh chim đi vào hư vô – nó không ra ngoài sự trống rỗng không trong suốt.

Hiểu biết là toàn diện. Thấy hay nghe là thực tại là thực chứng là cái vô cùng bất khả. Một cánh chim vừa bay qua, nó là không gian và thời gian hiện hữu. Nó không khởi đầu hay chấm dứt – nơi tôi không giữ lại sự xao lãng của hình thành và tan biến.

Tôi đã nghe và đã thấy nó “là như thế” cùng với đỉnh cao của Mùa Xuân, trước đó tôi là kẻ ưu sầu từ thung lũng của thi ca, dù là “một sáng chiếu phương Đông, thể diệu toàn bảy...” Tôi vẫn chưa từng thấy rượu màu vàng của một “cánh mai hoang dã”, mà ngược lại tôi thấy “những bông hồng rung rinh màu máu đỏ” như bài thơ Xuân mà tôi chưa từng giác ngộ:

Xuân năm nay phải chăng mùa xuân trước?

Người năm xưa có trở lại chiều nay

Những bông hồng rung rinh màu máu đỏ

Mồ kia im có biết cảnh xuân về

Ta thấy rõ những oan hồn lay lắt

Khấp khởi mừng chúc tuổi tết cho nhau

Tiến tới đi năm tháng sẽ khơi màu...

Từng dòng thơ được phát sinh từ ký ức của thời gian như tờ lịch bóc ra từ cuốn lịch.

Không thấy được Thượng đế mà chỉ thấy Giêsu bị đóng đinh. Không thấy én trời trên không gian bao la mà chỉ thấy những đòn bánh tét... Thế thì:

Tết là chết không một lần xuân đến

Vì xuân đi không trở lại bao giờ

Đời vô thường tan mau hơn pháo nổ

Áo thêu hồng mấy độ giữa chiêm bao...

Sắc màu của những mùa Xuân thường, đoạn tôi xin cùng các bạn “lên đường” một mùa xuân trung - đạo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 331
    • Số lượt truy cập : 7080144