TQ11 - Ngắm mây xuân trên đỉnh Ải Vân
NGẮM MÂY XUÂN TRÊN ĐỈNH ẢI VÂN
TRẦN ĐÌNH SƠN
Tập sách Tinh tuyển Văn học Việt Nam (NXB KHXH, 2002) có chép bài thơ Đăng Hải Vân sơn ngẩu tác của Tiến sĩ Phan Huy Ích (1751-1822 ) kèm lời nguyên dẫn:
“Khi đó nhà vua thân đi chinh phạt, tôi được dự vào hàng tùy tùng. Vào ngày mồng bốn tháng Bảy thì lên đường hôm sau tới núi Hải Vân, đó là vùng giáp giới hai tỉnh Thuận, Quảng. Núi chạy dài chắn ngang, vách dựng đứng phía biển, tục gọi là đèo Hải Vân. Cuộc hành trình vất vả phải nửa ngày mới vượt qua được.
Ở Nam Hà xưa có lệ đề thơ vào bức tranh Hải Vân gởi cho thương nhân phương Bắc (Trung Quốc) để vẽ vào bát to rồi đem dùng”.
Lời dẫn trên rất thú vị, bổ ích cho công việc sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa, mỹ thuật Nam Hà. Chính nhờ thông tin nầy mà chúng tôi đã lần dò được tung tích của những đồ sứ kí kiểu dưới thời các chúa Nguyễn, trong đó có chiếc tô sứ hiệu đề THANH NGOẠN (đường kính 19,5 cm) vẽ toàn cảnh đèo Hải Vân kèm bài thơ đề vịnh của Thiên Túng đạo nhân Nguyễn Phước Chu:
Ải Lĩnh Xuân Vân
Âm:
Việt Nam xung yếu thử sơn điên
Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên
Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết
Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền
Duy nguyện hải phong xuy tác vũ
Chính nghi thiên lý nhuận tang điền.
Đạo nhân thư
Dịch thơ:
Mây xuân trên đỉnh Ải Vân
Việt Nam hiểm trở có non nầy
Đường Thục[1]nghìn trùng chót vót thay
Chỉ thấy mây che ba đỉnh lớn
Nào hay người ở mấy tầng đây
Không khe suối cũng dầm xiêm áo
Chẳng tuyết băng sao buốt tóc mày
Gió biển nguyện xin thành mưa móc
Ruộng dâu ngàn dặm tốt tươi bày
Đạo nhân viết
Sử chép năm 1691, Minh vương Nguyễn Phước Chu lên nối nghiệp làm chúa thứ sáu ở Nam Hà. Ông sùng mộ đạo Phật, quy y thọ giới Bồ tát tại gia với Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán, được ban pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên túng đạo nhân. Dưới thời Minh vương, Nam Bắc hòa bình, xã hội ổn định phát triển mọi mặt. Ngoài tài lãnh đạo, Nguyễn Phước Chu còn là tác gia văn học nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XVIII. Tác phẩm của Nguyễn Phước Chu còn bảo tồn đến nay gồm đủ các thể loại thơ, văn, bia ký, câu đối hoành phi... đặc biệt là chùm thơ vịnh cảnh kèm minh họa trên đồ sứ ký kiểu.
Qua bài thơ ẢI LĨNH XUÂN VÂN chúng ta thấy rõ tác giả không chỉ tự hào về cảnh quan của quê hương, đất nước mà luôn có ý thức trách nhiệm của người đang lãnh đạo làm sao cho nhân dân được no ấm yên vui:
Gió biển nguyện xin thành mưa móc
Ruộng dâu ngàn dặm tốt tươi bày.
Tô vẽ cảnh đèo Ải Vân
Bài thơ “Ải lĩnh Xuân vân”
[1] Thục đạo: Đường vào đất Thục (TQ) rất hiểm trở, khó vượt qua. Lý Thái Bạch có làm bài phú “Thục đạo nan” rất nổi tiếng.
Bình luận bài viết