TQ11 - Nữ hoàng Võ Tắc Thiên với Phật giáo
NỮ HOÀNG VÕ TẮC THIÊN VỚI PHẬT GIÁO
LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC
Phật Di Lặc là Phật của thời tương lai - “Vị lai Phật”, là Đức Phật quản lý “đời tương lai”. Từ “Di Lặc” là phiên âm tiếng Phạn, nghĩa là “Từ Thị”.
Kinh “Di Lặc Thượng sinh” viết:
“Tiền kiếp của Di Lặc là Bồ tát Di Lặc, được sinh ra trong một gia đình Bà la môn, sau làm đệ tử cho Đức Thích Ca mâu ni, từng được Đức Thích Ca mâu ni “thọ ký”, được nhập niết bàn ngay trước mặt Đức Thích Ca mâu ni để “thượng sinh” lên nội viện của cõi trời Đâu Suất, lấy trí huệ và công đức làm cho nơi ấy thành “Di Lặc tịnh thổ” để tiếp dẫn hóa độ cho chúng sinh.
Theo phương pháp hoằng giáo của phái Thiền Lâm Tế sau này, khi Tổ phát hiện trò nào có “duyên” thì trao “công án” cho trò để trò “tham công án”. Khi trò “tham công án” đến tột cùng, hoát nhiên ngộ đạo, tức là đốn ngộ, thì có thể làm một bài Kệ trình Tổ. Nếu thấy đạt thì Tổ liền ấn chứng, gọi là “ấn khả”. Liệu phương pháp “công án”có nội dung nào của phương pháp “thọ ký” của Phật Thích Ca ngày xưa hay không?
Kinh “Di Lặc hạ sinh” viết:
“56 ức, 7 ngàn vạn năm sau này, Bồ tát Di Lặc từ cõi trời Đâu suất giáng sinh xuống thế giới này, dưới cội cây Long Hoa trong Hoa lâm viên để kế thừa Đức Thích Ca mâu ni mà thành Phật”.
Vì thế, Phật Di Lặc còn được gọi là “Phật bổ khuyết”.
Kinh “Pháp diệt tận” viết:
“Khi Bồ tát Di Lặc một lần nữa hạ sinh ở thế giới này để thành Phật thì thiên hạ thái bình, quét sạch mọi thứ khí độc, cho mưa lành tỏa khắp, ngũ cốc thạnh mậu, cây cối xanh tốt, đời sống nhân loại đạt đến tình trạng ưu việt, người cao tám trượng, ai cũng sống thọ đến tám vạn bốn ngàn tuổi. 567.000 vạn năm sau, Di Lặc mới từ cõi trời Đâu Suất xuống trần, thành Phật dưới tàng cây Long Hoa trong Hoa Lâm viên, tức là vị Phật của đời tương lai, gọi là Phật Di Lặc ”.
Kinh “Di Lặc hạ sinh” còn viết:
“Bồ tát Di Lặc sau khi hạ sinh một lần nữa thành Phật thì ba lần ngồi dưới bóng cây Long Hoa thuyết pháp. Lần thứ nhất, Phật Di Lặc độ cho 94 ức người được quả A La hán. Lần đại hội thuyết pháp thứ ba, Phật Di Lặc độ cho 92 ức người được quả A La hán”.
Trong kinh Phật còn cho biết, nhân loại rất mong mỏi sự xuất hiện của Phật Di Lặc, Phật chưởng quản đời tương lai. Vì thế tín ngưỡng Phật Di Lặc thường bị giới chính trị lợi dụng. Thời nhà Đường, Võ Tắc Thiên cho rằng mình được Phật Di Lặc chuyển sinh. Trước khi Võ Tắc Thiên lên làm vua, nhóm nhà sư Trương Hoài Nghĩa viết một bộ kinh lấy tên là “Đại Vân kinh”, trong đó viết:
“Tắc Thiên là Di Lặc hạ sinh để làm chủ tể cõi Diêm Phù Đề. Bồ tát Di Lặc giáng lâm đến thế giới này là nữ giới, tên là Võ Tắc Thiên làm vua nước Trung Hoa”.
Sau khi lên ngôi làm vua, Võ Tắc Thiên tự xưng là “Từ Thị Việt cổ Kim luân Thần thánh hoàng đế”.
Võ Tắc Thiên còn cho tạc tượng Tam Thế Phật nơi thạch động Long Môn, một di tích văn hóa thế giới ở ngoại thành kinh đô Lạc Dương, tỉnh Hà Nam và nơi động Ma Nhai, trong đó lấy hình dạng của mình làm mẫu để điêu khắc tượng Phật Di Lặc,
Sau thời Ngũ Đại, Phật giáo Trung Hoa mới bắt đầu lấy hình dạng của Hòa thượng Bố Đại ở Phụng Hóa, tỉnh Triết Giang làm hình tượng Phật Di Lặc. Từ đó, người Trung Hoa bắt đầu làm quen với hình tượng Phật Di Lặc người Trung Hoa, không còn lấy hình tượng Phật Di Lặc người Ấn Độ nữa, từ hình ảnh một người nghiêm nghị thành một vị Hòa thượng đẫy đà, tai lớn để lộ cái bụng thật to, miệng luôn tươi cười. Dân gian yêu mến, thân mật gọi ngài là “Ông Phật Di Lặc bụng to”.
Hòa thượng Bố Đại vốn một nhà sư sống vào thời nhà Hậu Lương, tên là Khế Thử, hiệu là “Trường Đinh Tử”. Hòa thượng vóc người mập lùn, thường cầm cây tích trượng, đeo cái túi đi hóa duyên, lang thang khắp nơi, thuyết giảng rộng khắp, tiện đâu ngủ đó. Người ta đồn rằng Hòa thượng Bố Đại tiên đoán việc trời mưa trời nắng, chuyện họa phúc cho người đời rất là linh nghiệm. Niên hiệu Trinh Minh thứ hai (916 CN), sư Bố Đại viên tịch khi tọa thiền trên một phiến đá to, trong khuôn viên chùa Nhạc Lâm. Trước khi viên tịch, sư tụng bài kệ “Từ Thế”:
Di Lặc chân Di Lặc,
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức
Vì lúc sinh thời, sư Bố Đại có hành vi khác thường, trước khi chết lại tụng bài kệ này, nên người đời cho rằng sư là hóa thân của Phật Di Lặc
Trong Thiên vương điện, người ta bố trí tượng Phật Di Lặc ở vị trí chính diện trên bàn thờ. Do đó, Thiên vương điện còn được gọi là Di Lặc điện.
Võ Tắc Thiên là nhà vua thứ tư của triều đại nhà Đường, là vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Hoa. Xã hội phong kiến Trung Hoa rất xem trọng đàn ông, coi thường phụ nữ mà một người phụ nữ đã ngồi vững trên ngai vàng suốt gần hai thập kỷ (690 - 705) là một hiện tượng rất kỳ lạ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ của phong kiến Trung Hoa suốt hơn bảy trăm năm sau đó đã đẻ ra bao nhiêu chuyện bịa đặt nói xấu vị nữ hoàng này, nhưng không thể phủ nhận tài năng cai trị của bà.
Đối với Phật giáo, nữ hoàng Võ Tắc Thiên đã có nhiều việc làm cụ thể góp phần rất quan trọng trong việc dùng quyền lực, kinh tế của nhà nước tác động đến tiến độ phát triển Phật giáo tại Trung Hoa. Bà là một trong số rất ít người đứng đầu nhà nước đã đích thân đứng ra phát động các phong trào hoằng dương phát triển Phật giáo.
Năm 690, sư Pháp Minh dâng bốn quyển Đại Vân kinhca ngợi Võ hậu là Phật Di Lặc xuống trần, là chủ của thiên hạ. Võ hậu sai in rồi phát ra khắp nơi, đề cao Phật giáo ở trên Đạo giáo.
Tháng 9 năm 690, Võ hậu lên ngôi Hoàng đế từ sự nhường ngôi của con mình là Đường Duệ Tông Lý Hiển. Sau khi lên ngôi, Võ Tắc Thiên tự xưng là “Từ Thị Việt cổ Kim Luân Thần Thánh Hoàng đế”. (Từ Thị là dịch nghĩa ra tiếng Hán của tiếng Phạn được người Trung Hoa phiên âm đọc theo âm Hán Việt là Di Lặc).
Khu Di tích động Long MônKhu Di tích động Long Môn
Võ Tắc Thiên cúng Phật bảy vật báu gọi là “Thất bảo”:
1- Kim Luân bảo: Biểu thị Phật pháp thường tại như bánh xe vàng.
2- Chú Tạng bảo: Biểu thị sức mạnh Phật pháp không gì sánh nỗi.
3- Tượng bảo: Biểu thị Phật pháp truyền bá xa rộng.
4- Mã bảo: Biểu thị Phật pháp sáng đẹp tròn trịa.
5- Châu bảo: Biểu thị Phật pháp hòa bình diệu tĩnh.
6- Nữ bảo: Biểu thị Phật pháp có khả năng khắc phục mọi khó khăn.
7- Binh bảo: Biểu thị Phật pháp chiến thắng mọi cường địch.
Đồ thất bảo được dùng làm nghi trượng bày trước điện thờ.
Võ Tắc Thiên hạ lệnh trong nước tích cực xây dựng chùa Phật, đích thân nữ hoàng tiếp đón cao tăng Nghĩa Tịnh từ Ấn Độ thỉnh kinh trở về bằng đường biển. Bà ban hiệu là “Hiền thủ” cho cao tăng Pháp Tạng. Bà đích thân đến thăm nơi tổ chức dịch “Hoa Nghiêm kinh”, Bà còn tự tay viết tựa cho bộ kinh ấy, sau khi dịch xong.
Võ Tắc Thiên đã tác động rất lớn đến sự phát triển đạo Phật tại Trung Hoa. Dưới sự tác động tích cực của Bà, ở Trung Hoa thời bấy giờ bắt đầu hình thành một tông phái Phật giáo mới, phái “Hoa Nghiêm tông”, còn được gọi là phái “Hiền Thủ tông”.
Võ Tắc Thiên đã chi hai vạn quan tiền để tạc tượng Đại Phật Lư Xá Na tại chùa Phụng Tiên ở di tích nổi tiếng là động Long Môn, tỉnh Hà Nam. Tượng ấy đến nay vẫn còn. Lư Xá Na là tên phiên âm tiếng Phạn, có nghĩa là “Quang minh phổ chiếu”, chính là Phật Báo Thân của Đức Thích Ca mâu ni, tức hình tượng Đức Thích Ca mâu ni sau khi thành Phật. Tượng Đại Phật Lư Xá Na tại chùa Phụng Tiên là tượng Phật ngồi tại một triền núi, cao 17,14m, sắc mặt Phật hiền hòa tình cảm và điềm tĩnh, đôi mắt Phật tỏa ra ánh sáng trí tuệ, miệng Phật như đang mỉm cười. Mọi chúng sinh đang lễ bái trước tượng, khi ngẩng đầu trông lên đều thấy Phật như đang cúi nhìn mình, lại càng sinh lòng cảm kính, vừa cảm thấy gần gũi thân quen.
Đại Phật Lư Xá Na tại chùa Phụng Tiên ở di tích động Long Môn, tỉnh Hà Nam
Hai bên tượng Đại Phật Lư Xá Na còn có 8 tượng của hai đệ tử, hai vị Bồ tát, hai vị thiên vương và hai vị kim cương. Các tượng đệ tử, Bồ tát đều có vẻ hiền lành, trung thực, tượng các thiên vương thì nghiêm nghị, còn tượng các kim cương thì khí thế uy mãnh khiến cho tượng Đại Phật càng thêm hùng vĩ, trang nghiêm. Khi tượng hoàn thành, Võ Tắc Thiên đích thân đến chủ trì lễ khánh thành, làm nghi thức “khai quang” long trọng, là sự kiên gây xôn xao một thời.
(Dịch sách “ Phật giáo cố sư”. Tác giả Chu Thụy Văn, Nxb Thượng Hải Thế Kỷ - 2011)
Bình luận bài viết