Tin tức

TQ11 - Phật giáo với bảo vệ môi trường

PHẬT GIÁO VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

NGUYỄN THỊ TRANG

 

Thế giới ngày nay đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, quốc tế hóa một cách mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu vô cùng vĩ đại mà nhân loại đã tạo dựng nhờ toàn cầu hóa, quốc tế hóa, con người đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực của quá trình này. Trong tất cả những vấn nạn đang nảy sinh toàn cầu hiện nay, môi trường là một trong những vấn nạn đang được hầu hết các quốc gia dành sự quan tâm hàng đầu.

Không khó để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao môi trường lại được chọn là nhân tố dành được sự ưu tiên hàng đầu này. Nhân loại đã đạt được những bước dài trên con đường chinh phục thiên nhiên, khám phá vũ trụ... Những thành tựu đó đã đem lại cho con người có đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ, trọn vẹn hơn nhưng hình như những gì mà con người nhận được không chỉ có vậy. Con người hiện đại đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức từ môi trường sống sau một thời gian dài không được quan tâm và nhận thức đúng mức. Hậu quả của tàn phá môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống và đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của nhân loại. Toàn nhân loại đang trong cuộc chiến mới, cuộc chiến chống lại sự suy thoái môi trường. Tham gia vào cuộc chiến ấy, có cả các tôn giáo trong đó có Phật giáo. Phật giáo - tôn giáo của lòng từ bi, có vai trò gì trong cuộc chiến này? Và sự đóng góp ấy ở trên khía cạnh nào và ở mức độ nào?...

Tư tưởng Phật giáo với môi trường.

Từ khi Đức Phật còn tại thế, vấn đề môi trường không được đặt ra một cách gay gắt như hiện tại. Thời kỳ đó, con người vẫn sống hài hòa với thiên nhiên; sức ép về dân số cũng chưa thể tác động mạnh mẽ tới môi trường sống như hiện nay; khoa học kỹ thuật cũng chưa thể đạt đến tầm “chinh phục thiên nhiên” hay “cải tạo thiên nhiên” như bây giờ. Do đó, tư tưởng Phật giáo khó có thể có những nội dung quy định rõ ràng về môi trường mà chỉ có những nội dung có liên quan đến môi trường mà thôi. Thêm vào đó, Phật giáo cũng như hầu hết mọi tôn giáo đều là nơi giúp con người rèn luyện đạo đức, bồi đắp đạo đức cho con người. Vì vậy, cho dù Phật giáo có tư tưởng liên quan đến môi trường cũng vẫn là những nội dung liên quan đến tu dưỡng đạo đức cá nhân.

Trước hết, hãy bắt đầu từ những tư tưởng cốt lõi của Phật giáo. Phật giáo chỉ cho ta biết con đường thoát khỏi mọi nỗi khổ đau ở đời. Sự giải thoát này phải xây dựng dựa trên nền tảng giác ngộ: Biết đúng mới làm đúng. Vậy nỗi khổ đau ở đời là gì? Và nguyên nhân của nó như thế nào? Cần làm gì để thoát khỏi nỗi khổ đau đó? Phật giáo đã giải thích điều này bằng Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên (Duyên khởi), Bát chính đạo...  Và trong toàn bộ tư tưởng của Phật giáo về giác ngộ giải thoát này, đã hàm chứa nhiều nội dung có liên quan đến bảo vệ môi trường. Nó lẩn khuất trong Duyên khởi, Bát chính đạo, nghiệp, nhân quả, ngũ giới, thập thiện, tam độc, tứ vô lượng...

Theo thuyết Duyên khởi, toàn thế giới là một chỉnh thể thống nhất chặt chẽ bởi các mối quan hệ chồng chéo, khắng khít không thể chia cắt. Cái này là duyên để cái kia tồn tại, vạn vật trong thế giới này vì thế mà tồn tại đa dạng và sống động. Nếu chẳng may một cái mất đi sẽ kéo theo sự mất đi hoặc biến đổi hoặc xáo trộn của cái khác..Như vậy, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ cộng sinh, cùng sinh tồn và phát triển. Nếu chẳng may một bên bị suy vong thì tất cả đều chịu ảnh hưởng. Do đó, con người không thể nào tách mình ra khỏi thiên nhiên mà vẫn có thể tồn tại được. Thực tế, sự phát triển của xã hội loài người từ ngàn đời này cho thấy rõ điều này. Con người phải dựa vào thiên nhiên mà sống, mà tồn tại. Thiên nhiên ngàn đời nay ban cho con người nguồn cung vô tận để sống mà không hề có bất kỳ sự đòi hỏi nào. Con người luôn có ý muốn chinh phục, khám phá thiên nhiên và cùng với sự phát triển của tiến bộ khoa học, con người dần dần đạt được tham vọng đó nhưng đã bắt đầu đánh mất đi trật tự vốn có của cái “duyên” vốn đã tồn tại giữa con người và thiên nhiên. 

Những vấn đề môi trường hiện nay mà nhân loại đang phải đối mặt đều xuất phát từ hành động của con người. Đó là nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái do sự phát triển công nghiệp bằng mọi giá của các quốc gia. Con người đã khai thác thiên nhiên quá mức, thải ra môi trường những hóa chất độc hại do quá trình phát triển công nghiệp. Hậu quả là con người chứ không phải ai khác đang phải gánh chịu những tác động do sự ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí... Sự phát triển công nghiệp còn đưa tới nạn phá rừng bừa bãi để lấy nguyên liệu hoặc trồng cây công nghiệp, sự thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, nguy hiểm hơn nữa nó còn gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu vì sự gia tăng hiệu ứng nhà kính do khí thải trong phát triển công nghiệp, hay sự gia tăng của nghèo đói,... Tất cả đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và sự an toàn của cả nhân loại. Con người đã tạo ra sự thay đổi bất thường này nên khi giải quyết nó cũng phải xuất phát từ chính con người. Con người cần phải nhận thức lại mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Theo quan niệm Phật giáo, con người không phải là chủ thể trung tâm của thế giới nên con người không thể có được đặc quyền muốn cải tạo và biến đổi môi trường theo ý mình. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên phải là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Cần phải biết quý trọng, bảo vệ, giữ gìn, vun đắp cho môi trường sống thì con người mới có thể tồn tại lâu dài được. 

Theo Bát chính đạo, để diệt trừ được vô minh con người cần tu tập theo Giới, Định, và Tuệ. Con người cần phải có trí tuệ để từ đó mở mang tâm trí, để có thể hiểu rõ tất cả mọi hiện tượng và thấu hiểu tường tận về bản chất của sự vật. Chỉ có sự hiểu biết toàn diện mới giúp cho con người thoát khỏi vô minh – nguyên nhân của tất cả những sai lầm của con người. Nếu con người hiểu biết đúng đắn và suy nghĩ đúng đắn (chính kiến và chính tư duy) về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là mối quan hệ tương hỗ, cùng nhau phát triển thì ắt hẳn nhân loại sẽ không thể có sự khai thác và tàn phá thiên nhiên có những nơi gần như kiệt quệ tới mức khó có thể phục hồi như hiện nay. Rõ ràng, sau một thời gian dài loài người không nhận thức và hành động đúng đắn với thiên nhiên đã đưa đến hậu quả ngày một nghiêm trọng. Con người đang phải sống giữa môi trường thiên nhiên thiếu trong sạch, hóa chất có ở khắp mọi nơi, mọi thứ mà con người đang sử dụng, nguồn sống mà thiên nhiên ban cho con người tưởng như vô tận đang ngày một cạn kiệt,... Tất cả đang tác động tới chính cuộc sống của con người. Cuộc sống ấy dường như tiện nghi hơn, nhưng thiếu an toàn hơn. Sự “nổi giận” của thiên nhiên cũng ngày một nhiều và lớn hơn, vượt ra ngoài tầm kiểm soát và tưởng tượng của chính con người. Chính những điều này đã làm con người phải nhận thức lại. Toàn nhân loại đang phải nỗ lực để tìm cách “cứu” thiên thiên và coi đó như cứu cánh cho chính cuộc sống của mình. Khi đã thoát khỏi trạng thái vô minh trong nhận thức mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, cũng có nghĩa, con người đã nhận ra được bản chất vô ngã của mọi sự vật và hiện tượng trên thế giới này. Con người đã vì cái ngã mà tàn phá thiên nhiên nên giờ phải bỏ cái ngã đi để sống hài hòa hơn với thiên nhiên. Con người không được coi mình đứng trên thiên nhiên để tìm mọi cách sai khiến, và cải tạo thiên nhiên theo ý muốn của mình. Tư tưởng Phật giáo coi đó là lòng tham.

Lòng tham là một trong Tam độc (tham, sân, si) theo quan niệm của Phật giáo. Tam độc làm hại sức khỏe tâm linh của con người. Con người hiện đại đã đạt đến trình độ khoa học kỹ thuật tương đối cao. Hầu hết mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới và một phần ngoài vũ trụ đã được con người tìm hiểu và khám phá. Đó không phải là xấu nếu những hiểu biết đó được sử dụng để đem lại cho con người một cách ứng xử hài hòa với thiên nhiên. Nhưng từ những phát minh ấy, con người đã lầm tưởng rằng mình đã chế ngự được thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục tùng cho những tham muốn của con người. Chính vì lẽ đó, con người đã khai thác thiên nhiên quá mức, và vô tình đẩy cuộc sống của mình đến bờ vực của sự suy thoái. Ở đâu đó trên thế giới này đang có những tổ chức, cá nhân vì lòng tham mà trở nên tàn ác không chỉ với thiên nhiên mà với chính con người. Vì quyền lợi về kinh tế, họ sẵn sàng gây chiến tranh, hủy hoại cuộc sống và môi trường sống của sinh vật cũng như của người khác. Chỉ vì cái lợi trước mắt, họ khai thác thiên nhiên bừa bãi và thải vào đó những khí thải độc hại làm ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của không ít người. Những bệnh tật có liên quan đến ung thư, những trận bão, lũ lụt, hán hán, nghèo đói... ngày một gia tăng tại Việt Nam cũng như ở những quốc gia khác cho thấy rõ điều này. Một khi để lòng tham lấn át, dẫn đường sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Phật giáo đã dạy con người phải biết sống “thiểu dục tri túc” (muốn ít, biết đủ). “Thiểu dục tri túc” dạy con người ta hiểu và quý trọng những gì mình đang có. Không nên vì lòng tham mà làm tổn hại đến muôn loài trong tự nhiên, phá vỡ trật tự vốn có của tự nhiên. Đó là một cách sống, phương châm sống hoàn toàn phù hợp với thời đại ngày nay. Một cách sống đầy hiểu biết, không có chỗ cho lòng tham vị kỷ, không vì lợi ích của riêng mình mà gây tổn hại đến môi trường, đến thiên nhiên và muôn loài. Biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, làm giảm đi sức ép đối với môi trường, tránh sự lãng phí khi sử dụng các nguồn năng lượng được lấy từ thiên nhiên, hoặc dựa vào thiên nhiên mà có. Ý thức được điều này, con người sẽ không khai thác tự nhiên một cách quá mức, không làm ô nhiễm môi trường, sống hài hòa với thiên nhiên, khai thác tự nhiên ở mức độ phù hợp để tự nhiên có thời gian tái tạo. Đó cũng là cách sống có trách nhiệm với chính mình, với tương lai của thế hệ mai sau để họ có thể tiếp tục được thụ hưởng và khai thác thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống.

Tín đồ Phật giáo có thể không hiểu giáo lý Phật giáo sâu sắc nhưng không thể không biết đến Nghiệp và Nhân quả. Họ luôn luôn ý thức được rằng, phải tạo nghiệp thiện, không gây nghiệp ác. Họ biết rằng, gieo nhân nào sẽ gặt quả đó. Những hành động ở kiếp này của họ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến số phận ngay trong hiện tại và cả tương lai. Vì vậy, họ phải luôn thận trọng từ trong suy nghĩ tới hành động để tránh nghiệp ác. Tín đồ Phật giáo để tu nghiệp trước hết phải có tứ vô lượng (từ, bi, hỷ, xả) và phải giữ giới (ngũ giới) và làm việc thiện (thập thiện). Phật giáo đề cao ý nghĩa nhân đạo với môi trường khi cho rằng, mọi chúng sinh là bình đẳng, mạng sống luân hồi: “Loài vô tình có tính giác”. Phật giáo đã tôn trọng sinh mệnh không chỉ của con người mà của những sinh vật khác nữa. Điều này rất có ý nghĩa với bảo vệ môi trường hiện nay. Trong kinh Từ Bi có đoạn viết: “...Đem an vui đến cho muôn loài; Cầu chúng sinh thảy đều an lạc; Không bỏ sót một hữu tình nào; kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh; Giống lớn to hoặc loại dài cao; Thân trung bình hoặc ngắn, nhỏ, thô; Có hình tướng hay không hình tướng; Ở gần ta hoặc ở nơi xa; Đã sanh rồi hoặc sắp sanh ra; Cầu cho tất cả đều an lạc...”. Vì mạng sống của con người và sinh vật đều quý như nhau nên con người phải biết yêu thương và xót thương cho những sinh vật khác. Vì mọi loài sinh ra đều mang trong mình sự sống nên phải được tôn trọng và bảo vệ. Trong Ngũ giới và Thập thiện có đề cập đến nội dung không sát sinh. Ngoài ý nghĩa về tôn trọng sinh mệnh muôn loài thì ở đây còn giúp giải quyết vấn đề môi trường. Việc sát sinh không chỉ thiếu tôn trọng sự sống của muôn loài mà nếu sát sinh quá nhiều còn làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người. Không sát sinh cũng có nghĩa là bớt đi những can thiệp không cần thiết vào thiên nhiên để thỏa mãn lòng tham. Đó là phương pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường. Đây là điều cần thiết và có ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn khi toàn thế giới đang đề cao và xây dựng lối sống ngày một thân thiện với môi trường. Lối sống ấy phải được xây dựng từ trong ý nghĩ và thể hiện ra bằng hành động cụ thể của từng cá nhân. Mỗi người phải biết xây dựng cho mình có một suy nghĩ hết sức đúng đắn về thiên nhiên, về môi trường sống. Con người không được có ý nghĩ làm hại đến môi trường sống để thỏa mãn nhu cầu của cá nhân mình bất chấp những hậu quả đem lại dù hậu quả đó mình có phải gánh chịu trực tiếp hay không. Bởi theo tư tưởng Phật giáo, trước sau gì con người cũng sẽ phải gánh “quả” do chính mình tạo ra trước đó. Một ý nghĩ đúng đắn, chắc chắn khi hành động, con người cũng sẽ thận trọng cân nhắc xem những việc mình đang làm có ảnh hưởng gì đến môi trường sống có đúng hay không, có nên hay không?

Hàng năm những người xuất gia theo Phật giáo thường có ba tháng tập trung tu học giáo lý, gọi là An cư kiết hạ. Đây là truyền thống tốt đẹp xuất phát từ lòng từ bi và quan điểm không sát sinh của Phật giáo. Ba tháng mùa An cư kiết hạ trùng vào mùa mưa của Ấn Độ xưa kia. Do đó, hạn chế đi lại vào ba tháng đó cũng là để tránh vô tình sát hại những sinh vật nhỏ bé như sâu bọ, côn trùng... Đó không chỉ đơn thuần xuất phát từ tấm lòng từ bi bác ái mà còn thể hiện tình yêu với thiên nhiên và trách nhiệm của con người với sứ mệnh gìn giữ sự sống, gìn giữ môi trường trong tư tưởng Phật giáo.

Như vậy có thể thấy rằng, lẩn khuất trong hệ tư tưởng Phật giáo có ẩn chứa nội dung và ý nghĩa bảo vệ môi trường sâu sắc. Nó không chỉ chứa đựng quá trình nhận thức phù hợp với nhận thức hiện tại về mối quan hệ giữa con người và môi trường thiên nhiên mà còn chứa đựng những phương thức rèn luyện đạo đức, rèn luyện lối sống thân thiện, hòa hợp với môi trường. Phật giáo hướng đến xây dựng con người sống có ý thức, trách nhiệm với môi trường từ trong suy nghĩ cho đến hành động cụ thể.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6126497