Tin tức

TQ11 - Thiện Ác đáo đầu

THIỆN ÁC ĐÁO ĐẦU[1]...

VIÊN THẮNG

 

Đời không đạo, đời vô liêm sỉ

Đạo không đời, đạo dạy cho ai.

Đúng vậy! Nếu như đời mà không có đạo hướng dẫn thì mọi người không biết nhân quả báo ứng, đạo đức, luân lý v.v... thì họ dễ làm điều ác. Còn có đạo mà không có người thì tất nhiên chẳng có ai để chỉ dạy đạo lý.

Xã hội ngày nay, con người rất cần đến với đạo để chỉ dạy họ hướng đến con đường Chân, Thiện, Mỹ. Bởi vì, hàng ngày chúng ta đọc qua báo chí, hay các tin tức truyền thông đưa tin cảnh con giết cha mẹ, ông bà vì không chịu đưa tiền cho chúng nó ăn chơi đua đòi với bạn bè; hay những bậc cha mẹ bạo hành con cái; cho đến bạn bè thân nhau nhưng sẵn sàng đâm chết nhau chỉ vì một câu nói v.v... Do vậy, mà người ác thì rất đông, nhưng người thiện thì rất ít. Thật đúng như ai đó đã nói:

Đường đời chật hẹp lắm kẻ đua chen

Đường đạo thênh thang hiếm kẻ đến tìm.

Nếu như vào buổi chiều, chúng ta chạy xe dạo một vòng trong thành phố thì thấy rất rõ, các quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng, vũ trường v.v... mọc lên san sát, người đông không kể xiết, chén chú chén anh cụng nhau rôm rả. Cũng chính những nơi này xảy ra nhiều vụ án đâm chém chết chóc rất nhiều. Do đó, mà ông cha thường dạy con cháu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Câu này thật sâu sắc vô cùng. Cho dù là thanh niên ở miền quê, sống hiền lành thật thà, chất phác, nhưng khi vào thành phố làm việc, có tiền rủng rỉnh, bắt đầu tụ tập bạn bè xấu ăn nhậu, nhảy nhót thì lâu ngày anh ta cũng trở thành một kẻ ăn chơi sành điệu. Vì thế, mà bài thơ Chân Quê của Nguyễn Bính nói về cô gái quê đi lên tỉnh chỉ có một ngày mà thay đổi bất ngờ:

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều...

Và trong ngạn ngữ cũng nói: “Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận”. Điều này cho chúng ta thấy số phận mỗi người không hề có chuyện đã an bài mà phụ thuộc vào chính suy nghĩ, hành động qua mỗi ngày, trong Phật pháp gọi là nghiệp. Nghiệp là hành động có tác ý, hay hành động được phát sinh ra từ trong tâm.

Có lẽ hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta thấy người ta giết chết nhau rất dễ dàng. Theo đức Phật dạy đây là thời kỳ mạt pháp, là con người làm việc ác nhiều hơn việc thiện. Chỉ cần buổi sáng chúng ta đọc một tờ báo, lên một trang net thì thấy rất nhiều bài viết về đâm chém, chết chóc, tội lỗi thật khủng khiếp, vì những người này không tin luật nhân quả. Do họ không tin nên không biết sợ nhân quả báo ứng. Vì thế, tôi rất tâm đắc bài viết Đừng để cái ác lan rộng như mốt thời thượng của tác giả Duy Minh. Tôi xin trích một đoạn: “Khi mọi người xôn xao về những cái xấu xí của người Việt ở nước ngoài như không chịu xếp hàng, xả rác bừa bãi, ăn cắp vặt... thì hôm nay khi đọc bản tin Bị đâm chết khi phát cơm từ thiện, hẳn ai cũng rùng mình. Tôi đã rùng mình khi nhìn người phụ nữ gầy gò ấy ôm con khóc với thân xác của người chồng. Họ đang làm những công việc ở tầng thu nhập thấp nhất của xã hội: Ăn xin và nhặt ve chai. Công việc phát cơm từ thiện của anh vừa làm việc đẹp, đơn giản, vừa giúp anh chị có thêm được hai phần cơm miễn phí sau khi làm việc. Chẳng hiểu vì đâu, một công việc thuần túy từ thiện, người phát cơm thuần túy nhọc nhằn và món lợi to nhất cũng chỉ là hai hộp cơm, lại có thể bị kéo vào một tội ác kinh khủng như vậy: Bị giết vì người đợi phát cơm thấy đông quá, mãi không tới lượt nên tức giận.

Ngày càng xuất hiện những người thấy việc cầm hung khí lên để giải quyết vấn đề là một chuyện có lý. Nhiều người đơn giản là không hề suy xét khi vung dao lên, không nghĩ đủ xa đến mức mình có thể vướng vô chuyện gì, người đối diện có thể gặp phải bi kịch gì hay ai có thể đau khổ từ việc ác mình gây ra. Kẻ muốn dùng sức mạnh áp chế và tấn công người khác, vì thấy khả năng mình mạnh mẽ, trong khi người yếu hơn không biết bấu víu vô cái gì để bảo vệ rõ nét, có sức mạnh.

Có một ông già từng nói với tôi: “Lũ trẻ bây giờ không sợ cái chết nữa. Có lẽ chúng chưa hiểu ý nghĩa của sự sống”.

Đọc qua một đoạn bài viết, chắc chắn ai nấy đều thấy sợ hãi. Có lẽ vì thấy cuộc sống xã hội quá nhiều tệ nạn, cạm bẫy, nên mỗi mùa hè rất có nhiều bậc cha mẹ đưa con mình đến chùa dự khóa tu mùa hè để các em học được học nhiều sự lợi ích về cuộc sống từ trong đạo Phật. Từ Bắc vô Nam chúng ta thấy rất nhiều chùa tổ chức khóa tu mùa hè. Ở Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng nhất là chùa Hoằng Pháp, mỗi khóa tu hơn ba nghìn em tham dự. Trải qua trong một tuần tu tập, giúp cho các em gặt hái được rất nhiều thành quả lợi ích lớn. Những lời giảng đầy ý nghĩa từ quý thầy giúp cho các em nhận thức mới về cách sống, cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày; lại còn biết về nhà phụ giúp cha mẹ công việc nhà mà trước đây các em không chịu làm, về các phạm trù đạo đức nhân bản, là hành trang cần thiết để các em chuẩn bị vào đời. Các em cũng có cái nhìn mới hơn về đạo Phật, không chỉ là một tôn giáo mà còn là một nền luân lý đạo đức gắn liền giá trị văn hóa truyền thống, hoàn toàn phù hợp với khoa học, gắn bó với đời sống con người và sự phát triển của xã hội.

Bảy ngày tu tập, các em có những giây phút lắng lòng trong từng lời kinh tiếng kệ, hiểu rõ được tình cảm gia đình, biết được công lao trời biển của cha và mẹ v.v...

 Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thấy nhân quả báo ứng hiện tiền, không cần đợi kiếp sau. Có những ông chồng, lúc làm ra tiền xem thường vợ con, vung tiền ăn chơi trác táng, cặp bồ với các em trẻ đẹp. Khi hết tiền, bồ nhí đá hất, cặp bồ với đại gia khác. Cùng đường ông ta trở về với vợ con. Vợ thì chưa lành vết thương phụ tình, nên có nàng tìm cách trả thù âm thầm, còn con cái thì khinh thường ra mặt. Như thế, chẳng phải nhân quả báo ứng hiện tiền là gì? Còn biết bao nhiêu người vì muốn đạt được địa vị, danh lợi mà hại người khác không thương tiếc, đến một lúc nào đó, họ bị người hãm hại lại bị thân bại danh liệt. Thật đúng là nhân quả báo ứng hiện tiền.

Cuộc đời này gieo nhân nào thì gặt quả nấy, vay thì phải trả, trả phải trả lãi. Nhân quả xoay vần, chúng ta làm thiện thì được quả báo tốt lành. Chúng ta làm ác thì bị quả báo xấu. Chúng ta giúp đỡ người khác thì nhất định sẽ có người giúp lại mình, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thường nghe nói: “Mình vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình”. Đây là lẽ tất nhiên trong cuộc sống. Vì thế, trong Quy Sơn Cảnh Sách nói: “Cố kinh vân, giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”. Nghĩa là: Trong kinh dạy, giả sử trải qua trăm nghìn kiếp, nhưng nghiệp mình đã tạo ra vẫn không mất, khi nhân duyên hội ngộ thì quả báo mình vẫn phải chịu lấy. Thế nên, người ta thường nói: “Sự báo ứng của thiện ác như bóng đi theo hình”.

Ngồi viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện Quốc sư Ngộ Đạt trả quả báo. Ngài là bậc Cao Tăng trải qua mười kiếp tu hành giới luật tinh nghiêm thanh tịnh. Vậy mà đến kiếp thứ mười vì chút khởi tâm tham đắm tòa trầm hương mà bị quả báo. Bỗng nhiên, trên đầu gối ngài mọc mụn ghẻ giống như mặt người, đau đớn vô cùng! Ngài cho mời tất cả các bậc danh y, nhưng không ai chữa được. Cuối cùng, ngài tìm gặp tôn giả Ca Nặc Ca[2] mới chữa trị được bệnh và hóa giải nỗi oán thù đã trải qua mười kiếp. Do vì xưa kia ngài làm quan tên Viên Áng đã xử chém oan Tiều Thố, nên mối hận thù kéo dài mười kiếp Tiều Thố mới trả được.

Đọc qua câu chuyện, chúng ta thấy luật nhân quả rất công bằng không có ai trốn thoát được. Luật pháp thế gian có khi còn sơ hở để lọt tội phạm.

Gần đây trên trang nhà Vẻ đẹp Phật pháp có bài viết Phố thịt chó Nhật Tân đóng cửa vì quả báo sát sinh là hồi chuông cảnh tỉnh cho đệ tử lưu linh chuyên nhậu thịt chó. Tác giả viết: “Phố thịt chó Nhật Tân (Hà Nội), có khoảng năm mươi nhà hàng, tấp nập khách nhậu ngày đêm giờ chỉ còn duy nhất một nhà hàng hoạt động cầm chừng vì vắng khách. Vì sao thương hiệu thịt chó Nhật Tân biến mất là câu hỏi nhiều người quan tâm.

Tôi vòng đi vòng lại mấy lần phố Nhật Tân, tìm quán thịt chó Trần Mục, nơi mà dân nhậu Hà thành không ai không biết, vì nó là thương hiệu quá nổi tiếng, nhưng không thấy đâu cả. Vì phố Nhật Tân giờ không còn thịt chó. Tôi hỏi lý do vì sao quán thịt chó Trần Mục quá nổi tiếng, mà lại đóng cửa, chị bán nước bảo: “Mấy chục quán thịt chó ở đây đều phá sản hết anh ạ. Dù họ giàu có cỡ nào, nhưng làm công việc sát sanh, mà lại giết hại con vật nuôi yêu quý của con người, nên đều không có kết cục tốt. Bà Xìu chủ quán Trần Mục chuyển nghề rồi, giờ buôn bán bất động sản”.

Người xưa từng dạy: “Ở hiền gặp lành. Ở ác gặp dữ. Gieo nhân nào gặt quả đó” v.v... Đây là lời đúc kết trải nghiệm từ cuộc sống thực tế để truyền lại cho con cháu đời sau. Kinh Pháp Cú, câu 127 ghi:

“Không trên trời, giữa biển,

Không lánh vào động núi,

Không chỗ nào trên đời

Trốn được quả ác nghiệp”. 


[1]Câu này đầy đủ là Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì. Nghĩa là: Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi.

[2] Tôn giả tu chứng A La Hán. 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6705811