Tin tức

TQ11 - Vài cảm tưởng Xuân

VÀI CẢM TƯỞNG XUÂN

 

TỪ QUANG

Trích Từ Quang số 73+73 tháng 1 và 2 / 1958

 

Cứ hết một vòng mười hai tháng, là người ta bảo nhau: Xuân về. Rồi mười người, hết thảy sáu bảy nô nức đón Xuân.

Thật khó mà chối rằng, trong trời đất, giữa lúc tháng Chạp và tháng Giêng nối tiếp nhau, không có gì thay đổi, dù là ở một xứ chỉ có hai mùa mưa, nắng như xứ ta. Trong không gian, có những luồng gió không oi ả như lúc tháng Ba tháng Tư, và cũng không ẩm ướt như lúc tháng Sáu tháng Bảy. Ở người, ở cầm thú, ở thảo mộc, hình như một nguồn sinh lực mới được trút vào, làm nẩy nở sự hăng hái và thêm hoạt động. Cảnh sống chết thay nhau được thực hiện trên những cành, trước đây không bao lâu khô khan, tiều tụy, mà nay lại đơm lộc nảy chồi. Bảo đừng vui lây, không thể! 

Nhưng vui, có ba bảy đường vui. Đồng gọi là vui, mà trẻ già có khác, nghèo giàu, sang hèn cũng không giống nhau.

Một bánh pháo nổ giòn tan, một viên kẹo ngọt, một chiếc áo hoa, đủ làm cho các cô, các cậu cuống quýt reo hò, nhưng với người lớn phải cái gì quan trọng hơn, đắt tiền hơn, như một cành mai bạc ngàn, một quả mứt mấy trăm bạc, hay bộ đồ vài ngàn mới làm nở được nụ cười hãnh diện.

Giữa giàu nghèo, sang hèn cũng thế. Cái mà người ít tiền cho là quá, không thấm tháp gì với người thừa bạc. Đem những cành vạn thọ lá úa, bông teo, nghiêng ngửa trên miệng một ve chai đầy bụi bặm vừa moi ở góc chòi ra, so với những chậu cúc vàng, cánh lớn, chễm chệ trên đôn sứ men trong, cạnh bộ sa lông lộng lẫy, bất giác tự hỏi: Sao lại có sự chênh lệch thái quá như thế? Và ai sung sướng hơn ai?

Hỏi ai sung sướng hơn ai, tức là nói không ai sung sướng hơn ai.

NHÂN SINH QUÝ Ư THÍCH CHÍ

TU PHÚ QUÝ HÀ VI?

Người có thể đủ thích với cành hoa bé, ta há không thể đủ vui với một chậu cúc không quá to, quá đẹp sao?

Có thể lắm, mà rồi cô hàng hoa sẽ ăn một cái Tết không vui! Đã đành, nhưng tại có người tìm mua cái đắt, mới có người bán cái không ít tiền, chứ nếu ai cũng thiểu dục tri túc, thì làm gì có những thứ xa hoa kia?  

Vậy ra, tùy tâm niệm, tùy mơ ước của chúng sanh mà chợ đời mới có những hàng khác giá, có khách hàng trọng khinh.

Lão Tử nói đúng khi ông bảo: "Bất quý nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo" đừng quý trọng những món hàng khó được, để khiến dân không phạm tội trộm cướp.

Có quý, có trọng là tại cho sự vật có một giá trị chắc thật như ta tưởng, như bao nhiêu người xung quanh ta tưởng. Đừng quý đừng trọng là thấy được cái giá trị chân thật của sự vật, một giá trị không giá trị gì hết.

Đến đây, cũng bất giác mà nhớ đến câu "Vạn pháp duy tâm" của nhà Phật, rồi lại nhớ luôn bài học trồng hồng.

Trong một thửa vườn con, năm ba cành hồng, dài độ đôi tấc được cặm dưới đất bón sẵn. Mỗi ngày sớm chiều, chủ vườn tự tay xới tưới, săm soi. Một vài lá bắt đầu vàng, từ lợt sang đậm, rồi rụng. Lòng chủ vườn se lại. Nhưng mươi hôm sau, đôi mắt chủ bỗng sáng bừng lên: ở hông cành, vài mụt u đã nổi. Ít hôm sau nữa, da cây bị xé tét và ngay những mụt u ấy, những tược nỏn nà, mềm dịu ló đầu và lớn dần, tự biến thành lá, thành cành, thành nụ, thành hoa. Chủ tự hỏi: Ở đâu ra các thứ ấy? Ngó vào trong thân hồng, chủ cảm thấy có một dòng nhựa bắt từ rễ cái vọt lên cội, cội tẽ sang các cành, mang theo một cái gì thiệng liêng, huyền diệu, không có cái đó thì nhựa khô cây chết. Cái thiêng liêng huyền diệu ấy hình như là một sức sống mạnh mẽ phi thường và rất thích tự do phóng khoáng. Vì không cam hãm mình trong cảnh u tối của các ống nhựa, nên một hôm nó quyết phá ngục mà ra, bằng lối banh da xẻ thịt của cây. Nhưng vì cái bản chất huyền diệu của nó, nên nó biến hóa ra nhiều trạng thái khác nhau, nào cành, lá, nào nụ hoa. Tất cả đều là Nó, mà không ai biết là Nó.

Cành, lá, nụ, hoa của cây Vạn pháp cũng là Nó, và Nó đây không tên, không tuổi, tạm gọi là Tâm, là Tánh,  sức sống giác ngộ (Linh giác) độc nhất vô nhị của toàn vũ trụ. Biết được như thế, thì làm gì còn có hàng khác giá, có khách hàng trọng khinh.

Nhân loại học biết nhiều quá, nhưng lại quên bài học này mà cách đây hai ngàn năm trăm năm, một bậc xuất chúng đã lớn tiếng tuyên bố, cho nên mới mãi quây quần trong chỗ cành lá khác nhau.

Thêm một tuổi là thêm một bước đến miệng huyệt, mà cũng là chấm dấu thêm một đoạn đường qua với bao nhiêu kinh nghiệm dở hay. Dở thì bỏ, hay ôn lại, chồng chất có thứ lớp để làm cái vốn cho sự nghiệp về sau.

Sự nghiệp gì?

Thì hãy cố tìm. Cái gì bất hoại là sự nghiệp đáng xây.

Tiền tài ư? Danh vọng ư? Hay gì gì nữa, tất cả đều để lại đây, khi ta không còn ở đây. Chỉ có những cái ít người thích mà cũng không mấy người nhìn thấy mới theo ta. Đó là Trí tuệ vậy, một đóa hoa chỉ nở trên đất Từ bi, dưới giọt nước Thanh tịnh, trong ánh nắng Tinh tấn.

Lúc nhỏ ta chơi hoa giấy, lớn lên có gia thất, ta chơi hoa thật, nay đã đứng tuổi, ta nên thử chơi hoa Trí tuệ, vừa không tốn hay ít tốn tiền mua, vừa đem lại, không phải cho  mũi thịt ta, mà cho tâm hồn ta một mùi thơm vi diệu. Làm sao quên được câu đối của cụ đồ xưa, vắt chân ngâm nga với chén chè nóng trong ngày xuân nhật:

QUẾ HƯƠNG BẤT VIỄN, THƯ HƯƠNG VIỄN;

THẾ VỊ VÔ NHƯ, ĐẠO VỊ TRƯỜNG.

Muốn có Trí tuệ, phải học đọc. Muốn học đọc, phải biết phương chọn lọc. Những sách nào không dưỡng tình mà kích thích sự suy gẫm, là sách nên đọc. Lại nữa, cần phải tránh tìm cái vui ở câu chuyện, mà nên tìm cái thú ở cốt truyện, bằng không “từ sẽ ngại lý”, cái văn hoa bề ngoài sẽ làm người đọc lạc hướng của người viết.

Là cơ quan của một hội mệnh danh là Phật học, TỪ QUANG mộc mạc không có gì tặng bạn đọc trước thềm năm mới hơn là những nét tùy bút không đầu không đuôi trên đây. Nhưng ai là tri âm, chắc không khỏi nhận chỗ dụng ý của người cầm bút, đã quá nghĩ xa nghĩ gần.

Đời thường dám tốn công, phí của cho sở thích của thân mà ít phí vài đồng  vài giờ cho tâm hồn, trí tuệ; đời thường nói trọng nói khinh, nhưng chưa ai thật rõ giá trị của vạn vật; đời thường sống chia thấy khác, không hay rằng khác mà không khác, lạ mà thân; đời cũng thường chuộng danh lợi mà lảng xao đạo đức, không hay đạo đức mới là cái thường còn. Nghĩ đó là những  đầu đề mà trong mấy ngày  "Xuân nhật", Phật tử chúng ta nên đem ra cùng bàn sâu hay tự suy gẫm, tưởng không phải là việc vô bổ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6130177