TQ11 - Xuân tịnh danh
XUÂN TỊNH DANH
MAI THỌ TRUYỀN
Trích tạp chí Từ Quang số 120 tháng 1/1962
Mỗi năm, ở nước ta, hễ đến cuối tháng Mười một hay đầu tháng Chạp âm lịch, là kẻ quê lo ăn Tết, người lịch sửa soạn đón Xuân.
Ăn Tết thì quá nôm na và quá vật chất, vì quanh quẩn trong vòng manh quần tấm áo, thức uống miếng ăn.
Nghinh Xuân mới xứng với con người cầm bút, sống thiên về tinh thần hơn về thể xác. Mà con nhà văn thì bao giờ tưởng tượng cũng dồi dào.
Dồi dào đến mong Xuân, đợi Xuân như những anh chàng si tình mong đợi ý trung nhân.
Nàng Xuân, Chúa Xuân của những tâm hồn khắc khoải ấy là cô gái thướt tha, yểu điệu, trong chiếc áo muôn màu phe phẩy trước ngọn gió thanh.
Họ đón Xuân, họ chào Xuân, họ tâm sự với Xuân bằng những câu văn đầm ấm, bằng những thi vận êm tai. Khi Xuân đến, miệng nhoẻn nụ cười, họ cùng cười, rồi họ say với rượu thánh, họ thú với thi thần, bầu trời quay tít, thế sự phù vân.
Nhưng có khi họ cũng khóc. Khóc vì thấy Xuân đến để mà đi, khóc vì sợ Xuân thắm chóng tàn, khóc vì cảm nỗi “Xuân bất tái lai” dù rằng họ cứ mong một “Xuân bất tận”.
Nhưng Xuân thật là ai, là gì? Nào khách mến Xuân, cười với Xuân, hãy thử chỉ nàng Xuân, chị Xuân coi nhỉ?!
Sách Liêu Trai thuật chuyện một cậu thư sinh ngây ngất trước cái đẹp của cô gái trong tranh đến nỗi thấy mỹ nhân từ vách bước xuống cùng mình chuốc chén. Giàu tưởng tượng đến thế là cùng!
Không có nàng Xuân mà lại thấy có Xuân đến, Xuân cười, Xuân múa, Xuân hát, Xuân phô muôn hồng ngàn tía, Xuân ẻo lả trên ngọn cỏ cành cây, thì thật cũng không phải người nghèo tưởng tượng làm nổi việc ấy.
Nếu là nghèo tưởng tượng thì làm sao bảo nàng Xuân hàm tiếu khi sự thật chỉ có trăm hoa chớm nở trên cành, hay bảo nàng Xuân tha thướt, khi sự thật chỉ có cành non lá mướt uyển chuyển dưới làn gió trong.
Có tích mới dịch nên tuồng, thôi cũng tạm cho được đi, đàng này có khi lại dựng đứng như khi ngâm những câu “xuân du phương thảo địa” hay “cỏ non xanh tận chân trời”, là những cảnh ở cái miền “lục tỉnh” đất cháy cỏ khô này làm gì có được?!
Nhưng dầu thế nào, đôi đàng: Có mà vẽ vời hay không có mà bịa đặt, đều là tưởng, mà tưởng là vọng, là mộng.
Ngoài cái mộng Xuân, còn những mộng khác nhiều đến hằng hà sa số, mà cái tổng hợp là cuộc đời thăng trầm, sướng khổ của tất cả mọi người.
Có những đống bạc kếch xù, có những nhà lầu, ô tô, đồn điền, xưởng máy, nhưng nào có gì mà gọi là LỢI, là TÀI? Lại cũng có những người một kêu mười dạ, ăn trên ngồi trước, xuống ngựa lên xe, nhưng đố ai tìm cho được cái DANH cái SANG? Thế mà ai cũng thấy có TÀI, có LỢI, có DANH, có SANG. Ấy vì ai cũng tưởng tượng cho bằng được, tưởng tượng mà không hay mình tưởng tượng.
Tưởng tượng cho bằng được để loạn mình, loạn người và cũng để phê những người không loạn như mình là cuồng.
Ai năng biết rằng tất cả đều là “danh ngôn”, đều là những tiếng để gọi mà không có gì là thật có hết?
Nhưng khi gần tất cả nhân loại đều nói LỢI, nói DANH đều lấy cái tên làm sự thật, ta muốn không cùng nói, không được. Vậy phải cùng nói, quý hồ ở chỗ cùng nói LỢI, nói DANH, mà không để cho hai danh từ ấy bị lớp “bụi quan niệm” bao phủ và làm hoen ố.
Bị hoen ố là “BẤT TỊNH DANH”. Không hoen ố là “TỊNH DANH”.
Vậy ta hãy đón xuân, vui xuân với “XUÂN TỊNH DANH”.
Bình luận bài viết