Tin tức

TUỔI TRẺ HỌC PHẬT (tt)

TUỔI TRẺ HỌC PHẬT (tt)

CHÚC TRỌNG

Phật giáo với tuổi trẻ học đường trong thời hiện đại (Mô hình tiêu biểu của hoạt động sinh viên - học sinh Phật tử Khánh Hòa)

Bài trước chúng ta đã nói về Quy Y Tam Bảo và giới thứ nhất trong năm giới cần gìn giữ, Bài viết này xin mạn phép chia sẻ với các bạn trẻ bốn giới còn lại trên bước đường tu học.

Bạn hãy hình dung nếu chúng ta có một món tài sản nhỏ thôi, bị mất cắp, ta thấy có buồn không? Hãy nghĩ xem, nếu chúng ta mất chiếc điện thoại, chiếc xe, những vật sở hữu có giá trị khác… thì ta lo buồn biết chừng nào! Đó là về phía mình, còn phía người thì sao? Mình luôn đặt mình trong tình huống này, thì cũng đặt người khác trong tình huống thế. Vì vậy ai cũng muốn giữ tài sản/vật sở hữu của mình không bị mất, không bị trộm... Và đây là giới thứ hai tôi chia sẻ với các bạn, đó là Giới Không Trộm Cắp. Giáo lý Phật giáo là một hệ thống dạy cho con người vượt qua đau khổ, sống an lành trong từng giây, từng phút. Những giới luật Đức Phật Thích Ca dạy cho chúng ta có mục đích “hướng thiện” và “hành thiện”. Giới thứ hai này giúp chúng ta biết trân quý những điều nhỏ nhặt, biết quý trọng tài sản của người khác, vật sở hữu mà người đã có được bằng chính sức lực và trí tuệ làm ra, có chủ sở hữu và trên hết vật đó không phải của chúng ta. À, vậy nói nếu ăn cắp của người giàu gian manh, dùng quyền lực tham nhũng có được cho người nghèo thì không bị phạm? Nói thế là chưa trúng, vì sao? Vì khi trộm cắp là mình đã tác ý (ý tưởng nổi lên) và có hành động ăn cắp, ăn trộm tài sản không phải sở hữu của mình rồi. Còn nếu người kia với khối tài sản bất chính thì là chuyện của họ, họ sẽ chịu những nghiệp quả mà họ đã tạo ra. Với mình đã có ý định, hành động trộm cắp nổi lên là đã vi phạm giới trộm cắp rồi vậy. Đạo Phật giúp ngăn ngừa nhân bất thiện từ cái gốc, từ nguyên nhân tạo ra những điều sai trái, giúp tâm không ái nhiễm với những điều bất thiện. Ý nghĩ bất thiện đang hàng ngày hàng giờ, từng sát na nổi lên trong ta và tuổi trẻ luôn có những phút giây lầm lạc, luôn có những lúc hành động ngoài kiểm soát của thân, khẩu, ý. Vì vậy, ngăn chặn từ ý niệm khởi lên hoặc không trôi theo những ý niệm này mà luôn theo dõi và ngăn ngừa, giúp chúng ta không vướng vào những điều sai trái bằng những hành động bất thiện. Đạo Phật giúp chúng ta sống trong chánh niêm, biết những gì thiện cần hướng đến, bất thiện thì nên diệt trừ. Không ý nghĩ, không hành động trộm cắp, mà còn hành trì pháp Bố thí, giúp chúng ta cho đi nhiều hơn, không ích kỷ, không giữ riêng cho mình, thì khi đó ta cần lấy chi của người? Có bạn từng hỏi tôi về làm việc bố thí để nuôi dưỡng những hạt giống tốt đẹp và diệt trừ những hạt giống trộm cắp có từ xưa đến nay đang có trong ta: “Em còn trẻ, có gì mà cho, tiền cũng không đủ để làm việc bố thí…”. Tôi có chia sẻ là hãy nghĩ đến cái Tâm bố thí, bao nhiêu sẽ là đủ? Bao nhiều thì bạn có thể bố thí? Vì bố thí không phải chỉ dùng tài vật để cho đi, bố thí có thể là tịnh tài, tịnh vật, có thể là bố thí pháp, bố thí sự vô úy cho người khác bạn ạ. Mình có chút ít thì mình chia sẻ chút ít, không phải có nhiều mới cho, mà bố thí 500 đồng, 1.000 đồng cho những người cần giúp thì đã là quý lắm thay. Khi một người đang trong vô mình, lạc đường, ta chia sẻ cho họ những pháp hành chân chánh của Phật, giúp họ nhận ra đâu là giá trị cuộc sống, hướng thiện và tiến tới con đường giác ngộ thì cũng là việc bố thí rồi đấy. Hay có người đang sợ hãi, đang trong tình thế cần sự chia sẻ thì ta lắng nghe, chia sẻ sự không sợ hãi cũng là việc bố thí Vô úy mà đức Bồ tát Quán Thế Âm thường hành. Nuôi dưỡng tâm bố thí sẽ giúp ý nghĩ, hành động của ta không còn tâm trộm cắp, đó là cách diệt trừ gốc rễ xấu và giữ gìn giới luật tinh tấn nhất, đó là cách mà tôi đang thực tập, đang đi trên con đường tìm sự tỉnh thức cho chính mình.

Hằng ngày các tờ báo đều đưa lên những thông tin nóng về gia đình và xã hội và dễ thấy rằng những tin liên quan đến những hành động về tình cảm, quan hệ nam nữ, về tình dục luôn đầy các trang báo. Tình trạng hiếp dâm, gia đình tan vỡ vì ngoại tình, về tiết hạnh bị xâm phạm… là những vấn đề nhức nhối cho xã hội phát triển hiện nay. Đạo Phật giải quyết những vấn đề này rất hay trên tinh thần của giới luật, giúp chúng ta, đặc biệt những người trẻ định hình được cuộc sống của mình. Hãy nghĩ xem, những vấn đề gai góc nhất mà Đức Thế tôn của chúng ta đã thấy được hàng ngàn năm nay và dạy cho chúng ta cách thức nhận diện và tiếp xúc với nó, đó là giới thứ ba cho người Phật tử tại gia Giới Cấm Tà Dâm. Tại sao vậy? Vì tà dâm gây nên sự tan vỡ gia đình mình và người, là quan hệ không đúng đắn, không thủy chung, làm nền tảng gia đình và xã hội bị lung lay. Hãy nghĩ xem, tiết hạnh bị xâm phạm, vợ chồng bất hòa, người thân trong gia đình có được yên vui chăng? Tình trạng ông ăn chả, thì bà ăn nem lại càng tệ hơn và đó là những hạt giống xấu, những vực thẳm đang chờ đón ta một ngày không xa. Phạm vi của giới không tà dâm rất rộng: Ngay trong quan hệ vợ chồng cần phải dựa trên tinh thần tự nguyện, dâng hiến, có chừng mực, hợp thời, phải chỗ; ngay cả sự phóng tâm đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, buông thả phóng dật, cũng bị xem là tà dâm. Nói chung, theo quan điểm của Phật giáo, những sự quan hệ nam nữ không được giới luật, luật pháp và luật tục thừa nhận đều được xem là tà dâm. Bạn trẻ đã trưởng thành, khỏe mạnh có nhu cầu sinh lý là chuyện bình thường. Nếu bạn là độc thân nên vấn đề chung thủy với người bạn đời chưa được đặt ra. Do đó, việc mua dâm mà “biết điều độ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, cả hai đều tự nguyện” theo giới luật người này không phạm tà dâm.

Vậy người trẻ chúng ta phải giải quyết sao những vấn đề về tình dục? Vì là một con người tại gia, đang sống trong xã hội hiện đại, áp dụng giới luật cấm tà dâm, không phải là đức Phật cấm Phật tử có gia đình hay người chưa có gia đình không được quan hệ tình dục như trên đã nói. Là người Phật tử chân chánh, chúng ta áp dụng giới này bằng sự hiểu biết có trì tuệ, chúng ta không xâm phạm hạnh tiết của người, không có những ý tưởng về sự xâm phạm này, tình dục đúng đắn, quan hệ tình cảm chân thật, đích thực giữa hai bên và không quy phạm những chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Đó là điều mà giới này giúp cho chúng ta sống hạnh phúc trọn vẹn, đó là bức tường vững chắc giúp ta không bước qua để lọt vào vực thẳm đen tối của cuộc đời. Tu là chuyển hóa những năng lượng xấu thành những năng lượng cho từ bi hỷ xả, những năng lượng của sắc dục chi phối chuyển hóa thành những hành động thiện, tạo nên những thiện nghiệp cho chúng ta. Luôn tự học, tự tìm hiểu về những điều chân chánh giúp bạn trẻ không có những phút giây cho những ý niệm bất thiện, những hành động lỗi lầm. Bạn sống trong chánh niệm, có trí tuệ sáng suốt để nhìn và hiểu rồi thương đúng với tinh thần của đạo Phật.

Bạn bè sẽ sống chân thật hơn với gia đình, xã hội với những con người chân chính, trung thực là ta đang sống trong vùng đất Tịnh độ hiện tiền. Những mong muốn không bị lừa dối, không bị đau khổ bởi những lời nói đầy ác ý và bất thiện cho mình và người thì ta càng hiểu và thương đức Phật Thích Ca của chúng ta, Ngài đã thấy và dạy chúng ta về giới thứ tư là Giới Cấm Vọng Ngữ. Vọng ngữ là lời nói dối trá thiếu thành thật, nói hai lời, nói đâm thọc, thêu dệt. Tôi đã vị phạm, đã từng bị những hành động này gây ra cho tôi những đau khổ và muộn phiền. Ngày nay, trong thế giới của chúng ta, xã hội của chúng ta và ngay cả cá nhân tôi đều trải qua đầy dẫy sự dối trá, lừa gạt lẫn nhau, phải không? Tôi đã và đang thực tập trên con đường tìm ra những giá trị địch thực của cuộc sống này, tập lắng nghe, nhận diện, tập chánh niệm và chánh ngữ để hiểu đâu là nguồn cội của những lời nói thiếu thành thật, tập tha thứ và chia sẻ những hành động, để không tiếp tục nuôi dưỡng nó. Đây là giới mà bạn trẻ chúng ta hay phạm phải, vì sao? Vì lợi ích của mình, vì sự sợ hãi hay vì người mà ta phải nói không đúng với lòng. Hãy nhìn sâu vào những lời nói hay suy nghĩ những lời trước khi nói với nhau, những bất thiện hay thiện sẽ gây ảnh hưởng đến người hay không qua lời nói của mình? Ông cha ta rất hay khi có câu “Hãy nghĩ kỹ trước khi nói”. Vì sao vậy? Vì khi lặp đi lặp lại những ý định nói ra, ta đang suy nghĩ đúng sai lời nói này, ta đang Thiền đấy và khi đó trí tuệ sáng suốt, những năng lượng thiện được phát triển, thì sẽ không nói những lời khó nghe, nhưng điều sẽ gây ra đau khổ cho mình và người. Cái tôi của bản thân luôn cao hơn mọi thứ, vọng ngữ cũng vậy, vì đề cao cái ta đang hiện hữu mà quên rằng, cái ngã này là tạm bợ, là giả hợp, mà đã là giả thì sao ta phải sống như thế? Sao ta không suy nghĩ, nói ra những lời yêu thương chân thật, sống trung thực với bản thân, với cộng đồng? Quy luật nhân quả luôn chi phối đời sống của mình các bạn ạ, khi ta nói những lời thiếu thành thật thì ta cũng sẽ bị những hành động này ảnh hưởng lại, đó là sự tương quan cho những kết quả thiện hay bất thiện sau này của ta mà thôi. Có điều này tôi muốn chia sẻ là có những lời nói thật lòng, thẳng thắng sẽ gây ra những đau khổ/phiền não cho người nghe, vậy ta phải làm sao? Thực tập chánh niệm, có tư suy sáng suốt là phương pháp hiệu quả để giúp ta nhận diện, giúp ta có những lời nói có giá trị cho người. Một hôm, tôi nhận được cuộc gọi của bạn, bạn hỏi làm như vậy là có phạm giới hay không? Vì ba mẹ li dị, bạn sống với Mẹ nhưng cuối tuần thường qua thăm ba, nhưng người mẹ thì cấm điều đó, bà luôn bực tức và đau khổ khi biết bạn đi thăm người cha của mình, vì vậy người con luôn nói dối với mẹ rằng, con đi chơi, không có liên hệ gì với ba cả”. Mình xin mạn phép chia sẻ với bạn, những lời bạn nói không vi phạm giới cấm, vì sao? Vì chúng ta đã biết, tùy duyên mà thuận pháp, với hoàn cảnh này, lời nói dối của người con không gây tác hại cho người mẹ, đó là sự trọn vẹn giữa ba và mẹ, người con đang nuôi dưỡng năng lượng tư duy chân chánh để thực hành, tâm của người con nói ra không vì mục đích làm đau khổ hay có ý định ác nào cả. Thuận pháp là trong hoàn cảnh này, bạn áp dụng giới luật một cách hiểu biết trí tuệ và sẽ không gây đau khổ cho bất cứ bên nào. Có thể trong thời gian ngắn, người mẹ sẽ không ngăn cấm như thế nữa!? Thật vậy, lâu sau người mẹ nhận diện được sự thật, không ngăn cấm con mình đi thăm ba nữa.

Hay thay giáo pháp của Thế tôn, lời dạy của Ngài luôn có giá trị trường tồn theo năm tháng, áp dụng những phương pháp thực tập của Ngài luôn giúp chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn, tìm đến những giá trị đích thực trong cuộc sống này. Ví dụ trên cũng cho chúng ta thấy áp dụng giới luật một cách cứng nhắc sẽ không trúng với chánh pháp của Đức Phật, trái lại còn tạo cơ hội cho khổ đau ngày càng phát triển. Người Phật tử nhất là các bạn trẻ cần hiểu và giữ giới theo đúng tinh thần cao đẹp nhất với trí tuệ chiếu rọi trong từng hành động của mình bạn nhé.

Một người bạn, một người khách hàng của tôi, vì say rượu bia quá đà, anh đã bị tai nạn, gây cho vợ con, gia đình bao nhiêu là đau khổ và gây cho bản thân anh ta nhiều tàn phá sức khỏe hiện tại. Vì đam mê cờ bạc, tôi đã thấy được những cảnh gia đình tan nát, vợ con ly tán, vì rượu vào lời ra, tôi đã thấy anh em bè bạn đánh nhau, làm mất hòa khí, không nhìn mặt nhau, biết bao nhiêu cảnh “địa ngục” được hiện bày. Trải qua cái thấy hiện hữu, sự thật như thế, để quay về với Giới luật thứ năm là Giới Không uống rượu và các chất gây nghiện của đức Phật chế ra cho người tại gia thật vi diệu. Ngài là bậc toàn giác, với cái thấy chánh niệm rõ ràng, với cái nhìn từ bi, Ngài đã dạy cho chúng ta đừng nên dính líu vào những chất gây say mê này. Vì say, vì mê chúng ta thiếu đi trí tuệ, thiếu cái nhìn hiểu và thương, có những hành động không chân chánh, từ đó gây ra bao nhiêu điều đau khổ. Đạo Phật là đạo đến để thấy, học rồi thực hành. Lời dạy của Đức Từ phụ không cao xa hay mơ mộng cao siêu, mà thực tiễn áp dụng ngay hiện tại, giúp con người quay về bản tánh trong sáng, với chân tâm vắng lặng, với Phật tánh luôn hiện hữu trong ta, là bài học, là tiếng chuông thức tỉnh cho chúng ta bừng tỉnh, quay về đường ngay nẻo chánh. Trong những trường hợp, chúng ta là những người tại gia khi giao tiếp và dùng chút ít rượu bia thì thế nào? Theo quan điểm cá nhân, Phật chế giới luật là ngăn chúng ta gây ra nhưng ác nghiệp, làm khổ đau cho chính mình và người xung quanh. Khi tiếp xúc cuộc sống hiện tại, với lối sống chánh niệm và tỉnh thức, ta có thể dùng rượu, bia trong giao tiếp, nhưng phải tỉnh táo và không bị nó làm say sưa, gây ra phiền não và tổn hại đến mình. Luôn biết rằng, uống chút ít vì giao tiếp là điều không thể tránh khỏi nhưng để rượu bia lôi kéo làm say sưa, mất tỉnh giác là lỗi tại chính bản thân mình, không thể trách ai khác. Do đó, áp dụng giới luật vào đời sống thực tại với sự tỉnh giác tròn đầy, sự hiểu biết đúng đắn bằng con mắt trí tuệ của người Phật tử chân chánh là pháp hành giới luật trọn vẹn nhất.

Thật vậy, tuổi trẻ là những hạt mầm tươi tốt, là những chồi xanh khỏe mạnh nhất, là những ngọn đuốc cần được thắp sáng và gìn giữ bằng tình thương, sự hiểu biết và trí tuệ. Đạo Phật đến với đời bằng những lời dạy, những hướng đi sáng đẹp nhất và hướng con người, nhất là các bạn trẻ sống đúng với tinh thần từ bi hỷ xả, giải thoát, là con đường chỉ đến hạnh phúc chân thật, nhưng không xa rời thực tại hằng ngày. Quy y Tam bảo và giữ gìn năm giới là chiếc la bàn, là tấm bản đồ giúp chúng ta không đi lệch hướng, đi đúng chánh pháp trên nấc thang giải thoát khỏi đau khổ và luân hồi sinh tử, giúp người trẻ sống đúng, sống có mục tiêu với tinh thần phụng sự cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đạo và đời không xa rời nhau, học Đạo để sống tốt trong đời và từ đời để thấy, hiểu, giác ngộ khỏi sanh tử phiền não và ngày càng hiểu đạo để cố gắng tinh tấn hơn trên con đường đi tìm chân lý giải thoát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6116448