Tin tức

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT - CHI HỘI KIÊN GIANG

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT -

CHI HỘI KIÊN GIANG

 

THÍCH NỮ HUỆ PHÁT

 

Có thể nói, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là một Phật tử thuần thành; người có công lớn đóng góp nhiều cho Hội Phật Học Nam Việt bấy giờ. Tầm ảnh hưởng đó đã lan tỏa rộng khắp, cụ thể là sự ra đời của Chi hội Phật học Nam Việt tỉnh Kiên Giang.

Cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam bị tác động bởi những cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp khiến cho cuộc sống người dân vô cùng tăm tối và đất nước Việt Nam đang đứng trước bờ vực thẳm với một thực tại xã hội đầy rẫy những bất công. Phật giáo Việt Nam rơi vào tình trạng suy yếu. Đứng trước tình hình đó, Phật giáo Việt Nam đã phát động phong trào chấn hưng. Cụ thể là ở miền Nam - nơi khởi đầu việc chấn hưng mạnh mẽ nhất, kế đến là miền Trung và lan rộng ra miền Bắc. Nhờ đó mà Phật giáo Việt Nam từng bước được phục hồi trên nhiều phương diện: giáo dục, văn hóa nghi lễ, trùng tu xây dựng chùa chiền, tạo dựng được uy thế trở lại và được quần chúng tin tưởng hơn.

Trên đà phát triển đó vào năm 1950, Hội Phật học Nam Việt ra đời đã góp một phần không nhỏ trong việc xây dựng một nền Phật học vững chắc, cổ xuý phong trào tu học hoằng dương chánh pháp đầy đủ Bi - Trí - Dũng. Hội Phật học Nam Việt đã kiến tạo được ngôi chùa Xá Lợi (Phật học Xá Lợi) - một di sản văn hóa Phật giáo của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Đây là trụ sở đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ Phật giáo năm 1963, cùng với y ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm - chế độ kỳ thị tôn giáo thời bấy giờ. Tuy nhiên, thời gian trôi qua khiến cho nhiều việc chìm dần trong quên lãng. Thế nhưng, những dấu ấn của Hội Phật học Nam Việt không thể phai mờ trong trang sử Phật giáo nước nhà, trong đó không thể không nhắc đến Hội Phật học Nam Việt chi hội tỉnh Kiên Giang.

Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền với Hội Phật học Nam Việt

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, nhất là sau khi trải qua nhiều biến động chính trị của nước nhà, tại miền Nam bất đầu mở ra nhiều Phật học đường do các bậc tôn túc đảm trách như: Phật học đường Phật Quang tại Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ do Hòa thượng Thiện Hoa thành lập; Phật học đường Liên Hải ở Thủ Đức - Sài Gòn do Hòa thượng Trí Tịnh và Quảng Minh thành lập; Phật học đường Mai Sơn và Sùng Đức do Hòa Thượng Thích Huyền Dung sáng lập; trong số đó có Hòa thượng Thích Trí Hữu từ Hội Phật học Đà Thành ở Đà Nẵng vào lập Phật học đường Ứng Quang tại chùa Ấn Quang TP.HCM hiện nay. Những Phật học đường này là tiền thân của Phật học đường Nam Việt mở ra ở chùa Ấn Quang và được quy về một mối sau thời gian vận động của Hòa thượng Thiện Hòa.

Bên cạnh Phật học đường Nam Việt còn có Hội Phật học Nam Việt trụ sở đặt tại chùa Xá Lợi: Hi Phật học Nam Việt được thành lập ngày 19-9-1950 tại Sài Gòn, là đoàn thể nam nữ cư sĩ Phật học ở miền Nam Việt Nam tổ chức có hệ thống rõ ràng, có điều lệ nội quy được chính quyền lúc bấy giờ công nhận về mặt pháp lý để hoạt động và kết hợp bước đầu một số Phật tử cả xuất gia lẫn tại gia nam nữ1.

Đến đầu năm 1951, Hội Phật học Nam Việt mới chính thức hoạt động với mục đích đoàn kết các Phật tử xuất gia và tại gia. Hội dùng mọi phương tiện để truyền bá và thực hành Phật pháp về hai mặt giáo lý và từ thiện. Vị Hội trưởng đầu tiên của Hội là Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe cùng với sự cộng tác đắc lực của các vị danh tăng: Quảng Minh, Quảng Liên, Thiện Hòa, Huyền Dung. Đặc biệt với sự cộng tác của cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền - người kế thừa vị trí Hội trưởng của Hội Phật học Nam Việt sau này và một số cư sĩ có kiến thức Phật học và đạo tâm khác. Hội tổ chức rất nhiều buổi diễn giảng Phật pháp được hàng ngũ Phật tử tham gia và nhiệt tâm ủng hộ.

Với chủ trương đạo và đời luôn song hành hỗ tương cho nhau; dù là xuất gia hay tại gia đều là đệ tử của đức Phật, nên phải đoàn kết đùm bọc lẫn nhau, bởi không ngoài mục đích - tu học và thực hành triết lý thâm sâu của đạo Phật.

Hội đã tổ chức những buổi diễn giảng giáo lý với những đề tài Phật học phổ thông vào mỗi sáng chủ nhật và sau buổi lễ Phật Tịnh độ. Nhìn chung, các buổi giảng thuyết đều khế hợp với trình độ của đại đa số thính chúng. Tuy nhiên, đối với hàng trí thức, thì Hội có những buổi luận đạo cao hơn vào mỗi tối thứ Năm như: kinh Pháp Bảo Đàn - một trong những bộ kinh quý báu của Thiền tông, cùng với những bộ kinh Đại thừa như: Diệu Pháp Liên Hoa, Địa Tạng, Vô Lượng Thọ, Bát Nhã Tâm Kinh... nên tầng lớp nào cũng có thể thọ lãnh giáo pháp của đạo Phật. Ban diễn giảng lúc đầu gồm có các Hòa thượng Quảng Minh, Quảng Liên, Thiện Hòa, Huyền Dung, Thiện Hoa; sau này có thêm cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền - người thường xuyên diễn giảng nhất lúc bấy giờ, cùng với sự góp công của những vị như Nhuận Chưởng, Tống Hồ Cầm...

Hội Phật học Nam Việt phát triển rất đều đặn: trước năm 1975, hội có 40 Tỉnh hội và Chi hội. Riêng hội Trung ương tại Sài Gòn có trên 6.000 hội viên, một số khác là cảm tình viên. Tất cả gần 10.000 hội viên. Về tổ chức, hội có một số tiểu ban như Hoằng pháp, Hộ niệm, Dược sư, Từ thiện xã hội..., có phòng phát thuốc miễn phí, có nghĩa trang ở Bà Quẹo, có thư viện tại chùa Xá Lợi với gần 3.000 quyển sách bằng tiêng Việt, Anh, Pháp2. Hội xuất bản tạp chí “Từ Quang” làm cơ quan thông tri Phật sự, tòa soạn đặt tại chùa Xá Lợi, do chính đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền chủ nhiệm và hoạt động, phát triển cho tới năm 1975.

Để truyền bá giáo lý Phật đà và chuyển tải thông tin hoạt động Phật sự của Hội Phật học Nam Việt, đạo hữu Chánh Trí đã chủ trương thành lập tạp chí Từ Quang, đồng thời làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Số báo đầu tiên phát hành vào năm 1951, đến ngày đạo hữu mất, đã ra được 242 số, đến cuối năm 1974 thì tạp chí Từ Quang đình bản. Tờ Từ Quang hoạt động 23 năm là một tờ báo Phật giáo có nhiều độc giả và có tuổi thọ lâu nhất. Tạp chí Từ Quang là một đóng góp không nhỏ của đạo hữu Chánh Trí trong việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Đích thân đạo hữu viết thường xuyên trên tạp chí này và phê bình thẳng thắn những tệ xấu trong Phật tử như tục đốt vàng mã, mê tín dị đoan… Để tiếp nối ngọn đuốc sáng đó, sau này chùa Xá Lợi đã tiếp tục cho ra đời tạp chí mang tên Từ Quang - tờ báo rạng ngời một thuở trong quá khứ. Cho đến nay, tạp chí này vẫn luôn được các tác giả cũng như các độc giả lưu tâm đến.

Hội Phật học Nam Việt đã kiến tạo được ngôi chùa Xá Lợi hoành tráng và khá đẹp; một công trình kiến trúc mới mẻ nhưng vẫn mang một màu sắc cổ kính trang nghiêm rất thích hợp với phong trào canh tân Phật giáo. Đây là ngôi chùa được chọn làm trụ sở trong cuộc tranh đấu của tín đồ Phật giáo năm 1963; Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và dĩ nhiên đã trở thành ngôi chùa lịch sử.

Hi Phật học Nam Việt - Chi hội Kiên Giang

Thừa hưởng luồng sinh khí từ Hội Phật học Nam Việt tại chùa Xá Lợi - Sài Gòn.  Năm 1955 hai Thượng tọa Thích Thanh Từ và Thích Huyền Vi từ Sài Gòn về Rạch Giá mở một lớp Phật học phổ thông cho giới cư sĩ Phật tử trí thức tại đây. Sau đó, một số trí thức Phật tử vận động thành lập hội Phật học Nam Việt, chi hội Kiên Giang, lấy chùa Tam Bảo (Rạch Giá) làm trụ sở. Hội trưởng niên khóa I là ông Lê Hữu Thẩm, chánh lục sự tòa án tỉnh Kiên Giang3. Các thành viên của Hội phần nhiều thuộc công chức nhà nước - tầng lớp trí thức. Mỗi tuần vào ngày chủ nhật, hoặc ngày rằm hay các ngày lễ lớn của Phật giáo, các hội viên thường tụ tập để sinh hoạt Phật pháp. Hội mở lớp học Phật và thường thỉnh quý Sư về giảng Pháp. Chi hội Kiên Giang tổ chức khá ổn định và phù hợp với nhiều thính chúng lúc bấy giờ. Trong không khí hân hoan của người Phật tử được tưới tẩm bởi những dòng sữa Pháp mà từ đó mọi sinh hoạt trong chùa bắt đầu được khởi sắc với một luồng khí mới mẻ, đầy năng lượng sinh động.

Hội Phật học Nam Việt tỉnh Kiên Giang hoạt động mạnh từ năm 1955 đến 1968, tuy nhiên, sau đó Hội không còn được quần chúng nhiệt tâm ủng hộ nữa. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là Hội Phật học Nam Việt đã tách ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Kế đến là các thành viên trong Hội đại đa số là công chức nhà nước - tầng lớp trí thức, nên quần chúng lao động ít tham gia. Từ năm 1964, sau khi Phật giáo thống nhất các hệ phái, quần chúng quy tụ về với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Từ đó, Hội Phật học chỉ còn thu hẹp lại với số ít người trí thức hưởng ứng. Đến khi cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền mất vào năm 1973, Hội Phật học Nam Việt càng lâm vào tình trạng co cụm trong mọi hoạt động, như vậy Hội không đủ sức để trở lại như trước, dẫn đến kết quả tất yếu là Hội ngưng hoạt động hẳn sau năm 1981.

Mặc dù Hội Phật học Nam Việt tồn tại không quá lâu (1951 - 1973), nhưng 22 năm hoạt động cũng không phải là thời gian quá ngắn. Vì thế, những ảnh hưởng của Hội đối với tín đồ Phật giáo ở Kiên Giang phải công nhận là rất lớn. Riêng đối với lịch sử chùa Tam Bảo, thì chính Hội Phật học Nam Việt đã có công không nhỏ trong việc khôi phục lại chánh pháp lúc bấy giờ. Hội Phật học Nam Việt là chiếc cầu đưa ngôi chùa lịch sử này bước vào bối cảnh Phật giáo hiện đại, không hổ danh với quá khứ huy hoàng, với nhiều dấu ấn nhân vật Phật giáo và nhiều sự kiện quan trọng từng diễn ra.

Gia đình Phật tử Chánh Quang - đơn vị đầu tiên ra đời tại Rạch Giá năm 1956: Mùa Hạ năm 1956, hai vị giảng sư thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt là quý Thầy Thích Thanh Từ và Thích Huyền Vi đến tỉnh lỵ Rạch Giá (Kiên Giang) công tác Phật sự và mở khóa thuyết giảng giáo lý tại chùa Sắc tứ Tam Bảo, trụ sở chi hội Phật học Nam Việt tỉnh Kiên Giang4. Trong thời gian này có đông đảo quý đạo hữu trong chi hội Phật học tỉnh Kiên Giang cùng cận sự nam, cận sự nữ đến nghe pháp. Nhân buổi thuyết giảng, hai vị thượng tọa có trình bày về mục đích, đường lối hoạt động và lợi ích của việc tổ chức Gia đình Phật tử - một tổ chức giáo dục thanh, thiếu niên của Phật giáo Việt Nam, cho toàn bộ thính chúng hiểu rõ. Dưới sự bảo trợ của Hội Phật học Nam Việt, quý Thầy vận động các đạo hữu trong chi hội thành lập đơn vị Gia đình Phật tử đầu tiên tại Kiên Giang lấy tên Chánh Quang, đặt đoàn quán tại chùa Sắc tứ Tam Bảo (Rạch Giá).

Vào ngày vía Phật thành đạo năm đó, cư sĩ Tống Hồ Cầm - Trưởng ban Ban hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử Nam Việt về Rạch Giá đọc quyết định chính thức công nhận Gia đình Phật tử Chánh Quang sinh hoạt dưới sự bảo trợ của Chi hội Phật học Rạch Giá.

Gia trưởng đầu tiên của Gia đình Phật tử Chánh Quang là cư sĩ Lê Hữu Thẩm, Chi Hội trưởng Chi Hội Phật học Rạch Giá. Liên đoàn trưởng đầu tiên là cư sĩ Lâm Võ Hộ. Ban huynh trưởng lúc đầu gồm có các anh chị: Nguyễn Văn Hồng, Lê Hữu Khoa, Lý Thị Quyên, Lê Thị Chấn Thế…

Đơn vị thứ hai, Gia đình Phật tử Chánh Từ ra đời tại Hà Tiên năm 1959: Ba năm sau khi thành lập Gia đình Phật tử Chánh Quang, thầy Thanh Từ và Huyền Vi tiếp tục thành lập Gia đình Phật tử Chánh Từ tại chùa Sắc tứ Tam Bảo, thị trấn Hà Tiên, huyện Hà Tiên (Kiên Giang) vào ngày 19/2/1959. Vị gia trưởng đầu tiên là cư sĩ Diệu Trưởng Phạm Thị Bé. Ban huynh trưởng còn có anh Minh Kim Lâm Văn Núi (liên đoàn trưởng), chị Diệu Không (đoàn trưởng Thiếu nữ)…5

Đơn vị thứ ba, Gia đình Phật tử Kiên Thệ ra đời năm 1962 tại Tân Hiệp, được thành lập vào ngày Phật đản PL.2506 – DL.1962 do Đại đức Thích Thiện Hiếu, trụ trì chùa Kiên Tân, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) và Đại đức Thích Thiện Uẩn làm cố vấn giáo hạnh. Gia trưởng đầu tiên là cư sĩ Trần Tự Ảnh, pháp danh Minh Chiếu, anh Minh Quang - Trần Hữu Vinh làm liên đoàn trưởng nam. Chị Diệu Huệ - Võ Kim Hoe làm liên đoàn trưởng nữ. Ban huynh trưởng còn có các anh chị: Tâm Hòa - Trần Thanh My, Minh Đài - Trần Đại Phúc, Diệu Thủy - Lê Ngọc Tuyết, Diệu Mỹ - Lê Thị Hảo, Thiện Giác - Lê Văn Hạnh, Minh Huệ - Phạm Văn Định, Diệu Châu - Võ Kim Quới, Diệu Ánh - Nguyễn Thị Phương, Như Thủy - Dương Thị Phén, Diệu Hương - Nguyễn Thị Hoa.

Như vậy, tại Kiên Giang trước năm 1975 có tất cả 3 đơn vị Gia đình Phật tử được thành lập và hoạt động dưới sự bảo trợ của Hội Phật học Nam Việt tỉnh Kiên Giang. Trong giai đoạn này, sinh hoạt Gia đình Phật tử Kiên Giang có những đặc điểm sau:

- Trước năm 1964, Gia đình Phật tử được khai sinh và bảo trợ bởi Hội Phật học Nam Việt chi hội Kiên Giang. Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời (1964) thì Gia đình Phật tử quy tụ về sinh hoạt trong lòng Giáo hội.

- Đại đa số các đoàn viên của Gia đình Phật tử là học sinh, giáo viên, công chức,... chỉ có một số rất ít người trong giới doanh thương, công nhân và nông dân tham gia hưởng ứng.

- Gia đình Phật tử là một tổ chức thanh thiếu đồng niên hoạt động có chất lượng nhất trong phong trào sinh hoạt thanh thiếu niên của tỉnh Kiên Giang bao gồm: Gia đình Phật tử, Hướng đạo Phật tử, Học sinh Phật tử, Hướng đạo Quân đội, Hướng đạo Việt Nam,... Mùa hè năm 1974, hội trại thanh thiếu niên do Ty Thanh Niên tỉnh Kiên Giang tổ chức, đã hội tụ tất cả các đoàn thể nêu trên. Trong đó Gia đình Phật tử đã đoạt được 12/13 giải nhất của ban tổ chức trại đặt ra. Đây quả là một thành công không nhỏ của việc thành lập Gia đình Phật tử.

Qua đó cho thấy việc học Phật là một điều không thể thiếu đối với các tín đồ Phật tử nói riêng và cho cộng đồng người dân  nói chung muốn có chỗ an trú để quay về sau những cơn bão tố của tâm hồn. Nhận rõ tầm quan trọng đó, nên hai vị Thượng tọa Thích Thanh Từ và Huyền Vi đã đem luồng sinh khí mới từ Sài Gòn về vùng Rạch Giá, Hà Tiên tỉnh Kiên Giang chỉ với tâm nguyện truyền bá chánh pháp đến với quần chúng. Vì đây cũng là mắc xích quan trọng để giữ vững đạo pháp và dân tộc.

Kết luận

Tóm lại, Hội Phật học Nam Việt chỉ tồn tại trong mấy mươi năm, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như hoằng pháp, giáo dục, y tế, an sinh xã hội đóng góp cho cộng đồng. Với tinh thần xiển dương chánh pháp đem đạo vào đời, Hội Phật học Nam Việt phục hưng lại chân lý nhiệm mầu của đức Phật, đem lại lợi ích cho mọi giới trong xã hội. Sức sống mạnh mẽ của Hội lan tỏa đến khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Chi hội Hội Phật học Nam Việt Kiên Giang đã xây dựng một phong trào học Phật tích cực trong quần chúng nhân dân. Mỗi tuần vào ngày chủ nhật và các ngày lễ lớn, các hội viên đều tụ họp lại học hỏi kinh luật, ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống xã hội, gieo hạt giống thiện pháp vào trong tâm thức mỗi người, đem lại an lạc, hòa bình, thạnh trị. Đặc biệt, với sự ra đời của tổ chức Gia đình Phật tử giáo dục thanh thiếu niên theo đạo đức Phật giáo, đặt nền móng cho tổ chức Gia đình Phật tử hiện nay. Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 12 Gia đình Phật tử sinh hoạt ở các đạo tràng, trong đó có 79 Huynh trưởng và 486 đoàn sinh. Hội Phật học Nam Việt chi hội Kiên Giang mặc dù đã không còn trên danh nghĩa, nhưng sức sống ấy vẫn được Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang kế thừa và phát huy năng động, đã có công đóng góp nhiều cho đạo pháp và dân tộc ngày nay. 

 


1. Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh (2002), Hội thảo khoa học 300 Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.196.

2. Trần Hồng Liên chủ biên (2016), Pht giáo ở Bình Dương: Hiện trạng và lịch sử, Nxb. Phương Đông,Hà Nội, tr.120.

3. Thích Thiện Chí, Trần Văn Chương, Lch sử văn hóa chùa Tam Bảo (Tp. Rạch Giá), Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang ấn hành, tr.80-81.

4. Biên niên sử Gia đình Phật tử Kiên Giang, https://gdptkiengiang.vn

5. Biên niên sử Gia đình Phật tử Kiên Giang, https://gdptkiengiang.vn

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP.HCM.

2. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh (2002), Kỷ yếu hội thảo 300 năm Gia Định - Sài Gòn -Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP.HCM.

3. Thích Đồng Bổn, Lch sử chùa Xá Lợi văn hóa và truyền thống, www.chuaxaloi.vn, Ngày 26 tháng 08 năm Tân Tỵ - 2001.

4. Thích Giác Phước chủ biên (2002), Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang, Nxb TP.HCM.

5. Thích Thiện Chí (2012), Lch sử văn hóa chùa Tam Bảo TP. Rạch Giá, Ban Văn hóa Phật giáo Kiên Giang ấn hành.

6. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, GHPGVNTN và Viện Hóa Đạo xuất bản, Sài Gòn.

7. Trần Hồng Liên chủ biên (2016), Pht giáo ở Bình Dương: Hiện trạng và lịch sử, Nxb. Phương Đông, Hà Nội.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6782449