Vai trò của Phật giáo trong việc giáo dục đạo đức của trẻ em
VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO
TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CỦA TRẺ EM
TRONG GIA ĐÌNH NÔNG THÔN Ở THÁI BÌNH HIỆN NAY
PHẠM THỊ CHUYỀN
Một trong những lý do để một tôn giáo tồn tại là cộng đồng luân lý với những chuẩn mực giá trị của nó, trong đó có giá trị đạo đức. Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tồn tại và phát triển chan hòa với nhiều tầng lớp trong xã hội, trải qua nhiều thăng trầm của những triều đại phong kiến, cho đến tận hôm nay chưa hề bị gián đoạn. Điều đó chắc hẳn do Phật giáo đã có những giá trị phù hợp hoặc thống nhất với những giá trị truyền thống của người dân Việt Nam trong lịch sử và hiện tại.
Hiện nay, ở Thái Bình cũng giống như ở các vùng Hải Dương, Hà Tây, Bắc Ninh..., Phật giáo đã có những ảnh hưởng với nhiều chiều kích đến đời sống văn hóa, trong đó có giáo dục đạo đức truyền thống cho lớp trẻ, đặc biệt là trẻ em trong các gia đình ở nông thôn.
Chúng tôi sử dụng phương pháp quan sát, phỏng vấn và phân tích những hiện tượng, những hoạt động, những đặc điểm của trẻ em nông thôn ở xã An Vũ huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình để làm rõ vấn đề: Phật giáo thực sự có những đóng góp trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em trong gia đình ở đây hay không? Vì sao có được những đóng góp đó? Những đóng góp đó là gì?
1. Khái lược những giá trị của Phật giáo tương hợp với nội dung giáo dục đạo đức cho trẻ em trong gia đình nông thôn Thái Bình
Nền tảng tư tưởng của Phật giáo bao gồm ba chân đế: Duyên khởi, tứ diệu đế và bát chánh đạo. Duyên khởi là nói lên mọi sự vật, hiện tượng trong giới tự nhiên, trong xã hội con người đều theo quy luật duyên khởi mà sinh thành và tồn tại. Những giáo lý nghiệp nhân quả báo của Phật giáo cho ta thấy, mọi sự vật, hiện tượng không thể xảy ra nếu không có nguyên nhân, và bản thân chúng lại là nguyên nhân của sự vật, hiện tượng khác. Trong xã hội con người cũng vậy, con người cần phải tôn trọng sự “nương tựa”. Điều này tương hợp với truyền thống đạo lý của nhân dân ta, đó là sự đoàn kết, nhất trí để chống lại thiên tai, địch họa để sinh tồn, độc lập và phát triển. Truyền thống này đã được chuyển tải thành các câu ca dao, tục ngữ như “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, và đến với trẻ em qua lời ru của mẹ.
Trong Tứ diệu đế (bốn chân lí, hay còn gọi là Tứ thánh đế) có “Khổ đế” nói về việc xung quanh con người luôn có những điều không như ý xảy ra. Những điều không như ý đã, đang và sẽ khiến con người phải suy nghĩ và lo lắng, khiến con người mệt mỏi và bi quan. Con người muốn sống vui sống khỏe thì cần phải “giải thoát” chính mình khỏi những trói buộc, kìm hãm của những điều bất như ý đó. Điều này tương hợp với nội dung giáo dục cho trẻ em về sự mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam từ xa xưa [1]. Trong Bát chánh đạo (Tám con đường thoát khỏi những lo lắng, bất an) có đạo “chính ngữ” (nói đúng), tức là nói đúng sự thực, không nói dối, không nói phù phiếm. Khi nói đúng thì không phải lo lắng, không sợ người nghe phát hiện mình nói dối, nói phù phiếm. Điều này rất tương hợp với nội dung cơ bản trong giáo dục cách ăn nói cho trẻ em ở nông thôn Việt Nam. Tiến cao thêm một bước nữa, để giải thoát con người khỏi khổ với những điều bất như ý xảy ra xung quanh, Phật giáo chủ trương từ bi, hỷ xả, khoan dung. Những con đường này khiến cho người với người cố gắng hiểu nhau, thử đặt mình vào vị trí của đối phương, tìm cách thấu hiểu, và từ thấu hiểu đi tới dễ dàng tha thứ cho nhau, yêu thương, gần gũi nhau. Những hạnh từ bi, hỷ xả, khoan dung của Phật giáo phù hợp với nội dung giáo dục cho trẻ em lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại, và rộng hơn nữa là yêu quê hương, yêu đất nước.[2]
CLB thanh thiếu niên Phật tử chùa Phúc Minh (thôn La Nguyễn, Minh Quang, Vũ Thư, Thái Bình)
tổ chức lễ đệ tứ chu niên
Đặc biệt, Phật giáo coi trọng “hiếu đạo”. Hiếu đạo hiểu theo nghĩa hẹp là đạo của người làm con hiếu kính với cha mẹ của mình, tổ tiên của mình, hiểu theo nghĩa rộng là đạo của một con người phải biết hiếu kính không chỉ với tổ tiên mà còn với những người lớn tuổi hơn mình, với tổ tiên của quốc gia hay còn gọi là tổ quốc. Hiếu đạo hoàn toàn phù hợp với truyền thống giáo dục “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Việt Nam. Nhờ đó, những truyền thống tốt đẹp được thiết lập, tình yêu, tình đoàn kết được tạo tựu, tạo nên khối đoàn kết của người dân Việt Nam trong lịch sử.
2. Phương thức giáo dục đạo đức Phật giáo cho trẻ em trong gia đình nông thôn ở Thái Bình
Trong các gia đình nông thôn ở Thái Bình thường có nhiều thế hệ sống chung: ông bà, cha mẹ và con cái (tam đại đồng đường); cụ, ông bà, cha mẹ và con cái (tứ đại đồng đường). Do đó, tính chất truyền thống trong gia đình khá nổi trội. Nếu như việc giáo dục đạo đức cho trẻ em trong các gia đình thành phố chủ yếu là việc của cha mẹ, thì trong các gia đình nông thôn ở Thái Bình việc này không chỉ là việc của cha mẹ trẻ em. Thực tế cho thấy vai trò của các cụ và ông bà trong các gia đình nông thôn trong giáo dục rất lớn, đặc biệt là giáo dục cho trẻ em những nội dung đạo đức.
Hiện nay, ở nông thôn Thái Bình, chùa Phật phần nhiều là chùa theo hệ phái Tịnh độ tông. Người dân nơi đây đến chùa đi lễ Phật tụng Kinh là chủ yếu. Họ đến lễ chùa với niềm tin mãnh liệt rằng, chư Phật, chư Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng giám cho họ, độ cho họ, xá tội cho họ. Trong số những người đi chùa, phần nhiều vẫn là những người lớn tuổi, từ 45-50 tuổi trở lên. Lớp người này dù đi chùa thường xuyên hay không, đều đã được thấm những giá trị đạo đức của Phật giáo. Họ thường là những người cụ, người ông, người bà mang theo giá trị đó truyền dạy cho con cháu, có khi qua những câu chuyện, có khi là sự răn dạy trực tiếp đến trẻ em. Thường thì phương thức này phát huy hiệu quả khá tốt. Nhiều trẻ em được hỏi đều trả lời rằng, chúng được nghe những câu chuyện về đức Phật, những lời tốt đẹp của đức Phật từ cụ, ông hay bà của chúng.
Nhưng vậy, không có nghĩa cha mẹ không có vai trò trong việc truyền dạy những giá trị đạo đức Phật giáo đến con trẻ. Thực tế, các bậc cha mẹ đã từng là trẻ em trong gia đình thế hệ trước đó, ít nhiều được giáo dục những giá trị đạo đức Phật giáo từ ông bà của họ. Cho nên, trong những điều họ dạy con trẻ hôm nay đã có những giá trị đạo đức của Phật giáo. Họ gián tiếp truyền tải những giá trị đạo đức Phật giáo cho con em mình.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ thiếu niên Phật tử chùa Hoằng Văn
(thôn Hoành Từ, Đông Cường, Đông Hưng, Thái Bình)
Vì yếu tố Tịnh độ trong các chùa ở miền quê Thái Bình hiện nay nổi trội hơn, cho nên người ta chú trọng việc tụng kinh, niệm Phật, không chú trọng việc tổ chức giảng pháp (giáo lý nhà Phật) cho các Phật tử. Phật tử ở độ tuổi từ 40-50 trở lên rất ít tham gia những lớp giáo lý. Vài ba năm trở lại đây, hiếm khi thấy những lớp giảng pháp ở vùng quê này, đặc biệt không có những lớp giảng pháp riêng cho trẻ em. Do vậy, phương thức giáo dục giá trị đạo đức Phật giáo trực tiếp từ các nhà sư cho trẻ em ở nông thôn Thái Bình rất hạn chế.
Do vậy, có thể tạm thời nhận định rằng, trẻ em trong các gia đình nông thôn ở Thái Bình được giáo dục những giá trị đạo đức Phật giáo không phải trực tiếp từ các nhà sư, mà chủ yếu được giáo dục gián tiếp qua lời kể, lời dạy của các cụ, ông bà và cha mẹ của chúng.
Những giá trị đạo đức của Phật giáo đã hòa quyện trong những nội dung giáo dục đạo đức truyền thống của người dân nông thôn ở Thái Bình, tạo nên nguồn mạch chảy ngầm theo các thế hệ từ ông bà đến cha mẹ đến con cái. Trong điều kiện văn hóa mới, văn hóa ngoại lai ngày càng xâm nhập vào những vùng nông thôn ở Thái Bình vừa tạo nên những tích cực vừa mang theo những tiêu cực và tệ nạn thì những giá trị đạo đức của Phật giáo càng trở nên quan trọng và có vai trò điều chỉnh đạo đức, lối sống của thanh thiếu niên, trong đó có trẻ em.
Giáo lý Phật giáo đã cung cấp cho truyền thống giáo dục đạo đức của người dân nông thôn Thái Bình những nội dung giáo dục đạo đức tốt đẹp rất gần với truyền thống của nhân dân ta, góp phần giữ gìn truyền thống và hạn chế những tiêu cực trong đạo đức của trẻ em./.
[1] Xem thêm Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV, Tứ diệu đế: Nền tảng những lời Phật dạy; Dịch Anh ngữ: Geshe Thupten Jinpa; Hiệu chỉnh: Dominique Side; Dịch Việt ngữ: Võ Quang Nhân; Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến. – NXB Tôn giáo, 2012.
[2] Xem thêm Vương Thị Minh Tâm; Elise A.DeVido Ph.D, dịch Nhân cách con người trong triết lý Bát chánh đạo Phật giáo = Self-development through the Eightfold path, NXB: Tôn giáo, 2006.
Bình luận bài viết