Tin tức

Về chùa

VỀ CHÙA

QUẢNG NGUYỆN

 Văn chung thinh, phiền não khinh

Trí huệ trưởng, Bồ đề sanh

Ly địa ngục, xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật, độ chúng sanh

 

Án, già đế dạ ta bà ha....

Bây giờ là cuối buổi chiều, một buổi chiều mùa hạ, vạt nắng cuối ngày sắp tàn theo bóng chiều dần xuống. Minh ngồi  nơi thềm chùa thấy lòng thanh thản, yên bình, một mình cảm nhận mọi thanh âm, hương sắc của buổi chiều nơi ngôi chùa nhỏ vùng quê. Chùa cách xa đường lộ, qua những khu dân cư, những cánh đồng lúa; chùa cũng nằm giữa những cánh đồng lúa mênh mông, con đường lớn trước mặt chùa là đường nhựa, còn dẫn vào chùa vẫn  là đường đất, hơi chút quanh co, vậy mà Minh lại thấy dễ thương.  Chùa vốn là nơi yên tịnh, trang nghiêm vì thế ở vị thế này càng thanh tịnh hơn. Sắp đến giờ thỉnh chuông, Minh ngó chiều rơi, mong mỏi được nghe tiếng chuông chùa, nghe bài kệ thỉnh chuông trong sắc hoàng hôn. Mẹ nói, ngay từ nhỏ, Minh đã thích nghe tiếng  chuông chùa đổ. Mỗi lần dẫn lên chùa, nghe tiếng đại hồng chung ngân vang, Minh đều hơi nghiêng cái đầu nhỏ nhắn lắng nghe, dáng vẻ thành tâm như người lớn.

 

Sư bà trụ trì chùa là người miền Trung, tính tình hiền hòa nhưng nghiêm khắc, cũng đã lâu ít gặp nên Minh cảm thấy e dè, thậm chí hơi ngần ngại khi lần đầu gặp lại. Sư bà xuất gia từ nhỏ, đã nhiều năm nơi cửa Phật nên phong thái luôn khoan hòa, tự tại. Mỗi lần tiếp xúc, Minh luôn cảm nhận được sự quan tâm của sư bà dẫu rằng người rất kiệm lời.    

Minh ở thành phố, cuộc sống, công việc nơi đô thị khiến Minh cảm thấy stress. Lúc nào Minh cũng thấy mình vội vàng trong sinh hoạt: Vội vàng ăn uống, vội vàng đi làm, đi học, vội vàng gặp gỡ,...  sự vội vàng đã là thói quen không mời mà âm thầm đến tự bao giờ. Cho đến một hôm, đứa trẻ nhà hàng xóm kêu lên: “Cô ơi sao lúc nào con cũng thấy cô bận rộn hết á. Lần nào gặp con, cô cũng xoa đầu, cho kẹo, nói có vài ba câu rồi lên xe, chạy miết!”. Minh nghe chợt thấy giật mình, đứng sững lại, gói kẹo trong tay muốn rớt (Minh hay có kẹo trong túi xách, phòng khi đói chưa kịp ăn thì ngậm kẹo cho đỡ mệt). Hai chữ chạy miết nói ra vô tư từ cửa miệng của thằng bé bảy tuổi làm Minh suy nghĩ. Và, Minh chợt cảm thấy mệt, thấy hụt hơi, thấy tủi thân quá đỗi! Một thân một mình nơi đô hội, Minh đã phải làm việc nhiều, dấn thân nhiều để có một công việc, một chỗ đứng, vậy mà đôi khi Minh tự nhủ không biết trụ vững đến bao giờ. Bởi, chung quanh mình, Minh đã thấy nhiều thay đổi đến thật bật ngờ ngoài sự toan tính của con người.

Sau câu nói của nhóc tì hàng xóm dễ thương, Minh cố gắng nhủ thầm hãy bớt vội vàng, phải tập từ tốn trong mọi việc. Vài hôm sau, buổi tối, nằm suy nghĩ, Minh quyết định xin nghỉ làm một tháng, nhưng chỉ được duyệt hai tuần. Thu xếp công việc xong, Minh gọi điện về nhà, nhờ mẹ xin sư bà mà gia đình Minh quy y  cho về chùa ở một thời gian để thay đổi môi trường sống của mình. Thi vị một chút là để dọn lại mảnh vườn tâm nhiều cỏ dại. Nên chi, giờ này Minh mới thư thả mà ngắm chiều buông nơi thôn dã, lắng nghe cảm xúc mình lên tiếng. Ngôi chùa này, thưở ấu thơ và cả thời niên thiếu, Minh vẫn thường theo mẹ lên chùa vào những ngày rằm, ngày lễ  nên với Minh không phải là nơi xa lạ.

 Buổi chiều không có tiếng lách cách của âm thanh bàn phím, không có tiếng xe cộ, tiếng than thở của nhỏ bạn vì ngồi ngay hướng máy lạnh phả ra làm nhỏ đôi khi lạnh cóng, những âm thanh quen thuộc đến độ Minh không cảm thấy chúng hiện hữu. Cái không gian tuy không nhỏ hẹp nhưng thiếu nắng gió thiên nhiên mà mỗi khi nhìn lên Minh chỉ thấy cặp kính trễ nại trên khuôn mặt sếp, đằng sau là bức tường quét sơn nước màu xanh nhạt với những tủ hồ sơ cao ngất. Và còn nhiều điều linh tinh khác nữa của công việc, của đời sống mà con người nơi phố thị nếm trải. Chút này chút nọ nên Minh mệt, tự mình hóa giải mà vẫn thấy stress, nên Minh về chùa để tìm lại sự an ổn cho mình, để thấy lại trời chiều thênh thang, xanh ngát, để hít thở  hương thơm của đất trời.   

Ở chùa một tuần, Minh thấy dần quen, không cảm thấy áp lực nhiều. Minh cảm thấy mình sống chậm lại nhưng mà thi vị, không buồn như Minh nghĩ lúc đầu, thậm chí còn thấy vui vì sự hồn nhiên, hiền hòa của các ni sư, các điệu trong chùa. 

Buổi sáng, Minh cũng thức dậy sớm, lên chánh điện dự thời công phu khuya. Buổi tối, lúc 7g lại cùng Phật tử tụng kinh Pháp Hoa.Tối qua, Minh không tụng mà ngồi xếp bằng nơi hiên chùa lắng nghe tiếng kinh tụng theo nhịp mõ đều đặn - “... Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ làm Phật...”, phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát thứ hai mươi. Dạo còn đi học , Minh cũng thường tụng Pháp Hoa, cứ đến phẩm này là Minh lại thấy lòng dạ nao nao, khó tả với cảm xúc riêng mình. Cái ngày thành Phật, Minh chưa dám mơ tới vì với Minh sao mà xa xôi quá, siêu việt quá. Thôi thì, Minh cứ cố gắng giữ gìn năm giới mà sửa đổi tâm tánh của mình như lời sư phụ dạy, như lời mẹ dặn dò mỗi khi Minh về nhà. Minh vẫn nhớ sư phụ bảo năm giới là nhân lành để làm người, mà cõi người thì dễ tu hơn là cõi trời vốn có nhiều dục lạc  khiến mình sinh tâm hưởng thụ mà quên việc tu hành.     

Khuya đó, đi ngủ, Minh mơ thấy ngài Bồ tát Thường Bất Khinh gặp ai cũng cúi đầu lễ lạy, khiêm cung nói: Tôi không dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật. Quý Ngài đều sẽ thành Phật như một điệp khúc ru hời theo Minh vào giấc ngủ an lành.

Minh hòa mình vào sinh hoạt của chùa mà thấy lòng nhẹ nhàng, thấy mình khỏe khoắn ra. Cơm chùa chỉ có rau dưa, mà Minh thấy sao ngon miệng quá. Những lúc phụ việc dưới bếp, Minh học được cách nấu mấy món chay đơn giản mà bổ dưỡng. Minh biết rằng mình dần tìm lại được sự cân bằng cho nội tâm mình.

Hơn một tuần ở chùa, Minh thương những buổi chiều như vầy: Buổi chiều  tàn, êm ả, nắng chẳng còn vương vấn, gió thỉnh thoảng chợt về rập rờn cánh đồng lúa trước chùa, cứ lướt tha lướt thướt như mảnh lụa mềm mại, buông lơi. Cánh đồng lúa trước chùa mà ai về cũng phải ngắm nhìn khi vào mùa lúa chín. Buổi chiều, Minh xin cô được quét sân chùa, giành việc của điệu Lam út ít. Sân chùa rộng, lá cây Sa la, cây nhãn, cây mít... phủ đầy, xào xạc mỗi khi gió về, thức tan sự im lặng nơi chốn Thiền môn. Trong công việc đơn giản này, Minh tìm thấy sự bình an. Mấy chú mèo con không biết ở đâu tìm về nương náu, chúng cũng ăn chay, bạn cùng chú cún, chẳng đúng với câu: Lục đục như chó với mèo. Hay là bén mùi dưa rau nên chúng yêu thương nhau. Minh đưa nhát chổi đến mà chúng vẫn lười biếng nằm yên, kêu meo meo như không muốn bị làm phiền. 

Quét sân xong, Minh thích dành ít phút ngồi cùng với chiều. Trong sự cô tịch đó, Minh khám phá được những nét đẹp bình dị của chiều quê, có được sự giao cảm với thiên nhiên, khiến lòng mình tươi mát. Mùi cỏ cây, hương hoa lan tỏa... cảm giác thật dễ chịu. Cái đẹp không đến từ sự cầu kỳ mà từ những điều giản dị quanh mình đến không ngờ.     

Khi ánh nắng cuối cùng đã tắt, sau giờ cơm chiều, dọn dẹp xong, Minh lên chánh điện nghe điệu Khánh thỉnh chuông, Chuông đặt bên cửa sổ, điệu ngồi thỉnh chuông dáng nhỏ nhoi, sau lưng là ánh trăng vằng vặc, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Tiếng chuông ngân lên, vang xa, trầm lắng. Nghe chuông mấy ai mà chẳng lắng lòng thanh tịnh, mọi buồn vui xô đẩy của đời người như bỏ lại sau lưng; những buộc ràng, hệ lụy của đời người phút giây này cũng xin từ  bỏ để được trở về với bản tâm thanh tịnh hằng có. Bao giờ cũng vậy, tiếng chuông chùa với Minh luôn ấm áp, hiền hòa như tấm lòng của mẹ, tiếng chuông là sự chở che khi Minh bất ổn, là sự thức tỉnh khi Minh lạc lối, chạy theo những cám dỗ danh vọng của cuộc đời, là sự khai mở những mầm đạo trong Minh. Đã có khi nghe chuông, Minh để lệ rơi; đó không phải là những giọt nước mắt bi lụy, mà là những giọt nước mắt tạ ơn được biết đến chánh pháp trong đời. Thân người khó được, Phật pháp khó cầu, những khi lạy Phật, Minh luôn nguyện đời đời, kiếp kiếp được an trú trong chánh pháp mà vững tâm tu học. Chẳng biết đến khi nào minh tâm kiến tánh, nhưng ngay trong cuộc sống này, Minh thấy được an ổn, chở che, thấy được những giá trị chân thực của đời người.     

Chắp tay, hướng lên tôn tượng đức Từ Phụ, nụ cười Người luôn đẹp, luôn thấu hiểu, luôn khích lệ, Minh cúi đầu đảnh lễ trong tiếng chuông ngân. Những lời dạy của Người luôn ngự trị trong tâm hồn Minh – Văn chung thinh phiền não khinh, Trí huệ trưởng Bồ đề sanh, Ly địa ngục xuất hỏa khanh, Nguyện thành Phật độ chúng sanh, Án, già ra đế dạ ta bà ha... Bài kệ thỉnh chuông  quyện theo tiếng chuông ngân thức tan màn đêm dần buông khắp cảnh chùa, thức tỉnh tâm hồn yếu đuối khiến Minh thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn, biết điều chỉnh lại con người mình, tùy thuận với đời mà sống.

Đất trời đã vào hạ, ngày đức Từ Phụ đản sanh đã gần kề, trong chùa sư bà và các ni sư cũng đang chuẩn bị cho ngày vui lớn của nhân loại. Chùa rộn ràng hơn với sự chuẩn bị chu đáo, Phật tử cũng vui hơn khi được chung tay làm Phật sự. Đã hơn hai ngàn năm trăm năm trôi qua, đạo pháp vẫn âm thầm hòa vào mạch sống của dân tộc cũng từ những ngôi chùa, từ những người con Phật hiền hòa, siêng năng giữ mình, giữ đạo trong cuộc sống.

Minh biết rằng, tiếng chuông chùa khi nào vẫn còn trầm mặc ngân vang khắp pháp giới, thức tỉnh muôn người, muôn loài, vẫn còn vang lên khuya sớm nơi mái chùa là đạo pháp vẫn luôn được luân chuyển, để khi mùa hạ đến những người con Phật lại hân hoan củng nhau tụng bài sám Khánh Đản – Đệ tử hôm nay, gặp ngày Khánh Đản, một dạ vui mừng, cúi đầu đảnh lễ...

Mai này, khi trở lại cuộc sống thường nhật, tiếng chuông luôn ngân vang trong tâm thức Minh, dẫu ở đâu, làm gì Minh vẫn thầm vui khi được làm người con Phật với những giá trị vĩnh hằng. Tiếng chuông chùa chưa một lần nghe mà Minh không thấy lòng xúc động. Minh thương âm vang vi diệu này biết bao. Ơi, tiếng chuông chùa đã theo Minh từ thưở ấu thơ. Về chùa để tập sống trong chánh niệm là sự cần thiết cho Minh tự bao giờ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6061181