Tin tức

XUÂN KỲ NGỘ

XUÂN KỲ NGỘ

ĐẶNG HÙNG ANH

 

 

Sáng mùng bốn Tết, thành phố đang ngập tràn sắc xuân.Trên đường xe cộ dập dìu, người qua lại đông vui.Trong không khí tưng bừng đó, tôi hồi hộp đến công viên để gặp một người.

Cuộc hẹn này đã bàn trước Tết, lẽ ra chỉ vợ và các con tôi đi, còn tôi trực ở nhà, nhưng khi hôm sắp lại để tôi đi thế với con trai, còn vợ và đứa con gái ở nhà để tiếp một người bạn ở nước ngoài về ghé thăm. Vợ tôi thích đi nhưng kẹt, còn tôi đi thì trống ngực đập thình thình. Tôi và đứa con trai đi giữa Hội Hoa Xuân muôn màu, muôn vẻ. Cảnh đẹp nhưng tôi không dám dừng lâu vì đang lãnh sứ mạng tiếp một người đặc biệt là "chị sui tương lai". Tìm một bàn trống vắng để tôi ngồi uống nước, con trai tôi ra cổng đón.

So với đám bạn, chúng tôi lập gia đình muộn hơn. Thấy bạn bè có cháu nội, cháu ngoại, vợ tôi sốt ruột mong các con sớm nên vợ nên chồng cho vui cửa, vui nhà. Hai con của chúng tôi bạn bè nhiều nhưng ra trường lâu rồi mà chẳng nghe nói chuyện yêu đương gì.

Rồi một hôm đứa con trai về nói đã có tình cảm với một người con gái và có dẫn về nhà chơi. Ngay lần gặp đầu, vợ tôi đã có cảm tình. Tôi mừng thầm và mong cho chúng nó đến với nhau suôn sẻ. Thấy quyến luyến nhau thế, tôi tưởng đâu đám cưới đến nơi. Đùng một cái nó nói chia tay; lý do: Hai gia đình khác đạo. Má nó trách  sao có trục trặc gì, trước đó không nói cho gia đình biết... Nó nói, biết không đến được với nhau thì dứt khoát cho rồi, dây dưa làm gì cho khổ cả hai và phiền đến gia đình. Nó nói cứng nhưng không giấu được vẻ buồn làm chúng tôi ái ngại. Từ đó, nó lao và công việc chẳng nói gì thêm.

Một thời gian khá lâu nó mới hé chuyện tình. Má nó hỏi, nó nói:

- Nhỏ đó tên Liên, đẹp người đẹp nết, làm việc tại thành phố. Nhà Liên ở Bình Phước. Ba Liên mất sớm, nhà chỉ có ba mẹ con. Liên là chị, còn đứa em trai cũng ra trường đi làm rồi. Tôi hỏi:

- Con đã đến đó chưa?

- Con đã đến chơi mấy lần rồi. Má Liên hiền hòa, tươi tắn, nhà khang trang, nề nếp. Tôi định hỏi thì nó nói:

- Nhà theo đạo Phật. Má Liên hồi còn trẻ từng khoác áo lam đi trại Miền đấy. Vợ tôi à một tiếng rồi hỏi tiếp:  

- Chị ấy tên gì?

- Con nghe hàng xóm gọi bác ấy là chị Ba, còn bạn của bác gọi là Phi Phương. Nghe thế, tôi buột miệng nói lớn:

- Phi Phương! Lẽ nào? Cả nhà tỏ vẻ ngạc nhiên. Vợ tôi cười hóm hỉnh:

- Bí mật lộ rồi! Có phải người xưa của ông không?

Hồi những năm Bảy Mươi trước GIẢI PHÓNG, tôi sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Được tham dự trại Lộc Uyển, chúng tôi từ Bình Tuy đến Phước Tuy cũng vừa trưa. Ngày mai mới khai mạc trại, nên chiều hôm đó chúng tôi có chút rảnh. Mặc thường phục, tôi cùng vài người bạn ra khỏi công viên chùa cho biết nơi  đây. Rải rác đây đó, các bạn khác chắc cũng đi dạo như chúng tôi. Đến gần cổng chùa, tôi thấy một người tầm thước, vận sắc phục Gia Đình Phật Tử đang trao đổi với đội trực. Nhìn kỹ, ông ta tóc đã bạc. Lỗ tai có có gắn máy trợ thính, dây thòng xuống ngực. Thình lình ông ta quay ra, tôi liền chào:

- Chào bác! Hai bạn đi cùng cũng chào theo. Ông ta gật đầu nở nụ cười hỷ xả rồi vội đi. Lại nghe có tiếng ríu rít chào anh ở phía sau. Thì ra có mấy cô em cũng ra ngoài như mình. Ngạc nhiên chúng tôi đi chậm lại, chuyện trò làm quen. Một cô tên là Phi Phương nói:

- Nghe các anh chào bác, em sực nhớ kỳ trại trước mình cũng chào như thế. Khi nghe các huynh trưởng đi trước chào bằng anh, chị nên bắt chước theo... Bạn tôi nói:

- Chà! Đi một ngày đàng học một sàng khôn, chào thế nghe hay đấy. Lần đầu tiên, chúng tôi dự trại Miền, còn nhiều bỡ ngỡ. Thấy ông ta tóc bạc thì chào bác chứ không biết gì thêm.

- Anh ấy là huynh trưởng phụ trách miền Khánh Hòa đấy.Tôi nói:

 - Thật hân hạnh! Chúng tôi có nghe nói về anh đã lâu, hôm nay mới được gặp.

 Đây là trại huấn luyện nên kỷ luật khắc khe. Sau nghi thức khai mạc đến lượt anh huynh trưởng phụ trách kỷ luật phổ biến nội quy trại. Tướng nghiêm trang, vẻ mặt lạnh lùng, anh nói tiếp:

 - Với trách nhiệm Trưởng ban Kỷ luật trại, tôi sẽ không nương tay cho bất cứ trai sinh nào phạm lỗi. Ai thấy chịu không được lập tức mang ba lô đi về. Tôi nói gắt thế đó, anh, chị, em đừng thông cảm cho tôi vì tôi không bao giờ thông cảm cho ai cả. Nghe mà ớn xương sống.

Ban đầu sinh hoạt theo Đội tự quản, tự lo dựng lều, ăn ngủ.Sau gộp lại thành từng Chúng đông hơn. Chúng Sóc nâu do tôi làm Chúng trưởng có nam, nữ các nơi như: Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Long và Hoài Đức là nơi tôi sinh hoạt. Tôi chuẩn bị chỉnh đốn đội ngũ thì có tiếng reo:

- Anh Minh Dũng! Em được chỉ định đến làm Chúng phó, sinh hoạt với anh đây. Phi Phương gọn ghẽ,tươi cười chạy đến. Tôi không ngờ lại gặp Phi Phương cùng đơn vị.

Chúng tôi học tập, thi đua: Phật pháp, chuyên môn và cách hướng dẫn đàn em... Ở quê nhà chúng tôi từng sinh hoạt nhưng ở đây có nhiều cái mới và yêu cầu cao nên ít nhiều ai cũng bị phạt. Mỗi lần bị phạt ngượng lắm nhưng phải vượt qua để về còn hướng dẫn đàn em ở nhà. Trò Chơi Lớn, thi đua giữa các Chúng sôi nổi và gay cấn, từng chặng tôi đều phân công cụ thể. Chúng tôi lần theo dấu đi đường tìm mật thư. Cùng kề vai, chụm đầu dịch Morse, mở mã khóa... gắng vượt chướng ngại để sớm về đích. Chính lúc này tình trại sinh thêm khắn khít. Phi Phương tỏ ra nhanh nhẹn, tháo vát. Hình ảnh người nữ trại sinh áo Lam có hoa sen lấp lánh, vai ba lô, tay cầm gậy băng băng trên đường, miệng thổi còi giục đồng đội tiến lên thật là đẹp. Bấy giờ, đất nước đang có chiến tranh, những cảnh chết chóc đau thương diễn ra hằng ngày, đời sống không lúc nào yên, nhất là tuổi trẻ biết bao lo âu, trăn trở. Có dịp gặp nhau dưới mái Nhà Lam, cùng hoc tập vui ca, kết tình thân ái thật là sung sướng.

Ngày vui rồi cũng chóng qua. Đêm lửa trại tưng bừng và cảm động kéo dài đến khuya. Lửa tàn nhưng chúng tôi nào có ngủ được. Sáng mai là lễ bế mạc, là chia tay. Chúng tôi tụm ba, tụm bảy ngồi tâm tình dưới ánh trăng khuya... Những dòng lưu bút viết cho nhau, rồi khóc. Các bạn nam sôi nổi là thế mà bây giờ cũng rưng rưng. Ôi những giọt nước mắt lung linh như hạt ngọc. Tình Người Áo Lam thắm thiết mà trong sáng. Phi Phương nói:

- Các anh, chị về nhớ viết thư cho chúng em. Anh Minh Dũng nhớ chép bài thơ "NHÀ LAM HỌP MẶT” vì trong Tập san chữ in mờ quá, em cũng muốn giữ bản chép tay của anh làm kỷ niệm. Về nhà, chúng tôi liên lạc được đôi lần rồi biệt tin. Có đêm nhớ kỷ niệm xưa nằm nghe tiếng súng  ầm ì xa gần mà lo lắng.

Chiến tranh kết thúc, đất nước an bình, người người phấn khởi xây đời sống mới. Rồi ra ai cũng có nỗi lo cho cuộc sống riêng tư, gia đình, sự nghiệp; thoắt cái tuổi đời chồng chất, những người bạn áo lam xưa, ai còn ai mất, biết còn nhớ không? Tôi ngồi suy nghĩ, lúc ở nhà nghe nói chị "Sui" cũng tên Phi Phương, cũng khoác áo Lam đi trại Miền, tôi hy vọng gặp lại người xưa. Bây giờ nhớ lại Phi Phương ở Bình Dương còn người sắp gặp lại ở Bình Phước thì không khớp rồi. Tôi tự hỏi mình có phải mơ viển vông không? Tôi đương phân vân thì thấy con tôi và hai người nữ đi lại. Hiểu ra tôi đứng dậy chào.Đó là một người phụ nữ có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, đi với con gái có nét giống mẹ nhưng dáng thanh mảnh hơn.

Chào nhau xong, chúng tôi cùng ngồi xuống nói chuyện vui vẻ. Ban đầu là thăm hỏi, sau nói chuyện xây dựng tương lai cho đôi trẻ. Mới gặp hai bên còn giữ ý rụt rè, sau trao đổi tự nhiên hơn. Khi biết hai gia đình có điểm tương đồng, việc hôn nhân tuy chưa thiết lập lễ nghi nhưng hứa hẹn nhiều thuận lợi. Bỗng chị "Sui" lấy đồ trong túi xách ra nhìn tôi mỉm cười rồi nói:

- Nghe tụi nhỏ nói ít nhiều về anh hồi trẻ, tôi ngờ ngợ nên mạo muội đem theo vài kỷ vật này, xem có phải chúng ta từng gặp nhau không? Đó là một tấm ảnh và tờ giấy có chữ viết tay đã cũ. Tôi nhìn rồi sửng sốt:

- Đây là bài thơ, nét chữ của tôi. Đây là tấm ảnh chụp hồi dự trại Lộc Uyển.

- Anh có nhớ những người trong ảnh không? Tôi bỗng nhớ ra rồi nói từ từ:

- Người đứng bên trái tôi là anh Minh Giá cùng quê và em Hồng ở Châu Văn Tiếp, Vũng Tàu. Bên phải là Phi Phương và người chị ruột. Tôi và chị "Sui" nhìn nhau rồi reo lên:

- Phương Phi! Anh Minh Dũng! Rồi siết đôi tay hồi lâu, quên cả hai đứa trẻ đứng sững sờ. Không ngờ chúng tôi gặp lại nhau mà lại gặp gỡ trong trường hợp đặc biệt này. Nhìn nhau thấy lạ quá nhưng trong tiềm thức có chút gì đấy gần gũi. Hỏi ra mới biết ai cũng có di chuyển nhiều lần. Sau ngày thống nhất, Phi Phương về dạy học ở Bình Phước và lập gia đình ở đó, tôi cũng dạy học nhiều nơi và bây giờ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi rất mừng và kể cho các con nghe. Được biết, chúng gặp nhau ở Thư viện chùa Xá Lợi, thân nhau trong những lần làm từ thiện rồi từ đó tình cảm đậm thêm.

Nhìn ra Hội Hoa Xuân thắm tươi, rực rỡ, chúng tôi đều nghĩ rằng phải có nhân duyên gì đây mới có cuộc gặp gỡ lạ lùng, thú vị này. Đúng là Xuân kỳ ngộ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6112169