Ý nghĩa bài kệ đản sanh
Ý NGHĨA BÀI KỆ ĐẢN SANH
HÂN KIẾN
Khi đức Phật ra đời, Ngài đã gióng lên hồi chuông giác ngộ giải thoát khi dõng dạc tuyên bố:
Bài Kệ thứ nhất:
Ngã ư nhất thiết
Thiên nhân chi trung
Tối tôn tối thắng
Vô lượng sanh tử
Ư kim lận hỷ.
Tạm dịch:
Ta đối với tất cả
Chư thiên và loài người
Là bậc tối tôn tối thắng
Trải qua vô lượng sanh tử
Kiếp này là kiếp sau cùng.
Ba câu đầu, Ngài đã khẳng định Ngài là bậc cao quý trong chư thiên và loài người. Để có thể nói như vậy, Ngài đã trải qua vô lượng sanh tử và nhiều kiếp tu hành.
Câu cuối, Ngài khẳng định mình thị hiện cõi ta bà để hóa độ chúng sinh và không còn trở lại trong sanh tử. Chúng ta cũng có thể suy rộng ra rằng Ngài cũng giống như chúng ta, đã mất nhiều kiếp sống để có thể giác ngộ, khi đã giác ngộ rồi thì có thể thoát ly không còn trở lại. Đức Phật khuyến tấn chúng ta cũng nên học theo hạnh của ngài.
Bài kệ thứ hai:
Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh lão bệnh tử.
Tạm dịch:
Trên trời dưới cũng trời
Duy chỉ có ta là tôn quý
Tất cả thế gian
Sanh già bệnh chết.
Nếu ta có duyên may được học đạo thì cũng có thể nhận ra ý nghĩa quan trọng của bài kệ này và thấy rằng trên trời, dưới đất chỉ có bản ngã là lớn nhất và cũng vì bản ngã mà có sanh, già, bệnh chết...
Trong diễn văn mừng Phật đản 2548, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã nhấn mạnh về lời dạy của đức Phật: “Ta xuất hiện ở đời như đám mây và cơn mưa lớn, có thể thấm nhuần tất cả, làm cho chúng sanh hết nóng bức, hết khô khan và được giải thoát, hết khổ đau được an lạc. Do đó, trong thế gian, người làm cho chúng sanh được an vui không ai bằng ta. Ta vì đại chúng nói pháp cam lồ thanh tịnh, pháp ấy chỉ có thuần một vị là giải thoát”. Và: “Ta ra đời chỉ có một việc là muốn làm lợi ích cho nhân gian, khiến thế gian sáng mắt để dứt tất cả đường tà”.
Qua lời dạy trên, chúng ta thấy lý do đức Phật xuất hiện ở đời không ngoài mục đích đem Phật pháp đến với mọi người để mọi người được giải thoát, diệt trừ vô minh, khai mở trí tuệ và nhờ trí tuệ ấy mà thấu hiểu tất cả chánh tà, từ đó tu tập tiến đến giải thoát cứu cánh.
Thật vậy, đức Phật đã thấy ra chân lý một cách trọn vẹn và bản tuyên ngôn khi đản sinh đã được Ngài áp dụng trong cuộc sống hướng mọi người tới một cuộc sống an vui và giải thoát. Những thành tựu không thể nghĩ bàn mà đức Phật trên con đường hoằng hóa độ sinh đã minh chứng rằng Ngài có một sự hiểu biết không ai có thể sánh bằng như ân đức Minh Hạnh Túc...
Ở bài kệ thứ hai, đây là nội dung mang đậm nét giáo lý khi nói về bản ngã của mỗi chúng sinh, cũng vì bản ngã này mà bị sanh tử luân hồi, không thoát ra được. Khi Ngài thấy ra chân lý thì cũng là thoát khỏi những ảo tưởng do bản ngã dựng lên, thoát khỏi những ảo tưởng đó cũng có thể hoàn toàn tự do không còn bị luân hồi sanh tử chi phối. Chúng sanh thì ngược lại, luôn bám víu vào tự ngã, chủ trương ta là thực thể, là quan trọng nhất vì có ta, có cái của ta và lẽ tất yếu là khổ đau và tiếp tục tới lui trong ba cõi, sáu đường... Không nhận ra được những ảo tưởng của bản ngã tạo ra nên xã hội luôn bất an, đao binh loạn lạc...
Khi nói về tự ngã, đức Phật dạy rằng: "Này các Tỳ kheo, cái gì không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các vị. Này các Tỳ kheo, cái gì không phải của quý vị? Sắc, thọ, tưởng, hành và thức, không phải của quý vị, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc.Ví như, này các Tỳ kheo, có người gom cành, lá của Jetavana này đem đốt hay tùy duyên sử dụng. Quý vị có nghĩ rằng đem đốt hay tùy duyên sử dụng chúng? Thưa không. “Vì sao vậy?”. Vì những cái ấy không phải chúng con. Bạch Thế Tôn, những cái ấy không thuộc tự ngã chúng con. “Cũng vậy, này các Tỳ kheo, sắc, thọ, tưởng, hành và thức, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, các ông sẽ được hạnh phúc, an lạc" (Kinh Tương ưng bộ III).
Mỗi năm đến ngày Lễ Phật đản, chúng ta những người con Phật đều ôn lại lịch sử của Đức Bổn sư để chiêm nghiệm và hành trì. Ta có thể dễ dàng thấy rằng sự kiện Ngài đản sanh là một hy hữu cho cõi trời, người. Ta có sáng tác hàng trăm nghìn quyển sách, thơ ca để ca ngợi thì cũng chỉ là hình thức hời hợt, vì cho hay đẹp đến đâu, cũng không thể ngang cỡ con người hoàn thiện đó. Thiết nghĩ, cách tán thán và ca ngợi Ngài tốt đẹp nhất, có lẽ là học tập Ngài, cố gắng tối đa sống theo lời Ngài chỉ dạy, đi theo con đường Ngài đã đi. Đó là con đường Bát chánh đạo, con đường Giới, Định, Tuệ. Thực hành những điều được chỉ dạy để thực sự xứng đáng là một người con Phật.
Không làm việc ác
Luôn thực hành các hạnh lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Đó là lời Phật dạy.
Bình luận bài viết