Ý NGHĨA NGÀY VU LAN
Ý NGHĨA NGÀY VU LAN
Tin ảnh: TRÍ BÁ
HT Thích Giác Pháp
Trong Chương trình Pháp hội Vu Lan PL 2562, tối ngày 19-8-2018, Hòa thượng Thích Giác Pháp, Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, đã có buổi thuyết pháp với đề tài “Ý nghĩa ngày Vu Lan”.
Theo Hòa thượng, mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy âm lịch, toàn thể Phật tử Việt Nam và Phật tử khắp năm châu đều tổ chức long trọng lễ Vu Lan, cúng dường Phật và chúng Tăng, dựa vào uy lực và giới đức của đức Phật và chúng Tăng, cầu nguyện cho cha mẹ đang còn sống được an lạc và cha mẹ đã quá cố được siêu thăng cõi Tịnh Độ.
Nhưng không phải để đến dịp Vu Lan chúng ta mới nhớ đến cha mẹ. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải biết chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Đừng vì một chút ích kỷ cá nhân mà chúng ta đành lòng nói lời bất kính với cha mẹ, làm đau lòng cha mẹ vô cùng. Tại sao ta không nghĩ rằng cả đời cha mẹ hy sinh cho con mà quên cả bản thân mình, cha mẹ đâu bao giờ tính toán so đo với con cái. Vậy mà bổn phận làm con chúng ta lại tính toán so bì với mẹ từng chút một, cũng vì lợi ích cá nhân của mình. Khi còn sống bên cha mẹ, làm con chỉ cần biết vâng lời, đi thưa về trình, luôn nói lời lễ phép với cha mẹ, siêng năng học hành và làm việc v.v... là cũng đã làm vui lòng cha mẹ rồi. Đây là những hành động bình thường trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi do chúng ta quá vô tình, nên đã bỏ quên trong từng ngày từng giờ, khiến cha mẹ đã không biết bao nhiêu lần lo buồn về ta.
Khi cha mẹ mất chúng ta nên tạo công đức phước lành hồi hướng cho cha mẹ, ông bà. Không nghe đồn nơi này linh, nơi kia thiêng có thể cầu cho vong linh cha mẹ siêu thoát. Không ai một mình có thể cứu vãn được vong linh người mất. Người mất phụ thuộc cái nghiệp lúc còn sống. Chỉ có chư Tăng mười phương sau khi tự tứ, tâm thanh tịnh, hòa hợp mới có thể làm được điều này.
Tôn giả Mục Kiền Liên là một đệ tử lớn của đức Phật, và được suy tôn là bậc thần thông đệ nhất. Sau khi chứng quả A la hán, Ngài dùng thiên nhãn quan sát khắp các cõi sống thì thấy mẹ mình đang bị nạn đói khát dày vò trong cõi sống quỷ đói. Tôn giả bèn cầm bát cơm xuống cõi quỷ đói đưa cho mẹ. Mẹ cầm lấy bát cơm đưa vào miệng, thì cơm hóa thành than hồng cháy đỏ không tài nào ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên không biết làm sao được, bèn trở về xin Phật ra tay cứu giúp. Đức Phật nói: “Mẹ ông bao nhiêu đời sống xan tham keo kiệt, nên phải chịu khổ báo là quỷ đói, một mình ông không thể cứu nổi mẹ đâu. Phải nhân ngày rằm tháng bảy tổ chức cúng dường đức Phật và chúng Thánh Tăng mười phương nhờ vào sức mạnh chú nguyện của đức Phật và chúng Tăng mười phương thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”.
Tôn giả Mục Kiền Liên vâng lời đức Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy là ngày tự tứ ra hạ của chư Tăng, đem thức ăn, đèn, sáp, hương hoa... đặt vào chậu lớn, cúng dường trai Tăng. Bà mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên nương nhờ vào uy lực của giới đức và phước đức của chư Tăng mười phương, và cũng nương nhờ vào công đức bố thí và lòng chí thành của Tôn giả Mục Kiền Liên, mà sớm thoát khỏi nỗi khổ của quỷ đói.
Nhân đó, đức Phật Thích Ca có lời dạy Tôn giả Mục Kiền Liên rằng: “Làm người đệ tử Phật có đức hiếu thuận, phải thường xuyên ghi lòng tạc dạ công ơn cha mẹ đời này cho đến cha mẹ bảy đời. Mỗi năm vào ngày rằm tháng bảy, hãy nên làm lễ Vu Lan Bồn, cúng dường đức Phật và chúng Tăng, để báo ơn sanh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi và sau khi mạng chung được sanh vào các cõi lành”.
Lễ Vu Lan cũng là dịp giáo dục con cháu biết hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Nên đưa các cháu đến chùa để nghe chư Tăng giảng pháp, hiểu được công ơn sâu dày của cha mẹ hầu sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha mẹ.
Dưới đây là vài hình ảnh về buổi thuyết pháp.
Niệm hồng danh Đức Phật
Lắng nghe giảng pháp
Hồi hướng
Bình luận bài viết