Học

100 Câu hỏi Phật pháp (Tập 1) - Câu 11 - 20

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 1)

Tỳ kheo THÍCH PHƯỚC THÁI

 

11. Ý nghĩa Phật bước đi bảy bước?

Hỏi: Khi đức Phật ra đời, Ngài bước đi bảy bước rồi dừng lại mà không bước tám bước hay sáu bước, rồi trên mỗi bước lại có một hoa sen. Vậy xin hỏi:  bảy bước là tượng trưng cho ý nghĩa gì?

Đáp:  Vấn đề nầy có nhiều thuyết giải thích khác nhau. Cho đến nay, người ta cũng chưa nhứt trí là thuyết nào đúng. Vì mỗi thuyết có mỗi lập luận khác nhau. Có thuyết nói: theo quan niệm của Phật giáo nói riêng và quan niệm của người Ấn Độ thuở xưa nói chung, tất cả đều cho rằng: Sự hình thành của một thế giới là do sự cấu tạo của nhiều hạt vi trần kết hợp lại. Nếu nói theo khoa học ngày nay là do nhiều nguyên tử hay phân tử kết hợp. Từ những hạt vi trần nhỏ kết hợp lại thành những vi trần lớn. Cứ như thế mà kết hợp dần lên thành ra một thế giới. Tuy nhiên, sự kết hợp của những hạt vi trần nầy theo phương cách nào? Điều nầy, theo nhà Phật nói, chính giữa có một cái hạt nhân chánh, rồi chung quanh có sáu hạt vi trần phụ. Chung lại, theo danh từ chuyên môn của Phật giáo gọi là thất lân hư trần. Tức là 7 hạt bụi rất nhỏ nhiệm gần như hư không kết hợp lại, nếu chẻ ra, thành ra hư không.
Từ thất lân hư trần hợp lại, thành một ngưu mao đầu trần (đầu lông con trâu). Từ thất ngưu mao đầu trần hợp lại, thành một thố mao đầu trần (đầu lông con thỏ)  v.v..
Như vậy, con số 7 có ra là do nhiều hạt bụi tạo thành. Nói rõ ra, là không có hạt bụi nào tự nó đơn độc mà có, tất nhiên, là nó phải nhờ nhiều hạt bụi li ti khác để tạo thành. Bởi thế, nên hình ảnh đức Phật khi mới giáng sanh, Ngài bước đi bảy bước là để tiêu biểu cho Ngài bước đi khắp tất cả mọi nơi trên thế giới. Đồng thời cũng để tiêu biểu cho pháp âm của Ngài nói ra vang dội khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Còn hoa sen là tiêu biểu cho sự thanh khiết. Ý nói, mặc dù đức Phật sanh ra trong cõi đời ô trược nầy, nhưng Ngài không bao giờ bị nhiễm trần. Đó là vì nguyện lực của Ngài ra đời là để hóa độ chúng sanh vậy.

 

12. Phúng điếu người chết có mắc nợ hay không?

Hỏi: Tôi thấy có một vài đám tang trong giới Phật tử của mình, thân quyến có viết cáo phó là:  “Miễn Phúng Điếu”, (không nhận tiền) hỏi ra, thì họ nói: Nếu nhận tiền, thì người chết phải mắc nợ. Vậy xin hỏi: nhận tràng hoa người ta phúng điếu, thì người chết có mắc nợ hay không? Và nếu so sánh giữa tiền và tràng hoa, thì cái nào có lợi ích thiết thực hơn?

Đáp: Nếu căn cứ theo luật nhân quả, thì phàm hễ có vay, tất nhiên phải có trả. Nếu bảo nhận tiền, thì người chết mắc nợ, vậy thì nhận tràng hoa, người chết không mắc nợ hay sao? Tràng hoa đâu phải tự nhiên mà có, tất cũng phải dùng tiền để mua. Chẳng qua dưới một hình thức khác thôi. Như vậy, bạn bè thân thuộc đến phân ưu phúng điếu, vì ai mà họ phúng điếu, tất nhiên là vì người chết. Nếu không có người chết, thì họ đâu có phúng điếu. Do đó, đương nhiên là người chết phải mang nợ. 
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là, việc phúng điếu bằng tràng hoa phát xuất từ đâu? Và có phải đó là một tập tục của người Việt Nam chúng ta hay không ?
Theo chỗ chúng tôi được biết, thì việc phúng điếu bằng tràng hoa là do người Việt mình ảnh hưởng người Tây phương. Vì người Tây phương họ rất yêu chuộng hoa tươi. Chúng ta cũng không lạ gì, khi thấy họ đến thăm thân nhân hay bạn bè thân, trên tay của họ thường có một bó hoa tươi. Đây là để biểu lộ tấm lòng thân thương của họ. Đây cũng là một tập tục hay đẹp của họ. Do đó, nên người mình bắt chước làm theo. Điều nầy, nếu xét theo phong tục xưa của ta, như trong quyển Phong Tục Việt Nam của giáo sư Toan Ánh đã viết: “Phúng là lễ vật đi điếu người chết, còn viếng nghĩa là thăm. Ta thường nói phúng viếng hoặc phúng điếu nghĩa là đem lễ vật tới hỏi thăm nhà có tang. 
Người chết sau khi đã nhập quan và tang chủ đã làm lễ thành phục, con cháu khóc lóc, bạn bè thân thuộc mới bắt đầu tới phúng điếu. Trước đó, cũng có người tới, nhưng chỉ là để hỏi thăm và chia buồn cùng tang chủ chứ chưa có lễ viếng và cũng chưa lễ trước linh cữu.
Lễ phúng viếng thường là trầu cau trà rượu, hoặc những tay văn tự thì dùng những bức trướng hoặc những đôi câu đối, trong nêu lên những đức hay tính tốt của người chết.
Con cháu cũng có câu đối để khóc ông bà cha mẹ. Những trướng đối của bạn bè thường làm bằng lụa, bằng da màu xanh, vàng, trắng, còn những câu đối của con cháu chỉ viết bằng chữ xanh hoặc chữ đen trên vải trắng.
Ở thôn quê, người trong làng xã thường dùng tiền để phúng viếng, một cách trực tiếp giúp đỡ thiết thực tang chủ trong lúc cần thiết v.v..." (Phong Tục Việt Nam, Toan Ánh, trang 512, nhà xuất bản Đại Nam ).
Chúng tôi trích dẫn những đoạn văn trên để chúng ta biết sơ qua về phong tục phúng điếu của ông bà ta ngày xưa là như thế. Từ ngày người Tây phương có mặt ở xứ ta, nhứt là trong thời kỳ chiến tranh có quân đội Mỹ, mỗi khi một quân nhân cấp lớn tử trận, thì người chết sẽ được nhận những tràng hoa danh dự, tưởng niệm thân thiết phúng điếu. Và cũng từ đó, người dân thành thị bắt chước theo hay dùng hoa tươi hoặc hoa cườm để phúng điếu cho người chết. 
Ngược lại, ở thôn quê thì lại khác. Chúng ta thấy, trong làng xã có người mất, thì người ta thường dùng tiền để phúng điếu. Đây là một hình thức trực tiếp giúp đỡ cho tang chủ tiện bề chi dụng trong lúc cần thiết. (Người viết đã chứng kiến nhiều đám táng ở thôn quê là như thế). 
Đây cũng là một tập tục rất hay và rất thực tế trong việc tương tế. Tổ tiên ta có câu: “Nhứt gia hữu sự bá gia ưu”. Nghĩa là, một nhà có việc, thì trăm nhà đều chung lo. Điều nầy, vừa nói lên tinh thần tương thân tương trợ của người dân quê mộc mạc, cũng vừa nói lên tình đoàn kết keo sơn gắn bó tình tự của một dân tộc hiền hòa. 
Chính vì tinh thần hỗ tương sớm tối có nhau nầy, nên ta thấy, ngoài việc bà con thân hữu xúm xít nhau lại chung lo đám sám, họ còn nghĩ đến việc giúp đỡ tiền bạc cho gia đình người chết có chút ít phương tiện để xoay trở tiêu phí trong việc tang lễ. Vì vậy, ở thôn quê, ít có gia đình nào từ khước không chấp điếu. Vì họ nghĩ, hôm nay mình nhận của người ta, thì mai kia mình sẽ đi trả lại. Giống như một hình thức cho vay mà không lời vậy.
Tuy nói là vì người chết, mà kỳ thật là vì giúp đỡ cho người sống. Nếu là người khá giả, có đủ khả năng, thì họ sẽ đem số tiền mà bà con phúng điếu để làm những việc từ thiện giúp ích cho xã hội hoặc cúng chùa v.v... Việc làm đó, hương linh chẳng những không mắc nợ, mà còn được tăng thêm phước đức nữa. Còn nếu như những gia đình nghèo không đủ khả năng chi dụng cho đám sám, thì tạm thời họ dùng số tiền nầy để trang trải cho việc tang lễ, rồi sau đó, con cháu hoặc người thân từ từ họ sẽ đi hoàn trả lại.
Như thế, trên thực tế, ta thấy người chết như mắc nợ, nhưng xét cho cùng, thì đây là một hình thức tương trợ lẫn nhau mà thôi. Theo tôi, đây là một hình thức tương trợ vừa giữ được tập tục xưa mà cũng vừa ích lợi rất thực tế, nếu chúng ta khéo sử dụng đồng tiền nầy vào những việc làm hữu ích cho xã hội.
Ngược lại, đối với những tràng hoa, xét ra, chỉ tô điểm cho tang lễ thêm phần trang trọng, chỉ dùng được một hai ngày, rồi sau đó khi đưa đám đến huyệt mộ hay đến lò thiêu, thì những tràng hoa nầy cũng theo người chết mà vứt bỏ luôn, thật là uổng phí! Chi bằng, nếu trong thân quyến e ngại sự nhận tiền phúng điếu của bằng hữu, thì ta có thể làm theo phương cách mà Đại Đức Thích Phước Tấn trụ trì chùa Quang Minh đã đề xướng một phương pháp phúng điếu mới, vừa có lợi ích thiết thực cho xã hội mà cũng vừa đem lại sự lợi lạc cho hương linh. 
Phương pháp đó như thế nào? Nhân đám tang của phật tử Nguyễn Thị Hoàng Ánh, tịnh danh là Tịnh Mẫn, là một liên hữu của Cực Lạc Liên Hữu Liên Xã Quang Minh Đạo Tràng, Thầy kêu gọi quý Liên hữu phật tử mỗi người nhận một Tràng Hoa Công Đức. Tràng hoa công đức nầy hình thức là một khổ giấy giống như phiếu công đức vậy. Thầy in màu rất đẹp. Thầy trao phát cho những liên hữu phật tử nào đã phát tâm nhận lãnh ghi vào. Ghi như thế nào? Có vị thì ghi sẽ hiến cúng 50 đô, hoặc 100 đô... để gởi tặng cho các bệnh viện cô nhi, hoặc các bệnh viện cùi hay ung thư v.v... 
Có người thì hứa là sẽ tụng một bộ Kinh Pháp Hoa, có người thì phát nguyện mỗi đêm niệm một ngàn câu hiệu Phật, có người thì phát nguyện làm bao nhiêu việc phước thiện trong thời gian 49 ngày, tất cả những việc làm và những điều phát nguyện trên, thảy đều hồi hướng cho hương linh sớm được siêu sanh Tịnh Độ. 
Qua việc đề xướng nầy, chúng tôi thấy quý liên hữu phật tử hưởng ứng rất mạnh mẽ. Và mỗi người đem hết lòng thành của mình để thực hiện những điều mà mình đã phát nguyện. Tất cả chỉ vì hương linh và cho hương linh. Đây mới thật là một loại Tràng Hoa thật vô cùng quý giá. Âm vang của những việc làm nầy, như tụng kinh, niệm phật, công quả, làm phước v.v... nó vẫn còn vang dội mãi cho đến trải qua hết 49 ngày, chớ không như những đám khác, là khi bạn bè hay đồng đạo đưa đám xong rồi, thì người chết sẽ đi vào trong quên lãng, không còn ai nhớ biết đến để cầu nguyện dù đó là một câu hiệu phật.
Riêng chúng tôi, chúng tôi nhận thấy điều nầy rất phù hợp với tinh thần vị tha của Phật giáo và cũng rất phù hợp trong việc hộ niệm cho hương linh trong tinh thần nhiếp tâm cầu nguyện, gọi là đức chúng như hải vậy. 
Trên đây, là góp chút thành ý của người phụ trách mục giải đáp nầy. Mong rằng tất cả liên hữu, phật tử chúng ta, tưởng cũng nên suy xét lại cho thật kỹ, để chúng ta có thể chuyển đổi qua một hình thức như Đại Đức Thích Phước Tấn đã làm vừa qua trong đám tang của phật tử Nguyễn thị Hoàng Ánh. Qua đó, theo tôi được biết, mọi người đều rất hoan hỷ tán đồng. Vì nó rất hữu ích cho cả hai: kẻ còn và người mất đều được lợi lạc vậy.

 

13. Sự thờ Phật khác nhau giữa Nam Bắc Tông Phật Giáo?

Hỏi: Cùng tu theo đạo Phật, nhưng không hiểu sao giữa Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Bắc Tông lại thờ phụng Phật khác nhau ở trong các chùa. Bên Nam Tông thì chỉ thờ duy nhứt một tượng Phật Thích Ca và các vị A la hán, giống người Ấn Độ. Ngược lại, Phật giáo Bắc Tông, ngoài việc thờ đấng Trung Tôn đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra, còn thờ nhiều tượng Phật và Bồ tát khác nữa. Riêng hình tượng Phật Thích Ca, thì quốc gia nào tạc tượng thờ giống người quốc gia đó. Xin hỏi: Tại sao có sự khác biệt như vậy?

Đáp: Sở dĩ có sự thờ phụng khác biệt đó, là do quan niệm về việc thờ phụng Phật của hai hệ phái khác nhau. Theo quan niệm của Phật giáo Nam Tông, tức Phật giáo Nguyên Thủy, họ cho rằng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người bình thường như bao nhiêu con người bình thường khác. Ngài cũng có những nhu cầu cho đời sống: ăn, mặc, ở v.v… và cũng chịu chung một định luật vô thường chi phối, phải trải qua những nỗi thống khổ của kiếp nhơn sinh là sanh, già, bịnh, chết. Tuy nhiên, Ngài chỉ khác hơn người thường là ở chỗ, Ngài đã hoàn toàn giác ngộ, do sau khi xuất gia nỗ lực tu hành mà thành đạt được đạo quả.
Ngược lại, chúng sanh vì còn mê, nên tạo nghiệp thọ khổ trong vòng sanh tử luân hồi. Phật đã thoát hẳn sanh tử luân hồi. Khác nhau ở điểm căn bản giữa mê và ngộ đó thôi. 
Theo Nam Tông, thì ngoài đức Phật Thích Ca ra, không có một vị Phật nào khác. Do đó, họ chỉ tôn thờ một hình tượng Phật Thích Ca và tạc hình tượng giống như người Ấn Độ, bởi lẽ, Phật là người Ấn Độ đi tu thành Phật. Đó là một quan niệm dứt khoát thực tiễn của hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy, xuất phát từ bốn bộ kinh Nikaya. 
Ngược lại, Phật giáo Bắc Tông (tức Phật giáo Phát triển hay Đại thừa), thì quan niệm có khác. Theo Bắc Tông, thì đức Phật Thích Ca khác hơn người thường. Cái thân của Phật, đó chỉ là cái ứng thân hay hóa thân thị hiện mà thôi. Vì muốn độ chúng sanh, nhứt là loài người, nên đức Phật mới thị hiện ở nơi loài người để tiện bề giáo hóa họ. Kỳ thật, thì đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp rồi. Vì Bắc Tông quan niệm rằng, mỗi chúng sanh đều có Phật tánh hay pháp thân, mà pháp thân thì lặng lẽ, không sanh, không diệt, trùm khắp cả pháp giới. Bởi thế, nên không nơi nào, xứ nào mà chẳng có Phật. Cái thân Phật thị hiện người Ấn Độ, chỉ là trong một giai đoạn tạm thời trong muôn triệu giai đoạn, một hóa thân trong muôn triệu hóa thân. 
Qua đó, thì đức Phật Thích Ca không hẳn là người Ấn Độ mà là người của tất cả chúng sanh. Vì tùy duyên ứng hiện hay hữu cảm tất ứng, nên người nước nào tưởng nhớ Phật, thì Phật hiện người nước đó để giáo hóa. Những vị Phật khác cũng thế, các Ngài hỗ tương để hóa độ chúng sanh và đồng thời giới thiệu công hạnh cho nhau. 
Như đức Phật Thích Ca giới thiệu nhân địa và công hạnh của đức Phật A Di Đà ở cõi Tây phương Cực lạc, cho chúng sanh cõi nầy được biết, để niệm danh hiệu Ngài  mà cầu sanh về cõi đó. Đến chư Bồ tát cũng thế, các Ngài thị hiện khắp các cõi. Bất cứ nơi nào có chúng sanh đau khổ, khẩn cầu cứu độ, thì các Ngài thị hiện để cứu khổ. Đó là bản hoài của các vị Bồ tát, dù ở cõi Ta bà nầy hay ở những quốc độ khác, như Bồ tát Quán Thế Âm chẳng hạn. 
Đồng thời, các vị Bồ tát cũng trợ lực cùng với chư Phật để độ sanh, mỗi vị đều có những công hạnh thù thắng đặc biệt. Bởi do quan niệm như thế, nên chúng ta thấy các nước Phật giáo theo hệ phái phát triển (Đại thừa), mỗi quốc gia đều tạc hoặc tô vẽ hay đúc hình tượng Phật Thích Ca, đều có những nét giống người của họ; vì như thế mới thực sự là Phật giáo của họ, vì mỗi người đều có ông Phật của riêng mình. Và như thế, mới thực sự thân thiết gần gũi, dễ cảm hóa. Đây cũng là một sắc thái văn hóa đặc thù. Vì vậy, nên các chùa Phật giáo Bắc Tông đều tôn thờ nhiều vị Phật và nhiều vị Bồ tát.

 

14. Ý nghĩa tràng hạt?

Hỏi: Là một phật tử tu theo pháp môn niệm Phật, con thường lần tràng hạt để niệm Phật. Tuy nhiên, thú thật là con chưa hiểu rõ ý nghĩa của nó như thế nào. Tại sao phải xâu kết làm 108 hạt, mà không phải là 107 hay 109? Như vậy, 108 có ý nghĩa gì? Và tại sao khi niệm Phật, tay cần phải lần chuỗi? Nó có công dụng gì cho việc diệt trừ phiền não không?

Đáp: Tràng hạt là một phương tiện trong muôn ngàn phương tiện khác. Trong Phật giáo có vô số phương tiện. Mọi hình thức pháp khí hay vật thể đều là những phương tiện. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà người ta bày ra. Dĩ nhiên, mỗi một hình thức của một vật thể đều có một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt của nó. 
Thí dụ như cái mõ, cái chuông, cái trống v.v… Điều quan trọng cần nêu ra là: Nương phương tiện để đạt cứu cánh, tức như nhờ nôm mà bắt được cá, nhờ ná mà bắn được chim. Nếu nói theo cung cách ngôn ngữ của nhà Thiền thì “kiến sắc minh tâm”. Nói cách khác là: “nương sự để hiển lý, sự lý phải viên dung”. Đó là cái chủ đích chính yếu mà Phật giáo nhắm tới và đó cũng là thái độ khôn khéo của người tu học Phật.
- Câu hỏi thứ nhứt là tại sao người ta xâu chuỗi kết 108 hạt mà không phải 107 hay 109 ?
Xin thưa:  Sở dĩ có con số 108, là vì người ta đem 6 căn, 6 trần và 6 thức cộng lại, thành ra thập bát giới (18) rồi nhân cho 6 món căn bản phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) thành ra có con số là 108 (18 x 6  = 108). Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi cũng xin được giải thích thêm một chút về con số 108 tượng trưng nầy. 
Như chúng ta đều biết, trong khế kinh Phật có dạy, sở dĩ chúng sanh cứ trôi lăn mãi trong vòng sanh tử luân hồi, gốc từ ở nơi vô minh. Mà vô minh có ra, gốc từ ở nơi căn, trần và thức. Thường gọi chung là Thập bát giới.
Ba thứ nầy, nếu xét kỹ, thì chúng ta thấy, lỗi là ở nơi căn và thức, chớ trần (6 trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) không có lỗi gì cả, vì chúng chỉ là đối tượng nhận thức của căn và thức mà thôi. Khi căn (tức 6 căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với trần (6 trần nói trên) khởi thức (6 thức nói trên) phân biệt. Khi ý thức phân biệt lại cộng thêm 6 món căn bản phiền não vào. Nói rõ hơn là 6 món căn bản phiền não nói trên, chúng hợp tác cùng chung làm việc với Ý thức một cách rất chặt chẽ, đắc lực, nên mới có phân biệt tốt xấu, rồi sanh  tâm yêu ghét. Cái niệm yêu ghét phát sanh là gốc từ ở nơi: tham, sân, si. Đây là đầu mối của vô minh phiền não (vọng tưởng) . 
Từ đó, mới tạo nghiệp để thọ khổ. Nếu nói một cách nghiêm khắc và ngắn gọn hơn nữa, thì như kinh Lăng Nghiêm, Phật có nêu ra: “luân hồi hay giải thoát, gốc từ ở nơi 6 căn mà ra”. Như vậy, cho chúng ta thấy rằng, ba thứ nầy tối hệ trọng mà mỗi hành giả cần phải thẩm sát thật kỹ để đoạn trừ phiền não. Mà muốn đoạn trừ phiền não, thì hành giả cần phải có phương tiện, hay một pháp môn hành trì. Đối với người tu tịnh nghiệp, thì Phật Tổ đều dạy cần phải niệm Phật. Mà pháp môn niệm Phật, để đi đến nhứt tâm, thì bước đầu cần phải có phương tiện để cột tâm. Phương tiện đó, ngoài câu niệm Phật ra, còn cần phải có thêm tràng hạt để lần từng hạt theo mỗi câu hiệu Phật làm chuẩn cứ trong khi niệm Phật công cứ vậy.
- Đến câu hỏi thứ hai, tại sao khi niệm Phật, tay phải lần chuỗi?
Xin thưa rằng: Không phải nhứt thiết ai niệm Phật cũng lần chuỗi cả. Điều nầy, còn tùy theo căn tánh và thói quen của mỗi người. Tuy nhiên, đối với những liên hữu nào đã phát nguyện niệm Phật công cứ, theo lời chư Tổ Liên tông đã chỉ dạy, thì cần nên lần chuỗi để tiện bề đếm số đúng như lời mình đã phát nguyện.  Bởi vì đối với những người sơ cơ, nhiều nghiệp chướng như chúng ta, tâm chưa thuần nhứt, còn dẫy đầy vọng tưởng tạp loạn, thì tốt hơn hết nên dùng phương tiện tay lần chuỗi, để khi niệm Phật dễ cột tâm hơn, như trên đã nói. Hơn nữa, chúng ta cũng thường nghe nói, người tu tịnh nghiệp, thì tam nghiệp (thân, khẩu, ý) cần phải giữ thanh tịnh. Tay lần chuỗi thuộc về thân nghiệp, miệng niệm Phật thuộc về khẩu nghiệp, ý chuyên chú vào câu hiệu Phật không rời ra, thuộc về ý nghiệp. Rồi cũng trong kinh nói:“Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”. Như vậy, tay lần chuỗi cũng là mục đích để ghi nhớ mỗi một hạt chuỗi là niệm một câu hiệu Phật, đồng thời cũng là để ghi nhớ số không lộn lạo vậy.
- Đến câu hỏi thứ ba, nó có công dụng gì cho việc diệt trừ phiền não không?
Xin thưa: Đương nhiên là có. Như trên đã nói, công dụng của nó chỉ là một phương tiện như muôn ngàn phương tiện khác. Người ta dùng nó để niệm Phật. Nhờ lần chuỗi ghi số câu mà tâm ít tán loạn hơn. Tuy nhiên, điểm căn bản để diệt trừ phiền não, chính là ở nơi cái tâm. Người niệm Phật, tay lần chuỗi mà tâm lăng xăng, nghĩ xằng, tính bậy, chạy đông, chạy tây, thì đó chỉ là miệng niệm cho có niệm, chứ không thể nào kết quả định tâm được. 
Mục đích chính của việc niệm Phật là để được định tâm. Vì niệm Phật là nhớ Phật, đằng nầy Phật không nhớ, mà nhớ những chuyện tào lao khác, niệm như thế, thì đâu có đúng ý nghĩa niệm Phật. Thế nên, muốn sớm mau hết phiền não, thì hành giả phải giữ tâm và tiếng cho hợp nhất và phải thường xuyên khắn khít nhau, đồng thời niệm câu hiệu Phật phải thật cho rành rõ. Trong quyển sách Hạ Thủ Công Phu niệm Phật, Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh có khuyến nhắc người niệm Phật bằng một bài kệ như sau:
Nam mô A Di Đà!
Không gấp cũng không hưởn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ
Nhiếp tâm là định học
Nhận rõ chính huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhứt tâm Phật hiện tiền
Tam muội sự thành tựu
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý pháp thân hiện
Nam Mô A Di Đà!
Nam Mô A Di Đà!
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng Phẩm.

 

15. Ý nghĩa bánh xe chuyển pháp luân?

Hỏi: Nhìn phù hiệu bánh xe có 12 căm, có người nói, đó là bánh xe luân hồi. Họ giải thích 12 căm là tượng trưng cho Thập nhị nhân duyên. Có người lại nói, đó là bánh xe Chuyển pháp luân. Xin hỏi: Qua 2 điều nói trên, không biết điều nào đúng ?

Đáp: Nếu bảo điều nào đúng, thì chúng tôi xin được thưa ngay:  người nói bánh xe có 12 căm, tượng trưng cho bánh xe luân hồi là đúng. Lý do tại sao? Tại vì giáo lý 12 nhân duyên từ “Vô minh đến Lão tử” là một chuỗi xích, một vòng lẩn quẩn mà chúng sanh bị trói buộc mãi trong “Tam giới lục đạo”. Muốn thoát khỏi hay cắt đứt chuỗi xích trói buộc nầy, thì mỗi người cần phải đoạn trừ vô minh, vì nó là tên thủ phạm chính gây ra đau khổ. Do đó, người ta dùng hình ảnh bánh xe có 12 căm để nói lên cái ý nghĩa luân hồi mà con người cứ mãi trầm luân thọ khổ. 
Còn bánh xe chuyển pháp luân, thì người ta làm bánh xe có 8 căm để tượng trưng. Con số 8 là tượng trưng cho Bát chánh đạo. Bát chánh đạo gồm có: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Vì trong Tứ diệu đế ( Khổ, Tập, Diệt, Đạo),  thì Bát chánh đạo thuộc về Đạo đế. Đạo đế gồm có 37 phần hay phẩm, thường gọi là 37 phẩm trợ đạo. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo gồm có: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần và Bát chánh đạo phần. Trong 37 phẩm trợ đạo nầy, thì Bát chánh đạo là quan trọng hơn cả. Vì đó là tám con đường đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ giải thoát. Nói cách khác, đó là 8 phương pháp diệt khổ để đạt được Niết bàn an lạc ( Diệt đế ). Do đó, để nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến tám con đường quan trọng nầy, nên người ta dùng bánh xe có 8 căm để biểu trưng cho ý nghĩa chuyển pháp luân vậy. 

 

16. Chư thiên thỉnh Phật thuyết pháp?

Hỏi: Ai cũng biết, Đức Phật vì lòng từ bi, nên Ngài mới thị hiện ra đời để hóa độ chúng sanh. Đã thế, thì lẽ ra, sau khi Ngài chứng quả đạt đạo rồi, phải đi thuyết pháp hoằng hóa độ sanh ngay, chớ tại sao lúc đầu Ngài có ý là muốn nhập diệt, rồi phải chờ đợi chư Thiên cung thỉnh Ngài, bấy giờ Ngài mới chiều theo ý chư Thiên mà đi hoằng hóa. Xin hỏi: Như thế, thì có trái với bản nguyện hay bản hoài ban đầu của Ngài khi ra đời không ?

Đáp: Xin thưa, không có gì là chống trái cả. Đọc lịch sử đức Phật, chúng ta đều biết, sau khi đắc đạo dưới cội bồ đề, hẳn nhiên, lúc đầu, Ngài có ý định nhập diệt. Lý do tại sao? Bởi vì, cái chân lý mà Ngài mới thâm chứng, nó quá cao siêu. Trong khi đó, căn cơ của chúng sanh thì quá nông cạn, nên khó có thể lãnh hội. Cho nên, lúc đầu, đức Phật có khởi ý muốn nhập Niết bàn.
Điều nầy, nếu xét kỹ, chúng ta thấy rất hợp lý. Hợp lý ở chỗ, cái mà đức Phật muốn đem ra chỉ bày cho chúng sanh, thì nó quá siêu việt vượt hơn trí năng thường tình của con người. Nếu nói ra, chắc gì họ hiểu được. Chẳng những không hiểu thôi mà họ còn kích bác chống lại, thì đó là một điều thật tai hại vô cùng. 
Thí dụ một người vừa mới tốt nghiệp tiến sĩ, có thể nào ông ta đứng trước giữa một đám người mà trình độ học vấn của họ chưa xong lớp tiểu học, để thuyết giảng cái đề tài luận án tiến sĩ mà ông ta mới vừa đạt được không? Ông ta biết chắc rằng, họ không thể nào nghe mà lãnh hội được. Do đó, ông ta không thể nào đứng ra thuyết giảng. Dẫu ông có thuyết giảng, người nghe không hiểu, họ sẽ sanh tâm chê bai khinh thường và tệ hơn nữa là họ sẽ chống đối kích bác. Như thế, nếu không khéo ông sẽ là người có tội. Vì chính ông gây ra cho người ta có niệm khinh chê. Dù rằng, trong lòng ông ta rất thương xót những người đó. 
Đức Phật cũng thế. Lúc đầu, Ngài cảm thấy rất khó khăn trong sự du thuyết hóa độ.
Điểm thứ hai, một chân lý cao siêu như thế, không thể tự nhiên Phật rao bày thuyết giảng. Bởi chung quanh Ngài toàn là ngoại đạo. Hơn nữa, nếu Ngài nói liền, e rằng, người ta có ý khinh  thường. Cái gì người ta khao khát mong muốn, thì điều mình nói mới có giá trị. Thế nên, phải có người cung thỉnh, Phật mới thuyết giảng.  Đây là một khía cạnh tâm lý rất độc đáo, mà ta cần phải học. Vào tai ra miệng, không khéo trở thành khua môi  múa mép. Vì thế, sự cung thỉnh của các vị Phạm thiên thật đúng thời và hợp lý. 
Nhờ vào sự cung thỉnh của các vị đó, bấy giờ đức Phật mới nghĩ đến phương cách giáo hóa. Đồng thời, Ngài quán sát căn cơ để rồi Ngài sẽ theo thứ lớp mà hóa độ. Những ai hữu duyên, thì Ngài độ họ trước. Và cuối cùng, Ngài không bỏ sót một ai. Ngài chuyển hóa tất cả, không một giai cấp nào mà Ngài không độ họ. Như thế, lòng từ bi của Ngài thật quá tràn trề. Vì đó là bản hoài của Ngài ra đời. Một bản hoài như trong Kinh Pháp Hoa đã nói: Khai « tri kiến Phật » cho tất cả chúng sanh. Và mục đích tối hậu của đức Phật là mong muốn mọi người đều thể nhập Tri kiến Phật đó. 
Nhưng có một điều họ thua ta là không gặp Phật pháp để tu. Một khi họ hưởng hết phước báo rồi, họ cũng phải trở lại nhơn gian để bắt đầu tu lại. Như thế luận cho cùng cũng chưa biết ai hơn ai? Nói thế, để thấy các vị trời hơn phước ta một bậc, thế mà Phật còn cấm người phật tử không được nương theo họ, hà tất gì đối với các loại Quỷ, Thần là những vị kém phước báo hơn chư Thiên, thế mà ta lại tin tưởng quy y với họ sao? Tin tưởng như thế, thì chỉ chuốc lấy thêm tai hại cho ta mà thôi, vì chính  mình đã đi ngược lại với giáo lý nhân quả Phật dạy, và gởi gắm thân phận mình ở một nơi mơ hồ mông lung nào đó, mà quên đi hạnh phúc hay khổ đau, tất cả đều do chính mình định đoạt lấy đời mình.

 

17. Vấn đề Quỷ Thần?

Hỏi: Đạo Phật là đạo giác ngộ. Mọi sự mê tín không bao giờ đạo Phật chấp nhận. Thế thì xin hỏi: Tại sao chúng tôi thấy rãi rác trong các kinh lại có nêu ra các vị Thần, như Thiên Thần, lâm Thần, thọ Thần, Quỷ, Thần v.v...  điều nầy, có ý nghĩa gì ? Có phải Phật giáo cũng tin có Quỷ, Thần mơ hồ hay không? Và có phải Phật giáo cũng tin tưởng vào đa Thần giáo không?

Đáp: Xin thưa, Đạo Phật dứt khoát không bao giờ chấp nhận việc mê tín Thần quyền, nhứt là những vấn đề tin nhảm nhí, theo một niềm tin mù quáng, không được điều động bởi lý trí. Phật giáo cũng không chủ trương lấy việc cúng tế Quỷ, Thần như là một điều van xin cầu khẩn để được các vị Thần linh ban phước, giải khổ. Tuy nhiên, theo quan niệm của Phật giáo, thì giữa vũ trụ bao la, thế giới vô lượng, và lẽ dĩ nhiên có vô số chúng sanh xuất hiện dưới mọi hình thức tùy theo nghiệp quả của mỗi loài mà có ra thiên hình vạn trạng sai biệt. Sự sai biệt đó, theo kinh điển của Phật giáo cho chúng ta biết, thì tùy theo nghiệp nhân của mỗi loài đã tạo, nên quả báo thọ thân chẳng đồng.
Như có loài sống ở dưới nước, như tôm, cá v.v... Có loài ở trên không, như chư Thiên... Có loài sống trên đất liền, như loài người và các loài động vật, thực vật khác. Như thế, Quỷ, Thần cũng là một loại chúng sanh như vô số chúng sanh khác. Vì vậy mà rãi rác trong các kinh điển của Phật giáo, tiêu biểu như Kinh Địa Tạng chẳng hạn, trong đó, Phật nêu ra có nhiều loại Quỷ, Thần. Nhưng nêu ra như thế, để nói lên nghiệp cảm sai biệt của mỗi chúng sanh trong thế giới lục đạo luân hồi, chớ không phải Phật nêu ra như thế là có ý chấp nhận Quỷ, Thần có quyền ban phước giáng họa, để rồi Phật khuyên mọi người nên tin tưởng cúng bái Quỷ, Thần . 
Điều nầy là một điều tối kỵ trong Phật giáo. Kinh Phật còn cho chúng ta biết thêm về thế giới quan, có chúng sanh hữu tình, có loài chúng sanh vô tình, có loài hữu hình hữu tướng, có loài vô hình vô tướng vân vân và vân vân. Tất cả đều tùy theo căn thức và nghiệp cảm mà có ra vô số sai khác. Như thế, thì không có một chúng sanh nào cai quản chúng sanh nào, ngoại trừ sự hỗ tương sinh thành theo luật nhân duyên nhân quả. 
Do đó, Đức Phật không bao giờ khuyên dạy bất cứ ai cầu xin nơi Quỷ, Thần, vì Quỷ, Thần vẫn còn là một chúng sanh cũng vẫn đang chịu khổ như bao nhiêu chúng sanh khác, chưa biết bao giờ thoát khỏi, nếu như Quỷ, Thần đó không biết hồi tâm chuyển ý lo tu niệm. 
Tóm lại, theo giáo lý của Phật giáo, Phật giáo có nói đến các loại Quỷ, Thần, như là một chúng sanh bị nghiệp cảm thọ báo mang hình hài nghiệp thức trong loài đó, chớ Phật giáo không chấp nhận quyền năng của bất cứ vị Thần sáng tạo nào, dù là nhất Thần, hay đa Thần cũng thế. 
Hơn thế nữa, Đức Phật chưa bao giờ khuyên đệ tử của Ngài tin tưởng vào Thần quyền. Và cũng không bao giờ chấp nhận cho đệ tử của Ngài cúng bái, cầu khẩn van xin điều nầy việc nọ với Quỷ, Thần. Nếu là đệ tử của Phật, đã quy y theo Phật giáo, thì trong 3 điều quy y có một điều Phật răn cấm là không được quy y với Thiên, Thần, Quỷ, Vật. Ngay cả như chư Thiên, người phật tử cũng không được nương tựa. Lý do tại sao? Xin thưa, vì các vị trời cũng vẫn là một chúng sanh, nói rõ hơn, họ với ta sánh vế thì ngang nhau, vì ta cùng họ đều là đệ tử của Đức Phật. Tất nhiên là huynh đệ với nhau. Chẳng qua là họ hơn ta ở chỗ thọ dụng phước báo mà thôi.

 

18. Sự khác biệt giữa Phật đản và Phật lịch?

Hỏi: Giữa Phật lịch và Phật đản khác nhau như thế nào?

Đáp: Hai danh từ nầy khác nhau rất xa. Phật lịch là nói Phật nhập Niết Bàn. Còn nói Phật đản là chỉ cho Phật ra đời. Căn cứ theo lịch sử, thì kể từ khi Phật ra đời cho đến khi Phật Nhập Diệt là 80 năm, tức ứng thân Phật sống được 80 tuổi. Do đó, nên mới có con số khác biệt giữa Phật đản và Phật lịch.

Nói Phật đản là người ta tính thời gian từ lúc Phật ra đời cho đến nay (2007) là 2631 năm. Lý do tại sao có ra con số 2631 nầy ? Bởi vì Phật ra đời trước Tây lịch 624 năm (Theo tài liệu Phật Học Phổ Thông Khóa thứ nhứt, Bài thứ 2 nói về Lược Sử Phật Thích Ca Mâu Ni, do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn) .

Năm nay tính theo Tây lịch là 2007 Đem con số 2007 nầy cộng với 624 thành ra là 2631 (2007 + 624 = 2631). Còn Phật lịch, thì người ta đem con số 624 (trước Tây lịch) trừ đi 80 năm Phật tại thế, thành ra còn lại là 544 năm, rồi đem con số 544 cộng với 2007 thành ra là 2551. (624 - 80 = 544 + 2007 = 2551 ) Như vậy tính theo năm nay là 2007, thì Phật lịch là 2551 năm. Còn Phật đản là 2631 năm.

 

19. Ý nghĩa những từ ngữ diễn tả Phật ra đời?

Hỏi: Cùng là nói lên ý nghĩa Phật ra đời, tiếng Anh chỉ dùng một từ là Buddha Birthday, trong khi đó thì tiếng Việt của chúng ta lại dùng nhiều từ ngữ diễn tả quá, nào là đản sanh, giáng sanh, thị hiện, xuất thế, lâm phàm, giáng trần v.v...Vậy xin hỏi: ý nghĩa của mỗi từ ngữ nầy như thế nào? Và nó có giống nhau hay là khác nhau?

Đáp: Qua câu hỏi nầy cho chúng ta thấy rằng, ngôn từ của tiếng Việt ta rất là phong phú. Cùng một vấn đề, nhưng lại có rất nhiều từ ngữ để diễn tả. Không phải như tiếng Anh chỉ có một từ ngữ để diễn tả thôi. Thế thì, ta phải hãnh diện về ngôn từ của ta rất là giàu có về từ ngữ chớ không phải nghèo nàn.

Những từ ngữ diễn tả trên, về danh từ tuy có khác, nhưng về ý nghĩa của mỗi từ ngữ thì không có khác mấy.

Danh từ « đản sanh » là nói lên ý nghĩa sự ra đời của Đức Phật nhằm đem lại cho muôn loài (trong đó loài người là quan trọng nhứt) một niềm vui hân hoan xán lạn, và đồng thời cũng là để tô điểm cho cõi đời nầy thêm nhiều hương hoa tươi đẹp.

Còn chữ « giáng sanh » hàm có nghĩa là Đức Phật từ một nơi cao xa mà xuống một chỗ thấp để sanh ra. Chữ « thị hiện », ý nói rằng, Đức Phật tu hành đã thành Phật trải qua nhiều đời nhiều kiếp rồi, nay vì muốn hóa độ chúng sanh ở cõi Ta bà nầy, nên Ngài giả đò hiện ra cái thân hình bằng xương bằng thịt như bao nhiêu con người trần tục khác, (Nhưng có điều khác là thân Ngài có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp) để cho Ngài dễ bề cảm hóa chúng sanh mà thôi. Nên trong kinh thường gọi cái thân Phật thị hiện là ứng thân, tức là một trong 3 thân Phật vậy.

Danh từ « xuất thế » có nghĩa là ra đời. Chỉ cho Đức Phật vì thương xót chúng sanh đang trầm luân trong biển ái vô minh nghiệp thức tràn đầy khổ lụy, nên Ngài xuất hiện ở thế gian nầy để cứu độ họ chóng được giải thoát.

Còn chữ « lâm phàm »: lâm là đến, phàm là chỉ cho cõi đời ngũ trược ác thế nầy. Nghĩa là ý nói rằng, vì chúng sanh đang lăn lộn trong cõi đời trược ác nầy, nên Đức Phật thương xót mà đến cõi nầy để độ họ. Chữ « giáng trần » cũng đồng nghĩa như giáng thế hay giáng sanh.

Tóm lại, những từ ngữ mà chúng tôi tạm giải thích khái lược qua, chúng ta thấy rằng, mỗi từ ngữ nó đều có mang một ý nghĩa đặc biệt của nó. Tuy phạm vi ý nghĩa rộng hẹp có khác, nhưng tựu trung cũng đều nói lên ý nghĩa chỉ cho Đức Phật ra đời để hóa độ chúng sanh. Hiện nay, danh từ Phật Đản là một danh từ rất được thông dụng phổ cập trên thế giới, hầu hết mọi người đều hay nói đến.

 

20. Sự khác biệt giữa cúng dường Tam Bảo Và Trai Tăng?

Hỏi: Sự phát tâm cúng dường Tam Bảo và cúng dường Trai Tăng giống nhau và khác nhau như thế nào?

Đáp: Xét chung, trên căn bản hay động cơ chính yếu của sự phát tâm thì có phần nào giống nhau. Vì cả hai đều có tấm lòng tốt và cả hai đều muốn gây tạo phước duyên với Tam Bảo. Như vậy là giống nhau trên căn bản phát tâm lành.

Tuy nhiên, nếu xét vi tế hơn, thì đôi khi cũng không giống nhau hẳn. Lý do tại sao? Bởi vì sự phát tâm nầy còn tùy theo tâm địa khởi phát của mỗi người rộng hẹp khác nhau, tức là cái chánh nhân gây tạo bất đồng, và lẽ đương nhiên khi kết quả cũng bất đồng. Bất đồng ở điểm nào? Nếu khi phát tâm cúng dường mà tâm ta phát khởi rộng lớn, vì lợi ích chúng sanh, muốn cho Tam Bảo mãi mãi được trường tồn trên thế gian, để mọi người biết đến mà tu tạo phước đức, được an vui giải thoát. Phát tâm như vậy, gọi là phát tâm rộng lớn. Và khi kết quả phước báo cũng rộng lớn.

Ngược lại, nếu khi cúng dường mà ta chỉ mong cầu chư Phật, Bồ tát gia hộ độ trì cho bản thân mình hoặc cho gia đình mình được bình an. Đồng thời được mua may bán đắt, nhà cửa giàu sang, con cái thành tài đỗ đạt, mọi sự đều được hanh thông như ý muốn, người phát tâm cúng dường như vậy, gọi là phát tâm nhỏ hẹp, cộng thêm có lòng tham muốn quá ích kỷ, chỉ nghĩ riêng cho mình và gia đình mình thôi.

Do sự phát tâm ích kỷ nhỏ hẹp đó, kết quả cái phước báo cũng rất là nhỏ hẹp. Đó là điểm khác biệt vi tế ở nơi cái nhân khi phát tâm cúng dường. Đó là nói giống nhau và khác nhau ở nơi tâm niệm cũng như giống nhau và khác nhau ở nơi mục đích đạt được.

Còn nếu xét trên hình thức, thì giữa cúng dường Tam Bảo và cúng dường Trai Tăng rất khác nhau. Khác nhau như thế nào? Xin thưa, nói Tam Bảo gồm có Phật, Pháp và Tăng.

Cúng dường Phật Bảo là như thế nào? Về Phật, thì tuy rằng Đức Phật không còn tại thế, nhưng để tưởng nhớ công ơn lớn lao mà Đức Phật đã giáo hóa chúng sanh, nên người ta tạc tạo hoặc chạm đúc những hình tượng để tôn thờ. Do đó, nên người Phật tử phát tâm ủng hộ tịnh tài để thỉnh tượng Phật thờ phụng trong các chùa, hoặc xuất tiền thỉnh tượng Phật về thờ ở nhà v.v... đều được gọi là cúng dường Phật Bảo.

Cúng dường Pháp Bảo là như thế nào? Vì muốn cho chánh giáo của Phật mãi được lưu truyền sâu rộng trên thế gian, nên người phật tử cùng nhau góp tiền lại để in kinh ấn tống cho mọi người cùng tụng đọc, hiểu đạo mà tu hành, thì đó gọi là hùng phước cúng dường Pháp Bảo.

Cúng dường Tăng Bảo là sao? Nếu Phật, Pháp đã có mà không có chư Tăng, Ni những bậc tu hành chơn chánh, để thay Phật hoằng truyền thuyết giảng giáo pháp của Phật, thì người phật tử tại gia cũng không thể nào am hiểu được để ứng dụng tu hành.

Thế nên, người phật tử cần phải tu tạo phương tiện bằng cách Tứ sự cúng dường (y phục, sàng tòa, thực phẩm và y dược) để cho chư Tăng Ni có thêm chút ít phương tiện tu hành cũng như trong việc hoằng hóa. Đó gọi là cúng dường Tăng Bảo.

Nói tóm lại, đây là cúng dường Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo. Còn cúng dường Trai Tăng, chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp. Đây là người Phật tử noi theo tấm gương hiếu hạnh của Tôn Giả Mục Kiền Liên, thiết lễ Trai tăng cúng dường để cầu siêu độ cho mẫu thân của Ngài.

Buổi lễ Trai tăng nầy, được các chùa thực hiện vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, sau khi chư Tăng Ni làm lễ Tự Tứ mãn hạ. Từ đó, mới có lễ Trai tăng truyền thống nầy. Do cớ đó, nên người Phật tử mỗi khi trong thân quyến của họ có người thân qua đời, (thông thường đến 49 ngày cúng chung thất), thì họ thường hay thiết lễ Trai tăng ở trong chùa hoặc ở tại nhà (thường là tổ chức Trai tăng ở chùa nhiều hơn, vì có nhiều tiện lợi) để cầu siêu độ cho người quá cố. Như vậy, buổi lễ nầy, những phẩm vật mà người phật tử dâng lên cúng dường chỉ riêng chư Tăng Ni hiện tiền được quyền hưởng dụng. Nói rõ ra, những tài vật nầy là thuộc quyền sở hữu cá nhân của những vị có mặt trong buổi lễ Trai tăng đó thôi.

Điều nầy, không có liên hệ gì đến phần cúng dường Tam Bảo như đã nói ở trên. Phần trên là phần chung, thập phương tăng đều có quyền hưởng dụng. Còn phần nầy là phần riêng của mỗi người. Mặc dù trong Tam Bảo có cúng dường tăng, nhưng đây cũng là của chung của Tam Bảo mà chư Tăng Ni không có quyền xử dụng tài vật đó cho riêng mình, ngoại trừ Phật tử ủng hộ riêng thì được. Đó là điểm khác biệt giữa cúng dường Tam Bảo và cúng dường Trai Tăng đại khái là như thế.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 266
    • Số lượt truy cập : 6947011