Học

100 Câu hỏi Phật pháp (Tập 1) - Câu 31 - 40

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 1)

Tỳ kheo THÍCH PHƯỚC THÁI

 

31. Ý nghĩa chữ vạn?

Hỏi: Tại sao trước ngực của tượng Phật Thích Ca có hình chữ Vạn? và ý nghĩa của chữ vạn như thế nào? Và không hiểu lý do tại sao hình chữ Vạn có khi có chiều xoay bên phải, có khi có chiều xoay bên trái?

Đáp: Chữ vạn là một trong 32 tướng tốt của Đức Phật. Đây là biểu thị cái công đức của Phật. Sở dĩ nó ứng hiện ở nơi ngực của Phật là để nói lên cái ý nghĩa giác ngộ vẹn toàn của Phật. Ở chính giữa ngực là tượng trưng cho lý Trung Đạo, không kẹt hai bên, vượt ngoài đối đãi.

Về ý nghĩa của nó, theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang giải thích, thì nó có nghĩa là cát tường hải vân hay cát tường hỷ toàn. Còn về chiều xoay bên phải, bên trái không đồng nhứt, thì cũng theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang giải thích như sau:

“Hình chữ Vạn,(xin vẽ chữ vạn có chiều trên xoay về bên trái vào đây) vốn là dấu hiệu biểu thị sự tốt lành ở Ấn Độ thời xưa. Ngoài Ấn Độ thì Ba Tư, Hy Lạp đều có phù hiệu nầy, thông thường được xem là tượng trưng cho mặt trời, ánh chớp, lửa, nước chảy.

Ở Ấn Độ thời xưa, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ na giáo, đều sử dụng chữ nầy. Đầu tiên, người Ấn Độ cho rằng phù hiệu nầy là sợi lông xoắn ở ngực của Phạm thiên, Tỳ thấp nô (Phạn: Visnu), cát lật sắt noa (Phạn: Krsna) và thông thường coi đây là dấu hiệu của sự tốt lành, thanh tịnh, tròn đầy. Trong Phật giáo, chữ Vạn (chiều trên xoay về bên trái ) là tướng tốt lành ở trước ngực của Phật và hàng Bồ tát Thập Địa, về sau dần dần trở thành dấu hiệu đại biểu cho Phật giáo.”

Xưa nay có nhiều thuyết nói về chữ vạn. Về Hán dịch chữ vạn, Cưu ma la thập và Huyền Trang dịch là chữ « Đức », Ngài Bồ đề lưu chi thì dịch là chữ Vạn, biểu thị ý nghĩa công đức tràn đầy. Còn trong Tống Cao Tăng Truyện 3 thì cho rằng nếu chữ Vạn (chiều trên xoay về bên trái) mà dịch là vạn thì chẳng phải dịch ý mà là dịch âm. Nhưng âm của chữ Srivatsalaksana ban đầu không được đưa vào Kinh truyện, đến năm 639 thời Võ Tắc Thiên mới đặt ra chữ nầy, đọc là vạn và cho rằng chữ nầy có ý nghĩa là nơi nhóm hợp của muôn điều tốt lành. Nhưng chữ Vạn (chiều trên bên trái) vốn là một ký hiệu chứ chẳng phải là một chữ. Sở dĩ xưa nay đọc liền là vạn tự một mặt là do tập quán, chủ yếu nhất là do lầm lẫn khi dịch từ tiếng Phạn sang Hán. Vì chữ Phạn Laksana, dịch âm là Lạc sát nẳng, nghĩa là tướng; mặt khác chữ Phạn aksara dịch âm là Ác sát la, nghĩa là Tự. Có lẽ 2 âm Laksana và aksara gần giống nhau cho nên ý nghĩa của chúng bị lẫn lộn. Nói theo đây thì chữ Vạn (chiều trên bên trái) tự nên đọc là tướng, (vạn tướng) mới phù hợp với nghĩa gốc của chữ Phạn.

 

32. Mười hai loại cô hồn?

Hỏi: Xin cho biết 12 loại chúng sinh hay cô hồn gồm có những loại nào?

Đáp: Mười hai loại cô hồn gồm có :

1. Lụy triều đế chúa (các vua chết vì phản loạn, tai nạn đổi đời)

2. Quan tướng vương triều và Oai tướng phản thần.

3. Bá quận danh thần.

4. Bạch ốc thư sinh.

5. Xuất trần thượng sĩ (tức là hàng tu sĩ chỉ nói suông lời Phật dạy, không thực hành pháp và còn bị vướng mắc một cái gì đó).

6. Huyền môn đạo sĩ.

7. Thương gia lữ khách và kẻ buôn tảo bán tần.

8. Chiến sĩ trận vong.

9. Sản phụ bất hạnh (lúc thai sản mất cả mẹ lẫn con).

10. Khuyết tật thiếu tu.

11. Cung phi mỹ nữ và hạng buôn hương bán phấn.

12. Tù nhân tử tội.

Ngoài ra, còn phải kể đến kẻ chìm sông lạc suối, kẻ nằm cầu gối đất, kẻ cơ bần khất cái và kẻ gieo giếng thắt dây... (Theo quyển sách Cốt tủy Giáo lý Phật, Bốn tiến trình đi tới Hạ Thủ Công Phu của tác giả Tâm Tịnh, trong phần Thay lời tựa Viết cho một người khách đường xa)

 

33. Tụng Kinh ở nhà có cần đánh chuông mõ không?

Hỏi: Ở nhà, chúng con thường tụng kinh vào những buổi tối, nhưng con không biết đánh chuông mõ, vậy chúng con chỉ tụng niệm không cần đến chuông mõ có được không? Và tụng như thế nào mới được lợi ích?

Đáp: Việc tụng niệm, mục đích là để hiểu nghĩa lý trong kinh, xem Phật dạy những gì, rồi từ đó chúng ta áp dụng vào đời sống hằng ngày. Như thế mới có lợi ích. Vì vậy, khi tụng đọc, chúng ta nên tụng đọc chậm rãi, không nhứt thiết là phải có chuông mõ. Sở dĩ có chuông mõ là vì có nhiều người tụng đọc. Công dụng của mõ là để giữ trường canh để mọi người tụng đọc, cho nó có nhịp nhàng hòa âm với nhau, không có kẻ tụng trước, người tụng sau. Nên việc đánh mõ cũng khá quan trọng.

Người đánh mõ cần phải học cách đánh sao cho nó giữ trường canh đều đặn. Bởi thế, trong Thiền môn gọi người đánh mõ là Duyệt chúng. Duyệt là vui vẻ, chúng là nhiều người, nghĩa là làm cho mọi người trong thời khóa lễ tụng niệm, tất cả đều được an vui. Như thế, thì người đánh mõ mới có phước. Bằng ngược lại, không biết cách đánh, trường canh nhịp điệu không đều, khi thì nhanh quá, lúc lại chậm quá, làm cho mọi người tụng đọc không hài lòng, nổi phiền muộn. Như thế, thì người đánh mõ càng thêm mang tội.

Còn người giữ bên chuông để thỉnh chuông, gọi là Duy Na. Duy na có nghĩa là người điều khiển buổi lễ. Thường ở chùa, vì có nhiều người tụng niệm, nên cần phải có chuông mõ.

Ngược lại, ở nhà, nếu Phật tử chỉ tụng niệm một mình, thì không cần phải đánh mõ chuông. Nếu như trong nhà đã có mõ chuông, thì khi tụng niệm muốn đánh cũng được không có sao. Tuy nhiên, tốt hơn là không cần sử dụng đến những khí cụ nầy. Trường hợp không có thì thôi. Khi tụng niệm, tùy theo sức khỏe và thói quen, tụng lớn tiếng hay nhỏ tiếng hoặc tụng niệm thầm đều được cả.

Xin nhắc lại, mục đích của sự tụng niệm cốt để hiểu rõ nghĩa lý trong kinh qua những lời Phật dạy, để từ đó, chúng ta đem ra ứng dụng vào đời sống, như vậy mới có lợi ích thiết thực. Nếu như, khi tụng mà không hiểu rõ nghĩa lý Phật dạy, thì Phật tử nên đến chùa cầu chư Tăng, Ni chỉ dạy cho.

 

34. Nêm nếm đồ mặn vào những ngày ăn chay?

Hỏi: Con ăn chay một năm 4 tháng, một tháng con ăn 10 ngày, nhưng những ngày ăn chay, con phải nấu cơm cho gia đình ăn. Cho nên khi nấu ăn, con vẫn nêm nếm bình thường, vì sợ gia đình ăn không ngon, rồi dư thức ăn bỏ thì tội, nên con làm như vậy có được hay không?

Đáp: Người Phật tử phát nguyện ăn chay là một điều tốt. Vì ăn chay, mục đích là để nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh bớt việc giết hại sinh vật. Tuy nhiên, vì còn sống chung trong gia đình, lại là người nội trợ lo việc nấu nướng cho gia đình, nên khi nấu cần phải nêm nếm thức ăn. Thật ra, việc nêm nếm không có gì là tội lỗi cả. Vì xưa kia, Đức Lục Tổ Huệ Năng khi còn trong thời gian lánh nạn, sống chung với những người thợ săn, nên mỗi bữa ăn, Ngài hái rau bỏ luộc chung trong nồi thịt của họ, rồi Ngài vớt lấy rau mà ăn. Ngài ở ngôi vị Tổ, vì hoàn cảnh bắt buộc phải ăn như thế.

Nay Phật tử cũng vì hoàn cảnh gia đình, nên không thể vì mình mà để những người thân: chồng con trong gia đình phải mất vui. Theo chúng tôi, thì việc nêm nếm đó không có gì tội lỗi cả. Điều quan trọng là ở nơi tâm ý của mình. Nếu trong khi nếm thử như thế, mà mình khởi tâm tham muốn thèm thuồng, thì điều đó là có lỗi. Có lỗi là tự mình dối với lòng mình, chớ không có lỗi với ai. Còn nếu, trong khi nêm nếm mà không có tác ý thèm muốn, thì không sao. Vậy, Phật tử nên tự hỏi lại lòng mình có như thế không? Nếu có, thì tốt hơn hết là hãy để cho những người ăn mặn chính họ tự nêm nếm lấy.

 

35. Ý nghĩa kiết thất và đả thất?

Hỏi: Kiết thất, đả thất và kết kỳ niệm Phật ý nghĩa của chúng giống nhau hay khác nhau?

Đáp: Kiết thất, đả thất và kết kỳ niệm Phật ý nghĩa không khác nhau. Cả ba danh từ nầy, đều có một ý nghĩa chung là hành giả tránh bớt duyên trần để yên tu. Kiết thất là ở trong ngôi nhà nhỏ hay một gian phòng, dứt hết duyên ngoài, chỉ chuyên tu (tùy theo pháp môn mà hành giả đã chọn) như niệm Phật trong khoảng bảy ngày. Nhưng tại sao phải bảy ngày, không sáu ngày hoặc tám ngày? Kinh dạy: “Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn nào, nghe nói đến Phật A Di Đà, giữ niệm danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày một lòng không loạn”. Trong Kinh không nói chỉ sáu ngày, hay quá đến tám ngày, cho nên người tu Tịnh độ xưa nay căn cứ theo kinh quy định thời gian để kết kỳ niệm Phật trong bảy ngày. Từ đó, hành giả có thể tùy ý tăng thời gian thêm hoặc 21 ngày hay 49 ngày v.v… Mục đích là để hành giả đạt được Chánh định hay Nhứt tâm bất loạn mà thôi.

Còn nói Đả thất, chữ đả có nghĩa là đánh. Nói đủ là “đả thành nhứt phiến”, nghĩa là đánh cho thành một khối tịnh niệm. Đả thất niệm Phật có khi nhiều người đồng tu, hoặc chỉ một người cho dễ được thanh tịnh. Như vậy, ba danh từ tuy có khác, nhưng, tựu trung ý nghĩa cũng giống nhau.

 

36. Ý nghĩa tướng lưỡi rộng dài?

Hỏi: Trong Kinh Di Đà có nói tướng lưỡi của Phật rộng dài che khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Xin hỏi: Hiện tượng nầy như thế nào? Có đúng như vậy không?

Đáp: Hiện tượng đó, chỉ là ý nghĩa tiêu biểu tượng trưng thôi. Chớ không phải là có thật như vậy. Ý nói: Sở dĩ Phật được tướng lưỡi rộng dài như thế, do vì trải qua vô số kiếp, Phật chưa từng nói dối, nên mới được như vậy. Ngược lại, phàm phu chúng ta vì trải qua nhiều đời nói dối, nói thêu dệt, nói lời trau chuốt để gạt gẫm thiên hạ, mưu đồ trục lợi cho mình, nên kết quả, tướng lưỡi của chúng ta hiện nay dài không quá 3 tấc.

Trong Kinh nói: người nào ba đời không nói dối, thì lưỡi le ra đụng tới chót mũi. Kinh diễn tả nêu ra như thế, nhằm mục đích khuyên chúng ta không nên nói dối, mà phải nói lời chân thật. Lời nói chân thật, kết quả nói ra ai cũng tin và nghe theo. Nếu như, chúng ta y theo kinh mà giải nghĩa, tướng lưỡi của Phật trùm khắp như vậy, thì làm sao Phật nói chuyện thuyết giảng. Cho nên nói: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhứt tự, tức đồng ma thuyết”. Qua lời nói nầy, chúng ta cần phải cẩn trọng trong khi giảng giải kinh điển Phật giáo.

 

37. Chư Thiên dâng hoa cúng dường?

Hỏi: Trong kinh diễn tả, khi Đức Phật thuyết pháp có các chư Thiên đến tung hoa cúng dường. Xin hỏi: Chư Thiên từ cõi nào đến? Và hoa từ đâu mà có?

Đáp: Nếu bảo chư Thiên từ cõi nào đến, thật sự chúng tôi không biết. Chỉ thấy trong kinh nói là chư Thiên ở các cõi Trời, như cõi Dục gồm có 6 cõi Trời: Tứ thiên vương thiên, Đao lợi thiên, Dạ ma thiên, Đâu suất thiên, Hóa lạc thiên và Tha hóa tự tại thiên. Nhưng thực tế, thì chúng ta không thấy. Mà không thấy, thì làm sao nói được.

Tuy nhiên, theo chỗ chúng tôi hiểu, thì chư Thiên cũng từ nơi con người mà ra, chớ không có ở đâu xa. Tại sao chúng tôi dám nói như thế? Bởi vì, chúng ta thử nghiệm xét kỹ lại coi: Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác… những vị nầy từ đâu mà có? Có phải các ngài từ cõi nào xa xôi đến đây không? Hay tất cả cũng chỉ là con người? Đã là con người, thì các ngài cũng có một đời sống: ăn, mặc, ở bình thường như chúng ta. Chẳng qua các Ngài khác hơn chúng ta là ở chỗ trình độ giác ngộ của các Ngài hơn chúng ta mà thôi. Xét nhân địa tu hành và quả vị đạt được của những vị nầy mỗi mỗi đều có sai khác. Căn cứ trên nhân và quả mà các Ngài có những tên gọi khác nhau. Nhưng tựu trung cũng là con người và sống ở cõi nầy.

Chư Thiên cũng thế. Những vị nầy cũng là con người, nhưng khác hơn con người thường là ở chỗ, những vị nầy do thực hành Thập Thiện mà kết quả được thụ hưởng phước báo an vui hơn những người giữ 5 giới và những người không biết tu hành giữ giới. Nên gọi những vị nầy là Trời. Như vậy, thì chúng ta thấy nó rất thực tế trong sự tu hành. Tất cả đều căn cứ trên quả vị đạt được mà có những tên gọi khác nhau đó thôi. Đây là theo chỗ nghiên cứu hiểu biết của chúng tôi. Dĩ nhiên, mỗi người có những lý giải và nhận xét hiểu biết khác nhau.

Nhưng theo tôi, lý giải nào cũng phải phù hợp và phải dựa trên thực tế. Vì đạo Phật là đạo thực tế, không viễn vông mơ hồ, huyền hoặc. Nếu bảo rằng, chư Thiên ở các cõi khác đến, cõi đó ở đâu? Và hình thù của họ ra sao? Nhân địa tu hành của họ, chỉ là tu mười điều lành thôi. Nếu họ từ các cõi khác đến, tất nhiên họ phải có thần thông. Thần thông của họ phải nhanh hơn gấp mấy ngàn lần phi thuyền hiện nay.

Các khoa học gia dùng phi thuyền khám phá các hành tinh khác, bay lượn khắp trong không gian, cho đến nay cũng chưa tìm thấy một vị Trời nào cả. Như vậy, hiện tại có người, họ cố gắng giữ đúng mười điều lành, nhưng họ nào có thần thông đâu. Những vị xuất gia tu hành hiện nay, dĩ nhiên các ngài nầy tu hành phải vượt hơn mười điều lành, nhưng thực tế, ta chưa từng thấy vị nào có thần thông biết bay từ nơi nầy đến nơi kia. Thần thông của những vị nầy là máy bay, thì có. Chư Thiên không phải từ cõi khác đến, thì làm gì có hoa từ cõi khác.

Tóm lại, qua những luận cứ trên, theo tôi quả quyết, trong kinh nói chư Thiên cũng chính là con người mà thôi. Nhưng con người giữ tròn Thập Thiện, nên được phước báo an vui hơn những người thường khác. Và hoa họ dùng để cúng dường Phật, cũng chính là những đóa hoa ở trên mặt đất nầy. Chỉ có thế thôi.

 

38. Ý nghĩa danh hiệu Đại Thế Chí và sự động đất?

Hỏi: Danh hiệu Đại Thế Chí có ý nghĩa gì? Và trong kinh có nói: Khi Phật ra đời đại địa rúng động. Vậy xin hỏi: Hiện tượng quả đất rúng động nầy có giống với hiện tượng động đất hiện nay không?

Đáp: Danh hiệu Đại Thế Chí là tiêu biểu cho người có một trí huệ siêu việt và một ý chí, nghị lực phi thường. Ngài là một vị Bồ tát hầu cận bên đức Phật Di Đà. Căn cứ theo tượng Tam Thánh (Di Đà, Quán Âm, Thế Chí) thì Ngài đứng bên hữu và Bồ tát Quán Âm đứng bên tả. Ngài tiêu biểu cho đại trí huệ. Bồ tát Quán Âm tiêu biểu đại từ bi. Bi và trí phải song vận. Cả hai không thể thiếu một trong sự tu hành, cũng như khi ra giáo hóa. Thế nên Bồ tát Đại Thế Chí và Bồ tát Quán Âm không tách rời nhau.

Ngài luôn dùng trí huệ soi sáng để hóa độ chúng sanh ở cõi đời uế trược nầy.Vì trí huệ có công năng phá tan mọi si mê. Hình ảnh của Ngài nói lên một sức mạnh trí huệ phi thường mà người tu hành cần phải có. Nhờ có trí huệ chỉ đạo nên mới dẹp trừ hết vô minh phiền não.

Có như thế, thì hành giả tu hành mới mau được giải thoát. Nên mỗi khi niệm đến danh hiệu Ngài, chúng ta nhớ đến trí huệ sáng ngời và ý chí kiên cường dũng mãnh của Ngài. chúng ta quyết noi gương Ngài và kiên quyết vượt thắng mọi chướng duyên thử thách trên bước đường tu học. Có thế, thì mới xứng đáng niệm danh hiệu Ngài. Và chúng ta mới có được lợi ích.

Còn nói Phật ra đời, cả đại địa đều chấn động, đây cũng là một sự tiêu biểu mà thôi. Thường khi có một vị Thánh nhơn ra đời, thì có những hiện tượng khác thường. Điều nầy nói lên một sự kỳ đặc mà người thường không bao giờ có. Sự chấn động đó không phải là như động đất hiện nay. Nếu cả đại địa đều động đất như hiện nay, thì cả nhơn loại làm sao sống sót. Như vậy, Phật ra đời có ích lợi gì cho nhơn loại đâu? Chẳng những không đem đến sự lợi ích cho nhơn loại, mà còn hủy diệt nhơn loại nữa. Như thế, sao gọi là Phật được?

Hiện tượng động đất hiện nay là một hiện tượng tự nhiên của thiên nhiên. Đó là dấu hiệu cho chúng ta biết quả địa cầu đã đến hồi nứt rạn và đi lần đến tan hoại. 

 

39. Thờ Phật Thích Ca mà chào nhau A Di Đà?

Hỏi: Tại sao ở cõi nầy, đại đa số đều thờ Phật Thích Ca, mà Phật tử gặp nhau, thì lại chào nhau bằng câu Phật hiệu A Di Đà Phật mà không niệm Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật?

Đáp: Vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ ở cõi Ta Bà nầy, nên người ta tôn thờ Ngài là để nhớ đến công ơn giáo hóa lớn lao của Ngài. Nhờ sự chỉ giáo của Ngài mà người ta noi theo tu hành nên được giải thoát. Do đó, hầu hết các chùa Phật giáo Bắc Tông cũng như Nam Tông đều kính trọng tôn thờ Ngài. Còn về danh hiệu của Ngài, người ta chỉ niệm vào những dịp lễ lộc hoặc vào những thời khóa lễ tụng niệm. Chớ người ta không niệm danh hiệu Ngài khi gặp và chào nhau. Bởi lẽ, phật giáo có nhiều Tông phái, nhưng chỉ có những người tu theo Tịnh độ tông mới chào nhau bằng câu Phật hiệu A Di Đà mà thôi. Còn các Tông phái khác, thì không có.

Sở dĩ những liên hữu phật tử khi gặp và chào nhau như thế, mục đích là để họ thức nhắc cho nhau về một vị Giáo Chủ mà họ đang hướng lòng về mong mỏi gặp Ngài. Đây là một cách chào nhau vừa lịch sự trang trọng mà cũng vừa thức nhắc cho nhau đừng quên câu hiệu Phật. Vì người tu Tịnh Độ, lấy câu trì danh Phật hiệu: “Nam Mô A Di Đà Phật” làm phương châm hành trì. Bất luận thời gian và nơi chốn nào, hành giả cũng phải lưu tâm nhớ niệm. Có thế, thì mới mong đạt thành ý nguyện vãng sanh về Cực lạc. Do đó, nên việc thức nhắc cho nhau bằng cách chắp tay xá chào và cả hai đồng niệm câu A Di Đà Phật, thật là hợp lý và hữu ích.

 

40. Làm sao cho mẹ con khỏi tội?

Hỏi: Vào những ngày thọ Bát, con nhờ con của con chở giùm, thì thấy nó không vui. Con kêu xe taxi đi, khi đến chùa thọ Bát tu học, thì con cảm thấy rất buồn. Vậy xin hỏi làm sao cho hai mẹ con đều không mang tội?

Đáp: Nếu Phật tử buồn vì nhờ con chở đến chùa mà nó không vui lòng giúp cho, thì tôi thành thật khuyên Phật tử không nên buồn. Vì Phật tử nhờ mà nó không chở, đôi khi nó có những lý do riêng của nó. Phật tử nên chịu khó tìm hiểu mà cảm thông với tuổi trẻ ở xứ nầy. Nếu nó không chở, Phật tử kêu taxi đi, thì có gì đâu phải buồn và cũng không có gì là mang tội cả.

Nếu Phật tử buồn, thì chỉ thêm thiệt thòi cho mình trong ngày thọ Bát tu học mà thôi. Mục đích phật tử đến chùa tu học là để cho tâm được an tĩnh vui vẻ. Chớ nếu như mang tâm sự buồn phiền thì đâu có lợi ích gì! Cho nên, khi nào mình nhờ con mà nó vui vẻ giúp chở giùm, thì đó là đứa con có hiếu và rất tốt. Vì nó ý thức bổn phận làm con, biết yêu thương tôn kính và đây cũng là dịp tốt để chúng nó báo ân phần nào cho cha mẹ. Còn nếu nó không chở, thì mình nên tự xét, biết đâu vì mình thiếu phước, nên không thể nhờ con được.

Xét như thế, thì mình lại cố gắng tu nhiều hơn. Phật tử nên tìm hiểu: vì sao nó không chở mình? Phật tử có làm gì nó buồn không? Hay là tại vì nó làm việc gì đó mệt nhọc, hoặc thức khuya học hành hay cuối tuần tiệc tùng với bạn bè, nên nó cảm thấy mệt mỏi cần phải ngủ thêm cho đủ sức khỏe. Như thế, thì Phật tử nên thương và cảm thông nhiều hơn, chớ đừng có thái độ trách móc hay la rầy làm mình mất vui mà chúng nó cũng mất vui. Đã mất vui, thì việc đi chùa của Phật tử thật sự không được lợi ích.

Tốt hơn hết, là Phật tử nên khéo léo linh động mà xử sự sao cho việc đi chùa của mình và trong gia đình đều được hòa thuận an vui, như thế, mới xứng đáng là một Phật tử hiểu đạo tu hành và mới cảm hóa được gia đình. Bằng ngược lại, thì sẽ gây thêm sự phiền não cho mình và cho gia đình mà thôi.

Không nên vì một việc nhỏ nhoi như thế, mà làm cho gia đình mất đi hòa khí. Nhứt là tình mẹ con phải bị sứt mẻ. Đôi khi chúng nó còn chê cười mình là chỉ biết đi chùa thôi, chớ thật sự không biết tu hành gì cả. Vì người biết tu là phải luôn sửa đổi tâm tánh, làm thế nào cho phiền não tham, sân, si… càng ngày càng mỏng dần, thì điều đó mới hay và mới thực sự là người biết tu hành.

Tóm lại, nếu phật tử nhờ nó mà nó không chở, phật tử buồn giận nó, thì lòng phật tử bất an. Như vậy, thì chính mình càng thêm phiền não, sự tu hành không được tiến bộ. Còn con của phật tử không phải có tội với Phật mà chỉ có lỗi là làm cho phật tử không vui. Như vậy, tốt hơn hết là mẹ con nên hiểu và thông cảm, thương yêu giúp đỡ cho nhau, thì thật là tốt đẹp biết mấy. Và như thế, thì việc tu hành hay đi chùa của phật tử cũng như bổn phận làm con trả hiếu phần nào cho cha mẹ, cả hai đều được lợi ích thiết thực vậy.

Kính chúc phật tử nên cố gắng an nhẫn tu hành.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 180
    • Số lượt truy cập : 6947256