Học

100 Câu hỏi Phật pháp (Tập 1) - Câu 41 - 50

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 1)

Tỳ kheo THÍCH PHƯỚC THÁI

 

41. Sau khi thọ bát về nhà nấu đồ ăn mặn có lỗi không?

HỏiNgày con đi thọ bát đến chiều về nhà. Khi về nhà, con làm thức ăn mặn cho con của con ăn. Xin hỏi: Như thế có được hay không?

Đáp: Câu hỏi của Phật tử không nói rõ là khi Phật tử thọ bát từ sáng đến chiều trong ngày chủ nhật, hay là thọ bát ngày thứ bảy mà Phật tử không ngủ lại chùa, chiều lại về lo cơm nước cho con. Nếu Phật tử chỉ thọ bát ngày chủ nhật, sáng thọ giới tu học đến chiều xả giới, thì việc nấu nướng của Phật tử không có gì sai trái.

Ngược lại, nếu Phật tử phát nguyện thọ bát trong thời gian 24 tiếng đồng hồ, nghĩa là từ sáng thứ bảy cho đến sáng chủ nhật mới xả giới, thì việc về nhà nấu mặn của Phật tử, nó không đúng luật Phật chế. Vì Phật tử đã phát nguyện tịnh tu trọn một ngày đêm ở tại chùa, mà Phật tử về nhà ngủ nghỉ, như thế là đã trái với luật Phật chế cho người tại gia thọ bát quan trai giới tập tu theo công hạnh của người xuất gia rồi. Như vậy, nếu Phật tử hỏi về việc thọ bát trọn một ngày đêm, thì tôi thành thật khuyên Phật tử tốt hơn hết là nên sắp xếp việc nhà cho ổn thỏa, trước khi Phật tử đến chùa thọ bát. Có như thế, thì cả hai mới được an vui, lợi ích.

 

42. Giải quyết thế nào giữa mẹ con được vui?

Hỏi: Nếu ngày thọ bát, con của con cần đến con giúp một vài việc cần thiết, khi ấy, con không đến chùa thọ bát được, thì lòng con cảm thấy bất an. Còn nếu con không nhận giúp cho con của con, thì nó không vui. Vậy xin hỏi: Phải giải quyết như thế nào cho cả hai đều được vui vẻ?

Đáp: Việc nầy thật khó giải quyết cho cả hai đều được lưỡng toàn. Vì ở đời, người ta thường nói: “Không ai có thể bắt cá hai tay”. Nếu cố tình bắt như thế, thì rốt lại chỉ là uổng công mà không được gì cả.

Trường hợp trên, chúng tôi chỉ xin thành thật khuyên nhắc Phật tử, nên mở rộng cõi lòng mà giúp cho con nó được vui vẻ. Bởi lẽ, Phật tử còn ở tại gia, đương nhiên là nó còn sự quan hệ mật thiết trong gia đình rất lớn. Nếu chỉ vì sự lợi ích cho riêng cá nhân mình, mà mình không nghĩ gì đến sự giúp đỡ cho kẻ khác, thì điều đó nó cũng chưa đúng ý nghĩa của sự tu hành. Hơn nữa, sự giúp đỡ đó, lại là giúp cho người thân ruột thịt của mình. Sự tu hành ở tại gia, Phật tử nên cố gắng giữ làm sao cho mình và người, nói chung là trong gia đình đều được thuận thảo trong ấm ngoài êm, như thế, mới thật là quý giá tốt đẹp. Bằng ngược lại, mình chưa thật sự cắt đứt mối giây liên hệ, thì làm sao lòng không áy náy buồn phiền khi mình làm theo ý mình.

Như vậy, cả hai đều mất vui. Giả như, ngày hôm ấy, Phật tử nhứt quyết là phải tới chùa thọ bát, nhưng Phật tử nên tự tra vấn lại lòng mình, mình có thật sự an tâm tu học hay không? Hay là thân tuy ở trong chùa, mà tâm thì mãi bị ray rứt dày xéo khó chịu khi nghĩ đến mình không giúp được cho con mình.

Từ đó, mình cảm thấy hối hận buồn lòng cho chính mình. Như vậy, thì thử hỏi suốt ngày thọ bát hôm đó, Phật tử có được yên tâm tu học với chúng bạn hay không? Và có được chút gì lợi lạc cho tâm hồn hay không? Chẳng những không được lợi lạc mà còn có tội nữa. Vậy tốt hơn hết, Phật tử nên giúp cho con của Phật tử và đồng thời tìm cách giải thích cho chúng nó biết về việc đi chùa thọ bát, tu hành của phật tử. Mục đích là để cho chúng nó cảm thông mà sau nầy ít phải nhờ vả đến Phật tử. Như vậy, thì tình mẹ con không bị sứt mẻ và càng yêu thương nhiều hơn. Vì thỉnh thoảng chúng nó mới nhờ giúp giùm, chớ đâu phải nó nhờ mình hoài như thế.

Tóm lại, người Phật tử biết tu nên khéo léo linh động uyển chuyển trong việc tu hành, chớ đừng có cố chấp quá mà làm mất đi sự hòa khí trong gia đình, nhứt là tình mẹ con. Đó là điều trái với lẽ đạo và trái với sự tu hành của chúng ta. Cố gắng càng tập tu hạnh hỷ xả chừng nào, thì Phật tử càng được an lạc nhiều chừng ấy. Kính chúc Phật tử nên an nhẫn mà cố gắng tu tập.

 

43. Chỉ cạo tóc không xuất gia bị người lầm nhận xá chào có lỗi không?

Hỏi: Con chưa xuất gia mà đã cạo tóc, nên người ta lầm tưởng con là người xuất gia, mỗi khi gặp con ai nấy cũng đều chắp tay kính cẩn xá chào, con cũng cung kính xá lại. Xin hỏi: Như thế, con có bị tổn phước hay không?

Đáp: Việc đó không có gì là tổn phước cả. Chẳng qua là người ta hiểu lầm mà thôi. Vả lại, Phật tử đâu có ý muốn như thế. Nhưng trong khi người ta xá chào Phật tử, thì Phật tử cũng xá chào lại. Điều đó, cả hai đều rất tốt. Bị tổn phước, với điều kiện là khi người ta cung kính chắp tay xá chào Phật tử mà Phật tử không cung kính xá chào đáp lại. Chẳng những thế, Phật tử lại còn có tâm đắc chí kiêu mạn, thích để người ta lầm tưởng mà cung kính tôn trọng mình, xem mình như người xuất gia. Nếu Phật tử có tâm như thế, thì không nên và sẽ bị tổn đức rất lớn. Bằng không, thì không có gì là tổn phước cả. Phật tử yên tâm không có gì phải lo sợ.

 

44. Sức khỏe kém muốn xuất gia ở nhà tu được không?

Hỏi: Con có ý định xuất gia, nhưng vì lý do sức khỏe hay đau yếu bệnh hoạn, con không thể ở tại chùa được. Vậy xin hỏi: Sau khi xuất gia con có thể ở tại nhà tu được không?

Đáp: Điều nầy chúng tôi không thể trả lời dứt khoát được. Nếu Phật tử có ý muốn như thế, thì tốt hơn hết là nên trình bày rõ cho vị thầy nào mà Phật tử định muốn thế phát xuất gia. Sau khi trình bày cặn kẻ, thì tùy vị thầy đó chỉ dạy và giải quyết cho Phật tử được mãn nguyện. Nhưng, theo ý tôi, Phật tử vì sức khỏe kém, hay đau yếu bịnh hoạn, tốt hơn là Phật tử nên giữ hình thức của người tu tại gia, và cố gắng tập tu theo bản nguyện của người xuất gia, là diệt trừ phiền não ra khỏi Tam giới, như thế, được phần nào thì tốt phần ấy.

Nếu Phật tử xuất gia mà không học hỏi và hành trì đúng theo hạnh nguyện của người xuất gia, thì chỉ càng thêm tội mà thôi. Chi bằng Phật tử cứ tu tại gia, (vì lớn tuổi yếu đuối không tu học ở trong chùa được) gắng công chí thành niệm Phật, cầu vãng sanh, như thế, theo tôi, thì có lẽ tốt hơn. Trên hình thức, Phật tử tuy ở tại gia, nhưng xét về tánh, thì Phật tử đang hướng về xuất gia. Bởi xuất gia có 3 nghĩa: 1. Xuất thế tục gia. 2. Xuất phiền não gia. 3. Xuất Tam giới gia. Về 3 nghĩa nầy, nếu Phật tử ở tại gia mà có ý hướng xuất gia, quyết chí tu tập để ra khỏi nhà phiền não và tiến lên là ra khỏi nhà Tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) Được như thế, thì thân tướng tuy ở tại gia mà tâm tánh thì đã xuất gia rồi vậy.

Mong Phật tử suy xét lại cho thật kỹ trước khi quyết định một vấn đề rất hệ trọng cho đời tu của mình. Đó là lời khuyên thành thật của chúng tôi. Kính chúc Phật tử luôn được an vui mạnh khỏe và luôn tinh tấn tu hành.

 

45. Ăn chay trường nấu mặn có tội không?

Hỏi: Con ăn chay trường, nhưng vì hoàn cảnh con phải nấu thức ăn mặn, phải xắt thịt cá để nấu ăn, như vậy con có mang tội hay không?

Đáp: Việc ăn chay trường là chuyện phát nguyện riêng của Phật tử. Điều đó rất tốt. Nhưng không vì thế, mà Phật tử không nghĩ và lo đến những người khác trong gia đình. Đó là hoàn cảnh bắt buộc. Bởi lẽ, Phật tử còn ở tại gia, chỉ ở trong phạm vi tu nhơn thừa, chưa phải là người tu hạnh xuất thế. Nên việc nấu nướng cho gia đình, đó là bổn phận của Phật tử.

Việc xắt thịt cá, nấu đồ ăn mặn, thì không có tội lỗi gì cả. Có tội lỗi là khi nào Phật tử mua những con vật còn sống, rồi chính Phật tử ra tay giết hại chúng nó để nấu cho gia đình ăn, thì điều đó là Phật tử đã phạm tội sát sanh. Đã thế, thì việc ăn chay trường của Phật tử chỉ là vô ích mà thôi. Vì trái với lương tâm và bản nguyện cũng như đã phạm giới sát.

Ngoài ra, nếu Phật tử nấu ăn mà không có trực tiếp sát hại sanh vật, thì Phật tử yên tâm không có gì là tội lỗi cả.

 

46. Ăn chay trường mà mua thịt cá nấu cho gia đình ăn có tội không?

Hỏi: Con ăn chay trường, thường ngày, sáng con tụng kinh Pháp Hoa và chiều lại niệm Phật công cứ. Nhưng khi đi chợ, thấy thịt cá tươi ngon, con thường mua về nấu cho con của con ăn. Xin hỏi: Như vậy con có tội hay không?

Đáp: Việc ăn chay trường và giữ đúng thời khóa tụng niệm của Phật tử, thật là điều rất tốt và quý giá. Nhưng Phật tử nên nhớ, Phật tử vẫn còn là người tu tại gia, tức tu theo nhơn thừa. Mà tu nhơn thừa, thì Phật dạy người Phật tử giữ gìn 5 giới cấm căn bản. Việc giữ giới, tùy theo mỗi người gìn giữ nghiêm nhặt hay không nghiêm nhặt và tùy theo nghiệp sát hại nặng nhẹ mà quả báo có sai khác. Mặc dù Phật tử ăn chay trường, tụng kinh niệm Phật, nhưng, vì còn sống trong gia đình, nên việc lo cho gia đình hay con cái ăn uống là chuyện không sao tránh khỏi. Nói rõ hơn, đó là chuyện sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên, nếu Phật tử mua những con vật đã chết, ngoài thịt ra, thì không có gì mang tội cả. Ngược lại, nếu Phật tử mua những con vật còn sống, rồi Phật tử tự tay giết chúng để nấu ăn, thì điều đó, tất sẽ mang tội sát sanh. Và đó cũng là phạm cái tội cố sát. Bằng ngược lại, Phật tử chỉ mua những con vật đã chết và người ta đã làm sẵn, thì không đến đổi phải mang tội.

Đó là luận theo tương đối, chớ nếu nói cho cùng, thì hiện chúng ta là phàm phu sống trong vòng nghiệp thức sai sử, mọi hành động, ý nghĩ, nói năng, ít nhiều gì chúng ta cũng đều có tội lỗi cả. Nên Phật tử chúng ta cố gắng giữ được phần nào thì tốt phần đó. Bởi thế, giới luật tiếng Phạn gọi là Ba la đề mộc xoa, Trung Hoa dịch là Biệt giải thoát. Nghĩa là giải thoát từng phần, từng giới. Người Phật tử giữ được giới nào thì thoát khổ giới đó. Thí dụ chúng ta giữ giới không trộm cắp, thì cuộc sống chúng ta khỏi phải lo sợ tù tội và quả báo đời sau cũng được tốt đẹp.

 

47. Thờ Phật Thích Ca mà niệm Di Đà?

Hỏi: Tại sao trong chùa trên chánh điện thì thờ Phật Thích Ca, mà khi tu thì người Phật tử lại niệm Phật Di Đà?

Đáp: Thờ Phật Thích Ca, vì Ngài là giáo chủ cõi Ta bà nầy. Chúng ta ngày nay biết đến và tu theo Đạo Phật, cũng nhờ sự thuyết giáo chỉ dạy của Ngài. Nên chúng ta tôn thờ Ngài là để một mặt, nhớ đến công ơn giáo hóa của Ngài, mặt khác, cũng để noi gương học hỏi và làm theo những điều Ngài đã thật hành được giác ngộ, giải thoát.

Còn tại sao phật tử khi tu lại niệm Phật Di Đà? Không phải người Phật tử nào khi tu cũng trì niệm danh hiệu Phật Di Đà hết. Sở dĩ chúng ta niệm danh hiệu Phật A Di Đà, lý do, là vì chúng ta là những người đang tu theo pháp môn Tịnh Độ. (Và chỉ có những người tu theo pháp môn Tịnh độ). Mà pháp môn Tịnh độ lấy sự trì danh niệm Phật làm tiêu đích chính. Do đó, nên Đức Phật Thích Ca khuyên chúng ta nên cố gắng niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà. Nếu chúng ta thiết thiệt niệm danh hiệu Ngài, chẳng những hiện đời chúng ta được an lạc mà tương lai cũng được an lạc.

Ngoài ra, chúng ta, vì căn cứ theo bản nguyện của Đức Phật Di Đà, trong 48 điều đại nguyện của Ngài, nguyện nào Ngài cũng muốn tiếp dẫn chúng sanh về cõi nước của Ngài. Nếu như có chúng sanh nào thành tâm tha thiết ngày đêm tưởng niệm đến danh hiệu Ngài, thì khi lâm chung, Ngài sẽ phóng quang tiếp dẫn về cõi nước Cực Lạc của Ngài. Bởi thế, nên người tu Tịnh độ đều hết lòng niệm danh hiệu Ngài để được vãng sanh về Cực lạc. Ngược lại, những người tu theo các pháp môn khác, thì không có niệm danh hiệu Ngài. Đó là tùy theo căn cơ trình độ và sở thích của mỗi người.

 

48. Tại sao cha mẹ chết, người xuất gia không lạy?

Hỏi: Tại sao người xuất gia, khi cha mẹ mất mà không lạy lúc tẩn liệm cũng như lúc thiêu hay chôn? Như thế, thì có phạm tội bất hiếu hay không?

Đáp: Xin thưa ngay là không có gì phạm tội bất hiếu cả. Vì người xuất gia, trước khi vào chùa cạo tóc, đã có xin phép cha mẹ và được cha mẹ đồng ý. Và trước khi làm lễ thế phát xuất gia, người con lạy cha mẹ 3 lạy. Ba lạy đó, nói lên lòng biết ơn cha mẹ và cũng để trả hiếu đáp đền lại công ơn giáo dưỡng sâu dầy của cha mẹ. Từ đó về sau, người xuất gia không còn lạy cha mẹ nữa. Lý do, là vì sợ cha mẹ bị tổn đức. Bởi người xuất gia, tuy hình hài là do cha mẹ sanh ra, nhưng huệ mạng là do giới luật của Phật làm tăng trưởng. Mà “pháp thân huệ mạng” đối với người xuất gia thật rất quan trọng. Nên sau khi thọ giới luật rồi, người xuất gia phải gìn giữ một cách rất nghiêm nhặt. Nhứt là sau khi thọ giới Tỳ kheo, tức Đại giới hay Cụ túc giới, thì người xuất gia càng phải thận trọng gìn giữ nhiều hơn nữa. Do đó, nên giới đức ngày càng tăng trưởng.

Trong khi đó, thì cha mẹ là người tại gia, chỉ gìn giữ 5 giới cấm, cho nên xét về giới đức thì kém hơn rất nhiều. Do đó, theo luật Phật dạy, thì cha mẹ kính Phật phải trọng Tăng. Dù ngày xưa là con, nhưng bây giờ là người của đạo pháp, sống trong hàng ngũ Tăng già, nên cha mẹ cũng phải kính trọng như bao nhiêu vị Tăng khác. Đã kính trọng như thế, thì làm sao cha mẹ dám để cho người xuất gia lạy mình.

Tóm lại, vì sợ cha mẹ bị tổn đức mà không lạy, chớ không phải có ý xem thường hay bất hiếu như người đời lầm tưởng. Hơn nữa, sự báo hiếu của người xuất gia không phải chỉ có hình thức lễ lạy bề ngoài như người thế gian, mà những vị đó thường đem những lời Phật Tổ dạy để khuyến nhắc cha mẹ, hầu để cha mẹ thức tỉnh mà lo tu hành để được an vui giải thoát. Đó mới thật sự là báo ân cho cha mẹ vậy.

 

49. Thế nào mới là phạm ăn phi thời?

Hỏi: Trong những ngày tu, con lãnh phần nấu cơm, khi con giở cơm nguội ra, để lấy nồi nấu cơm mới. Khi rửa nồi, thấy trong nồi còn dính vài hạt cơm, con sợ bỏ thì tội, nên con đã bốc ăn. Vậy xin hỏi: Con có phạm giới ăn phi thời không?

Đáp: Nếu bảo rằng phạm giới ăn phi thời, thì Phật tử đã phạm. Đúng luật Phật dạy, thì quá giờ ngọ những người xuất gia không được ăn. Phật tử đến chùa thọ Bát quan trai giới, coi như quý vị tập tu theo hạnh người xuất gia một ngày, hay nhiều ngày cũng thế.

Tuy nhiên, cũng trong luật nói: chư Tổ xét thấy, người đời nay cơ thể yếu đuối hay sanh đau yếu bịnh hoạn, nên các Ngài tạm cho người xuất gia ăn chiều gọi là Dược thạch. Chữ dược thạch có ý nghĩa là ngày xưa người ta lấy đá mài thành kim để chích trị bịnh. Từ đó, trong thiền môn dùng hai chữ nầy để nói lên người tu khi dùng cơm chiều chẳng khác nào như là uống thuốc để trị bịnh (bịnh đói) nên trong khi ăn không được sanh vọng tâm tham đắm.

Và cũng trong luật, Tổ nhắc nhở là khi ăn, chúng ta phải sanh lòng hổ thẹn. Như vậy, chư Tổ tạm cho, nhưng khi ăn phải biết hổ thẹn, rằng, mình không giữ đúng như lời Phật dạy.

Như vậy, thì việc ăn vài hạt cơm của Phật tử là đã phạm phi thời trong phi thời. Nghĩa là Phật tử đã ăn thêm sau giờ ăn chiều, dù chỉ là vài hạt cơm thôi. Tuy nhiên, dù sao Phật tử cũng có lòng sợ tội, đối với những hạt cơm do Đàn na thí chủ dâng cúng. Đó là điều đáng khen. Nhưng lần sau, nếu khi rửa nồi mà nó còn dính những hạt cơm trong nồi như thế, thì tốt hơn hết là Phật tử nên để vào vật gì đó cho chim ăn. Đó cũng là điều bố thí cho chúng sanh. Như thế, thì được vẹn toàn cả hai vậy.

 

50. Người chết sau 49 ngày tiếp tục cầu siêu được không?

Hỏi: Trong gia đình, nếu có người thân qua đời, con cháu cúng cầu siêu trong 49 ngày, niệm Phật mỗi đêm trước bàn Phật. Nhưng sau 49 ngày, thì còn cầu siêu bằng cách niệm Phật tiếp tục nữa không?

Đáp: Việc con cháu tụng kinh niệm Phật cho người thân của mình trong vòng thời gian 49 ngày, đó là điều rất quý kính. Đây cũng là noi theo trong kinh dạy mà Phật tử làm theo. Như thế, thì rất đúng không có gì là sai trái cả. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi tụng niệm, mọi người phải thành tâm tha thiết, đem hết lòng thành để tụng niệm cầu nguyện. Được thế, thì người tụng niệm được lợi lạc mà hương linh cũng được phần nào lợi lạc.

Theo kinh Địa Tạng nói: người chết sau 49 ngày, gọi là chung thất, thì vong linh của người mất, tùy nghiệp mà thọ sanh chiêu cảm quả báo. Nếu hiện đời tạo nhiều điều lành, thì sẽ thọ sanh về cảnh giới an lành. Ngược lại, thì thọ sanh vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo nghiệp thiện ác, mà thọ sanh qua các loài và các cảnh giới sai biệt trong vòng lục đạo luân hồi. Cũng chính theo lời dạy nầy, mà Phật tử thường hay cúng Trai Tăng vào ngày chung thất.

Mục đích là nhờ sức chú nguyện của chư Tăng Ni, gọi là đức chúng như hải, mà hương linh thác sanh về cảnh lành. Tuy nhiên, nếu luận theo ý nghĩa của hai chữ cầu siêu, thì không phải chỉ trong 49 ngày thôi. Vì cầu siêu có nghĩa là cầu mong vượt qua: “từ cảnh giới tối tăm xấu ác, vượt qua đến cảnh giới tốt đẹp an lành”. Hiểu theo nghĩa đó, thì lúc nào ta cũng phải cầu siêu, cầu siêu cho chính bản thân ta, đồng thời cũng cầu siêu cho mọi người luôn luôn được sống trong an lành.

Theo ý nghĩa đó, thì lúc nào ta cũng phải cầu siêu cho ta và cho người mãi mãi thoát khỏi khổ đau để được an vui giải thoát, chớ không phải chỉ trong phạm vi 49 ngày thôi.

Vì thế, sau 49 ngày, phật tử và những thân nhân trong gia đình tiếp tục tụng kinh niệm Phật, thì đó là điều rất tốt. Dù cầu siêu hay không, người Phật tử cũng nên tụng kinh niệm Phật để cho hiện đời mình được an lạc và đời sau cũng được an lạc. Và sau mỗi lần tụng kinh niệm Phật như thế, thì Phật tử cũng nên cầu nguyện cho hương linh thân nhân của mình, cũng như cho những vong hồn khác, rộng ra là cho cả pháp giới chúng sanh hữu tình vô tình đều trọn thành Phật đạo. Đây là thể hiện tấm lòng từ bi vị tha của người Phật tử, như thế, cũng rất là tốt đẹp vậy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 146
    • Số lượt truy cập : 6946848