Học

100 Câu hỏi Phật pháp (Tập 1) - Câu 61 - 70

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 1)

Tỳ kheo THÍCH PHƯỚC THÁI

 

61. Có nên tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã không?

Hỏi: Trong lúc thảo luận, nói chuyện về việc tụng kinh, có một bà bạn nói với con: Tụng kinh gì cũng được, nhưng đừng có tụng kinh Kim Cang Bát Nhã. Con hỏi tại sao? Bà ta không giải đáp được. Vậy xin hỏi lý do tại sao như vậy?

Đáp: Đây là một huyền thoại đã có từ lâu. Huyền thoại nầy không biết xuất phát từ đâu và thời nào. Một huyền thoại vô căn cứ, không lý lẽ, người không hiểu cứ thế mà nói chuyền nhau, gây ra lắm điều tai hại.

Trường hợp như bà Phật tử kia, chỉ nói như thế mà không biết lý do vì sao. Vì truyền thuyết cho rằng, tụng kinh Kim Cang Bát Nhã gia đình sẽ xào xáo lộn xộn, bất an, vườn tượt khô héo, mọi việc đều xui xẻo không may. Thử hỏi Kinh Kim Cang Bát Nhã do ai nói? Hẳn ai cũng biết kinh nầy là do Phật nói. Đã do Phật nói, thì tại sao người tụng đọc kinh nầy lại bị những hiện tượng bất an nói trên? Nói như thế, chả lẽ Phật lại lường gạt gài bẫy chúng sanh hay sao? Nếu có ác tâm như thế, thì sao gọi là Phật? Những ai bịa đặt nói thế, nếu không phải là có ác ý qua hệ tư tưởng thâm sâu của kinh nầy, thì quả thật họ không hiểu gì về diệu lý thâm ý của kinh cả. Nếu vì không hiểu, thì nên tìm hiểu. Bằng chưa hiểu thì không nên nói càn nói bướng như thế. Kẻ nói như thế khác nào hù dọa người ta, thật là tội lỗi!

Toàn bộ hệ thống kinh Bát Nhã gồm có sáu trăm quyển, mà kinh Kim Cang Bát Nhã chỉ là kết tinh của toàn bộ 600 quyển đó thôi. Đây là một hệ tư tưởng siêu việt, nhằm phá vỡ tất cả mọi vọng chấp của chúng sanh. “Phá vọng hiển chơn” là mục đích chính của kinh nầy. Một hệ tư tưởng cao siêu như thế, mà họ dám cho rằng người tụng đọc kinh nầy thì gia đình lại bị xáo trộn bất an.

Vì trong phạm vi trả lời câu hỏi, nên ở đây, chúng tôi không muốn luận giải đi sâu vào thâm ý của kinh. Chúng tôi chỉ xin trả lời một cách ngắn gọn vắn tắt và dứt khoát rằng: “Nội dung toàn Kinh Kim Cang Bát Nhã, đức Phật chỉ nhắm vào một mục đích duy nhất là phá chấp bốn tướng: “Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả”. Nói gọn hơn là phá hai thứ vọng chấp mà tất cả chúng sanh chấp chặt nặng nhứt, đó là Ngã chấp và Pháp chấp”. Người nào không còn hai thứ vọng chấp nầy, thì họ sẽ đạt được cứu cánh giải thoát, tức đồng với Phật quả vậy.

Ý kinh thậm thâm vi diệu như thế, nhưng tiếc vì người ta không hiểu, nên mới có vọng truyền sai lầm như vậy. Than ôi! Quả thật họ là kẻ mù lòa đi trong đêm tối! Thật là đáng thương xót biết bao! Người Phật tử không nên tin tưởng một điều gì mà không được sự kiểm chứng của trí huệ. Phải vận dụng trí huệ soi sáng cho thật cặn kẽ vấn đề trước khi đặt định niềm tin. Có thế, mới không bị sai lầm và niềm tin của chúng ta mới thật sự là chánh tín.

 

62. A tu la là gì ?

Hỏi: A tu la là gì? Có mấy loại A tu la? Và thân hình của chúng ra sao?

Đáp: A tu la tiếng Phạn là Asura. A tu la có nhiều tên gọi khác nhau: A tác la, A tô la, A tố la, A tố lạc, A tu luân. Trong Kinh thường nêu ra ba loại A tu la: 1/ A tu la thiên đạo. 2/ A tu la quỉ đạo. 3/ A tu la súc đạo.

Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang, quyển 1, trang 84 giải thích: “A tu la là 1 trong 6 đường, 1 trong 8 bộ chúng, 1 trong 10 giới, một trong những vị thần xưa nhất ở Ấn Độ.

Một loại quỷ thần hiếu chiến, thường bị coi là ác thần và thường tranh đấu với trời Đế Thích không ngừng nên có danh từ A tu la trường, A tu la chiến v.v…

Theo phẩm A tu la Luân trong Kinh Tăng Nhất A Hàm 3 : Thân hình của A tu la cao 84.000 do tuần, miệng rộng mỗi bề 1.000 do tuần. Còn phẩm A tu la luân trong Kinh Trường A Hàm 20, phẩm A tu luân trong Kinh Đại Lâu Thán 2. Kinh Khởi Thế Nhân Bản 5 v.v…đều ghi rõ chỗ ở và sự tích của A tu la.

Về nghiệp nhân của A tu la, các Kinh thường nêu ra 3 thứ nhân làm cho chúng sanh sanh trong loại nầy: Sân, mạn, nghi.

Theo Kinh Phật Vị Thủ Ca Trưởng Giả Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt thì liệt kê ra 10 thứ nhân làm cho chúng sanh sanh trong loài A tu la.

1.Thân làm việc ác nhỏ. 2. Miệng nói lời ác nhỏ. 3. Ý nghĩ điều ác nhỏ. 4. Khởi tâm kiêu mạn. 5. Khởi tâm ngã mạn. 6. Khởi tâm tăng thượng mạn. 7. Khởi tâm đại mạn. 8. Khởi tâm tà mạn. 9. Khởi tâm mạn mạn. 10. Hướng về các căn lành.

Hình tượng của A tu la có nhiều thuyết khác nhau. Có chỗ cho rằng: A tu la có 9 đầu, 1000 mắt, miệng phun lửa, có 990 tay, 6 chân, thân to gấp 4 lần núi Tu di. Có chỗ cho rằng: A tu la có 1000 đầu, 2000 tay; 10.000 đầu, 20.000 tay; 3 đầu, 6 tay. Có chỗ cho rằng: A tu la có 3 mặt màu xanh đen, giận dữ, lõa hình và có 6 cánh tay.

 

63. Lục chủng chấn động?

Hỏi: Đọc trong Kinh có chỗ nói: Khi đức Phật Thích Ca ra đời có 6 thứ chấn động. Con không hiểu 6 thứ chấn động nầy là gì? Và nếu như khi Phật ra đời mà cả đại địa đều chấn động như thế, thì cả nhơn loại làm sao mà sống sót? Như thế, thì lòng từ bi của Phật ra sao?

Đáp: Sáu tướng chấn động trong chữ Hán gọi là Lục chủng chấn động. Nói về sáu thứ chấn động nầy, trong Kinh có nhiều chỗ nói khác nhau. Trong Từ Điển Phật Học Huệ Quang có dẫn ra 3 kinh nói về 6 thứ chấn động nầy.

Kinh Đại Phẩm Bát Nhã 1 nói rằng: sự chấn động của mặt đất tùy theo phương hướng mà có 6 tướng: Đông trồi Tây sụt, Tây trồi Đông sụt, Nam trồi Bắc sụt, Bắc trồi, Nam sụt, Bên trồi Giữa sụt và Giữa trồi Bên sụt.

Theo Kinh Hoa Nghiêm 16 ( bản tân dịch ) Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân 1 v.v… nói rằng: 6 tướng chấn động là: Động, Khởi, Dũng, Chấn, Hống và Kích. Động là lay động không yên, Khởi là từ thấp dần dần lên cao, Dũng là bỗng nhiên vọt lên, 3 thứ nầy chỉ cho hình thức địa chấn. Chấn là phát ra tiếng động ầm ỉ, Hống là tiếng rống mạnh của loài thú, Kích là phát ra tiếng dội ầm ầm, 3 thứ nầy chỉ cho âm thanh địa chấn.

Theo Kinh Đại Phương Quảng Đại Trang Nghiêm thì cho rằng, 6 tướng chấn động là: 1. Diêu động, Cực diêu động, Biến diêu động; 2. Khấu kích, Cực khấu kích, biến khấu kích. 3. Di chuyển, cực di chuyển, biến di chuyển. 4. Dũng phú, cực dũng phú, biến dũng phú. 5. Xuất thinh, cực xuất thinh, biến xuất thinh. 6. Bên trồi giữa sụt, giữa trồi bên sụt, Đông trồi tây sụt…

Trên đây là chúng tôi y cứ vào trong các kinh nêu ra về 6 thứ chấn động. Tuy nhiên, qua câu hỏi của Phật tử là khi Phật ra đời mà cả đại địa đều chấn động (động đất) như thế, thì cả nhơn loại làm sao sống sót? Về điểm nầy, theo ngu ý của tôi, thì sự chấn động đó không phải nói về sự chấn động ở bên ngoài. Vì phần nhiều trong các kinh điển Đại thừa thường hay nêu ra nhiều ẩn dụ. Khi đọc kinh mà ta không hiểu được điều nầy, có đôi khi ta lại lầm nhận ý kinh. Chẳng hạn như trong Kinh Pháp Hoa có một phẩm gọi là “Tùng Địa Dõng Xuất”. Nghĩa là nói rằng, các vị Bồ tát từ lòng đất vọt lên v.v… Hay phẩm « Hiện Bảo Tháp » chẳng hạn. Đây là ý tại ngôn ngoại. Nếu chúng ta chỉ một bề y cứ vào phần sự tướng tiêu biểu đó mà hiểu, thì đôi khi oan cho ba đời chư Phật.

Cho nên khi nghiên cứu kinh điển của Phật giáo, ta phải lưu ý điều nầy. Nếu không, thì sẽ hiểu lầm nơi ý kinh, nói rõ ra là ta không hiểu thâm ý lời Phật dạy và như thế thì thật là đắc tội. Ở đây cũng thế. Trong kinh nêu ra 6 thứ chấn động đó, theo tôi, thì không phải là nói đất bên ngoài chấn động. Nếu nói thế, thì làm sao chúng ta có thể giải thích được. Nói đại địa chấn động đây, đó là một ẩn dụ.

Trong Kinh thường nói, bản tâm của chúng ta giống như là đất. Cho nên có một quyển kinh có tên là Tâm Địa Quán. Còn nói 6 thứ chấn động đó là ý nói ở nơi 6 căn. Vì tâm ta, khi tác động vào căn nào, thì có sự chấn động ở căn đó. Như tác động vào mắt, thì mắt thấy rõ; khi tác động vào tai, thì tai nghe rõ âm thinh v.v…. Các căn kia cũng như thế. Tâm ta thí như một dòng điện, tùy theo các bộ phận mà dòng điện vào, tất nhiên phát ra công dụng. Phật ra đời là nói khi tâm ta được giác ngộ bừng sáng. Khi bản tâm đã hoàn toàn giác ngộ, thì 6 căn trở nên một chấn động rất lớn. Bấy giờ chính 6 căn đó sẽ trở thành 6 lực dụng thần thông.

Ngược lại, nếu ta hiểu theo sự chấn động như động đất bên ngoài, thì như thế, rất là tai hại cho nhơn loại. Chả lẽ Phật ra đời làm cho nhơn loại phải chịu đau khổ như thế sao?! Thật là phi lý. Phật ra đời với mục đích là cứu độ chúng sinh, cho chúng sinh hết khổ được vui. Đằng nầy vui đâu chưa thấy mà thấy đau khổ trước mắt. Tất cả đều bị hủy hoại chôn vùi. Có trận động đất nào mà không gây ra cảnh chết chóc tang thương, nhà tan cửa nát? Hiện trạng nầy cả nhơn loại đã và đang kinh hoàng lo sợ.

Ra đời gây ra cảnh tang thương thống khổ cho nhơn loại như thế, thì thử hỏi Phật ra đời có ích lợi gì? Điều nầy, quả thật là trái ngược với lòng từ bi của Phật. Hiểu theo nghĩa chấn động bên ngoài, thì thật là không có lý lẽ và rất tai hại cho Phật giáo. Nói lên điều nầy, cũng chỉ là sự nhận hiểu nông cạn của chúng tôi mà thôi. Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có những nhận định hiểu biết khác nhau. Tuy nhiên, sự nhận định nào cũng phải dựa trên thực tế và hợp với chân lý mà xét đoán luận giải.

 

64. Ý nghĩa chuông trống bát nhã?

Hỏi: Mỗi khi chùa có lễ lớn, con thường thấy chư Tăng Ni hay đánh chuông trống bát nhã. Con không hiểu đánh chuông trống bát nhã có ý nghĩa gì? Kính xin Thầy hoan hỷ giải đáp cho con.

Đáp: Trong nhà Phật, mỗi một phật cụ đều có một ý nghĩa đặc biệt. Tiếng trống hay tiếng chuông trong thiền môn khi đánh lên đều ngầm có ý là cảnh tỉnh mọi người nên thức tỉnh tu hành. Mỗi thứ khi sử dụng, đều có pháp thức riêng.

Chuông trống bát nhã rất quan trọng trong thiền môn. Chuông trống bát nhã thường đánh lên vào những buổi lễ pháp sự đặc biệt, như thuyết pháp, truyền giới, Sám hối v.v…Và mỗi khi đánh lên ngầm ý thỉnh Phật thượng đường chứng minh. Đồng thời cung nghinh chư Tôn Đức và cũng để cho mọi người chú ý nhiếp tâm trở về với chánh niệm. Cụ thể là giờ hành lễ quan trọng.

Về cách thức đánh chuông trống bát nhã cho đúng, người đánh cần phải y cứ vào bài kệ:

Bát nhã hội (3 lần)

Thỉnh Phật thượng đường

Đại chúng đồng văn Bát nhã âm

Phổ nguyện pháp giới đẳng hữu tình

Nhập Bát nhã ba la mật môn (3 lần)

Muốn đánh chuông trống bát nhã cho đúng theo bài kệ trên, thì người học cần phải học trực tiếp với những vị đã biết qua. Trống bát nhã, thường chỉ có chư Tăng Ni trong chùa sử dụng thôi. Phật tử tại gia muốn học đánh, cần phải đến chùa nhờ chư Tăng Ni chỉ dạy.

Về ý nghĩa, ngoài âm vang của tiếng trống cảnh tỉnh khách trần ra, nó còn nói lên một ý nghĩa đặc thù siêu việt. Mục đích là nhằm nhắc nhở mọi người cần phải trang bị cho mình có đầy đủ trí huệ sáng suốt. Vì trí huệ rất là quan trọng. Dù hành giả tu bất cứ pháp môn nào, mà thiếu trí huệ chỉ đạo, thì coi như sự tu hành không có kết quả tốt đẹp. Nếu không có trí huệ sáng suốt để biện biệt chánh tà, chân ngụy, thì trong khi ứng dụng tu hành, chúng ta dễ bị sai lệch và đi vào con đường tà ngoại.

Vì Bát nhã quan trọng như thế, nên chư Tổ mượn hình thức cái trống, để khi đánh lên nhằm thức nhắc mọi người tăng cũng như tục phải luôn nhớ đến cái trí Bát nhã sẵn có ở nơi chính mình. Trí Bát nhã nầy, còn gọi là Vô sư trí. Nhưng muốn nhận ra cái Vô sư trí nầy, hành giả cần phải nương cái trí hữu sư, tức cái trí do học hỏi ở nơi thầy bạn mà có được.

Sự thức nhắc cho chúng ta nhớ lại cái bản tâm sẵn có, trong nhà Phật có nêu ra rất nhiều phương tiện hình thức. Ở mức độ thấp hơn, khi nghe âm thanh của những pháp khí đó, như trống, chuông, mõ v.v… thì người nghe chóng hồi tâm thức tỉnh để gắng lo tu niệm. Phải hết lòng siêng năng làm lành lánh dữ, không nên gây tạo những nghiệp ác mà phải chuốc lấy quả khổ đau. Cho nên, khi chúng ta đến chùa mỗi khi nghe những âm thanh của những thứ nói trên, thì lập tức chúng ta hãy trở về với chánh niệm. Hay nói rõ hơn là phải luôn thắp sáng ngọn đuốc chánh niệm. Muốn có trí huệ, tất nhiên người Phật tử cần phải học hỏi trau dồi qua 3 môn học Văn, Tư, Tu. Đó là ba món huệ học tối thiết yếu mà người Phật tử cần phải lưu tâm nỗ lực nghiên tầm. Có thế, thì mới xứng đáng là người Phật tử chơn chánh học Phật.

 

65. Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng?

Hỏi: Câu nói: Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng. Nếu nói như thế, thì có trái với luật nhân quả không? Xin hỏi: Câu nầy ý nghĩa như thế nào? Kính xin thầy giải đáp.

Đáp: Không có gì chống trái với luật nhân quả cả. Câu nói, mới nghe qua người ta dễ hiểu lầm. Không phải một người tu hành, thì cả dòng họ chín đời đều được siêu thăng hết. Chữ siêu thăng ở đây, xin chớ vội hiểu là về Cực lạc hay an hưởng cảnh giới Niết bàn. Nếu chỉ một người biết lo tu hành mà mọi người khác trong thân tộc đều được về Cực lạc hay an trụ Niết bàn hết, thì thật là khỏe khoắn vui sướng biết bao! Hiểu như thế là chống trái với luật nhân quả. Vì trên đời nầy, không có chuyện người nầy ăn mà người khác no. Ai ăn nấy no, ai học nấy biết chữ. Ai tu nấy thành, ai hành nấy đắc. Luật tắc nhân quả là như thế.

Câu nói trên, theo chỗ hiểu của chúng tôi, thì ngầm ý nói rằng: Nếu trong dòng họ mà có một người xuất gia tu hành chơn chánh, thì có thể cảm hóa được những người thân thuộc khác. Có nghĩa là những người trong thân tộc sẽ phát tâm tu theo. Trải qua một đời cho đến nhiều đời đều như thế. Như trường hợp đức Phật Thích Ca, Ngài đã trải qua nhiều kiếp tu hành, cứ mỗi đời Ngài phát nguyện tu, thì đều có những người thân thuộc phát tâm tu theo. Cho đến sau khi thành Phật, những người thân có duyên xưa kia phát tâm tu theo Ngài, tất cả đều có mặt trong pháp hội thuyết giáo của Ngài. Và những người nầy tu hành đều được giải thoát cả. Cụ thể hơn, là sau khi xuất gia tu hành đắc đạo, Ngài trở về hoàng cung hóa độ được những người thân theo Ngài tu hành giải thoát.

Sự tác động ảnh hưởng của Ngài quá lớn. Ngài đã gây ảnh hưởng cho những người khác phát tâm bồ đề hướng thiện tu hành, nói siêu thăng là như thế. Siêu thăng là vượt lên cái tâm bất thiện để trở thành cái tâm thiện. Nói rõ hơn là vượt lên cái tâm phàm tình gây tạo ác nghiệp để chuyển thành cái tâm thánh thiện hiền lương. Còn nói cửu huyền là một cách nói trải qua nhiều đời. Cứ mỗi đời trong thân tộc có người xuất gia tu hành, thì những người thân khác phát tâm tu theo. Nghĩa là một người tu được giải thoát, thì nó có một tác động mạnh mẽ, đánh thức được bao nhiêu người trong thân tộc khác để hướng về đạo đức tu hành làm lành lánh dữ v.v…

Hiểu như thế, thì không có gì là chống trái với nhân quả cả. Chẳng những không chống trái mà còn đúng theo luật nhân quả. Bởi vì nhờ vào hình ảnh của một người thân thuộc tu hành có đức độ mà cảm hóa ảnh hưởng đến những người khác hướng thiện tu hành. Đó là điều rất thực tế và tốt đẹp. Đức Phật cảm hóa trong hoàng tộc của Ngài là như thế, chớ không phải Ngài dùng thần thông đưa hết dòng họ của Ngài về Cực lạc hay Niết bàn. Nhờ vào hình ảnh siêu thoát của Ngài mà đánh động được tâm thức những người khác phát tâm tu theo, nên kết quả họ cũng được siêu thoát như Ngài. Nói siêu thăng là như thế.

 

66. Vấn đề chánh tín và mê tín?

Hỏi: Người Phật tử đã quy y thọ ngũ giới rồi, tại sao còn tin vào bói toán và coi ngày giờ tốt xấu, xin xăm, cúng sao hạn v.v… Như thế có trái với luật nhân quả hay không?

Đáp: Xin thưa ngay là hoàn toàn chống trái với luật nhân quả.

Đây là điều mà phần lớn người Phật tử chúng ta vướng mắc phải. Có những người, tuy đã quy y Tam Bảo, nhưng hạt giống tà ngoại của họ còn quá sâu dầy, nên việc mê tín dị đoan, thật họ khó lòng bỏ hẳn. Đối với Phật pháp, tín tâm của họ rất mỏng. Hơn nữa, sự nghiên cứu học hỏi Phật pháp của họ cũng không được sâu rộng lắm. Do đó, mà lòng tin ở nơi chánh lý nhân quả của họ không được vững chắc. Điều nầy, là một hiện tượng chung thật quá đau lòng !

Người Phật tử quy y Tam Bảo thì nhiều, nhưng tin sâu vào Tam Bảo và hiểu được Phật pháp, thì chẳng có bao nhiêu. Thế nên, tình trạng mê tín vẫn còn kéo dài mãi. Sự mê tín nầy không những chỉ ở nhơn gian thôi, mà ngay cả ở trong chùa cũng vẫn có. Nghĩa là, Tăng, Ni vẫn còn coi ngày, coi sao, đoán quẻ v.v… Như thế, thì trách gì Phật tử! Tệ trạng nầy, không phải mới đây, mà nó đã có từ lâu đời.

Việc mê tín ở Việt Nam hiện nay, phải nói xảy ra rất nhiều và tai hại rất trầm trọng. Dù đã được những bậc Tôn đức tu hành chơn chánh thuyết giảng kêu gọi Phật tử không nên mê tín mù quáng. Đặt niềm tin không đúng chỗ, nó sẽ gây ra tai hại lớn lao. Chẳng những hại mình trong đời nầy mà nó còn kéo dài nhiều đời sau nữa. Thế nên, người Phật tử cần phải xây dựng cho mình một lòng tin đặt trên nền tảng trí tuệ. Nói cách khác, người Phật tử phải dùng ngọn đuốc trí tuệ soi sáng và chỉ đạo cho niềm tin. Có thế, thì mới mong thoát khỏi vòng khổ đau lẩn quẩn.

Trong Kinh Di Giáo, trước khi vào Niết Bàn, đức Phật đã ân cần dặn dò khuyến nhắc các thầy Tỳ kheo, các thầy nên ghi nhớ, sau khi tôi diệt độ, các thầy không được: … Xem tướng lành dữ, trông xem sao hạn, xem xét thạnh suy, coi ngày đoán số, đều không nên làm…”  Dù đã có lời răn nhắc của Phật, nhưng tệ trạng tập tục nầy từ xưa tới nay cũng vẫn còn tiếp diễn và chưa biết đến bao giờ mới thật sự chấm dứt!

Xin nhắc lại: “Tin như thế, thì hoàn toàn chống trái với luật nhân quả”. Chánh tín và mê tín là hai phạm trù dị biệt, như sáng với tối. Hễ có sáng thời không có tối. Hễ có tà kiến, thì không có chánh kiến. Hễ có mê tín, thì không có chánh tín. Ngược lại cũng thế. Đạo Phật là đạo giác ngộ, là đạo chủ trương chánh kiến, chánh tín. Đạo Phật không bao giờ chấp nhận tà kiến, mê tín. Là người Phật tử dù xuất gia hay tại gia, chúng ta phải có bổn phận nêu cao chánh lý nhân quả và hướng dẫn mọi người đi đúng trên lộ trình giác ngộ. Đúng theo lời Phật dạy. Lệch quỹ đạo giác ngộ là chính ta đã đánh mất vai trò xiển dương chánh pháp và như thế, thật là đắc tội với Tam Bảo.

Trong quyển Bước Đầu Học Phật, do Hòa Thượng Thích Thanh Từ biên soạn, có bài viết nói về:”Mê Tín Và Chánh Tín” ở đoạn kết luận, ( trang 122 ) có đoạn Hòa Thượng viết: “Đạo Phật chủ trương chánh tín, không bao giờ chấp nhận mê tín. Do vì người truyền đạo không thông lý đạo, nên ghép những tập tục thế gian vào trong đạo, khiến người ta hiểu lầm đạo Phật mê tín. Bản chất của đạo Phật là trí tuệ, là giác ngộ, làm sao dung nạp được mê tín. Nếu người ta thấy trong chùa chiền hiện nay còn những hiện tượng mê tín, vội phê bình đạo Phật mê tín. Đây là những oan tình của đạo Phật. Tất cả những Kinh Phật không có nói những việc mê tín ấy chẳng qua một số người vì tùy tục, vì thiếu hiểu Phật pháp vẽ bày ấy thôi. Người học Phật chân chánh phải gan dạ loại bỏ những tập tục sai lầm ấy, can đảm dứt khoát đập tan mọi tệ đoan làm suy giảm giá trị Phật pháp. Có khi dẹp bỏ những điều đó, có thể thiệt thòi chút ít quyền lợi của mình. Song chúng ta cương quyết vì chánh pháp, chớ không vì lợi dưỡng, vì đưa người ra khỏi đường mê, không vì sợ mất mát bổn đạo. Được thế, chúng ta mới xứng đáng là người lãnh đạo tín đồ, mới không hổ thẹn là hàng Tăng Bảo”.

 

67. Những ngày kinh nguyệt có nên tụng niệm bái sám không?

Hỏi: Là người nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, chúng con có được phép tụng Kinh bái sám như những ngày thường được không?

Đáp: Xin thưa ngay là không có gì trở ngại cả. Trong Luật Phật không có ngăn cấm điều nầy. Bởi lẽ, kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý tự nhiên của người phụ nữ. Điều đó, không ai muốn như thế. Đó là một định lý tự nhiên mà không người phụ nữ nào tránh khỏi. Đã thế, thì tại sao Phật tử lại lo sợ? Phật tử đừng có ái ngại lo sợ gì cả. Chỉ lo sợ là Phật tử giải đãi rồi viện cớ lý do mà bỏ ngang sự tu hành, thì đó mới là điều đáng trách và đáng nói. Ngoài ra, không có gì phải bận tâm lo lắng.

Nếu bảo rằng, đó là những bài tiết dơ dáy, thì thử hỏi trong cơ thể con người, tất cả những chỗ bài tiết khác có chỗ nào sạch sẽ hết đâu? Phật dạy, thân nầy vốn là bất tịnh kia mà! Không lẽ vì sự bất tịnh mà chúng ta lại bỏ phế việc tu hành sao? Hơn nữa, chư Phật, Bồ tát, các Ngài đâu còn có tâm phân biệt chấp trước nhơ sạch như phàm phu tục tử chúng ta. Các Ngài lúc nào cũng mong mỏi khuyến khích chúng ta tinh tấn tu hành. Đã thế, thì thời gian đối với sự tu hành của người Phật tử phải nói là vàng bạc quý báu. Không giờ phút nào lại không tu hành. Dù tu theo thời khóa hay không thời khóa cũng thế. Vì một ngày qua, thân ta mỗi suy tàn già yếu. Bệnh hoạn và cái chết đến với chúng ta không biết lúc nào. Thử hỏi có mấy ai lường trước được?

Thế thì, tại sao chúng ta không nghĩ đến sự vô thường nhanh chóng mà nỗ lực gắng chí lo tu? Phật tử nỗ lực tu hành, công phu tụng kinh, bái sám, chư Phật, Bồ tát, các Ngài thương không hết có đâu lại quở trách sự không trong sạch của Phật tử.

Đối với Phật Pháp, sự nhơ bên ngoài không đáng kể, mà đáng kể nhứt là cái nhơ trong lòng của chúng ta. Cái cấu trược phiền não tham, sân, si, mới là cái đáng cho chúng ta quan tâm mà gấp lo tiêu trừ. Nói thế, không phải chúng ta coi thường phần sự tướng bên ngoài. Nhưng chúng ta phải biết cái nào quan trọng và cái nào thứ yếu. Cái nào gốc, cái nào ngọn. Cái quan trọng, thì chúng ta phải quan tâm nhiều hơn. Đó là sự sáng suốt khéo biện biệt của người Phật tử trong lãnh vực tu hành.

Tóm lại, Phật tử cứ yên tâm không có gì phải lo ngại. Phật tử cứ sinh hoạt tụng kinh bái sám như thường lệ. Không có gì là tội lỗi cả. Chỉ mong sao Phật tử cố gắng giữ thời khóa tụng niệm bình thường. Được vậy, chư Phật và Bồ tát rất hoan hỷ và khen ngợi sự tinh tấn tu hành của Phật tử.

Chúc Phật tử luôn an vui và luôn tinh tấn trên bước đường tu niệm, cầu nguyện Phật tử chóng đạt thành đạo quả.

68. Ăn chay dùng trứng gà được không?

Hỏi: Vào những ngày ăn chay, Phật tử tại gia chúng con có ăn trứng gà được không? Con nghe người ta nói, trứng gà không trống ăn được. Nếu ăn, có bị mang tội không?

Đáp: Phật giáo Bắc tông (Đại Thừa) chủ trương ăn chay, là vì lòng từ bi và hơn nữa là muốn tránh quả báo oán thù. Không vì mạng sống của mình mà làm tổn thương đến những mạng sống của những con vật khác. Nếu bảo ăn chay là tu, theo tôi, thì chưa đúng hẳn. Bởi vì, Phật giáo Nam tông (Nguyên Thủy) đâu có ăn chay ngày nào. Ngay cả đức Phật và các vị Thánh Tăng theo Phật thời xưa, các Ngài đâu có ăn chay. Các Ngài ôm bát đi khất thực, ai cúng gì ăn nấy. Phật tử Ấn Độ thời Phật, họ ăn mặn chớ đâu có ăn chay. Như vậy, chả lẽ các Ngài không ăn chay là không tu sao? Không tu, sao các Ngài thành Phật và thành A la hán? Song có điều các Ngài không tự tay sát hại mà thôi. Người Phật tử cần phải hiểu cho thật rõ giới thứ nhất nầy.

Trong giới thứ nhất, Phật dạy người Phật tử không được sát sanh, nhưng chủ yếu Phật dạy, là không được giết người. Vì mạng sống con người rất là quan trọng so với các loài vật khác. Điều nầy, đối với luật pháp thế gian cũng thế. Giết người là một trọng tội, tất nhiên phải bị ở tù. Ngược lại, giết hại sinh vật, thì không.

Cho nên, người Phật tử không được giết người. Gìn giữ không giết người là căn bản, rồi từ đó hạ xuống dần đến những loài súc vật nhỏ khác. Tránh sát hại được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Chớ nếu giữ một cách tuyệt đối, thì không ai giữ đúng cả. Kể cả chư Tăng Ni ở trong chùa cũng không tránh khỏi. Thử hỏi khi Tăng Ni bệnh có cần uống thuốc không? Nếu uống, thì cũng đã giết hại biết bao con vi trùng rồi. Thế thì, luận cho cùng, không một ai tránh khỏi cả.

Câu hỏi của Phật tử, theo tôi, thì người Phật tử tại gia ăn trứng gà vào những ngày ăn chay là không có gì tội lỗi cả. Vì sao, vì trứng gà vốn không có trống. Mà không có trống, tức không có mầm sanh. Không có mầm sanh, thì làm gì có sự giết hại? Nếu có mầm sanh mà mình giết, thì hơi tàn nhẫn. Đấy là nói, những người tu hạnh xuất thế cần giữ, để tiến lên đạo quả Bồ đề nhanh chóng. Còn đối với Phật tử tại gia, tu theo nhơn thừa, tức theo hình thức giới tướng giữ 5 giới, thì việc ăn trứng gà không trống, thật không có gì tội lỗi. Điều nầy, đối với người tu Tiên, thì cấm kỵ. Vì tu Tiên là họ luyện tập để cho thân thể được nhẹ nhàng. Cho nên, họ không ăn những thức ăn trược uế. Ngược lại, người tu Phật thì không thế.

Lý do tại sao chúng tôi dám quả quyết như thế, Vì theo Luật Phật dạy, cái gì có mầm sanh mà mình đoạn tuyệt mạng sống của nó, thì mới có tội. Còn trứng gà, như Phật tử đã nói là không có trống, đã không trống, thì ăn có gì là sát sanh hại vật đâu mà sợ.

Nếu Phật tử còn nghi, thì xin Phật tử nghe lại bộ băng nhựa nói về 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn Độ và Trung Hoa, do Hòa Thượng Thanh Từ thuyết giảng tại Thiền Viện Thường Chiếu. Trong đó, có câu hỏi cũng tương tợ như câu hỏi của Phật tử đã hỏi và Hòa Thượng cũng đã trả lời khẳng định là ăn trứng gà không trống thì không có gì là tội lỗi cả. Phật tử cứ yên tâm, nếu thích thì cứ ăn. Chỉ sợ ăn nhiều sanh bệnh hoạn mà thôi.

 

69. Cúng heo quay trả lễ có mang tội không?

Hỏi: Con có khẩn vái với thần linh, khi nào con trai của con có việc làm ở Úc, thì con sẽ cúng một con heo quay để trả lễ. Bây giờ thì con của con đã có việc làm. Nhưng, sau khi nghe quý thầy giảng pháp nói về việc sát sanh tội lỗi, con không muốn cúng heo quay nữa. Vậy bây giờ con xin cúng trái cây để trả lễ có được hay không?

Đáp: Tin là một đức tính quý báu của người Phật tử. Nhưng điều quan trọng là phải đặt định niềm tin đúng chỗ. Nói rõ hơn, người Phật tử phải chánh tín. Người Phật tử không tin sâu vào nhân quả, thì chưa phải là Phật tử. Thay vì tin nhân quả, Phật tử lại đặt niềm tin ở nơi Quỷ Thần. Vì tin vào sự gia hộ của Quỷ Thần, nên Phật tử mới van vái cho con trai của mình mau có việc làm. Lúc Phật tử van vái khẩn cầu, thì khẩn cầu là cúng heo quay trả lễ. Sau khi van vái, thì con trai của Phật tử may mắn được có việc làm. Nay, Phật tử đổi ý vì sợ mang tội sát sanh. Như vậy Phật tử không sợ Thần linh nổi giận hay sao? Vì Phật tử đã gạt Thần linh kia mà! Đó là Phật tử thêm một lỗi nữa là thiếu đức tánh thành thật.

Vấn đề nầy, tôi xin giải đáp phân hai, rồi tùy ý Phật tử suy xét mà quyết định.

Thứ nhứt, Nếu Phật tử cúng heo quay đúng như lời van vái (vì Phật tử đã tin như thế) thì phải chấp nhận mang tội sát sanh. Giả như, bây giờ tôi khuyên Phật tử nên cúng trả lễ bằng trái cây, sau khi cúng, nếu yên xuôi không có chuyện gì xảy ra cho con trai hay gia đình của Phật tử, thì mọi việc không sao. Nhưng, nếu có chuyện gì xảy ra, (ở đời nhân quả làm sao biết trước được) thì đổ thừa tại tôi khuyên bảo cúng như thế, nên mới xảy ra cớ sự nầy. Bởi vì, Phật tử tuy đã quy y Tam Bảo, nhưng lòng tin của Phật tử thì lại khác. Nghĩa là Phật tử chưa có đủ tín tâm vào Tam Bảo. Trong khi Phật tử quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, thì Phật đã dạy rõ « Sau khi quy y Phật rồi, Phật tử không được quy y ở nơi Thiên, Thần, Quỷ, Vật ». Phật tử đã coi Thiên, Thần, Quỷ, Vật hơn Phật, nên mới cầu khẩn van vái như thế. Bởi Phật tử không có đủ niềm tin Phật, nên mới van vái cầu khẩn với Quỷ Thần.

Điều nầy, nếu luận xa hơn một chút, căn cứ vào nhân quả mà nói, thì con trai của Phật tử xin được việc làm, đâu có phải do Phật tử van vái cầu nguyện mà được. Đó chẳng qua do nhân và quả của đứa con trai của Phật tử mà thôi.

Thử đặt vấn đề, nếu nhờ cầu khẩn van vái mới xin được việc làm, vậy thì, thử hỏi ở xứ Úc nầy, biết bao nhiêu người có việc làm, chả lẽ những người đó đều phải khẩn cầu van vái cúng heo quay hết sao? Tại sao người ta không van vái gì cả mà họ vẫn có việc làm? Phải chăng, tất cả đều do khả năng và ý chí của họ. Việc làm ở Úc có rất nhiều công việc khác nhau. Người chủ nhận việc, căn cứ vào trình độ học lực và khả năng cũng như sức khỏe của người xin việc mà họ nhận hay không, đó là quyền của họ.

Giả như sau nầy, công việc mà con trai của Phật tử đang làm, xảy ra điều gì đó làm mất lòng người chủ, người chủ liền sa thải, tất nhiên con của Phật tử phải bị thất nghiệp. Khi đã thất nghiệp, muốn có việc làm lại, thì Phật tử phải tiếp tục van vái cầu khẩn cúng heo quay nữa. Nếu trong gia đình của Phật tử giả sử có 10 người con, mỗi người tới tuổi trưởng thành phải đi làm, thì những người đó, Phật tử đều phải van vái cúng tế một con heo quay hết sao? Nếu Phật tử tin như thế, thì tôi cũng xin đầu hàng, không còn gì nữa phải nói. Khi tin một điều gì, chúng ta cần phải biện luận cho có lý lẽ. Người Phật tử không thể nhắm mắt tin càn, tin một cách mù quáng được. Nếu tin như thế, thì còn gì gọi là Phật tử. Xin Phật tử hãy dùng trí huệ suy xét thật kỹ về vấn đề nầy.

Thứ hai, nếu Phật tử sợ mang tội sát sanh, phải chịu quả báo sau nầy, thì Phật tử nên cúng trả lễ bằng trái cây. Thật ra cúng hay không cúng là do lòng tin của Phật tử. Tin thì có, không tin thì không có. Người xưa có câu nói: “linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Có khi nào Phật tử cúng mà vị Thần nào đó đến thụ hưởng đồ vật cúng đó hay không? Hay là mọi người trong thân bằng quyến thuộc hưởng dụng. Mọi người hưởng dụng béo bổ ngon miệng, trong khi đó, thì tội lỗi gây ra chỉ một mình Phật tử lãnh lấy hết. Như thế, Phật tử có cam tâm làm như thế không? Phật tử tin chắc vào nhân quả. Mọi việc xảy ra xấu tốt cho mình, tất cả đều do mình gây tạo. Nếu mình đời trước gây tạo nhân lành, thì đời nầy mình sẽ gặt hái quả lành. Ngược lại, nếu đời trước hoặc nhiều đời trước nữa mà mình tạo nhân bất thiện, thì đời nầy khi quả thuần thục xảy đến, thì mình phải nhận lấy. Vì nhân quả không chỉ xảy ra trong hiện đời mà nó đã trải qua nhiều đời. Người Phật tử phải có niềm tin chắc chắn đúng theo chân lý nhân quả như thế, thì không có gì gây ra cho ta sợ hãi cả. Mình làm mình chịu, không than oán trách ai.

Tôi khuyên Phật tử nên sáng suốt mà nhận định vấn đề. Phật tử nếu có lòng tin vào Tam Bảo, nhân quả, thì đừng bao giờ nghe theo ai. Vì ở đời, không ai có quyền quyết định cho mình, mà tất cả nên hư, thành bại, xấu tốt… đều do mình định đoạt lấy. Nên tin theo lời Phật Tổ dạy mà cố gắng làm lành. Cứ gây tạo nhân lành, thì tất nhiên sẽ có quả lành. Nhân quả không bao giờ sai chạy, chẳng qua nó đến với mình có mau chậm mà thôi.

Tóm lại, Những điều giải đáp của chúng tôi trên đây, tất cả đều căn cứ theo luật nhân quả mà chúng tôi có đôi lời khuyến giải. Tùy Phật tử quyết định lấy.

 

70. Không có thiết lập bàn thờ Phật có tụng kinh được không?

Hỏi: Kính thưa thầy, nhà con không có thờ Phật, chỉ có bàn thờ ông bà, mặc dù con rất tin tưởng Phật Pháp, nhưng vì hoàn cảnh gia đình chật chội, nên con không có lập bàn thờ Phật. Vậy xin hỏi: Con có tụng kinh được không?

Đáp: Xin thưa ngay là được, không có gì trở ngại. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi cũng xin góp thêm chút ý kiến nói rộng hơn về vấn đề nầy. Đứng về phương diện hình thức sự tướng lễ nghi mà nói, thì khi tụng niệm bái sám, Phật tử cần phải có thiết lập bàn thờ Phật và phải tôn thờ Ngài nơi chỗ trang nghiêm thanh tịnh.

Phật hay Bồ tát, tuy là hình tượng, nhưng người Phật tử phải luôn kính trọng tôn thờ. Ta tôn thờ Phật là vì ta nhớ đến công ơn giáo hóa của Ngài. Vì Ngài là người giác ngộ hoàn toàn. Tuy Phật đã nhập diệt rất lâu xa, nhưng Ngài còn để lại cho chúng ta một kho tàng kinh điển vô giá, gồm có ba tạng kinh điển. Nhờ đó mà chúng ta mới nghiên cứu học hỏi và mới biết được đường lối tu hành thoát ly sanh tử khổ hải. Như vậy, công ơn của Ngài thật quá lớn lao, không sao kể xiết. Thế nên người Phật tử sau khi quy y, nghĩ đến công ơn lớn lao đó của Ngài mà ta nên thỉnh tượng Phật về nhà để tôn thờ.

Thờ Ngài với mục đích chính là để chúng ta ra vô thấy hình tượng của Ngài để chúng ta bắt chước noi theo tấm gương công hạnh cao cả giác ngộ giải thoát của Ngài. Để từ đó, chúng ta cố gắng thật hành theo những gì mà Ngài đã chỉ dạy. Chúng ta nên đem những lời dạy đó mà ứng dụng trong đời sống thực tế hằng ngày. Có thế, thì việc thờ Ngài mới được lợi ích. Và thờ Phật như thế mới đúng với ý nghĩa thờ Phật.

Ngược lại, nếu ta thờ Phật, Bồ tát để mong cầu các Ngài ban ơn giáng phước, hay trừ tà giải nạn, gia hộ độ trì cho mọi người trong gia đình luôn được mạnh khỏe, quanh năm suốt tháng gia đạo luôn được bình an, không xảy ra tai họa. Thờ Phật hay Bồ tát như thế thì thật là một sai lầm rất lớn. Thờ với quan niệm như thế, có khác nào xem Phật hay Bồ tát như là một vị thần linh. Tệ hơn nữa, có người còn lo cúng kiến như lo lót hối lộ cho các Ngài phù hộ. Nếu không được như ý, thì các Ngài không linh. Phật hay Bồ tát là những người giác ngộ, mà ta lại xê dịch biến các Ngài qua vị trí trở thành Thần linh gia hộ. Thật là quá mê lầm tội lỗi! Thế nên, người Phật tử khi thờ Phật hay Bồ tát, cần phải học hỏi hiểu rõ ý nghĩa của sự tôn thờ nầy. Nếu không, thì chúng ta sẽ mang trọng tội với các Ngài.

Tại sao Phật tử lại thờ kính ông bà? Có phải Phật tử vì nghĩ đến công ơn sanh thành giáo dưỡng sâu nặng của cha mẹ ông bà mà Phật tử tôn thờ hay không? Cha mẹ ông bà chỉ là người cho ta cái hình hài thể chất nầy mà ta còn phải nhớ ơn quý kính tôn thờ như thế, huống gì đối với đức Phật đã chỉ dạy cho ta có thêm nhiều trí huệ sáng suốt và vạch bày cho chúng ta một con đường giác ngộ giải thoát vĩnh viễn không còn sanh tử khổ đau. Như thế, thì thử hỏi ân đức của Ngài đối với chúng ta lớn lao đến bực nào? Vì thế việc thờ Phật ở trong gia đình đối với người Phật tử tại gia cũng rất là thiết yếu quan trọng.

Trở lại câu hỏi của Phật tử, Phật tử tuy có lòng tin tưởng Phật pháp, nhưng vì gia cảnh chật chội nên không thể thiết lập riêng bàn thờ để thờ Phật. Mặc dù Phật tử không có thờ Phật, nhưng vẫn có thờ ông bà. Việc thờ cúng tổ tiên ông bà là một điều rất tốt theo phong tục truyền thống hiếu đạo của người Việt Nam. Việc thờ phụng ông bà đó là điều rất quý tôi hết lòng tán dương Phật tử.

Nếu gia cảnh của Phật tử chật chội, không thể thiết lập một bàn thờ Phật riêng, nhưng khi tụng niệm lễ bái, thì Phật tử cũng có ý muốn là có hình tượng Phật để chiêm ngưỡng lễ bái. Theo tôi, thì Phật tử nên linh động, thay vì đã có bàn thờ ông bà, thì tại sao Phật tử không thờ Phật ở trên. Phật tử nên tìm cách tạo phương tiện như thế nào đó cho nó thích hợp. Nghĩa là vừa thờ ông bà mà cũng vừa thờ Phật.

Như thế, thì được lưỡng lợi cả hai. Vì ông bà cũng phải tôn kính Phật, nên thờ Phật ở tầng trên, và thờ ông bà ở tầng dưới, như thế có gì là thất kính mà có lỗi đâu. Và thờ như thế cũng đâu có chiếm thêm vị trí nào khác mà chật chội. Tại vì hoàn cảnh mình phải làm như thế. Phật và ông bà không có trách cứ Phật tử đâu, ngược lại, chẳng những không trách cứ mà các vị đó còn thương xót Phật tử nhiều hơn nữa. Vì biết Phật tử là người có tấm lòng tốt, chí hiếu, nhưng vì gia cảnh chật chội phải thờ phụng như thế mà thôi.

Tôi thành thật khuyên Phật tử nên làm như thế. Vì có thờ Phật, khi Phật tử tụng niệm bái sám, nhìn thấy hình tượng tướng hảo của Phật hay Bồ tát, thì nó càng tăng thêm niềm tin và lòng quy kính của Phật tử hướng về Tam Bảo. Và do đó, việc tụng niệm của Phật tử càng có thêm sự tha thiết chí thành. Nhờ đó mà lòng của Phật tử càng cảm thấy vui tươi an lạc dịu hiền tươi mát hơn. Đây cũng là một điều rất hệ trọng cho đời sống tâm linh, xin Phật tử hãy quan tâm suy xét lại cho thận trọng kỹ càng.

Đó là nói theo phần sự tướng bên ngoài, còn luận về lý tánh bên trong, thì Phật tử thường xoay về tự tâm quán chiếu từng giây phút không cho phiền não phát sanh, như thế thì Phật tử đang thờ Phật và thật sự tôn kính ông Phật của Phật tử rất mực rồi. Vì mỗi người đều sẵn có ông Phật. Thờ Phật ngoài để làm sáng tỏ Phật tự tâm của mình. Thờ Phật như thế, mới đúng là «Sự Lý viên dung ». Và thờ Phật như thế, mới thật sự đúng với ý nghĩa thờ Phật. Kính mong Phật tử phải thờ Phật cả hai như thế. Có thờ như thế, thì mới mong thoát khổ. Còn nếu chỉ biết có ông Phật ở bên ngoài không thôi, thì thật sự chưa đúng với ý nghĩa thờ Phật vậy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6058948