100 Câu hỏi Phật pháp (Tập 1) - Câu 91 - 100
100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 1)
Tỳ kheo THÍCH PHƯỚC THÁI
91. Cha ăn mặn con khát nước?
Hỏi: Kính bạch thầy, con thường nghe người ta nói câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Con chưa hiểu rõ ý nghĩa của câu nói nầy như thế nào? Và nói như thế có trái với luật nhân quả hay không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho chúng con được rõ.
Đáp: Câu nói nầy mới nghe qua, thì dường như có chống trái với luật nhân quả. Vì theo luật nhân quả, ai làm nấy chịu, không thể người nầy ăn mà người khác lại no, hay người nầy uống mà người kia đã khát. Nghiệp quả mình gây, thì mình phải chịu nhận lấy, không ai thay thế cho ai. Thế thì, tại sao ở đây nói, đời cha ăn mặn, đời con khát nước? Câu nói nầy, theo chỗ hiểu của chúng tôi, thì nó nói lên cái tác động ảnh hưởng qua lại trong đời sống gia đình.
Đã sống chung trong một gia đình, tất nhiên, ngoài biệt nghiệp ra, nó còn có sự cộng nghiệp trong đó. Nếu không có sự cộng nghiệp, thì chắc chắn không có sự quan hệ gắn bó tương quan qua tình nghĩa cha con hay vợ chồng. Dù đây là duyên nợ oan gia chằng chịt của mỗi người với nhau trong quá khứ.
Đã nói là cộng nghiệp, thì ít nhiều gì cũng có ảnh hưởng với nhau. Theo biệt nghiệp, thì ai làm nấy chịu. Như cha phạm pháp, thì cha phải chịu tù tội trước luật pháp, không ai có thể thay thế. Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện cộng nghiệp, thì việc làm của người cha sẽ gây ra ảnh hưởng đến gia đình rất lớn. Ảnh hưởng tác động qua nhiều phương diện. Như sa sút về phương diện làm ăn, khó khăn trong vấn đề kinh tế gia đình, ảnh hưởng đến sự học hành của con cái về mặt lý lịch, vật chất cũng như tinh thần.
Điều liên hệ ảnh hưởng về việc học hành thi cử nầy, chúng ta thấy rất rõ, sau năm 1975, đa số các con em học sinh trong những gia đình có cha làm sĩ quan cấp lớn thời quốc gia, đều bị đánh rớt vì lý lịch không tốt. Như vậy, việc cha làm có ảnh hưởng cho gia đình và con cái là như thế.
Đó là một cộng nghiệp chung của gia đình phải gánh chịu. Còn người cha bị pháp luật trừng trị hành hạ đó là nghiệp riêng của ông ta. Từ đó suy ra, hành động tốt hay xấu của mỗi thành viên trong gia đình hay trong một đoàn thể, rộng ra là cả quốc gia dân tộc, đều có tác động ảnh hưởng chung. Vì thế mới có những câu nói : “Tốt lá tốt nem, tốt em, tốt chị. Hay ngược lại cũng thế. Hoặc: một người làm xấu cả bọn mang nhơ; một người làm tốt cả bọn được nhờ. Một con sâu làm sầu nồi canh v.v…” Còn và còn rất nhiều những câu nói như thế.
Nếu làm cha mẹ ăn ở không có đạo đức, thì người con dễ bị hư hỏng. Thí dụ trong gia đình, người cha thì hay rượu chè say sưa be bét, còn mẹ thì cũng hay thích chơi bài bạc đỏ đen. Đã vậy, hai người còn xung khắc cãi vã rầy rà với nhau mãi. Cuộc sống giữa hai người không có một chút hạnh phúc. Cả hai đều sống buông thả như thế, thì bảo làm sao con cái trong gia đình nên thân cho được? Bởi cha mẹ thiếu đạo đức, thì làm sao dạy dỗ con cái. Tất nhiên, con cái cũng có cuộc sống bê tha mà thôi. Điều nầy, đã và đang xảy ra nhan nhãn hằng ngày trong xã hội.
Trong cuộc đời tương đối, đôi khi cũng có những trường hợp đặc biệt ngoại lệ. Như cây đắng mà sanh trái ngọt. Có những gia đình, cha mẹ thiếu đạo đức, kém học thức, nhưng có những đứa con rất ngoan hiền, học giỏi đổ đạt thành tài. Những trường hợp ngoại lệ nầy, thật sự mà nói, ta thấy rất ít. Đại đa số, đều tác động chịu ảnh hưởng bởi cộng nghiệp rất lớn.
Tóm lại, câu nói trên, theo tôi, thì không có gì là chống trái với luật nhân quả cả. Vì luật nhân quả, ta phải xét qua nhiều mặt. Không thể xét một cách đơn phương, cục bộ, một chiều được. Bởi lý nhân quả nó tương quan theo ước định của chiều thời gian. Và sự ảnh hưởng qua lại giữa biệt nghiệp và cộng nghiệp đương nhiên là phải có. Đời cha gây ra những hành động xấu, tốt, tất nhiên, phải có ảnh hưởng đến đời con. Nếu đời cha là người ăn ở có đạo đức, hiền từ, có trình độ học vấn kiến thức khá, và có một đời sống cư xử gương mẫu, thì đời con chắc chắn là phải có ảnh hưởng tốt đẹp lây. Trường hợp nầy đã xảy ra nhan nhãn trong xã hội xưa nay.
Ngược lại, nếu người cha là một người kém đạo đức, đời sống bê tha trụy lạc, có nhiều tánh xấu, thì tất nhiên sẽ gây tác động ảnh hưởng đến tánh tình và đời sống của người con rất lớn. Như ăn mặn là nhân mà khát nước là quả. Chính vì cha mẹ ăn ở không có đạo đức mà có thể gây ảnh hưởng hậu quả cho đời con gánh chịu. Đây là nhân quả tương đồng tác động ảnh hưởng bởi cộng nghiệp mà ra.
92. Tại sao phải ăn chay trong các ngày trai giới?
Hỏi: Kính bạch thầy, người Phật tử ăn chay có ăn chay kỳ và ăn chay trường, con chưa hiểu tại sao phải ăn chay trong các ngày trai giới? Và những ngày trai là những ngày gì? Kính xin thầy từ bi giải đáp cho chúng con được rõ.
Đáp: Theo kinh Thế Ký trong Trường A Hàm và Luận Đại Trí Độ nói, thì những ngày trai là ngày tuần thú của sứ giả các cõi trời Tứ Thiên Vương và trời Ma Hê Thủ La. Những vị nầy lãnh sứ mạng thị sát nhơn gian xem sự hành thiện tu tập của nhơn gian như thế nào rồi về tâu lại với Thiên vương. Nếu như mọi người biết lo làm lành tạo phước như bố thí và hiếu thảo với ông bà cha mẹ thì số lượng sanh thiên sẽ được gia tăng. Bằng ngược lại, thì sự sanh thiên sẽ bị giảm thiểu. Do đó, mà ở nhơn gian người ta cố gắng tu tạo phước lành trai giới, chay tịnh trong những ngày trai để được sinh về các cõi trời. Đồng thời, vào những ngày trai các vị quỷ thần cũng thường du hành trong nhơn gian và thường quở phạt gây ra tai họa cho những người không tu tập, kém phước đức. Chính vì thế, mà Phật dạy các hàng Phật tử tại gia nên cố gắng tu tạo phước đức vào những ngày chay tịnh. Nhờ tăng trưởng phước đức tu trì mà có thể vượt qua mọi tai nạn khổ ách.
Trong một tháng có nhiều ngày trai, tùy theo sự phát nguyện thọ trì trai giới của Phật tử mà có ra nhiều ngày trai khác nhau. Nhưng chủ yếu là các ngày mùng tám, mười bốn, rằm và ba mươi. Vì những ngày nầy, các vị Thiên sứ vâng mệnh của Thiên vương tuần hành thường xuyên để khuyến khích nhơn gian tu phước sanh thiên. Bởi thế, nên trời Đế Thích có bài kệ tán thán:
Người nào lấy ngày tám
Mười bốn, rằm mỗi tháng
Để tu hành trai giới
Người ấy đồng với ta.
Ngoài ra, còn có các ngày trai khác. Nếu người nào ăn chay mười ngày, thì ăn vào các ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30. Đây gọi là thập trai. Còn nếu ăn sáu ngày (lục trai) thì: 8, 14, 15, 23, 29, 30 . Nếu ăn bốn ngày (tứ trai) thì: 1, 14, 15, 30. Nếu ăn hai ngày (nhị trai) thì: mùng 1 và rằm. Ngoài ra, còn có tam nguyệt trai, tức thọ trì trai giới vào những tháng: tháng giêng, tháng bảy và tháng mười. Có người ăn luôn ba tháng, thì bắt đầu ăn từ rằm tháng tư cho đến rằm tháng bảy.
Việc thọ trì trai giới để tu tập tạo thêm phước đức là tùy thuộc vào sự phát nguyện của người Phật tử. Thông thường, người Phật tử sau khi quy y, tối thiểu phải thọ trì 2 ngày chay: mùng một và rằm. Vào những ngày trai giới, người Phật tử nên cố gắng gìn giữ tâm ý mình cho được thanh tịnh bằng cách tụng kinh, niệm Phật và tu tạo nhiều phước thiện v.v… Đó là điều rất tốt cho người Phật tử bền chí tu tập vậy.
93. Tượng Phật có từ lúc nào?
Hỏi: Kính bạch thầy, con thường phát tâm hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng thú thật, con chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật và tượng Phật có từ lúc nào? Ai là người tạo tạc tượng Phật đầu tiên? Kính xin thầy từ bi hoan hỷ giải đáp cho chúng con được rõ.
Đáp: Căn cứ vào kinh Phật Thuyết Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng (Đại chính tân tu đại tạng kinh, tập 16, tr. 790a), thì tượng Phật đã có ngay từ thời Phật còn tại thế. Nguyên khởi là do vua Ưu Đà Diên, trị vì nước Câu Diệm Di là người đầu tiên dùng gỗ thơm chiên đàn tạo ra hình tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Kinh văn nguyên tác rất dài, ở đây, chúng tôi chỉ xin được tóm lược nội dung qua một vài ý chính như sau: “Sau gần 49 năm thuyết pháp độ sanh, trong mùa an cư cuối cùng, Đức Phật liền nghĩ đến thánh mẫu Ma Da, nên Ngài tạm xa rời nhơn gian để lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho thánh mẫu và chư Thiên nghe. Trong thời gian nầy, vua Ưu Đà Diên, ngày đêm hằng trăn trở thao thức nhớ nghĩ đến Phật. Vì ông là một Phật tử rất thuần thành và luôn sùng kính Tam Bảo. Do tấm lòng nhớ nhung tha thiết đó, là động cơ chính yếu thúc đẩy ông phải gấp rút tạo hình tượng Phật. Đó là một việc làm nhằm mục đích thể hiện lòng khao khát kính ngưỡng của ông đối với Đức Phật. Đồng thời, ông cũng muốn lưu lại hình bóng của Đức Thế Tôn trong những lúc Ngài không có mặt ở nhân gian.
Sau khi nghĩ thế, nhà vua liền ra lệnh triệu tập các điêu khắc gia nổi tiếng trong nước để điêu khắc tạo hình tượng Phật để chiêm bái. Nhưng, lệnh truyền ra, mà không có ai dám đảm nhận trọng trách nầy. Vì họ nghĩ rằng, thân Phật tướng hảo quang minh, oai nghiêm cao quý, hình dung của Ngài siêu trần tuyệt thế, làm sao có thể tạc tượng chuyển tải được những đức tướng giống hệt Ngài được. Thật là một việc làm vô cùng khó khăn, nếu không khéo sẽ trở thành đắc trọng tội với Đức Phật. Do nghĩ thế, mà không một người thợ điêu khắc nào dám nhận lãnh.
Lúc bấy giờ, có một vị Trời tên là Tỳ Thủ Yết Ma, biết được việc đó, liền biến hóa ra một người thợ mộc. Vị thợ mộc nầy, liền đến trước mặt nhà vua tâu rằng: “Muôn tâu Đại vương, tôi là một thợ mộc khéo tay nghề, xin hết lòng vì nhà vua mà tạo tượng Phật. Việc làm của tôi, quyết không để cho nhà vua thất vọng. Vậy, cúi xin Đại vương chớ tìm người khác hãy để cho tôi đảm nhận trọng trách nầy”.
Nghe qua, nhà vua chấp thuận và ra lệnh phải thi hành ngay. Với bàn tay tuyệt xảo của vị trời nầy, chỉ trong vòng thời gian một ngày, thì tượng Phật đã được hoàn tất. Hình tượng Phật điêu khắc tuyệt đẹp, nhà vua rất ưng ý hài lòng. Nhà vua chiêm ngưỡng trầm trồ khen ngợi, phát hỷ tâm thanh tịnh, liền chứng Nhu thuận nhẫn. (Nhu thuận nhẫn nghĩa là tâm nhu, trí thuận; theo Vô Lượng Thọ Kinh, thì nhu thuận là một trong 3 pháp nhẫn : Âm hưởng nhẫn, nhu thuận nhẫn, và Vô sinh pháp nhẫn). Ngay sau khi chứng được Nhu thuận nhẫn, nhà vua vô cùng hoan hỷ mừng rỡ, bao nhiêu phiền muộn đều tiêu tan hết.
Về công đức tạo tượng, cũng theo kinh văn nói trên, Đức Phật dạy rằng: “bất cứ ai dùng những vật liệu như: tơ sợi thêu thùa tượng Phật hoặc dùng chì, kẽm, vàng, bạc hay các loại gỗ thơm chiên đàn v.v… tô đắp tạc tượng, khiến mọi người chiêm ngưỡng lễ bái, thì đều được phước báo vô lượng vô biên. Người đó sẽ được hình tướng đoan trang và sẽ tiêu trừ được những tội cực trọng”.
Qua đó cho chúng ta thấy rằng, người tạo nên tượng Phật hoặc người góp tịnh tài hỷ cúng vào công việc tạo tượng nầy, thì cả hai đều được phước đức rất lớn lao. Vì người Phật tử góp phần vào việc duy trì Tam Bảo để làm lợi lạc cho nhơn sinh. Nhờ đó, mà Phật pháp mãi được lưu truyền rộng rãi và cũng nhờ đó mà mọi người mới nghĩ nhớ đến ân đức cao sâu rộng rãi bao la của Đức Phật. Có tưởng niệm như thế, người Phật tử mới thiết tha nỗ lực hành trì và quyết lòng noi theo tấm gương hạnh nguyện từ bi vị tha cao cả của Đức Phật mà gắng công tu hành để chóng được giác ngộ giải thoát.
Tóm lại, nhờ vua Ưu Đà Diên mà hôm nay, chúng ta mới có được những tượng Phật để tôn thờ. Dù điêu khắc hay tô đắp tạc tạo với bất cứ hình thức vật liệu nào, tất cả cũng nhằm một mục đích chung là mang lại một sắc thái thẩm mỹ để phát khởi tín tâm của những người hâm mộ sùng bái ở nơi Đức Phật. Thế nên, các nhà điêu khắc tạo tượng cũng phải có một năng lực chuyên môn và một cảm quan sâu sắc, mới có thể thực hiện hoàn mỹ công việc nầy. Đó là một phước đức rất lớn lao mà không phải ai cũng có thể tạo nên được.
94. Tam đức là gì?
Hỏi: Kính bạch thầy, con có nghe băng giảng nói về tam đức: trí đức, đoạn đức và ân đức. Nhưng con không hiểu ý nghĩa về ba đức nầy như thế nào? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con hiểu.
Đáp: Tam đức thuộc về pháp số hay danh số. Tam đức gồm có:
1. Trí đức hay còn gọi là quán đức nó có nghĩa là, người tu hành cần phải dùng trí huệ quán sát các pháp đều là hư giả không thật. Nhờ quán sát như thế, nên không nhiễm trước ở nơi các pháp. Do đó, hành giả sẽ được giải thoát.
2. Đoạn đức là chỉ cho đoạn dứt hết các thứ vô minh phiền não lậu hoặc.
3. Ân đức là chỉ cho cái đức ban ân huệ cho chúng sanh. Ân đức nầy là do nguyện lực của Phật và Bồ tát luôn luôn cứu độ chúng sanh. Người có ân đức là người luôn có tâm hồn rộng lượng bao dung tha thứ và làm lợi ích cho muôn loài.
95. Ý nghĩa lá cờ Phật giáo?
Hỏi: Kính bạch thầy, có người hỏi con về ý nghĩa lá cờ Phật giáo. Họ hỏi tại sao có 5 màu khác nhau. Vậy 5 màu đó tượng trưng cho ý nghĩa gì? Thật sự con không hiểu, xin thầy giải đáp cho con rõ.
Đáp: Lá cờ Phật giáo đã được chấp thuận bởi Hội Nghị Liên Hữu Phật giáo Thế Giới, tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Colombo Tích Lan, từ ngày 26 tháng 5 năm 1950 đến ngày 7 tháng 6 năm 1950. Lá cờ 5 sắc là tượng trưng cho Ngũ căn Ngũ lực. Ngũ căn gồm có:tín, tấn, niệm, định, huệ. Còn Ngũ lực chỉ là tăng sức cho ngũ căn thêm lực dụng mạnh mẽ hơn mà thôi.
Như chúng ta tin vào Tam bảo hay lý nhân quả, nhưng lòng tin của chúng ta chưa được vững chắc mạnh mẽ, nên cần phải có niềm tin vững chắc mạnh mẽ hơn, đó là phạm vi của tín lực. Nghĩa là có thêm năng lực thúc đẩy niềm tin vững mạnh hơn lên. Tấn là tinh tấn, tức siêng năng hành trì về một pháp môn nào đó. Như siêng năng niệm Phật chẳng hạn. Mặc dù chúng ta có siêng năng, nhưng sự siêng năng của chúng ta chưa được mạnh mẽ, nên cần phải có tấn lực vào, thì sức siêng năng niệm Phật của chúng ta mới được dũng tiến hơn. Nhờ sức tinh tấn nên chúng ta luôn luôn nhớ đến danh hiệu Phật mà chuyên trì không gián đoạn. Sự chuyên chú hằng nhớ, đó là Niệm. Từ niệm chuyên chú lâu ngày thuần thục, thì Định lực phát sanh. Khi đã có định, tất nhiên là có Huệ. Đó là ý nghĩa đại khái của Ngũ căn và Ngũ lực.
Tóm lại, Năm màu của lá cờ là biểu trưng cho ý nghĩa ngũ căn ngũ lực là như thế. Ngoài ra, nó còn biểu trưng cho ý nghĩa tinh thần hòa hợp của Phật giáo. Phật giáo luôn chủ trương hòa bình. Cho nên, nhơn loại khắp năm châu, tuy màu da chủng tộc có khác nhau, nhưng Phật giáo xem nhau như tình huynh đệ một nhà.Với tinh thần từ bi, bình đẳng, lục hòa, Phật giáo không có phân chia giai cấp hay phân biệt khác nhau màu da chủng tộc. Vì tất cả đều có chung một nguồn tuệ giác (Phật tánh) như nhau. Vì vậy, nên lá cờ Phật giáo ngoài ý nghĩa biểu trưng cho giáo lý, nó còn nói lên tinh thần thích nghi hòa hợp đó.
96. Sự khác biệt giữa tượng Phật Thích Ca và Phật Di Đà?
Hỏi: Kính bạch thầy, xin thầy chỉ cho chúng con sự khác biệt giữa hình tượng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà khác nhau ở điểm nào?
Đáp: Sự khác biệt giữa hai tôn tượng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà qua một vài đặc điểm của biểu tướng như sau:
1. Phật Thích Ca thường trong các chùa Phật giáo Bắc Tông (Đại Thừa) đều thờ Ngài ở chính giữa chánh điện. Nên gọi Ngài là đấng Trung Tôn, vì Ngài là vị Giáo chủ cõi Ta bà nầy.
2. Hình tượng Ngài không nhứt thiết phải giống người Ấn Độ, vì theo quan niệm Phật giáo Bắc tông, nhứt là Thiền tông cho rằng, mỗi người đều có ông Phật (Phật tánh) nên người nước nào tạc tượng giống người nước đó. Từ nét mặt cho đến hình tướng. Nên hình tượng thờ trong các chùa không nhứt thiết phải giống nhau. Đó là xét trên đại thể, còn các chi tiết thì tương đối giống nhau.
Như ngồi trên tòa sen, hai bàn tay bắt ấn Tam muội, nhục kế trên đỉnh đầu, đôi mắt mở ba phần tư, và mặc ca sa (y) v.v… Đó là một vài nét biểu tướng của Phật Thích Ca. Ngoài ra, các chùa còn có thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh tay chỉ thiên tay chỉ địa.
Về Tôn tượng đức Phật Di Đà, thông thường, có hai tượng mà chúng ta thường thấy: Tượng Ngài ngồi kiết già trên tòa sen, tay kiết định ấn, tương tợ Phật Thích Ca và tượng đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng nổi lên rất cao, mắt Ngài nhìn xuống, tay trái bắt ấn cam lồ và đưa lên ngang vai, tay mặt duỗi xuống như sẵn sàng chờ đợi cứu vớt những chúng sanh đang đắm chìm trong bể khổ. Tượng nầy gọi là tượng Di Đà phóng quang. Về tượng đứng, thường bên cạnh Ngài có hai vị đại Bồ tát Quán Âm và Thế Chí. Bồ tát Quán Âm thì đứng bên tay trái và Bồ tát Thế Chí đứng bên tay phải của Ngài. Đây gọi là tượng Tam Thánh. Về tượng nầy, thì rất dễ phân biệt khác với tượng Phật Thích Ca. Còn về tượng ngồi, ta nên lưu ý sự khác biệt giữa hai tôn tượng như sau:
1. Tượng Phật Thích Ca không bao giờ duỗi một cánh tay.
2. Tượng Phật Thích Ca thường đắp y choàng qua cổ không có đắp y khoát vuông để trống trước ngực có chữ vạn. Ngược lại, tượng Phật Di Đà có đôi khi người ta tạc tượng Ngài ngồi tư thế kiết già và duỗi xoè bàn tay mặt. Y khoát cổ vuông và trước ngực có chữ vạn. Đó là hai nét chính khác với tượng Phật Thích Ca.
97. Bát kỉnh pháp là gì?
Hỏi: Kính thưa thầy, con nghe nói bát kỉnh pháp mà con không hiểu bát kỉnh pháp là gì? Xin thầy hoan hỷ giải thích cho con rõ.
Đáp: Bát kỉnh pháp hay còn gọi là bát kỉnh giới hoặc bát trọng pháp, gọi tắt là bát kỉnh. Đây là tám pháp mà Phật dạy Tỳ kheo ni phải cung kính tôn trọng Tỳ kheo tăng. Bát kỉnh pháp gồm có:
1.Tỳ kheo ni dầu 100 tuổi hạ, thấy vị Tỳ kheo tăng mới thọ giới, cũng phải đứng lên tiếp đón lễ bái và trải tòa sạch sẽ mời ngồi.
2. Tỳ kheo ni không được chê bai mắng nhiếc Tỳ kheo tăng.
3. Tỳ kheo ni không được cử tội, nói lỗi của Tỳ kheo tăng, ngược lại Tỳ kheo tăng được quyền nói lỗi của Tỳ kheo ni.
4. Thức xoa ma na (Sa di ni học pháp trước khi thọ giới Tỳ kheo) học giới xong, nên theo chúng tăng cầu thọ đại giới.
5. Tỳ kheo ni phạm tội tăng tàn, nên phải nửa tháng ở hai bộ tăng hành pháp ma na đỏa.
6. Tỳ kheo ni nên trong nửa tháng theo Tỳ kheo tăng cầu thọ học.
7. Tỳ kheo ni không được an cư ở nơi không có Tỳ kheo tăng mà an cư.
8. Tỳ kheo ni an cư kiết hạ xong, nên ở trong chúng Tỳ kheo tăng cầu xin 3 việc để tự tứ sám hối. (Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập 1 trang 574)
98. Bát nạn là gì?
Hỏi: Kính bạch thầy, con đọc trong kinh thấy nói Bát nạn, nhưng con không hiểu Bát nạn là gì? Xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con được rõ. Cám ơn thầy.
Đáp: Bát nạn còn gọi là Bát nạn xứ hay Bát nạn giải pháp v.v… Nó có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung cũng chỉ cho tám chỗ mà chúng sanh thọ khổ. Bát nạn gồm có:
1.Nạn địa ngục: chúng sanh do tạo nghiệp ác, nên phải chiêu cảm quả báo đọa vào địa ngục, chịu khổ không ngừng, không được thấy Phật nghe pháp.
2. Nạn ngạ quỷ: Tức là loài quỷ đói. Chúng sanh do tạo nghiệp tham lam bỏn xẻn nên chiêu cảm thọ sanh vào loài ngạ quỷ phải chịu đói khát khổ sở trăm bề.
3. Nạn súc sanh: Chúng sanh do si mê tối tăm, hành động phi pháp trái với luân thường đạo lý, nên phải chiêu cảm quả báo thọ sanh vào loài súc sanh nầy.
4. Nạn sanh lên cõi trời Trường thọ: Cõi trời nầy thọ mạng dài lâu, bị chướng ngại không được thấy Phật nghe pháp.
5. Nạn sinh ở Uất đan việt hay còn gọi là Bắc cu lô châu hoặc Thắng xứ. Vì người sanh về cõi nầy, họ mãi mê tham đắm hưởng lạc, nên không gặp được Phật pháp tu hành.
6. Nạn đui điếc câm ngọng: Tuy sanh được làm người nhưng sáu căn của họ không được vẹn toàn, nên cũng không được thấy nghe học hỏi Phật pháp.
7. Nạn thế trí biện thông: hạng người nầy, tuy họ rất thông minh lanh lợi, chuyên nghiên cứu học sách ngoại đạo, nên họ không tin chánh pháp, không biết tu hành để được giải thoát sanh tử khổ đau.
8. Nạn sanh trước Phật và sau Phật: Chúng sanh do nghiệp chướng sâu dầy, nên sanh ra đời không được gặp Phật.
Đại khái trong Kinh nói Bát nạn là như thế.
99. Tại sao Bồ tát Địa Tạng tay mặt cầm tích trượng và tay trái nắm hạt minh châu?
Hỏi: Kính bạch thầy, mỗi khi lạy Bồ tát Địa Tạng, nhìn thấy Ngài tay mặt cầm tích trượng còn tay trái thì nắm hạt minh châu, con không hiểu ý nghĩa nầy như thế nào? Kính xin thầy giải đáp cho con rõ.
Đáp: Tích trượng là một trong những pháp khí do Phật chế ra. Thời xưa, Phật và các Thánh chúng đi khất thực thường vai mang bát và tay cầm tích trượng. Công dụng của tích trượng là để dẹp trừ những chướng ngại vật làm trở ngại bước chân của các Ngài đi. Như rắn rết v.v…
Còn trên đầu tích trượng sở dĩ có 12 khoen, đó là biểu trưng cho 12 nhân duyên. Đức Phật do giác ngộ 12 nhân duyên mà được thành tựu đạo quả. Từ đó, Ngài đem 12 nhân duyên để giáo hóa chúng sanh, vì Ngài muốn mọi người đều được giác ngộ đạo lý như Ngài. Vì thế, tay mặt của Bồ tát Địa Tạng cầm cây tích trượng trên đầu có 12 khoen là nói lên ý nghĩa tiêu biểu đó. Còn tay trái Ngài nắm hạt minh châu là tượng trưng cho trí huệ. Vì muốn phá vô minh, cần phải có trí huệ. Một khi có trí huệ chiếu sáng thì vô minh không còn. Đầu mối của 12 nhân duyên là vô minh. Nên 12 khoen là tượng trưng cho vô minh. Hạt minh châu là tượng trưng cho trí huệ. Khi trí huệ bừng sáng như hạt minh châu chiếu sáng, thì bóng tối vô minh không còn. Ngang đó, sẽ được giải thoát sanh tử chấm dứt mọi khổ đau ràng buộc. Bởi thế, nên hình ảnh của Bồ tát Địa Tạng là biểu trưng người xuất gia, khác hơn các vị Bồ tát khác tượng trưng một người cư sĩ tại gia. Tất cả đó là nói lên ý nầy.
100. Tứ ma là gì?
Hỏi: Kính bạch thầy, con nghe nói người tu hành hay bị bốn thứ ma làm chướng ngại, nhưng con không hiểu bốn thứ ma đó là gì? Cúi xin thầy từ bi giải đáp cho con rõ.
Đáp: Trong Kinh Bát Đại Nhơn Giác có câu nói: “Tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục”. Nói bốn loại ma đó là: Phiền não ma, ngũ ấm ma, thiên ma và tử ma.
Bốn loại ma nầy, làm chướng ngại cho người tu hành rất lớn.
Thứ nhứt là phiền não ma. Đây là ma trong tâm của mỗi người. Phiền não gồm có rất nhiều loại, nhưng không ngoài hai loại chính: căn bản phiền não và tùy phiền não. Căn bản là gốc rễ. Tức là những loại: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Đây là những loại có gốc rễ sâu dầy thật khó trừ khó đoạn. Chính nó là nguyên nhân gây ra cho người ta phải đau khổ triền miên.
Còn tùy phiền não, thì nhẹ hơn, nhưng chúng nó cũng gây ra cho người ta luôn luôn bất an. Chúng gồm có 20 thứ. Cường độ của chúng, cũng có loại mạnh loại yếu. Nên các nhà Duy Thức chia chúng ra làm ba loại: tiểu tùy, trung tùy và đại tùy.
Về tiểu tùy thì có 10 thứ: phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu.
Trung tùy gồm có 2 loại: vô tàm và vô quý.
Đại tùy gồm có 8 thứ: điệu cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.
Thứ hai là ngũ ấm ma. Ngũ ấm ma gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tại sao gọi 5 thứ nầy là ma? Vì 5 thứ nầy không thật có mà người ta cố chấp cho là thật có, rồi từ đó mà tạo nghiệp thọ khổ nên gọi nó là ma.
Thứ ba là thiên ma. Đây là loại ma vương ở cõi trời Dục giới. Chúng có khả năng biến hóa khuấy phá nhiễu loạn làm trở ngại sự tiến đạo của hành giả. Loại ma nầy, khuấy phá Phật khi Phật sắp thành đạo. Vì bọn chúng không muốn cho ai thoát khỏi ngũ dục. Chúng thấy ai tu hành tinh tấn, không còn mê đắm ngũ dục lạc thế gian, thì chúng thường hay khuấy phá.
Thứ tư là tử ma. Tử ma là ma chết. Con người sau khi chết thành loài ma quái yêu tinh khuấy nhiểu làm người ta sợ hãi sanh bệnh v.v… Hoặc người đang tinh tấn tu hành, bỗng bị vô thường xảy đến bệnh hoạn hay tai nạn rồi ngã ra chết làm trở ngại dở dang sự tu hành đó cũng thuộc về tử ma.
Nói tóm lại, bốn loại ma nầy, lực dụng của chúng đều làm chướng ngại lớn trên bước đường tu tiến của hành giả. Vì bọn chúng khuấy nhiểu mà làm cho người tu hành khó được giải thoát.
Bình luận bài viết