Học

100 Câu hỏi Phật pháp (Tập 2) - Câu 81 - 90

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 2)

Tỳ kheo THÍCH PHƯỚC THÁI

 

81. Ý nghĩa cúng rước vía đức Phật Di Lặc đầu năm?

Hỏi: Kính thưa thầy, con không hiểu lý do tại sao đêm giao thừa ở các chùa cũng như ở tư gia của nhiều gia đình Phật tử lại thiết lễ cúng rước vía đức Phật Di Lặc. Vậy ý nghĩa rước vía đó như thế nào? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ. Con kính cám ơn thầy.

Đáp: Việc thiết cúng rước vía đức Phật Di Lặc, đây là một truyền thống đã có lâu đời. Nhưng dựa vào đâu mà người ta lấy ngày mùng một Tết hằng năm để làm ngày kỷ niệm rước vía Ngài? Vấn đề nầy, theo sự khảo cứu của chúng tôi, thì chúng tôi chưa thấy có chỗ nào nói rõ việc nầy. Chỉ thấy trong quyển “Xuân Trong Cửa Thiền” của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, xuất bản năm 1997, Hòa Thượng có nêu ra và giải thích vấn đề nầy. Sở dĩ người ta chọn ngày đầu năm, tức ngày mùng một Tết âm lịch, các chùa theo hệ phái Phật giáo Phát Triển cũng như đa số Phật tử làm lễ rước vía Ngài, theo Hòa Thượng Thanh Từ cho rằng, đây là do chư Tổ Trung Hoa bày ra. Chớ không thấy sách sử nào ghi rõ về ngày sanh của Ngài cả.

Bồ tát Di Lặc theo sử ghi, thì Ngài là một nhân vật lịch sử có thật ở Ấn Độ thời Phật. Di Lặc là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Từ Thị. Thị nghĩa là họ của Ngài, còn Từ là chỉ cho từ bi. Về tên họ của Ngài có nhiều thuyết nói không giống nhau. Ngài cũng có tên là A Dật Đa (tiếng Phạn) Trung Hoa dịch là Vô Nan Thắng. Theo thói quen, chúng ta thường gọi Ngài là Phật Di Lặc, kỳ thật, thì Ngài chỉ là một vị Bồ tát nhất sanh bổ xứ, hiện ở nội viện thiên cung của cõi trời Đâu Suất. Theo lời huyền ký của đức Phật Thích Ca, thì sau nầy, Ngài sẽ hạ sanh xuống cõi Ta bà tu hành thành Phật dưới cội cây Long Hoa. Bấy giờ, người ta mới tôn xưng Ngài là Phật Di Lặc.

Ngày nay, trong các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc Tông đều tôn thờ hình tượng Ngài, với tư thế Ngài ngồi phạch ngực, mập mạp, bụng to và miệng cười toe toét. Có hình tượng trên thân hình Ngài còn có 6 đứa con nít bu chung quanh, đứa thì móc lỗ tai, móc mắt, móc miệng v.v… Ai trông thấy cũng tưởng như là một trò đùa, nhưng đó là tượng trưng một ý nghĩa rất thâm sâu. Ý nói rằng, dù cho 6 giặc (6 trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc pháp) có quậy phá đến đâu, cũng không làm cho tâm Ngài phải bị dao động, Vì sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của Ngài đã hoàn toàn thanh tịnh. Hình tượng nầy, người ta y cứ vào hóa thân của Ngài là một vị Bố Đại Hòa Thượng (HT mang túi vải lớn) ở vào thời Ngũ Đại khoảng thế kỷ thứ 10 bên Trung Hoa, mà người ta tạo tạc, đắp tượng tôn thờ. Thế nhưng, tại sao biết đó là hóa thân của Bồ tát Di Lặc? Vì trước khi viên tịch, Ngài có để lại bài kệ:

Di Lặc chơn Di Lặc

Phân thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhơn

Thời nhơn tự bất thức

Nghĩa là:

Di Lặc thật Di Lặc

Phân thân trong muôn ức

Thường thường chỉ dạy người đời

Người đời tự không biết.

Chính nhờ bài kệ nầy mà người ta mới biết Bố Đại Hòa Thượng là hóa thân của đức Di Lặc.

Trở lại câu hỏi trên, tại sao phải lấy ngày mùng một Tết làm ngày vía? Thường người ta hay lấy ngày sanh hoặc ngày tịch để làm ngày kỷ niệm gọi là ngày vía. Nhưng ở đây thì không nằm trong thông lệ đó. Mà đây là ý nghĩa thâm sâu trong nhà Thiền, do chư Tổ khéo bày chọn ngày nầy làm ngày vía của Ngài. Theo tục lệ của người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, phần đông người ta rất chú trọng đến việc kiêng cử ngày đầu năm. Vì ngày đầu năm, người ta cho rằng đó là ngày quyết định cho việc tốt xấu, hên xuôi, trọn một năm. Do đó, nên người Phật tử cúng rước vía Bồ Tát Di Lặc với thâm ý là để được trọn năm an vui hạnh phúc. Vì Bồ tát Di Lặc chuyên tu hạnh hỷ xả. Do đó, nên người ta tạc tạo tượng Ngài lúc nào cũng thấy Ngài ngồi an nhiên vui cười hỷ hạ.

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá

Bao bụi trần bám đã rồi rơi

Mặc cho thế sự đầy vơi

Dững dưng như một nụ cười an nhiên.

Niềm ước vọng cuối cùng của người tu là mong cầu thành Phật. Gần hơn là người ta mong được an vui hạnh phúc. Muốn thế, tất nhiên người Phật tử cần phải noi theo tấm gương hỷ xả của ngài. Từ, bi, hỷ xả, đó là tứ vô lượng tâm tức bốn tâm hành không lường của một vị Bồ tát. Mà Bồ tát Di Lặc là biểu trưng đầy đủ cụ thể cho bốn tâm hành nầy. Lúc nào trên gương mặt của Ngài cũng hỷ xả an vui hạnh phúc.

Có xả bỏ những ưu phiền nội kết trong tâm, thì con người mới thật sự có an vui hạnh phúc. Đó mới thật là thứ hạnh phúc chơn thật. Cho nên, khi tưởng niệm lễ bái Ngài đầu năm, người Phật tử ước vọng tương lai đời mình sẽ được thành Phật như Ngài. Đồng thời, cũng quyết tâm thật hành theo hạnh hỷ xả của Ngài. Có thế, thì trọn năm người Phật tử mới được nhiều lợi lạc vui tươi hạnh phúc. Bằng ngược lại, thì sẽ chuốc lấy nhiều đau khổ. Đó là ý nghĩa và cũng là lý do chính yếu mà người Phật tử tưởng niệm lễ vía Ngài đầu năm vậy.

Kính chúc Phật tử trọn hưởng một mùa xuân Di Lặc và luôn luôn an vui hạnh phúc bằng một nụ cười hỷ xả trên môi.

82. Vấn đề tịnh khẩu?

Hỏi: Kính bạch thầy, trong những khóa tu ngắn hoặc dài hạn, con thấy có một vài Phật tử phát nguyện tịnh khẩu tuyệt đối không nói chuyện. Chỉ khi nào có việc cần thiết, thì họ ra dấu hoặc viết bằng giấy mà thôi. Con không hiểu việc làm nầy có đúng theo kinh điển Phật dạy hay không? Có người còn nói, đó là á khẩu chớ không phải tịnh khẩu. Kính xin thầy giải đáp cho chúng con được rõ. Cám ơn thầy nhiều.

Đáp: Tịnh khẩu có nghĩa là thanh tịnh khẩu nghiệp. Chữ tịnh có nghĩa là trong sạch và an ổn. Cái miệng chỉ là cơ quan hay công cụ để phát ra lời nói. Trong kinh Phật thường răn dạy, người Phật tử phải hằng giữ gìn ở nơi ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Trong ba nghiệp nầy, ngoài ý nghiệp chủ động ra, khẩu nghiệp cũng rất là quan trọng. Nói cho đúng phải nói là gìn giữ ở nơi ngữ nghiệp. Tức là thói quen của lời nói.

Lời nói có 4 cách: nói dối, chuyện không nói có, chuyện có nói không. Nói lời thêu dệt trau chuốt. Nói lưỡi hai chiều, tới đây nói kia, tới kia nói đây, gây xích mích ly gián hai bên với nhau. Nói lời hung ác trù rủa chưởi mắng. Nếu nói theo Hán Việt là: vọng ngôn, ỹ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu. Đây là bốn cách nói gây nên tội lỗi của cái miệng, nên gọi là khẩu nghiệp. Tuy nhiên, nếu chúng ta dùng những lời nói ái ngữ, chân thật, hòa nhã, yêu thương, đoàn kết, xây dựng v.v… thì đó là ta đã khéo biết thanh tịnh hóa khẩu nghiệp. Nghĩa là ta khéo biết sử dụng lời nói có ý thức hạn chế theo chiều hướng thiện nghiệp. Đó cũng là ý nghĩa của tịnh khẩu.

Chúng ta chỉ nói những điều gì khi cần thiết phải nói. Nói trong tinh thần hiểu biết cảm thông và có chánh niệm soi sáng. Lời nói đó, tất nhiên là sẽ mang lại cho chúng ta những điều lợi ích thiết thực cho mình và người. Hiểu theo nghĩa nói đó, thì tịnh khẩu không có nghĩa là hoàn toàn câm lặng. Theo Thiền sư Nhất Hạnh, “Tịnh khẩu là một phương pháp thực tập rất sâu sắc chớ không phải là chuyện cấm nói. Tịnh khẩu không có nghĩa là không nói mà thôi. Nó có nghĩa là quán chiếu bằng chánh niệm của mình những điều gì mình định nói”. Tuy nhiên, trong các khóa tu, nếu Phật tử là người dự tu, xét thấy mình không có phận sự gì, thì cũng nên phát nguyện tịnh khẩu không nói để giữ cho tâm mình được thanh tịnh mà chuyên tâm niệm Phật, theo tôi, đó cũng là điều rất tốt. Nhưng đó chưa hẳn đúng nghĩa của việc tịnh khẩu như đã nói ở trên.

Việc tịnh khẩu nầy, tùy theo mỗi tình huống mà đức Phật có khi khen ngợi, nhưng cũng có khi đức Phật quở trách trong hàng đệ tử xuất gia của Ngài. Khen ngợi, là khi Phật thấy trong chúng khéo biết trao đổi kiến giải tu học trong ái ngữ, ôn hòa, đoàn kết. Quở trách, là trường hợp có những vị hoàn toàn câm lặng, dù biết mình hành sai mà cũng không nêu ra để trao đổi luận bàn. Cứ chấp chặt câm lặng không nói một lời. Đó là thái độ hoàn toàn không phải trong tinh thần tịnh khẩu Phật dạy.

Vẫn biết việc giữ im lặng không nói là điều tốt. Nhưng cũng phải tùy theo trường hợp. Thay vì không nói diễn tả bằng lời, lại ra dấu hiệu diễn tả bằng cách nói ở nơi tay như ra dấu hoặc viết giấy v.v… thì đó cũng là một cách nói, chỉ khác nhau bằng lời và hành động mà thôi. Cho nên, tốt hơn hết là ta nên nói, nhưng chỉ nói những gì cần thiết đáng nói và phải nói bằng những lời ái ngữ hòa nhã êm dịu. Đó chính là cách tịnh khẩu hay nhất và cũng đúng theo lời Phật dạy. Những ai có bịnh già hàm nói nhiều thì trong những khóa tu, đó là môi trường tốt để ta thực tập tịnh khẩu bớt nói. Có tịnh khẩu như thế thì thân tâm ta mới được an lạc và sự tu hành của chúng ta mới thực sự có tiến bộ vậy.

Kính chúc Phật tử có nhiều tiến bộ trên đường tu học.

83. Nằm niệm Phật có lỗi không?

Hỏi: Kính bạch thầy, con năm nay tuổi đã già trên 80, lại thêm có chứng bịnh đau xương sống, ngồi lâu không được. Con không biết trong khi nằm mình có nên niệm Phật được không? Có người nói, nằm niệm Phật thì có lỗi, nên con không biết có phải như thế không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.

Đáp: Phật Tổ thường dạy chúng ta là niệm Phật trong 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Nghĩa là, niệm Phật trong tất cả thời gian và nơi chốn. Như vậy, nằm niệm Phật cũng không có gì trở ngại. Tuy nhiên, khi nằm niệm Phật thì Phật tử không nên niệm ra tiếng. Vì niệm ra tiếng, thì có lỗi. Còn nếu Phật tử chỉ niệm thầm thì không sao cả. Nhưng niệm Phật trong tư thế ngồi, thì dễ được định tâm hơn và ít bị hôn trầm bằng cách nằm mà niệm. Vì nằm niệm hay dễ đi vào giấc ngủ lắm.

Trường hợp của Phật tử vì xương sống bị đau nên khó ngồi lâu. Vậy, Phật tử có thể linh động thay đổi trong 4 oai nghi mà niệm. Người tu Tịnh độ, muốn niệm Phật được bền lâu, phải tùy theo tinh thần, sức khỏe, và hoàn cảnh mà chúng ta nên uyển chuyển linh động cho thích hợp. Không nên quá cố chấp câu nệ vào hình thức mà làm trở ngại cho bước tiến trong việc hành trì niệm Phật của mình.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin được trình bày sơ qua về bốn cách niệm Phật thành tiếng, mà trong kinh điển Phật Tổ đã chỉ dạy, để cho Phật tử hiểu rõ thêm. Theo chư Tổ Liên Tông dạy, niệm Phật thành tiếng có bốn cách: 1.Cao thinh niệm. 2. Đê thinh niệm. 3. Kim cang niệm. 4. Mặc niệm (thầm niệm).

1. Cao thinh niệm, cách nầy là chúng ta phải niệm lớn tiếng. Nhất là trường hợp có nhiều người đồng niệm. Mặc dù niệm lớn tiếng, nhưng tất cả đều phải giữ hòa âm với nhau. Nghĩa là âm thanh của mỗi người phải giữ ở một cung bậc hòa nhịp với nhau. Không nên ỷ mình có âm thanh tốt mà niệm lớn tiếng, làm áp đảo âm thanh của những người khác. Niệm như thế thì không nên. Niệm Phật đông người, giống như một buổi hòa nhạc. Tất cả đều phải giữ tiết tấu ở một cung bậc không cao không thấp. Như thế, thì khi phát ra âm thanh không bị chói tai. Đó là nói niệm Phật cao thinh khi có đông người.

Còn trường hợp nếu niệm Phật một mình, thì chúng ta cũng có thể niệm lớn tiếng. Cách niệm nầy, có cái lợi là dễ dẹp trừ vọng niệm. Vì khi niệm lớn tiếng thì những vọng niệm nghĩ xằng tính bậy khó có cơ hội sanh khởi. Nhưng với điều kiện là mình phải nhiếp tâm lắng nghe thật kỹ lại âm thanh của mình. Nghĩa là khi đó tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau và phải niệm âm thanh cho thật rành rẽ rõ ràng. Nên nhớ, khi niệm không mau cũng không chậm. Tuy nhiên, niệm theo cách cao thinh nầy, chúng ta sẽ dễ bị hao tổn khí lực.

2. Đê thinh niệm, là niệm thấp hay nhỏ tiếng vừa đủ nghe. Cách niệm nầy, tuy lực dụng đối trị vọng niệm, không bằng cách cao thinh, nhưng ít bị hao tổn khí lực tinh thần. Khi niệm lớn tiếng cảm thấy mệt, thì liền đổi cách niệm nhỏ tiếng lại.

3. Kim cang niệm, là chỉ niệm sẻ động môi mà thôi. Cách niệm nầy được cái lợi là hành giả có thể niệm nhanh hơn là niệm ra tiếng. Theo Đạo Nguyên pháp sư dạy, thì niệm theo lối kim cang trì nầy, hành giả vừa không bị phí sức mà lại vừa được số câu nhiều hơn. Nếu như hành giả chỉ niệm bốn chữ: A Di Đà Phật. Theo Tổ Liên Trì cho rằng, cách niệm kim cang trì nầy là có thể được bền lâu hơn những cách kia. Vì niệm thầm (mặc trì) thì dễ hôn trầm, niệm lớn tiếng (cao thinh trì) cảm thấy phí sức. Tuy nhiên, Tổ bảo chúng ta cũng không nên chấp một pháp nào cố định, mà phải tùy nghi linh động thay đổi cho nó thích hợp.

4. Niệm thầm (mặc trì) đây là cách niệm ở trong tâm. Nghĩa là chỉ có tâm niệm chớ không có khẩu niệm. Cách niệm nầy, hành giả phải cẩn thận tinh ý lắm mới được. Vì con khỉ ý thức nó hay chuyền nhảy lắm. Khi niệm, nếu chúng ta chỉ cần lơ đểnh chăm chú một chút, là nó sẽ chạy rong khi nào mình không hay biết. Niệm Phật theo cách nầy, thì Phật tử nằm vẫn niệm được. Niệm theo hai cách trên khi phát ra thành tiếng, thì không nên nằm mà niệm. Vì như thế, theo chư Tổ dạy, đó là phạm vào cái lỗi khinh suất.

Nói tóm lại, bốn cách niệm Phật nói trên, Phật tử tùy nghi linh động mà chuyển đổi. Không nhất thiết phải theo một cách nào cố định. Việc tu hành niệm Phật, ta phải khéo léo tùy thời mà uyển chuyển, nhất là phải thích hợp với tinh thần, sức khỏe và hoàn cảnh của mình. Vì sự tu hành niệm Phật không phải một ngày một bữa, mà nó đòi hỏi chúng ta phải gắng sức bền chí dẻo dai lâu dài.

Do đó, chúng ta cũng không nên quá cố chấp câu nệ vào hình thức. Nếu như Phật tử không thể ngồi lâu, thì Phật tử nằm niệm Phật bằng cách niệm thầm nói trên, thì cũng không có lỗi chi cả. Điều nầy kinh sách Phật Tổ chỉ dạy rất rõ. Thậm chí, những lúc đi vệ sinh, chúng ta cũng vẫn niệm thầm. Chỉ không nên niệm ra tiếng mà thôi. Nếu những nơi không thanh tịnh mà chúng ta niệm thành tiếng thì mới có lỗi. Ngoài ra, thì không có sao cả. Vì phạm vi trả lời câu hỏi, nên chúng tôi chỉ trao đổi trình bày đại khái. Nếu Phật tử muốn biết tường tận hơn thì tôi khuyên nên tìm kinh sách đọc thêm.

Kính chúc Phật tử thân tâm thường lạc, tịnh nghiệp tinh chuyên, chóng đạt thành sở nguyện.

84. Ý nghĩa và chức năng tác dụng của một ngôi chùa?

Hỏi: Kính thưa thầy, con là một Phật tử đã từng đi chùa từ lúc còn thơ ấu. Dù đã đi như thế, nhưng thú thật cho đến hôm nay, con cũng vẫn chưa hiểu rõ về nguyên ủy xuất phát, cũng như ý nghĩa và tác dụng của ngôi chùa như thế nào. Có người hỏi con về việc nầy, nhưng con không biết phải trả lời ra sao cho người đó hiểu. Vậy nay con kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con hiểu rõ về vấn đề nầy. Con xin cám ơn thầy.

Đáp: Câu hỏi của Phật tử mới nghe qua tuy đơn giản, nhưng đây lại là một vấn đề mang tính chuyên sâu rộng lớn. Ngôi chùa tuy hiện diện trước mắt chúng ta, nhưng muốn hiểu rõ về nội dung cũng như hình thức tác dụng của nó, thiết nghĩ cũng không phải là chuyện dễ dàng. Vấn đề nầy, đâu phải chỉ riêng có Phật tử không hiểu, mà hầu như đại đa số Phật tử chúng ta, ít có ai chịu khó nghiên cứu tìm hiểu tường tận về vấn đề nầy. Với một đề tài sâu rộng như thế, mà chúng tôi chỉ trình bày giới hạn trong phạm vi trả lời câu hỏi, thì chắc chắn là chúng tôi không thể nào nói hết tầm mức quan trọng về ý nghĩa sâu xa và tác dụng của ngôi chùa được.

Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, ở đây, chúng tôi cũng chỉ xin trình bày một cách dón gọn đơn sơ qua một vài nét khái quát, theo sự hiểu biết nông cạn của chúng tôi mà thôi. Nếu có dịp, tôi thành thật khuyên Phật tử nên nghiên cứu tìm hiểu sâu rộng cặn kẽ hơn. 

Trước hết, xin nói sơ qua về những tên gọi của nó. Chùa, tiếng Hán Việt gọi là tự. Nó còn có những tên khác như: Tăng già lam, Già lam, Phạm sát, Lan nhã, Tùng lâm, Tinh xá, Đạo tràng v.v… Có chỗ gọi là tự viện. Tiếng Phạn tương đương với tự viện là Vihara.

Truy nguyên về nguồn gốc của ngôi chùa, ta thấy, ở vào thời kỳ đức Phật Thích Ca, thì có hai ngôi tinh xá xuất hiện nổi tiếng sớm nhứt ở Ấn Độ. Một là tinh xá Trúc Lâm ở thành Vương xá do vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) kiến lập. Hai là tinh xá Kỳ Hoàn hay còn gọi là Kỳ Viên (Jetavena) ở thành Xá vệ, do trưởng giả Tu Đạt Đa (Anathapindika) tạo dựng để cúng dường cho Phật và chúng tăng cư trú.

Còn ở Trung Quốc, theo sử liệu cho biết, ngôi chùa đầu tiên có tên là Hồng Lô Tự, do triều đình xây dựng để tiếp đãi tăng khách bốn phương. Thường các vị tăng Tây Vực (Ấn Độ) khi đến Trung Quốc thì trước tiên thường hay đến nơi nầy để nghỉ và rồi sau đó mới đi nơi khác. Do đó về sau, gọi nơi tăng ni ở là “Tự” tiếng Việt gọi là chùa. Đó là những ngôi chùa đầu tiên đã được kiến lập ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Riêng ở Việt Nam, chúng tôi thấy trong quyển Đạo Phật Việt Nam, xuất bản năm 1995 tại TP Hồ Chí Minh, Hòa Thượng Thích Đức Nghiệp có nói đến ngôi chùa Yên Phú, thuộc xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Ngôi chùa nầy có mặt dài lâu nhứt trên đất nước Việt Nam tức vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Ngoài ra, trong quyển Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1, khi nói về nhà Sư Phật Quang và di tích đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam, giáo sư Lê Mạnh Thát cũng có đề cập đến một ngôi chùa cổ ở trên núi Quỳnh Viên. Nhưng rất tiếc ông không có nêu rõ tên chùa.

Nếu nói một cách chung chung, thì từ khi đạo Phật du nhập vào đất nước ta, khi đã có hình bóng của các vị tăng sĩ tu hành truyền đạo, tất nhiên là phải có những cơ sở cho những vị đó trú ngụ hoằng pháp. Cơ sở đó chính là ngôi chùa. Dĩ nhiên, trong thời kỳ phôi thai nầy, chắc chắn là những ngôi chùa đã được dựng lên, tất phải còn đơn sơ nghèo nàn lắm. Làm gì có được những ngôi chùa đầy đủ tầm vóc nguy nga tráng lệ, nghệ thuật kiến trúc thẩm mỹ độc đáo như sau nầy.

Về tác dụng của ngôi chùa, trước hết phải nói ngôi chùa mang chức năng là một cơ sở giáo dục. Nói chung, dù chùa nhỏ hay lớn, đơn sơ hay hoành tráng, đều có chung một mục đích là mang tính tác dụng giáo dục. Thử nhìn lại, những giai đoạn hưng vong, thạnh suy của dân tộc và Phật giáo, lịch sử đã chứng minh, bất luận thời nào, ngôi chùa cũng đóng một vai trò then chốt quan trọng trong việc điều hướng giáo dục quần chúng nhân dân. Có thể nói chùa là cái nôi là cái lò rèn luyện chuyên đào tạo cho mọi người hướng thiện tu hành.

Có những ngôi chùa biến thành như một ngôi trường làng, đề ra chương trình giáo dục thực tiễn nhằm xây dựng đạo đức nhân bản cho con người. Mục đích là nhằm đào tạo con người có được đời sống tâm linh phong phú và trên hết là chất liệu văn hóa tình người. Đó là con đường hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, mà những vị tăng ni đóng vai trò chủ chốt trong việc đào tạo nầy. Một học giả đã viết:“Thời Giao Châu đô hộ phủ, các lò huấn dục nhân tài ắt phải ở tại các ngôi chùa Phật giáo cổ xưa, vốn thân cận với nhân dân bị trị, nơi quy tụ tín ngưỡng của nhân dân” (PGVN, Nguyễn Đăng Thục, T, 284)

Ngoài ra, ngôi chùa còn là một hình ảnh thân thương rất quen thuộc gần gũi với nếp sống hiền hòa của những người dân quê mộc mạc. Câu nói: “Đất vua, Chùa làng” đã cho ta thấy cái giá trị tín ngưỡng thiêng liêng trong tình tự hài hòa gắn bó thể hiện trong nếp sống tình cảm chơn chất đơn thuần của người dân quê. Vì chùa là mái ấm che chở ấp ủ nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ. Họ xem ngôi chùa như là một mái ấm gia đình chung. Do đó, nên họ cùng nhau quyết tâm đóng góp xây dựng bảo vệ và phát huy mạnh mẽ. Mái chùa là niềm an ủi xoa dịu những nỗi buồn u uất đè nặng trong tâm hồn của họ. Và vì thế nên họ không thể nào quên được.

Mai nầy tôi bỏ quê tôi

Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.

Bỏ quê bỏ cả gió trăng nhưng niềm đau nhứt là phải bỏ chùa! Làm sao có thể quên được? Vì chùa là nơi mà họ đã từng tới lui ấp yêu tràn đầy những kỷ niệm yêu thương gắn bó nhớ nhung. Đã thế, bảo sao họ có thể quên lãng cho được! Đó là một tình cảm thật thân thiết đậm đà nồng nàn, chứng tỏ hình ảnh của ngôi chùa nó đã ăn sâu trong lòng người Việt Nam như là một dấu ấn sâu đậm không thể nào phai nhòa trong tâm trí của họ. Chính vì lẽ đó, nên chúng ta cũng không lạ gì, khi thấy bất cứ nơi đâu có đông đảo đồng hương Phật tử sinh sống, thì chắc chắn nơi đó sẽ mọc lên ngôi chùa.

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Chùa là một biểu tượng thiêng liêng thấm sâu vào lòng dân tộc Việt từ ngàn xưa. Như nước thắm sâu vào lòng đất. Do đó, dù đã trải qua mấy ngàn năm thăng trầm, thạnh suy, vinh nhục, vật đổi sao dời, qua phân ly tán, nhưng hình ảnh của ngôi chùa vẫn mãi mãi hiên ngang hiện hữu tồn tại trong lòng người dân Việt.

Quả đúng như lời thơ của Vũ Hoàng Chương đã viết:

…Dân tộc ta không thể nào thua

Đạo Phật ta đời đời sáng lạn

Dầu trải mấy qua phân ly tán

Nhưng vẫn còn núi còn sông

Còn chót vót mãi ngôi chùa.

Đây cũng còn là nơi để chúng ta tôn thờ hướng lòng tri ân và báo ân đối với các bậc tiền nhân, những vị đã có công lao dựng nước và giữ nước, gần nhứt là các đấng sanh thành đã dày công khó nhọc giáo dưỡng chúng ta nên người.

Về thực chất đạo đức, ngôi chùa còn có tác dụng trực tiếp hướng dẫn con người hướng thiện. Nền luân lý đạo đức của Phật giáo dạy người Phật tử phải ăn ở hiền lành. Năm giới cấm của người Phật tử tại gia, đó là năm nguyên lý đạo đức căn bản mà người Phật tử phải giữ gìn cẩn thận. Đồng thời phải ý thức và áp dụng lý nhân quả vào đời sống. Có thế thì người Phật tử mới tránh được những điều tội lỗi. Đó là hướng tiến thăng hoa đạo đức của người Phật tử trong việc tu thân tề gia và đem lại nhiều lợi ích cho nhân quần xã hội. Thử hỏi được thế do đâu? Nếu không có ngôi chùa, thì làm sao người Phật tử có thể quy tụ công phu thực tập tu học thành công như thế?

Nói tóm lại, ngôi chùa ngoài hình thức ngoại diện như lối kiến trúc thẩm mỹ mang tính chất nghệ thuật tuyệt hảo biểu trưng đầy đường nét hoa văn dân tộc tính ra, nó còn có nhiều chức năng nhằm nuôi dưỡng đời sống tâm linh và đóng góp xây dựng nếp sống đạo đức hiền hòa cao đẹp cho con người theo chiều hướng thánh thiện. Đồng thời, nó cũng còn đáp ứng được những nhu cầu tín ngưỡng, thờ phụng, lễ bái, tu học, sinh hoạt xã hội của mọi tầng lớp dân chúng. Do đó, ngôi chùa thật là quan trọng mà chúng ta cần phải có bổn phận bảo tồn duy trì và phát huy mạnh mẽ trong tinh thần phụng sự nhơn sinh vậy.

85. Tại sao gọi là Kết kỳ niệm Phật mà không gọi là Phật thất?

Hỏi: Kính thưa thầy, tại sao ở những nơi khác khi khóa tu mở ra bảy ngày, thì người ta gọi là Phật thất? Còn ở đạo tràng Quang Minh của chúng ta, thì lại gọi là Kết kỳ niệm Phật? Như vậy giữa hai tên gọi nầy giống nhau hay khác nhau? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho chúng con hiểu.

Đáp: Danh từ Phật thất có lẽ người ta mới dùng sau nầy. Trước kia, chúng tôi ít khi nào nghe nói đến. Hơn nữa, đọc trong kinh sách, thì chúng tôi chỉ thấy các bậc Cổ Đức thường dùng những danh từ như là: đã thất, kiết thất, nhập thất hay kết kỳ niệm Phật. Tuyệt nhiên, chúng tôi không thấy có chỗ nào nói là Phật thất cả. Tên gọi Phật thất có lẽ xuất xứ từ Trung Quốc, do các bậc Tổ sư ở Trung Quốc bày ra. Nhưng thú thật, chúng tôi không biết rõ tổ chức Phật thất có từ thời điểm nào. Vì chúng tôi chưa tìm ra tài liệu nào chính xác nói rõ về việc nầy. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, sở dĩ có danh từ nầy là do các ngài dựa vào kinh A Di Đà mà lập nên. Với mục đích là nhằm tổ chức quy tụ nhiều người về một đạo tràng để cùng nhau hết lòng niệm Phật.

Điều mà chúng ta cũng nên lưu ý là Phật thất khác với kiết thất, hay nhập thất. Khác nhau như thế nào? Bởi vì kiết thất hay nhập thất (chữ thất nầy là nhà) là ở trong ngôi nhà nhỏ hay một gian phòng, dứt hết ngoại duyên chỉ chuyên tâm niệm Phật trong khoảng bảy ngày hay nhiều hơn, tùy theo sự phát nguyện của hành giả. Còn nói Phật thất là chỉ niệm Phật hạn định trong vòng thời gian bảy ngày thôi. Chúng tôi thấy có nhiều người lầm nhận cho rằng Phật thất cũng giống như kiết thất hay nhập thất. Sự nhầm lẫn nầy cũng có lý do, bởi vì họ không biện biệt được chữ thất trong chữ Hán. Họ nghĩ rằng chữ thất là nhà.

Chữ thất trong chữ Hán nó có nhiều chữ: thất là nhà; thất là mất (thất bại) thất là bảy (tính theo số mục từ 1 – 7) v.v… Trong khi đó, khi viết thành chữ Việt, thì chỉ có một chữ thất. Nói Phật thất là danh từ ghép của hai chữ Hán Việt (chữ Hán đọc âm theo chữ Việt). Nếu chiết tự cắt nghĩa, thì chữ “Phật” nguyên tiếng Phạn là Buddha, Trung Hoa phiên âm là Phật Đà dịch nghĩa là giác giả. Tiếng Việt gọi là người giác ngộ hay người tỉnh thức. 

Còn chữ “thất” là con số bảy. Chớ không phải thất là nhà. Nói Phật thất có thể hiểu nôm na là ước định thời gian bảy ngày niệm Phật. Muốn cho rõ nghĩa dễ hiểu hơn thì phải thêm chữ “niệm” vào trước chữ Phật và chữ “ngày” sau số bảy, thì mới có thể hiểu được. Nghĩa là niệm Phật bảy ngày, hoặc nói ngược lại bảy ngày niệm Phật. Còn nếu dịch chữ đâu nghĩa đó, thì chẳng lẽ nói bảy giác? (Phật là giác; thất là bảy) Phật thất là bảy giác. Nếu dịch như thế thì không có ý nghĩa và cũng không ai hiểu gì cả.

Trở lại câu hỏi của Phật tử, sở dĩ trong đạo tràng Quang Minh không dùng những chữ đã thất, kiết thất, hay Phật thất mà chỉ dùng cụm từ “Kết kỳ niệm Phật”, điều nầy cũng không có gì là khó hiểu. Vì chúng tôi muốn cho quý liên hữu trong đạo tràng nhận định chữ nghĩa một cách chính xác rõ ràng. Tránh sự ngộ nhận lầm lẫn khó cắt nghĩa. Đồng thời, chúng tôi cũng noi theo các bậc Cổ Đức đã thường dùng như thế. Cụm từ nầy đã có lâu đời chớ không phải do chúng tôi mới bày ra. Cho nên cũng không có gì là lập dị khác lạ.

Như có lần chúng tôi cũng đã có giải thích sơ qua về ý nghĩa của cụm từ nầy. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được nhắc sơ lại để cho Phật tử nhớ thôi. Nói kết kỳ, chữ kết hay kiết, theo trong quyển Hán Việt Tự Điển của cụ Thiều Chửu ở trang 483, cụ giải thích: kết có nghĩa là “thắt nút dây”. Đó là nói nghĩa đen còn nghĩa bóng là kết hợp lại tạo thành một mối. Nghĩa là cái gì có tánh cách ràng buộc lại với nhau thành một khối đều gọi là kết. Còn chữ kỳ là chỉ cho thời gian. Trong Qui Sơn Cảnh Sách có câu: “Vô thường lão bịnh bất dữ nhơn kỳ”. Nghĩa là vô thường già bịnh, không hẹn (kỳ) cùng người. Hoặc như có người nói: “Tôi kỳ hạn cho anh 3 ngày nữa phải trả cho hết món nợ mà anh đã thiếu tôi”.

Như vậy, kết kỳ niệm Phật (nếu nói rộng) có nghĩa là kết hợp những người bạn đồng tu lại với nhau và giới hạn ở trong một đạo tràng, quy định thời gian là bảy ngày (có thể hơn tùy phát nguyện) để cùng nhau hết lòng niệm Phật cho được nhứt tâm bất loạn. Đó là nói sự kết hợp quy tụ nhiều người đồng tu. Còn nếu áp dụng cho mỗi cá nhân cũng thế. Thế nhưng, tại sao phải dùng con số bảy? Mà không dùng những con số khác? Trong Kinh Di Đà Phật có dạy: “Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn nào, nghe nói đến Phật A Di Đà, giữ niệm danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không loạn”.

Căn cứ theo lời dạy đó, nên thường người ta chỉ kết kỳ niệm Phật bảy ngày. Tuy nhiên, từ đó chúng ta cũng có thể tiến lên 21 ngày hoặc 49 ngày. Nhưng phải lấy con số bảy làm đơn vị chính rồi từ đó mà nhân lên. Như nhân ba lần bảy là hai mươi mốt, hoặc bảy lần bảy là bốn mươi chín. Điều nầy, theo Mật Tông giải thích, con số bảy là con số cùng cực của sự sanh hóa, nên thân trung ấm cũng bảy ngày chết đi sống lại một lần và tụng chú cũng phải tụng bảy lần mới có hiệu nghiệm. Nhưng bảo giải thích lý do tại sao? Thì không ai có thể giải thích lý lẽ một cách tường tận minh bạch được. Đây là con số dựa theo nguyên lý sinh thành biến dịch cấu tạo của vũ trụ. Trong nhà Phật có câu: “Pháp nhĩ như thị”. Nó là thế ấy. Xin đừng hỏi tại sao lửa lại nóng hay nước lại lạnh? Bởi vì đã nói “Pháp nhĩ như thị” kia mà!

Nói tóm lại, giữa Phật thất và kết kỳ niệm Phật, nếu giải thích về ý nghĩa của từ ngữ thì có rộng hẹp khác nhau. Nói Phật thất thì có ước định thời gian rõ rệt chỉ trong vòng bảy ngày thôi. Còn nói kết kỳ niệm Phật, vừa dễ hiểu lại vừa không hạn cuộc thời gian cố định. Tùy sự phát nguyện của hành giả mà thời gian dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, nếu xét về mục đích nhắm tới thì cả hai đều không khác. Nghĩa là cả hai đều nhắm tới một mục đích chung là kết hợp những bạn đồng tu theo pháp môn Tịnh độ mà cùng nhau niệm Phật theo một thời gian đã quy định cho được nhứt tâm bất loạn để được vãng sanh “Cực lạc” ngay trong hiện đời cũng như sau khi lâm chung vậy.

86. Việc di chúc và ủy quyền trong lúc hấp hối và sau khi chết?

Hỏi: Kính bạch thầy, hiện con đang hành trì theo pháp môn niệm Phật, con muốn trong lúc hấp hối và sau khi chết cho thân tâm con được ra đi một cách an ổn nhẹ nhàng, không gặp bất cứ một chướng duyên nhỏ lớn nào làm trở ngại cho việc vãng sanh của con. Vậy xin hỏi con có cần phải làm tờ di chúc và ủy quyền không? Và phải làm cách thức như thế nào? Cúi xin thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con biết rõ cách thức phải làm để khi nhắm mắt con được yên tâm. Thành kính cám ơn thầy.

Đáp: Vấn đề nầy, phải nói thật là tối ư quan trọng. Cả đời tu hành, nhất là Phật tử đang hành trì chuyên tâm niệm Phật, trong giờ phút hấp hối và sau khi tắt thở, chỉ cần gặp một chướng duyên trở ngại nho nhỏ cũng đủ làm cho Phật tử mất chánh niệm khó đạt thành sở nguyện. Vì không phải ai cũng hiểu được sự hộ niệm giúp cho bịnh nhân sắp chết được yên ổn nhẹ nhàng ra đi. Một sự ra đi mà không bị tác động ảnh hưởng bởi ngoại duyên gây ra.

Đối với những bác sĩ hay y tá, họ là những người có trách nhiệm theo dõi chữa trị bịnh cho mình, phần nhiều là họ chỉ làm theo nhiệm vụ chức năng của họ thôi. Chớ họ không có quan tâm gì đến đời sống tâm linh của người khi sắp chết cũng như sau khi chết. Dù mình có thác sanh đi đâu, họ cũng không cần biết đến. Vì đó là do hấp thụ bởi một nền tín ngưỡng theo niềm tin tôn giáo của mỗi người. Vì vậy, muốn cho họ hiểu và tôn trọng niềm tin theo tín ngưỡng đạo giáo của mình, thì mình nên bày tỏ nguyện vọng của mình cho họ biết. Có thế, thì họ mới cảm thông và đáp lại theo ý nguyện của mình. Nếu không, thì họ chỉ làm theo chức năng nghề nghiệp của họ thôi. Và như thế, thì sẽ gây ảnh hưởng tác động trở ngại rất lớn cho việc vãng sanh Cực lạc của mình.

Rồi đến thân nhân ruột thịt trong gia đình của mình cũng thế. Phần nhiều, chỉ vì nặng phần quyến luyến trong thâm tình ân ái, nên họ cũng chỉ làm theo tình cảm đơn thuần ý muốn của họ thôi. Ít có ai làm theo ý muốn của bịnh nhân trong giờ phút hấp hối sắp lâm chung nầy. Và nhất là bịnh nhân vừa mới tắt thở. Kinh nói: “Sau tám tiếng đồng hồ, thần thức mới hoàn toàn lìa khỏi xác”. Bởi do không biết quan tâm nghĩ đến giúp cho phần thần thức của bịnh nhân, nên có nhiều người thay vì ra đi êm ái nhẹ nhàng lại có hiện tượng không mấy tốt đẹp. Bởi thế, vấn đề hộ niệm cho bịnh nhân trong giờ phút nầy thật rất là hệ trọng. Phần nhiều ít có ai hiểu rõ về phương pháp hộ niệm. Nếu không khéo, thay vì thương xót lại trở thành thương hại. Xin mọi người hãy nên chú ý cẩn thận vấn đề nầy. Tất cả bởi do nóng lòng vì nặng tình ân ái theo thế gian thường tình mà ra. Do đó, nên rất trở ngại cho việc vãng sanh của bịnh nhân. Thậm chí có khi họ còn làm cho người sắp chết nổi cơn bực tức nóng giận. Thế thì, thử hỏi làm sao bịnh nhân thác sanh về cảnh giới an lành cho được? Quả đó là một sự tác hại rất lớn cho cận tử nghiệp.

Đó là chưa nói có người bị dụ bỏ đạo trong giờ phút nửa tỉnh nửa mê, tinh thần yếu đuối nầy. Họ không còn đủ sáng suốt để giữ vững niềm tin. Nếu không có người cận kề trợ niệm nhắc nhở họ. Do đó, họ sẽ trở thành nạn nhân rơi vào con đường tà ngoại thật đáng thương xót! Chỉ vì họ thiếu phúc duyên không có được thiện hữu tri thức bên cạnh thức nhắc. Vì thế, theo tôi, tốt hơn hết, chúng ta nên làm tờ di chúc dặn dò trước cho rõ ràng kỹ lưỡng để tránh hậu hoạn không tốt có thể xảy ra. Đó là chúng ta khéo biết phòng bị cho mình một cận tử nghiệp tương đối khá hoàn hảo. Có thế, thì việc cầu vãng sanh Cực lạc của ta mới có đủ đảm bảo vững chắc.

Theo tôi, việc Phật tử có ý định làm tờ di chúc và ủy quyền cho những người có trách nhiệm lo lắng chăm sóc sức khỏe về mặt y khoa (bác sĩ hoặc y tá hay người nhà v.v…) cũng như những vị lãnh đạo tinh thần của Phật tử thật rất cần thiết nên làm. Nhất là trong khi bịnh nặng, hấp hối và sau khi chết khoảng 8 tiếng đồng hồ trở lại.

Về cách thức để lập nên tờ di chúc, điều nầy cũng có người đã làm và đã có kết quả rất tốt. Nay chúng tôi y cứ vào tờ di chúc đã có sẵn, do Đạo Tràng Tu Viện Hộ Pháp biên soạn, xin nêu ra đây, để rồi tùy ý Phật tử tự quyết định lấy. Nếu thấy được, thì tôi xin đề nghị với Phật tử là chúng ta nên thực hiện ngay, càng sớm càng tốt.

Tờ Di Chúc và Ủy Quyền

Tôi tên là…………………hiện cư trú tại…………

……………………………Thành phố…………….

Thị xã……………………..Tiểu bang…………….

Tôi xin làm tờ di chúc ủy quyền qua những điều thiết yếu sau đây:

1. Tôi khẳng định hủy bỏ hết tất cả các di chúc trước đó và các di chúc mà đã được Tòa Án công nhận trong thời gian qua trước kia tôi đã làm. (chỉ có phần di chúc liên quan đến cái chết, chớ không phải vấn đề tài sản. Ghi chú của người giải đáp).

2.Tôi là một người tín đồ theo đạo Phật. Tôi muốn cuối đời tôi tang lễ phải được xếp đặt hoàn toàn theo nghi lễ Phật giáo. Việc nầy do chư Tăng Ni hoàn toàn quyết định, thân nhân con cháu chỉ làm theo sự hướng dẫn của chư Tăng Ni mà thôi.

2. Nếu não bộ của tôi đã chết nằm mê man, và hoàn toàn không có triệu chứng cứu vãn phục hồi, xin làm ơn đừng duy trì sự sống của tôi (ngưng ngay ống dẫn thức ăn và ống thở oxygen nếu có).

3. Nếu trái tim ngừng đập vì bất cứ lý do nào, xin đừng làm gì hết kể cả làm giật điện để làm hô hấp sống lại. Làm ơn hãy để cho tôi ra đi trong sự bình an.

4. Khi bác sĩ tuyên bố tôi đã chết, làm ơn không được đụng vào thể xác hay di chuyển thân thể của tôi, nếu muốn đụng và di chuyển thể xác tôi xin hãy để yên tối thiểu là sau 8 tiếng đồng hồ.

5. Xin làm ơn báo tin cho vị thầy tinh thần của tôi, chư Tăng, Ni, gia đình và bạn bè những người hộ niệm cho tôi đến trợ niệm cho tôi trong lúc tôi đang hấp hối. Mọi việc sẽ do Thầy và ban trợ niệm giúp cho tôi, mọi người trong gia đình phải nghe theo sự sắp xếp của những vị đó. Những vị nầy niệm Phật hộ niệm cho tôi sau 8 tiếng đồng hồ rồi sau đó nhà quàn mới làm việc của họ.

6. Nếu những sự kiện ước muốn nêu trên được làm đầy đủ đúng theo như ý nguyện của tôi, thì tôi sẽ nhắm mắt ra đi trong sự an lạc vãng sanh về cõi Cực lạc của đức Phật A Di Đà.

Trong sự làm chứng, tôi đã tự ký trong bản di chúc ủy quyền nầy trước mặt các vị làm chứng có tên phía dưới và ngày ……tháng……năm………..

Chữ ký của đương sự……………..

Chữ ký và địa chỉ của người làm chứng:

1…………………………………..

 ( tên )

2. ……………………………………

 ( tên )

3.……………………………………

 ( tên )

Và đây là bản tiếng Anh ( cũng do Đạo Tràng Tu Viện Hộ Pháp biên soạn )

LAST WILL AND TESTAMENT

 OF

I ……………………..a resident of……………

In the city of………………., country of………..

State of……………..make and publish this my will and testament.

1.I revoke all fomer wills and codicils I have previously made.

2. I am a Buddhist. I want my final arrangements to be performed in Buddhism.

3. If I am in coma and there is no sign of recovery, please do not put me on life support ( Pull out the fooding tube and breathing tube )

4. If my heart ceases to beat for any reason, please do not do any electroshocks to revive me. Please let me die peacefully.

5. When I am announced dead, please do not touch and move body for at least ( 8 ) eight hours.

6. Please let my Master, monks, nuns, family, and friends perform all the necessary religious rituals beside my bed during these eight hours. Afterwards, the funeral home should come to do their job.

7. If these above wishes are fulfilled, I will return my life to Lord Amitabha Buddha in peace and happiness, and will be eternally gratefull to you all.

IN WITNESS WHEREOF, I have signed this my Last Will and Testament on the……….day of……….200…

Signature of……………………………….

Signature of witness Address of Witness

(Name)…………………

Signature of Witness Address of Witness

(Name)……………………………..

Signature of Witness Address of Witness

(Name)………………………………

Notary Public: Initals of the Witness………………..

Phật tử cũng có thể tùy nghi thêm bớt nội dung của tờ Di Chúc và Ủy Quyền nầy. Xong rồi, nên in ra làm nhiều bản 2 mặt: tiếng Anh mặt trước và tiếng Việt ở mặt sau. Phải ký tên vào mỗi bản chánh mới có giá trị. Nhờ 3 người làm nhân chứng ký vào mỗi bản, và ký tắt ở phần góc phải. Nếu không, thì có thể nhờ thầy trụ trì chứng minh bằng con dấu của chùa vào tờ Di Chúc thì cũng có giá trị và tiện dụng.

Mọi việc xong xuôi, Phật tử nên giữ một bản và trao cho những vị có liên hệ trách nhiệm mỗi người giữ một bản. Như vợ hoặc chồng, các con, và trình cho thầy trụ trì hay vị lãnh đạo tinh thần và các bác sĩ gia đình. Như vậy là chúng ta an tâm mà nhắm mắt. Đó là phương cách phòng bị tốt nhứt, mà tôi thiết nghĩ mỗi người Phật tử chúng ta nên làm.

Trên đây chúng tôi chỉ trình bày đại khái về cách thức thực hiện. Nếu Phật tử muốn biết tường tận hơn, thì có thể trình bày với những vị có nhiều kinh nghiệm về pháp lý cũng như các bậc tôn đức lãnh đạo tinh thần.

Kính chúc Phật tử chóng đạt thành ý nguyện.

87. Có phải vì vô tình mà phạm tội sát sanh hay không?

Hỏi: Kính thưa thầy, vì sơ ý con bị con chó của nhà hàng xóm cắn vết thương khá sâu, nên con có đến bịnh viện chữa trị và cũng có báo cho council biết. Sau đó, con vẫn thấy con chó nầy đi lang thang ngoài đường. Trong lúc chủ nhà của nó đi vắng, nên con có kêu council đến bắt giữ nó lại, vì con sợ nó sẽ cắn người khác nữa. Nhưng không ngờ là council đã bắt giết nó. Được tin nầy, lòng con cảm thấy rất ray rứt bùi ngùi xót xa cho nó. Vì nghĩ đến cái chết của nó. Xin thầy hoan hỷ cho con biết, như vậy con có phải phạm tội sát sanh hay không?

Đáp: Việc nầy, theo tôi, thì Phật tử không có phạm tội sát sanh. Lý do tại sao mà tôi dám quả quyết như thế? Bởi chúng tôi căn cứ vào giới luật Phật chế. Theo luật, tội có ra là do sự kết hợp chặt chẽ của ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Mà ý nghiệp là đầu mối chủ động quan trọng hơn hết. Xét về ý nghiệp, thì Phật tử không có ác ý muốn giết con chó. Vì Phật tử lo sợ nó cắn người khác như Phật tử đã bị nó cắn. Do đó, vì nghĩ đến người khác mà Phật tử muốn ngăn ngừa hậu hoạn không tốt có thể xảy ra.

Như vậy, chứng tỏ Phật tử đã có một dụng ý rất tốt. Do chỗ dụng ý tốt, nên Phật tử mới báo cho council (Hội Đồng Thành Phố) biết để họ bắt nhốt nó lại. Theo ý của Phật tử là nghĩ như thế. Nhưng cớ sự xảy ra lại ngoài ý muốn của Phật tử. Việc council giết con chó đó là trách nhiệm của họ. Điều nầy, xét kỹ thì không có liên hệ gì đến Phật tử. Chủ ý của Phật tử là muốn báo cho họ biết để bắt nhốt nó thôi. Vì người chủ của nó đi vắng. Sở dĩ council giết nó là vì họ biết con chó nầy hay cắn người. Nhất là nó lại đang đi hoang. Tội là tội của họ chớ không phải tội của Phật tử.

Thế nên, xét ở nơi ba nghiệp, về ý nghiệp, thì Phật tử đâu có cố ý sát hại con chó. Về khẩu nghiệp, thì Phật tử chỉ báo cho họ biết để bắt nhốt nó lại. Về thân nghiệp, thì Phật tử đâu có ra tay giết nó. Như vậy, Phật tử không phải tự mình giết, cũng không xúi giục dạy bảo người khác giết hay Phật tử thấy người khác giết rồi sanh tâm vui theo. Xét về ba cách của giới sát nầy, thì Phật tử cũng không có phạm vào điều nào cả. Nếu có lỗi, thì chỉ lỗi ở nơi cái miệng, vì Phật tử báo cho council biết. Tuy nhiên, như đã nói cái miệng chỉ làm theo cái ý chủ động sai sử tốt mà thôi. Thật ra, nó cũng không có tội vạ gì.

Chẳng những thế, khi hay tin con chó bị giết chết, Phật tử lại khởi từ tâm thương xót và lòng cảm thấy bùi ngùi ray rứt trong lòng thật khó chịu. Chứng tỏ, là Phật tử không có ý nhẫn tâm giết nó. Chỉ vì Phật tử lo sợ người khác bị nó cắn mà phải chịu đau khổ như Phật tử đã bị. Chớ tuyệt nhiên, lòng Phật tử cũng không có ý muốn trả thù giết hại nó.

Căn cứ vào những điều mà Phật tử đã thật lòng trình bày trên, theo tôi, thì Phật tử hãy yên tâm không có gì phải áy náy ray rứt buồn phiền. Luận cho cùng, thì đó cũng là cái nghiệp quả của nó. Nếu nó không cắn Phật tử, thì nó cũng cắn người khác. Và rồi cuối cùng nó cũng phải bị cái hậu quả như thế mà thôi.

Theo luật pháp ở đây, nuôi một con vật mà người chủ không bảo quản an toàn, làm tổn hại gây nên thương tích cho người khác, thì chính người chủ đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nuôi con chó không bảo quản kỹ, để nó chạy rong ngoài đường trở thành con chó hoang, gặp ai cắn nấy, thì thử hỏi phải làm sao đây? Cho nên, theo luật thì bắt buộc council phải thi hành theo nhiệm vụ của họ. Vì họ muốn bảo vệ an toàn cho người dân. Theo luật pháp thế gian tương đối là như thế. Họ cũng chỉ là người thi hành đúng theo pháp luật đã quy định mà thôi.

Tuy nhiên, đối với người Phật tử, Phật dạy chúng ta phải có lòng từ bi thương xót bảo vệ chúng nó. Nhưng, việc nầy đối với luật pháp thế gian thì có khác. Thậm chí, đến như người đời, thì họ coi vấn đề nầy là một chuyện xảy ra rất bình thường trong xã hội.

Tóm lại, Phật tử có từ tâm thì rất tốt. Nhưng không phải vì thế mà Phật tử phải bận lòng ray rứt hối lỗi buồn phiền. Trường hợp nầy, thì Phật tử không có phạm giới sát sanh đâu mà phải lo sợ. Tuy nhiên, nếu vì thương xót nó, thì Phật tử cũng có thể sau những giờ hành lễ tụng niệm, nên thành tâm cầu siêu độ cho nó. Vì nó cũng có tánh linh mạng sống như mình. Đó là điều rất tốt và cũng rất phù hợp với lẽ đạo vậy.

Kính chúc Phật tử thân tâm thường lạc, chuyên cần tu học, đạo quả chóng viên thành.

88. Đã là người xuất gia tu hành tại sao còn có việc tranh giành y bát?

HỏiKính bạch thầy, con có đọc sách thiền nói về đức Lục Tổ Huệ Năng, khi Ngài đã được đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát, khi đó Ngài lại bị một vị đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tên là Huệ Minh đuổi theo muốn giành lấy y bát lại. Nhưng Huệ Minh đã được đức Lục Tổ giáo hóa ngộ đạo. Con thắc mắc đây có phải là một ẩn dụ hay là sự thật? Nếu là sự thật, thì tại sao người xuất gia tu hành mà còn tranh giành y bát như thế? Hay có một nhân duyên sâu sắc gì khác mà con chưa hiểu. Kính mong thầy giải đáp cho con được rõ.

Đáp: Căn cứ vào sử liệu, nhất là ở phẩm Hành Do của Kinh Pháp Bảo Đàn chính do đức Lục Tổ Huệ Năng tự thuật, thì đây không phải là một ẩn dụ chi cả mà đó là một sự thật. Và sự thật nầy đã được hầu hết các học giả, sử gia khi nghiên cứu bản kinh Pháp Bảo Đàn đều thừa nhận như thế.

Phật tử thắc mắc tại sao người xuất gia tu hành mà lại còn tranh giành y bát như vậy? Thật ra, đây cũng chỉ là một khía cạnh tâm lý rất thường tình mà thôi. Không phải người xuất gia nào cũng dứt sạch hết phiền não. Bởi vì người xuất gia tuy đã từ bỏ tất cả những vật dục ở thế gian, nhưng đối với những phiền não vi tế trong tâm, không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ dứt hết được đâu. Nếu đã dứt hết, thì đã trở thành bậc Thánh nhân mất rồi. Vì còn là phàm tăng, nên trên bước đường tu hành để đạt được giác ngộ cứu cánh giải thoát, tất nhiên các vị đó còn phải gia công nỗ lực hành trì quán chiếu chuyển hóa phiền não dài dài, chớ chưa có ai hoàn toàn giác ngộ giải thoát được hết. Nói thế để Phật tử hiểu mà cảm thông cho.

Song có điều sự tranh giành ở đây, thực chất nội dung của nó không giống như sự tranh giành ở thế gian. Ở thế gian, người ta tranh giành với nhau chỉ vì muốn chiếm hữu quyền lợi riêng tư. Một khi họ không thỏa mãn được lòng dục vọng của họ, thì họ nổi lên tranh chấp hơn thua tàn sát đẩm máu với nhau kịch liệt. Ngược lại, ở đây ta thấy những vị nầy họ tranh nhau là vì vấn đề kế thừa tổ vị và nhất là chỉ đòi hỏi lấy lại sự công bằng mà thôi.

Nếu chúng ta tự đặt mình trong tâm tư và hoàn cảnh của những vị đó, thì chúng ta mới thấy sự đuổi theo tranh giành đoạt lấy y bát của họ cũng không phải là quá đáng hay hoàn toàn vô lý. Nên nhớ rằng, đức Lục Tổ Huệ Năng, khi đã được đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền trao y bát cho, là phải truyền lén, chớ không dám truyền công khai cho đại chúng thấy biết. Vì sao? Vì khi ấy, Tổ Huệ Năng còn mang hình thức là một ông cư sĩ nhà quê dốt nát. Khi đến đạo tràng Huỳnh Mai, Ngài chỉ là người phục dịch làm việc ở nhà trù. Nghĩa là Ngài phải giã gạo có hơn tám tháng trời.

Trong khi đó, những vị kia là những tăng chúng và cư sĩ đồ đệ của Ngũ Tổ với số đông có hơn ngàn người. Riêng tăng chúng đã có hơn năm trăm người. Những vị nầy đã theo Ngũ Tổ thụ học và có một quá trình tu học dài lâu. Bấy giờ vị giáo thọ sư dạy đồ chúng là Ngài Thần Tú. Trên là Ngũ Tổ dưới là Thần Tú. Một vị giáo thọ sư tài ba lão thông kinh điển mà không được truyền trao y bát, lại truyền cho một ông cư sĩ nhà quê hèn hạ dốt nát, thử hỏi như thế làm sao mà họ không bất bình và nổi giận cho được? Cho nên, họ quyết định giành lấy lại y bát với mục đích là để đòi hỏi lấy lại sự công bằng mà thôi.

Sở dĩ các đồ chúng đuổi theo (trong số đó có Thượng Tọa Minh là người cỡi ngựa giỏi nhất, vì trước khi xuất gia ông là một nhà tướng) chẳng qua cũng chỉ với mục đích đó. Hơn nữa, họ không muốn Phật pháp nói rõ hơn là Thiền tông phải về tay của một ông cư sĩ tầm thường nhà quê không có tài cán chi. Thế mà, ông lại được truyền tổ vị để đảm đang gánh vác trọng trách nối thạnh dòng pháp. Đó là một điều mà họ không thể nào chấp nhận được. Họ không thể nào chịu nổi cái cảnh y bát ngang nhiên lại về tay của một ông nhà quê dốt nát thất học đó. Vả lại, ông ta là một cư sĩ làm sao có thể sánh được với một bậc cao tăng tài đức vẹn toàn như là ngài Thần Tú. Nếu y bát được Ngũ Tổ truyền thừa cho ngài Thần Tú thì làm gì có chuyện xảy ra tranh giành như thế? Vì ai cũng nghĩ chỉ có ngài Thần Tú mới xứng đáng được truyền trao y bát và kế thừa tổ vị mà thôi.

Có tư duy thẩm xét như thế, thì ta mới có thể cảm thông cái bối cảnh tâm tư nguyện vọng và hành động của các ngài. Sự thật, thì những vị nầy cũng không có ý mưu đồ gì riêng. Nên nhớ, lúc đó trong đồ chúng không một ai thấu hiểu được sự ngộ đạo của Tổ Huệ Năng cả. Vì đức Ngũ Tổ đã cố tình che giấu không muốn Lục Tổ bị bại lộ tông tích cho đến giờ phút chót. Vì chỉ cần sơ hở bại lộ bí mật một chút, thì tánh mạng của Lục Tổ Huệ Năng khó được bảo đảm an toàn. Do đó, ta thấy mọi việc đều do đức Ngũ Tổ sắp xếp an bày toàn bộ. Đó là một hoàn cảnh thật bất khả kháng và vô cùng bí mật đặc biệt. Thậm chí, về sau, Lục Tổ phải ở ẩn chung sống với những anh chàng thợ săn trong rừng núi trải qua 15 năm trời. Nếu không như thế, thì Ngài tất sẽ bị họa hại.

Còn như nếu nói giữa Huệ Minh và Lục Tổ, có một nhân duyên kỳ đặc, thì điều đó cũng không phải là vô lý. Rõ ràng, khi Huệ Minh giở y bát không lên, thấy có gì mầu nhiệm, nên ông ta mới trình thưa, là ông đến đây vì pháp chớ không phải vì y bát. Do lời nói chân tình xuất phát từ đáy lòng thiết tha của một người cầu pháp, nên Lục Tổ Huệ Năng mới xuất hiện lộ diện và bảo Huệ Minh nên bình tâm trong giây lâu và rồi Ngài dõng dạc tuyên bố một câu thẳng thừng:“Đừng nghĩ thiện cũng đừng nghĩ ác, chính ngay giây phút đó cái gì là Bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh”? Ngay câu nói nầy, Huệ Minh liền đại ngộ. Đó không phải là một cơ duyên ngộ đạo hy hữu lắm sao! Bấy lâu nay, sống trong đồ chúng theo Ngũ Tổ và ngày đêm thọ học với giáo thọ Thần Tú, thế mà không tỏ ngộ, nay chỉ nghe một ông cư sĩ nhà quê nói một câu sấm sét, ông ta liền bừng sáng tỏ ngộ. Nếu không phải là một nhân duyên kỳ đặc giữa hai người từ trước thì làm gì có được như thế?

Nói tóm lại, việc tranh giành y bát đây là chuyện trong nhà Thiền và sự kiện xảy ra trong một hoàn cảnh thật là quá hy hữu đặc biệt. Xét về khía cạnh tâm lý của con người, ta thấy thời nào cũng thế. Bởi y bát chính là đầu mối của sự tương tranh. Vì vậy, mà y bát từ thời Lục Tổ Huệ Năng trở về sau không còn tiếp tục truyền thừa nữa. Thứ nhứt, vì thiền tông đã được lưu truyền thạnh hành, và đã được nhiều người biết đến. Thứ hai, để tránh cái mầm mống họa hại tranh giành với nhau. Vì tu hành chưa dứt sạch hết phiền não tham, sân, si… thì việc tranh chấp vẫn không thể nào tránh khỏi. Đó là một sự thật.

Tuy nhiên, sự tranh giành của người có tu, dĩ nhiên có khác hơn sự tranh giành của người đời rất nhiều. Từ một ý niệm đang tương tranh với nhau, đã được cơ phong chuyển hóa trở thành “vô tranh vô niệm” . Việc chuyển mê khai ngộ chỉ đột khởi xảy ra trong chớp mắt. Nếu ngài Huệ Minh không có chuẩn bị trong tâm thức chín muồi, thì làm sao ông được tỏ ngộ nhanh chóng qua lời nói của đức Lục Tổ?

Đó là một bài học quý giá cho chúng ta thấy, trong ý niệm tranh chấp có cái thực thể không tranh chấp. Nói cách khác trong cái tướng sanh diệt, có cái thể tánh bất sanh bất diệt tiềm ẩn trong đó. Như trong sóng sẵn có nước. Chỉ cần sóng dừng lặng thì toàn thể tánh nước hiện bày. Sóng và nước không thể ly khai nhau. Muốn thấy nước, chỉ cần sóng lặng. Cũng thế, cái thể tánh chơn thật nằm sẵn trong cái hiện tượng sanh diệt giả dối. Nói cách khác, cái bản thể sẵn có tiềm tàng trong hiện tượng. Rời hiện tượng không có bản thể. Hay ngược lại cũng thế. Vì vốn có sẵn như thế, nên chỉ cần có người chỉ điểm khai thị đúng lúc, thì đương cơ sẽ nhận được cái thể tánh “không tranh hằng hữu” ở nơi chính mình. Như vậy, “tranh mà không có gì là tranh cả”. Điển hình qua sự kiện ngộ đạo của Thượng Tọa Minh đó là một chứng minh cụ thể vậy.

89. Một sự ngộ nhận về luật nhân quả?

Hỏi: Kính thưa thầy, con không phải là người tu theo đạo Phật, nhưng lâu nay con nghe nói nhiều về luật nhân quả của đạo Phật và duyên nghiệp nhiều đời trồng chéo lên nhau. con thấy có nhiều người nói về nhân quả, nhưng thường thì họ chỉ nói chứ ít khi nào áp dụng vào đời sống của mình. Con có một cá tánh là khi biết người khác đối xử xấu với mình, con thường im lặng và tìm cách tránh chớ không nói. Như vậy, đối với luật nhân quả con có phạm hay không? Kính mong thầy giải thích.

Đáp: Trong câu hỏi của bạn, nếu phân tích thì tôi thấy có ba vấn đề chi tiết cần được trao đổi chia sẻ:

Thứ nhứt, theo bạn nói: “bạn thấy có nhiều người nói về nhân quả, nhưng thường thì họ chỉ nói chứ ít khi nào áp dụng vào đời sống của mình”. Điều nầy, tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Nhưng thưa bạn, trên đời nầy ít có mấy ai thật hành đúng theo hết những gì mà mình đã nói. Giữa lý thuyết và thật hành, thật khó mà song hành hợp nhứt với nhau. Nói thì rất dễ nhưng làm thì rất khó. Vì thế, nên sách Nho có câu: “Thuyết dị, hành nan” hay “năng thuyết bất năng hành”. Lý thuyết bao giờ cũng đi xa hơn hành động. Nếu nói và làm đi đôi với nhau, thì cõi đời nầy chắc không còn ai chịu nhiều đau khổ nữa. Do đó, nên ta thấy các bậc Cổ Đức, thường các ngài ít nói, và chỉ nói những gì trong phạm vi khả năng mà các ngài có thể thật hành được thôi. Bởi vậy, nên các ngài rất cẩn trọng ở nơi lời nói.

Trong đạo Phật có câu nói: “Tri hành hợp nhứt”. Câu nói nầy nhằm để cảnh tỉnh khuyến tấn, nhưng trên thực tế thì ít có mấy ai làm đúng. Chính vì không hợp nhứt, nên đôi khi trở thành là kẻ nói khoát. Hiểu biết tuy cũng rất cần thiết, nhưng nó chỉ đem lại lợi ích cho phần sở tri kiến giải của mình thôi. Cũng như người có đôi mắt thật sáng, nhìn xa thấy rộng, họ có thể nói đông nói tây đủ thứ chuyện trên đời, nhưng nhìn lại, thì họ vẫn còn dặm chân tại chỗ. Dù rằng họ có đôi chân rất mạnh.

Như thế, thì thử hỏi làm sao đến nơi mà họ nhắm tới. Khác nào như người ngồi đó chỉ biết diễn tả phân tích đủ thứ món ăn tuyệt diệu trên đời, nhưng rốt lại thì bụng họ vẫn đói meo. Họ nói thì rất hay, nhưng bản thân họ chưa từng bước chân xuống bếp. Người xưa có câu: “Muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn chết phải lết vô hòm”. Đây là câu nói nhằm cảnh tỉnh thức nhắc người ta nên làm hơn là nên nói. Hãy biến nhận thức của mình thành hành động cụ thể. Có thế, thì mới có lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, sự nhận định hiểu biết đúng hướng chân lý (chánh kiến) tuy chưa thật hành đúng theo, nhưng điều đó cũng rất là tốt và cần thiết. Chỉ sợ nhận định sai lầm (tà kiến) rồi chấp chặt bảo thủ làm theo, đó mới là điều tai hại đáng nói. Cho nên, điều quan yếu trước tiên là phải nhận định đúng với chân lý, còn việc thật hành thì có thể thực hiện từng bước cũng không sao. Cũng như người đứng dưới chân núi, thấy rất rõ hình dạng của ngọn núi, nhưng muốn tới ngọn núi, thì đòi hỏi họ phải gắng sức trèo lên từ từ từng bước vững chắc. Tuy chưa tới ngọn núi liền, nhưng cái hướng thấy của họ không bị sai lệch.

Trong nhà Phật có câu nói: “Đốn ngộ, nhưng phải tiệm tu”. Có thể cái chỗ thấy biết tương đồng với Phật Tổ, nhưng phải từ từ tu tiến, vì tập khí nghiệp chướng của con người còn quá sâu nặng. Như vậy, có những người tuy họ nói nhiều về nhân quả, nhưng sự thật hành của họ quả không đúng theo những gì họ nói. Người như thế, tuy họ không được lợi ích nhiều, nhưng ít ra họ cũng không đến nổi phải gây ra những lỗi lầm sâu nặng. Vì họ đã có ý thức đến lý nhân quả vay trả phần nào.

Như bạn nói, họ ít khi áp dụng chớ không phải hoàn toàn là họ không có áp dụng. Nghĩa là họ có áp dụng từ từ, đó gọi là họ đang hướng đời mình trên bước đường tu tập. Như thế, kể ra họ cũng vẫn còn tốt hơn là những người mà cả đời chưa bao giờ học hỏi biết đến nhân quả và họ cũng không bao giờ áp dụng một chút nào theo lý nhân quả trong cuộc sống. Do đó, nên suốt đời họ gặp phải nhiều tai nạn khổ đau. Có tránh nhân xấu thì mới không gặp quả xấu. Ở đời, nếu mình đòi hỏi phải thật hành một cách toàn vẹn, điều đó, thật khó có ai làm được, ngoại trừ các bậc Thánh nhân.

Thứ hai, bạn nói: “là bạn có cá tánh khi biết người khác đối xử xấu với mình thì bạn thường im lặng và tìm cách tránh chớ không nói”.Điều nầy là bạn hiện tập cho mình có một thói quen tương đối khá tốt. Nghĩa là bạn khéo áp dụng câu châm ngôn của người xưa: “Im lặng là vàng nói là bạc”. Điều đáng nói hơn nữa, là bạn khéo biết tránh duyên. Bạn tìm cách tránh né chớ không muốn đương đầu để tranh cãi hơn thua. Đứng về mặt xử thế tự lợi, điều nầy bạn xử sự rất tốt cho bạn. Vì bạn không muốn gây ra những chuyện phiền phức rắc rối cho mình và người.

Đấy là bạn đang thực tập hạnh nhẫn nhục rồi đó. Nhưng nếu bạn tập tánh khá hơn nữa là tuy tìm cách tránh né, nhưng bạn không bao giờ quan tâm cất chứa những lời nói của họ ở trong lòng. Đó là bạn đang thực tập hạnh hỷ xả. Hạnh nầy thật rất khó làm. Nhưng nếu bạn cố gắng thực tập, thì chắc chắn có ngày bạn sẽ thành công. Chẳng những bạn không buồn giận họ, mà bạn còn thương xót tật tánh của họ. Vì họ chưa biết thực tập tánh tốt không nói xấu ai. Người thích nói xấu chỉ trích lỗi lầm kẻ khác là vì người đó tâm của họ còn quá thô tháo vọng động, còn thích nhiều chuyện thị phi. Họ là hạng người thích làm cảnh sát quốc tế. Do đó, nên bạn cần thương họ nhiều hơn. Vì biết họ vẫn còn ôm ấp quá nhiều đau khổ nội kết trong lòng. Bởi thế, họ là người thật đáng thương hơn đáng trách!

Thứ ba, bạn nêu ra câu hỏi: “Như vậy đối với luật nhân quả bạn có phạm hay không?” Điều nầy, có lẽ bạn đã hiểu lầm về luật nhân quả rồi. Thưa bạn, luật nhân quả khác hơn những điều luật cấm giới. Luật nhân quả không mang tính giới điều như là giới luật mà người ta đã lãnh thọ. Dù bạn tu theo bất cứ tôn giáo nào, mỗi tôn giáo đều có những giới luật răn cấm cả. Nhân quả, sở dĩ người ta gọi là luật, bởi vì nó là luật tắc thiên nhiên có tác dụng vận hành chi phối toàn thể vũ trụ. Vì thế nên nói nhân quả là một chân lý phổ biến. Chân lý nầy nó tiềm tàng bao trùm trong mọi sự vật, không có một vật thể nào thoát ngoài định luật nầy. Từ thực vật, động vật, khoáng vật v.v… không một loài nào thoát khỏi.

Nói cách khác là từ vật lý, sinh lý, cho đến tâm lý… không có một thứ gì mà không có nhân quả. Lý nhân quả được đặt định trên chiều thời gian. Vì từ nhân tới quả phải có thời gian. Ngoài chánh nhân ra, nó còn nhiều trợ duyên khác nữa. Cho nên nhân quả là một hiện tượng rất phức tạp xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai, chớ không phải đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Bạn thử tìm mọi hiện tượng trên đời nầy có cái gì không phải là nhân quả. Ăn là nhân, no là quả. Học là nhân, biết chữ là quả v.v…

Nói tóm lại, người hiểu lý nhân quả và khéo biết ứng dụng vào trong đời sống, thì họ sẽ có được lợi lạc rất lớn. Như vậy luật nhân quả là quy luật vận hành tự nhiên của vạn hữu vũ trụ. Không ai đặt định bày ra luật nhân quả nầy. Đức Phật cũng chỉ là người giác ngộ khám phá ra luật nhân quả mà thôi. Mong bạn cố gắng khéo ứng xử hành hoạt đúng theo luật nhân quả, tức theo chiều hướng thánh thiện, thì đời bạn sẽ gặt hái nhiều điều lợi lạc trong đời sống vậy.

90. Hoạnh tử là gì?

Hỏi: Kính thưa thầy, thường con nghe nói đến hoạnh tử, nhưng con không hiểu nghĩa hoạnh tử là như thế nào? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ. Thành thật cám ơn thầy.

Đáp: Hai chữ “hoạnh tử” là từ Hán Việt. Đúng ra phải nói là hoành tử. Vì chữ hoành có nghĩa là ngang. Theo quyển Hán Việt Tự Điển của cụ Thiều Chửu, thì chữ “hoành” có ba âm đọc: hoành, hoạnh và quáng. Chữ quáng có nghĩa là hăng hái. Trong quyển Hán Việt Từ Điển của cụ Đào Duy Anh giải nghĩa: hoạnh tử có nghĩa là cái chết không chính đáng.

Trong quyển Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên của ông Bửu Kế, ông giải thích: hoành là ngang; tử là chết. Hoành tử hay hoạnh tử có nghĩa là không phải chết bình thường do già cả, bệnh tật mà chết bất ngờ (chết đuối, bị sét đánh).

Đó là chúng tôi dẫn chứng 3 quyển từ điển giải thích về hai chữ hoạnh tử. Còn trong quyển Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập 4, trang 2968, giải thích hai chữ hoạnh tử như sau:

“Hoạnh tử còn gọi là Phi thời tử, Bất lự tử, Sự cố tử. Chết oan, do gặp phải tai họa ngoài ý muốn mà chết. Hoạnh tử gồm có 9 thứ:

  1. Bệnh mà không có thầy thuốc rồi chết.
  2. Bị Luật Vua tru lục mà chết.
  3. Phi nhân đoạt tinh khí mà chết.
  4. Lửa cháy mà chết.
  5. Nước nhận chìm mà chết.
  6. Ác thú ăn thịt mà chết.
  7. Té xuống sườn núi mà chết.
  8. Bị thuốc độc, bùa chú mà chết.
  9. Đói khát ép ngặt mà chết.

Trên đây là chúng tôi y cứ vào các quyển từ điển để chứng minh nói về hai chữ hoạnh tử. Nếu Phật tử muốn biết rõ hơn về chín thứ hoạnh tử nầy, thì nên tìm đọc Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức ở phần đầu, số trang 62 do chùa Quang Minh ấn tống.

Nói chung, hoạnh tử là những cái chết bị oan ức ngang trái không bình thường. Những cách chết nầy, theo Phật giáo thì thật khó siêu thoát theo ý muốn. Bởi vì cái chết xảy ra quá đột ngột bất ngờ làm cho người chết rất sợ hãi hoang mang. Đồng thời không có người trợ niệm giúp sức để cho người chết có được chánh niệm bình an. Do đó, nên gọi là hoạnh tử.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 228
    • Số lượt truy cập : 6946968