Học

Học Phật quần nghi (Câu 51 - 60)

HỌC PHẬT QUẦN NGHI

Hòa thượng THÍCH THÁNH NGHIÊM

 

51. CÁ NHÂN TỰ TU VÀ TẬP THỂ CÙNG TU CÓ GÌ KHÁC NHAU?

Thường nghe nói "Thà ngủ trong một miếu lớn, còn hơn là hành đạo trong một miếu nhỏ". Điều đó cũng có nghĩa là cá nh6an tu hành khác với tập thể tu hành. Tu hành dưới sự chỉ đạo của một ông thầy sáng suốt (minh sư) cùng với tự tu không có thầy nào là hoàn toàn khác nhau.

Cá nhân tu hành cần phải tiến hành sau khi thông hiểu phương pháp tu hành. Hơn nữa cần phải biết giải quyết như thế nào những vấn đề nghi hoặc và khó khăn, phiền toái nảy sinh ở thân tâm và kiến thức (tri kiến), nếu không thì không những không có ích gì mà ngược lại còn có hại. Đặc biệt là tu thiền định, tiến hành tinh tiến, dũng mãnh có thể xảy ra các loại bệnh thiền định và ma chướng. Đó là những thay đổi bất thường về mặt tâm sinh lý. Cho nên, người mới học không nên tu hành đơn độc.

Tu hành tập thể tuy không có thầy sáng suốt (minh sư) chỉ đạo nhưng còn có những người cùng tu quan tâm săn sóc, giúp đỡ sửa chữa cho nhau, chỉ cần hiểu biết một cách đúng đắn thì không thể phát sinh những vấn đề quá lớn.

Hơn nữa, cá nhân tu hành rất dễ dàng trở thành nóng lạnh không đều nhau. Khi thì dũng mãnh tinh tiến, khi thì lười biếng, sa đà, đó là vì không có người kiếm chế, không có quy chế đề ra cho cuộc sống của đại chúng. Dũng mãnh bốc đồng có thể dẫn tới cả thân và tâm mệt mỏi rồi sinh ra thiền bệnh, lười biếng, sa đà khiến cho bản thân bỏ việc tu hành, bỏ mất tâm tu đạo. Nếu quá mấy lần nóng lạnh thì có thể mất lòng tin. Nếu tu hành trong một đoàn thể, thì có sự ràng buộc của cuộc sống chung với nhau, lại được những người cùng tu giúp đỡ, khiến cho người ta tiến bộ, nên tương đối an toàn.

Xét về cái tâm con người thì cái tâm của cá nhân hết sức có hạn, người mới tu hành, không có cách nào tạo ra một không khí đạo trường để tu hành. Nếu có thể kết hợp với nhiều người cùng tu hành, có cùng một phương thức như nhau, cùng một tâm trạng như nhau, một mục tiêu như nhau có một thời gian làm việc nghỉ ngơi như nhau để tu hành thì có thể gây nên một không khí đạo tràng tu hành. Thậm chí chỉ cần một người tu hành thường xuyên cũng có thể làm cho toàn thể vào đúng quỹ đạo. Nếu quá nửa số người ở vào trạng thái bình thường cùng thông cảm nhau, cùng hòa hợp nhau thì có thể mỗi cá nhân được lực lượng toàn thể người tu hành ủng hộ. Nếu 10 người tham gia thì mỗi cá nhân có thể được sự ủng hộ của 100 người. Do vậy, Phật giáo tán thành việc tu hành tập thể là quy định thông thường đối với người mới tu học.

Người đã tu hành lâu mà tham gia vào việc tu hành tập thể cũng đều có ích. Vì vậy, khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, thường có trên 1000 đệ tử tham gia vào cuộc sống tăng đoàn. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, dù là tông phải nào phần lớn những nhân tài lỗi lạc tham gia tu hành tập thể. Thí dụ như tổ thứ 4 Thiền Tông là Đạo Tín, ông tổ thứ 5 là Hoằng Nhẫn, tổ thứ 6 là Huệ Năng, cho đến các đại sư Mã Tổ Đại Nhất, Bách Trương Hoài Hải. Môn đệ của các Ngài đều là những nhân vật lỗi lạc xuất sắc, hợp thành những đoàn tăng lữ đông đến 400, 500 người, trên 1000 người. Vì vậy mà các chùa, viện của Thiền Tông được gọi là Đại Hải Tùng Lâm.

Căn khí của người tu hành tuy lớn, nhỏ, sắc, cũng khác nhau, nếu bị thoái hóa, sa sút, không bình thường thì có thể bị nước biển đẩy dạt ra ngoài. Cây trong rừng tuy có cây lớn, cây bé khác nhau, cây thì thô, cây thì nhỏ nhắn khác nhau nhưng không có cây nào lại không mọc vươn lên. Nếu không thì không tiếp nhận được mưa móc, ánh sáng mặt trời và sẽ bị đào thải một cách tự nhiên.

Do vậy, có thể thấy rõ tu hành một cách đơn độc là điều không nên bắt đầu đối với người bắt đầu tu học.

 

52. NHỮNG BẬC ĐẠI TU HÀNH CÓ NHẤT THIẾT PHẢI ĐÓNG CỬA?

Danh từ đóng cửa không có ở Ấn Độ, ở Trung Quốc mãi đến sau đời nhà Nguyên, thậm chí đến đời nhà Minh mới thấy có ghi phương thức tu hành đó. Do vậy có thể thấy những bậc đại tu hành không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, những người đóng cửa không nhất thiết là những bậc đại tu hành.

Đóng cửa là có thể bắt nguồn từ việc tu luyện lâu dài ở trong hang động của Phật giáo Tây Tạng. Rồi khi Lạt Ma giáo từ triều vua Mông Cổ truyền vào nội địa Trung Quốc thì phương thức đóng cửa mới dần dần được thịnh hành.

Về phương pháp tu hành thì có những khóa học có thời gian nhất định, có phương pháp, có giai đoạn nhất định. Thí dụ như 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày v.v… đúng kỳ hạn để lấy chứng nhận. Chuyên tâm tu hành một pháp môn nào đó, nếu hoàn cảnh cho phép, nếu cần thiết thì học kỳ có thể kéo dài một năm, 3 năm, đến 6 năm, 9 năm, mười mấy năm, nhưng không nhất định cá nhân phải đơn độc tu hành. Thí dụ như trong Kiết hạ an cư ở thời đại Phật Thích Ca, thời kỳ tu thiền có 2 mùa là mùa đông và mùa hạ. Trên lục địa Trung Quốc, có rất nhiều người tu tập nhau lại để tu hành. Các tổ sư phái Thiên Thai đặt ra các phương thức sám hối, nghi thức và tất cả đều cùng kết hợp với 6 người, 7 người, mười mấy người để tu hành. Trong thời kỳ kiết hạ an cư, lúc Đức Phật còn tại thế, người ta cũng tiến hành tu hành trong khuôn khổ phạm vi nhất định hoặc ở dưới cây hoặc ở trong hang động, hoặc trong những căn nhà trống không của các cư sĩ nhưng tất cả đều không phải như phương thức tu hành đóng cửa như hiện nay.

Ở Trung Quốc vào thời kỳ đầu cũng có một số thiền sư sau khi đã "ngộ" được, các thiện tri thức căn dặn đến bờ sông dưới cây, vào rừng núi, hang động để đơn độc tu hành trong một số năm. Thí dụ nổi bật nhất là Chung Nam Sơn, ở đấy đã có 72 nhà làm bằng cỏ tranh. Trước tiên đây là nơi cá nhân tu hành, về sau dần dần dựng lên những chùa và viện, nhưng nếp sống nhà ở tranh vẫn mãi mãi tồn tại. Ở nhà cỏ tranh là tự trang bị lấy dụng cụ nấu ăn và các loại thức ăn rau cỏ, vào núi chặt gai góc, bện cỏ tranh để làm nhà tránh gió mưa, xa lánh người trong một thời gian dài. Song phương pháp tu hành như vậy, tuy giống như phương pháp đóng cửa nhưng không phải là đóng cửa. Gần đây có hai loại người tu hành theo phương pháp đóng cửa :

1. Những người muốn tránh xa sự quấy nhiễu của công việc thế tục.

2. Những người tu thiền muốn tinh tiến hoặc chuyên tâm nghiên cứu kinh tạng. Loại người đầu, giống như kẻ tu hành sống ẩn dật. Loại người thứ hai mới đúng là những người tu hành chân chính. Nếu chỉ vì tu dưỡng thì cần có nhiều tiền hoặc được ngoại duyên giúp đỡ trợ lực thì có thể được. Sau khi đóng cửa mà không biết phương pháp tu hành, cũng không hiểu cách thức nào, biện pháp nào để đi vào Kinh tạng thì tuy có đóng cửa 3 năm, 5 năm cũng không đạt được thành tựu. Nếu vì để tu thiền và đọc Kinh tạng, mà đã sẵn có cơ sở công phu tu thiền và đã nắm được cách thức, biện pháp đi vào Kinh tạng thì cũng có thể đạt được nếu không thì thành tựu không lớn lắm.

Nói về định nghĩa của những bậc đại tu hành thì đó phải là những người toàn tâm, chuyên chú tu hành, ít nhất là những người mà mắt và lòng đã được khai thông, nhưng không lộ ra bên ngoài, nhẫn nhục, chịu đựng chịu khó, chịu nhẫn nhục những điều mà người khác không vứt bỏ được, tâm của họ tuy trong sáng như gương nhưng không biểu lộ ra ngoài, nói năng hành động tuy ngốc nghếch, khờ dại, nhưng thật ra thì rất sáng suốt, từ bi. Ngày nào đó mà nhân duyên thành thục thì có thể trèo lên cao hô một tiếng là vạn nghìn hòn núi đều tương ứng, độ cho chúng sinh thì không ai so sánh được mà không hề để lại vết tích. Nếu nhân duyên chưa thành thục, tuy sống cả cuộc đời mà không hề giảm bớt ánh sáng của sinh mạng mình. Như Hàn Sơn, Thập Đắc, Phong Can đều là những bậc đại tu hành. Nếu những người tốt sau này mà không sưu tầm những bài thơ, những câu kệ của họ để lưu truyền cho hậu thế thì ai mà biết được rằng trong lịch sử đã từng có những nhân vật như vậy. Tỉ dụ như Mạnh Tử nói : "Thành công thì làm thiện cho thiên hạ, cùng quẫn thì riêng mình sống thiện". Điều này rất giống như Phật giáo nói là những bậc đại tu hành quan tâm săn sóc và đưa lại ánh sáng cho người ta. Do vậy, bậc đại tu hành có thể đóng cửa và cũng có thể không nhất thiết phải qua quá trình và hình thức đóng cửa. Nếu nhân duyên cho phép, nếu cần thiết thì đóng cửa cũng là một trong những phương thức tu hành tối ưu để loại bỏ những sự việc phức tạp, đoạn tuyệt với ngoại duyên.

 

53. LỰA CHỌN MINH SƯ NHƯ THẾ NÀO?

Hàn Dũ đã từng nói : "Nghề học phải chuyên nhất". Do đó học tập pháp môn nào đều phải lựa chọn các bậc minh sư có chuyên môn giỏi, độc đáo, tinh thông về các mặt học vấn nghệ thuật và giáo lý Phật học. Mặc dù minh sư không nhất thiết phải từ cửa minh sư mà trưởng thành ra, trong số đệ tử của minh sư không nhất thiết xuất hiện những đệ tử xuất chúng. Nhưng khi đi tìm minh sư thì tối thiểu họ cũng không được nhầm phương hướng, dạy sai yếu lĩnh, phải đảm bảo an toàn, chắc chắn chứ không thể như "người mù chỉ lối cho người mù".

Vậy ai là minh sư ? Thường thường thì không có cách nào mà biết được điều đó. Đặc biệt là theo kinh nghiệm của tôn giáo và khi khổ công tu thiề, khi bản thân chưa nhập môn thì không có cách nào phán đoán được ai là minh sư và ai không phải là minh sư. Thế nhưng minh sư không nhất thiết phải nổi tiếng, nhưng người minh sư được quần chúng công nhận thì đáng tin cậy hơn so với người tự xưng là minh sư mà chưa được đông đảo quần chúng công nhận. Hoặc các bậc thầy tuy chưa nổi tiếng nhưng được các bậc thầy đã nổi tiếng giới thiệu là minh sư cho mình thì đó là điều đáng tin cậy. Như kinh "Hoa Nghiêm" có nói : "Phương thức thiện tài đồng tử tham gia về việc chất vấn 53 vị thiện tri thức thông qua một vị giới thiệu một vị đã hình thành mối quan hệ liên tục đối với 53 vị sư. Vì vậy, các thiện tài đồng tử tuyệt nhiên không phải công nhận các bậc thầy một cách mù quáng".

Bất kỳ thời đại nào trên thế gian này đều có những nhân vật tự xưng là tôn sư của thời đại. Họ dùng những lời yêu quái để mê hoặc quần chúng, lẫn lộn trắng đen, nghe thấy lung tung, thu nạp đông đảo các đệ tử phô trương thanh thế. Nếu không phân biệt rõ thì rất có khả năng lấy tà sư khét tiếng làm minh sư. Vì vậy, Mạnh Tử cũng nói : Tai họa lớn nhất của con người là "thích làm thầy người ta". "Bởi vì những tà sư này có tác hại hướng dẫn lệch lạc lương tâm xã hội, khiến cho con người nẩy sinh nhiều sự quấy nhiễu không bình thường, nghi hoặc bất an. Do vậy, mà theo họ, học tập những tà pháp, tà thuyết và tà thuật thì chẳng những không mở mang được cảnh giới nhân sinh mà ngược lại còn mang tác hại cho thân tâm mình, gia đình mình bất hòa. Chỉ đáng tiếc là những người bình thường rất khó mà phân biệt được cái thật, cái giả, cái tà, cái chính của những người này.

Xét theo lập trường của Phật Pháp thì tiêu chuẩn về cái tà, cái chính, cái tối, cái sáng đều phải được khảo sát, thí nghiệm ở trung tâm cái tôi của mình. Nếu con người còn mang nặng sân, si thì nhất định không phải là minh sư. Lại có người tuy bề ngoài thì biểu hiện nhân từ, vẻ mặt phúc hậu, tươi tắn, đạo mạo trịnh trọng nhưng lại là kiêu căng, ngạo mạn thì cũng nhất định không phải là minh sư. Về việc tìm minh sư, "Đại trí độ luận" cuốn 4 đã nêu lên 4 điều trọng yếu gọi là tứ y pháp "4 chỗ nương tựa".

1) Dựa vào pháp không dựa vào người : Minh sư không tự cho mình là trung tâm, cũng không lấy cá nhân nào đặc biệt làm quyền lực mà lấy nguyên tắc, quy luật chung là tiêu chuẩn Pháp của Phật giáo là pháp nhân duyên, pháp nhân quả. Nếu đạo lý và những điều khêu gợi của vị thầy nào trái ngược với phép tắc nhân quả và nhân duyên thì không phải là minhh sư. Bởi vì, nhân quả đòi hỏi chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhân duyên là dạy chúng ta không được khởi tâm chấp trước tham, sân. Không thì tuy được đông đảo mọi người tôn là Thánh cũng không khác gì tà sư.

2) Dựa vào nghĩa không dựa vào lời : Phàm là phép tắc chân chính thì nhất định tung ra bốn biển đều đúng, từ xưa tới nay đều giống như nhau, không phải vì bối cảnh dân tộc, khu vực, văn hóa khác nhau mà sai biệt khác nhau. Nếu cho rằng do sự cấm k?về tôn giáo hoặc có sự bí mật trên ngôn ngữ mà không phải chính pháp là không đúng. Chính pháp nên chú trọng đến sự cảm thông về nghĩa lý chứ không được câu nệ trên sự dị biệt trên ngôn ngữ. Tỉ dụ, nếu nói người theo đạo Hồi chú trọng đến chữ Ả rập, người Do Thái chú trọng đến chữ Hêbơrơ thì xét về chuẩn tắc là khác nhau. Người theo đạo Phật chú trọng đến chữ Phạn, Pàli là để nghiên cứu những kinh điển nguyên thủy, để truy tìm nguyên nghĩa chứ không phải nói chữ Phạn và chữ Pàli có thần lực và thần thánh gì đặc biệt. Tất nhiên Ấn Độ giáo chú trọng đến tiếng Phạn, âm Phạn khác với Phật giáo.

3) Dựa vào trí, không dựa vào thức : Trí là trí tuệ của thánh nhân, là sản sinh ra đại trí của vô ngã, từ đại bi đến đồng thể. Do đó, hể có tự ngã làm trung tâm, dù là vì mình, vì người, thậm chí vì tất cả chúng sinh hoặc vì cầu cho Phật Đạo vô thượng, dù là đại ngã, bồ-rát-man (phạm ngã) và thần ngã, cái ngã cá biệt và cái ngã toàn thể đều không thể sản sinh ra trí tuệ chân chính được. Vì vậy, điều đó vẫn thuộc vào phạm vi trí thức và trí tuệ. Trí thức là từ trong kinh nghiệm học tập của bản thân mình mà sản sinh ra tác dụng phân biệt, ghi nhớ và suy lý. Còn trí tuệ chỉ có hiện tượng của khách quan không có trung tâm chủ quan. Chỉ có công năng chuyển vận, không có trung tâm chủ thế, nếu trái ngược như thế thì không phải minh sư.

4) Dựa vào ý nghĩa rốt ráo, không dựa vào ý nghĩa không rốt ráo :

Nghĩa rốt ráo là không nói ra được, không có pháp nào có thể chấp, không có pháp nào có thể tu, cũng không có pháp nào có thể chứng được. Đúng như vô niệm vô tướng, vô trụ, mà "Đàn kinh" nói : Không vì cái gì, cũng không có cái gì, chỉ việc ăn cơm, mặc quần áo, sinh sống, lợi mình, lợi người, tinh tiến không ngừng.

Căn cứ vào 4 điều chuẩn trên, chúng ta có thể phân biệt dễ dàng ai là minh sư, ai không phải là minh sư, rồi dựa vào 4 tiêu chuẩn đó mà quan sát thẩm tra minh sư mà mình mong gần gũi thì nói chung không thể có sự nhầm lẫn, rồi ngày qua tháng lại dù không gặp được minh sư thì bản thân anh cũng trở thành minh sư.

 

54. LÀM THẾ NÀO ĐỂ THÂM NHẬP VÀO MỘT MÔN?

Tiên sinh Hồ Thích - một nhà tư tưởng hiện đại đã từng nói "Học thì phải như Kim Tự Tháp vừa rộng lại vừa cao". Đọc nhiều học rộng là cơ sở của học vấn, thâm nhập vào một môn là bước đầu của học vấn mà chỉ có thể là thường thức thôi. Nếu không thể trong bất kỳ phạm trù chuyên môn nào cũng tỏ ra xuất chúng nổi bật lên thì không thể có thành tựu và có những nét độc đáo của mình. Như vậy không phải là chuyên gia mà là người giỏi bình thường thôi.

Do vậy Đức Phật đề ra quy luật Tỳ kheo xuất gia thì nên chuyên tu học về Kinh, Luật, Luận. Nếu tư chất xuất sắc thì có thể để 1/5 thời gian để học thêm kinh sách ngoài Phật giáo bởi vì thời gian của cuộc đời con người là có hạn. Kinh điển Tam Tạng của Phật giáo là bao la như biển cả, dù cho có đọc hết kinh sách nỗ lực cả cuộc đời cũng không có cách nào học được cái tinh túy kỳ diệu của đạo Phật. Do đó, từ xưa đến nay người học Phật nghiên cứu Kinh và Luật phải có sự lựa chọn. Khi bắt đầu vào học có thể đọc những sách khái quát về lý luận rồi những sách về lý luận thông thường, có tính chất thông sử để biết những nét lớn. Sau đó nên lựa chọn, dựa vào chí hướng, sở thích cá nhân để đọc bộ kinh nào đó hoặc là một số kinh có liên quan, một bộ luận nào đó, hoặc một số bộ luận có liên quan. Rồi có như vậy mà suốt cả cuộc đời nỗ lực học tập tu trì, nghiên cứu, hoằng pháp thì có thể một bậc đại sư.

Hiện nay đối với những Phật tử nói chung, cái gọi là "thâm nhập vào một môn" bức thiết cần phải biết nhất thiết không phải là vấn đề có liên quan đến kinh, luật, luận và là kinh nghiệm tôn giáo, pháp môn tu trì và việc lựa chọn và theo học các thiện tri thức. Bởi vì nói chung người ta không biết bản thân mình thích hợp tu hành tôn phái nào hoặc pháp môn nào, dù là tu khổ hạnh, tu theo kiểu hiển giáo, theo mật giáo đều không biết mình bắt đầu học từ đầu và bắt đầu học như thế nào? Về mặt hiển giáo, nếu theo tông Tịnh độ, theo thiền, luật Thiên Thai, Hoa Nghiêm duy thức, thì mỗi tôn giáo đều có một vị, thậm chí còn có nhiều vị Đại đức tăng và tục nổi tiếng, đều có thể theo học.

Hiện nay lại có một số mật giáo mà không có thầy truyền, những môn đệ tử của tín ngưỡng dân gian thường tự xưng mình là bậc thầy tối thượng, tự cho mình là Phật sống. Họ xuất hiện nhan nhản ở thế gian, tung ra một loạt luận điệu tuyên truyền, nói rất hay, lý lẽ rất vững tạo ra các phép làm lóe mắt mọi người. Nói chung, con người không có cơ sở Phật học, do yêu cầu phải có phương pháp tu trì và phải tu hành có hiệu quả ngay, nên không tránh khỏi lần mò khắp nơi, khắp chốn thấy được cái gì thì học cái nấy, kết quả là tâm thần rối loạn, tâm lý không ổn định, sinh hoạt không bình thường tách rời khỏi xã hội. Đó là những việc đáng tiếc.

Do vậy chúng tôi chủ trương muốn thâm nhập vào một môn thì không được đứng núi này trông núi nọ. Nếu Phật Pháp chính thống Phật giáo chính tín mà anh công nhận không phát sinh ra tác dụng phụ thì dù là niệm Phật, tham thiền, trì chú, anh cứ không ngừng tu trì, dần dà thì nhất định sẽ thấy kết quả trông thấy. Tuyệt đối chớ để sự hiếu kỳ lôi cuốn, không để các giác quan kích thích và tư tưởng bị kích động, mà nên theo con đường tu học Phật Pháp với cái tâm bình thường. Lại nhờ sự tự lực giúp đỡ của Đức Phật để khi lâm chung được vãng sinh lên cõi Tịnh độ nước Phật là đủ lắm rồi. Nếu không và muốn trở thành một vị cao Tăng và Cư sĩ, Đại đức Phật giáo, lại muốn thông hiểu các loại học vấn tri thức về văn chương, triết học, lịch sử tôn giáo xưa nay cả trong nước và ngoài nước thì lãng phí cả cuộc đời. Thế là vừa không lợi cho mình, cũng không lợi cho người, vừa không thể tự tu một cách đầy đủ lại không thể dùng cái sở trường của mình giúp đỡ người khác.

 

55. THẾ NÀO LÀ CHUYÊN TU VÀ TẠP TU?

Nói một cách khác nghiêm khắc, người Trung Quốc là theo Phật giáo tạp tu. Tỉ dụ như để cầu xin được sức khỏe, sống lâu, tránh tai nạn, họ trì tụng phẩm "phổ môn", kinh "Dược Sư", chú Đại Bi hoặc niệm Bồ Tát Quan Thế A? và Phật Dược Sư. Nếu cầu được lợi ích tương lai ở Tây phương thì tụng kinh A-di-đà và niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Nếu để tiêu trừ bệnh tật, nghiệp chướng thì phần nhiều tụng Chân ngôn, Linh cảm Quan Thế A?, thần chú Đại Sĩ áo trắng hoặc lễ bái "Thủy Sám", "Lương Hoàng Sám". Nếu siêu độ cho người chết người thân thì niệm "Kinh Địa Tạng", chú "Vãng sinh"…

Phương thức tu hành như vậy vừa là hiển giáo vừa là hỗn hợp hình thức và mùi vị của Mật giáo nữa, vừa là tu hành Tịnh độ Tây phương, vừa tu Tịnh độ Đông phương. Một cá nhân cùng thời gian khác nhau, vì mục đích khác nhau thì có thể dùng pháp môn khác nhau.

Thật ra Phật Pháp quý ở chỗ thâm nhập vào một pháp môn, bất kể là dùng hiển giáo, hay Mật giáo, tụng kinh hay trì chú, lễ sám, hoặc niệm danh hiệu của bất kể Đức Phật nào, Bồ Tát nào, hễ tu một pháp môn mà kiên trì lâu dài thì sẽ có cảm ứng tức là có thể đạt tới mục đích tu trì của mình. Điều đó có nghĩa là niệm Phật A-di-đà có thể vãng sinh Tây phương, niệm Bồ Tát Quan Thế Âm cũng có thể vãng sinh Tây phương, tai qua nạn khỏi, niệm Phật A-di-đà cũng có thể tai nạn qua khỏi. Quán có thể nhập định, mở mang trí tuệ, kiên trì niệm tên Phật và niệm danh hiệu Bồ Tát cũng có thể nhập định và mở mang trí tuệ. Tiến hành các phương thức khác nhau như tụng kinh Kim Cương cũng có thể mở mang trí tuệ, tai bay nạn khỏi, vượt bỏ các chướng ngại, sinh về Tây phương. Do đó Kinh Lăng Nghiêm có 25 pháp môn viên thông giới thiệu 25 vị La Hán Đại Thừa và Bồ Tát, mỗi vị đều tu trì một môn mà các pháp môn nhất định, kết quả là đều có thể thâm nhập vào một môn mà các môn khác cũng đều thâm nhập được. Như vậy Bồ Tát Quan Thế Âm là viên thông căn tai, tu pháp môn âm thanh mà thông đạt các pháp môn.

Nếu người tu pháp môn Tịnh độ chuyên chú niệm Phật, niệm danh hiệu sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật" thì có thể lợi trong cuộc đời hiện tại và có thể được Phật A-di-đà đón dẫn khi lâm chung. Họ gặp tai nạn thì tránh được tai nạn, gặp trở ngại thì vượt trở ngại, ngu dốt thì được tăng thêm trí tuệ, có phiền não thì được giảm bớt phiền não. Nếu người học thiền mà kiên trì một câu nói, một công án, một phương pháp hiện hành thì hiện tại được lợi, tương lai cũng có lợi. Nếu nguyện sinh ở cõi Tịnh độ thì nhất định có thể được.

Xướng tụng thì phần lớn dùng ở nơi tập thể tu hành, được tiến hành sau một thời gian dài ngồi thiền. Cá nhân tu hành hoặc tu hành định kỳ trong một thời gian tương đối dài thì không nhất định phải xướng tụng. Trong những buổi khóa tụng sáng chiều của cư sĩ tại gia, thì có thể xướng tụng, chuyển tụng niệm một danh hiệu Phật nào đó, tất cả đều có thể gọi là chuyên tu, cũng có thể đạt tới tất cả các nguyện vọng và mục đích. Nếu mỗi ngày vào một thời gian nhất định mà trì tụng, lễ bái một vài bộ kinh, chú và danh hiệu Phật, bài kệ thì cũng có thể gọi là chuyên tu. Tất nhiên là so với chuyên tu nói ở trên thì việc này có ý nghĩa tạp tu rồi.

Xưa kia có người chuyên tụng mấy ngàn bộ kinh "Kim Cương" hoặc kinh "Pháp Hoa", chuyên lễ bái Phật trăm vạn lần, trì chú mấy trăm vạn lượt, như thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ hằng ngày chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thậm chí khi nghĩ ngơi, ăn uống, đại tiểu tiện, ngủ đều không ngừng niệm Phật, đó mới gọi là chuyên tu tinh tiến. Còn người bình thường không thể đạt tới bước như vậy. Nếu dạy học chỉ trì tụng một kinh chú nhất định, chỉ niệm một danh hiệu Phật nhất định thì họ cảm thấy đơn điệu, thậm chí còn thấy buồn chán. Do vậy, mỗi ngày nên trì tụng vài danh hiệu Phật, vài kinh, chú và bài kệ khác nhau cho thỏa đáng hơn. Nhưng tuyệt đối không được hôm nay học hiển giáo, ngày mai lại học Mật giáo, buổi sáng cầu vãng sinh phương Đông, buổi tối lại cầu vãng sinh ở phương Tây.

 

56. NHƯ THẾ NÀO LÀ "ĐẠO DỄ TU HÀNH" VÀ "ĐẠO KHÓ TU HÀNH"?

"Đạo dễ tu hành" và "Đạo khó tu hành" đều là đạo Bồ Tát tu hành học Phật, xuất hiện đầu tiên ở "Phẩm Dị hành", quyển 5, "Thập trụ tỳ bà sa luận". Phẩm này giới thiệu đạo tu hành của Bồ Tát có hai loại, loại dễ và loại khó. Như trên thế gian này đi bộ tương đối vất vả, khó khăn, còn ngồi thuyền đi đường thủy thì đỡ mệt hơn, dễ dàng hơn. Đạo Bồ Tát khó tu hành là chỉ sự chăm chỉ tu hành, tinh tiến. Đạo Bồ Tát dễ tu hành là chỉ việc lấy lòng tin làm phương tiện mà tiến lên, không lùi bước, không lùi vị trí.

Phương pháp tu hành của đạo dễ tu hành mà Long Thọ nói tới là tụng niệm chư Phật 10 phương như Thiện Đức, 107 vị Phật như Phật A Di Đà, và cả 143 danh hiệu Bồ Tát như Thiện Ý. Còn quyển thượng "Vãng sinh luận chú" của Đại sư Đàm Loan, Trung Quốc thì lại chủ trương chuyên tụng niệm riêng một danh hiệu Phật A Di Đà, gọi đó là đạo dễ tu hành, đề cao lời nguyền của Di Đà, dựa vào lời thề nguyền của Phật thì có thể vãng sinh ở cõi Tịnh độ, rồi nhờ Phật gia trì mà vào chính định Đại Thừa. An lạc "Tập" của Đại sư Đạo Xước thì lại gọi đạo khó tu hành là môn "Thánh đạo", đạo dễ tu hành là môn Tịnh độ. Cho tới Đại sư Pháp Nhiên của Nhật Bản thì nêu ra "Tự lực thánh đạo" để phân biệt rõ sự khác nhau của đạo khó tu hành và đạo dễ tu hành. Đủ thấy đạo dễ tu hành mà Bồ Tát Long Thọ nói là lấy việc tụng niệm danh hiệu của chư Phật và Bồ Tát để cầu sinh nơi cõi Tịnh độ mười phương. Nhưng những người tu hành theo pháp môn Tịnh độ Phật A Di Đà là đạo dễ thực hiện dựa vào lời nguyện của Phật để sinh sang Tịnh độ Cực Lạc. Sau khi đến cõi Tịnh độ của Phật, tất cả những điều mắt thấy tai nghe đều do Phật A Di Đà giáo hóa, thuyết pháp, ở đấy không ai là không niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, nên tương đối dễ dàng chứng được Bồ đề, lại còn có thể tiến tới trình độ bất thoái. Nhưng nếu chỉ dựa vào sức mạnh lời nguyền của Phật, muốn đạt đến trình độ bất thoái thì phải trải qua một thời gian rất dài, bởi vì trên cõi Tịnh độ, không có duyên tu phúc, nhưng có thể tu tuệ, tu tuệ có thể xa rời phiền não, nếu không tu đức thì không thể đạt tới công đức Bồ đề. Cho nên tuy dễ dàng nhưng lại phải quanh co, phải đợi sau khi đạt tới trình độ bất thoái, lại quay trở lại ở cõi thế gian tế độ chúng sinh để tu hành đầy đủ phúc đức của Bồ Tát, phúc tuệ viên mãn mới có thể thành Phật. Điều đặc biệt thuận lợi của "đạo dễ tu hành" là đối với những chúng sinh nhu nhược, lòng tin không đủ, tội nghiệp sâu nặng, thì hy vọng đắc độ và khuyến khích họ học Phật, niệm Phật.

Cái gọi là "đạo khó tu hành" là lấy thời gian của 3 đại a tăng kỳ kiếp để tu đạo Bồ Tát, khó tu hành mà có thể tu hành, khó chịu đựng mà có thể chịu đựng ; đó là con đường chung để tu hành Phật Pháp. Các chư Phật trong ba đời đều do phát tâm đại Bồ đề vô thượng chính đẳng mà thành Phật. Điều đó cũng có nghĩa là người đã phát lời nguyền thành Phật, thông thường là phải xây dựng được niềm tin trước đã. Theo kinh "An Lạc", tu hành thì phải có lòng tin trải qua ba kiếp, kiếp 1, kiếp 2, kiếp 3 mới được lòng tin "bất thoái" mà nhập vào ngôi thứ nhất. "Khởi Tín Luận" thì nói : Tu hành phải có lòng tin, phải trải qua một vạn kiếp, rồi sau mới nhập vào ngôi thứ nhất, đó mới là bắt đầu của A tăng kỳ kiếp thứ nhất. Đến ngôi thứ nhất là khởi điểm của A tăng kỳ kiếp thứ hai. Qua được ngôi thứ bảy là bắt đầu vào A tăng kỳ kiếp thứ ba, trở thành Bồ Tát đẳng giác. Ví dụ như Quan A?, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng v.v… phải trải qua trăm kiếp nữa thì lên được Phật địa đó chính là đạo khó tu hành.

Trong suốt thời kỳ này, bỏ thân này, thọ thân khác, bố thí vô lượng gần gũi với các vô lượng Phật, trong giữa đám chúng sinh mãi mãi là "không cầu mong an lạc cho mình", nhưng nguyện làm chúng sinh xa lìa đau khổ, rồi ngày qua tháng lại dần dần trừ được chấp ngã, phúc đức được tăng trưởng. Khi đại bi vô ngã đã viên mãn cứu cánh thì thành Phật.

Trước khi tu xong kiếp A tăng kỳ thứ nhất thì phàm phu. Theo sự giải thích của Tông Thiên Thai trước khi có được lòng tin, là "ngoại phàm". Từ ngôi thứ nhất đến ngôi hồi hướng thứ mười là "nội phàm". Những Bồ Tát trong ngôi phàm phu là còn có cái tôi, là có những chúng sinh có thể độ được, có những phiền não có thể đoạn trừ được và cũng có thể thành Phật được. Các vị đó có lòng tin kiên định đối với Tam Bảo, do tin tưởng vững chắc nơi mình, dũng mãnh tiến lên phía trước tu hành theo Phật Pháp.

Trong mười ngôi tín trước thứ nhất, nếu gặp phải ma chướng, nghiệp chướng, phiền não chướng, các loại báo chướng v.v… nên còn có nguy cơ mất lòng tin nên còn gọi là "còn có thoái". Thường thường khi tiến thoái, có lúc tin vào Phật mà tu hành, có lúc lại xa rời Phật pháp. Nhưng một khi đã phát được tâm Bồ đề thì đã gieo được nhân thành Phật cho dù sức của cái nhân ấy mạnh hay yếu nhưng vẫn còn cơ hội để được độ thoát, được độ một lần, lại được độ lần nữa, rồi lại được độ lần thứ ba, lần thứ tư để được thể hiện trong thức thứ 8 nhờ đó mà tiếp tục tu học Phật Pháp. Sau khi lòng tin đạt được "bất thoái" thì xét về thời gian thành Phật là coi như đã được xác định. Xét về mức độ chịu khó, chịu khổ thì sóng gió ngày càng to, càng mạnh, con đường trước mặt ngày càng khó khăn, đó chính là đạo khó tu hành của Bồ Tát. Các Bồ Tát chịu khổ nạn là xuất phát từ lời nguyền của họ, không phải là nghiệp báo. Đạo khó tu hành đó đối với Bồ Tát mà nói là một quá trình tu hành bình thường.

Nhưng những người có lòng tin không vững chắc, không tu được pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà. Theo Kinh "Quán vô lượng thọ" thì điều kiện vãng sinh tới tòa sen cửu phẩm vãng sinh tới thượng phẩm là phải tu hành Bồ Tát tam phúc nghiệp và phải có tâm Bồ đề, vì vậy không phải hoàn toàn dựa vào sức mạnh lời nguyền của A Di Đà.

 

57. IM HƠI LẶNG TIẾNG CÓ PHẢI LÀ TU HÀNH NHẪN NHỤC?

Nhẫn nhục là độ thứ ba trong "sáu độ". Độ nghĩa là vượt qua biển khổ phiền não, mà độ nhẫn nhục rõ ràng cũng có nghĩa là im hơi lặng tiếng. Ví dụ kinh "Di giáo" nói "Người thực hành đạo đức nhẫn nhục mới là bậc đại nhân có sức mạnh. Nếu không thể tiếp nhận cái "độc" bị nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí tuệ". "Du già sự địa luận" quyển 57 cũng nói "Như thế nào gọi là nhẫn nhục ?". Đó là:

1 - Không tức giận

2 - Không oán trách

3 - Không chứa chấp điều ác

"Đại Trí Độ Luận" quyển 6 cũng nói "Chúng sinh làm điều ác tâm không tức giận, chúng sinh cung kính cúng dường, tâm không hoan hỉ. Đó là "trung nhẫn" vì chúng sinh. Quyển 15 trong sách trên cũng nói : "Nhẫn đối với chúng sinh cung kính cúng dường mình, đối với những kẻ gây tức giận, gây phiền não, gây tham muốn đối với mình, đó gọi là "sinh nhẫn". Chịu nhẫn nhục tôn kính cúng dường, cách gây tức giận, gây phiền não, gây tham muốn đó là "pháp nhẫn". "Ưu-bà-tắc giới kinh" quyển 7 cũng chỉ rõ : "Nhẫn có hai loại : một là nhẫn xuất thế gian là chịu được đói khát, lạnh nóng, khổ vui. Thứ hai là nhẫn thế gian, là nhẫn tín, giới, thí, nghe, trí tuệ, chính kiến không lầm, nhẫn Phật, Pháp, Tăng, nhẫn được chửi mắng, đánh đập, ác khẩu, việc ác, tham, sân, si, nhẫn được đều khó nhẫn, thí những điều khó thí".

Từ nội dung kinh luận đã dẫn trên đây có thể thấy hàm nghĩa của hai chữ nhẫn nhục rất rộng, cự tuyệt mọi niềm vui, chịu được và tiếp nhận các nỗi khổ. Bị nhục mạ một cách vô lý là điều mà con người bình thường không thể chịu nỗi. Từ chối không để gái đẹp ngã vào lòng mình là điều mà con người bình thường không thể làm được. Tin và tiếp thu các loại pháp môn trong Phật Pháp càng không phải là điều mà con người bình thường có thể làm được. Nói chung, nếu những việc có liên quan đến danh dự thiết thân, đến những người thân thuộc, nam nữ thì khó mà chịu đựng. Phật Pháp không chỉ nhẫn vì cá nhân mà cả vì chúng sinh nữa. Khi đã đạt tới trình độ không tranh cãi nữa thì tám ngọn gió thổi không đổ được nữa. Đó là tám hiện tượng lợi ích, sa sút, hủy diệt, khen, ca ngợi, nói xấu, khổ, lạc không có cảnh giới nào mà không nhẫn nhục được. Vì vậy những Bồ Tát đã giải thoát được gọi là đã chứng được "vô sinh pháp nhẫn". Đối với mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý của lục tình thì không chấp trước, đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của lục trần bên ngoài thì không chịu ảnh hưởng, đó gọi là pháp nhẫn. Nếu bị bức hại mà không giận, được cúng dường mà không mừng, đã không có cái ngã năng thọ, lại không khiến cái ngã tiếp thu cái khác. Đạt tới như vậy thì gọi là sinh nhẫn, đó không những là cảnh giới của Bồ Tát mà cũng là mục đích của việc tu hành Phật Pháp.

Chịu nhẫn nhục là có thể yên mình, yên người, hòa đồng với chúng sinh, cho nên nhẫn nhục là tiêu chuẩn tốt nhất để xây dựng hòa bình an vui giữa con người với nhau.

Căn cứ vào tiêu chuẩn như vậy thì hình như nhẫn nhục chính là im hơi lặng tiếng. Tất cả những việc oan uổng, lăng nhục, phỉ báng, đả kích, đều phải hoàn toàn như vậy. Chúng ta cần phải chú ý là nếu sự nhẫn nhục không xuất phát từ trí tuệ thì rất có khả năng gây nên tai họa lớn hơn, do đó thông qua sự soi chiếu của trí tuệ là điều vô cùng quan trọng. Ví dụ nói : sự tập kích bất ngờ của gió, mưa, nước, lửa là điều không thể chống nỗi, nhưng vẫn có thể tìm cách phòng tránh để giảm bớt thiệt hại. Nghiệp báo là phải tiếp nhận một cách thẳng thắn, nhưng vẫn có thể qua cố gắng thay đổi mức độ và phương thức của nghiệp báo.

Cho nên, đối với sự vật mà hai bên đều không có hại lại có ích thì phải tiếp thu. Nếu có ích cho người khác, không có ích cho mình thì phải suy nghĩ để tiếp thu. Nếu đối với hai bên đều có hại mà không có ích thì phải tìm cách tránh hoặc thay đổi nói. Ví dụ biết rõ ràng đối phương là voi say, chó dại, người điên, trông thấy người cắn, gặp người là giết, thì đương nhiên phải tìm cách ngăn chặn, vì đối phương đã bất hạnh nhất thiết đừng để cho họ gây nhiều bất hạnh hơn nữa. Nhưng cũng không được có tâm báo thù "lấy máu trả máu", nên dựa vào nguyên tắc từ bi, bản thân mình luôn luôn phải tự kiểm và biết hổ thẹn, sám hối. Đối với những người mất lý tính thì phải thông qua phương thức và phương pháp như kiềm chế, giáo hóa, làm cho họ có thể trở lại bình thường. Điều đó có công đức lớn đối với bản thân họ và toàn thể xã hội, cho đến tất cả chúng sinh.

 

58. HỌC THIỀN SUỐT ĐỜI NẾU KHÔNG "NGỘ" THÌ LÀM THẾ NÀO?

"Ngộ" mà Thiền tông nói là vứt bỏ vạn duyên, tâm không chấp trước, đã không có gì đáng cầu lại không có gì đáng xã. Niệm một niệm là có thể vứt bỏ vạn duyên, cái niệm đó là trong lúc "ngộ". Đốn chứng, đốn ngộ là không có lần lượt, không có thang bậc, nên không cần thiết phải quan tâm đến vấn đề lúc lâm chung "ngộ" hay không "ngộ".

Khi tu trì thiền, tuyệt đối không được lấy tâm cầu ngộ, lấy tâm chờ ngộ. Cầu ngộ không được "ngộ", chờ "ngộ" tức là mê bởi vì cầu mong và chờ đợi đều là vọng niệm, chấp trước, phan duyên. Cho nên người tu thiền chân chính biết rằng có cái "ngộ" làm mục tiêu tu hành của mình. Cảnh giới chứng ngộ là một loại quan niệm trước khi tu hành. Trong quá trình tu hành cần phải vứt bỏ quan niệm đó mới có thể có kết quả. Vì vậy người tu thiền coi trọng quá trình, không coi trọng mục đích. Trong quá trình tu hành tuân theo sự chỉ đạo của minh sư, dùng phương pháp chính xác, tinh tiến, không trễ nãi, dũng mãnh tiến lên. Phải xoắn chặt lại từng niệm một, không được nhìn tới nhìn lại, phải niệm nghiêm túc, không dứt đoạn thì công sức mới đạt kết quả. Đã đạt kết quả rồi thì mới biết "ngộ", sống chết và Niết bàn không có liên quan đến việc tu hành.

Nhưng những người bắt đầu học Phật tuy đã biết rằng sống chết là biển khổ. Niết bàn là bờ bên kia, nhưng lại không biết rằng giữa sống chết và Niết bàn không có một giới hạn tuyệt đối. Vì vậy, sợ sống chết mà cầu Niết bàn, cho rằng trước khi chưa "ngộ" thì bị phiền não trói buộc, bị sống chết làm cho khổ sở, chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ dày vò. Có biết đâu rằng khai "ngộ" thì có thể chấm dứt sự sống chết, được tự tại. Có biết đâu rằng đó là nói cho người còn mê chứ không phải nói cho người đã "ngộ", lấy đó để dìu dắt người mê tu hành không phải mục đích, cảnh giới "ngộ" cũng là chấp trước, lìa bỏ mọi chấp trước mới có thể rời bỏ phiền não sống chết. Nếu nhận thức được như vậy thì sẽ không còn có tâm cầu "ngộ" và chờ "ngộ".

Nếu suốt đời tu hành mà không đạt được kết quả, điều đó cũng có nghĩa là từ đầu đến cuối không có cách nào thể nghiệm được công đức xả chấp và ly chấp. Thường xuyên với tâm trạng sợ sống chết : cầu Bồ đề, cố gắng tu hành thì lúc gần chết chẳng cần phải lo lắng sau khi chết sẽ bị rơi vào ba cõi ác. Bởi vì, hướng cái tâm mình đến Niết bàn bao giờ cũng tốt hơn là hướng cái tâm mình xuống địa ngục. Phật Pháp coi trọng sức mạnh của lời nguyền và nghiệp lực, dựa theo lời nguyện để tiến thẳng về tương lai. Nhưng khi tu hành do chướng ngại của nghiệp lực nên cuộc đời này tuy không được giải thoát nhưng cũng không rời bỏ Tam Bảo. Cuộc đời này nếu không thành công thì cuộc đời sau lại cứ tiếp tục và dưới sự dẫn dắt của sức mạnh lời nguyện, cố gắng tu trì tam học là giới, định, huệ. Đó là phước nghiệp trì giới rồi cùng với định nghiệp và tuệ nghiệp có thể khiến cho mình được sinh lên cõi trời, vãng sinh Tịnh độ, chứng được Bồ đề, hay ít nhất cũng có thể chuyển làm thân người, tiếp tục tu hành học Phật.

Vì vậy, người tu thiền, thứ nhất lo lắng sau khi chết mình sẽ đi đâu, thứ hai nếu công sức mình ít ỏi, không có lòng tự tin, không biết sức mạnh lời nguyện của bản thân mạnh hay yếu, sự cố gắng nỗ lực tu hành của mình nhiều hay ít như thế nào, nên áy náy lo lắng lời nguyền của mình không mạnh mẽ, công sức tu hành không đầy đủ, nên khi lâm chung sẽ chịu ảnh hưởng của nghiệp ác. Do vậy mà rời bỏ Tam Bảo đọa vào ba cõi ác không ra khỏi sống chết, không có cách quay đầu trở lại. Như vậy thì tốt nhất là theo sức mạnh lời nguyền của Phật A Di Đà để cầu mong sinh lên cõi Tịnh độ Tây phương. Mặt khác, tăng cường công đức tu thiền để vãng sinh cõi Tịnh độ. Đó là phương pháp đáng tin cậy nhất.

Ở Trung Quốc, từ sau đời nhà Tống, hai pháp môn Thiền và Tịnh độ đều được song song tiến hành, phương pháp tu thiền và việc cầu sinh sang cõi Tịnh độ đều được xem trọng. Nếu tu thiền đạt được kết quả thì bản thân không cần phải lo lắng "ngộ" hay không "ngộ". Nếu không được như vậy thì có thể lấy pháp tu Tịnh độ làm nơi nương tựa tạm thời.

 

59. ĐỜI NÀY KHÔNG HIỂU ĐẠO THÌ LẠI PHẢI "ĐỘI LÔNG VÀ ĐEO SỪNG", CÓ THẬT NHƯ VẬY KHÔNG?

Đó là một vấn đề tựa như đúng mà cũng không đúng. Hiểu đạo là hiểu đạo nào ? Tại sao lại phải "đội lông và đeo sừng ?". Ở dưới thì có cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh. Bởi vì trên dưới khác nhau, không thể nói một cách đồng đều hai chữ hiểu đạo. Tất nhiên thông thường mà nói, hiểu đạo là muốn chi ra khỏi sống chết, ra khỏi ba cõi, điều đó lại phải thành đạo để tu hành.

Nếu là đạo dễ tu hành thì bất cứ người nào chỉ cần phát nguyện cầu sinh ở cõi Tịnh độ Cực Lạc Tây phương A Di Đà là có thể ra khỏi ba cõi. Đạo khó tu hành, khó thực hiện là đạo Bồ Tát, khó làm mà có thể làm, khó bỏ mà có thể bỏ, khó chịu đựng mà có thể chịu đựng và phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp lớn mới có thể ra khỏi ba cõi, đó là con đường thông thường mà Bồ Tát nói chung trở thành Phật. Chỉ cần có lòng tin vững vàng, tâm nguyện chính xác, mục tiêu cuối cùng không thay đổi thì không cần thiết phải lo lắng sợ hãi, đọa xuống cõi dưới lại càng không cần thiết phải sợ hiện tượng sống chết "đội lông và đeo sừng".

Trong quá trình tu hành, Chư Phật và Bồ Tát thường thích ứng với nhu cầu của chúng sinh mà hiện thành những chân tướng và hình tượng khác nhau. Vì vậy, trong Kinh "Bản Sinh Đàm" có ghi chép Đức Phật Thích Ca khi còn làm Bồ Tát đã từng làm nhiều loại động vật, đã độ nhiều chúng sinh trong nhiều loại động vật. Thiền sư Phổ Nguyện Nam Truyền trong lịch sử thiền tông Trung Quốc cũng nói rằng sau khi chết sẽ đến thôn làng dưới núi để làm con trâu đực. Do vậy, làm một người tu hành chân chính thì chỉ biết nỗ lực tu hành, còn như việc có rời khỏi ba cõi hay không thì nên có thái độ chỉ quan tâm đến cày ruộng, không lưu ý đến thu hoạch.

Người lo sợ "đội lông và đeo sừng" không dám tu hành, những kẻ rêu rao đời này mà không hiểu đạo thì phải "đội lông và đeo sừng" không phải là những Phật tử chân chính, càng không cảm nhận được lòng mong muốn quan tâm của Đại thừa Phật giáo. Quan niệm này làm trở ngại nhiều người xuất gia tu hành, khiến cho nhiều người xuất gia cảm thấy buồn rầu và thất vọng, khiến cho họ trở nên ưu tư, tư lợi nóng vội muốn hiểu đạo, không thể có nguyện vọng làm lợi cho chúng sinh, làm lành mạnh xã hội. Vì vậy, Phật giáo bị người ta cho là tiêu cực, trốn tránh, bi quan. Lúc đầu quan niệm "đời này không hiểu đạo bị "đội lông và đeo sừng" vốn không phải xuất phát từ Phật giáo mà là từ âm mưu phá hoại Tam Bảo. Bởi vì ngay khi Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng không yêu cầu tất cả các tăng chúng xuất gia đều phải lập tức thành đạt, do đó theo con đường bình thường do Đức Phật vạch ra thì không luyến tiếc sống chết và cũng không sợ sống chết. Bọn trái giáo manh tâm phá hoại Phật giáo, bản thân không xuất gia mà xuất gia tu đạo cũng không chứng được đạo lại còn nhận của cúng dàng thì tất nhiên phải làm trâu ngựa để trả nợ.

Cuộc sống của tăng ni xuất gia so với người thường thì thanh đạm hơn, khổ hơn. Họ quan tâm tới tín đồ, chăm lo phục vụ chùa chiền, chỉ hưởng thụ những điều cần thiết, sao lại buộc họ kiếp sau biến thành trâu ngựa để trả nợ ? Ngoài lập trường thù địch tăng ni ra, quan niệm trên đầy thực tế không có căn cứ lý luận vững vàng nào cả. Cho nên có thể nói rằng điều đó là ác độc, như câu nói được lưu truyền là "trước cửa địa ngục đầy rẫy các vị tu hành". Lúc còn tại thế, Đức Phật Thíchh Ca đã đề ra việc Tỳ kheo khất thực, gọi là "hóa duyên", lấy hình tượng khất thực để tiếp xúc với các tín đồ tại gia và cầu nguyện cho họ. Bản thân hình tượng xuất gia có thể để giáo hóa. Chẳng lẽ lại nào bằng công đức đó giống như phương thức dùng sức lao động của mình để mưu cầu điều cần thiết cho mình hay sao ?

Xét về mặt lập trường tôn giáo thì người xuất gia ở chùa không được tiếp xúc với thế tục. Ngày ngày họ không ngừng tiến hành các khóa tụng cầu nguyện cho hạnh phúc của xã hội, nhân loại chúng sinh thế giới, công đức của họ là vô thường. Vì vậy, trong cuốn "Kinh công đức xuất gia" có nói : "Một ngày xuất gia có vô lượng công đức", huống hồ con người đã phát lời nguyện to lớn suốt đời xuất gia ! Do đó xuất gia tu hành là công việc nhiều đời, nhiều kiếp, không phải vì cấp tốc như kiểu khát nước mới đào giếng, không cần thiết phải làm ngay gấp rút trong một đời người.

Nếu đời này không chấm dứt được sống chết thì còn có hai con đường có thể đi :

1) Dùng sức mạnh lời thề nguyện của Di Đà để cầu xin vãng sinh ở Tây phương.

2) Dùng lời nguyện của chính mình để tu hành trong nhiều kiếp. Chỉ cần lòng tin được kiên cố, lời thề nguyện không lơi lỏng thì có thể đảm bảo tiến bước trên con đường tu hành.

Nhưng do lúc ban đầu mới phát tâm, có khi lòng tin không đầy đủ phát nguyện không mạnh mẽ, tu hành không có yếu lĩnh nên cần phải phát nguyện tu hành, hướng tới việc xuất gia. Xuất gia thì những vướng mắc ít hơn so với tại gia, những trở ngại lại càng ít. Song điều đó không bảo đảm được rằng trong cuộc sống tương lai sẽ vĩnh viễn không bị đọa vào ba cõi ác. Nhưng so với người tu tại gia thì khả năng đọa vào ba cõi thì ít hơn.

 

60. “CÓ NHIỀU VỊ TĂNG TRƯỚC CỬA ĐỊA NGỤC”, NÓI NHƯ VẬY CÓ ĐÚNG KHÔNG?

Tư tưởng địa ngục đã có ở Ấn Độ trước khi Thế Tôn Thích Ca ra đời. Còn ở Trung Quốc, trước khi Phật giáo truyền vào cũng đã có quan điểm "Sau khi chết, con người xuống suối vàng". Đạo Cơ Đốc ở phương Tây cũng đề cập đến lúc tận thế, những người không tin đạo Cơ Đốc, đặc biệt là những người không được đạo Cơ Đốc yêu thương phải đọa xuống địa ngục. Như vậy, tư tưởng địa ngục là tín ngưỡng chung của tôn giáo loài người. Nhưng việc miêu tả và quan niệm đối với địa ngục do khu vực, thời đại và bối cảnh văn hóa khác nhau, nên khác nhau. Đó là vì lòng tin của các dân tộc, các tôn giáo không giống nhau, cảnh tượng đối với địa ngục khác nhau. Đối với tôn giáo này, thì người này được công nhận có thể lên thiên đường nhưng đối với tôn giáo khác thì anh ta phải đọa xuống địa ngục.

Địa ngục mà kinh Phật Ấn Độ nói gồm có 8 địa ngục nóng, 8 địa ngục lạnh; mỗi nơi lại có 16 tầng địa ngục. Tám địa ngục lạnh, tám địa ngục nóng là những địa ngục căn bản, mười sáu tầng địa ngục là những địa ngục gần cạnh. Lại có những địa ngục cô độc ở giữa những ngọn núi, dưới cây, trên không. Ngoài ra còn có tên mười tám địa ngục nữa.

Phật giáo mô tả địa ngục trong kinh "Tạp A Hàm" quyển 48 là địa ngục lửa đỏ. Việc mô tả địa ngục một cách tỉ mỉ được thấy trong kinh "Trường A Hàm", quyển 19, trong "Lập thế A tì đàm luận", trong "Tạp A tỳ đàm tâm luận", "Đại tỳ bà sa luận", "Câu xá luận" v.v...

Dân gian Trung Quốc tin rằng sau khi chết phải qua sự xử án của thập điện Diêm Vương, mỗi điện đều có những địa ngục và hình phạt khác nhau. Đó là do kinh Phật ở Ấn Độ lưu truyền nhưng không có căn cứ mà căn cứ vào kinh thập vương được lưu truyền trong dân gian Trung Quốc. Nghe nói đó là do Tạng Xuyên ở chùa Đại Thánh từ ở thành đô truyền ra. Đạo giáo cũng nói đến 10 điện và 138 địa ngục.

Nguồn gốc của những loại tín ngưỡng đó là không ngoài những điều mà người ta cảm thấy khi nằm mộng khi bói toán, giáng linh, khi những người chết sống lại nói ra. Cái tên Diêm Vương bắt nguồn từ "Lê Câu Vệ Đà" của Ấn Độ thời kỳ đầu. Còn quan niệm về 10 điện (thập điện) là do tín ngưỡng của người Trung Quốc sau này có liên quan đến trật tự tư pháp của thời đại quân chủ, đến chức trách của các Ty trưởng, các cấp tòa án. Có tòa án Diêm Vương 10 điện thì cũng như có viên trí huyện, tri phủ, thượng thư, thậm chí ông vua tham gia xét hỏi. Còn cảnh tượng địa ngục thì cũng tùy hoàn cảnh từng người mà hình dung khác nhau. Theo người Trung Quốc xa xưa thì trong địa ngục không có người da đen Châu Phi và người da trắng Âu Mỹ. Do thời điểm, phong tục nên quan điểm về địa ngục cũng khác nhau. Đức Phật nói : "Vạn pháp duy thức, tam giới duy tâm". Trong nội tâm của chúng sinh thì địa ngục là có thực, nhưng không phải là tất cả đều giống nhau, không thể phủ nhận sự tồn tại của địa ngục. Nhưng không thể được câu nệ, chấp trước với truyền thuyết của các loại địa ngục.

Trong kinh Phật có dẫn chứng các loại thí dụ về việc đọa xuống địa ngục. Kinh Phật chỉ rõ "phạm 5 tội sau đây thì bị đọa xuống địa ngục : giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm chảy máu thân thể của Đức Phật, phá hòa hợp của chúng tăng". Tỉ dụ như người em họ của Phật là Đề-bà-đạt-đa cùng đồng bọn bị đọa xuống địa ngục dần dần khiến người ta có quan niệm rằng hễ có lỗi lầm dù nặng hay nhẹ đều bị sa đọa địa ngục. Còn về lỗi lầm phạm giới, phá giới của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni thì chỉ có một số lỗi lầm hết sức quan trọng không thể ăn năn hối lỗi mới xuống địa ngục. Không thể ăn năn hối lỗi tức là phạm vào giới xúc phạm đến thân thể mà bị đuổi ra khỏi tăng đoàn và bị nhà nước xử tử hình. Ăn năn hối lỗi tức là sám hối đối với nhiều người, với một số người, đối với một người mà sám hối là tinh thần trách nhiệm, lương tâm của bản thân mình. Trong luận của tăng ni cũng nói, phạm tội thì phải sám hối, sám hối thì an lạc. Lại nói : "Có giới mà có thể phá giới là Bồ Tát, không có giới mà phạm giới là Ngoại đạo". Tất cả đều không khẳng định quan niệm hễ phá giới là phải xuống địa ngục.

Tội lỗi lại phân thành giới tội và tính tội. Tính tội là bản thân tạo nên hành vi tội ác, là có tội dù là thọ giới hay không thọ giới. Hễ phạm tội là phải chịu tội. Giới tội là sau khi thọ giới thì tăng cường giữ giới, lập công đức. Nếu phạm giới thì phải chịu giới tội ngoài tính tội ra. Giới tội là chỉ việc giữ giới có công đức, hễ phạm giới là chịu tội báo. Giữ giới là đối với tất cả chúng sinh nên công đức là vô lượng. Phạm giới là đối với một số ít chúng sinh, cho nên tội phá giới tuy lớn nhưng không lớn hơn công đức giữ giới.

Thọ giới có công năng ràng buộc, hối lỗi có công năng rửa sạch cái tâm của mình. Tội thì có tội nặng, tội nhẹ. Người phạm vào giới tội và tính tội quá nặng thì đọa xuống địa ngục. Tuy chỉ có nội bộ Kinh "Mục Liên vấn kinh" mới xuất bản sau này có nhấn mạnh mọi việc đều có thể sa vào địa ngục, đó là điều trong kinh A Hàm trước đây và trong luật chưa bao giờ thấy, nếu không thì dễ làm cho người ta hiểu lầm. Không tin Phật, không học Phật còn không bị đọa xuống địa ngục thế mà tin Phật, học Phật lại dễ dàng xuống địa ngục thì ai dám tin Phật, học Phật, tu hành nữa.

Câu nói : "Có nhiều vị tăng trước cửa địa ngục" không phải câu của Phật giáo cũng không phải của Đạo giáo mà tự nơi miệng của bọn ông đồng, bà cốt, linh môi của một số trai giáo sau ra đời nhà Minh truyền ra. Những môn đồ trai giáo đều là người tại gia. Bọn họ cắt xén một vài danh từ và quan niệm của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo hình thành nên tín ngưỡng dân gian như tôn giáo Tân Hưng và Kết Xã bí mật. Do họ thuộc về tổ chức tôn giáo tại gia, do sự bài bác các tôn giáo khác và để tiếp nhận những quyền lợi của các tín đồ, nên họ không thể không có thái độ thù hằn đối địch với các chư tăng và đạo sĩ xuất gia. Họ tung ra khẩu hiệu "Người theo đạo rơi vào nhà lửa", cổ vũ khuyến khích người phàm tục tu hành thì dễ dàng đắc đạo lên trời, bịa đặt ra những khó khăn, những điều mờ ám thối nát của người xuất gia tu hành, tung ra quan niệm nhiều chư tăng phải đọa địa ngục. Bọn họ rỉ tai, truyền miệng "trước cửa địa ngục có nhiều vị tăng" để bôi nhọ hình tượng người tu hành và cũng để dọa dẫm người ưu tú xuất gia tu hành. Câu nói đó không phải từ kinh Phật mà ra nên không cần phải lưu tâm làm gì, chẳng qua đó chỉ là chuyện bịa đặt của những tín đồ trai giáo nhằm làm ô nhục hai tôn giáo Phật giáo và Đạo giáo.

Đời Dân Quốc năm thứ 9, ở huyện Nhĩ Nguyên Tây Biên Côn Minh, Vân Nam, có mấy người theo trai giáo đã xuất bản cuốn "Đổng Minh bảo ký" trong đó họ đã cực lực chỉ trích các chư tăng không tuân thủ các quy định, bịa đặt ra chuyện Hòa thượng rơi xuống địa ngục chịu hình phạt. Câu chuyện này cũng có trong cuốn "Thiện Đạo điếu trầm" của Tống Quan Vũ ở viện nghiên cứu trung ương. Họ Tống tuy chưa thừa nhận mình là tín đồ của Nhất quán đạo nhưng trong cuốn sách đó, hễ nơi nào đụng đến Phật giáo, đến hòa thượng là có thái độ công kích, chửi bới rất cay nghiệt, phủ định giá trị đạo đức của người xuất gia tu hành.

Nên biết rằng, hễ có người là có tệ nạn, trong chư tăng, khó mà không có những người phá giới, phạm giới. Đức Phật Thích Ca đề ra giới luật là để đề phong phạm giớí luật, xử phạt, xử lý.

Các nhà Nho giáo đã nói "Con người không phải là thánh hiền, ai lại không có khuyết điểm, không có lỗi lầm". Người phàm phu xuất gia trong giai đoạn tu học trước khi thành bậc thánh hiền, do không thanh tịnh nên phải giữ giới, thọ giới, đó là khởi điểm của việc tu hành, ngã xuống thì bò dậy, phạm giới thì sám hối. Đó là việc thường tình. Các tín đồ trai giáo không chịu sự ràng buộc của giới xuất gia lại còn phỉ báng người xuất gia giữ giới không nghiêm, thổi phòng tội ác phạm giới của người xuất gia, dã tâm của họ thật là rõ ràng.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 370
    • Số lượt truy cập : 6947145