Học

Phật học tinh yếu - Chương 3 (Thiên thứ hai)

PHẬT HỌC TINH YẾU

Hòa thượng THÍCH THIỀN TÂM

(Trọn bộ 3 thiên)

 

THIÊN THỨ HAI

Chương 3: Thế giới quan của đạo Phật

Tiết mục:

I. Tiểu-thế-giới

II. Ba luân bao bọc

III. Chín núi tám biển

IV. Bốn đại-bộ-châu

V. Địa-ngục

VI. Thiên-xứ ở núi Tu-Di

VII. Không-cư-thiên

(Kinh sách tham khảo: Luận Lập-Thế-A-Tỳ-Đàm, Luận Câu-Xá, Kinh Bồ-Tát-Tạng, Kinh Tăng-Nhất-A-Hàm, Kinh Trường-A-Hàm, Kinh Khởi-Thế-Nhân-Bản, Kinh Nghiệp-Báo-Sai-Biệt, Luận Thuận-Chánh-Lý, Kinh Tỳ-Gia-Tiên-Nhơn, Truyện Thiên-Nhơn-Cảm-Thông.)

Đề yếu: Kinh Hoa-Nghiêm nói: “Tâm như người họa khéo. Vẽ vời cảnh thế gian” (Tâm như công họa sư. Thiên họa chư thế gian). Tất cả chánh-báo y-báo khổ vui xấu đẹp, đều do tâm chúng-sanh huyễn hiện. Chúng-sanh đã có vô lượng nghiệp thiện ác, tất y-báo chánh-báo cũng tùy đó có vô lượng sai biệt. Vì thế, nói theo Tục-đế, các cõi khổ vui đều có thật.

Thuở xưa, trong khi thuyết pháp Đức Phật có nói đến ba cõi sáu đường cùng các thế giới tịnh uế. Về tam giới lục đạo, vì mục đích để chỉ cho đồ chúng biết những nhân-quả thiện ác, Đức Phật duy nói khái lược những điểm chánh yếu không phân tích tỉ mỉ như các nhà khoa học hiện nay. Vì vậy dù dày công khảo cứu kinh Phật, cũng khó mà biết một cách tinh vi về sự an lập và vận chuyển của các thế giới. Bản tánh người Ðông-phương phần nhiều thích đi sâu về huyền lý, không quan thiết lắm với thời gian, không gian. Còn người Tây-phương thì lịch sử, địa dư, nhất nhất đều phải rành rẽ. Tuy nhiên, người học Phật không thể không biết qua thế-giới-quan của đạo Phật, dù rằng biết một cách sơ lược.

Vì mục đích trên, trong bản chương, bút giả cố gắng sưu khảo các Kinh-luận, để lược trình về điểm nầy.

Tiết I: Tiểu thế giới

1. Chủ thuyết: Giữa thời khoa học, nói đến thế-giới-quan của đạo Phật, các học giả Phật-giáo không khỏi sanh quan niệm hoài nghi, vì trong vấn đề nầy, Phật-giáo và khoa học có đôi điểm sai khác. Có kẻ đã ngờ rằng: hoặc giả Ðức Thích-Ca muốn thỏa mãn lòng ước vọng của môn đồ, hay muốn tránh lỗi “thế gian tương vi” theo Nhân-minh-học, nên mới đem cổ thuyết về thế-giới-quan của Bà-La-Môn giáo làm của Phật-giáo. Nhưng theo sự nghiên cứu và so sánh gần đây của Diễn-Bồi pháp sư trong quyển Tiểu-Thừa-Phật-Giáo-Tư-Tưởng-Luận, thì thế-giới-quan của Bà-La-Môn-giáo cho đến Kỳ-Na-giáo, đều khác xa với Phật-giáo. Thế thì ức thuyết trên hoàn toàn không đúng.

Riêng Mộc-Thôn-Thái-Hiền, một học giả Nhật-Bản lại bảo: “Thỉ chung Đức Phật vẫn từ chối nói về thế-giới-quan, vì vấn đề ấy không cấp thiết, con người phải nghĩ ngay đến nỗi khổ thân tâm hiện tại mà sớm tìm cách đoạn trừ. Vậy thế-giới-quan trong kinh A-Hàm, có lẽ do người sau đặt ra, để làm thỏa mãn một tin tưởng thần thoại hay lòng hiếu kỳ nào đó của người học Phật”. Theo bút giả, luận thuyết nầy không khỏi có tánh cách hàm hồ, bởi hai lẽ:

a). Thế-giới-quan của đạo Phật không phải chỉ có nói trong kinh A-Hàm, mà rất nhiều Kinh-luận Đại, Tiểu-thừa đều đề cập đến.

b). Đoạn thuyết pháp mà Mộc-Thôn-Thái-Hiền ám chỉ, là Đức Phật muốn ngăn quan niệm vẩn vơ của một vị tỳ-khưu trước kia nguyên gốc người ở phái Anatanantika, chuyên thảo luận về thế-giới hữu hạn hay vô hạn, hữu biên hay vô biên. Vậy không nên đem câu chuyện tùy cơ giáo hóa riêng cho một cá nhơn, mà gán ép rằng: đó là ý tưởng chung, không xê dịch, trong một đời thuyết pháp của Phật.

Theo bút giả, khi xét về vấn đề thế-giới-quan của Phật-giáo, ta nên thận trọng trong ba điểm:

a. Chớ một mặt theo lòng tin tưởng của mình: Đức tin cố nhiên là điều rất tốt cho người học đạo, nhưng lòng tin luôn luôn phải dung hòa với lý trí. Nếu nghe đâu tin đó, tất dễ bị lạc lầm. Điểm nầy chính Đức Phật cũng có đem khuyên răn các đệ-tử.

b. Đừng quá chấp nê theo lý trí: Lý trí là một hướng dẫn tinh thần tốt trên đường đời cũng như đường đạo. Nhưng ta chớ quên rằng lý trí con người vẫn ở trong phạm vi hữu hạn, theo sự thấy biết hay dự đoán của giác quan. Một thí dụ gồm cả chứng minh hiện thật: Như khi xưa vua Tự-Đức và triều thần, vì chưa tiếp xúc với nền văn minh Âu-Tây, nên khi nghe cụ Phan-Thanh-Giản đi Pháp về, nói có thứ đèn không đốt mà cháy, xe thuyền không có ngựa kéo, người bơi, hoặc trương buồm mà vẫn chạy được; ai nấy đều cho là vô lý, là đi xa về kiếm chuyện nói dối. Cho đến cụ Nguyễn-Tri-Phương là một bạn đồng liêu thân nhất của cụ Phan, cũng một mực lắc đầu không tin. Thế thì nếu căn cứ nơi lý trí của mấy vị ấy, đèn điện, xe hơi, tàu thủy không có hay sao?

Còn một điều không đáng tin nơi giác quan của chúng-sanh, mà Đức Phật gọi đó là “Biệt-nghiệp-vọng-kiến”. Thí dụ: người bị bịnh nóng sảng sốt, nhìn lên mái nhà thấy mấy cây đòn tay tưởng là những con rắn lăng quăng; biệt-nghiệp-vọng-kiến của chúng-sanh cũng như thế, loài người thấy chất ở dưới sông là nước, các thủy tộc thấy đó là nhà cửa, chư thiên nhìn ra là lưu ly, Ngạ-quỷ thấy là một vùng máu lửa. Có được sự thấy xác đáng nhất, âu chỉ là chư Phật. Kinh Pháp-Hoa nói: “Bất như tam giới kiến ư tam giới chi tướng, Như-Lai tri kiến vô hữu thác mậu”. Câu nầy có nghĩa: “Cái thấy tam giới của Như-Lai; không phải lầm lạc như cái thấy tam giới của chúng-sanh”. Dẫn ra lời nầy dường như hơi xa vấn đề, nhưng để cho chúng ta đừng vội tự hào rằng lý trí của mình luôn luôn là đúng, và đừng đem tâm hiểu biết của phàm-phu mà trắc lượng, phê bình sự hiểu biết của hiền-thánh. Cho nên trong kinh có đoạn Phật bảo: “Phải suy xét kỹ, đừng vội tin một lời gì, dù người ta bảo đó là lời của Như-Lai nói”. Nhưng cũng có đoạn Phật bảo: “Phải tin nơi lời thành thật chắc chắn của Như-Lai, vì cảnh giới nầy không phải là sức các ngươi có thể hiểu biết được”. Ta nên suy gẫm lại điểm ấy.

c. Không nên cực đoan y cứ theo khoa học: Xin lập lại, đây không phải ý nghĩa phủ nhận khoa học, mà là một cảnh giác nhắc ta nên dè dặt, đừng chấp nhận khoa học theo lối cực đoan. Vì dù sao, khoa học vẫn còn ở trên con đường suy luận, chưa đi đến chỗ kết luận. Đã có vài nhận định, trong thời gian quá khứ khoa học cho là đúng, nhưng trong hiện tại nó đã thành sai. Theo đó suy ra, việc nầy là xác thật ở hiện kim, biết đâu tương lai nó lại chẳng có thể hóa nên lầm lạc? Như trước kia người kia bảo trái đất vuông, bây giờ nó chẳng phải vuông mà là tròn, có thể mai sau nó sẽ thành hình méo. Hoặc như mặt trời người ta vẫn cho là định tinh, nhưng gần đây một vài nhà khoa học lại bảo rằng nhật cầu có sự xê dịch. Sở dĩ bút giả nêu lên điểm nầy, vì nhận thấy trước trào lưu văn minh mới đa số người Ðông-phương cho cái gì của Tây-phương cũng là hay mà quên cái hay cố hữu của mình, cái gì của khoa học cũng là đúng, mà không xét kỹ xem nó có phải thật đúng hay không? Do đó, mới ghi ra đây một cảnh giác dè dặt như thế thôi.

Dung hội ba điểm trên để xét qua vấn đề thế-giới-quan của Phật-giáo, ta có thể ước lượng như sau: có lẽ một ít chi tiết về thế-giới-quan của Phật-giáo là sai lạc, chẳng hạn như trong một việc mà các Kinh-luận nói khác nhau, nhưng phần chánh yếu như các cõi trời, tứ-đại-bộ-châu, địa-ngục, thì quyết nhiên có thật vì các kinh lập luận tương đồng. Thí dụ như Hương-thủy-hải là có, nhưng kinh Khởi-Thế-Nhân-Bản nói biển Hương-thủy ngoài núi Tu-Di bề ngang rộng 84.000 do-tuần. Luận Câu-Xá nói rộng 80.000 do-tuần. Hoặc như tứ-đại-bộ-châu có thể là bốn quả địa cầu như nhật cầu, nguyệt cầu chẳng hạn, nhưng có lẽ vì muốn giản dị hóa cho người thời bấy giờ dễ hiểu, hay vì lý do khoa học thuở xưa chưa được tinh minh, nên người ghi chép diễn tả một hòn đảo. Phần chi tiết có lẽ sai là thế, còn phần chánh yếu thỉ chung vẫn là đúng. Sự đúng nầy căn cứ nơi trí-lượng, hiện-thật-lượng và thánh-ngôn-lượng mà quyết đoán, tuyệt không phải lời nói mơ hồ. Dù sao, bản ý của bút giả chẳng qua chỉ muốn ghi lại nơi đây một khái niệm về thế-giới-quan của Phật-giáo vậy. Vì phạm vi của bài có hạn, cũng để khỏi đi xa vấn đề xin miễn giải thích về ba lượng đã nói, mong gặp lại một dịp khác. Kế đây, xin tiếp nói lược qua về tiểu-thế-giới.

2. Khái luận: Theo học thuyết cổ Bà-La-Môn-giáo, đại khái thế gian chia làm ba cõi là: Địa-giới, Không-giới và Thiên-giới. Trong Phật-giáo cũng có nói đến ba cõi nhưng khác hơn, ấy là Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới. Bà-La-Môn-giáo cho rằng thế-giới nầy do Phạm-Thiên tạo thành, từ lúc khởi nguyên cho đến khi diệt tận đều do thần quyền làm chủ. Trái lại Phật-giáo không quan niệm như thế. Theo thế-giới-quan đạo Phật, thì các cõi từ sự thành lập, biến diệt đến tướng khổ vui, xấu đẹp, đều do nhân duyên, nghiệp lực của chúng-sanh.

Lập trường của A-Tỳ-Đạt-Ma, Phật-giáo nhìn ba cõi trên phương diện vật lý. Vì thế, trong vấn đề hiện-tượng-luận của thế-giới, học thuyết nầy không đề cập đến cõi Vô-sắc, bởi cõi ấy hoàn toàn thoát ly mọi quan hệ về vật chất. Được nói đến trong Thế-Giới-Hiện-Tượng-Luận, chỉ có Dục-giới và Sắc-giới. Trong một Tiểu-thế-giới, núi Tu-Di là trung tâm điểm. Về trực độ, trên từ trời Tha-Hóa-Tự-Tại cho đến phong-luân. Về hoành-độ thì có cõi Lục-Dục, chín lớp núi, tám lớp biển, mặt trời mặt trăng, bốn đại-châu và địa-ngục. Quả đất của chúng ta đang ở chỉ là một châu trong bốn châu của Tiểu-thế-giới mà thôi.

Tiết II: Ba luân bao bọc

Tiểu-thế-giới được ba lớp bao bọc. Lớp nhất ở trong gọi là Kim-luân (lớp cứng chắc), bề thâm hậu 3 lạc-xoa 20000 du-thiện-na, bề rộng 12 lạc-xoa 3.450 du-thiện-na. (Mỗi lạc-xoa là một ức, số ức thời xưa có bốn bậc: 100.000, 1.000.000, 10.000.000, 100.000.000 du-thiện-na (yojana) tức do-tuần, do-tuần cũng có ba bậc: 16 dặm, 30 dặm, 60 dặm). Ngoài Kim-luân, có lớp thứ hai gọi là Thủy-luân, bề thâm hậu 8 lạc-xoa du-thiện-na, bề rộng cũng 12 lạc-xoa 3.450 du-thiện-na. (Thủy luân khi còn là hơi nước, chưa bị gió thổi đọng lại, bề thâm hậu đến 11 lạc-xoa 20.000 du-thiện-na). Do nghiệp lực của chúng-sanh, nước không tan rã như thức ăn, khi chưa tiêu không sa vào thục tạng. Ngoài Thủy-luân, có lớp thứ ba là Phong-luân, bề thâm hậu 16 lạc-xoa du-thiện-na, bề rộng có vô số du-thiện-na. Ngoài Phong-luân lại có hư không rộng rãi vô biên tế. Kim-luân an trụ nơi Thủy-luân, Thủy-luân an trụ nơi Phong-luân, Phong-luân an trụ nơi hư không. (Trích luận Câu-Xá, theo các Kinh-luận khác như Trường-A-Hàm-Kinh, Khởi-Thế-Kinh, Khởi-Thế-Nhân-Bản-Kinh, Lâu-Thán-Kinh, Lập-Thế-A-Tỳ-Đàm-Luận, thì có chỗ lại thêm vào Địa-luân, về bề thâm hậu cùng bề rộng của mỗi luân có đôi chút sai khác).

Tiết III: Chín núi tám biển

Một Tiểu-thế-giới có một núi Tu-Di làm trung tâm điểm; đó là lớp núi thứ nhất. Núi Tu-Di (Sumeru - Diệu-Cao-Sơn) an trụ nơi Kim-luân, hình thể trên dưới rộng ra, khoảng giữa eo lại, bề cao từ mặt nước trở lên 80.000 do-tuần (có chỗ nói 84.000 do-tuần). Ngoài núi Tu-Di có một vòng biển nước thơm gọi là Hương-thủy-hải, chiều ngang cũng rộng 80000 do-tuần. Kế biển nầy đến lớp núi thứ hai là Trì-Song-Sơn (Du-Kiện-Đạt-La - Sudassana), bề cao từ mặt nước trở lên 40.000 do-tuần, ngoài có một vòng Hương-thủy-hải bao bọc, chiều ngang rộng 40.000 do-tuần. Kế biển nầy đến lớp núi thứ ba là Trì-Trục-Sơn (Y-Sa-Đà-La - Isadhara) bề cao từ mặt nước trở lên 40.000 do-tuần, ngoài có một vòng Hương-thủy-hải bao bọc, chiều ngang cũng rộng 20.000 do-tuần. Kế biển nầy đến lớp núi thứ tư là Chiêm-Mộc-Sơn (Khê-Địa-Lạc-Ca - Nemindhara), bề cao từ mặt nước trở lên 10.000 do-tuần, ngoài có một vòng Hương-thủy-hải bao bọc, chiều ngang cũng rộng 10.000 do-tuần. Kế biển nầy đến lớp núi thứ năm là Thiện-Kiến-Sơn (Tô-Đạt-Lê-Xá-Na - Assakanna), bề cao từ mặt nước trở lên 5.000 do-tuần, ngoài có một vòng Hương-thủy-hải bao bọc, chiều ngang cũng rộng 5.000 do-tuần. Kế biển nầy đến lớp núi thứ sáu là Mã-Nhĩ-Sơn (Ngạch-Phạ-Yết-Noa - Karavika), bề cao từ mặt nước trở lên 2.500 do-tuần, ngoài có một vòng Hương-thủy-hải bao bọc, chiều ngang cũng rộng.

Như thế có tất cả chín lớp núi, tám lớp biển. Núi Tu-Di do bốn chất báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Bảy lớp núi kế gọi là Thất-Kim-Sơn, đều do chất vàng tạo thành. Núi Thiết-Vi do chất sắt tạo thành. Tu-Di-Sơn là chỗ chư thiên, chư thần ở. Thất-Kim-Sơn là chỗ chư thiên thần và ngũ-thông-tiên-nhơn ở. Thiết-Vi-Sơn là chỗ của chúng Ngạ-quỷ, Địa-ngục ở. Chín lớp núi đều an trụ trên Kim-luân và chiều sâu từ mặt nước trở xuống đều 80000 do-tuần, chu vi của mỗi núi bằng bề cao từ mặt nước trở lên. Tám lớp biển đều sâu 80000 do-tuần. Bảy biển trước gọi là nội hải, dẫy đầy nước Bát-công-đức ngọt thơm; một biển sau gọi là ngoại hải, thuộc về vùng nước mặn. Thế nào là Bát-công-đức-thủy của Hương-hải? Ấy là thứ nước có tám đặc tánh: ngon ngọt, mát mẻ, trong sạch, nhu nhuyễn, nhẹ nhàng, trơn nhuần, thơm tho không mùi hôi, uống vào trừ đói khát và bịnh hoạn, uống vào có thể trưởng dưỡng các căn (theo các Kinh-luận khác, chiều rộng của mỗi biển, và chiều sâu của mỗi núi từ mặt biển trở xuống có hơi sai biệt).

Tiết IV: Bốn đại bộ châu

Bốn đại-bộ-châu vị trí ở vào vùng biển thứ tám là Đại-Hàm-Thủy-hải.

Phía nam núi Tu-Di là phương vị của Nam-Thiệm-Bộ-Châu. Châu nầy cũng có tên là Diêm-Phù-Đề (Jambudvika), vì ở phương bắc của bản châu có thứ cây Diêm-phù, dưới cây ấy có chất vàng rất quí tên là Diêm-phù-na-đàn (Thắng-kim). Hình thế châu Nam-Thiệm-Bộ phương bắc rộng, phương nam hẹp, chu vi độ 7000 du-thiện-na, xung quanh có hai trung-châu và nhiều tiểu-châu.

Phía đông núi Tu-Di là Đông-Thắng-Thần-Châu. Châu nầy tiếng Phạm gọi là Tỳ-Đề-Ha hay Phất-Bà-Đề (Pùrvavidela - Thắng-Thần). Châu Thắng-Thần hình bán nguyệt, phương đông hẹp, phương tây rộng, chu vi độ 9000 du-thiện-na, xung quanh có hai trung-châu và nhiều tiểu-châu.

Phía tây núi Tu-Di là châu Cù-Đà-Ni (Aparagodàniya), cũng gọi là Ngưu-Hóa-Châu. Nhân dân ở châu nầy dùng trâu, bò, ngựa, châu báu, để mua bán, đổi chác vật dụng cho nhau, nên do đó mà được mệnh danh (Ngưu-Hóa). Lập-Thế-Luận thì cho rằng ở châu nầy có một quả núi rất to, hình giống như con trâu, vì thế nên được gọi là Cù-Đà-Ni. Tây-Ngưu-Hóa-Châu địa hình như mặt trăng tròn, chu vi độ 8000 du-thiện-na, xung quanh có hai trung-châu và nhiều tiểu-châu.

Phía bắc núi Tu-Di là Bắc-Câu-Lư-Châu, cũng gọi là Uất-Đan-Việt (Uttara - Kuru - Tối-Thắng). Cảnh sắc và nhơn vật ở châu nầy đều hơn ba châu kia. Về y-báo thì tại bản châu non sông tú lệ, cây cỏ thanh u, nhiều hồ ao trong mát, hoa quả đủ màu sắc tốt tươi. Các loài chim như bạch nga, hồng, nhạn, oan ương kêu hót giao hòa khắp nơi. Khí hậu quanh năm mát mẻ trong lành; không có gai góc cùng loài ruồi, muỗi, độc trùng; các thứ gạo thơm tự nhiên sanh ra, đầy đủ vị ngon. Về chánh-báo thì loài người ở đây toàn là giống da trắng, khỏe mạnh sống lâu, thân hình cao lớn xinh đẹp. Khi muốn ăn, họ lấy gạo thơm để trong bảo khí, phía dưới đặt hạt châu Diệm-Quang-Ma-Ni, trong giây phút ánh sáng hạt châu tắt là gạo đã chín. Lúc muốn cần dùng y phục, vật dụng, họ đến cây Hương-thọ hái trái chín, trái nầy tự nứt ra, trong ấy có đủ y phục tốt đẹp, hoặc đồ dùng, hoặc thức ăn. Muốn nghỉ mát, họ đến dưới cây Khúc-cung, cây nầy cành lá dày nhặt xanh tươi, nắng mưa không lọt, có thể nằm ngủ ở dưới mà không lo ngại. Muốn dạo chơi, họ xuống bảo thuyền bơi nhẹ theo sông hồ, đề huề đàn sáo, khúc ca tiếng nhạc hòa điệu lẫn nhau, âm thanh du dương trong trẻo nhiệm mầu. Khi vầy đoàn tắm gội, họ xếp y phục để trên mé hồ, ai lên trước cứ gặp cái nào mặc ngay cái ấy, không cần tìm chọn đồ của mình, mặc xong cũng hóa vừa vặn xinh đẹp như y phục cũ. Người ở Bắc-Câu-Lư-Châu hình mạo đều đồng, không có tật bịnh, tóc chỉ rủ xuống tới chân mày, màu xanh biếc. Lúc nghĩ đến sự dục lạc, người nam chăm chú nhìn người nữ; nếu bên nữ đồng ý, thì đem nhau đến vườn cây. Như nữ nhơn với nam nhơn vốn là người thân thuộc thì cây Khúc-cung không phủ xuống, mỗi bên tự tản đi. Nếu không phải người trong thân, tự nhiên cây phủ xuống chụp úp kín đáo, hai bên tùy ý ân ái từ một ngày đến bảy ngày rồi phân tán. Người nữ mang thai độ bảy tám ngày liền sanh. Lúc sanh ra, dù là trai hay gái, cũng đem để ở ngã tư đường; mỗi người đi qua đều đến đưa ngón tay vào miệng đứa bé, từ trong ngón tay tuôn ra chất sữa ngọt, hài nhi được no đủ. Như thế đến ngày thứ bảy, đứa bé cao lớn như thường nhơn, con trai thì đi theo đoàn người nam, con gái đi theo đoàn người nữ. Đất ở châu nầy nhu nhuyễn, dân chúng khi đi, chân đạp đến đâu đất nơi ấy tự êm dịu bằng phẳng. Lúc người đại tiểu tiện, đất tự nứt ra, khi xong rồi, cũng tự khép lại. Nhơn dân ở châu Uất-Đan-Việt thọ lượng đều đúng 1.000 tuổi, nên khi chết không ai khóc lóc tang điếu. Kẻ chết được đồng bọn gói gắm kỹ, đem để nơi đường vắng. Liền đó có loại chim to lớn tên là Ưu-Uất-Thiền-Già gắp thây đem đi xa bỏ nơi khác. Chúng-sanh ở nơi đây sở dĩ được phước báo như thế, là do vì đời trước có tu Thập-thiện nghiệp.

Châu Bắc-Câu-Lư hình vuông, chu vi độ 10.000 do-tuần, xung quanh có hai trung-châu và nhiều tiểu-châu.

Các Kinh-luận đều nói, hình dáng của châu nào ra sao, thì khuôn mặt của dân chúng châu đó cũng như thế ấy. Như người ở Nam-Thiệm-Bộ-Châu, khuôn mặt phần nhiều trên lớn dưới nhỏ. Người ở Đông-Thắng-Thần-Châu khuôn mặt tương tợ hình bán nguyệt. Người ở Tây-Ngưu-Hóa-Châu khuôn mặt như trăng tròn. Người ở Bắc-Câu-Lư-Châu khuôn mặt hơi vuông.

Tiết V: Địa ngục

Lập thuyết Địa-ngục của Phật-giáo, từ tư tưởng sơ kỳ đến tư tưởng chung cuộc được trình bày qua các Kinh-luận như: Kinh Tăng-Nhất-A-Hàm, Kinh Trung-A-Hàm (Ba-ly), Kinh Bản-Sanh, Kinh Trường-A-Hàm, Luận Lập-Thế-A-Tỳ-Đàm, Luận Thế-Gian-Thi-Thiết, Luận Câu-Xá, Luận Du-Già-Sư-Địa.

Xứ sở và số lượng của Địa-ngục, tiết Thất-thú nơi chương một của bản thiên đã có nói lược qua. Về vấn đề ngục-tốt, các luận-sư của Đại-Chúng-bộ, Chánh-Lượng-bộ cho là thuộc về loại hữu-tình, nhưng bên Hữu-bộ và Kinh-Lượng-bộ lại chỉ định là đại chủng biến hình của nghiệp ác. Duy-Thức-Nhị-Thập-Tụng-Thuật-Ký của Đại-thừa cũng đồng ý với lập luận sau. Đến như thuyết Diêm-Ma-Pháp-Vương thì kinh Trường-A-Hàm và luận Lập-Thế-A-Tỳ-Đàm đều quy thuộc về Quỷ-thần loại, có phận sự răn trách xử phạt tội nhơn.

Trở lại vấn đề Địa-ngục, xin y theo Câu-Xá-Luận, lược thuật hai chủng loại hàn, nhiệt của Nại-lạc-ca. Về nhiệt ngục từ khinh đến trọng có tám thứ: 1. Đẳng-Hoạt (Cánh-hoạt). 2. Hắc-Thằng. 3. Chúng-Hiệp. 4. Hiều-Kiếu (Kiếu-Hoán). 5. Đại-Hiều-Kiếu (Đại-Kiếu-Hoán). 6. Viêm-Nhiệt. 7. Cực-Nhiệt. 8. Vô-Gián.

Hàn-ngục cũng có tám thứ khinh trọng: 1. Án-Phù-Đà (Nhục-Đoạn). 2. Ni-Lại-Phù-Đà (Bào-Đống). 3. A-Tra-Tra (Ha-Ha). 4. A-Ba-Ba (Nại-Hà). 5. Ấu-Hầu-Hầu (Dương-Minh). 6. Ưu-Bát-La (Thanh-Liên). 7. Ba-Đầu-Ma (Xích-Liên). 8. Phân-Đà-Lợi (Bạch-Liên).

Mỗi ngục trên đây đều có 16 ngục phụ, như thế kể cả bản ngục và phụ ngục của hai loại hàn nhiệt, tất cả có 272 ngục. Ngoài phụ ngục còn có nhiều tiểu ngục, ngoài tiểu ngục lại có vô số biên ngục. Đại khái, chúng-sanh nào tạo thập-ác thuộc về phẩm thượng thượng, sẽ bị đọa vào chánh ngục; chúng-sanh nào tạo thập-ác thuộc về phẩm thượng trung, sẽ bị đọa vào phụ ngục; chúng-sanh nào tạo thập-ác thuộc về phẩm thượng hạ, sẽ bị đọa vào tiểu ngục, biên ngục. Các ngục sở do đồng, sắt hoặc đá tạo thành, những hình cụ trong ấy nhiều đến vô lượng. Tất cả đều bởi nghiệp ác của chúng-sanh mà huyễn hiện.

Tiết VI: Thiên xứ ở núi Tu Di

1. Tứ-vương và tùy thuộc: Như trên đã nói, núi Tu-Di bề cao từ mặt nước trở lên được 80.000 do-tuần, hình thế khoảng giữa eo lại, trên dưới rộng ra. Chu vi của hai đầu trên dưới đều 80.000 do-tuần. Từ mặt nước lên đến giữa núi Tu-Di có bốn tầng cấp, mỗi tầng cấp cách nhau 10.000 do-tuần. Tầng cấp thứ nhất bao vòng quanh núi, de rộng ra ngoài 16.000 do-tuần. Đây là chỗ ở của thần Kiên-Thủ. Tầng cấp thứ hai bao vòng quanh núi, de rộng ra ngoài 8.000 do-tuần. Đây là chỗ ở của thần Trì-Hoa-Man. Tầng cấp thứ ba bao vòng quanh núi, de rộng ra ngoài 4.000 do-tuần. Đây là chỗ ở của thần Thường-Phóng-Dật (Hằng-Kiều-Dược-Xoa). Ba xứ sở nầy là nơi ở các thần dưới quyền thống lãnh của Tứ-Thiên-Vương. Tầng cấp thứ tư bao vòng quanh núi, de rộng ra ngoài 2.000 do-tuần. Đây là trụ xứ của bốn vị thiên-vương, gọi là Tứ-Thiên-Vương (Càturmahàràjakàyika).

Tứ-Thiên-Vương thống lãnh chư thần ủng hộ bốn đại-bộ-châu. Phương đông, giữa chừng núi Tu-Di, là chỗ ở của Đề-Đầu-Lại-Tra thiên-vương (Trì-Quốc thiên-vương) và chư thiên tùy thuộc. Đề-Đầu-Lại-Tra thiên-vương thống lãnh các Quỷ-thần Càn-Thát-Bà và Tỳ-Xá-Xà, ủng hộ Đông-Thắng-Thần-Châu. Thiên-xứ nầy thuộc về vùng bạch ngân cung điện phần lớn đều bằng chất bạc trắng, có một khu thành to rộng gọi là Thượng-Hiền. Phương nam giữa chừng núi Tu-Di, là chỗ ở của Tỳ-Lưu-Lạc-Xoa thiên-vương (Tăng-Trưởng thiên-vương) và chư thiên tùy thuộc. Tỳ-Lưu-Lạc-Xoa thiên-vương thống lãnh các Quỷ-thần Cưu-Bàn-Trà và Tịch-Hiệp-Đa, ủng hộ Nam-Thiệm-Bộ-Châu. Thiên-xứ nầy thuộc về vùng thanh lưu ly, cung điện phần lớn đều bằng chất lưu ly xanh, có một khu thành to rộng gọi là Thiện-Kiến. Phương tây giữa chừng núi Tu-Di, là chỗ ở của Tỳ-Lưu-Bác-Xoa thiên-vương (Quảng-Mục thiên-vương) và chư thiên tùy thuộc. Tỳ-Lưu-Bác-Xoa Thiên-vương thống lãnh các Long thần và quỷ Phú-Đơn-Na, ủng hộ Tây-Ngưu-Hóa-Châu. Thiên-xứ nầy thuộc về vùng hoàng kim, cung điện phần lớn đều bằng chất vàng ròng, có một khu thành to rộng gọi là Châu-La. Phương bắc giữa chừng núi Tu-Di, là chỗ ở của Tỳ-Sa-Môn thiên-vương (Đa-Văn thiên-vương) và chư thiên tùy thuộc. Tỳ-Sa-Môn thiên-vương thống lãnh các Quỷ-thần Dạ-Xoa, La-Sát, ủng hộ Bắc-Câu-Lư-Châu. Thiên-xứ nầy thuộc về vùng thủy tinh, cung điện phần lớn đều bằng chất thủy tinh, có ba khu thành to rộng tên là: Khả-Úy, Thiên-Kính, và Chúng-Quy. Tứ-Thiên-Vương mỗi vị đều có tám viên đại tướng, chín mươi mốt người con. Theo Trí-Luận thì các thần núi, sông, đất, rừng, cây, thành quách, cung điện.... tất cả Quỷ-thần đều thuộc về quyền thống nhiếp của Tứ-Ðại-Thiên-Vương.

2. Tam-thập-tam-thiên: Trên đảnh núi Tu-Di là xứ sở của trời Đao-Lợi (Tra yastrimsá - Tam-thập-tam-thiên). Nơi đây địa thế rộng rãi tốt đẹp. Ở bốn góc trên đảnh núi Tu-Di có bốn tòa núi nhỏ, bề cao và rộng đều 500 do-tuần, có thần Dược-Xoa tên là Kim-Cương-Thủ trụ nơi đây để tuần thị và hộ vệ chư thiên.

Chính giữa đảnh Tu-Di có khu thành rộng lớn, bề chu vi 10.000 do-tuần, tên là Diệu-Kiến (Thiện-Kiến, Hỉ-Kiến), có 1.000 cửa. Giữa khu thành nầy lại có một tòa thành quách chu vi rộng 1.000 do-tuần, cao một do-tuần rưỡi, toàn bằng chơn kim, có 500 cửa. Đất nơi đây cũng bằng chất chơn kim nhu nhuyễn như nệm, khi bước đi tự nhiên êm dịu không làm tổn chân. Chỗ nầy là thành đô của trời Đế-Thích, lâu các nguy nga tráng lệ, nghiêm sức bằng các thứ tạp bảo. Điện của trời Đế-Thích ở tên là Tỳ-Thiền-Diên, xung quanh có 101 tòa lâu các gồm 10.770 phòng, mỗi phòng có bảy thiên-nữ, mỗi thiên-nữ có bảy thể nữ hầu hạ. Các thiên-nữ đó đều là chánh phi của trời Đế-Thích. Đế-thích ở chung với Xá-Chỉ-Ngọc-Nữ, hóa thân của ông ở với các bà phi.

Khoảng giữa thành Diệu-Kiến và Tỳ-Thiền-Diên có bảy khu thị tứ là: Mễ-Cốc, Ẩm-Thực, Y-Phục, Chúng-Hương, Hý-Nữ, Công-Xảo, Hoa-Man. Tại bảy nơi đây đều có thị quan. Các thiên-tử, thiên-nữ khi đến du ngoạn, cũng bình luận món nầy món khác là đắt hay rẻ, y như cách thức mậu dịch, nhưng không ai bán cũng chẳng ai mua, thỉnh thoảng vị nào muốn cần dùng món gì, có thể tự tiện lấy đem đi. Trong thành Diệu-Kiến lại có thiên châu, thiên huyện, thiên thôn, đầy khắp các nơi.

Xung quanh thành Diệu-Kiến có 32 thiên-xứ, mỗi nơi do một vị thiên chủ quản trị. Ba mươi hai thiên-xứ nầy với trung đô của Đế-thích, hợp lại 33 thiên-xứ, nên gọi là Tam-thập-tam-thiên.

Ngoài bốn phía thành Diệu-Kiến, có bốn đại viên uyển; vườn Chúng-Xa ở phương đông, vườn Thô-Sáp ở phương nam, vườn Tạp-Lâm ở phương tây, vườn Hoan-Hỷ ở phương bắc. Khi chư thiên vào vườn Chúng-Xa, tùy nơi phước đức hơn kém, các thứ xe hoặc thắng hoặc liệt đều hiện ra, mỗi vị đều lên ngồi cỗ xe của mình mà dạo chơi. Lúc chư thiên sắp đánh với A-tu-la, liền kéo nhau vào vườn Thô-Sáp, nơi đây các món giáp trượng tự hiện ra. Cảnh vườn nầy rất tươi đẹp, chư thiên khi vào du ngoạn tranh nhau đi trước, đi sau. Vườn Tạp-Lâm là nơi có nhiều cung điện, rừng cây u nhã, các thể nữ ở cung Tỳ-Thiền-Diên thường ra đây họp bạn với thiên chúng mà chơi đùa, thọ đủ năm sự dục lạc. Vườn Hoan-Hỷ có một cảnh sắc đặc biệt, chư thiên vào đây đều sanh lòng hớn hở tươi vui. Mỗi khu vườn, bốn góc có bốn hồ Như-Ý, mỗi hồ chu vi rộng 50 do-tuần, trong ấy dẫy đầy nước Bát-công-đức. Các thứ hoa trong mỗi hồ tranh nhau đua nở, phô trương vẻ đẹp thần tiên. (Theo các vị A-la-hán sau Phật diệt độ, thì ở bốn khu vườn đều có bảo tháp thờ di tích của Phật. Như ở vườn Chúng-Xa có khu tiểu viên tên là Chiếu-Minh, nơi đây có tháp thờ tóc Phật. Vườn Thô-Sáp có tháp thờ y của Phật. Vườn Tạp-Lâm có tháp thờ bát của Phật. Vườn Hoan-Hỷ có tháp thờ răng của Phật).

Phía đông bắc thành Diệu-Kiến, có cây Ba-lợi-chất-đa (Paricitra - Hương-biến-thọ) cao 100 do-tuần, tàng rậm cũng 100 do-tuần, như chiếc tán to lớn, đây là một thắng sở du ngoạn của chư thiên. Cây nầy hoa nở liên miên không dứt, mùi hương thanh nhẹ bay lan rộng xa, gặp khi thuận gió hơi thơm đầy khắp 100 do-tuần khi nghịch gió cũng được 50 do-tuần. Phía tây nam thành Diệu-Kiến, có ngôi Thiện-Pháp-Đường. Ngôi điện nầy rất to rộng, có đến 84.000 cây cột. Đây là chỗ chư thiên tập họp để bàn luận về đạo lý, xử đoán các việc phi pháp của A-tu-la, và kiểm soát những điều thiện ác trong thế gian. Khi tập họp, trời Đế-Thích ngồi tòa sư tử ở giữa, hai bên tả hữu đều có 16 thiên-vương ngồi đối diện nhau. Mỗi Thiên-vương có hai thái-tử cũng là hai vị đại tướng, ngồi hai bên ở sau mà tùy thị. Nơi vòng ngoài, Trì-Quốc thiên-vương cùng hàng đại-thần ngồi ở phía Ðông, Tăng-Trưởng thiên-vương cùng tùy thuộc ngồi ở phía Nam, Quảng-Mục thiên-vương cùng tùy thuộc ngồi ở phía Tây, Đa-Văn thiên-vương cùng tùy thuộc ngồi ở phía Bắc. Tứ-Ðại-Thiên-Vương đem việc thiện ác ở thế gian tâu với trời Đế-Thích. Nếu Thích-Đề-Hoàn-Nhân (Năng-Thiên-Chủ) nghe ở hạ giới không có nhiều kẻ giữ giới, bố thí, thì sanh lòng lo buồn và bảo: “Thiên chúng sẽ lần lần kém ít, các A-tu-la càng ngày lại tăng thêm!”

Nói chung, Tam-thập-tam-thiên có tất cả bảy lớp thành, bảy lớp lan can, bảy lớp linh võng (lưới có treo linh báu), phía ngoài lại có bảy lớp hàng cây Đa-la bao quanh, nhiều màu sắc xinh đẹp. Mỗi lớp thành có nhiều cửa, ở mỗi cửa cũng có lầu ngăn giặc. Ngoài ra còn những điện các, ao nước, rừng hoa, nhiều thứ chim hòa nhau kêu, thiên nhạc tự nhiên tấu theo giờ khắc. Màu sắc và ánh sáng của cây cối đều khác nhau. Nơi đây không có ánh sáng mặt trời mặt trăng, chỉ có quang minh của cung điện, bảo thọ và chư thiên. Khi hoa sen hồng khép lại, hoa sen xanh nở ra, thiên chúng ưa ngủ nghỉ là ban đêm. Lúc hoa sen hồng nở ra, hoa sen xanh khép lại, chư thiên ít ngủ, thích đi dạo chơi là ban ngày. Thiên chúng ở trời Đao-Lợi vui đắm theo dục lạc như quên mất thời gian, ca múa nói cười, dạo hết cảnh nầy lại kéo nhau du ngoạn cảnh khác.

Tiết VII: Không cư thiên

Các tầng trời y cứ nơi núi Tu-Di gọi là Địa-cư-thiên, vượt khỏi đảnh Tu-Di trở lên thuộc về Không-cư-thiên. Không-cư-thiên là những thiên-xứ rộng lớn hư phù giữa không gian như mây.

Từ cõi Đao-Lợi lên trên 160000 do-tuần, có một thiên giới lơ lửng như mây, do thất bảo nhu nhuyễn tạo thành, bằng phẳng an ổn, chu vi rộng 80000 do-tuần, cung điện lâu các, vườn cây ao hoa, tất cả đều trang nghiêm diễm lệ. Đây là cõi trời Dạ-Ma (Yàma - Tu-Diệm-Ma, Thời-Phận-Thiên). Từ trời Dạ-Ma lên trên cách 320000 do-tuần, có một thiên giới bằng thất bảo, lơ lửng như mây, chu vi rộng 160000 do-tuần. Đây là cõi trời Đâu-Suất-Đà (Tusita - Đổ-Sử-Đa, Hỷ-Túc-Thiên). Từ trời Đâu-Suất lên trên cách 640000 do-tuần, có một thiên giới bằng thất bảo, lơ lửng như mây, chu vi rộng 320000 do-tuần. Đây là cõi trời Hóa-Lạc (Nirmànarati - Tu-Niết-Mật-Đà, Hóa-Tự-Lạc-Thiên). Từ cõi Hóa-Lạc lên trên cách 1.280.000 do-tuần, có một thiên giới bằng thất bảo, lơ lửng trên mây, chu vi rộng 640000 do-tuần. Đây là cõi trời Tha-Hóa (Paranirmita - vàsavartin - Bà-Xá-Bạt-Đề, Tha-Hóa-Tự-Tại-Thiên), cũng là tầng trời cao nhất của Dục-giới.

Trên đây là hiện tượng quen thuộc phạm vi một Tiểu-thế-giới. Từ cõi Dục trở lên, lại có bốn tầng thiền thiên của Sắc-giới, mỗi tầng khoảng cách nhau và bề rộng đều gấp bội. Duy có cõi Vô-sắc là không phương xứ. Về danh mục các cõi trời của Sắc và Vô-sắc-giới, trong chương một của bản thiên đã có nói rõ. Để tỉnh giảm bút mặc và tinh thần, nơi đây xin miễn đề cập đến.

Xem tiếp Chương 4 (Thiên thứ hai)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6704934