Học

Phật học tinh yếu - Chương 6 (Thiên thứ ba)

PHẬT HỌC TINH YẾU

Hòa thượng THÍCH THIỀN TÂM

(Trọn bộ 3 thiên)

 

THIÊN THỨ BA

Chương 6: Yếu nghĩa về Thập thiện

Tiết mục:

I. Thế nào là thiện

II. Biện minh về nghĩa thiện

III. Mười nghiệp lành

IV. Nhân-quả của Thập-thiện

(Kinh sách trích dẫn: Kinh Thập-Thiện-Nghiệp-Ðạo, Pháp-Uyển-Châu-Lâm, An-Sĩ-Toàn-Thơ.)

Ðề yếu: Dân tộc Việt-Nam ta khi răn dạy con cháu, thường nói đến vấn đề nhân-quả thiện ác, khuyên nên “ăn hiền ở lành”. Nhưng thật ra, ít ai biết xác đáng về nghĩa thiện ác. Bởi không hiểu tường tận điều ấy, nên nhiều người lầm lẫn thường làm việc tợ lành mà ác, ít ai dám làm việc tợ ác mà lành. Lại có kẻ tự hào rằng mình ngay thẳng hiền lành, không cần chi ăn chay, xem kinh, niệm Phật. Ðó là những nhận xét về thiện ác với tầm mắt thô thiển bên ngoài.

Vì thương xót chúng sanh thường trầm luân trong ác đạo, thuở xưa Ðức Như-Lai đã đưa cao đuốc huệ, soi tỏ đường lối nhơn thiên. Rồi từ đó pháp hóa lan truyền, nhiều người tín phụng. Nay xin gom góp sự việc ấy, viết thành một chương, chia làm bốn tiết. Hai tiết đầu xác định về nghĩa thiện, gồm trong mấy điểm chính: lợi mình, lợi người, trong hiện tại, tương lai. Hai tiết sau thuyết minh về mười điều lành gồm trong ba nghiệp thân, miệng, ý, và những kết quả của sự hành thiện ấy.

“Thiện căn bởi tại lòng ta. Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Nếu tu theo Thập-thiện, sẽ được hưởng phúc lạc của nhơn thiên; tu theo Tứ-đế, Thập-nhị-nhân-duyên, sẽ được hưởng phúc lạc của Thanh-Văn, Duyên-Giác; tu theo Lục Ba-la-mật, sẽ được hưởng phúc lạc của Bồ-Tát. Trái lại, buông lung theo ngũ dục, thất tình, sẽ vướng mắc vào vòng oan khiên khổ đọa.

Vậy người học Phật phải nên tự suy gẫm.

Tiết I: Thế nào là thiện?

Có nhiều kẻ thấy ai đi chùa, liền bảo: “Tu hành cần chi phải đi chùa, ở nhà tu tâm làm lành là được!” Những kẻ ấy thường tự hào rằng mình trong sạch, không tu cũng như tu, song nếu có ai cật vấn thế nào là tu tâm làm lành thì trả lời chẳng suông. Lại có người đọc được đôi quyển sách Nho, thấy những vị tụng kinh, bố thí, ăn chay, vội bài bác qua mấy câu chữ: “Tâm hành từ thiện, hà tu nỗ lực khán kinh” (Lòng thường từ thiện, cần chi gắng sức xem kinh?) - hoặc “Vô cầu thắng bố thí, cẩn thủ thắng trì trai” (Không tham hơn bố thí, khéo giữ hơn trì trai). Tuy nói như thế, nhưng thật ra nếu có người hiểu biết gạn hỏi về nghĩa: từ thiện, vô cầu, cẩn thủ, họ trả lời chẳng xuôi, hoặc không thấu đáo.

Chẳng những thế gian thường vướng mắc vào những lỗi như thế, mà hàng ngoại-đạo vì không xác nhận nghĩa thiện ác, nên vẫn phê phán một cách sai lầm. Như khi xưa các học giả theo phái Hoài-Nghi-Luận bên Ấn-Ðộ quan niệm rằng: thiện ác không có tiêu chuẩn nhất định, chẳng qua do tập quán người đời cho là thiện nó thành thiện, cho là ác nó thành ác thế thôi. Bởi không hiểu đúng nghĩa lý thiện ác, nên hai hạng người trên tự mình đã đi lạc vào đường tà kiến, còn gây trở ngại cho sự tu tiến của những kẻ đang hướng về chánh đạo đức Như-Lai.

- Thế nào là thiện và ác? Theo Phật-giáo, “thiện” là những điều gì có lợi cho mình và người trong hiện tại, tương lai. Và “ác”, cũng theo ý trên, tương phản với nghĩa thiện. Xác nhận như thế thì thiện ác không thể một mặt y cứ theo hình thức mà phán định. Như ngọt ngào chiều chuộng vị tất là thiện, đánh đuổi quở phạt chưa chắc đã là ác.

Lại “thiện” ngoài ý nghĩa lợi ích mình và người, còn tượng trưng cho những gì trong sạch tốt đẹp. Việc thiện của hàng nhơn thiên là mười điều lành. Nhưng đối với hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác, đó chỉ là điều lành hữu lậu, vì nhơn thiên tuy tu Thập-thiện song còn chấp ngã, chưa dứt phiền não. Vì thế, tiến lên một bậc, hàng Nhị-thừa tu Sanh-diệt-tứ-đế-huệ, dứt kiến-tư-hoặc, sanh không-trí-hiện-tiền, việc thiện nầy có tánh cách cao hơn. Tuy nhiên, Thanh-Văn, Duyên-Giác dù trừ ngã chấp, song hãy còn pháp chấp và Vô-minh-hoặc, nên bậc Bồ-Tát chưa cho đó là toàn thiện. Hàng Bồ-Tát phá trừ trần-sa,Vô-minh-hoặc, tu Vô-lậu-thiện, Nhị-biên-thiện, Trung-đạo-diệu-thiện, để đi đến chỗ trọn lành. Cho nên xét suy cùng cực, trong thế gian và xuất thế gian chỉ có Như-Lai mới là bậc chí thiện, vì Ngài đã thực hành được nghĩa lành một cách toàn vẹn. Nhưng đây chẳng qua là thử bàn về nghĩa thiện theo chiều sâu rộng, để cho biết việc làm lành không phải chỉ dễ dàng, nông cạn như một số người lầm nhận, rồi bài bác việc lễ Phật, xem kinh. Bây giờ chúng ta hãy trở lại điểm chính của chương nầy, là cứ theo Nhơn-thiên-thừa mà luận về nghĩa thiện.

Tiết II: Biện minh về nghĩa thiện

Việc hành thiện không nên dùng con mắt cạn cợt nhìn theo hình thức bên ngoài. Có kẻ xem như làm lành nhưng thật không phải lành, có người xem như làm ác, song chính lại là thiện. Những việc gọi là lành, nếu gia tâm xét kỹ, sẽ thấy có chân giả, có ngay vạy, có âm dương, có phải quấy, có thiên chánh, có nửa toàn, có lớn nhỏ, có khó dễ. Nếu làm lành mà không thấu đạt lý nầy, nhiều khi tự gọi mình hành thiện, song không ngờ đó chính là tạo nghiệp, chỉ khổ công nhọc trí, chẳng đem lại lợi ích gì.

- Việc lành có chân, giả là thế nào? Như thuở xưa, mấy nho sinh đến hỏi Trung-Phong đại-sư rằng: “Nhà Phật dạy điều thiện ác báo ứng như bóng theo hình, nhưng tại sao hiện thấy có những người làm lành mà con cháu không phát đạt, còn mấy người làm ác trái lại gia đình thêm hưng thạnh? Như thế thì nhân-quả của Phật nói có gì là xác đáng ư?” Ngài Trung-Phong đáp: “Bởi phàm tình chưa sạch, chánh nhãn chưa bày, người đời thường nhận lầm thiện ra ác, ác ra thiện, ít ai biết tự trách điều thị phi điên đảo của mình, duy cứ hờn việc báo ứng sai ngoa. Như thế làm sao định chắc rằng xác đáng hay không xác đáng?” Các nho sinh nói: “Thiện là thiện, ác là ác, làm sao có sự nhận lầm trái nhau được?” Ðại-sư liền bảo họ chỉ cho xem ít việc gọi là thiện hoặc ác. Một vị nói: “Ðánh mắng người là ác, kính trọng người là thiện”. Ngài Trung-Phong nói: “Chưa hẳn như thế!” Người khác bảo: “Tham của vọng cầu là ác, liêm khiết thủ thường là thiện”. Ðại-sư vẫn nói: “Chưa hẳn như thế!” Các nho sinh lần lượt nói hết những tướng trạng thiện ác, song Trung-Phong đại-sư vẫn bảo chưa hẳn là đúng. Họ ngạc nhiên, cầu xin giải thích. Ngài dạy: “Việc làm nào có ích cho mình và người là thiện”. Trái lại, nếu chỉ lợi mình tổn người, tuy kính trọng người cũng vẫn là ác. Thế nên làm lành mà đem sự lợi ích cho người là công, và công tức là chân. Còn duy cầu lợi riêng cho mình là tư, đã tư tức là giả. Lại việc lành tự đáy lòng phát ra là chân, làm theo thói quen bên ngoài là giả, không chấp tướng mà làm là chân, có chấp tướng mà làm là giả. Cứ theo mấy điểm ấy xét ra, sẽ tự hiểu...

- Việc lành có ngay, vạy là thế nào? Thế thường khi thấy kẻ mềm mỏng chiều chuộng, dễ dãi yếu nhát, nói trái nói phải đều vâng, ai cũng khen là người hiền lành. Nhưng thánh-nhơn thà chọn người ngông cuồng mà quật cường, khí khái, có ý chí cao xa, vì hạng nầy dễ khai hóa. Còn hạng trên tuy được mọi người khen tặng, nhưng xét kỹ họ chỉ là giặc của sự tiến bộ đạo đức. Như thế đủ thấy sự nhận xét về thiện, ác, lấy, bỏ của người đời khác với của thánh-nhơn. Cứ một điều nầy suy ra, các việc khác làm sao khỏi bị sai lạc? Vậy nên người muốn làm lành tu đức quyết chẳng thể bằng vào điều thiện của hình thức bên ngoài, mà phải nhìn từ chỗ ẩn nhiệm của tâm tư, cùng xét xem việc ấy có hợp với lẽ thiện hay không. Nếu quả thật thuần có lòng cứu người giúp đời là ngay, như xen chút niệm mỵ thế, dối dân là vạy; thuần một lòng kính người là ngay, xen chút niệm khinh cợt đời là vạy; thuần một lòng thương xót người là ngay, xen chút niệm ghét hận đời là vạy. Những điều như trên, phải nên xét kỹ.

- Việc lành có âm, dương là thế nào? Phàm làm điều lành mà người ngoài biết được là dương thiện, làm lành mà chẳng ai biết là âm công. Âm công sẽ được phước báo, dương thiện hiện hưởng danh thơm, vì danh cũng là phước vậy. Nhưng danh vọng thường khi là điều đáng kiêng sợ, bởi dễ bị người ganh ghét. Những kẻ danh tốt lẫy lừng mà thật đức không kịp, phần nhiều hay bị họa to, bởi hưởng phước quá phận. Có kẻ tuy không lầm lỗi, nhưng bỗng dưng bị lâm vào cảnh tai họa, hay bị thiên hạ chê oan, lắm lúc con cháu họ lại được phát đạt. Lẽ âm dương họa phước nhiệm mầu như thế, phải để tâm nhiều mới thấu hiểu được.

- Việc lành có phải, quấy là thế nào? Thời Ðông-Châu, ở nước Lỗ có lệ hễ ai bỏ tiền chuộc người bản xứ khỏi làm thần thiếp cho các chư hầu địch thì được lãnh nguyên lại số tiền tại quan phủ. Thầy Tử-Cống giàu có, bỏ tiền ra chuộc được nhiều người, song không chịu lãnh lại tiền, vì ông thầm nghĩ mình chỉ làm việc nghĩa mà thôi. Ðức Khổng-Tử nghe được, chê trách Tử-Cống sai lầm, bởi bậc thánh-nhơn khi làm điều gì cũng mong cải tiến phong tục đến chỗ tốt đẹp, làm gương cho mọi người noi theo, chớ không phải chỉ để thỏa chí riêng của mình. Trong nước Lỗ người giàu ít, kẻ nghèo đông, nếu cho rằng chuộc người rồi còn trở lại lãnh tiền nơi quan phủ là không liêm chính thì chắc từ đó về sau không còn mấy ai dám nghĩ đến việc chuộc người khỏi tay địch nữa.

Thầy Tử-Lộ vớt người bị đắm, được đền ơn một con trâu, ông liền nhận. Khổng-Tử nghe được vui mừng bảo: “Từ nay ở nước Lỗ sẽ có nhiều người để ý vớt kẻ sắp chết chìm”.

Cứ lấy mắt thường mà xem thì việc Tử-Cống không lãnh tiền bồi thường là cao quý, Tử-Lộ nhận trâu là thấp hèn. Nhưng trái lại, trong hai hành vi, đức Khổng-Tử bỏ Tử-Cống mà chọn Tử-Lộ. Thế thì biết, khi làm lành không nên chỉ kể hiện trạng trước mắt, mà còn phải nghĩ đến việc lưu tệ về sau; không nên luận một thời, mà phải luận đến việc lâu dài; không nên nghĩ riêng mình, mà phải xét đến ảnh hưởng lan truyền sâu rộng trong thiên hạ. Những việc đang làm tuy lành, nhưng nếu lưu tệ hại người, đó là tợ thiện chớ không phải chân thiện. Những việc đang làm tuy xem như thấp kém, mà lưu ích giúp người, thì nó dường như phi thiện song thật ra là thiện. Cứ thế suy rộng ra, những điều nghĩa phi nghĩa, lễ phi lễ, tín phi tín, từ phi từ, đều không ngoài cách thức đó.

- Việc lành có thiên, chánh là thế nào? Thuở xưa, Lữ-Văn-Ý-Công là người đức độ, cả nước đều kính ngưỡng như Thái-sơn, Bắc-đẩu. Sau khi từ chức tể tướng về an dưỡng nơi cố hương, một hôm ông bị người say rượu đến la mắng dữ dội. Ý-Công vẫn thản nhiên bảo người nhà đóng cửa lại, đừng nên tranh cạnh với kẻ say. Hơn một năm sau, người ấy vì say sưa phạm tội sát nhơn bị bắt giam vào ngục. Lữ-Công biết được việc đó, mới hối hận bảo: “Phải chi năm trước ta dùng oai quở trách rồi bắt đem giao cho quan nghiêm trị. Chắc nó khỏi bị mối họa hôm nay, chỉ vì lúc ấy ta muốn giữ lòng nhân hậu, không ngờ đó lại là cách nuôi lớn điều ác cho nó, nên nỗi ngày nay nó thành ra người phạm tội nặng”. Ðây là một việc chứng tỏ, đem tâm lành mà hành sự ác.

Lại như một nhà giàu nọ, gặp năm đói khó đem lúa ra bán, bị dân nghèo cướp giựt ngay giữa chợ. Nhà cự phú này đầu cáo, quan bỏ qua không xử, dân nghèo được thế lại càng làm già. Phú ông liền cho người rình bắt ít tên làm khổ nhục, bấy giờ cả bọn mới chịu yên, nếu không thì đã loạn cả chợ. Ðây là việc đem tâm ác mà hành sự lành.

Cho hay thiện là chánh, ác là thiên, điều ấy ai cũng biết. Còn đem tâm lành mà làm việc ác là thiên ở trong chánh, đem tâm ác làm việc lành là chánh ở trong thiên. Thà chọn chánh trong thiên, không nên làm việc thiên trong chánh, điều nầy lại ít người để ý.

- Việc lành có nửa, toàn là thế nào? Kinh Dịch nói: “Chẳng tích thiện không đủ để thành danh, chẳng tích ác không đủ để diệt thân”. Kinh Thơ bảo: “Tội nhà Thương như xâu tiền đầy”. Tích thiện tích ác như chứa vật vào kho, siêng để thì đầy, lười chứa thì vơi, tùy mỗi phương diện, việc lợi hại đã rõ ràng. Như thuở xưa, có một cô gái rất nghèo, của riêng chỉ được hai đồng tiền kẽm, nhân khi đến chùa liền dùng tâm thành đem cả số ấy dâng cúng ngôi Tam-bảo. Vị đại-đức trụ trì nhận biết, thân hành làm lễ cầu nguyện. Sau cô gái nầy được vào hoàng cung hưởng phú quý, lại đem vào ngàn lượng vàng đến cúng dường, nhưng vị tăng chủ chỉ sai đồ chúng hồi hướng mà thôi. Cô thí chủ, lúc bấy giờ đã là hoàng-hậu, lấy làm lạ hỏi: “Ngày trước tôi chỉ cúng có hai đồng tiền mà đại-đức thân hành lễ sám; nay tôi cúng tới đôi ngàn lượng vàng, sao đại-đức lại chỉ sai đồ chúng hồi hướng?” Tăng chủ đáp: “Thuở trước vật tuy sơ bạc mà lòng rất chân thành, phi lão tăng lễ sám không đủ để báo đức bà. Hôm nay vật tuy hậu song tâm cúng dường không thiết tha bằng trước, nên người khác thay thế làm lễ cũng đủ rồi”. Ấy, ngàn vàng là nửa, là vơi, mà hai tiền là toàn, là đầy vậy.

Lại Chung-Ly đại tiên khi truyền dạy phép luyện đơn cho Lữ-Tổ, có dặn rằng: “Khi đơn luyện thành có thể điểm sắt đá hóa vàng ròng, giúp cho người nghèo khổ tiêu dùng được”. Lữ-Tổ hỏi: “Về sau vàng ấy có biến chất không?” Chung-Ly đáp: “Năm trăm năm sau, nó sẽ trở lại bản chất cũ”. Lữ-Tổ nói: “Như thế thì có hại cho người năm trăm năm về sau, tôi thề không làm điều đó”. Chung-Ly khen: “Phép tu tiên cần phải chứa đủ ba ngàn công hạnh, nay ngươi nói được lời đó thì ba ngàn công hạnh đã đủ rồi!” Ðây lại là một tượng trưng cho việc lành đầy, vơi, nửa, toàn vậy.

Ðại khái, làm lành mà có tâm chí thành, thật lòng thương xót vị tha, không chấp tướng thì dù một việc lành cũng được toàn đầy. Bằng trái khác với mấy điểm trên, tuy suốt đời hành thiện cũng là vơi, chỉ được có một nửa. Như trong kinh nói, khi đem của giúp người mà trong không thấy mình cho, ngoài không thấy người nhận, giữa không thấy vật tế trợ, đó gọi là cách bố thí ba luân thể không, một tâm thanh tịnh. Bố thí như thế, dù một lon gạo cũng được phước vô biên, một đồng tiền cũng tiêu muôn kiếp tội. Nếu như tâm còn cầu danh chấp tướng, thì tuy bố thí ngàn vàng, phước đức cũng chẳng được bao nhiêu!

- Việc lành có lớn, nhỏ là thế nào? Xưa ông Vệ-Trọng-Ðạt làm quan Hàn-Lâm, một đêm mộng thấy Minh-ty bắt về âm-cảnh. Quan-chủ-ty sai dịch đem trình hai bản ghi thiện ác, ông thấy bản ghi ác chất một đống to, bản ghi thiện chỉ bằng chiếc đũa. Nhưng khi đem cân thì bản như đống to lại nhẹ, bản bằng chiếc đũa lại nặng. Trọng-Ðạt ngạc nhiên nói: “Tôi tuổi chưa đầy bốn mươi, có đâu đã làm nhiều điều ác đến thế!” Minh-quan bảo: “Một niệm bất chính là ác rồi, không đợi phải hành phạm”. Nhân lại hỏi: “Trong cuốn giấy bằng chiếc đũa kia, đã ghi những gì?” Minh-quan đáp: “Triều đình hưng đại công làm cái cầu đá ở Tam-Sơn, ông đã dám thượng sớ căn ngăn việc ấy. Cuốn giấy đó là bản sớ của ông”. Trọng-Ðạt nói: “Tôi tuy dâng sớ can ngăn, nhưng bị bác bỏ, thật sự nó chẳng bổ ích được gì, làm sao lại có hiệu lực như thế ấy?” Minh-quan nói: “Triều đình tuy không y theo, nhưng một niệm ưu ái của ông đã vì vận nước và muôn dân; giả sử lời sớ kia được chấp nhận thì công đức ấy lại càng lớn lao hơn nữa!”

Cho nên hễ chí để vào thiên hạ quốc gia, thì việc lành tuy nhỏ mà lớn. Nếu chí để vào bản thân thì việc lành tuy nhiều vẫn ít. (Việc ác cũng thế).

- Việc lành có khó, có dễ là thế nào? Bậc tiên nho thường bảo: “Muốn khắc kỷ phải bắt đầu từ chỗ khó”. Ðức Khổng-Tử khi luận về điều nhân, cũng nói: “Trước phải làm việc khó khăn là trừ bỏ tư tâm”. Chẳng hạn như ở Giang-Tây có Thơ-Ông làm nghề dạy học, trong hai năm dành góp được số tiền khá to. Nhân gặp một người nghèo thiếu nợ quan, vợ kẻ ấy sắp bị nhà quan bắt làm tôi tớ, ông liền đem số tiền dành góp ra chuộc, không nghĩ gì đến sự đền trả. Nhờ đó vợ chồng người kia khỏi bị ly tán. Và như Trương-Ông ở tỉnh Trực-Lệ, gặp một người mang nợ bị trái chủ làm khốn, phải đem cầm vợ con, liền thí xả số bạc của mình đã chứa để trong mười năm ra chuộc giúp cho. Do đó vợ con người nọ mới được an toàn. Bỏ tiền cứu người như hai trường hợp trên thật là hiếm có, ít ai làm nổi.

Lại như Kỳ-Ông ở Trấn-Giang lớn tuổi mà không con. Người hàng xóm mắc nợ ông, không tiền trả, đem đứa con gái thế vào để cho làm thiếp. Kỳ-Ông thấy mình tuổi đã cao, không nỡ làm lỡ đời của một cô gái trẻ đẹp, liền trả lại và cho luôn số tiền. Ðây là điều lành thuộc trường hợp nhẫn việc khó nhẫn. Những kẻ có tiền tài thế lực, làm lành lập đức rất dễ mà họ không chịu làm, đó là người tự bỏ rơi chẳng biết thương lo cho mình và con cháu. Còn những người nghèo hèn, làm được phước rất khó, khó mà cố gắng làm, như thế mới đáng quý.

Trên đây là đoạn biện minh về điểm dị biệt trong việc thiện của Liễu-Phàm-tiên-sinh, trích trong An-Sĩ-Toàn-Thơ. Người học Phật muốn tu công đức lành, có thể lấy đây làm tấm gương xét đoán.

Tiết III: Mười nghiệp lành

Mười nghiệp lành là gì? Là ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng và ba nghiệp của ý. Thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm; miệng không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đôi chiều, không nói thô ác; ý không tham lam, không giận hờn, không si mê tà kiến. Ðó là mười nghiệp lành. Trái với đây là mười nghiệp ác.

Theo trong luận Tỳ-Ðàm thì chúng-sanh ở Địa-ngục duy có thể phát ba nghiệp lành về ý, song chỉ sanh khởi bên trong mà không hiện hành ra được bên ngoài. Chúng-sanh ở châu Bắc-Câu-Lư cũng thế, ngoài ra các nẻo khác đều có thể tu mười nghiệp lành. Có kẻ gạn hỏi: “Những nghiệp như: lễ bái, cúng dường, nhẫn nhục, bố thí, trì trai,... đều là nghiệp lành, sao không gọi Vô-lượng-thiện-nghiệp-đạo, lại chỉ nói Thập-nghiệp-đạo?” - Xin thưa: “Mười thiện nghiệp nầy là căn bản của các pháp lành khác, vì lấy phần thắng trọng, nên chỉ gọi Thập-thiện-nghiệp-đạo”. Kinh Di-Lặc-Bồ-Tát-Sở-Vấn nói: “Nếu chúng-sanh nào làm mười nghiệp bất thiện, sẽ bị đọa vào ba đường ác; và tu mười nghiệp lành, sẽ được hưởng phước nhơn thiên”.

- Thế nào là không sát sanh? Sát sanh có năm tướng, nếu không phạm các tướng đó, là không sát sanh. Năm tướng ấy là: 1- Cố tâm. 2- Sanh mạng khác. 3- Nghi tâm. 4- Thân làm hoặc miệng bảo. 5- Dùng phương tiện.

Ðiều thứ nhất (cố tâm), nếu có tâm giết hại, dù giết sanh mạng lớn nhỏ, cũng đều mang tội. Như vô tâm ngộ sát thì không thành tội. Nếu vô tâm giết mà thành tội thì bậc A-la-hán cũng không ưng đắc Niết-bàn. Bởi bậc A-la-hán, đã đoạn nhân thế gian, như vô tâm giết rồi bị đọa luân-hồi, thì không thành A-la-hán. Nhưng sự thật chẳng phải thế; vì nghĩa nầy nên biết vô tâm giết không thành tội sát. Ðiều thứ hai (sanh mạng khác), nói “sanh mạng khác”, tức không phải chính mình. Nếu giết sanh mạng khác mới đắc tội, còn tự sát thì không thành tội. Ðiều thứ ba (nghi tâm), nếu dùng nghi tâm mà giết hại, cũng mang tội sát, bởi kẻ ấy đã thiếu lòng từ bi. Ðiều thứ tư (tự làm, miệng bảo), tự mình giết, hoặc dùng tay chân, dao gậy, cung tên, thuốc độc, thư ếm, đã đành đắc tội. Như không tự giết mà bảo kẻ khác giết, nếu sự giết thành, người bảo liền mang tội sát. Ðiều thứ năm (dùng phương tiện), tuy thân không làm, miệng bảo, nhưng khởi ý giết hại, dùng mưu mô phương tiện để đưa người đến chỗ chết, nếu kết quả thành cũng mang tội sát.

- Thế nào là không trộm cướp? Trộm cướp có năm tướng, nếu không phạm các tướng đó, là không trộm cướp. Năm tướng ấy là: 1- Vật kẻ khác. 2- Biết vật của kẻ khác. 3- Nghi tâm. 4- Tự lấy hoặc bảo kẻ khác. 5- Dùng phương tiện.

Ðiều thứ nhất (vật kẻ khác), vật thuộc quyền sở hữu của kẻ khác, trọng như vàng bạc châu báu, khinh như mũi kim, ngọn rau, nếu người không cho mà lấy, là mang tội trộm; kể đến vật của Quỷ-thần, Súc-sanh. Ðiều thứ hai (biết vật kẻ khác), biết vật của kẻ khác mà lấy, là cố tâm trộm cướp, tất nhiên đắc tội. Trừ ra như khi để đồ chung, của kẻ khác lầm tưởng là của mình mà lấy thì không đắc tội. Ðiều thứ ba (nghi tâm), trường hợp hai món đồ giống nhau, đối với vật kẻ khác nghi ngờ không biết là của người hay của mình, vội lấy đi là đắc tội, vì có tâm mờ ám tham lam. Ðiều thứ tư (tự lấy bảo người), tự mình lén trộm, hoặc dùng sức mạnh cướp giựt, cho đến dùng pháp thuật mà lấy, đều đắc tội. Nếu mình không làm, song xui sử kẻ khác lấy đem cho mình, cũng mang tội trộm cướp. Ðiều thứ năm (dùng phương tiện), nếu dùng mưu mô phương tiện, như ăn hối lộ, đầu cơ bán chợ đen, giả đạo đức để gạt người lấy của..., cũng đều mang tội trộm.

- Thế nào là không tà dâm? Tà dâm có năm tướng, nếu không phạm các tướng đó, là không tà dâm. Năm tướng ấy là: 1- Của kẻ khác. 2- Biết của kẻ khác. 3- Nghi tâm. 4- Tự hành, phi đạo. 5- Phi xứ, phi thời.

Ðiều thứ nhất (của kẻ khác), đối với vợ hoặc chồng của kẻ khác, hay thanh nam, thiếu nữ còn non dại dưới quyền thủ hộ của cha mẹ, mà dẫn dụ, cưỡng bức làm việc phi hạnh, là mang tội tà dâm; kể đến sự nhiễm phạm cùng Quỷ-thần, Súc-sanh. Ðiều thứ hai (biết của kẻ khác), nếu biết là vợ chồng hay con cái của kẻ khác mà xâm phạm, tất nhiên đắc tội, vì cố ý. Như trường hợp lầm tưởng là chồng hay vợ của mình thì không phạm; điều nầy tuy ít khi xảy ra, nhưng chẳng phải là không có. Ðiều thứ ba (nghi tâm), như có nam hoặc nữ song sinh rất giống nhau, nghi không biết là vợ hay chồng của mình mà làm tà hạnh thì đắc tội vì có tâm gian nhiễm. Ðiều thứ tư (tự hành, phi đạo), như nam hay nữ tự làm việc thủ dâm, hoặc hành dâm, chẳng phải chỗ nam căn, nữ căn (phi đạo), đều đắc tội. Ðiều thứ năm (phi xứ, phi thời), tuy vợ chồng chánh thức, nhưng ăn nằm không phải chỗ, gần gũi không phải thời, không chừng độ, cũng phạm tội tà dâm. Phi xứ ở đây, còn chỉ cho nơi lầu xanh, nhà chứa.

- Thế nào là bốn nghiệp lành của miệng? Vọng ngữ gồm có một tướng chánh và bốn tướng phụ, nếu không phạm năm tướng đó, là không vọng ngữ. Năm tướng ấy là: 1- Như tướng vọng ngữ. 2- Nghi tâm. 3- Vô nghĩa. 4- Phi thời. 5- Tương ưng với ác pháp.

Ðiều thứ nhất (như tướng vọng ngữ) là chỉ cho bốn điều ác của miệng: nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói thô ác. Ðây là bốn điều chánh của vọng ngữ. Ðiều thứ hai (nghi tâm), lòng còn nghi ngờ chưa biết việc ấy có thật hay không, liền vội nói ra với tánh cách quả quyết rằng có, tất phạm tội vọng ngữ. Ðiều thứ ba (vô nghĩa), nói những lời bông lông không chủ đích, trái với thật nghĩa, đã vô ích còn làm mất thời giờ của mình và người, đều là nói vọng. Ðiều thứ tư (phi thời), lời nói tuy có nghĩa lý, nhưng không phải thời phải lúc, rốt cuộc duy thành hư thuyết, chỉ làm người chán, không đem lại lợi ích cho ai, cũng là lỗi vọng ngữ. Ðiều thứ năm (tương ưng ác pháp), nói những lời châm biếm xa gần làm cho người khó chịu, hoặc lời bỡn cợt khiến cho người sanh buồn giận, sợ hãi, tán tâm, hay hát ca điều phi pháp, khích động dục niệm cho đến tâm háo sát căm thù của kẻ khác, đều là những lời tương ưng với ác pháp cũng mang tội nói vọng. Bốn tướng sau đây là những điều phụ của vọng ngữ.

- Thế nào là ba nghiệp lành của ý? Ðó là không tham, không sân, không si mê tà kiến. Không tham là không luyến trước theo ngũ dục, hằng giữ lòng trong sạch. Không sân là không giận trong những trường hợp vô lý hay hữu lý, mà hằng giữ lòng trung thứ, xót thương. Không si mê tà kiến là không tối tăm hàng động trái với lẽ phải, hoặc chấp theo thiên kiến rồi khinh hủy chánh-pháp, bài bác nhân-quả, mà hằng tìm hiểu Kinh-điển, suy nghiệm lẽ thật, làm cho trí huệ phát sanh.

Trên đây là lược thuyết về mười nghiệp lành thuộc nhân thiên thừa. Cũng mười điều nầy, đối với hàng Nhị-thừa và Bồ-Tát, còn có những tầm mức sâu xa hơn nữa. (Lược trích Pháp-Uyển-Châu-Lâm)

Tiết IV: Nhân quả của Thập thiện

Trong kinh Thập-Thiện-Nghiệp-Ðạo, Đức Phật bảo: - Nầy Long-vương! Nếu không sát sanh, tất được thành tựu mười pháp ly não. Mười pháp ấy là: 1- Bố thí vô úy cho tất cả chúng-sanh. 2- Ðối với hữu-tình thường khởi lòng đại từ. 3- Dứt hết tập khí giận hờn. 4- Thân thường không bịnh. 5- Thọ mạng lâu dài. 6- Hằng được loài phi nhân thủ hộ. 7- Giấc ngủ yên ổn không ác mộng. 8- Giải trừ hết oán thù. 9- Không sợ đọa vào ác đạo. 10- Mạng chung sanh lên cõi trời.

Ðó là mười pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ được thọ mạng tùy tâm tự tại.

- Nầy Long-vương! Nếu không trộm cướp, tất được thành tựu mười pháp bảo tín. Mười pháp ấy là: 1- Tiền của đầy đủ, không bị vua, giặc, nước, lửa, con hoang phá hoại. 2- Ðược nhiều người yêu mến. 3- Người không khi phụ. 4- Các nơi đều khen ngợi. 5- Không lo bị tổn hại. 6- Tiếng tốt đồn xa. 7- Ở giữa quần chúng không sợ hãi. 8- Tài, mạng, sắc, lực đều tốt, biện tài tham lợi đầy đủ. 9- Hằng có lòng bố thí. 10- Mạng chung sanh lên cõi trời.

Ðó là mười pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ chứng được trí đại bồ-đề thanh tịnh.

- Nầy Long-vương! Nếu không tà hạnh, tất được bốn pháp mà người trí khen ngợi. Bốn pháp ấy là: 1- Các căn đoan chánh. 2- Hằng khỏi sự phiền phức. 3- Ðược mọi người khen ngợi. 4- Thê thiếp không bị ai xâm phạm.

Ðó là bốn pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ được tướng trượng phu ẩn mật tàng của Như-Lai.

- Nầy Long-vương! Nếu không nói dối, tất được tám pháp hàng chư thiên hằng khen ngợi. Tám pháp ấy là: 1- Miệng thường thơm sạch, có mùi hương Ưu-Bát-La. 2- Ðược tất cả thế gian tin phục. 3- Lời nói có chứng thật, trời người kính mến. 4- Hằng dùng ái ngữ an ủi chúng-sanh. 5- Ba nghiệp thanh tịnh, được sự vui xứng ý. 6- Lời không lầm lỗi, tâm thường an vui. 7- Lời nói tôn trọng, trời người tuân hành. 8- Trí huệ thù thắng, không ai chế phục được.

Ðó là tám pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ được chân thật ngữ của Như-Lai.

- Nầy Long-vương! Nếu không nói đôi chiều tất được năm pháp không thể hoại. Năm pháp ấy là: 1- Ðược thân bất hoại, người không thể hại. 2- Ðược quyến thuộc bất hoại, người không thể phá. 3- Ðược lòng tin bất hoại, sự tu hành kiên cố. 4- Ðược thiện tri thức bất hoại, không dối gạt nhau.

Ðó là năm pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ được quyến thuộc chân chánh, các ma ngoại-đạo không thể phá hoại.

- Nầy Long-vương! Nếu không nói lời thô ác, tất được thành tựu tám pháp tịnh nghiệp. Tám pháp ấy là: 1- Lời nói không trái độ. 2- Lời nói có lợi ích. 3- Lời nói khế lý. 4- Lời nói êm đẹp. 5- Lời nói được vâng thuận. 6- Lời nói được tin dùng. 7- Lời nói không ai chê. 8- Lời nói được mọi người ưa thích.

Ðó là tám pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ được đầy đủ tướng Phạm âm của Như-Lai.

- Nầy Long-vương! Nếu không nói thêu dệt, tất được thành tựu ba pháp quyết định: Ba pháp ấy là: 1- Quyết định được người trí yêu mến. 2- Quyết định có thể dùng trí như thật để hỏi đáp. 3- Quyết định có oai đức tối thắng trong hàng nhơn thiên.

Ðó là ba pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ được thọ ký không hư dối của Như-Lai.

- Nầy Long-vương! Nếu không tham dục, tất được thành tựu năm pháp tự tại. Năm pháp ấy là: 1- Ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ. 2- Tài vật tự tại, tất cả oán địch không thể cướp được. 3- Phước đức tự tại, tùy tâm mong muốn, các vật đều đầy đủ. 4- Ngôi vua tự tại, cái nơi đều dâng hiến kỳ trân dị vật. 5- Những vật thu được còn tốt đẹp hơn ý mong muốn trăm bội phần, do bởi túc nhân không ganh ghét bỏn sẻn.

Ðó là năm pháp, nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ là bậc tối tôn trong ba cõi, được tất cả cung kính cúng dường.

- Nầy Long-vương! Nếu không giận hờn, tất được tám pháp vui đẹp. Tám pháp ấy là: 1- Không có lòng tổn não. 2- Không có lòng giận hờn. 3- Không có lòng tranh kiện. 4- Tâm hằng nhu hòa chất trực. 5- Ðược tâm từ của bậc thánh. 6- Tâm hằng nghĩ đến sự làm cho chúng-sanh được lợi ích an vui. 7- Thân tướng đoan nghiêm, chúng đều tôn kính. 8- Do lòng hòa nhẫn, mau sanh về cõi Phạm-Thiên.

Ðó là tám pháp, nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ được tâm vô ngại, mọi người chiêm ngưỡng không nhàm chán.

- Nầy Long-vương! Nếu không tà kiến, sẽ được thành tựu mười pháp công đức. Mười pháp ấy là: 1- Ðược bạn chân thiện, sự vui chân chánh về ý. 2- Tin sâu lý nhân-quả, thà bỏ thân mạng quyết không làm ác. 3- Chỉ quy-y Phật, không quy-y thiên thần, quỷ loại. 4- Lòng ngay thẳng có chánh kiến, xa lìa tất cả lưới nghi. 5- Thường sanh cõi nhơn thiên, không đọa lạc vào ác đạo. 6- Vô lượng phước huệ thù thắng ngày càng tăng thêm. 7- Xa lìa đường tà, hằng đi nơi đường thánh. 8- Không khởi thân kiến, xả các nghiệp ác. 9- Trụ nơi chánh kiến vô ngại. 10- Không bị đọa vào các nạn.

Ðó là mười pháp, nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ mau chứng tất cả Phật-pháp, thành tựu sức thần thông tự tại.

Xem tiếp Chương 7 (Thiên thứ ba)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6757496