Học

Phật học tinh yếu - Chương 8 (Thiên thứ nhất)

PHẬT HỌC TINH YẾU

Hòa thượng THÍCH THIỀN TÂM

(Trọn bộ 3 thiên)

 

THIÊN THỨ NHẤT

Chương 8: Sự phân phái của đạo Phật

Tiết mục:
I. Nguồn gốc phân phái 

II. Hai mươi bộ phái
III. Nhân duyên phát xuất của các bộ
IV. So sánh các bộ phái theo Nam Bắc-truyền
(Kinh sách tham khảo: Dị-Bộ-Tông-Luân-Luận, Tăng-Kỳ-Luật-Tư-Ký, Đại-Tỳ-Bà-Sa-Luận, Ấn-Độ-Phật-Giáo-Sử-Lược, Tứ-Phần-Như-Thích.)
Đề yếu: Nguồn gốc phân phái theo Nam, Bắc-truyền có nhiều thuyết khác nhau. Vì thế, nội dung của tiết thứ nhất đã nêu ra các thuyết sai biệt để làm một cuộc so sánh, và chọn lấy điểm hợp lý, cho học giả khi tham khảo khỏi phải phân vân. Các bộ phái theo Nam, Bắc-truyền lại cũng sai khác, cần phải giản trạch thuyết nào được lưu thông hơn, để làm tiêu điểm nghiên cứu. Tiết thứ hai đã trình bày về việc nầy. Phần đại khái của hai tiết sau, là lược thuật nhân duyên xuất phát của các bộ; cùng giảo định lại một lần nữa, sự sai biệt giữa Nam và Bắc-truyền. Trong đây điểm chánh yếu là tuy Phật-giáo có chia ra nhiều chi phái, song không phương hại gì đến tiêu chuẩn tự lợi lợi tha.

Đối với hàng thức giả, việc đó cũng không đáng lưu tâm, vì sự sai biệt vẫn là lẽ tất nhiên của cuộc đời tương đối.

Tiết I: Nguồn gốc phân phái

Mối phân chia của giáo-đoàn đạo Phật là do sự đối lập của Thượng-Tọa-bộ và Đại-Chúng-bộ. Từ hai bộ căn bản, lại chia thành nhiều chi phái. Những chi phái nầy, theo Bắc-truyền và Nam-truyền, có chỗ khác nhau, tiết sau sẽ đề cập đến.

Những thuyết về Thượng-Tọa-bộ, Đại-Chúng-bộ căn bản của các chi phái về sau, cứ theo Nam và Bắc-truyền, lại có nhiều sự việc không đồng. Nay nêu ra đây để so lại:

Theo Nam-truyền thì sau khi Ðức Thế-Tôn diệt độ 100 năm, vua Ca-La-A-Dục ủng hộ tân phái của Tỷ-khưu Bạt-Kỳ, do đó gây thành sự phân chia hai bộ. Và sau khi Phật niết-bàn 200 năm, ở chùa Ma-Yết-Đà tại Kê-Viên (chùa nầy cũng gọi Kê-Viên-tự), chư Tăng có sự tranh chấp về đạo lý, A-Dục-Vương không biết phương pháp điều giải, mới hỏi ý kiến của Đại-Thiên.

Theo Bắc-truyền, sau khi Phật diệt độ 100 năm, có con của người thuyền chủ tên là Đại-Thiên xuất-gia trong Phật-pháp, song vẫn giữ chủ thuyết của ngoại-đạo. Lúc hai bộ phân tranh, vị quốc-vương thời bấy giờ là A-Dục-Vương, ủng hộ phe phái của Đại-Thiên, và có hỏi ý kiến vị Tỷ-khưu nầy về sự tranh chấp ở Kê-Viên. Lại, sau khi Ðức Thế-Tôn nhập diệt 200 năm, có người ngoại-đạo tên là Đại-Thiên xuất-gia theo Phật-pháp, thọ giới Cụ-túc trong Đại-Chúng-bộ, học nhiều, tinh tấn, cư trú ở Chế-Đa-Sơn.

So sánh hai thuyết trên, ta thấy thuyết của Nam-truyền có phần rành rẽ hơn. Còn thuyết của Bắc-truyền thì có sự lầm lẫn về người và niên đại, đem vị quốc-vương sau Phật 100 năm làm A-Dục-Vương, đem Bạt-Kỳ làm Đại-Thiên. Suy nghĩ kỹ, trước sau chỉ là một Đại-Thiên; Đại-Thiên tặc-trụ-tỷ-khưu là nhơn vật lịch sử, còn Đại-Thiên sau Phật 100 năm chỉ là nhân vật ảnh tả. Cho nên, sau khi thẩm định ta thấy thuyết của Bắc-truyền lấy sự việc sau khi Phật diệt độ 100 năm và 200 năm, hỗn hợp làm một. Lại, Phật-giáo-đồ Bắc-phương phần nhiều lấy sự kiết-tập kỳ hai do Đại-Chúng-bộ và Thượng-Tọa-bộ mà kéo lại sớm 100 năm, hợp đồng thời với sự kiết-tập lần đầu do ngài Ca-Diếp đề xướng. Bởi duyên cớ đó, thuyết A-Dục và Đại-Thiên của Bắc-truyền mới sớm hơn thuyết Nam-truyền 100 năm. Nhưng thuyết của Nam-truyền cũng có chỗ sai lầm về vua A-Dục. Thuyết nầy cho rằng sau Phật 100 năm có vua Ca-La-A-Dục (Candàsoka) tức là Hắc-A-Dục sau Phật 200 năm có Pháp-A-Dục. Xét lại, trước sau cũng chỉ là một A-Dục-Vương thôi; vì vua A-Dục trước tiên làm ác, nên dân chúng gọi là Hắc-A-Dục, sau khi nương về đạo Phật, trở lại làm lành, nên được xưng là Pháp-A-Dục.

Lại, theo thuyết của Nam-truyền thì sự phân phái là do mười điều phi pháp. Theo thuyết của Bắc-truyền, có chỗ nói đồng như sự kiện trên, chỗ lại nói sự phân chia bộ phái là do năm điều tân thuyết của Đại-Thiên. Nay cũng xin nêu việc ấy ra đây để bàn định.

Về lịch sử của Đại-Thiên, trong Tông-Luân-Luận của ngài Thế-Hữu và Đại-Tỳ-Bà-Sa-Luận của ngài Long-Thọ có những điểm khác nhau. Dung hòa ý chính của hai bộ luận, bỏ các chi tiết đáng nghi ngờ, chẳng hạn như việc Đại-Thiên giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, thì lịch sử của Đại-Thiên đại khái như sau:

Khi Ðức Thế-Tôn niết-bàn cách 200 năm về sau, ở nước Ma-Thâu-La (Mathurà) thuộc miền Trung-Ấn, có con của một thuyền chủ, tên là Đại-Thiên (Mahadeva Ma-Ha-Đề-Bà). Trước tiên Đại-Thiên xuất-gia theo ngoại-đạo, sau lại quy đầu Phật-pháp. Vốn là người thông mẫn, sau khi thọ giới tu hành không bao lâu, Đại-Thiên đã học suốt, ghi nhớ văn nghĩa trong ba tạng, và tự xưng mình đã chứng quả A-la-hán. Một hôm, nhân bị mộng tiết, ông sai đệ-tử đem giặt y. Người đệ-tử nghe thầy tự xưng là A-la-hán, sao nay lại có việc như thế, mới đem chuyện ấy ra hỏi. Đại-Thiên đáp: “Sự di lậu có hai nguyên nhân: một là do phiền não, hai là do sinh lý. Bậc A-la-hán đã đoạn hết phiền não, nhưng vì còn có nhục thân, nên khi thể chất sung cường, lúc ngủ nghỉ bị ma dụ hoặc, cũng có di lậu”. (Điều 1).

Muốn cho đệ-tử hoan hỷ, Đại-Thiên chọn người nào thông huệ, thọ ký cho một trong bốn đạo quả Sa-môn. Đệ-tử hỏi: “Tôi nghe bậc A-la-hán tự có chứng trí, tại sao chúng tôi chứng quả mà không tự biết?” Đại-Thiên giải thích: “Sự không biết có hai thứ: một là nhiễm-ô-vô-tri, hai là bất-nhiễm-vô-tri. Bậc A-la-hán tuy đã dứt hết phiền não nhiễm ô, nhưng không phải biết hết chân tướng của mọi sự vật. Vì thế nên các ông không tự biết”. (Điều 2).
Đệ-tử lại hỏi: “Tôi nghe bậc A-la-hán đã lìa nghi hoặc, tại sao chúng tôi đã chứng quả mà còn có sự do dự hồ nghi?” Đại-Thiên đáp: “Nghi có hai thứ: một là tùy-miên-nghi, hai là xứ-phi-xứ-nghi. Bậc A-la-hán không còn cái thứ nhất, nhưng đối với công việc có khi sanh nghi ngờ thế nào là hợp lý, thế nào là không hợp lý”. (Điều 3).

Lại một hôm, các đệ-tử đọc kinh đến câu: “Bậc A-la-hán có huệ nhãn, tự biết mình được giải thoát”, liền đến hỏi thầy rằng: “Chúng tôi đã là A-la-hán, nên tự chứng biết, tại sao do người khác bảo, mới biết mình chứng nhập?” Đại-Thiên nói: “Bậc A-la-hán phải do người khác bảo mới biết mình đã chứng ngộ. Như ngài Xá-Lợi-Phất trí huệ đệ nhất, ngài Mục-Kiền-Liên thần thông đệ nhất, khi Phật chưa ấn chứng còn không tự biết, huống nữa là các ông”. (Điều 4).

Đại-Thiên đã có nhiều lầm lỗi như thế, song căn lành chưa đoạn. Nên một hôm, vào lúc nửa đêm, ông suy nghĩ đến việc quấy của mình, bất giác xướng lên: “Khổ thay! Khổ thay!” Các đệ-tử nghe được kinh hãi, sáng ra hỏi thăm. Đại-Thiên bảo: “Phàm thấy cuộc đời là khổ, là vô thường, mà không chí thành xưng khổ, thì thánh-đạo không hiện khởi”. (Điều 5).Sau khi đã bịa ra năm điều ấy, nhân một ngày bố-tát ở tại chùa Kê-Viên (Kukkutarama), Đại-Thiên đối trước chư Tăng, tự đọc ra bài kệ:

“Dư sở dụ, vô tri.

Do dự, tha linh nhập.

Đạo nhân thanh cố khởi.

Thị danh chân Phật-giáo”.

Bài kệ nầy không ngoài ý thuật lại năm điều trên, và gán cho đó là đúng theo kinh Phật; tạm dịch:

“Ma dụ hoặc, không biết.

Nghi ngờ, người bảo chứng.

Đạo nhân tiếng mà sanh.

Đây chính là Phật-giáo”.

Khi bố-tát xong, ông còn đọc lại bài kệ ấy lần nữa, và nói với đại chúng: “Khi Ðức Như-Lai còn ở đời, chư thiên và tứ-chúng nói ra, đều phải được Phật ấn chứng, mới gọi là Kinh. Nay Thế-Tôn đã diệt độ, nếu trong đại chúng người nào thông minh, đủ biện tài thuyết pháp, cũng có thể trứ tác Kinh-điển”.

Bấy giờ, những vị Trưởng-lão học rộng giữ giới, nghe bài tụng ấy đều kinh ngạc, rồi sửa lại câu sau: “Đây chính là ngoại giáo”. Do đó, nguồn tranh biện nổi lên, các hàng sĩ thứ cho đến đại-thần trong thành ngăn dứt không được. Lúc đó A-Dục-Vương nghe biết, đến Kê-Viên-tự khuyên giải, nhưng hai bên đều tranh chấp không nhường nhau. Vua cũng nghi ngờ, hỏi ý kiến Đại-Thiên, ông nầy bảo: “Theo pháp diệt tránh trong giới kinh, nên lấy theo sự chấp thuận của phần đông”. Lúc ấy, phái Trưởng-lão ít hơn phe của Đại-Thiên, nên ông chiếm phần ưu thắng. Tuy nhiên sự phân tranh cũng không dứt, nhân đó mới chia ra các bộ phái về sau.

Trên đây là một thuyết của Bắc-truyền, còn thuyết thứ hai, như trong bộ Chấp-Dị-Luận bản dịch của đời nhà Lương, đồng cứ bản với Tông-Luân-Luận, thì không nói rõ việc Đại-Thiên sáng chế năm điều, chỉ bảo: “Ngoại-đạo lập ra năm thứ nhân duyên”. Và, trong Thập-Bát-Bộ-Luận của ngài La-Thập dịch, cũng không nói rõ việc ấy, chỉ thuật: “Bấy giờ có Tỷ-khưu tên Năng, cũng gọi Nhân-Duyên, Đa-Văn, nói có năm pháp để dạy chúng-sanh”.

Y cứ theo các kinh sách của Nam, Bắc-tông, dung hội lại những ý chính, ta có thể kết luận nguồn gốc phân phái như sau:

Khi Ðức Thế-Tôn niết-bàn, cách 100 năm sau, do chư Tăng thuộc khuynh hướng canh tân theo quan niệm khoáng đại trì giới, chư Tăng thuộc khuynh hướng bảo thủ theo quan niệm tồn cổ trì giới, tranh chấp với nhau về mười điều, nên mới chia thành Thượng-Tọa-bộ và Đại-Chúng-bộ. Quan niệm của những phần tử thuộc hai bộ trên đây, vì không dung nạp lẫn nhau, nên mới phát sanh ra nhiều tư tưởng và từ đó lần lần phân tán thành nhiều bộ phái. Đây là nguyên nhân chính. Còn về việc của Đại-Thiên thì sau khi Ðức Thế-Tôn diệt độ 200 năm, nhằm thời A-Dục-Vương, Phật-pháp được đại thạnh. Lúc bấy giờ, phần đông dân chúng đều hướng về chư Tăng để cúng dường. Do đó, các ngoại-đạo mất nhiều lợi dưỡng, nên có một nhóm tự cạo râu tóc lẫn vào trong đoàn thể Tăng-già. Nhưng vì hấp thụ theo ngoại giáo đã lâu, sau khi vào Phật-pháp, họ vẫn giữ chủ thuyết cũ. Vì thế mới sanh ra sự tranh chấp ý kiến trong Tăng-đoàn. A-Dục-Vương nghe biết được, mới tập hợp tất cả tăng chúng rồi gạn lọc lại, đưa những kẻ tặc-trụ-tỷ-khưu trở về đạo của họ. Nhưng trong nhóm ấy có độ ba trăm người bác đạt, thông thuộc Tam-tạng, thành thử họ không chịu khuất phục. Lúc đó thế lực ngoại-đạo cũng khá mạnh, vua nghĩ họ thông minh và nhiều bè đảng, nếu đuổi đi hết e gây ra sự không hay cho Phật-pháp, mới đem an trí riêng một nơi, tại chùa Kê-Viên ở Chế-Đa-Sơn. Nhưng khi tới đây do kiến giải sai biệt, họ lại tranh chấp với chư Tăng cựu trụ. Người cầm đầu số đông trong cuộc tranh chấp nầy là Đại-Thiên. Về sau, A-Dục-Vương hay tin, giải quyết không được, đến núi A-Hô-Hằng-Già thỉnh Tôn-giả Mục-Liên-Đế-Tu thanh lọc lần thứ hai, trục xuất những kẻ phá hoại, việc ấy mới yên. Về năm điều trên, có thể là những cựu thuyết mà Đại-Thiên đã hấp thụ từ trước rồi nhân cơ hội gây nên thành quả, chưa chắc do ông ta sáng chế ra. Năm thuyết của Đại-Thiên, xét ra, thật không đúng với chánh-pháp. Nhưng dù sao, ông cũng đã dự phần gây ảnh hưởng chia rẽ trong đoàn thể Tăng-già, một thời gian khá lâu.
Tiết II: Hai mươi bộ phái

Sau lần kiết-tập thứ hai, trong giáo đoàn đạo Phật, vì khuynh hướng tự do một ngày một nảy nở, các tư tưởng mới bộc hưng, nên sự phân môn rẽ phái mỗi ngày một nhiều. Việc phân chia nầy bắt nguồn từ hai phái căn bản là Thượng-Tọa-bộ (Sthavira Theravada) và Đại-Chúng-bộ (Mahàsànghikà). Về niên đại phân liệt của các bộ phái, theo Nam-truyền, vào khoảng sau Phật diệt độ từ 100 năm đến 300 năm. Theo Bắc-truyền thì sau khi Ðức Thế-Tôn niết-bàn, trong khoảng 100 đến hơn 200 năm là thời kỳ phân phái của Đại-Chúng-bộ, trong khoảng 300 đến 400 năm là thời kỳ phân phái của Thượng-Tọa-bộ.

Về số mục của các bộ phái, theo Nam-truyền, trước tiên có 18 bộ, hai trăm năm về sau từ Đại-Chúng-bộ xuất sanh thêm sáu bộ nữa, tổng cộng là 24 bộ; theo Bắc-truyền thì có 18 bộ, gồm hai bộ căn bản là 20 bộ. Danh mục của các bộ phái Nam-truyền so với Bắc-truyền, có đôi chút khác nhau. Nay xin căn cứ theo Dị-Bộ-Tông-Luân-Luận của ngài Thế-Hữu (Huyền-Trang dịch), một bộ sách rất được thông hành, để ghi lại sự phân chia của các bộ phái:

Trước tiên, bởi sớm phong phú về tư tưởng tự do, từ Đại-Chúng-bộ xuất sanh ra ba bộ: Nhất-Thuyết, Thuyết-Xuất-Thế, Kê-Dẫn. Lần thứ hai phát sanh ra Đa-Văn-bộ. Lần thứ ba phát sanh ra Thuyết-Giả-bộ. Lần thứ tư lại có ba bộ: Chế-Đa-Sơn, Tây-Sơn-Trụ, Bắc-Sơn-Trụ xuất hiện. Như thế, trong vòng sau Phật diệt độ 100 đến 200 năm, từ Đại-Chúng-bộ đã phân liệt ra chín phái, kể cả bản mạt.

Trong khoảng thời gian ấy, Thượng-Tọa-bộ lui ẩn về xứ Ca-Thấp-Di-La, giữ khuynh hướng bảo thủ, tôn trọng sự truyền thừa, hai bên cũng vẫn dung hòa nhau, không có sự tranh chấp. Nhưng sau vì chịu ảnh hưởng của Đại-Chúng-bộ, tư tưởng bảo thủ, truyền thừa của Thượng-Tọa-bộ cũng bị lay chuyển. Vì thế, trong khoảng thời gian từ 300 đến 400 năm sau Phật diệt độ, từ Thượng-Tọa-bộ phân chia ra mười bộ, kể cả bộ phái căn bản là mười một bộ. Sự xuất sanh của các phái nầy đã diễn ra như sau: Lần đầu tiên, từ Thượng-Tọa-bộ phân ra Thuyết-Nhất-Thiết-Hữu-bộ (cũng gọi Tát-Bà-Đa). Lần thứ hai, từ-Hữu-bộ phát sanh Độc-Tử-bộ. Lần thứ ba, từ Độc-Tử-bộ xuất hiện bốn bộ: Pháp-Thượng, Hiền-Trụ, Chánh-Lượng, Mật-Lâm-Sơn. Lần thứ tư, từ Hữu-bộ phát xuất Hóa-Địa-bộ. Lần thứ năm, từ Hóa-Địa-bộ phân liệt ra Pháp-Tạng-bộ. Lần thứ sáu, lại từ Hữu-bộ phát sanh Ẩm-Quang-bộ (cũng gọi Thiện-Tuế). Lần thứ bảy, cũng từ Hữu-bộ phát sanh Kinh-Lượng-bộ (cũng gọi Thuyết-Độ).

Về Thượng-Tọa-bộ, sau khi phân ra Thuyết-Nhất-Thiết-Hữu-bộ rồi, thế lực bị suy kém, phải lui về ẩn dật ở Tuyết-Sơn, nên lại có tên là Tuyết-Sơn-bộ. Để tiện cho người học Phật, xin nêu ra biểu đồ phân phái như sau:
Tiết III: Nhân duyên phát xuất của các bộ

Các phái trên đây, bởi tư tưởng không đồng nên thành đối lập, vì thế phải phân chia ra. Những nhân duyên ấy, theo bản truyền của ngài Chân-Đế, đại lược như sau:
1. Đại-Chúng-bộ: Bộ nầy phát xuất sau khi có sự tranh chấp mười điều giới luật. Về sau, bộ chúng lần lần thêm nhiều, cư trụ ở xứ Ương-Quật-Đa-La (Angottara) thuộc phương Bắc thành Vương-Xá.

2. Nhất-Thuyết-bộ: Giáo-đoàn của Đại-Chúng-bộ nhân nghiên cứu các kinh Đại-thừa như: Hoa-Nghiêm, Niết-Bàn, Thắng-Man, Duy-Ma, Kim-Quang-Minh... có kẻ tin, kẻ không tin. Những người tin theo Đại-thừa lại có ba xu hướng, và tự tách ra thành ba bộ phái. Phái thứ nhất trong ba bộ nầy, cho rằng tất cả các pháp thế và xuất thế gian đều là giả danh không có thật thể. Đây là Nhất-Thế-bộ, và điểm trên là tư tưởng chính của họ.

3. Thuyết-Xuất-Thế-bộ: Phái thứ hai tin theo Đại-thừa, là Thuyết-Xuất-Thế-bộ. Theo phái nầy, tất cả pháp thế gian đều bởi điên đảo sanh ra; nghĩa là do điên đảo nên khởi phiền não, từ phiền não mà gây nghiệp và từ nghiệp cảm chịu quả báo. Vì vậy các pháp thế gian đều là hư vọng, giả danh. Trái lại, pháp xuất thế gian là chân thật, vì từ thật cảnh khởi thật trí, và do thật trí đạt đến thật cảnh.

4. Kê-Dẫn-bộ: Phái thứ ba tin theo Đại-thừa là Kê-Dẫn-bộ. Theo phái nầy, hai tạng Kinh và Luật là phương tiện giả thuyết của Ðức Thế-Tôn. Như một bài kệ trong kinh nói: “Tùy nghi ăn, mặc, ở. Miễn mau dứt phiền não”. Thế thì những hình thức bên ngoài đều thuộc phương tiện, mà sự diệt phiền não mới là chủ điểm. Cho nên chỉ có Luận tạng là giáo điển thiết thật, vì tạng nầy giải thích nghĩa lý tinh vi rõ ràng. Do đó, họ thành lập một bộ phái riêng.

5. Đa-Văn-bộ: Khi Đức Phật còn tại thế, có một vị A-la-hán tên là Tự-Bì-Y (Yajnavalkya). Nguyên Tự-Bì-Y là một tiên-nhơn, mặc áo vỏ cây, thờ trời, sau xuất-gia trong Phật-pháp chứng được đạo quả. La hán Tự-Bì-Y thường theo Phật, ghi nhớ thọ trì tất cả giáo nghĩa. Trước khi Ðức Thế-Tôn diệt độ, Ngài vào nhập định ở Tuyết-Sơn. Sau Phật niết-bàn 200 năm, Ngài xuất định, đến nước Ương-Quật-Đa-La, thấy Đại-Chúng-bộ chỉ hoằng dương nghĩa nông cạn của ba tạng, rất lấy làm kinh ngạc. Do đó, La-hán Tự-Bì-Y đọc lại tất cả nghĩa thâm thúy về Đại-thừa của pháp tạng. Một số tăng sĩ thọ trì pháp-giới của Ngài, và biệt lập thành Đa-Văn-bộ, để nghiên cứu những nghĩa lý rộng sâu trong Kinh, Luật, Luận.

6. Thuyết-Giả-bộ: Ở nước Ma-Ha-Lạt-Đà (Mahàrattha) có vị Tỷ-khưu danh đức tên Đại-Ca-Chiên-Diên (Mahàkàtyàyana). Ngài đem giáo nghĩa trong ba tạng phân tích thế nào là nhân, quả, thật thuyết, giả thuyết, chân đế, tục đế. Do nhân duyên đó, có một nhóm tăng sĩ chủ trương giải thích Tam-tạng theo lối nầy, để tùy nghi lựa chọn thủ xả, và biệt lập thành Thuyết-Giả-bộ.

7. Chế-Đa-Sơn-bộ,

8. Tây-Sơn-Trụ-bộ,

9. Bắc-Sơn-Trụ-bộ: Như trên đã kể, do Đại-Thiên cầm đầu nhóm bác đạt, gây ra cuộc tranh chấp trong nội bộ Tăng-chúng. Khi A-Dục-Vương và Tôn-giả Mục-Liên-Đế-Tu đến giải quyết, công việc mới yên. Nhưng từ đó, chư Tăng ở đây cũng bị ảnh hưởng ấy, chia nhau cư trụ ba nơi và lập thành ba bộ phái. Phái ở chỗ cũ gọi là Chế-Đa-Sơn-bộ; phái ở phía tây Chế-Đa-Sơn gọi là Tây-Sơn-Trụ-bộ; phái ở phía bắc Chế-Đa-Sơn gọi là Bắc-Sơn-Trụ-bộ.

10. Thượng-Tọa-bộ: Bộ nầy cũng phát xuất sau khi có sự tranh chấp về mười điều giới luật. Đại khái Thượng-Tọa-bộ chủ trương bảo thủ cựu phong mà tu hành, lấy Kinh tạng làm bản vị. Chư Tăng trong bộ nầy cho rằng, Luật vì y theo người nên có sự bất định về các điều khai, giá (mở rộng, nghiêm cấm); còn Luận tuy giải thích Kinh, nhưng lại hay đi xa với nghĩa căn bản của Kinh. Vì thế, họ lấy Kinh làm tiêu chuẩn, mà không mấy trọng Luật, Luận.

11. Thuyết-Nhất-Thiết-Hữu-Bộ (cũng gọi Thuyết Nhân): Thời đại thay đổi, tư tưởng con người cũng biến thiên; về sau các nhà học Phật lần lần theo khuynh hướng trọng Luận nhẹ Kinh. Sau khi Ðức Thế-Tôn diệt độ 300 năm, có ngài Ca-Chiên-Diên-Ni-Tử (Kàtyàyaniputtra) ra đời. Ngài là bậc thạc học trong Phật-giáo, tinh thông Tam-tạng, nhưng không thích chủ trương lấy Kinh làm bản vị của Thượng-Tọa-bộ. Trong khi tu trì ở chùa Ám-Lâm (tàmasavanasamghàràma) nước Chi-Na-Bộc-Để (Cinabhukti) thuộc Bắc-Ấn, Ca-Chiên-Diên-Ni-Tử đã chế tác ra bộ Phát-Trí-luận. Tuy cũng hoằng truyền cả Kinh và Luật nhưng ngài lại thiên trọng về Luận, lập ra Thuyết-Nhất-Thiết-Hữu-bộ, lấy Luận tạng làm bản vị.

12. Độc-Tử-bộ (cũng gọi Trụ-Tử-bộ): Bộ nầy cũng lấy Luận tạng làm bản vị, nhưng sở y về Luận-tạng khác hơn Hữu-bộ. Chư Tăng phái nầy lấy bộ A-Tỳ-Đàm của ngài Xá-Lợi-Phất làm tiêu chuẩn. Đệ-tử ngài Xá-Lợi-Phất là La-Hầu-La, đệ-tử của ngài La-Hầu-La là Độc-Tử (Vàtsìputra). Về sau hậu duệ của ngài Độc-Tử lập ra phái nầy, nên nếu gọi cho đủ là: Độc-Tử-Đệ-Tử-bộ.

13. Pháp-Thượng-bộ, 
14. Hiền-Trụ-bộ, 
15. Chánh-Lượng-bộ, 
16. Mật-Lâm-Sơn-bộ: Bốn bộ nầy cũng lấy Luận-tạng làm bản vị, và được phân xuất từ Độc-Tử-bộ. Nguyên khi chư Tăng phái Độc-Tử giải thích bộ A-Tỳ-Đàm của ngài Xá-Lợi-Phất, đến đoạn nào quá đơn giản thì đem nghĩa của Kinh thêm vào. Vì trong sự tăng bổ có nhiều ý kiến bất đồng, nên từ nơi bản bộ, lại phát xuất ra bốn bộ trên đây.

17. Hóa-Địa-bộ: Bộ nầy cũng từ nơi Hữu-bộ mà biệt xuất. Nguyên sau khi Phật diệt độ 300 năm, có người Bà-La-Môn tên là Hóa-Địa, tinh thông mọi giáo nghĩa của Tứ-Phệ-Ðà thánh-điển. Sau ông xuất-gia trong Phật-pháp tu hành, chứng quả A-la-hán. Nhân khi giảng đọc Kinh-điển, đến chỗ nào thiếu sót, ông đem lời văn của kinh Phệ-Ðà và văn điển Phạm-ngữ để tu sức, ý nghĩa đồng như Phật nói. Các đệ-tử tin tưởng lời thuyết pháp của thầy, nên sau khi ông viên tịch, họ lập thành một phái riêng, lấy tên là Hóa-Địa-bộ.

18. Pháp-Tạng-bộ: Nhân duyên phát xuất của bộ nầy, do một vị tôn đức tên là Pháp-Tạng (Dharmagupta). Nguyên trước kia A-la-hán Pháp-Tạng là đệ-tử của Tôn-giả Mục-Kiền-Liên. Nhân thường đi theo thầy du hóa, ngài ghi nhớ tất cả những điều gì Tôn-giả đã nói. Sau khi Tôn-giả Mục-Kiền-Liên viên tịch, ngài đem Kinh-điển chia thành năm tạng. Kinh, Luật, Luận, Mật-Chú và Bồ-Tát tạng. Chư Tăng trong Hóa-Địa-bộ có một số người tin tưởng theo thuyết nầy, nên biệt lập thành ra Pháp-Tạng-bộ.

19. Ẩm-Quang-bộ (cũng gọi Thiện-Tuế): Khi Ðức Như-Lai còn ở đời, Tôn-giả Ẩm-Quang (Kasyapa - Ca-Diếp) thọ trì rất nhiều pháp giáo của Phật. Về sau, ngài tập hợp những pháp giáo ấy, chia thành hai loại: bộ phận phá tà thuyết của ngoại-đạo, và bộ phận đối trị phiền não của chúng-sanh. Do nhân duyên đó, người sau tin theo pháp giáo nầy, biệt lập thành một phái, lấy tên là Ẩm-Quang-bộ.

20. Kinh-Lượng-bộ: Bộ nầy lấy Kinh-tạng làm lượng, không y theo Luật, Luận, nên gọi là Kinh-Lượng. Kinh-Lượng-bộ lại có tên là Thuyết-Độ hoặc Thuyết-Chuyển. Hai danh từ nầy có nghĩa: cá thể của hữu-tình nếu nương theo kinh lượng, thì từ đời hiện tại chuyển đến vị lai, dù chưa đắc đạo nhưng hạt giống kinh pháp vẫn không tiêu diệt. Tóm lại, mục đích của phái nầy là phục cổ, chủ trương tái thiết lập trường của Thượng-Tọa-bộ.

Tiết IV: So sánh các bộ phái theo Nam, Bắc truyền

Trên đây là nhân duyên phát xuất các bộ phái theo Bắc-truyền. Vì muốn cho người học Phật có chỗ quy nhất, nên nội dung của bản chương chỉ chọn lựa thuyết nào đơn giản và được thông hành trong Nam hoặc Bắc-tông. Tuy nhiên, về thuyết của Nam-truyền, cũng nên nêu ra đại lược cho tiện việc tham khảo.

Theo Nam-truyền, trước tiên, về căn bản và chi mạt của Đại-Chúng-bộ, gồm có sáu phái: 1. Đại-Chúng-bộ. 2. Kê-Dẫn-bộ. 3. Nhất-Thuyết-bộ. 4. Thuyết-Giả-bộ. 5. Đa-Văn-bộ. 6. Thuyết-Chế-Đa-bộ.

Về văn bản và chi mạt của Thượng-Tọa-bộ, gồm 12 phái: 1. Thượng-Tọa-bộ. 2. Hóa-Địa-bộ. 3. Độc-Tử-bộ. 4. Pháp-Thượng-bộ. 5. Hiền-Trụ-bộ. 6. Lục-Thành-bộ. 7. Chánh-Lượng-bộ. 8. Thuyết-Nhất-Thiết-Hữu-bộ. 9. Pháp-Tạng-bộ. 10. Ẩm-Quang-bộ. 11. Thuyết-Chuyển-bộ. 12. Thuyết-Kinh-bộ.

Trước sau, cả Thượng-Tọa-bộ và Đại-Chúng-bộ, gồm có 18 bộ phái. Các bản cựu dịch gọi 18 bộ phái Tiểu-thừa chính là thuyết nầy. Khi Phật diệt độ 200 năm về sau, từ Đại-Chúng-bộ phát xuất thêm sáu bộ nữa là: Tuyết-Sơn, Vương-Sơn, Nghĩa-Thành, Tây-Vương-Sơn, Đông-Sơn, Tây-Sơn. Như thế, tổng cộng tất cả được 24 phái. Về nhân duyên xuất phái, bên Nam-tông không thấy có lưu truyền.

So sánh lại, bên Nam-truyền không có các bộ: Thuyết-Xuất-Thế, Bắc-Sơn-Trụ. Bên Bắc-truyền không có các bộ: Đông-Sơn, Tây-Sơn, Thuyết-Kinh, Thuyết-Chế-Đa. Ngoài ra, các bộ kia danh mục tuy khác, song ý nghĩa vẫn đồng, bất quá do sự chuyển đổi của ngôn ngữ mà thôi, như Thuyết-Chuyển gọi là Kinh-Lượng chẳng hạn. Lại, thứ lớp phát xuất của các phái theo Nam-truyền và Bắc-truyền cũng khác nhau. Vì không muốn có sự rối ren, nên trong đây không đề cập đến.

Tham khảo về chỗ đồng dị của các bộ phái theo Nam, Bắc-truyền thì, như bên Nam-truyền chia ra hai bộ: Thuyết-Chuyển, Thuyết-Kinh, bên Bắc-truyền xem đồng một phái, nên chỉ gọi là Kinh-Lượng-bộ. Bên Bắc-truyền cho Thượng-Tọa và Tuyết-Sơn đồng một bộ, bên Nam-truyền cho Tuyết-Sơn là chi phái riêng thuộc Đại-Chúng-bộ. Phái Thuyết Chế-Đa bên Nam-truyền có lẽ là Thuyết-Xuất-Thế bộ theo Bắc-truyền, vì về vấn đề cá nhân linh hồn, hai phái nầy lập luận giống nhau, và niên đại phát xuất cũng tương đồng. Theo Nam-truyền thì sau khi Phật diệt độ 200 năm, từ Đại-Chúng-bộ phát xuất sáu chi phái, hai bộ Đông-Sơn, Tây-Sơn trong đó, bên Bắc-truyền cũng có. Như Tây-Vức-Ký nói: “Ở xứ Đại-An-Đạt-La thuộc miền Nam-Ấn, có hai ngôi già lam kỳ cổ, tên là Đông-Sơn, Tây-Sơn. Hai ngôi chùa nầy do đục hang đá mà tạo thành. Tương truyền khi xưa hai chỗ nầy là cơ sở thuộc về Đại-Chúng-bộ”. Xem thế thì biết hai bộ ấy lập căn cứ nơi đây. Lục-Thành-bộ tức là Mật-Lâm-Sơn-bộ; vì bên Nam-truyền nói bốn bộ Pháp-Thượng, Hiền-Trụ, Lục-Thành, Chánh-Lượng phát xuất từ Độc-Tử-bộ, bên Bắc-truyền cũng gọi bốn bộ Pháp-Thượng, Hiền-Trụ, Mật-Lâm-Sơn, Chánh-Lượng phát xuất từ Độc-Tử-bộ. Các bộ phái: Vương-Sơn, Tây-Vương-Sơn, Nghĩa-Thành không có danh mục bên Bắc-truyền, nhưng căn cứ theo Bồ-Đề-Sử (Bodhivamsa), ta có thể đoán định Vương-Sơn chính là Chế-Đa-Sơn, Tây-Vương-Sơn chính là Tây-Sơn-Trụ, và Nghĩa-Thành chính là Bắc-Sơn-Trụ. Vì trong tập sử nầy có nói: “Vào thời A-Dục-Vương, có các ngoại-đạo cầu danh lợi mặc pháp phục xen trong đoàn thể chư Tăng, làm cho chánh tà lẫn lộn. Do đó trong Đại-Chúng-bộ mới nảy sanh sáu chi phái, như Tuyết-Sơn...”

Theo bộ Tăng-Kỳ-Luật-Tư-Ký của ngài Pháp-Hiển, vào thời Tôn-giả Ưu-Ba-Cấp-Đa, chư Tăng bất đồng ý kiến về giới luật (đây nói về phương diện giới luật), nên lần lần chia thành năm bộ. Trong đây, Đàm-Vô-Đức chính là Pháp-Tạng-bộ, Di-Sa-Tắc chính là Hóa-Địa-bộ. Ca-Diếp-Di chính là Ẩm-Quang-bộ, Tát-Bà-Đa chính là Thuyết-Nhất-Thiết-Hữu-bộ, Bà-Sa-Phú-La chính là Độc-Tử-bộ. Tôn-giả Ưu-Ba-Cấp-Đa là nhân vật sau Ðức Thế-Tôn 100 năm, năm phái trên đều thuộc về Thượng-Tọa-bộ. Cứ theo đây thì thuyết của Nam-truyền nói sau khi Phật diệt độ trong khoảng 100 năm đến 300 năm, từ hai bộ căn bản lần lượt sanh ra các chi phái, dường như hợp với hình thế tự nhiên. Còn thuyết của Bắc-truyền nói từ 100 đến 200 năm sau Phật diệt độ là thời kỳ phân phái của Đại-Chúng-bộ, trong khoảng 300 đến 400 năm là thời kỳ phân phái của Thượng-Tọa-bộ dường như có chỗ dụng ý. Hoặc giả người trong phái Nhất-Thế-Hữu muốn tỏ ra bộ môn căn bản của mình (Thượng-Tọa-bộ) phân tán sau hơn cả, nên mới có thuyết nầy chăng?

Tóm lại, giáo-đoàn đạo Phật tuy chia nhiều bộ phái, song không phương hại gì đến sự giải thoát. Thuở xưa, Ðức Thế-Tôn đã có dự ký rằng: “Sau khi ta diệt độ, Kinh, Luật của ta chia thành năm bộ, cho đến 18 bộ, danh từ tuy khác nhưng đường lối quy hướng vẫn hợp với cảnh đại Niết-bàn. Nếu có ai y theo đó mà tu hành, đều sẽ được giải thoát”. Đức Phật cũng bảo ngài Văn-Thù: “Trong đời vị lai, đạo pháp của ta hòa hợp với mọi căn cơ chia thành 20 bộ, làm cho ngôi nhà chánh giáo được vững bền. Trong 20 bộ nầy, nếu ai y theo tu hành, đều được chứng quả. Ví như nước biển tuy nhiều, song chỉ có một vị; và như người có hai mươi con trẻ, không đứa nào chẳng phải là con mình. Cũng như thế, Tam-tạng đều bình đẳng không có tạng nào hơn kém. Đây là lời chân thật của Như-Lai”.

Xem tiếp Chương 9 (Thiên thứ nhất)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 37
    • Số lượt truy cập : 6757691