Học

PHPT1 K.IV - Bài thứ 7: LỤC ÐỘ tiếp theo - TINH TẤN BA LA MẬT & NHẪN NHỤC BA LA MẬT

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 1

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

KHÓA IV: DUYÊN GIÁC VÀ BỒ TÁT THỪA PHẬT GIÁO

Bài thứ 7: LỤC ÐỘ  tiếp theo  (TINH TẤN BA LA MẬT & NHẪN NHỤC BA LA MẬT)

ÐỘ THỨ BA: TINH TẤN BA LA MẬT

A. MỞ ÐỀ 

Ngạn ngữ ta có câu: "Ăn không lo, của kho cũng hết". Thực vậy, dù tiền rừng bạc biển mà ăn rồi ngồi không, thì cơ nghiệp cũng có ngày tiêu tan. Ðối với người giàu, lười biếng còn như thế, huống hồ đối với người nghèo túng, thì lười biếng là một chứng bệnh rất là nguy hiểm... 

- Người làm ruộng không siêng năng cày cấy, bón phân tát nước, thức khuya dậy sớm, lo lắng mọi việc, thì đến mùa lúa, chắc chắn sẽ bị thất bại, thiếu trước hụt sau, nợ nần vây kéo, cả năm buồn bã. 

- Anh thợ máy hay chị thợ may không siêng năng với nghề nghiệp, lười biếng ăn chơi mãn tháng suốt năm, vì tiền bạc không dư nên phải vất vả, đến khi đau ốm lại càng khổ vô cùng. 

- Người đi buôn bán, không siêng năng thức khuya dậy sớm, mua tảo bán tần, thì phải bị lỗ lã, thâm thủng nhiều ngày, mang công mắc nợ, nên phải sang tiệm thế đồ, gia tài khánh kiệt. 

Trong đạo Phật cũng vậy, lười biếng là một cái tội. Người học đạo không tinh tấn thức khuya dậy sớm tham thiền, quán tưởng, niệm Phật tụng kinh, không lo hoằng dương chánh pháp, cứ biếng nhác qua ngày, tiêu pha của đàn na thí chủ; như thế, mình đã không tự độ, thì làm sao độ tha được! Hiện tại không làm lợi ích gì cho đạo, sau khi chết phải trả nợ cho đàn na thí chủ. Nói chung lại, người lười biếng dù ở ngoài đời hay trong đạo, dù làm việc gì cũng không thành công. 

Muốn tránh những điều tai hại trên, ta phải tu pháp Tinh tấn Ba la mật. 

B. CHÁNH ÐỀ 

I. ÐỊNH NGHĨA 

"Tinh" là tinh chuyên (ròng rặt) một việc không có xen tạp. "Tấn" là tiến tới mãi mãi không dừng, không gián đoạn hay thối lui. 

Hai chữ tinh tấn nói theo nghĩa thông thường là siêng năng chuyên cần; theo duy thức học, thì tinh tấn là một món trong mười một món thiện tâm sở, không phải thuộc về phần tội ác. Bởi vậy, người siêng năng làm những điều sai quấy như siêng năng đào tường khoét vách, cờ bạc rượu chè thì không phải là tinh tấn, mà duy thức học gọi là "phóng dật" (buông lung) 

II. THÀNH PHẦN CỦA TINH TẤN BA LA MẬT 

a) Tinh tấn ngăn các điều ác đừng sanh. Nghĩa là các điều ác, từ trước đến giờ mình chưa làm đến, thì từ nay về sau cũng phải tinh tấn đừng cho nó phát sinh. Thí dụ như từ hồi nào đến giờ, ta không hề sát sinh hại vật, trộm cướp gian giảo, trêu hoa ghẹo nguyệt, nói lời dối trá hung ác và cờ bạc rượu chè v.v... thì từ đây về sau ta cũng phải tinh tấn thêm lên, cố gắng giữ gìn cho đừng sanh khởi. 

b) Tinh tấn diệt cho mau các điều ác đã sanh. Nghĩa là các điều ác mà mình đã lỡ làm rồi, thì phải tinh tấn diệt trừ cho mau, thí dụ như ta lỡ tạo những tội ác như tham lam trộm cướp, đa mê sắc dục, giận dữ kiêu căng, thì nay ta phải tinh tấn đừng cho nó tăng trưởng thêm nữa, mà trái lại phải diệt trừ cho chóng. 

c) Tinh tấn làm cho các điều lành phát sanh. Nghĩa là từ trước đến nay có những điều lành ta chưa thực hiện được, thì nay ta phải tinh tấn để cho nó phát hiện ra trong hành động. Thí dụ, lâu nay ta chưa làm những việc thiện xã hội, bỏ công bỏ của ra cứu giúp người nghèo đói tật nguyền, hay ta chưa quy y thọ giới, ăn chay niệm Phật, học đạo nghe kinh v.v... thì từ ngày hôm nay ta phải tinh tấn làm cho các điều lành này được phát sanh. 

d) Tinh tấn làm cho các điều lành tăng trưởng. Nghĩa là các điều lành đã được phát sanh rồi, nay ta phải tinh tấn làm cho nó tăng trưởng hơn nữa. Thí dụ ta đã làm các việc từ thiện rồi, nay ta càng làm thêm nữa, hay ta đã quy y rồi, bây giờ phải tinh tấn phát nguyện trì giới. Nếu ta đã thọ ngũ giới rồi, bây giờ phải tinh tấn tu bát quan trai... Tóm lại, tất cả việc lành từ ngoài đời cho đến trong đạo, mình đã làm thì phải tinh tấn làm sao cho mỗi ngày được phát triển. 

III. PHẢI TINH TẤN NHƯ THẾ NÀO MỚI ÐÚNG CHÁNH PHÁP? 

Tinh tấn, cũng như bố thí và trì giới, đều có hai phương diện: 

a) Tinh tấn có chấp tướng. Có người trước mặt mọi người, thì rất tinh tấn, lăng xăng làm việc này việc khác, tỏ ra cần mẫn chăm chỉ để được tiếng khen, nhưng khi không ai dòm ngó, thì lại rất giãi đãi. Có người vì sợ người trên la rầy, quở phạt mà tinh tấn; nhưng khi được tự do, không ai kiểm soát thì lại buông lung. Có người tinh tấn với một tâm lý háo thắng, quyết hơn người để tự cao tự đại. 

Tinh tấn với một dụng tâm không trong sạch, như vì danh, vì lợi, vì sợ, vì kiêu căng v.v... đều là tinh tấn chấp tướng, không đúng là tinh tấn Ba la mật. 

b) Tinh tấn không chấp tướng. Tinh tấn không chấp tướng tức là tinh tấn một cách chân thành, không vì dục vọng mà chính vì mình nhiều tội lỗi, nên quyết tâm sửa chữa, thấy mình cần phải thoát ra khỏi luân hồi, nên phải gấp rút chuyên cần tu luyện. Người tinh tấn không chấp tướng thì dù ở giữa đám đông người hay ở một mình, dù có người nhắc nhở kiểm soát hay không, dù đạt được quả vị cao hay thấp v.v... cũng không bao giờ thay đổi ý chí và thái độ quyế tiến của mình, mà mục đích là giải thoát mình và người ra khỏi cảnh khổ sanh tử luân hồi. 

IV. CÔNG ÐỨC CỦA TINH TẤN BA LA MẬT  

Trong tất cả sự nghiệp vĩ đại ở đời, hay kết quả vẻ vang trong đạo, cái bí quyết duy nhất để thành công là pháp tinh tấn. Tinh tấn như là chất dầu xăng làm cho chiếc xe hơi chạy. Ðộng cơ dù tốt, người lái dù giỏi, con đường dù bằng phẳng, mục đích dù gần, mà không có dầu xăng thì chiếc xe vẫn ở nguyên một chỗ. 

Cho nên câu nói cuối cùng của đức Phật Thích-Ca với các đệ tử trước khi nhập diệt là: "Hỡi các người, hãy tinh tấn lên để giải thoát". Người thọ trì Tam quy, tinh tấn giữ năm giới và làm các điều phước thiện, thì sẽ được sanh lại làm nhân đạo, phúc thọ song toàn. Người tinh tấn tu Thập thiện và tu Tứ thiền, Bát định, thì sẽ sanh về cõi trời Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Người thấy các khổ sanh lòng nhàm chán cảnh đời, quyết tâm dứt trừ các phiền não, tinh tấn tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, kết quả sẽ chứng được bốn quả Thanh văn. Người quán thấy mười hai nhân duyên là nguồn gốc của nhiều kiếp sinh tử luân hồi, tinh tấn tu hành, quyết đoạn trừ mười hai nhân duyên, sẽ thành quả Duyên giác. Các vị Bồ tát, xứng theo tự tánh vô tham của mình, tinh tấn tu pháp bố thí ba la mật; xứng theo tự tánh vô sân, tinh tấn tu pháp nhẫn nhục ba la mật; xứng theo tự tánh vô si, tinh tấn tu pháp trí huệ ba la mật; xứng theo tự tánh thanh tịnh, tinh tấn tu pháp trì giới ba la mật; xứng theo tự tánh tịch tịnh, tinh tấn tu pháp thiền định ba la mật... Tóm lại, các vị Bồ tát trong khi tu, vì xứng với thể tánh chân tâm của mình mà tu pháp lục độ, không chấp ở nơi ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, không thấy có mình, có người, có năng sở, bỉ thử, thì khi nhân hạnh Bồ tát được viên mãn, sẽ thành quả Phật. 

Xem thế đủ biết công đức của tinh tấn lớn lao biết chừng nào. Tu pháp môn nào cũng vậy, hễ có tinh tấn mới có hiệu quả, không tinh tấn thì hoàn toàn thất bại.

C. KẾT LUẬN 

Giá trị và lợi ích của tinh tấn không thể nghĩ bàn, vậy trong khi làm việc đời cũng như việc đạo, chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị sẵn đức tinh tấn, như người tài xế chuẩn bị xăng nhớt, trước khi làm những cuộc hành trình xa xôi. Nếu chúng ta không luyện được đức tinh tấn, không chiến thắng được tánh giải đãi, buông lung thì chúng ta hãy cân nhắc rằng, công việc mà chúng ta sắp làm sẽ hoàn toàn thất bại. Công việc tu hành, đi từ bờ mê đến bến ngộ, đường dài muôn trùng vạn dặm, trải bao bão táp mưa sa, nếu không có được đức tinh tấn, như cái bùa hộ mệnh và bí quyết tiến thủ, thì chúng ta chỉ quanh quẩn mãi trong biển sanh tử luân hồi. 

Một lần nữa, hãy nghe lời đức Bổn sư dạy còn văng vẳng bên tai: "Hỡi các người! Hãy tinh tấn lên để giải thoát".

 

ÐỘ THỨ TƯ: NHẪN NHỤC BA LA MẬT

A. MỞ ÐỀ 

Kinh Hoa Nghiêm có nói: "Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai" (một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn muôn ức cửa nghiệp chướng đều mở ra). Thật vậy, lắm người vì một phút không dằn được cơn tức giận, mà đánh đập vợ con đến tàn tật, đốt phá của cải quý báu của ông cha để lại, rồi phải ân hận suốt đời. Lắm lúc, vì không làm chủ được tánh nóng nẩy mà tình cốt nhục phải chia ly, nghĩa vợ chồng phải phân rẽ, bạn chí thân trở thành kẻ oán thù... 

Người học đạo cũng vậy, nếu gặp nghịch cảnh không nhẫn nhịn được, thối chí nản lòng, đôi khi phải bị đọa đày. Như ông Ðộc giác tiên nhân, vì một niệm sân hận không nhẫn được, mà phải bị mất cả năm pháp thần thông. Ông Uất đầu lam phất, vì sân hận mà phải đọa làm loài phi ly trùng (chồn bay). Nên sách có nói: "Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn" (Nghĩa là một đóm lửa sân, có thể đốt tan muôn mẫu rừng công đức). 

Vậy muốn trừ sân hận một cách có hiệu quả, phải tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật. 

B. CHÁNH ÐỀ 

I. ÐỊNH NGHĨA 

"Nhẫn" là nhịn, chịu đựng những cảnh trái mắt nghịch lòng. "Nhục" là điều sỉ nhục, điều xấu hổ, làm tổn thương đến lòng tự ái của mình. 

Nhẫn nhục Ba la mật là nhẫn nhục đến chỗ cùng tột không còn ai có thể nhẫn nhục hơn thế nữa. 

II. THÀNH PHẦN CỦA NHẪN NHỤC BA LA MẬT 

1. Thân nhẫn. Ðối với nghịch cảnh như nắng mưa, nóng lạnh, đói khát, đau ốm, hoặc bị người đánh đập, hành hạ, làm bức não nơi thân, mình cũng cam chịu, không phàn nàn hay chống cự lại. Ðây là chịu đựng về phần thể xác. 

2. Khẩu nhẫn. Thân đã nhẫn chịu không chống lại người mà miệng cũng không thốt ra những lời nguyền rủa độc ác, trước những lời mạ nhục chua cay, mắng nhiếc tồi tệ hay đánh đập tàn nhẫn. 

3. Ý nhẫn. Nhẫn nhục cả trong tâm, không căm hờn, không oán giận, không nổi lên ý phản đối, những tư tưởng hắc ám để trả thù. 

Trong ba thứ nhẫn này, "ý nhẫn" là khó nhất và quan trọng nhất. Có nhiều khi thân có thể chịu đựng được cực hình, nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nguyền rủa. Thêm một từng nữa, miệng tuy không thốt ra những lời phản đối, nguyền rủa, nhưng ý vẫn ngấm ngầm phản đối, và tức giận vẫn đốt cháy tim gan. 

Ðến khi "tâm ý" cũng không ngấm ngầm nổi dậy phản đối, sự tức giận lắng xuống tận đáy lòng; đứng trước mọi nghịch cảnh, lòng vẫn phẳng lặng như không, thì nhẫn nhục mới thật là hoàn toàn. 

Nếu bên trong mà chưa nhẫn được, thì thế nào giận dữ cũng có ngày xuất hiện ra trong lời nói và hành động. 

III. PHẢI NHẪN NHỤC NHƯ THẾ NÀO  MỚI ÐÚNG CHÁNH PHÁP? 

1. Nhẫn nhục có chấp tướng. Nhẫn nhục vì sợ quyền thế; nhẫn nhục vì đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được; nhẫn nhục để mong cầu được người khen, hay được chức trọng, quyền cao; nhẫn nhục vì khinh bỉ đối thủ, hay tự cho mình cao hơn người, không thèm chấp nê, phản đối. Nhẫn nhục như thế là nhẫn nhục chấp tướng vì còn do dục vọng tham, sân, si, mạn thúc đẩy, chưa phải là nhẫn nhục ba la mật. 

2. Nhẫn nhục không chấp tướng. Người tu hạnh nhẫn nhục ba la mật, trước hết phải do ý muốn diệt trừ lòng sân hận, kiêu mạn, tật đố, tự ái, tham lam...Nếu có người chửi mắng, mình phải bình tĩnh tự nghĩ rằng: "Ta có làm điều gì sái quấy không? Nếu có, thì ta bị sỉ nhục là phải, ta nên cảm ơn người. Nếu ta trong trắng, thì những lời sỉ nhục ấy có dính líu gì đến ta đâu, mà phải khổ tâm nghĩ đến?" 

Hơn nữa, người tu nhẫn nhục còn nhắm mục đích trao dồi lòng từ bi và hỷ xả, ta nhẫn nhục không oán giận, không trả thù là vì ta thương người, ta muốn xem mọi người như thân thuộc anh em. Ta nhẫn nhục vì ta không muốn cuộc đời là một đấu trường, một bãi chiến, một lò lửa của sân hận, đốt thiêu tất cả. 

Chúng ta hãy tập cho được nhẫn nhục như ông Purna trong câu chuyện sau đây: "Khi Phật còn tại thế, một đệ tử của Phật, ông Purna xin Phật đi qua truyền đạo tại xứ Chronaparanta, là một xứ có tiếng rất hung ác. Phật hỏi ông Purna: 

- Ông đã phát nguyện đem đạo pháp của ta đến truyền bá cho dân xứ ấy, nhưng nếu họ không nghe, lại còn dùng lời hung ác mắng chửi ông, thì ông nghĩ sao? 

- Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ là người tốt, vì họ không dùng cây đánh đập con, hay lấy đá ném con. 

Phật hỏi tiếp: 

- Nếu họ lấy cây đánh ông, hay dùng đá ném ông, thì ông nghĩ sao? 

- Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ vẫn còn lòng nhân, vì họ không chém giết hay đập con đến chết. 

Phật lại hỏi: 

- Nếu họ chém giết hoặc đánh chết ông thì ông nghĩ sao? 

- Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ là ân nhân của con, vì nhờ họ mà con thoát được thân đau khổ, bỏ được bọc thúi tha, từ biệt đời sống khốn nạn này. 

Ðức Phật khen: 

- Hay lắm ! Ông nhẫn nhục được như vậy thì mới có thể qua xứ ấy truyền đạo được! 

Ông Purna qua xứ Chronaparanta truyền đạo không bao lâu, dân chúng xứ ấy đều qui đầu Phật pháp cả. 

Nhẫn nhục như ông Purna mới thật đúng là nhẫn nhục ba la mật, nghĩa là nhẫn từ ngoài thân đến trong tâm, nhẫn mà không thấy mình nhẫn và cảnh nhục để nhẫn. 

IV. CÔNG ÐỨC CỦA PHÁP NHẪN NHỤC BA LA MẬT 

Như đoạn mở đầu đã nói, lửa sân hận có thể đốt thiêu tất cả những gì quí báu, nà loài người đã xây dựng được trên thế giới này. Lửa sân hận chỉ có thể bị dập tắt bằng nước nhẫn nhục Ba la mật. 

Không nhẫn nhục thì gia đình ly tán, bạn hữu chia lìa, tớ thầy đoạn tuyệt, đồng bào xung đột, thế giới chiến tranh. 

Có nhẫn nhục thì gia đình sum họp, bạn hữu tương thân, tớ thầy trung tín, đồng bào đoàn kết, thế giới hòa bình. Riêng đối với bản thân, không nhẫn nhục thì lửa giận thiêu đốt lòng mình và dục vọng hoành hành, sự nghiệp tiêu tan, mọi người xa lánh, đạo quả khó tròn. 

Có nhẫn nhục thì lòng từ chan chứa, thanh tịnh tràn lan, sự nghiệp dâng cao, người người quí trọng, đạo quả viên thành. 

Vì nhận thấy công đức lớn lao và quí báu của nhẫn nhục cho nên cổ nhân đã có nhắn nhủ với người đời một cách mạnh mẽ như sau: 

Nhẫn nhẫn nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận 

Nhiêu nhiêu nhiêu, thiên tai vạn họa nhất tề tiêu 

Mặc mặc mặc, vô hạn thần tiên tùng thử đắc 

Hưu hưu hưu, cái thế công danh bất tự do 

Nghĩa là: 

Nhẫn nhẫn nhẫn (thân nhẫn, miệng nhẫn, tâm nhẫn) thì những điều trái chủ oan gia từ đây dứt hết.

Nhịn nhịn nhịn (thân nhịn, miệng nhịn, tâm nhịn) thì ngàn tai muôn họa đồng thời tiêu.

Nín nín nín (thân nín, miệng nín, tâm nín) thì cảnh giới thần tiên vô hạn cũng do đây mà được. 

Thôi thôi thôi (thân, miệng, tâm đều thôi) thì những công danh cái thế không còn tự do. 

C. KẾT LUẬN 

Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa giá trị và công đức lớn lao, quý báu của nhẫn nhục. Giờ đây chúng ta chỉ còn quyết tâm thực hành ngay pháp môn này. Nhất là đối với Phật tử nào đã nhiều lần bị lửa giận tàn phá tâm can, gia đình và sự nghiệp của mình, hãy mau mau tu tập pháp nhẫn nhục này. Ðừng để phải ăn năn, hối tiếc và khổ đau thêm một lần nữa vì lửa nóng giận. 

Kẻ tu hành lại càng gấp rút thực hành pháp môn này. Không có gì tai hại cho sự nghiệp tu hành của mình và làm cho người chung quanh khinh lờn, xa lánh bằng sự nóng giận, cộc cằn nơi một kẻ xuất gia cầu đạo. Dù những người ấy có tinh thông kinh điển bao nhiêu, tu hành bao nhiêu, mà khi thấy nét mặt họ đỏ gay, giọng nói họ quát tháo, cử chỉ họ mất tự chủ, thì người chung quanh không còn tin tưởng ở sự tu hành của họ nữa, vì sự nóng giận tố cáo họ một cách hùng hồn. 

Chúng tôi tưởng không cần phải nói nhiều hơn nữa về những tai hại của giận dữ, vì chắc rằng những ai đã có lần giận dữ cũng đã thấy rõ như thế rồi. 

Ðể kết luận bài này, chúng tôi chân thành cầu mong cho mọi người cùng chúng tôi, đều thật hành pháp môn nhẫn nhục này một cách có hiệu quả, để cõi đời thêm phần an lạc.

(Xem tiếp Bài thứ 8: LỤC ÐỘ  tiếp theo - THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT & TRÍ HUỆ BA LA MẬT)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6508263