Học

PHPT2 K.V - Bài thứ 3: LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG QUYỂN 2

Sa môn THÍCH THIỆN HOA

KHÓA V: LỊCH SỬ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO,

10 TÔN PHÁI VÀ VŨ TRỤ NHƠN SINH

Bài thứ 3: LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM  
(TỪ LÚC MỚI DU NHẬP ÐẾN HẾT ÐỜI NHÀ LÝ)

A. MỞ ÐỀ 

Trong thời Pháp thuộc, vì vận mệnh chung cả nước nhà đang suy đồi, lại bị văn hóa Tây phương và ngoại đạo lấn áp, nên Phật giáo đối với phần đông dân tộc Việt Nam như là một tôn giáo hạ đẳng, phụ thuộc, không có nghĩa lý gì. 

Nhưng nếu có ai đi sâu vào lịch sử Phật giáo Việt Nam theo dõi bước đi của sự truyền giáo qua các thời đại từ khi dân tộc Việt Nam mới lập quốc đến ngày nay, thì sẽ thấy Phật giáo giữ một địa vị quan trọng vô cùng trong công trình gây dựng văn hóa Việt Nam. Có thể nói một cách không quá rằng: Văn hóa Việt Nam một phần lớn là văn hóa Phật giáo. Rút cái tánh chất Phật giáo trong văn hóa Việt Nam ra thì văn hóa ấy thật là nghèo nàn, nông cạn. Chính Thượng tọa Mật Thể, trong quyển ''Việt Nam Phật giáo sử lược'' đã nói rất đúng: ''Nhờ tinh thần sáng suốt của thể đạo, với công nghiệp bố giáo của các Tổ sư, Phật giáo rất có công to trên lịch sử văn hóa nước nhà''. 

Ngày nay, để nhận chân đứng đắn cái vai trò quan trọng và sứ mệnh lịch sử của Phật giáo nước nhà, cũng như để thêm tin tưởng và phấn khởi mà tu học, để thừa tiếp cái tinh thần ''Bi-Trí-Dũng'' của đạo mà truyền lại cho các thế hệ về sau, chúng ta, Phật tử Việt Nam cần phải biết rõ lịch sử Phật giáo Việt Nam. 

B. CHÁNH ÐỀ 

I. PHẬT GIÁO DU NHẬP VÀO VIỆT NAM  

1. Con đường du nhập

Nước Việt Nam ta nằm trên bán đảo Ấn-Ðộ Chi-Na, giữa hai nước rộng lớn, hai dân tộc đông đảo nhất thế giới, hai nền văn minh sáng lạn của châu Á là Ấn Ðộ và Trung Hoa. Vì địa thế của nước Việt Nam nằm ở giữa con đường biển đi Ấn Ðộ đến Trung Hoa, nên đã chịu ảnh hưởng nhiều của hai nền văn minh ấy. 

Riêng về Phật giáo, thì sự du nhập vào Việt Nam cũng do cả hai con đường: đường biển từ phía Nam lên và đường bộ từ phía Bắc xuống. Trong số bốn nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên Việt Nam, thì hết ba nhà sư là người Ấn Ðộ, đi đường thủy sang Trung Hoa truyền đạo và đã ghé lại Việt Nam là các ngài: Ma-Ha-Kỳ-Vực, Khương-Tăng-Hội và Chi-Cương-Lương. 

Nhà truyền giáo thứ tư là người Trung Hoa, ngài Mâu-Bác, đã đi đường bộ từ phía Bắc xuống. Ðó là điều chứng minh rằng Phật giáo vào Việt Nam do cả đường thủy và đường bộ cả từ phía Nam lên và phía Bắc xuống. Nhưng vì nước ta bị Trung Hoa đô hộ ngót một ngàn năm, và sau đó vẫn còn lệ thuộc vào văn hóa và chính trị, nên về sau con đường truyền giáo từ Trung Hoa sang là con đường chính.

2. Thời đại du nhập đầu tiên

Theo các sử gia đáng tin cậy, thì nhà truyền-giáo đầu tiên đến Việt Nam (lúc bấy giờ là đất Giao-Châu) là ngài Mâu-Bác, người quận Thương Ngô tức Ngô Châu (Trung Hoa bây giờ). Sau khi vua Hán Linh-Ðế mất (189) nước Tàu thường loạn lạc, Ngài theo mẹ qua ở Giao Châu và truyền bá đạo Phật. 

Nhà truyền giáo thứ hai đặt chân lên đất Giao-Châu là Ngài Khương-Tăng-Hội, Ngài gốc Khương-Cư (Soadiane, Ấn Ðộ). Mục đích của Ngài là sang Trung Hoa, nhưng ông thân của Ngài thường sang Giao-Châu buôn bán nên Ngài cũng theo đường Giao-Châu để sang Trung Hoa. Trung Hoa lúc ấy về đời Tam-Quốc, Ngài đến nước Ðông-Ngô và được Ngô-Tôn-Quyền sùng mộ, xin quy-y với Ngài (229-252). Như thế là Ngài Khương-Tăng-Hội ghé lại Giao-Châu vào khoảng đầu thế kỷ thứ III, sau Tây lịch. 

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ III đến cuối thế kỷ thứ III, đất Giao-Châu lại đón tiếp hai nhà sư Ấn Ðộ nữa là Ngài Ma-Ha-Kỳ-Vực và Chi-Cương-Lương, trên bước đường sang Trung Hoa truyền-giáo của các Ngài, vào đời nhà Tần (265-306). 

Như thế, có thể nói rằng: Đạo Phật du nhập đầu tiên vào Việt Nam trong khoảng cuối thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ III, sau Tây lịch. 

3. Các môn phái du nhập

Trong thời kỳ đầu tiên du nhập Việt Nam, đạo Phật chỉ phớt qua trên đất nước, chưa có màu sắc riêng biệt và dân chúng chỉ mới tiếp xúc với đạo Phật trong phương tiện thờ cúng lễ bái mà thôi. 

Phải đợi đến vài ba trăm năm sau, đạo Phật mới thâm nhập dần vào dân chúng và do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa. Có một điều chúng ta ngạc nhiên là, mặc dù Phật giáo Trung Hoa gồm mười tôn phái, mà chỉ có Thiền-tôn là được truyền đi sang Việt Nam trước nhất và mạnh nhất. Tôn này được truyền vào Việt Nam trước hết do ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi (Vinitaruci) đưa sang (580). Ngài là đệ-tử được truyền tâm-pháp của Tam tổ Tăng-Xán, và chính là sơ-tổ Thiền-tôn Việt Nam. 

Ðến đời Dường (820) lại có Ngài Vô-Ngôn-Thông ở Trung Hoa sang truyền giáo, lập thành phái Thiền-tôn thứ hai; kế đó là các phái Thảo-Ðường, Tào-Động, Lâm-Tế v.v… lần lượt truyền sang Việt Nam. 

Tóm lại, đạo Phật du nhập vào Việt Nam, chỉ có Thiền-tôn là gây ảnh hưởng mạnh hơn cả. 

II. PHẬT GIÁO DƯỚI THỜI HẬU LÝ NAM ÐẾ (571-602) VÀ BẮC THUỘC LẦN THỨ BA (603-939)  

Từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam cho đến thời Tiền Lý Nam-Ðế, kể ra trên ba trăm năm (189-548) nhưng vẫn còn nằm trong thời kỳ phôi-thai chưa có gì đáng gọi là thạnh hành lắm. Ðến thời Hậu Lý Nam-Ðế (571-602) và Bắc thuộc lần thứ III (603-939) Phật giáo mới bắt đầu bước vào thời thạnh đạt. 

1. Giai đoạn thứ nhất - Sự truyền bá Thiền-tôn của ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi và ngài Pháp Hiển.

Vào cuối đời Hậu Lý Nam Đế, có ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi ở Trung Hoa sang (580) đem Thiền-tôn truyền bá vào, được người Việt Nam hết sức sùng mộ. Do đó, lần đầu tiên nước Việt Nam được biết đến Thiền tôn và ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi chính là sơ-tổ phái Thiền-tôn ở Việt Nam. Sau ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi có ngài Pháp-Hiển là đệ tử của ngài Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi nối nghiệp thầy, đem đạo Phật truyền sâu trong dân chúng. 

2. Giai đoạn thứ hai - Ảnh hưởng của ba đoàn truyền giáo 

Ðến đây, Phật giáo Việt Nam bắt đầu thịnh. Lúc bấy giờ nước ta đang lệ thuộc nhà Tùy, vua Cao-Tổ nhà Tùy, nghe nước ta đạo Phật đang phát-triển mạnh, nên vua ban cho các vị danh tăng ở nước ta năm hòm lễ vật, và sắc lịnh cho xây tháp ở chùa Pháp-Vân, chùa Trùng-Khánh cùng các danh địa khác. 

Sau này Tùy mất ngôi (618) nhà Ðường kế nghiệp, vua Ðường-Cao-Tổ cũng có ban cho An-Nam năm viên ngọc Xá-Lỵ và sắc dựng chùa xây tháp. 

Cũng trong giai đoạn này, những nhà truyền giáo Trung Hoa và Ấn Ðộ, thường mượn đường nước ta mà qua lại. Trong khi đi ngang Việt Nam các ngài thường ghé lại ít lâu để thuyết-pháp, do đó chúng ta cũng chịu được nhiều ảnh hưởng tốt. Trong số những đoàn truyền giáo ấy, đang kể nhất là ba đoàn sau đây: 

a) Ðoàn thứ nhất: Gồm có các ngài Minh-Viễn pháp-sư, Huệ-Mạnh thiền-sư, và Vô-Hành thiền-sư, đều là người Trung Hoa.  

b) Ðoàn thứ hai: Gồm các Ngài Ðàm-Nhuận pháp-sư, Trí-Hoàng pháp-sư, và Tăng-Già-Bạt-Ma (Hai Ngài đầu người Trung Hoa và Ngài sau người Tây-Trúc). 

c) Ðoàn thứ ba: Gồm sáu nhà sư Việt Nam là các ngài Vân-Kỳ thiền-sư, Mộc-Xoa-Ðề-Bà, Khuy-Sung pháp-sư, Huệ-Diệm pháp-sư, Trí-Hành thiền-sư và Đại-Thặng-Đăng thiền sư. Bốn Ngài đầu người Giao-Châu, hai Ngài sau người Ái-Châu (Thanh-Hóa, Nghệ-An bây giờ). Các Ngài này đều từ Việt Nam đi sang cầu pháp ở Tây-Trúc và tịch, phần nhiều rất sớm, ở Ấn Ðộ hay Tích-Lan. 

3. Giai đoạn thứ ba - Sự truyền bá của phái Vô-Ngôn-Thông 

Vào năm 820, nước ta lại được một vị cao-tăng thuộc phái Thiền-tôn sang truyền giáo và lập thành một phái Thiền-tôn thứ hai là ngài Vô-Ngôn-Thông. 

Ngài họ Trịnh, quê ở Quảng-Châu. Lúc nhỏ Ngài đã mộ đạo, xuất gia tu học tại chùa Song-Lâm, đất Vũ-Châu (Triết-Giang). Tính Ngài điềm đạm, ít nói nhưng sự lý gì cũng hiểu, nên người thời ấy gọi Ngài là Vô-Ngôn-Thông. 

Một hôm Ngài đang lễ Phật, gặp một vị thiền-sư đến điểm-hóa cho Ngài và đưa Ngài đi tìm đức Mã-Tổ mà tham học. Nhưng đến Giang-Tây, Ngài nghe tin đức Mã-Tổ đã tịch rồi, nên Ngài đi đến xin tòng sư với tổ Bạch-Tượng thiền-sư. 

Một hôm trong buổi giảng, có vị học tăng hỏi tổ Bạch-Tượng: 

- Thế nào là pháp-môn của phái Ðại-thừa? 

Tổ trả lời: 

- Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu (nghĩa là: nếu tâm địa thông rồi thì mặt trời huệ tự nhiên chiếu sáng). 

Nghe được mấy câu ấy, ngài Vô-Ngôn-Thông liền ngộ đạo. Ngài trở về Quảng-Châu, trụ trì tại chùa An-Hòa. Ðến năm 820, Ngài qua Việt Nam trú ở chùa Kiến-Sơ, làng Phù-Ðổng (Bắc Ninh) trọn ngày ngồi xây mặt vào vách mà thiền định. Như thế đã mấy năm mà không ai biết; chỉ có vị sư ở chùa ấy là Cảm-Thành thiền-sư biết Ngài là bực Cao-tăng đắc đạo trong phái Thiền-tôn, nên hết lòng kính trọng và thờ làm thầy. Ngài thị-tịch một cách rất an nhiên tự-tại, vào năm 826 Tây lịch, sau khi truyền tâm ấn cho ngài Cảm-Thành thiền-sư. 

Ngài Cảm-Thành thiền-sư lại truyền tâm-ấn cho ngài Thiện-Hội và gây thành một truyền thống cho phái Vô-Ngôn-Thông (Chúng ta sẽ học tiếp trong các đời vua sau). 

Tóm lại, trong khoảng thời gian gần bốn trăm năm, từ đời Hậu Lý Nam-Ðế (571-602) cho đến hết thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba (603-939), sự truyền giáo ở Việt Nam có thể chia làm ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, do công đức của phái Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi; giai đoạn thứ hai, do các đoàn truyền giáo Trung Hoa và Việt Nam, và sự khuyến khích ủng hộ của các đời vua Tùy và Ðường; giai đoạn thứ ba, do phái Vô-Ngôn-Thông. 

III. PHẬT GIÁO DƯỚI THỜI ÐINH VÀ TIỀN LÊ (968-1009)  

1. Tình trạng tổng quát của Phật giáo trong hai đời Ðinh, Lê 

Trong hai đời vua nầy, đạo Phật được tiến phát rất nhiều. Có thể nói đạo Phật trở thành độc tôn. Tất cả văn hóa, chính trị trong nước, một phần lớn đều thuộc về hàng tăng-sĩ, cho nên đạo Phật được phổ biến dễ dàng trong quần chúng. Mặc dù Nho-giáo và Lão giáo đã truyền vào từ lâu, nhưng không làm sao có uy thế được như Phật giáo. Trong triều chính thì ngài Ngô-Châu-Lưu làm đến chức Khuông-Việt thái-sư; trong giới tăng-sĩ thì ngài Trương Ma-Ni làm Tăng-lục đạo sĩ và pháp-sư Ðặng Huyền Quang làm Sùng-Chân uy-nghi. 

Sau khi nhà Ðinh mất ngôi, Lê-Ðại-Hành lên kế vị, chóng lại quân nhà Tống (980) và được thắng lợi. Trong giai đoạn này, các vị tăng-sĩ lại được biệt đãi hơn; vua Lê-Ðại-Hành thường triệu thỉnh các vị Tăng-thống vào triều để bàn hỏi việc nước và khuyến khích việc truyền bá Phật-pháp. 

Ðiều đáng chú ý trong giai đoạn này là, sau khi đã hòa với nhà Tống, vua Ðại-Hành sai sứ sang triều cống nhà Tống và xin thỉnh bộ "Cữu kinh" và "Ðại Tạng kinh" đem về truyền bá. Ðây là lần đầu tiên nước ta công khai sang thỉnh kinh ở Trung Hoa về. 

Một điều đáng ghi nhớ nữa là trong giai đoạn này, trong giới tăng-sĩ có hai vị cao-tăng xuất chúng đã làm vẻ vang cho nước nhà một thời. Ðó là Ngài Khuông-Việt thái-sư và Ngài Ðỗ-Thuận thiền-sư. 

2. Khuông Việt thái-sư

Ngài họ Ngô pháp hiệu là Chân-Lưu, quê ở làng Cát-Lỵ, trụ trì chùa Phật-Ðà. Thuở nhỏ Ngài theo học Nho, lớn lên thọ giới với Vân-Phong thiền-sư ở chùa Khai-Quốc. Từ đó Ngài chuyên đọc kinh điển nhà Phật, hiểu được mọi lẽ cốt yếu của Thiền-tôn, tiếng tăm lừng lẫy trong nước. Năm Ngài 40 tuổi, vua Ðinh- Tiên-Hoàng vời vào hỏi đạo, Ngài ứng đối tinh tường, vua rất mến phục và phong làm Tăng-Thống. Năm sau vua lại phong Ngài làm Khuông-Việt thái-sư (Khuông Việt là người có công giúp đỡ sửa sang nước Việt). 

Ðến đời vua Lê-Ðại-Hành, Ngài càng được kính trọng hơn nữa. Bao nhiêu việc quan, việc nước, vua thường triệu Ngài đến hỏi. Ngài ở triều được ít lâu rồi lấy cớ già yếu xin cáo về, dựng một ngôi chùa ở núi Du-Hý. Ở đó, Ngài mở trường dạy học, học trò đến học rất đông. 

Ngày rằm tháng hai, niên hiệu Thuận-Thiên thứ hai đời nhà Lý, Ngài gọi Ða-Bảo thiền-sư là đệ tử thân tín của Ngài đến, truyền tâm pháp qua bài kệ sau đây, rồi chắp tay an-nhiên thị-tịch. 

Nguyên văn:  

Mộc trung nguyên hữu hỏa,  
Nguyên hỏa phục hoàn sinh,  
Nhược vị một vô hỏa,  
Toản toại hà do sinh?  

Dịch nghĩa: 

Trong cây vốn có lửa,  
Tia lửa mới sáng lòa,  
Nếu bảo cây không có lửa,   
Cọ xát sao lại ra? 

Ngài thọ được 81 tuổi, và là người thứ tư được truyền tâm pháp của phái Vô-Ngôn-Thông. 

3. Ðỗ-Thuận thiền-sư 

Ngài dòng họ Ðỗ, không rõ nguyên quán ở đâu, xuất-gia từ thuở nhỏ, thọ-giới với Long-Thọ Phù-Trì thiền-sư. Khi nhà Tiền Lê mới thành nghiệp, Ngài thường được vời vào triều để bàn luận chính trị và ngoại-giao. Vua Ðại-Hành thường gọi là Ðỗ pháp-sư, chứ không dám gọi chính tên. Ngài làm thơ rất hay, và thường được cử ra để đối đáp với các sứ-giả Trung Hoa. 

Niên hiệu Hưng-Thống thứ hai nhà Tiền-Lê, Ngài thị-tịch, thọ được 76 tuổi. Ngài có làm quyển "Bồ tát hiệu sám-hối văn", nay còn truyền lại. Ngài là đời pháp truyền-thống thứ mười của phái Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi. 

4. Nhận xét chung về Phật giáo trong giai đoạn này 

Phật giáo đời Ðinh và Tiền-Lê, sở dĩ được ưu đãi và giữ địa vị độc-tôn, vì những lý do sau đây: các vị tăng-sĩ phần nhiều là những vị bác học thâm Nho. Chữ Nho mặc dù trước đó đã được đem dạy ở đất Việt, nhưng vì chưa có khoa thi cử, nên ít người theo học. Chỉ có các vị thiền-sư, vì cần nghiên cứu Phật giáo qua kinh điển bằng chữ Hán, nên phải học Nho nhiều. Những vị sư lúc bấy giờ, vừa túc Nho, vừa hiểu đạo lý mà vừa có đức hạnh, thì lẽ dĩ nhiên trong triều được vua trọng vọng, ngoài dân chúng được kính nể. Đạo Phật được thạnh hành trong giai đọan này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. 

IV. PHẬT GIÁO DƯỚI THỜI NHÀ LÝ (1010-1225) 

1. Dưới đời Lý-Thái-Tổ 

a) Vua Lý-Thái-Tổ và tình hình Phật giáo dưới đời nầy (1010-1028) 

Vua Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn, con nuôi của sư Lý Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp, thọ giáo với ngài Vạn Hạnh thiền sư. Sau khi vua Lê Ngọa Triều mất, Ngài mới lên ngôi kế vị, lấy hiệu Thuận Thiên đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội). Lý Thái Tổ là một Phật tử thuần thành, nên sau khi lên ngôi, Ngài hết sức chú trọng đến sự truyền bá Phật giáo. Ngài đã dựng rất nhiều ngôi chùa và độ rất nhiều tăng chúng. Ðáng chú ý hơn cả là năm 1019, Ngài sai sứ thần sang Trung Hoa thỉnh kinh đem về để tại kinh viện Ðại-Hưng. 

Triều đại này có thể nói là triều đại mà Phật giáo được thịnh đạt nhất. Các vị thiền sư lúc bấy giờ như ngài Vạn-Hạnh, Ða-Bảo, Sùng-Phạm thiền sư đều là những bậc danh tăng mà nhà vua rầt tín trọng. Cho nên sự truyền giáo của các Ngài rất dễ dàng có hiệu quả. Những vị danh tăng này đều ở hai phái Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi và Vô-Ngôn-Thông cả. 

b) Vạn-Hạnh Thiền-Sư 

Ngài họ Nguyễn, không rõ tên húy là gì, người làng Cổ Pháp. Gia đình Ngài đời đời thờ Phật. Ngài thông minh xuất chúng từ thuở nhỏ, học hết tam giáo và tinh thông về giáo lý nhà Phật. Năm 20 tuổi Ngài xuất- gia, theo học với ngài Thiền-Ông đạo giả, tức là vị thứ hai được truyền tâm pháp của phái Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi. Ngài chuyên tập pháp "Tổng trì tam ma địa". Người đời thường xem câu nói của Ngài như những câu sấm. Trong thời vua Ðại-Hành còn sống, Ngài thường được vời vào triều hỏi việc quan. 

Năm Thuận-Thiên thứ IX (1018) Ngài không đau ốm gì mà tịch. Thi hài Ngài được triều đình và các đệ tử của Ngài hỏa táng và thờ ở trong tháp. Trước khi thị tịch, Ngài có làm bài kệ sau đây: 

Nguyên văn:  

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bổ úy.

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. 

Dịch nghĩa:

Thân như bông chớp chiều tà.

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời.  

Sá chi suy thịnh việc đời.

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.  

2. Dưới đời Lý Thái Tôn (1028-1054) 

a) Tình hình Phật giáo dưới đời vua này 

Lý Thái Tôn nối ngôi Thái Tổ, lấy niên hiệu Thiên Thành. Ngài cũng là người rất sùng mộ đạo Phật. Sau khi đánh dẹp giặc Chiêm ở đất Hoan Châu (Nghệ An) về, Thái Tôn sắc lập 95 ngôi chùa cử lễ khánh thành, hạ chiếu miễn thuế cho dân trong nước một năm. Ðến năm 1034, Thái Tôn đổi niên hiệu là Thông Thụy, lúc bấy giờ nước Việt Nam được nhà Tống ban Ðại Tạng kinh và tự sai sứ thỉnh qua nước ta. Hành động ấy gây một ảnh hưởng khả quan cho Phật giáo nước nhà, và một vinh dự tốt đẹp cho triều đình nhà Lý lúc bấy giờ. 

Từ lúc nhận lãnh Ðại Tạng kinh của nhà Tống, vua Thái Tôn thường đến nghe kinh và hỏi đạo với ngài Thiền Lão thiền sư và tự xưng là đệ tử. Về sau vua được ngài Thiền Lão truyền tâm pháp và là người thứ bảy trong đời truyền thống của phái Vô-Ngôn-Thông. 

Dưới đời này có nhiều vị cao tăng rất có công trong sự truyền bá chính pháp, như ngài Huệ Linh thiền sư, Ðịnh Lương trưởng lão, Thiền Lão thiền sư v.v.. . 

b) Huệ Linh thiền sư 

Ngài họ Lâm, tên tục là Khu, quê ở Ðông Phù Liệt, nguyên là con cháu Lâm Phú ở Trà Sơn (Hà Ðông bây giờ). Ngài có tướng mạo khôi ngô, ăn nói lưu loát, từ nhỏ đã nổi tiếng văn hay chữ tốt. Những khi học Nho còn thừa thời giờ, Ngài lại nghiên cứu kinh Phật. Gần 70 tuổi Ngài theo học đạo với Ngài Ðinh Huệ thiền sư. Từ đó sự tu học của Ngài càng ngày càng tiến. Khi được sư phụ truyền tâm pháp cho, Ngài mới đi hành hóa khắp chốn tùng lâm, rồi lên núi Bồ Đề. Mỗi lần Ngài ngồi nhập định ít nhất cũng năm bảy ngày. Người đời bấy giờ thường gọi Ngài là ông "Phật sống". Nhà vua cho người đi thỉnh Ngài nhiều phen, Ngài mới chịu về triều. Sau khi đàm đạo vua rất kính phục và phong Ngài làm chức Nội cung phụ tăng và sắc truyền ở chùa Vạn Tuệ gần thành Thăng Long. Một hôm trong đại nội có thiết tiệc chay đãi các tăng sĩ, vua hỏi:  

- Ðối với tâm nguyện của Phật, các học giả thường cãi nhau. Trẫm muốn các bậc thượng đức ở đây, bày tỏ chỗ sở đắc, để trẫm được biết sự học vấn của các Ngài như thế nào?  

Huệ Linh thiền sư liền ứng khẩu bài kệ sau đây: 

Nguyên văn:  

Pháp bổn như vô pháp   
Phi hữu diệc phi không  
Nhược nhơn tri thử pháp  
Chúng sinh dữ Phật đồng  
Tịch tịch Lăng Già nguyệt  
Không không độ hải châu  
Tri không không giác hữu   
Tam muội nhậm thông châu. 

Dịch nghĩa:  

Pháp vốn như không pháp  
Chẳng có cũng chẳng không  
Nếu hiểu được pháp ấy   
Chúng sinh Phật vẫn đồng  
Trăng Lăng Già phẳng lặng  
Thuyền Bát Nhã chơn không  
Biết không rồi biết có  
Tam muội mặc dung thông. 

Nghe bài kệ, vua rất lấy làm mến phục. Thời ấy, các vị vương công trong triều và sĩ thứ nhiều người đến hỏi đạo lý và đều tôn Ngài là thầy. 

Sang đời Thánh Tôn, Ngài được phong làm Tạ Nhai Tăng đô thống. Đến năm Gia Khánh thứ năm (1063) Ngài tịch. Ngài có soạn mấy cuốn: "Pháp sự trai nghi, Đạo tràng khánh tân văn" nhưng đều thất truyền. 

c) Thiền Lão thiền-sư 

Ngài trụ trì tại chùa Trùng-Minh huyện Tiên-Du, đệ-tử của Ða Bảo thiền-sư. Sau khi học đã đắc đạo, Ngài về ngôi chùa vùng Từ-Sơn, danh tiếng lừng lẫy, học trò đông đến hơn nghìn người. Chỗ ở của Ngài thành Ðại-Tòng-Lâm. 

Trong khoảng niên hiệu Thông-Thụy (1034-1038) vua Lý-Thái-Tôn nhơn một hôm đến thăm và hỏi Ngài: 

- Hòa thượng tới ở chùa này bao lâu?  

Vị thiền-sư đọc hai câu rằng: 

Nguyên văn:  

Ðản tri kim nhật nguyệt   
Thùy thức cựu xuân thu 

Dịch nghĩa: 

Sống ngày nay biết ngày nay  
Còn xuân thu trước, ai hay làm gì? 

Vua lại hỏi: Ngày thường hòa thượng thường làm việc gì? 

Ngài lại đọc: 

Nguyên văn: 

Túy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh  
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân 

Dịch nghĩa: 

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác  
Trăng trong, mây bạc hiện toàn chân. 

Sau khi về cung, vua định sai sứ rước Ngài vào triều để thỉnh làm cố vấn. Sứ giả đến nơi thì Ngài đã tịch rồi. 

3. Dưới đời Lý-Thánh-Tôn (1054-1075) 

a) Tình hình Phật giáo trong đời này 

Thánh-Tôn lên ngôi, đổi quốc hiệu là Ðại Việt và lấy niên hiệu là Long-Thụy Thái-Bình. Ngài là một ông vua rất sùng mộ đạo Phật. Năm Long-Thụy thứ năm (1059), Ngài xuống sắc lịnh dựng chùa xây tháp và đúc quả chuông trọng lượng 12.000 cân đồng, tại làng Bảo Thiên thuộc tỉnh Hà Nội. Quả chuông ấy hiện nay vẫn còn.  

Trong thời đại này, phái Thảo Ðường xuất hiện ở Việt Nam, do ngài Thảo-Ðường, đệ tử ngài Tuyết-Ðậu Minh-Giác bên Tàu truyền sang. Vua Lý-Thánh-Tôn thọ giáo với Ngài, sau được truyền tâm pháp làm đệ tử đầu tiên của ngài Thảo-Ðường. Phái Thảo-Ðường tức là phái Thiền-tôn thứ ba ở nước ta vậy. 

Lý-Thánh-Tôn là một tăng-sĩ được truyền tâm pháp thì chắc chắn đạo Phật lúc bấy giờ rất được phát đạt và có ảnh hưởng lớn lao trong dân chúng lắm.  

b) Phái Thảo-Ðường

Năm 1069 vua Lý-Thánh-Tôn đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành là Chế-Củ và nhiều dân, quân về làm tù binh. Những tù binh này, vua ban cho các quan trong triều làm người hầu hạ. Trong số các quan trong triều, có một vị Tăng-Lục. Một hôm, vị tăng ấy đi vắng, về bỗng thấy bản "ngữ lục" của mình bị một tù nhân sửa chữa lại cả. Vị Tăng Lục thất kinh, đem việc ấy tâu với vua. Vua cho đòi tên tù nhân ấy hỏi, thì y ứng đối rất thông suốt, luận về kinh Phật rất xác đáng. Hỏi ra mới biết đó là một vị thiền-sư người Trung Hoa, theo thầy qua Chiêm Thành, rồi bị bắt làm tù binh. Vị thiền-sư ấy tức là ngài Thảo-Ðường.

Khi biết rõ tung tích của ngài Thảo Đường thiền sư, vua Thánh Tông liền sắc phong Ngài làm Quốc sư, cho giảng kinh tại chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Đệ tử đến xin học rất đông. Ngài biệt lập một phái gọi là phái Thảo Đường.

3. Dưới đời Lý-Nhân-Tôn (1072-1127) 

a) Tình hình Phật giáo trong thời kỳ này 

Lý-Nhân-Tôn, mặc dù khi lên ngôi Lý-Nhân-Tôn tuổi còn nhỏ mà rất thông minh, anh dũng. Ngài rất hâm mộ Phật giáo, cho nên ngoài công việc triều chánh ra, Ngài còn để tâm lo truyền bá Phật-pháp. Ngài có đặt một vị quan cao cấp trông nom hết thảy các chùa trong nước. Ngài lại phong cho Khô Ðầu thiền-sư làm Quốc sư để cố vấn việc quốc chính, như Ngài Khuông-Việt, dưới đời Ðinh và Tiền-Lê. 

Song song với công việc chấn hưng Phật-pháp của vua, bà Hoàng hậu cũng là một tín nữ đắc lực, đã xuất của riêng ra lập hơn 100 ngôi chùa trong nước. 

Trong đời nầy, lại có nhiều bậc thiền-sư lỗi lạc, trước thuật những sách vở làm vẻ vang cho lịch sử Phật giáo nước nhà như Ngài Viên-Chiếu thiền-sư, Ngộ-Ấn thiền-sư ...  

b) Viên-Chiếu Thiền-sư

Ngài họ Mai, tên húy là Trực, quê ở huyện Long-Ðàm, con anh bà Linh-Cảm thái hậu (vợ vua Thái-Tôn). Ngài thông minh từ thuở nhỏ. Mặc dù con nhà quyền quý, Ngài từ giã gia đình, vào chùa Tiêu-Sơn, xin làm đệ tử ngài Ðịnh-Hương thiền-sư, nghiên cứu thiền học. Ngài rất am hiểu pháp "Tam quán" trong kinh Viên-Giác, tu đến đắc đạo và được sư phụ truyền tâm ấn. 

Sau Ngài về Thăng Long, dựng một ngôi chùa ở mé tả kinh thành và trụ trì tại đó. Người bốn phương nghe tiếng xin theo học rất đông. 

Ngài có soạn quyển: "Dược Sư thập nhị văn", trong ấy bàn giải về 12 điều đại nguyện trong kinh Dược Sư. Vua Lý-Nhân-Tôn có đưa bản sách ấy cho các sứ thần sang Tàu dâng vua Triết-Tôn nhà Tống. Vua Tống giao sách ấy cho các vị thượng tọa ở chùa Tướng Quốc xem và có chỗ nào đáng sửa thì sửa lại. Các đại sư Tàu xem rồi, tâu với vua Tống rằng: "Ðây là đấng hóa thân đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, bọn phàm tăng chúng tôi đâu dám thêm bớt một chữ nào nữa!". 

Vua Tống sắc cho sao lại một bản, còn bản chính thì trả lại cho vua ta với nhiều lời khen tặng. Ngài Viên-Chiếu tịch năm Quảng-Hựu thứ sáu (1090) thọ 92 tuổi. 

Sau đây là bài thơ của Ngài còn truyền lại: 

Nguyên văn: 

Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo  
Sơn nham đáo nguyệt quá tường lai  
Vũ trích nham hoa thần nữ lệ  
Phong xao đính trúc Bá Nha cầm

Dịch nghĩa: 

Theo gió tiếng còi luồn bụi trúc  
Kèm trăng trái núi quá đầu tường  
Hoa núi mưa sa thần nữ khóc  
Tre sân gió thổi Bá-Nha đàn. 

5. Dưới đời Lý-Thần-Tôn (1128-1138)

Lý-Nhân-Tôn không có con, lập con của hoàng đệ là Sùng-Hiền-Hầu lên làm thái tử, sau lên ngôi tức là Thần-Tôn. Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (1136) vua mắc bệnh nặng, nhờ có Minh-Không thiền-sư chữa khỏi, nên vua phong cho thiền-sư làm Quốc sư và sắc lập chùa Linh-Cảm. 

Trong đời này cũng có nhiều vị danh tăng như Minh-Không thiền sư, Thông-Biện thiền-sư, Bảo-Giám thiền-sư và đặc biệt có một sư ni, con gái một vị hoàng thân, tức là bà Diệu-Nhân. Vị sư ni này thọ giới với Chân-Không thiền sư, và là vị ni đầu tiên trong phái Tỳ-Ni-Ða-Lưu-Chi. Ngoài ra, trong thời này cũng có nhiều vị cao tăng trong phái Vô-Ngôn-Thông, Thảo-Ðường mở đạo tràng dạy đệ tử hoặc đi hành hóa, dùng pháp thuật cứu giúp kẻ bệnh tật rất nhiều. 

6. Dưới đời các vị vua cuối đời nhà Lý: Lý-Anh-Tôn (1138-1175), Lý-Cao-Tôn (1176-1210), Lý-Huệ-Tôn (1211-1225) 

a) Lý-Anh-Tôn và thời đại này 

Thần Tôn mất, thái tử Thiên-Tộ lên làm vua lấy đế hiệu là Anh-Tôn. Anh-Tôn là đệ tử của Không-Lộ thiền-sư (phái Thảo-Ðường) và được truyền tâm pháp, tức là vị đệ tử thứ tư nối truyền thống của phái Thảo-Ðường. 

Những vị thiền-sư có tiếng trong đời này là: Trí-Thuyền, Am-Trí, Bảo-Giám, Viên-Thông thiền-sư. Ngài Viên-Thông thiền-sư được phong làm Quốc sư vào năm 1143, tịch năm 1151, thọ 72 tuổi. Ngài có trước tác những bộ sách hiện còn lưu lại: 

- Chư Phật tích duyên sự (30 chương)

- Hồng chung văn bi ký

- Tăng Già tạp lục (50 chương)

- 1.000 bài thơ.

b) Lý Cao Tôn và thời đại này 

Anh-Tôn mất, Thái tử Long-Cán nối ngôi, hiệu là Cao-Tôn. Cao-Tôn lên ngôi mới ba tuổi, công việc trong triều giao trong tay quan phụ chánh Tô-Hiến-Thành. Cao-Tôn lớn lên thụ giáo với Ngài Trương-Tam-Tạng thiền-sư trong phái Thảo-Ðường. 

Trong đời này, tuy vua chúa, các bà cung phi và triều đình (như Thái úy Tô-Hiến-Thành, Thái bảo Ngô-Hòa-Nghĩa) đều sùng mộ đạo Phật, nhưng sự phát-triển không có gì đặc sắc đáng kể. Vận nước đang xuống, và Phật giáo cũng xuôi theo đà. 

c) Lý-Huệ-Tôn với thời đại này

Thái tử Sam nối ngôi Cao-Tôn, tức là Huệ-Tôn. Nhà Lý đến giai đoạn này, đã suy lắm. Trong triều thì nội loạn, vua không có thực quyền, ngoài dân gian cũng không được yên ổn. Do đó, Phật giáo cũng bị ảnh hưởng theo.  

Năm 1224, Huệ-Tôn chán ngán cái đời làm vua, truyền ngôi cho con gái mới có 7 tuổi là công chúa Phật-Kim, tức Lý-Chiêu-Hoàng, rồi xuất gia ở chùa Chân-Giáo, tự xưng là Huệ-Quang đại-sư. 

Lý-Chiêu-Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần-Cảnh. Nhà Lý chấm dứt từ đấy! 

7. Nhận xét chung về Phật giáo đời nhà Lý

Nếu ở Trung Hoa, đời Ðường là đời Phật giáo thịnh hành nhất, thì ở Việt Nam đời Lý là đời Phật giáo được thịnh hành nhất. 

Trong hơn hai trăm năm, đạo Phật giữ địa vị độc tôn về mọi phương diện: Ðạo đức, văn học, chánh trị, ngoại giao. Tám đời vua nhà Lý đều sùng mộ đạo Phật và có nhiều vị đã xuất gia đắc đạo. Các vị tăng trong đời vua ấy là những cao tăng, đại đức, thông thái và giữ nhiều địa vị quan trọng trong triều đình. Không những thế, các Ngài còn là những nhà thi sĩ lỗi lạc, những nhà ngoại giao tài tình và những nhà mô phạm uyên bác. Các Ngài đã tận tụy đem cái sở học, sở đắc của mình nhập thế cứu đời, gây uy tín rất lớn cho đạo Phật. Chính các Ngài đã gián tiếp cải chính một cách hùng hồn bằng những hành động của mình rằng: Đạo Phật không phải là yếm thế, nhu nhược mà chính là tích cực, dõng mãnh cứu đời và đã góp công rất lớn trong công cuộc dựng nước và an dân. Ðọc lịch sử Phật giáo nước nhà đến đoạn này, chúng ta thật vô cùng phấn khởi và càng thêm tin tưởng vào sứ mệnh cứu đời của Phật giáo.

(Xem tiếp Bài thứ 4: LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM tiếp theo)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6919843