Học

THỌ TRÌ NGŨ GIỚI

THỌ TRÌ NGŨ GIỚI

Hòa thượng THÍCH MINH THÔNG


Đức Phật dạy ba cõi không yên, như ở trong nhà lửa, người muốn xa lìa cõi khổ, thì phải nương tựa Tam Bảo. Người muốn thoát khỏi bến sanh tử luân hồi, không thể bỏ qua sự thọ trì giới pháp mà được. Giới như chiếc bè báu đưa người qua bể khổ; giới như đất bằng phẳng, muôn vật đều từ đấy phát sinh; giới như ngọn đèn sáng, chiếu phá các chỗ tối tăm; giới là con đường tắt đưa đến cõi nhơn thiên.

1. Khái niệm:

Năm điều giới là những nguyên tắc, những điều khoản đạo đức mà đức Phật dạy cho những người Phật tử tại gia xa lìa các điều xấu ác, quay về đường thiện, hướng đến an lạc giác ngộ và giải thoát. Đây cũng là những nguyên tắc để xây dựng nền tảng cho hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình và xã hội.

2. Nội dung năm giới:

Đức Phật chế giới căn cứ vào ý chí của chúng sinh, không mang tính ép buộc thọ giữ giới mà Phật tử tự phát nguyện.

Năm điều giới là: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Bốn giới đầu, không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối thuộc về tánh giới. Nghĩa là tính chất của nó là ác, pháp luật thế gian ngăn cấm, nếu vi phạm sẽ bị nhân quả nghiệp báo. Ví dụ: giết người là vi phạm luật pháp quốc gia và chiêu quả báo ác.

Giá giới, bản thân nó chưa phải là tội lỗi, tính chất gián tiếp đề phòng. Đức Phật chế định nhằm ngăn ngừa các nguyên nhân dẫn đến phạm tội. Đó là giới uống rượu.

Tuân giữ năm điều giới này là tạo phước nhân gian, cũng là tìm cầu cảnh giới xuất thế. Năm giới là giềng mối chắc thật để ngăn ngừa chúng ta làm những điều xấu ác, nó cũng chính là năm nấc thang kiên cố để đi đến Niết-bàn.

3. Công Đức Thọ Trì Ngũ Giới

Người thọ trì năm giới là nhận lãnh năm phương pháp làm thiện, cho nên hiện đời sẽ giảm bớt những phiền não hệ lụy cùng những tai nạn hiểm nghèo. Căn cứ theo luật nhân quả ta thấy, không còn sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối thì không bị đọa lạc vào trong ba đường ác đạo và tin chắc rằng đời sau của người này sẽ được thân hình đoan chánh và đầy đủ phước đức cõi nhân gian và cầu phước đức cõi nhân thiên thì cũng được toại nguyện.

Người trì mỗi một giới sẽ có năm vị thiện thần theo bảo hộ khiến cuộc sống gặp nhiều điều tốt lành. Thọ giữ năm giới, là đi đúng con đường chánh pháp, sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi, thất vọng và được mọi người tôn kính.

Như vậy tam quy là nền tảng của giải thoát, năm giới là năm nấc thang để tiến bước lên đạo quả. Song thọ trì tam quy, ngũ giới ngoài đem đến lợi ích cho cá nhân, còn góp phần làm trong sạch hóa đoàn thể, nhằm xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh và đem đến sự lợi lạc cho toàn cõi nhân sinh.

Nếu như tinh cần tu tập thiện pháp cầu xuất ly tam giới thì hiện đời sẽ chứng được từ sơ quả Tu-đà-hoàn, nhị quả Tư-đà-hàm cho đến đệ tam quả A-na-hàm. Giữ gìn thanh tịnh ở đời vị lai sẽ chứng quả Niết-bàn. 

4. Phương thức thọ ngũ giới

a. Giới tử:

- Thời gian: Kinh Ưu bà tắc giới: sau khi quy y Tam bảo từ 6 tháng trở lên mới lãnh thọ. Luận Thành Thật: “Ngũ giới, bát giới tùy ngày tháng dài ngắn, hoặc một năm, một tháng, cho đến nửa ngày, nửa đêm”. Luật Tứ Phần, Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa: “Nếu thọ ngũ giới phải suốt đời thọ”.

- Lãnh thọ giới: Theo bộ Tát Bà Đa Tỳ Ni Bà Sa: “phải thọ đủ năm giới”, Kinh Ưu bà tắc giới: “thọ mấy giới đều được”. Đại sư Hoằng Nhất: “Nếu không thọ được hoàn toàn thì thọ một hoặc hai hoặc ba hoặc bốn điều có thể tùy ý. Thà có thể chẳng thọ, chứ không nên thọ mà không trì”. Thọ năm giới là mãn phần, thọ 3, 4 giới gọi đa phần, thọ 2 giới là thiểu phần, thọ trì 1 giới gọi là nhất phần.

Đối tượng thọ: Là loài người không có các chướng nạn: Tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu) và phá tịnh giới (tự phá tịnh giới và phá tịnh giới của người là làm cho người kia phạm giới).

Số người: Mỗi lần truyền, một người hoặc nhiều người đều được.

b. Giới sư: Chỉ cần một vị trong năm chúng xuất gia đều truyền được.

c. Nghi thức thọ:

1. Thỉnh sư.

2. Giới sư khai đạo: Giới sư giảng ý nghĩa ngũ giới, tính trọng yếu của việc thọ ngũ giới đối với sự tin Phật, học Phật.

3. Thỉnh Thánh: Phụng thỉnh Phật, Pháp, Hiền Thánh Tăng chứng minh thọ giới; phụng thỉnh Phạm Thiên, Đế Thích, Hộ pháp, quỷ thần giám đàn hộ giới.

4. Sám hối: Sám trừ tội nghiệp để thân tâm thanh tịnh nạp thọ giới thể.

5. Vấn giá nạn: Đại sư Độc Thể nêu ra 7 điều: 1. Trộm vật của chúng Tăng, 2. Hành dâm với nam nữ trong lục thân. 3. Phá phạm hạnh của Tăng Ni. 4. Lúc cha không chăm sóc. 5. Lúc mẹ bệnh không chăm sóc. 6. Lúc Sư trưởng bệnh không chăm sóc. 7. Giết hại chúng sinh phát tâm Bồ đề.

6. Thọ tam quy: Phát nguyện thọ tam quy.

7. Khuyên giới tướng: Khuyên lãnh thọ ngữ giới.

8. Phát nguyện: Giới tử phát nguyện lãnh thọ.

9. Khuyến chúc: Khuyên giới tử giữ gìn giới pháp.

10. Hồi hướng: Hồi hướng pháp giới chúng sinh.

d. Các trường hợp đắc giới và không đắc giới:

Giới tử khi phát tâm lãnh thọ giới pháp nên sám hối cho thanh tịnh, một lòng khao khát cần cầu giới pháp mới thành tựu giới thể. Giới thể vô tác phát sinh khi Giới sư truyền trao và có năng lực chi phối giới tử suốt đời. Giới thể này là trực tiếp truyền từ Đức Phật. Thọ giới mà nhận được giới thể là nạp thọ Pháp thân Phật vào trong tâm tánh của chính mình, vì Pháp thân Phật tiếp thông với Pháp thân sẵn có của mọi người.

Đắc giới: phân làm 3 thứ hạng:

- Thượng phẩm ngũ giới: Nghe Giới sư khai đạo, phát tâm rộng lớn tối thượng duyên khắp pháp giới tất cả hữu tình vô tình, đều nguyện đoạn trừ tất cả tội ác, đều nguyện tu trì tất cả việc lành và nguyện rộng độ tất cả chúng sanh.

- Trung phẩm ngũ giới: Nghe Giới sư khai đạo, cầu thoát sinh tử, hoàn toàn không có tâm độ chúng sinh.

- Hạ phẩm ngũ giới: Nghe Giới sư khai đạo, vì tánh trí kém cỏi hoặc vì tâm ý tán loạn cho nên duyên cảnh chẳng khắp, chỉ đắc giữ gìn giới tướng không thể phát huy công dụng của giới thể.

Không đắc giới: Nếu như tâm ý tán loạn, nghe không rõ lời của Giới sư, nghe như không nghe không biết, chỉ theo chúng quỳ xuống đứng lên, như thế chỉ có gieo căn lành nhưng không đắc giới.

5. Phạm giới và sám hối: Phạm ngũ giới có nặng và nhẹ, được sám hối và không được sám hối.

a. Không được sám hối: Phạm ngũ nghịch.

b. Được sám hối: Phân làm hai phẩm trung và nhẹ.

Phẩm trung: Những giới thuộc về tánh tội mà hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Cần phải đến chúng xuất gia cần cầu sám hối. mỗi giới cấp phạm nặng nhẹ sẽ tìm hiểu sau. Tuy nhiên, khi sám hối tùy sự phạm ở mỗi giới mà cách giải trừ có khác: Giới trộm cướp, sám hối tiêu trừ giới tội, về tánh tội phải bồi thường đúng giá trị đã trộm. Giới giết người, sám hối chỉ trừ được tội phạm giới mà chẳng trừ được tánh tội, như phạm giới tội đáng lẽ bị đọa tam đồ, nhưng nợ người một mạng vẫn phải trả, nhân duyên hội đủ phải trả nợ báo.

Phẩm nhẹ: Những giới thuộc về tánh tội mà chưa hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, hoặc giá giới. Có nhiều cách, nặng thì lễ hồng danh đức Phật sám hối hoặc nhẹ thì tâm niệm sám hối.

(Hỏi: Nếu không thọ giới làm việc ác chỉ phạm tánh tội, người thọ giới phạm thêm giới tội. Vậy thọ giới là chiêu lấy quả nặng hơn? Đáp: Thọ giới để trừ ác nghiệp. Giả sử khi tạo ác, cũng có thể xả giới, nếu chưa kịp xả giới mà tạo ác nghiệp, tuy sẽ bị đọa tam đồ, hết thời gian bị đọa người đó có thể thành Phật. Hoặc sám hối sẽ tiêu trừ ác nghiệp.)

6. Xả giới và thọ giới lại:

Giới có pháp thọ cũng có pháp xả, xả rồi lại thọ đều được.

Nếu không giữ được thì tùy thời có thể xả từng giới hoặc xả toàn bộ.

Luận Tát Bà Đa: “Gặp nhân duyên ác bức bách muốn xả giới, không cần ở trước năm chúng xuất gia xả, xả trước một người thường cũng được. Muốn xả giới, tùy thời tìm người hiểu được lời mình nói, nói một lần Tôi xả giới nào đó, liền thành xả giới”.

Bộ Nghĩa Sao: “Khi sắp phạm giới, thà nên xả về sau sám hối và xin thọ lại”.

Người xả giới muốn thọ giới lại cũng không khó. Chỉ cần đăng ký phát nguyện như lần đầu.

Người Phật tử khi đã quy y lãnh thọ giới pháp của đức Phật rồi nên lấy đó làm khuôn phép, làm chuẩn mực trong cuộc sống, trong mọi sinh hoạt thường nhật của mình. Từ những chuyện nhỏ nhặt như việc ăn uống, đi đứng, ngồi nằm,… cho đến vai trò, bổn phận trong gia đình, cách ứng xử trong công tác, trong quan hệ bạn bè, cũng như việc tiếp xúc với quan chức với xã hội như thế nào cho phù hợp với văn hóa ứng xử của người Phật tử.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6129451