Thông tin

2644 NĂM TRƯỚC, MỘT THÔNG ĐIỆP HÒA BÌNH

ĐÃ SỚM ĐƯỢC VANG LÊN

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 

Năm nay, tín đồ Phật giáo khắp thế giới kỷ niệm ngày Phật Thích Ca đản sinh lần thứ 2564 Phật lịch. Con số này đã được Hội Phật giáo thế giới quyết định chọn dùng làm Phật lịch chung hằng năm vào năm 1956. Thật ra đó là niên đại được tính từ năm đức Phật nhập diệt. Kỳ thật Ngài sinh vào ngày trăng tròn tháng Năm (tháng Vesãkha) năm 624 trước Tây lịch (nhập diệt năm 544 trước Tây lịch - thọ 80 tuổi), tại vườn Lumbini nước Kapilavatthu, phía Bắc nước Ấn Độ cổ đại (nay thuộc Nepal). Như vậy, đức Phật Thích Ca là một nhân vật hoàn toàn có thật trong lịch sử, người đã mở ra cho xã hội Ấn Độ xưa nói riêng và toàn nhân loại nói chung một triết lý sống, thực tiễn, tích cực nhằm hướng đến xây dựng một đời sống hạnh phúc - an lành, không tội ác và chiến tranh.

Đứng về khía cạnh tôn giáo, đạo Phật vẫn luôn trung thành với nền tảng giáo lý vững chắc, có hệ thống của mình; và là một tôn giáo có số lượng kinh điển nhiều nhất. Bên cạnh đó còn có Luật tạng và Luận tạng, gọi chung là Tam tạng giáo điển

(Tripitaka) v.v. Do yếu tố chân lý tích cực như thế nên xưa nay vẫn có một xu hướng cho rằng đạo Phật không chỉ là một tôn giáo, có chăng là một hình thức tín ngưỡng, mở một cửa trong ba vạn tám ngàn cửa đi đến với Phật thể. Cũng trong khái niệm tôn giáo, bởi qua hơn 25 thế kỷ, đôi khi hình ảnh thiêng liêng mầu nhiệm được khoác lên sự sáng chói của đức Phật hầu tôn tạo thêm giá trị (tín ngưỡng) nơi con người của Ngài mà xét ra thiện ý nhiều hơn là ác ý. Điều đó trong vô vàn phương tiện giác ngộ chúng sanh Ngài cũng đã từng thể hiện, mà thuật ngữ Phật học gọi là phương tiện Vị - Tằng - Hữu. Vì vậy, những hiện tượng sự việc - hình ảnh - con số được nhắc đến trong Phật giáo đều mang một ý nghĩa giá trị nào đó, ở một khía cạnh, vấn đề nào đó. Hoàn toàn không huyễn hoặc hay trổ tài thể hiện phép lạ, quyền năng nào cả.

 


Tượng Phật Thích Ca bằng đá được thực hiện ở thế kỷ XV tại Mathura, nay thuộc bang
Uttar Pradesh, là một tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật thời kỳ Gupta (khoảng 320-540),
được coi là thời kỳ cổ điển ở Ấn Độ. Ảnh: DKT

 

Cũng trong khái niệm tôn giáo, Phật giáo vô tình trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ, đồng hóa với tất cả hình thức tín ngưỡng khác và tất nhiên phải chịu chung nhiều gán ghép ngoài ý muốn, dù trên thực thể sự tồn tại, hiện diện của Phật giáo hoàn toàn khác hẳn. Ngay như trong lối sống, cách sống của cộng đồng mang đậm dấu ấn của tư tưởng Phật giáo, đôi khi cũng bị cho đó là “ảnh hưởng tôn giáo”! Thật ra đó là sự thật của cuộc đời với chân lý “nhân quả báo ứng”, “ở hiền gặp lành” v.v… không phải do Phật giáo sáng tác ra.

Một thí dụ nữa, việc thống kê số lượng tín đồ Phật giáo hoàn toàn có thể đứng ngoài và đứng trên khái niệm đó. Như đã nói, Phật giáo tồn tại từ chính trong thực thể của những lợi ích mà Phật giáo đã mang lại! Tổng kết, thống kê để cho đó là sức mạnh, là bản thể thì hoàn toàn xa lạ và là mục đích tồn tại của Phật giáo. Cái giá trị được cho là đương nhiên từ hơn 2644 năm qua khi bánh xe pháp lăn hiền từ qua từng quốc độ an lành. Đó mới chính là bảng thống kê sáng rực nhất và ý nghĩa nhất của giá trị chân lý Phật giáo mang lại cho thế nhân. Có lẽ do từ ngàn xưa đức Thế Tôn không xem nặng việc này trong suốt 49 năm tròn vân du hóa đạo. Ngài bước đi trong dòng chảy chân lý tuyệt vời bằng cửa ngõ Tứ diệu đế để mong mọi người được giác ngộ như mình mà không nhìn lại sau lưng xem có bao nhiêu người đang bước theo mình để chứng minh Đạo của Ngài lớn mạnh và đông đảo nhất hành tinh?

Con số 7 với hình ảnh Phật đản sinh

Về phương diện tôn giáo, đức Phật Thích Ca là vị Giáo chủ sáng lập ra Phật giáo. Điều này quá rõ ràng. Tuy nhiên cần nên xác định rõ hơn vai trò Giáo chủ của đức Phật Thích Ca ở đây là “Giáo chủ cõi Ta bà”, chứ không là Giáo chủ - sáng lập ra Phật giáo. Đức Phật Thích Ca là người nối tiếp, thừa tự nền tảng chân lý Phật giáo từ bảy vị Phật trong quá khứ (còn gọi là Thất cổ Phật):

- Tỳ Bà Thi Phật (Vipacyi)

- Thi Khí Phật (Sikhin)

- Tỳ Xá Phù Phật (Visabhu)

- Câu Lưu Tôn Phật (Karacucchanda)

- Câu Na Hàm Mâu Ni Phật (Kanakamuni)

- Ca Diếp Phật (Kasyapa)

- Thích Ca Mâu Ni (Sakya moni) - Cổ Phật. Và đức Phật Thích Ca đản sinh hôm nay cũng chính là hậu thân của vị Phật thứ 7 này (trước đó Hoàng hậu Maha-Maya được điềm mộng ứng con voi 6 ngà). Và để thể hiện cho sự nối tiếp đó nên sau khi vừa thoát sinh đức Phật Thích Ca đã bước đi bảy bước, dưới mỗi bước ấy đều nở bảy đóa hoa sen. Sau đó lại ngã vào vòng tay Hoàng hậu, trở về trạng thái như bao đứa trẻ sơ sinh ở cõi trần này. Bảy ngày sau Hoàng hậu từ trần, Ngài được người dì là Maha-Pasapati Gotami tiếp tục chăm nom.

Từ đó về sau, qua các giai đoạn trưởng thành, xuất gia, thành đạo và nhập diệt con số 7 vẫn luôn thể hiện theo suốt cuộc đời Ngài.

Trong nền tảng chung của triết học Đông phương và ngay cả trong duy thức học Phật giáo, con số 7 luôn đóng vai trò quan trọng vì nó là một con số tròn theo công thức: chính giữa, bên trên, bên dưới, bên trái, bên phải, trước mặt, sau lưng. Vì vậy theo quan niệm Phật giáo thần thức, con người sau khi chết đi vào trạng thái trung ấm - dung hòa; bảy ngày luân chuẩn một lần, cho đến hết bảy lần như vậy (49 ngày) đã tìm được cảnh giới tương sinh để thọ nghiệp.

Hoa sen trong Phật giáo

Là một loài hoa vô cùng hữu ích cho con người từ ý nghĩa thực vật đến công dụng của y học, như chúng ta đều đã rõ. Hữu ích từ mầm rễ (ngó sen) cho đến lá, cọng, đài, hột v.v… Thậm chí nơi nào sen có mặt, môi trường nước chung quanh cũng đều trong sạch. Đặc biệt hơn là “đức tính” của hoa sen ở chỗ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa sen từ những đặc tính đó được phương Đông dùng làm tiêu biểu cho ý nghĩa vươn lên thanh bạch. Với Phật giáo, hoa sen tuy quý như vậy nhưng lại là một loài hoa phụ nữ không thể dùng làm trang sức. Hoa sen được diễn đạt trong Phật giáo rất đặc trưng, như hình với bóng giữa Phật - Bồ tát. Những Liên hoa tăng, Liên hoa tạng, Liên hoa tọa đủ nói lên sự liên kết gắn bó đó trong Phật giáo.

Phật giáo hơn 25 thế kỷ tồn tại bằng chí nguyện hòa bình.

 


Đầu của tượng Phật Thích Ca bằng đá hoa cương thuộc thời kỳ tiền Hồi giáo ở Afghanistan
có niên đại hơn 1.500 năm, hiện được trưng bày và lưu giữ ở viện Bảo tàng Anh quốc. 
Ảnh: DKT

 

Chẳng những vậy, tôn giáo này còn đem lại biết bao điều lợi lạc cho chúng sanh; đóng góp đạo đức phần mình trong sự định hướng nhân bản. Trên bước đường ấy, Phật giáo luôn tuân thủ đúng mục tiêu lý tưởng của chính mình là hữu ích, lợi lạc quần sanh trước khi chuyên cần tiến tu tự giải thoát. Do vậy mà Phật giáo không có kẻ thù, không gây chiến hoặc vì tính chân lý của mình đè bẹp công kích lại các tín ngưỡng khác. Như vậy hình ảnh đức Phật đản sinh, bảy hoa sen nở theo mỗi bước đi, nói lên điều gì? Trước hết đức Phật ở đây không là một vị thần thánh có đủ đầy quyền năng ban phước hay giáng họa, mà đức Phật phải được hiểu rằng đó là hiện thân của một giáo phái Hòa bình - Nhân ái - Từ bi. Nơi nào có Hòa bình - Nhân ái - Từ bi tất nhiên đất ấy là đất lành, và đất lành tất phải nở sanh loài hoa sen cao quý đó. Nói một cách tóm gọn là nơi nào có Phật giáo đi qua nơi ấy đều trổ sanh an lành - hạnh phúc.

Đã có nhiều ý kiến nhận xét “Đạo Phật là đạo của Hòa bình” có lẽ cũng do nhờ tính chân lý của tôn giáo này vậy. Ngay cả vị Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên là Lawaharlal Nehru (1889-1964) đã tuyên bố ngay trong những tháng ngày độc lập non trẻ nơi xứ sở mình rằng: “Muốn có hòa bình hãy chọn Phật giáo, muốn chiến tranh hãy chọn bom nguyên tử”. Sẽ rất khó khăn nếu chúng ta muốn tìm trong Tam tạng giáo điển tôn giáo này về những điều hô hào chiến tranh, chém giết, đập phá; dẫu chỉ là một câu, ngoài một chi tiết hiếm hoi đã được Sarvepalli Radhkrishman (1888-1975) - một triết gia, cựu Phó và Tổng thống Ấn Độ - viết trong tác phẩm “Religion and Sociaty” NXB Geogre Allen and Unwin LTD ấn hành, phần nói về quan điểm Ấn Độ giáo - Phật giáo với Bất bạo động, như sau: “… Khi Senapati Singha, một chiến sĩ, hỏi đức Phật xem có nên tham chiến để bảo vệ sinh mạng và tài sản cho dân chúng không thì Phật trả lời “Kẻ nào đáng trừng phạt thì phải được trừng phạt. Như Lai không dạy rằng những người tham chiến để bảo vệ chính nghĩa là đáng trách, sau khi đã hết mọi phương tiện duy trì hòa bình” (Kinh Bhagavadgita). Cũng thừa hưởng tinh thần bao dung hòa bình của Ấn Độ giáo và Phật giáo mà Mahandas Karamehand Gandhi (1869-1949) - linh hồn của Ấn Độ đấu tranh giành độc lập với đế quốc Anh, đã nêu cao chí khí và thành công trong hình thức đấu tranh bất bạo động, đã được người Ấn Độ tôn xưng là vị thánh.

Đất nước Ấn Độ xưa và Phật giáo có mối liên hệ chặt chẽ từ trong hệ tư tưởng cổ đại và trong lịch sử. Một giai đoạn khác trong lịch sử. Phật giáo ôm mối bi kịch lớn ra đi, để lại sau lưng một nước Ấn Độ tan tành manh mún vì nạn cực đoan tôn giáo, chỉ bởi vì Phật giáo là “Đạo của hòa bình”; Hòa bình thì luôn là mục tiêu tiêu diệt của chiến tranh và tội ác. Điều đó ngày nay chưa hẳn đã chấm dứt và mặc dù những con tim biết trân trọng sự sống hòa bình đã góp phần đưa bước Phật giáo trở lại nơi đây, những nơi này nơi khác Phật giáo vẫn luôn là nạn nhân của tư tưởng cực đoan thời hoang sơ.

Xem ra bảy bước chân ngày xưa của đức Phật Thích Ca đến hôm nay vẫn chưa  bước hết nên thế giới còn chiến tranh - nghèo đói - xung đột chủng tộc, tôn giáo còn triền miên với mức độ sâu rộng hơn. Hơn 2644 năm rồi, kể từ ngày Phật đản sinh mang khái niệm hòa bình - nhân ái vào cõi nhân sinh, luôn mơ ước mở rộng cõi bờ an bình ngay trong chốn vốn đã là biển khổ mênh mông.

Vâng! Từ bảy bước chân ngàn xưa, Phật giáo vẫn vững vàng đi qua nhiều vùng  giông bão, bằng hình thức này hay một sắc thái khác, thông điệp hòa bình của đức Phật từng bước gõ cửa khắp thế gian.

Ngày 19/12/1999, Liên hợp quốc bầu chọn Phật giáo là tôn giáo đầy đủ tính nhân văn, hòa bình và trí tuệ. Linh mục Ted O’Shaughnessy, một nhà tu Công giáo nói từ Belfast: “Chừng nào tôi còn yêu Giáo hội Công giáo tôi luôn cảm thấy khó chịu  vì chúng ta thường rao giảng lòng bác ái trong Kinh thánh tuy nhiên lại tuyên bố là ý Chúa khi cần giết những người khác. Chính vì thế tôi bỏ phiếu cho Phật giáo”.

Giáo sĩ Đạo Hồi Tal Bin Wassad, nói từ Pakistan “Dù tôi là một người sùng Đạo Hồi, tôi vẫn có thể thấy, thay vì giải quyết vấn đề ở cấp độ cá nhân, họ lại đưa hết sự giận dữ và máu đổ vào tôn giáo. Những Phật tử không mắc sai lầm này”.

Ông Bin Wassad, một thành viên ICARUS bỏ phiếu đại diện cộng đồng Hồi giáo Pakistan nói tiếp: “Thật thế, Phật tử là những người bạn tốt của tôi”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “Không thể nói Phật giáo chỉ đồng hành cùng dân tộc, mà Phật giáo là dân tộc, dân tộc là Phật giáo, bởi lẽ trong kho tàng văn học Việt Nam có đến 80% là văn hóa Phật giáo”.

Năm 2015, Hội nghị Liên minh quốc tế tiến bộ tôn giáo và tâm linh (ICARUS) tại Geneve, đại diện lãnh đạo tôn giáo toàn cầu đồng nhất trí bầu “Phật giáo là tôn giáo tốt nhất thế giới”. Ông Jonna Hult, Giám đốc điều hành ICARUS nói: “Tôi   không ngạc nhiên khi Phật giáo được bầu là tôn giáo tốt nhất thế giới, bởi vì xưa nay không hề có cuộc chiến nào được phát động nhân danh Phật giáo. Khác với những tôn giáo khác dường như luôn thủ sẵn mọi vũ khí trong túi, đề phòng trường hợp thượng đế quyết định sai lầm”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Thông tin UNESCO

- Phật giáo Ấn Độ - Hòa thượng Thanh Kiểm.

- Lịch sử Phật giáo - Tăng già thế giới - Hòa thượng Trí Quang.

- Đức Phật và Phật pháp - Narada.

- Mạng Internet.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6920582