Thông tin

ÂM NHẠC TRONG HOẠT ĐỘNG HOẰNG PHÁP

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 


 

Theo cách phân loại của tác giả Hà Lệ Hoa1, âm nhạc Phật giáo chia thành hai bộ phận, nhạc vũ mang tính nghi lễ (Liturgical music dance) và nhạc múa mang tính cúng dường (Para - liturgical music dance). Cách phân loại này có thể nói bao quát hệ sinh thái và đời sống âm nhạc Phật giáo Đài Loan. Trong quá khứ, vũ đạo Phật giáo từng khá phổ biến. Giả sử Phật giáo tiếp tục bảo lưu trên đất nước Ấn Độ, nó có thể là một hướng phát triển chủ đạo phù hợp với đặc điểm văn hóa. Nhận định này liên hệ bởi thị hiếu thẩm mỹ ở các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, như Thái Lan, Indonesia, Campuchia… mà nghệ thuật múa nghi lễ đặc biệt phổ biến.

Âm nhạc nghi lễ và cúng dường

Ở nước ta, nghệ thuật cung đình triều Nguyễn vẫn bảo lưu tiết mục “Lục cúng hoa đăng”. Trong cơ cấu chương trình giới thiệu nghệ thuật cung đình, gồm ca, múa, nhạc, hát bội và trò diễn, tiết mục “Lục cúng hoa đăng” giống như mảnh hóa thạch của thời kỳ vũ nhạc Phật giáo thịnh hành hoặc có thể coi như dấu ấn của loại hình nghệ thuật mang tính chất cúng dường (theo cách phân loại của tác giả Hà Lệ Hoa)!

Hiện tại, âm nhạc Phật giáo ở Việt Nam có xu hướng lan tỏa mạnh mẽ hơn so với nghệ thuật múa. Điều này cũng dễ hiểu, khi mà cơ tầng văn hóa Việt Nam phát triển vượt trội về âm nhạc. Kiểm kê gia tài văn hóa nghệ thuật cho thấy loại hình diễn xướng chiếm đa số. Nói cách khác, hát chính là một sở trường của người Việt. Người xưa có câu: “Hát hay không bằng hay hát”. Câu nói này vừa phản ánh một quan niệm giá trị, vừa chỉ ra sở trường của người Việt. Trong nhiều loại hình nghệ thuật, chúng ta có thói quen dùng danh - động từ “hát” để phân loại, như hát chèo, hát bội, hát cải lương, hát bóng rỗi, hát bả trạo, hát bài chòi, hát chầu văn… Trong sinh hoạt văn hóa truyền thống, từ cơ sở tín ngưỡng đến môi trường văn hóa dân gian, ca hát vẫn là hình thức phổ biến hơn cả. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngoài bộ phận nhạc lễ xuất hiện một cách định kỳ, thường xuyên trong tự viện, ngoài chốn thế tục, âm nhạc cúng dường với ca khúc chiếm đa số.

Sự khác biệt giữa âm nhạc nghi lễ và cúng dường

Trong âm nhạc Phật giáo, bộ phận âm nhạc mang tính nghi lễ có lịch sử lâu đời, đóng vai trò quan trọng, đồng thời gắn liền với chức năng thực hành nghi lễ, như nghệ thuật Ứng phú, các thể xướng, tán, niệm, chú, bạch, sám… Còn âm nhạc mang tính cúng dường bao gồm tất cả sáng tác lấy Phật giáo làm đối tượng phản ánh, như các ca khúc, Phật khúc, Đạo ca…

Phật giáo là một tôn giáo đề cao pháp phương tiện. Xét ở khía cạnh này, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng cũng là những phương tiện góp phần hoằng hóa Phật pháp. Tất nhiên, dựa vào hình thức, mục đích, công năng, thời gian, địa điểm, phương pháp và những người liên quan có sự phân biệt giữa âm nhạc nghi lễ và âm nhạc cúng dường.

Về hình thức, âm nhạc nghi lễ sử dụng hệ ngôn ngữ âm nhạc truyền thống kết hợp với nhạc cụ truyền thống và pháp khí; âm nhạc mang tính chất cúng dường sử dụng ngôn ngữ âm nhạc mới (chủ yếu là nhạc phương Tây), có thể mở rộng chất liệu âm thanh một cách phi hạn độ, như dung nạp âm thanh điện tử, tiếng động tự nhiên… Chẳng hạn giao hưởng “Khai giác” của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo biểu diễn trong đại lễ Phật đản năm 2008 là một tác phẩm hòa nhạc hỗn hợp (khí nhạc và thanh nhạc). Tác phẩm này gồm 7 chương, tập hợp hơn 500 nghệ sĩ, có dàn hợp xướng kết hợp giữa nghệ sĩ và tăng ni. Nó mang đến hiệu quả âm thanh hoàn toàn mới mẻ, so với cả nhạc lễ truyền thống và nhạc cúng dường đương đại. Qua đó, cho thấy tính chất linh hoạt trong việc xử lý chất liệu, lựa chọn hình thức của âm nhạc cúng dường.

Về mục đích, nhạc lễ nhằm thống nhất động tác, trang nghiêm đạo tràng, kiến tạo không gian nghi lễ linh thiêng; âm nhạc mang tính cúng dường kết hợp giữa nhu cầu tôn giáo và thưởng thức nghệ thuật, như ca khúc “Tháng tư mộng mơ” của nhạc sĩ Uy Thi Ca, một tác phẩm thường xuyên xuất hiện trong sinh hoạt các gia đình Phật tử, dịp lễ Phật đản. Đứng ở góc độ âm nhạc, ca khúc này hoàn toàn sáng tác bằng ngôn ngữ âm nhạc phương Tây, từ cấu trúc dạng hai đoạn (đơn), trong đó, đoạn 2 tương ứng với điệp khúc, cách tiến hành giai điệu kết hợp giữa bước lần và bước nhảy trên các âm tựa của hòa thanh Cổ điển châu Âu, từ đó tạo nên sự hài hòa, bình ổn, đặc biệt khi kết thúc về chủ âm… Đó là những yếu tố đem đến cho người thưởng thức cảm giác bình yên, ấm áp, tràn đầy yêu thương…

Về công năng, nhạc lễ hướng tới kết nối thân - tâm - linh; âm nhạc cúng dường thể hiện mối quan hệ giữa văn hóa, xã hội, giáo dục và tôn giáo. Trong âm nhạc nghi lễ, yếu tố tôn giáo nổi lên hàng đầu, hiếm thấy xuất hiện tính chất đa tầng trong cấu trúc nội tại. Còn ở âm nhạc cúng dường, yếu tố tôn giáo có thể lồng ghép vào nhu cầu thẩm mỹ, thói quen văn hóa, thông qua đó hướng tới mục đích giáo hóa. Ví dụ, ca khúc “Ánh đạo vàng” của nhạc sĩ Hằng Vang. Tác giả viết lời ca bằng một kết cấu dạng truyện thông qua ngôn ngữ âm nhạc bình dị, gần gũi... Người nghe có thể tìm thấy tính chất tương đồng giữa ca khúc này với những bản Ballad nhẹ nhàng, êm đềm. Quan trọng là ngôn ngữ lời ca. Nhạc sĩ Hằng Vang đã khéo dẫn câu truyện “Từ ngàn xưa vương thành Ca Tỳ La Vệ, Tất Đạt Đa thái tử con vua Tịnh Phạn” vào âm nhạc, qua đó giúp cho công cuộc giáo hóa diễn ra thuận lợi. Ca khúc này thường xuyên xuất hiện trong sinh hoạt các gia đình Phật tử. Thiết nghĩ, đối với các em nhỏ chỉ cần học thuộc lời bài hát tự nhiên biết về sự tích đức Phật xuất gia, một huyền thoại cũng là một nhân vật lịch sử.

Về thời gian, địa điểm thực hành âm nhạc nghi lễ tuân theo nguyên tắc kỷ luật nghiêm ngặt, lặp đi lặp lại theo trục thời gian không đổi. Còn âm nhạc cúng dường không bị ràng buộc bởi các yếu tố thời gian, không gian. Nó có thể diễn ra trên sân khấu, quảng trường hay sinh hoạt dã ngoại vào ngày thường hay ngày lễ. Đây là lý do khiến cho địa bàn tác nghiệp của âm nhạc cúng dường mở rộng, có khả năng tác động đến nhiều nhóm đối tượng. Ngoài ra, tiếp cận Phật pháp bằng con đường nghệ thuật đem đến hiệu quả rõ rệt. Tính hấp dẫn của âm nhạc tự thân tạo đường liên kết cho các thực thể liên quan tham gia thúc đẩy tiến trình hội nhập. Mô hình làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh, Phật Quang Sơn của đại sư Tinh Vân, Đài Loan là những ví dụ điển hình.

Về phương pháp, nhạc lễ Phật giáo tuân thủ nghiêm ngặt quy phạm truyền thống, từ nội dung âm nhạc cho đến hình thức thể hiện. Trong khi âm nhạc cúng dường có thể sử dụng nhiều phương tiện, hình thức đa dạng. Trên đây đã giới thiệu qua về giao hưởng “Khai giác” của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo. Ông còn để đời một tác phẩm khác, “Căn thức” liên quan đến triết lý Phật giáo bằng cách thể hiện ngôn ngữ âm nhạc điêu luyện, trình độ bậc thầy.

Cuối cùng là những người liên quan. Thực tế cho thấy, không gian thực hành âm nhạc nghi lễ cũng chính là không gian nghi lễ, nơi dành cho giới tăng, ni, Phật tử, những người liên quan trực tiếp. Trong âm nhạc cúng dường, những người liên quan chỉ thuần túy là người có mặt. Tính đa chiều trong mối quan hệ này khiến cho các thực thể tương tác với nhau một cách phức tạp, thậm chí đa tạp. Đây là lý do đưa đẩy nghệ thuật cúng dường nói chung và âm nhạc cúng dường nói riêng dễ thoát ly tinh thần tôn giáo thuần khiết, nghiêng theo xu hướng thế tục.

Theo nhận định của tác giả Hà Lệ Hoa trong bản “Đánh giá hoạt động âm nhạc Phật giáo Đài Loan” chỉ ra các mặt lợi và hại của âm nhạc cúng dường.

Về ưu điểm: Nó góp phần đưa âm nhạc Phật giáo đi vào đời sống, phát hiện, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật trong lĩnh vực âm nhạc Phật giáo, thúc đẩy tiến trình tương tác giữa Tăng đoàn và Phật tử, mọi người cảm nhận được niềm hoan hỷ khi tham gia, thanh tịnh thân tâm, thúc đẩy xã hội hài hòa, tăng phúc, giảm tội, phổ biến, quốc tế hóa văn hóa Phật giáo…

Về nhược điểm: Nó có thể làm giảm công năng tu tập của âm nhạc tôn giáo, xuất hiện tình trạng thỏa hiệp của Tăng đoàn hoặc Phật giáo truyền thống, ảnh hưởng, thay đổi nhận thức của đại chúng với âm nhạc truyền thống Phật giáo. Âm nhạc truyền thống có thể bị thay đổi, tổn thương, dẫn tới cuộc cạnh tranh giữa nhạc lễ truyền thống và nhạc cúng dường. Vấn đề đánh giá âm nhạc cúng dường cũng nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột về giá trị, đẩy nhanh quá trình thay đổi, thế tục hóa âm nhạc Phật giáo… Tình hình này diễn ra tại Đài Loan, nhưng có giá trị tham khảo nhất định đối với Việt Nam.

Vai trò của âm nhạc

Khi mở rộng chiều kích trong các hoạt động hoằng pháp, gia tăng tương tác xã hội, âm nhạc Phật giáo có thể xuất hiện trong nhiều sự kiện liên quan, như hoạt động biểu diễn, truyền dạy, nghiên cứu, hội thảo, quảng bá, giao lưu… Trên tinh thần đề cao pháp phương tiện, âm nhạc là một phương tiện hữu dụng trong hoạt động hoằng pháp.

Như chúng ta biết, đại sư Tinh Vân, người sáng lập hệ thống tự viện Phật Quang Sơn Đài Loan khi mới tới hòn đảo này truyền bá Phật pháp đã khéo vận dụng phương tiện âm nhạc, viết lời, phổ điệu nhằm quảng kết nhân duyên với giới trẻ. Tinh thần Phật giáo dân gian được đại sư chủ trương, diển dương suốt sự nghiệp của mình. Ở Đài Loan, Phật khúc rất phát triển. Nó là thành quả, cũng như minh chứng về sự kết nối giữa Phật giáo và chúng sinh (đại chúng). Phật khúc Đài Loan từng truyền sang Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. Sau thời kỷ Đổi mới (1986), doanh nhân Đài Loan là một trong những người mở đường cho làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có Khu Chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng hình thành sau bước chân xê dịch, đầu tư của người Đài Loan. Cùng với đó còn có các nhà máy sản xuất giày dép, dịch vụ vận tải đường biển… ở cả hai miền Nam Bắc. Theo quan sát, nhiều doanh nhân Đài Loan vốn là Phật tử, trong nhà máy, khu vực sản xuất đặc biệt thiết kế riêng gian thờ, phát Phật khúc bằng thiết bị điện tử.

Như trên đã đề cập, ca hát là một sở trường của người Việt. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của hệ thống tự viện, thiết chế văn hóa Phật giáo, các hoạt động truyền bá Phật pháp, thuyết pháp giảng kinh đã rất phổ biến. Tuy nhiên, đối với bá tánh, kể cả Phật tử đến với sinh hoạt này đem theo thói quen hàng ngày, trong đó có niềm say mê ca hát. Thói quen đó không chỉ hình thành trong quá khứ mà còn kéo dài đến hiện tại. Các hoạt động, tụ điểm vui chơi giải trí liên quan đến ca hát, như Karaoke, tụ điểm Hát cho nhau nghe, Phòng trà ca nhạc, showbit trên truyền hình… minh chứng cho một hiện tượng văn hóa mang tính phổ biến. Bởi vậy, men theo thói quen văn hóa, vai trò của âm nhạc được khẳng định và vang lên trong nhiều hoạt động hoằng pháp.

 


1. Hà Lệ Hoa: “Âm nhạc và múa Phật giáo Đài Loan đương đại”, Niên giám Âm nhạc truyền thống Đài Loan năm 2009, tr 197.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6709637