AN LẠC VƯỜN TÂM
HT. THÍCH THIỆN ĐẠO
1. Trong quá trình thanh lọc thân tâm, chuyển mê thành ngộ, biến đau khổ thành an lạc, mỗi chúng ta phải suy niệm về tính cao quý hiện thực của Chánh Pháp. Chánh Pháp là thuyền từ, là phao cứu mạng, là nguồn lương dược, là ngọn đèn trong đêm tối. Tu học chính là con đường hướng vào nội tâm, trở về với chính mình để khai mở kho báu vô tận trong mỗi chúng ta.
Mọi sinh hoạt của người con Phật phải thấm sâu chất liệu của Chánh Pháp. Người học Phật lúc nào cũng phải sống trong tỉnh giác. Tỉnh giác là khả năng ý thức được giá trị tư duy và hành động của mình. Trên bước đường tu học, nếu chúng ta không tìm thấy an lạc trong pháp vị , mà còn quá nhiều phiền não không cần thiết, thì ta phải xét lại chất liệu Chánh Pháp trong mỗi chúng ta, bởi vì Đức Phật đã dạy: “Chánh Pháp chính là an lạc”.
Do vậy, nếu chúng ta không có an lạc tự tại, bởi vì chúng ta chưa được nuôi dưỡng bằng chất liệu Chánh Pháp.
2. Những ai dấn thân vào con đường học Phật, con đường suy tầm chân lý hướng thiện cuộc đời, bước đầu tiên cũng là bước quan trọng là phải hiểu toàn bộ hệ thống giáo lý của Đức Phật như là một phương pháp giáo dục nhân bản hoàn hảo nhất. Tinh thần giáo dục mà Đức Phật đã hướng dẫn như là một nghệ thuật sống nhằm phát huy đạo đức trí tuệ con người, một tiến trình giác ngộ hoàn toàn nhân bản, hữu ích lâu dài cho con người và xã hội.
Theo Đức Phật, vị trí con người là tối thượng, là chủ nhân của chính mình. Do vì con người có khả năng thánh thiện, cho nên không có vấn đề nào mà con người không thể giải quyết được bằng vào sự nỗ lực vượt bực của chính mình.
Thật thiếu sót nếu chỉ biết đi tìm các giá trị ngoại tại để làm nền tảng cho việc xây dựng và phát triển xã hội, mà xem nhẹ yếu tố nội tại, tức là con người hoàn thiện. Bao giờ con người còn hướng ngoại, còn tha hoá, còn chưa làm chủ được mình thì cuộc sống xã hội chưa ổn định.
3. Cuộc đời là vô thường, các pháp là giả hợp, có gì bền chắc mà bám víu, mà ôm giữ? Đạo Phật là đạo giải thoát, là con đường dứt khổ thoát ly mọi ràng buộc. Không đắm say một cách mù quáng là thái độ sáng suốt, là ý thức vươn lên khỏi những định kiến chật hẹp, những chấp trước nặng nề.
Bằng cái nhìn sáng suốt, Đức Phật đã chỉ rõ: “Chính sự đam mê không biết nhàm chán đã trói buộc con người trong vòng khổ não”. Càng tìm cầu càng muốn ôm chặt, càng muốn ôm chặt càng bị trói buộc. Đầu mối của sanh tử chính là sự đam mê chấp thủ.
Cuộc đời là dòng sông bất tận, dưới mặt nước phẳng lì tưởng như êm đềm đó, chất chứa bao nhiêu là bùn đất, rong, rêu, rơm, rác. Ta từ đâu đến, rồi ta sẽ đi về đâu, và bây giờ ta đang làm gì trong kiếp nhân sinh bèo bọt này?
Ngược dòng, xuôi dòng, giữa dòng… tất cả đều bị cuốn hút bị nhận chìm. Một lúc nào đó không biết trước, bất thần ta sẽ trở về cát bụi như ta đã đến. Hãy luôn luôn tỉnh thức để vượt qua dòng sông sanh tử.
4. Toàn bộ giáo lý Đức Phật được thiết lập trên tinh thần vô ngã. Vô ngã là cái nhìn xuyên suốt không ngăn ngại, là hành trình dung thông vượt qua mọi bế tắc tâm lý, quyết tâm đoạn trừ xả bỏ các pháp hữu lậu, hướng đến tịch tịnh vô lậu.
Giáo pháp vô ngã cho ta nhận thức được sự tầm thường, nhỏ bé vô nghĩa, giới hạn của một cái ta phù phiếm hư ảo, là nguyên nhân phát sanh mọi đau khổ bất an, được hiện hình dưới các dạng thức tham chấp, thù hận, điên đảo.
Vô ngã vị tha, quên mình vì người là sợi dây liên kết con người lại với nhau, giúp ta gần gũi nhau hơn, gắn bó nhau hơn, từ đó hố sâu ngăn cách sẽ dần dần được lấp cạn, cuộc sống trở nên tốt đẹp và có ý nghĩa hơn. Đây chính là tinh thần, là sức sống của Chánh Pháp cao cả.
Dưới cái nhìn của Đức Phật, chân lý không có nhãn hiệu, người đi tìm chân lý phải biết vứt bỏ các thành kiến để tâm hồn không bị hạn chế vướng mắc, không có hàng rào ngăn cách giữa mình và người. Thấu triệt được lý vô ngã, hành giả không còn bị hệ luỵ vào nhân ngã bỉ thử, được thua, phải trái. Bây giờ tâm được an tịnh, trí được sáng suốt, không nhơ sạch, không tăng giảm, là trạng thái niết bàn tịch tịnh, mục đích tối hậu của hành trình tu chứng.
5. Đau khổ là kết quả của quá trình tạo tác tích luỹ các chủng tử vô minh. Do từ vô minh khởi lên các hành nghiệp bất thiện, do hành nghiệp bất thiện dẫn đến điên đảo đọa lạc. Các mắt xích sanh tử tạo nên vòng luân hồi bất tận. Vòng luân hồi này hoạt động do sức đẩy của các tâm sở bất thiện mà hậu quả là sự xuất hiện các đọa xứ.
Nếu cuộc đời không đau khổ thì đạo Phật không có lý do tồn tại. Đạo Phật còn tồn tại vì con người còn đau khổ. Giáo pháp của Phật có khả năng dứt trừ vô minh đau khổ. Chừng nào vô minh chưa được bật gốc thì phiền não đau khổ vẫn còn bám chặt chúng ta. Mục đích tối thượng của Chánh Pháp là đem lại an lạc tự tại, khai thông mọi bế tắc tâm lý con người. Người Phật tử chân chánh nhờ thực tập Chánh Pháp mà đạt được trạng thái an lạc nội tâm, thấy rõ bản chất tạm bợ của các pháp nên vượt ra ngoài mọi sự ràng buộc của kiếp nhân sinh.
Đức Phật, con người siêu phàm, bằng con mắt trí tuệ, đã vượt ra ngoài cái vòng luân hồi bất tận, đã tháo gỡ từng mắt xích sanh tử, đã chặt đứt vòng vô minh hành nghiệp. Chân thời vô ưu chính là kết quả của tiến trình thăng hoa tâm thức con người, ở đó không còn bức bách khổ não mà chỉ có an lạc tự tại, vì vô ưu có nghĩa là không ràng buộc, không vướng mắc, không ưu sầu khổ não, là an lạc tự tại, là buông xả các pháp, là vượt trên mọi đối đãi nhân sinh. Do các đặc tính nêu trên, vô ưu chính là tính xuyên suốt trong kho tàng giáo pháp của đạo Phật.
Pháp sống nào không có tính chất vô ưu thì không phải là pháp sống của đạo Phật. Cho nên vô ưu chính là nguồn suối mát vô biên cho những tâm hồn đang bị cháy bỏng vì tham vọng cuồng si.
Bình luận bài viết