Thông tin

ẤN TƯỢNG NGUYỄN PHÚC CHU TRONG

TÂM THỨC CƯ DÂN XỨ HUẾ XƯA NAY

 

LÊ QUANG THÁI*

 

Nguyễn Phúc Chu (  ) sinh năm 1675, húy là Tùng (); 17 tuổi lên ngôi Chúa, được tôn phong Quốc chúa, sống trọn đời người trải qua 51 năm. Mất năm 1725, chúa thọ không cao nhưng thọ danh giữa cảnh đất nước thanh bình suốt 34 năm trị vì xứ Đàng Trong từ năm Tân Mùi (1691) đến năm Ất Tỵ (1725) như còn vang mãi dư âm cho đến hôm nay. Năm Nhâm Thân (1692) mới chính thống trở thành năm thứ 1 và năm Ất Tỵ là năm thứ 34. Hiện nay vẫn còn một số sách văn học, sử học hoặc tôn phả viết năm sinh của chúa Nguyễn Phúc Chu là 1674 thay vì 1675, năm mất 1724 thay vì 1725. Lập bảng niên biểu liên quan thì dễ nhận ra những sai sót ấy.

Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu là đời thứ 6  theo Vương  triều xứ Đàng Trong, tức đời thứ 7 theo Vương phả đã tính lên đời Triệu Tổ Nguyễn Kim. Đời chúa thứ 7 kế tục là chúa Nguyễn Phúc Chú (còn gọi là Nguyễn Phúc Thụ) thừa hưởng phước đức đời trước để lại như lời ẩn sĩ Hoàng Quang, người làng Thai Dương, huyện Hương Trà vào hậu bán thế kỷ 18, đã viết trong Hoài Nam Khúc:

Non nước trời Nam đã bảy triều,

Nghiệp vương xây dựng để tôn miếu.

Rỡ ràng chính hóa đời Văn Võ,

Réo rắt âu ca thuở Thuấn Nghiêu.

Lấy quốc sử định hướng để thâm nhập thực tế với mong cầu làm sáng tỏ thêm về đạo hạnh, trí tuệ và công nghiệp lớn lao của Quốc chúa. Tuy chúa đã mất 286 năm, nhưng “cọp để da, người ta chết để tiếng”. Sáng tối nghe chuông Thiên Mụ ngân vang cảnh tỉnh nhân thế, nhiều người tưởng nhớ đến tiếng chuông chùa thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Và tuyệt nhiên, còn như vẫn thanh thản nghe tiếng chuông ngân từ buổi xa xăm dựng lập chùa và còn cả tiếng chuông hôm nay nữa.

I. HÌNH ẢNH QUỐC CHÚA TRÊN ĐỒ SỨ KÝ KIỂU

Những hình ảnh danh lam thắng tích như Thiên Mụ, Hà Trung, Ái Lĩnh (đèo Hải Vân), Tam Thai (Non Nước ở thành phố Đà Nẵng), bến chợ Thuận Hóa xưa được vẽ trên mỗi chiếc tô sứ kèm theo mỗi cảnh một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú bằng chữ Hán.

Ở cuối các tiểu phẩm đều ghi 3 chữ Hán: Đạo nhân thư (). Đó là lối trang trí nhất thi nhất họa thịnh hành vào thời đó:

THIÊN MỤ HIỂU CHUNG

 (Chuông sớm Thiên Mụ)

HÀ TRUNG YÊN VŨ

(Mù tỏa Hà Trung)

ẢI LĨNH XUÂN VÂN

(Mây xuân trên Ái Lĩnh)

TAM THAI THÍNH TRIỀU

(Nghe sóng Tam Thai)

THUẬN HÓA VÃN THỊ

(Chợ chiều Thuận Hóa)

Chúa Nguyễn Phúc Chu có tự hiệu là “Thiên Túng Đạo Nhân” chứ không phải là pháp danh như một số người đã nhầm lẫn. Chúa thọ lãnh Pháp danh Hưng Long ( ) năm Ất Hợi, 1695. Các chúa kế vị đều có biệt hiệu gồm 4 chữ. Chúa Nguyễn Phúc Thú (còn gọi Thụ) có biệt hiệu là “Vân Tuyền Đạo Nhân”. Chúa Nguyễn Phúc Khoát lấy biệt hiệu “Từ Tế Đạo Nhân”, Chúa Nguyễn Phúc Thuần chọn tự hiệu là “Khánh Phủ Đạo Nhân”.

Nhóm từ gồm 3 chữ Hán “Đạo nhân thư” ()  trở thành chuyện “uẩn khúc” cần được làm sáng tỏ. Đã có cách dịch bằng cách tách chữ thứ ba, chữ “thư” riêng lẽ ra và dịch nghĩa đã không mấy sáng ý là: “Đạo nhân viết”. Cái cắc cớ là có đến 4 vị chúa kế tục nhau đều lấy hiệu, tự hiệu, biệt hiệu gồm 4 chữ. Mẫu số chung của các hiệu hoặc tự hiệu hoặc biệt hiệu là 2 từ bằng chữ Hán “Đạo nhân”()  đặt sau các danh từ riêng cũng gồm 2 từ Hán Việt khác biệt.

Sách Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng minh họa về đèo Hải Vân: “Đời vua Hiển Tôn Hoàng đế (1691 – 1724!) tuần hành Quảng Nam qua nơi đây, đã Ngự đề bài thơ rằng:

Việt Nam hiểm ải thử sơn điên

Hình thế hồn như Thục đạo thiên

Đản kiến vân hoành tam tuấn lãnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên

Tạm dịch:

Đèo cao hiểm trở nhất Việt Nam

Cheo leo như đường vào đất Thục

Mới thấy mây giăng ba núi lớn

Nào hay mình ở mấy tầng mây. ([1])

Hiển tôn Hoàng đế tức Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, danh hiệu đế vương này được vua Gia Long tôn phong. Một sự tình cờ tác giả dùng hai từ Việt Nam, ý chỉ đất phương Nam của nước Đại Việt. Ý tưởng ấy được Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu thể hiện qua bài HÀ TRUNG YÊN VŨ bằng câu thơ: Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh (Việt Nam cũng có cảnh Tiêu Tương).

Chưa rõ lý do gì khiến ai đã thay đổi  hai từ “hiểm ải” thành “xung yếu” ở câu 1; ba từ “Hình thể hồn” ở câu 2 thành “Tuyệt lĩnh hoàn”. Phải chăng bài thơ bằng chữ Hán khắc họa trên chiếc tô sứ ÁI LĨNH XUÂN VÂN là trọn vẹn nguyên tác bài ẢI LĨNH VÂN SƠN của chúa Nguyễn Phúc Chu, được các sử thần nhà Nguyễn trích chọn 4 câu đầu thành bài thất ngôn tứ tuyệt để ghi vào quốc sử. Đây quả thực là những cật vấn của người đời sau mong ước các nhà nghiên cứu làm sáng rõ hơn.

II. ẨM THỰC DÂN GIAN THĂNG HOA Ở CHỐN CUNG ĐÌNH

Tản mạn trong sách Hải ngoại kỷ sự ghi chép những tiệc chay chiêu đãi Hòa thượng Thích Đại Sán và đoàn tuỳ tùng vào tháng ba năm Ất Hợi (1695) với nhiều tình tiết như sau:

1/ “Dọn cơm chay, nhiều món không biết tên, quá nửa dùng mật mía trộn đồ ăn nguội… kế nhà vua cho đem đến cúng dường, từ tiền gạo, yến sào, cho đến giấm tương dầu muối vừng sáp, các thứ rau quả đầy đủ” (tr.35).

2/ “Cơm nước xong, Quốc vương hỏi rằng: “Trước mặt Lão Hòa thượng, có thể lấy múa hát cung dưỡng chăng”. Ta bảo rằng: “Trong 10 thứ cung dưỡng, âm nhạc là một vậy” (tr.40).

3/ “Hằng năm xuân hạ thường khô hạn, mùa hạ mặt trời đứng bóng nóng như lửa đốt; đất đỏ nghìn dặm, cây cỏ khô cháy. Vì ta có kẻ tùy tùng ăn đông, nên Quốc sư thường lấy sự thiếu rau làm lo” (tr.49).

4/ “Đến ngày 26, nhà vua rước ta vào phương trượng mới. Quốc mẫu đãi cơm chay, vương huynh, công chúa dâng hương, thỉnh ta thuyết pháp” (tr.53).

5/ “Chùa Thiền Lâm vì thiếu sắp đặt, nên lương thực tiếp tế ngẫu nhiên bị thiếu hụt” (tr.55).

6/ Nói về ẩm thực cũng được diễn thành thơ: “Quốc vương vì dân chúng/ Cầu Phật mở đàn chay” (tr.65) hoặc “Nước mía uống ngon thật/ Tinh dừa ăn khỏe ghê” (tr.70).

7/ Lúc ấy số tăng chúng đến cầu giới đã lên đến số nghìn, mà vật hạng cần dùng trong giới đàn, Quốc sư chẳng chút lo liệu. Xảy có công chúa đến, ta lấy việc ấy trình bày. Công chúa nói: “Lão Hòa thượng hãy vẽ đồ hình và kê đơn các món cần dùng. Tôi đem trình Quốc vương, có thể ứng biện xong lập tức”(tr.72).

8/ Câu đối của Quốc sư dán ở Trai đường (tr.73) như đã làm sáng thêm ý nghĩa của chạy tịnh.

Tìm đọc bản gốc Hải ngoại kỷ sự bằng chữ Hán để viết và phiên âm câu đối như sau:

般手

 

Phiên âm:

SA OA LÝ HOẠT CHỮ PHẬT THÔN, HỮU GIÁ BAN THỦ CƯỚC, THUỶ THỌ ĐẮC QUỐC VƯƠNG CUNG DƯỠNG

KHÔI VU TRUNG SINH CẦM TỔ TƯỚC, VÔ NA DẠNG ĐỔ BÌ, CHẪM NĂNG TIÊU DIÊM LÃO PHẠN TIỀN ([2])

Tạm dịch:

- Nhìn nồi đất nấu cơm dâng Phật thọ dụng, nhờ bàn tay khéo người dân, lại được Quốc vương đem cúng dường;

- Thấy bình bát đựng đầy được Tổ chứng trai, chứ không phải phường túi cơm, mới tiêu dụng cơm tiền tín chủ.

9/ “Ngày [mồng 6 tháng 4] truyền Tỳ kheo giới, quốc mẫu và vương huynh đặt tiệc chay, ghi chép các lời pháp ngữ” (tr.85).

10/ “Ngày sau [tức mồng 9 tháng 4], vì các giới tử viên mãn Bồ Tát giới, vương huynh, công chúa, các giới tử dọn cơm chay. Vương khiến Nguyên lão Đông Triều Hầu dâng lễ thỉnh ta thượng đường thuyết pháp” (tr.91).

11/ “Quốc mẫu có tính nhân từ, ưa làm phước… Từ ngày ta đến đây, đã bốn lần đãi tiệc chay, bữa nào cũng rất đỗi tinh khiết… Bữa nay lại dọn cỗ chay thịnh soạn thỉnh ta và hai dãy tùy trượng tăng chúng”…(tr.113) ([3]).

Một tình tiết nói đến việc Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đã phát nguyện ăn chay dài ngày. Chính sử đã ghi lại: “Giáp Ngọ, năm thứ 23 [1714], mùa thu, tháng 7, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ. Chúa ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng, phát tiền gạo chẩn cấp cho người nghèo thiếu. Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử cũng đem con và tướng tá tới hội, chúa ban yến rất hậu, phong cho ba người con là Phù Xác, Phái Xác và Tỳ Thôn Phù tước hầu”.([4])

Đó là hình ảnh của những tiệc chay thịnh soạn ở chốn Phật đình vừa là Vương đình. Tại hai ngôi Phạn vũ Thiền Lâm và Thiên Mụ đã là những nơi từng long trọng đón tiếp Quốc khách và sứ thần thắm tình đạo vị.

Nay xin bổ sung thêm về yến tiệc mặn là những nơi đã được sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép từ năm Ất Hợi (1635) đến năm Quý Sửu (1673), trước thời Quốc chúa.

  1. Tháng 10 năm Ất Hợi (1635): [Chúa Nguyễn Phúc Lan] ban yến để uỷ lạo tướng sĩ, sau vụ Trấn thủ Quảng Nam làm phản bị Cận thần Tôn Thất Tuyên dẹp yên.
  2. Tháng hai năm Mậu Tý (1648), quân Trịnh xâm lấn. Chúa Nguyễn Phúc Lan sai Thế tử Dũng Lê Hầu đánh phá được: Thế tử đến hành tại làm lễ hiến phù. Chúa sai đặt yến. Thưởng cho Thế tử và các tướng sĩ theo thứ bậc khác nhau.
  3. Tháng hai năm Quý Sửu (1673) đánh thắng quân Trịnh, Chúa Nguyễn Phúc Lan ngự về phủ chính Kim Long mở tiệc khao tướng sĩ, định công mà ban thưởng theo thứ bậc cao thấp.

Thiết nghĩ, đó là những cứ liệu để khẳng định dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu ẩm thực chay và mặn đã đạt tới mức hoàn thiện trong cảnh đất nước thanh bình([5]).

III. NGUYỄN PHÚC CHU, VỊ CHÚA THƯỢNG VĂN

Trong lãnh vực âm nhạc cổ truyền, cụ thể là nhã nhạc, ca Huế, hò Huế và các làn điệu dân ca miền Trung; các nghệ sĩ, ca công, ca nương đã dùng thuật ngữ “CHÚA THƯỢNG VĂN” để tôn phong Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu.

Tiêu đề “Câu chuyện ca Huế” được xem như lời tựa sách Bán buồn mua vui của Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) đã truy nguyên nguồn gốc của ca Huế như sau:

“Đức Hiếu Minh [chúa Nguyễn Phúc Chu], hiệu Thiên Túng Đạo Nhơn, là ông chúa thượng văn, năng đề vịnh. Con Ngài là Tứ (tức Đán), cháu là ông Dực đều có tiếng giỏi từ chương. Chúa Nguyễn trấn Thuận Hóa, Thuận Hóa tức là Huế ngày nay, mà Chiêm Thành ngày xưa (Ô Châu, Lý Châu). Lạ chi, gặp đời ông Chúa thượng văn, thời Triều đình sao cũng có ban nhạc phủ, Triều đình có nhạc phủ, thời tao nhơn, mặc khách ở trị hạ tất phải hưởng ứng mà thành ra ca khúc, ca chương”. ([6])

Nay du khách vẵng nghe lời hát ru tán ca công nhiệp của Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã dẹp yên bọn cướp lộng hành làm hại khách đi đường trên đường thiên lý từ Bắc vào Nam qua vùng núi rừng ở làng Hồ Xá thuộc huyện Minh Linh (nay là Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) mà dân gian bản địa quen gọi địa điểm này là “Truông Nhà Hồ”:

Đường vô xứ Huế quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.

Thương anh em cũng muốn vô,

Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông Nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm. ([7])

Năm Nhâm Dần (1722), Văn chức Nguyễn Khoa Đăng, con trai Nguyễn Khoa Chiêm được cử làm Nha uý Nội tán kiêm việc quân cơ, đã dẹp yên bọn cướp bộ lộng hành ở vùng núi rừng xứ Ô Châu ác địa. Vẵng nghe lời tán ca ấy, mấy ai khổng tưởng nhớ đến ông Chúa thượng văn ở ngôi vị cao xứ Đàng Trong thời thượng bấy giờ. ([8])

Thời Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) ứng với 2 triều vua Lê Hy Tông (1675 - 1705) và Lê Dụ Tông (1705 - 1728). Nhã nhạc thịnh hành và đạt đến đỉnh cao dưới thời Hồng Đức từ năm 1470 – 1497. Theo Khâm Định Việt sử, năm Bảo Thái thứ 3 (1722), đời vua Dụ Tông đã có bài ca Phong niên, một trong 9 bài Nhã nhạc được gọi là Quỳnh Uyển cửu ca. Góp phần hình thành và phát huy Nhã nhạc ở xứ Đàng Trong không thể nào không nhắc đến vai trò của bậc khai quốc công thần vừa là nghệ nhân âm nhạc truyền thống: Đào Duy Từ (1572 – 1634) đã rời đất Bắc vào Nam quyết tâm phục vụ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. ([9])

Nguyễn Phúc Tứ là con trai thứ 8 của Chúa Nguyễn Phúc Chu, còn gọi Nguyễn Phúc Đán (1700 – 1753) là người giỏi thơ Nôm, sành nhạc lý, thông thạo kinh sử tử truyện. Con trai ông là Nguyễn Phúc Dực (1735 – 1771)  đã chế ra đàn Nam Cầm, tục gọi là đàn đáy, có tiếng rất thanh hòa âm với tiếng đàn nguyệt, đàn tỳ bà đệm đàn cho việc trình diễn ca Huế, hò Huế và các thể loại dân ca miền Trung trên các sân khấu rộng hẹp tùy nghi:

Này ông Quốc Thúc triều ta,

Đặt ra đàn đáy hiệu là “Cầm Nam”

Tre loan thay tiếng tơ tằm

Đem niềm phú quý đổi làm thần tiên.

(Nam Cầm khúc, câu 41-44, Tuy Lý Vương) ([10])

Quốc thúc ý chỉ Nguyễn Phúc Tứ còn viết và gọi là Tôn Thất Tứ, chú của Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1754 -1777) kết thúc 9 đời chúa Nguyễn trị vì xứ Đàng Trong.

IV. CHỈNH ĐỐN NGHIÊM MINH VIỆC HỌC HÀNH VÀ THI CỬ

Lúc còn niên thiếu, Thế tử đã là người văn võ song toàn: văn hay chữ tốt, giỏi tài thao lược. Suốt 34 năm trị vì thiên hạ, chúa Nguyễn Phúc Chu chỉnh đốn việc học hành và thi cử để tuyển chọn đúng người tài trúng cách Chính đồ và Hoa văn đã khai mở lần đầu ở Nam Hà vào tháng 7 năm Bính Tuất (1646) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan. Người đỗ Chính đồ được xếp thành 3 hạng: Giáp, Ất và Bính. Hạng Giáp được gọi là Giám sinh, 2 hạng Ất và Bính được gọi chung là Sinh đồ. Ngày nay khi tu gia phổ họ tộc ở xứ Đàng Trong, nhiều nhà còn phân vân về sự khác biệt giữa Chính đồ với Sinh đồ.

Đặc biệt vào tháng 8 năm Ất Hợi (1695), tổ chức thi Văn chức và Tam ty ở sân phủ chúa. Thi Đình ở Nam Hà bắt đầu từ khoa thi này. Thi cử ở Nam Hà không nặng tính cách từ chương và bề thế như ở kinh đô Thăng Long.

Thể lệ thi Văn chức phải qua 3 kỳ: kỳ đệ nhất thi tứ lục, kỳ đệ nhị thi thơ phú, kỳ đệ tam thi văn sách. Thi Xá sai ty thì hỏi về tiền thóc lúa xuất nhập và việc tố tụng. Thi Tướng thần và Lệnh sử thì viết một bài thơ. ([11])

Chất lượng thi cử được quan tâm hàng đầu khớp đúng với truyền thống dân tộc: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Mùa hạ, tháng 4, năm Quý Mão, 1723 thi Nhiêu học, lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò rất là sôi nổi. Chúa ra lệnh họp tất cả ở Chính dinh để chúa thi, tứ lục và thơ phú mỗi thứ một bài. Sĩ tử không làm nổi ra về, chúa bèn truất bỏ hết. ([12])

Bài học lịch sử về việc đào tạo và tuyển chọn nhân tài còn có giá trị thời sự cho thi cử hôm nay. Văn hay đi liền với chữ tốt, nét chữ thể hiện nết người, nhằm rèn luyện mẫu người trưởng thành, có bản lĩnh và nhân cách của bậc chân Nho thông tuệ Tam giáo.

Vừa là Quốc khách vừa là bổn sư của Quốc chúa, Thiền sư Thích Đại Sán đã chân tình góp ý tại giới đàn tại chùa Thiền Lâm vào mùa Phật đản năm Ất Hợi, 1695:

“…Nay nhà vua nên dựng nhà Quốc học, tôn thờ Khổng Thánh, tàng trữ sách Nho; mời các nhà lý học danh Nho ra làm thầy để giảng minh đạo Thánh. Từ Vương Thế tử, con em các đại thần, cho đến nhân dân tuấn tú đều cho vào học, rồi bày cách thi hạch, để phân biệt hơn thua; nung đúc lâu ngày, tự nhiên mọi người hiểu biết cương thường luân lý, trị đạo chính đại, dần dần trở nên một nước văn minh.” ([13])

Trong quan hệ ứng xử thể hiện lòng mến mộ và mối giao cảm giữa bổn sư với đệ tử, giữa khách với chủ, giữa đạo với đời, đan xen và hòa quyện lẫn nhau, Hòa thượng Thạch Liêm đã từng tôn phong Quốc chúa là nhà vua, thì lối xưng hô ấy là lẽ thường tình. Năm Giáp Tý (1696) nhân viết lời tựa sách Hải ngoại kỷ sự, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đã tự xưng Quốc vương theo lối thanh đàm văn học. Ở biển đề tặng chùa Quốc Ân, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu viết rõ 天瘲. Không thể nào vin vào sự kiện giao lưu văn hóa này để cho rằng chúa Nguyễn Phúc Chu đã xưng vương trước chúa Nguyễn Phúc Khoát đến 48 năm như một số nhà biên khảo đã viết.

Hòa thượng Thích Đại Sán là bậc lão tăng thông tuệ, giỏi tài ứng biện, đã viết rõ trong lời cáo bạch minh định rõ chánh danh chánh phận: “Tam giáo Thánh nhơn, khai hóa thiên hạ, từ việc lớn đến việc nhỏ đều có pháp độ chương trình. Đạo phải có gốc, học phải có thầy, không phải xuyên tạc đặt bày, để mượn tiếng làm thầy thiên hạ được.” ([14])

Việc dựng nhà Quốc học, tôn thờ Khổng Thánh, tàng trữ sách Nho thì ở xứ Thuận Hóa đã từng xây dựng Văn Thánh, mở các khoa thi để kén chọn nhân tài. Bằng chứng là chúa Nguyễn Phúc Chu đã sửa sang, mở rộng Văn miếu cũ ở làng Triều Sơn (nay là Triều Sơn Tây, huyện Hương Trà) và đến năm Canh Dần (1770)  dời về xã Long Hồ. Không những cư dân ở thủ phủ Thuận Hóa đã dựng lập Văn Miếu mà ngay tại các làng xã ở nông thôn thời bấy giờ có không ít Văn chỉ hoặc Văn từ, thậm chí cả Văn chỉ và Võ chỉ là đền thờ lộ thiên mà dân gian gọi là Văn Thánh và Võ Thánh. ([15])

Sách Văn học Nam Hà của Nguyễn Văn Sâm đã xếp Nguyễn Phúc Chu và con thứ 8 của chúa là Nguyễn Phúc Tứ (1700 – 1753) vào hàng các tác giả lớn kể từ Đào Duy Từ (1572 – 1634) cho đến Đặng Đức Siêu (1751 – 1810). ([16])

Vì thế mà thời Nguyễn Phúc Chu xuất hiện nhiều văn nhân lỗi lạc như Nguyễn Khoa Chiêm (1660 – 1720), Nguyễn Hữu Hào (? – 1713), Nguyễn Quang Tiền (1700 – 1770), Nguyễn Đăng Thịnh (1708 - ?), Nguyễn Cư Trinh (1716 – 1767). Đặc biệt, Nguyễn Dương Hạo và nữ sĩ Phạm Lam Anh nhờ xướng họa mà nên duyên vợ chồng.

V. BAN TẶNG BIỂN ĐỀ VÀ THƠ ĐỀ VỊNH

Một đời chúa Nguyễn Phúc Chu đã dày công tôn tạo 8 ngôi cổ tự bị hư hại trở thành huy hoàng tráng lệ: Tháng 5 năm Mậu Thìn (1688), ở tuổi 14 chúa đã chứng kiến việc dựng chùa công (quan tự) Thuận An, sửa chùa Mỹ Am ở núi Thúy Vân vào tháng giêng năm Nhâm Thân (1692), đổi miếu cũ cải dựng thành chùa Long Phúc tại An Định Nha ở miền núi huyện Minh Linh (nay là Gio Linh) vào tháng 8 năm Ất Hợi (1695), lưu bút tích ở chùa Bình Trung tại quê nhà của Đại thần Trần Đình Ân vào tháng 3 năm Quý Mùi (1703); đúc chuông và trùng tu chùa Thiên Mụ vào tháng 4 và tháng 6 năm Canh Dần (1710), sửa chùa Kính Thiên (vào năm Minh Mạng thứ 7 đổi tên Hoàng Phúc) ở làng Thuận Trạch, phủ Quảng Bình, trấn Thuận Hóa năm Bính Thân (1716); dựng chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ, nay thuộc huyện Phong Điền vào tháng 2 năm Tân Sửu (1721). Chưa rõ năm nào, chỉ biết Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban sắc chỉ bổ nhiệm Hòa thượng Hoán Bích, thế danh Tạ Nguyên Thiều giữ chức Trú trì chùa Quốc Ân.

Đặc biệt vào tháng giêng năm Nhân Thìn (1712), chúa dựng phủ mới ở làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền (nay là Bác Vọng Tây), tọa lạc trên lô đất rộng lớn nằm phía sau chùa Thiện Khánh tức chùa làng xưa. Cơ đồ phủ cũ trải qua gần 400 năm tuy đã mất dấu tích, nhưng khách tham quan vẫn thấy rõ không gian phủ chúa thời xưa ấy.

Ngoài ra chúa còn để lại bút tích ở tại các di sản đình chùa miếu vũ ở vùng Thuận Quảng, cụ thể:

- Tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, phía tây có cầu, chúa để lại nét đại tự, gồm 3 chữ lớn (Lai Viễn Kiều) bằng vàng để lưu dấu vào tháng 3 năm Kỷ Hợi (1719). ([17])

- Các biển đề ở chùa Hoàng Giác nay có tên mới Giác Lương ở làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền: 1 tấm khắc 5 chữ (Ngự Kiến Hoàng Giác Tự), 1 tấm khắc 3 chữ (Kế Thánh Đường) và 1 tấm khắc 2 chữ  (Cổ Lâu), phía tả khắc   (Quốc Chúa Thiên Túng Đạo Nhân Ngự Đề).

Tháng 8 năm Canh Dần (1734), chúa Nguyễn Phúc Thụ hiệu Vân Tuyền Đạo Nhân, noi gương thân phụ ban tặng biển đề tên chùa Hộ Quốc ở trấn Biên Hòa. Chúa Nguyễn Phúc Khoát có biệt hiệu Từ Tế Đạo Nhân đã noi gương, ban tặng nhiều biển đề bằng nét chữ Hán đại tự cho các chùa Báo Quốc, Khánh Vân, Quang Đức (nay là Kim Đức)…

Trước mùa Phật đản, PL 2555, chúng tôi tìm biết thêm một biển hiệu chùa Khánh Long tại làng Vinh Vệ, huyện Phú Vang do Quốc vương Nguyễn Phúc Khoát đề tặng, bằng nét chữ Hán cỡ lớn, gồm 6 từ: “Sắc Tứ Khánh Long Thiền Tự” ().Lạc khoản đề năm thứ 10 niên hiệu Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông tức năm Canh Ngọ (1750).

- Hai câu đối do chúa ban tặng cho chùa Quốc Ân (tên cũ Vĩnh Ân) tọa lạc tại khuôn viên thoáng rộng ở ấp cũ Phước Quả, nay thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế:

Câu 1:

(Bối diệp phiêu vân lục thời thiền tụng kỳ phong nẫm

Cà sa thấp vũ nhất vị thanh cơ kiến đạo xương)

Tạm dịch:

Khai kinh lá bối dường mây bay, sáu thời tụng thiền, cầu mong an lạc

Mặc áo cà sa thấm mưa pháp, nhất tâm thanh thoát, thấy đạo xương minh

Câu 2:

Bát bửu xán kim lương hiểu nhật lâm quan tiện hữu nhân hữu cảnh

Ngũ vân sinh ngọc đống xuân quang triều tọa hỷ bất tức bất ly

Tạm dịch:

Đồ cổ khí sáng rực rường vàng, mặt trời chiếu thiền môn, lưu luyến giữ người giữ cảnh

Mây ngũ sắc phủ quanh cột ngọc, ánh xuân chầu Phật Tọa, hoan hỷ chẳng phân chẳng ly. ([18])

Nội dung văn bia và bài minh trên bia đá dựng tại chùa Thiên Mụ đều thể hiện rõ nét tư tưởng chủ đạo trong đường lối trị nước của các chúa tiên triều được khẳng định bằng nhóm từ (CƯ NHO MỘ THÍCH). Tứ tự thành ngữ ấy hàm chứa ý nghĩa thâm sâu với cách diễn tả ý tưởng khác như “Đất nước thái bình, thân tâm an lạc”; “cả đạo lẫn đời chẳng trái đôi đường, đời cũng hòa nhập vào đạo vậy” nằm tản mạn trong văn xuôi chính luận của bi ký được dịch ra Việt ngữ. Bài minh được nhà chúa sáng tác theo thể loại sở từ đã khắc họa quan điểm chủ đạo ấy. Xin dẫn chứng hai câu tiêu biểu:

Phiên âm:

Quốc chi điện an hề, tứ cảnh u nhàn

Vô vi chi hóa hề, Nho Thích đồng ban

Nguyễn Sanh Mai dịch:

Quốc gia yên vững bền lâu,

Trong ngoài bốn cõi, một bầu thanh cao.

Vô vi đức hóa dồi dào,

Một nhà Nho Thích, ra vào hoan dân. ([19])

Ngoài thơ đề vịnh, viết biển hiệu ban tặng chùa Hoàng Giác, chúa Nguyễn Phúc Chu còn làm thơ thương nhớ Nguyễn Kính Phi nhũ danh Nguyễn Thị Lan gồm 4 bài Đường luật. Thơ được viết vào tường chùa Thiên Mụ nhân dịp tổ chức đàn chay trọng thể vào tháng 4 năm Ất Mùi (1715). Thơ viết theo điệu vong, với ý tưởng sâu lắng đượm đà tình nghĩa, tiêu biểu như hai câu kết của bài thơ thứ 4:

上方

Kim bằng diệu pháp không vương lực

Tiến bạt u hồn đạt thượng phương

Dịch thơ:

Nhờ phép Như Lai mầu nhiệm ấy

U hồn siêu độ thoát luân hồi. ([20])

Đối với đình thần tuổi cao, có nhiều công trạng, như Nguyên lão Đại thần Trần Đình Ân, chúa Nguyễn Phúc Chu dùng phương thuật xử thế và đãi lao xứng đáng. Tháng 8 năm Quý Mùi (1703), chúa ban bài từ và thơ tặng đại thần về hưu dưỡng ở chùa Bình Trung (nay gọi là Bình Đông thuộc làng Hà Trung, huyện Gio Linh). Tiêu biểu dẫn chứng hai câu tuyệt bút thể hiện nét thiền vị:

成辭紫

Chính nghiệp dĩ thành từ tử thụ

Đạo tâm hằng hiện khước hồng trần

Trần Vinh Anh dịch:

Đai tía không màng khi mãn sự

Đạo lành thường giữ lánh dương trần. ([21])

***

Dướithời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu trị vì, đất nước ổn định, thanh bình và bờ cõi mở mang đến tận Cà Mau và Hà Tiên. Hẳn đúng như lời ca ngợi của Văn thần Nguyễn Đăng Thịnh dâng lên Quốc vương Nguyễn Phúc Khoát vào năm Giáp Tý (1744):

“Bắt đầu một nước duy tân, danh phận đến hồi chính thuận,

Đã ngoài trăm năm tích đức, lễ nhạc đến lúc chấn hưng”. ([22])

Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đã có tầm nhìn chiến lược trong việc cai trị vương quốc với những nét đặc thù làm cho Văn học Nam Hà mỗi ngày một thêm phong phú và đa dạng, nhiều sắc thái bản địa. Dung hóa, hội nhậpcanh tân là ba nét đặc trưng tiêu biểu thể hiện tài trí và tính sáng tạo trước những thử thách mới ở vùng đất phương Nam.

Không nuôi dưỡng niềm tin và hoài bão lớn thì khó lòng làm nên công nhiệp lớn lao, rực rỡ. Thuận thời đất nước thanh bình, cho nên Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu thu phục nhân tâm thế đạo, chiêu hiền đãi sĩ làm đà tiến cho một vương quốc cất cánh vươn lên.

Ngoài việc đọc quốc sử, nay nếu có nhiều duyên may thâm nhập thực tế ở các làng quê ở vùng Thuận Quảng xưa, khách viếng cảnh như nghe, như thấy, như hưởng được hương vị, thanh âm xuất phát từ trong quá khứ, thời cực thịnh Nguyễn Phúc Chu của thời đại 9 chúa ở xứ Đàng Trong.

Chúa Nguyễn Phúc Chu đã gieo hạt mầm văn hóa mới dung nhập giữa văn hóa Bắc Hà và Nam Hà, tạo thành một những cầu mới hàn gắn sự khủng hoảng văn hóa và chính trị đang bị phân biệt giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài. Từ đó, người dân rời quê cha đất tổ vẫn còn nuối tiếc thời vàng son của tiền nhân mình, thì nay lại được an ủi bằng cách thâm nhập cái mới có sức sống lâu bền, vững chãi đầy hứa hẹn ở vùng đất phía Nam trù phú và nhân ái.

Cố đô Huế, ngày 26/04/2011.



* Ủy viên Ban Văn hóa GHPG tỉnh Thừa Thiên Huế.

(1)  Đại Nam nhất thống c, Thừa Thiên phủ, Tập Thượng, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn  hóa xb, S, 1961, tr.53 – 54.- Dịch giả chú thích năm mất của chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1724. Không rõ sai lầm do in ấn hay lý do khác.

([2])  (   , )  (Hải ngoại kỷ sự, Trung Ngoại Giao Thông Sử Tịch Tùng San, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2008, trang 31. Ở vế 2 câu đối, chữ đọc là chẩm chứ không phải phiên âm là tránh như bản dịch Hải ngoại kỷ sự, sđd.

 KHÔI VU TRUNG SINH CẦM TỔ TƯỚC, VÔ NA DẠNG ĐỔ BÌ, CHẪM NĂNG TIÊU DIÊM LÃO PHẠN TIỀN

[3] Hải ngoại kỷ sự, Thích Đại Sán, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1963, tr.35, 40, 49, 53, 55, 70, 72, 73, 85, 91, 113.

[4] Đại Nam thực lục, Tập Một, Viện Sử học dịch, NXB. Giáo Dục, H, 2004, tr.130.

[5] Đại Nam thực lục, Tập Một, Sđd, tr.53, 58, 88.

[6] Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Bán buồn mua vui, NXB. Vỹ Dạ, Huế, 1951, tr.4

[7] Thích Phước Như (Đoàn Phước Trị), Tiếng Hương Bình, NXB. Thuận Hóa, Huế, 2010, tr.349

[8] Đại Nam liệt truyện, Tập 1, Viện Sử học dịch, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1994, tr.149, 150

[9] Trương Đình Tín, Vua chúa Việt Nam qua các triều đại, NXB. Đà Nẵng, 2008, tr.186, 187.

[10] Hoàng Trọng Thược, Hương Bình thi phẩm, NXB. Sao Mai, Đà Nẵng, 1962, tr.31, 34.

[11] Đại Nam thực lục, Tập Một, sđd, tr.111, 112

[12] Đại Nam thực lục, Tập Một, sđd, tr.137, 138

[13] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr.53

[14] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr.43

[15] Trần Trọng Kim, Luân lý giáo khoa thư, Nha Học chính Đông Pháp xb, H, 1931, tr.110, 111.- Người Huế quen gọi Văn Thánh thay vì Văn Miếu.

[16] Nguyễn Văn Sâm, Văn học Nam Hà, NXB. Lửa Thiêng, S, 1974, tr.69, 82. Sách ghi sai năm sinh của Nguyễn Phúc Tứ, năm 1700 thay vì năm 1669! Nguyễn Phúc tộc thế phả, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước Tộc, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1995, tr. 1960. Nguyễn Phúc Tứ được thờ tại nhà thờ Lạng Giang Quận công, số 20 đường Nguyễn Tuân, phường Xuân Phú, Huế.

[17] Đại Nam thực lục, Tập Một, sđd, tr. 137

[18] Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, sđd, tr. 87

[19] Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 283

[20] Đại Nam liệt truyện, Tập 1, sđd, tr. 29 – 30

[21] Lê Đình Cai, 34 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), NXB. Đăng Trình, S, 1971, tr. 62 – 63

[22] Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, Lê Xuân Giáo dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, S, 1973 tr. 110

Nguyên văn câu tán thán chúa Nguyễn Phúc Chu:

Chính danh phận vu nhất quốc duy tân chi thỉ

Hưng lễ nhạc vu bách niên tích đức chi dư

(

)

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6561488