ẢNH HƯỞNG CỦA CHỮ HÁN ĐỐI VỚI TƯ DUY CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC
VU HỒNG OANH (Trung Quốc)
NGUYỄN HẢI HOÀNH (chuyển ngữ)
Ta thường nói phương thức tư duy của người Trung Quốc khác người phương Tây. Tư duy của người phương Tây có tính trừu tượng, tính lý trí. Tư duy của người Trung Quốc thì có tính hình tượng, cảm tính. Sự khác nhau ấy hình thành như thế nào? Tác giả cho rằng, sự khác biệt về chữ viết của người Trung Quốc và người phương Tây là nguyên nhân quan trọng gây ra sự khác nhau về phương thức tư duy.
Hình thức viết chữ của ngôn ngữ phương Tây là văn tự chữ cái, loại văn tự [tức chữ viết] này đã không biểu hình cũng không biểu ý, mà chỉ biểu âm. Cũng tức là nói nó hoàn toàn cắt đứt mối liên hệ trực tiếp với hình tượng, là loại ký hiệu ghi chép ngôn ngữ thuần tuý. Trong văn tự chữ cái, phần lớn các chữ cái đơn độc đều không có ngữ nghĩa gì, [vì thế] rất tự nhiên, người ta có thể dùng chữ cái làm ký hiệu có ý nghĩa phổ biến đểtiến hành trừu tượng hóa bản chất một sự vật nào đấy, qua đó xây dựng mối quan hệ trừu tượng “một đối với toàn bộ” giữa cá biệt với phổ biến và tiến hành nghiên cứu quy luật hóa [như dùng chữ cái để viết các biểu thức toán học, vật lý, hóa học]. Loại văn tự chữ cái thuần túy ghi chép ngôn ngữ này thường xuyên kích thích trí não con người, dần dần hình thành đặc điểm của người phương Tây là có sở trường về tư duy trừu tượng. Chữ Hán của Trung Quốc [là loại văn tự phi chữ cái] lấy biểu ý làm chính, kiêm cả biểu hình, biểu âm, xét về kết cấu tự hình (toàn bộ hoặc một phần) đều trực tiếp kết nối với một ý tưởng cụ thể nào đó. Vì thế, cái mà người Trung Quốc ý thức được là mối quan hệ cụ thể giữa ngữ âm và ngữ ý tồn tại trong ngôn ngữ, song lại không thể ý thức được mối quan hệ trừu tượng. Khi ta dùng loại ngôn ngữ ấy [tức chữ Hán] làm công cụ đểxem xét các hiện tượng tự nhiên và xã hội, nó sẽ ngăn cản việc ta nhận thức mối quan hệ trừu tượng giữa các hiện tượng đó. Nói cách khác là chỉ có thể cảm nhận được mối quan hệ cụ thể “một đối với một” giữa các sự vật mà không cảm nhận được mối quan hệ “một đối với toàn bộ” tồn tại giữa các sự vật đó.
Ngoài ra, người phương Tây từ sớm đã nghiên cứu hình thức hóa ngôn ngữ. Trên cơ sở chữ cái, người Hy Lạp sáng lập môn ngữ pháp học. Trên cơ sở nghiên cứu hình thức hóa kết cấu ngữ pháp, người Hy Lạp sáng lập môn Logic học. Như vậy, ngôn ngữ học biến thành một môn học độc lập ở giữa “khoa học nhân văn” với “khoa học tự nhiên”. Môn Logic hình thức do Aristotle sáng lập đã đặt nền móng tư duy cho sự phát triển khoa học của hậu thế ở phương Tây. Các học giả phương Tây cho rằng ngôn ngữ và tư duy thì dựa lẫn nhau. Như lời Hegel: “Hình thức tư duy trước hết được thể hiện và ghi lại trong ngôn ngữ của mọi người”. John Dewey cũng nói “Tư duy mà không có ngôn ngữ thì không thể tự tồn tại”. Vì thế, xưa nay người phương Tây đều coi trọng nghiên cứu ngôn ngữ. Cho tới thời cận hiện đại, ngôn ngữ học của họ vẫn dẫn đầu bỏ xa phần còn lại của thế giới.
Trong chữ Hán, phần “ngữ” [nói] tách rời phần “văn” [viết], điều đó làm cho tư duy của người Trung Quốc ít phụ thuộc vào ngôn ngữ. Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng không thể dùng ngôn ngữ đểbiểu đạt cảnh giới [trình độ] cao nhất về tư tưởng của họ. Như “Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh” (“Lão Tử”) [Đạo diễn tả bằng lời được thì không phải là Đạo vĩnh cửu; Tên mà có thể gọi tên được thì không phải là tên vĩnh cửu]; “Khả dĩ ngôn luận giả, vật chi thô dã; khả dĩ ý chí giả, vật chi tinh dã” (“Trang Tử-Thu Thủy”) [Cái có thể bàn luận được là phần thô của vật; cái có thể dùng ý niệm để đạt được là phần tinh túy của vật]; “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” (“Chu Dịch-Hệ từ thượng”) [Sách không thể nói được hết lời, lời nói không thể nói được hết ý] ; “Bất trước nhất tự, tận đắc phong lưu” 不著一字,尽得风流 (“Thi Phẩm-Hàm súc”) [của nhà thơ Tư Không Đồ 司空图, 837-907] [Chẳng dùng lời văn để biểu đạt rõ ràng mà đã thể hiện được cái đẹp của sự sống. Ý nói làm thơ thì nên ít lời, lời lẽ phải hàm súc, dùng bút pháp hình tượng hóa], v.v…
Tương ứng, Trung Quốc không coi trọng việc nghiên cứu ngôn ngữ. Tại Trung Quốc thời cổ, ngôn ngữ học chưa bao giờ được phát triển độc lập. Âm Vận học truyền thống là vật phụ thuộc của Kinh học. Người ta chỉ nghiên cứu Âm Vận học khi cần viết thi phú và giải thích câu chữ của Kinh thư [huấn cổ kinh thư]. Thậm chí, giới học giả còn chê bai chữ viết, âm vận, huấn cổ là “tiểu học” [tức học vấn nhỏ, thấp]. Mãi cho đến cuối thế kỷ XIX, Mã Kiến Trung mới bắt chước ngôn ngữ học phương Tây viết được trước tác ngữ pháp đầu tiên của Trung Quốc là bộ “Mã thị văn thông”. Sau đấy, ngôn ngữ học Trung Quốc mới từng bước độc lập phát triển.
Tư duy trừu tượng yêu cầu ngôn ngữ phải có tính chính xác, tính phân tích và tính khái quát. Ngôn ngữ của tư duy hình tượng, thì có tính mơ hồ, tính toàn bộ và tính cụ thể. Hai loại tư duy và ngôn ngữ khác nhau ấy ảnh hưởng sâu sắc tới khí chất của văn hóa Trung Quốc và phương Tây. Như ngôn ngữ của các bậc tiên triết Trung Quốc có tính cụ thể [cụ tượng], tính ví von [tỉ dụ], nhấn mạnh sự phản tỉnh, thể nghiệm và giác ngộ trong nội tâm. Triết học phương Tây, thì có sở trường về tính chặt chẽ và tính tư biện. Phần lớn các trước tác của Trung Quốc đều rất tổng hợp. Một bộ “Luận ngữ” bao quát nhiều nội dung: Tư tưởng chính trị, tư tưởng triết học, tư tưởng giáo dục, tư tưởng tâm lý học, tư tưởng luân lý học… của Khổng Tử. Nói chung, các trước tác học thuật của phương Tây đều phân loại. Như trước tác logic học của Aristotle là “Bàn về công cụ”, trước tác tâm lý học là “Bàn về linh hồn”; trước tác về lý luận mỹ học, nghệ thuật có đại diện là “Tu từ học”, “Thi học”; ngoài ra còn có các trước tác về mặt chính trị học như “Chính trị học”, “Chế độ chính trị Athens”.
Về mặt văn hóa vật chất, các kiến trúc của Trung Quốc mà đại diện là Cố Cung Bắc Kinh, Khổng miếu ở Khúc Phụ đều có tính chỉnh thể [tổng thể] rõ rệt. Các kiến trúc của phương Tây thì phóng khoáng, không bó buộc trong một phong cách, nhiều phong cách đan xen nhau rất thú vị. Tính phân tích và tính chính xác của tư duy trừu tượng làm cho nghệ thuật phương Tây theo đuổi sự tìm kiếm chân lý và tái hiện. Nhưng tính chỉnh thể và tính mơ hồ của tư duy hình tượng, biểu hiện trên quan điểm mỹ học của người Trung Quốc, thì tìm kiếm cái giống nhau và siêu thoát. Các nghệ sĩ Trung Quốc không dành nhiều công sức và thời gian vào việc tìm kiếm chân lý [cầu chân] mà theo đuổi tìm kiếm một kiểu hiệu quả nghệ thuật “siêu chân”, vài đường nét, vài chấm mực là đủ cho người ta hưởng thụ cái đẹp. Đại sư quốc họa Tề Bạch Thạch nói “Cái kỳ diệu thì ở giữa giống và không giống” 妙在似与不似之间. Đại sư Tư Không Đồ từ xưa đã nói trong “Thi phẩm” 离形求似 “Li hình cầu tự” [Tìm cái giống nhau ở chỗ rời khỏi hình]. Đó là một truyền thống. Cho dù là hội họa hoặc thơ của Trung Quốc, bao giờ cũng đem lại cho người ta một bầu trời đất tưởng tượng vô hạn, khiến họ có một dư vị vô tận sau khi thưởng thức. “Đọc thơ của Vương Duy thấy trong thơ có hội họa; ngắm tranh của Vương Duy thấy trong tranh có thơ” [味摩诘之诗,诗中有画;观摩诘之画,画中有诗]. Vị ma khiết chi thi, thi trung hữu họa; quan ma khiết chi họa, họa trung hữu thi]. Một câu ngắn ngủi lời Tô Đông Pha bình phẩm Vương Duy đã toát lên vẻ đặc sắc của nghệ thuật Trung Quốc.
Tóm lại, tính mơ hồ, tính cụ thể [cụ tượng] của tư duy hình tượng làm cho triết học và mỹ học Trung Quốc có phong cách riêng, song lại cản trở sự phát triển lý luận khoa học. Hình thái khoa học kỹ thuật (KHKT) Trung Quốc cổ đại có đặc trưng là sáng tạo kỹ thuật, là loại phát minh sáng tạo trên mặt kinh nghiệm thực tiễn [không có sáng tạo khoa học]. Khoa học khác với kỹ thuật. Khoa học là một hệ thống lý luận xây dựng trên ký hiệu và tính toán ký hiệu, là sự nghiên cứu dựa vào bản chất và mối liên hệ phổ biến của các sự vật cụ thể, nó yêu cầu tính chính xác, tính phân tích. Vì thế, văn tự ký hiệu và tư duy trừu tượng tương thích với nó về mặt này được trời hậu đãi. Nhưng quan niệm biểu đạt tư duy dùng hệ thống ký hiệu chữHán làm hình thức biểu hiện, thì lại hạn chế tư duy sáng tạo của người Trung Quốc đối với các loại ký hiệu khác, hạn chế sự phát triển KHKT và văn hóa Trung Quốc. Có lẽ đây là một nguyên nhân sâu sắc làm cho sự phát triển KHKT của Trung Quốc kể từ thời cận-hiện đại sa sút ghê gớm.
Trong số mấy nền văn minh cổ đại, duy nhất có văn minh Trung Quốc chưa từng bị gián đoạn. Từ thời Tần–Hán tới nay, Trung Quốc luôn luôn ở vào trạng thái phát triển chậm. Văn minh phương Tây một khi đã cất bước, thì phát triển mạnh mẽ nhanh chóng. Nhà Hán học người MỹJohn Fairbank nói quỹ đạo tiến bộ của xã hội phương Tây là một đường tương đối thẳng, còn xã hội Trung Quốc dường như luôn đi đường vòng, về bản chất là sự trùng lặp hết lần này đến lần khác. Tại sao lại như vậy?
Fairbank cho rằng điều đó có liên quan tới sự “duy trì ngữ cảnh truyền thống” hình thành bởi chữHán. Trước tiên, sự diễn biến của chữHán trước sau luôn xoay quanh hội họa nguyên thủy (hoặc nội dung nguyên thủy) mà tiến hành suy diễn kiểu tiệm tiến, biến đổi chậm chạp nhưng có tính tiếp nối liên tục. Trong môi trường ngữ cảnh như vậy, văn hóa buộc phải tiếp nối [truyền tập], phải giữ truyền thống. Khi đã hình thành ngữ cảnh như thế, bèn bắt đầu bỏ qua thậm chí từ chối “tính ngẫu nhiên”. Thế nhưng, dù là trong lịch sử tiến hóa sinh vật, lịch sử phát triển KHKT hay là lịch sử phát triển xã hội phương Tây, thì “tính ngẫu nhiên” đều có ý nghĩa tô đậm, miêu tả rõ nét. Do bỏ qua và từ chối “tính ngẫu nhiên” mà xã hội Trung Quốc thiếu vắng “động lực ngẫu nhiên” cho sự biến đổi cải cách, vì thế mà rơi vào vòng “trùng lặp”.
Tóm lại, trong tiến trình tư tưởng, khoa học và xã hội, tiếng nói chữ viết không phải ở vào địa vị bị động. Trên ý nghĩa nào đó, tiếng nói chữ viết là linh hồn của một dân tộc, nó tạo dựng nên tính cách một dân tộc, nó chủ động thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển của một dân tộc, nó cũng làm cho mỗi dân tộc trình diễn bộ mặt riêng của mình, làm cho khu rừng dân tộc của thếgiới phong phú nhiều màu sắc.
Bình luận bài viết